Chú thích (001 - 132)

vách quế: vách quế, cung quế là nơi cung-điện gọi là Quế-cung. Sách Nam-bộ yên hoa ký chép : Vua Trần Hậu-chúa làm một nơi cung-điện cho cung-phi Trương lệ Hoa ở tại sau điện Quang-chiêu, xây một cửa tròn lớn, khảm tấm thủy-tinh pha-lê như hình mặt trăng, sau bôi phấn trắng, giữa sân rộng, trước cửa ấy chỉ trồng một cây quế, tượng hình cây quế trong mặt trăng, như lời thế-tục nói: Nguyệt trung đơn quế. Cung ấy gọi là Quế-cung.
Quế tức là cây Mộc-tê tục gọi cây hoa-mộc, hoa từng chùm như cái vỏ lúa, có hương thơm xa.
Đây dùng vách quế mượn điển xưa, chỉ nơi của cung-nhân có sắc đẹp được vua yêu ở đấy.

gió vàng
: bởi chữ Kim-phong là gió mùa thu, mùa thu thuộc số ngũ-hành là chữ kim, về vị-trí thu ở hướng tây, về số địa-chi thuộc quẻ Canh-tân loài kim, nên gọi thu là Kim-thiên. Gió thu là Kim-phong : gió vàng.
vũ-y: áo dệt bằng lông chim ngũ sắc để dùng múa, có vẻ lộng-lẫy như các tiên bay trên trời. Những cung-phi thường mặc áo ấy để khi có cuộc vui, chầu ngự múa.
tiêu-phòng: Đời xưa ở nơi phòng bà Hoàng-hậu ở, dùng tiêu tán nhỏ, bôi vào vách cho thơm và ấm, gọi là tiêu-đồ. Đây dùng Tiêu-phòng tức nơi phòng bôi tiêu, nơi cung cấm các bà hậu-phi ở.
tạo-hóa: nghĩa là trời đất sáng-tạo và hóa-dục muôn vật.
Vẻ phù-dung: là vẻ đẹp của hoa Phù-dung. Hoa ấy màu cung phấn đỏ nhạt, hoa lớn gồm 4,5 hoa tường vi, buổi mai nở, buổi chiều tàn, thường ví nhan-sắc người đẹp.
Thơ Bạch cư Dị, bài Trường-hận ca, tả tình vua Đường Minh-hoàng nhớ bà Dương quí-phi có câu : Phù-dung như diện liễu như my : hoa phù-dung như mặt, lá dương-liễu như mày.
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu-dung: Câu này dùng điển nàng Ban tiệp Dư là một cung nhân của vua Thành-đế nhà Hán, bà làm nữ-quan đến chức Tiệp Dư họ là Ban, được vua yêu lắm, sau bị nàng Triệu phi Yến gièm, bà sợ nguy thân xin vua cho ở chầu hầu bà Thái-hậu, mẹ vua ở cung Trường-tín. Từ khi bà về ở cung ấy thì sự sủng-hạnh ngày một phai dần, nên bà đã đề một bài thơ ở trên cái quạt tròn, bằng một thứ bát tơ trắng gọi là gọi là Tề-hoàn mà bà tự dệt ra và tự chế thành cái quạt tròn, để tự ví thân phận mình, thơ rằng :
Tân chế Tề hoàn tố
Hạo khiết như sương tuyết
Tài thành Hợp-hoan phiến
Đoàn-đoàn tự minh nguyệt
Xuất nhập quân hoài tụ
Động đạo vi phong phát
Thường khủng thu tiết chí
Lương viêm đoạt viêm nhiệt
Khí nguyên giáp tư trung
Ân-tình trung đạo tuyệt.

Nghĩa là :
Mới chế lụa Tề trắng
Trong sạch như sương tuyết
Đem làm quạt Hợp-hoan
Tròn hinh giống mặt nguyệt
Ra vào trong tay vua
Lay động sinh gió mát
Thường sợ tiết thu đến
Gió mát cướp nồng nhiệt
Ném cất vào xó rương
Nửa đường ân-ái tuyệt.

Cái quạt và bài thơ Ban tiệp Dư tự ví mình như cái quạt Hợp-hoan tròn đã từng được vua yêu-chuộng nhưng phải ném cất vào xó rương, vì hơi thu mát đã cướp mất gió mát của quạt, nên ân tình nửa đường phải đoạn tuyệt. Ví mình bị người dèm pha, bị vua ghét bỏ.
Đây tác giả dùng chữ "gấm" cho khỏi dùng chữ Tề-hoàn là một thứ lụa mỏng hay bát tơ có vẻ sáng đẹp dùng làm quạt rất dẹp. Đáng lẽ nói lụa nàng Ban, hay quạt nàng Ban. Bởi chữ gấm ấy mà lắm người không rõ lại giải-nghĩa- Gấm của nàng Ban tiệp Dư và nàng Triệu phi Yến dệt, thì rất vô nghĩa. Vả những chữ Đoàn-phiến : quạt tròn, chữ "Thu-dung" là dung mạo lạnh lẽo mùa thu, thảy là những chữ thành-ngữ của Ban tiệp Dư, đọc đến biết ngay không phải nghi-hoặc gì nữa.
Áng Đào Kiển: Áng cái khuôn-khổ, nề-nếp có vẻ đẹp, hoặc có văn-chương hay. Đào Kiển là Đào Kiển phu-nhân là tên riêng của nàng Qua tiểu Nga. Sử nhà Nguyên chép : một cung-phi phong chức Thục cơ nhất-phẩm phu-nhân đời vua Thuận-đế nhà Nguyên là Qua tiểu Nga có thể chất rất lạ : trắng mà ửng màu hồng, mỗi khi rửa mặt hoặc ra mồ hôi ướt da, thì mặt có vẻ tươi như hoa đào ngậm lộ, càng thêm vẻ yêu kiều. Vua Thuận-đế gọi nàng là yêu đào nữ : gái đào thơ ; nhân lời vua mà trong cung kêu nàng là Đào Kiển phu-nhân : phu-nhân có vẻ đẹp uốn vặn dã-dượi như cây đào non. Nàng có vẻ đẹp ấy, riêng được vua yêu chuộng hơn các cung-phi khác làm cho cung nhân phải phiền não.
Khoé thu-ba: khoé là khóe con mắt. Thu ba là sóng mùa thu, nước thu thường đầy, sóng thu càng đẹp. Con mắt người gái đẹp có vẻ uớt và sáng như sóng mùa thu.
sóng khuynh thành: Làn sóng làm cho thành nghiêng đổ, nghĩa bóng, đôi con mắt liếc, người phải theo đến nỗi nghiêng thành. Kinh thi có câu:
Triết phu thành thành, Triết phụ khuynh thành :
Người đàn ông giỏi dựng nên một thành trì, người đàn bà đẹp làm nghiêng đổ thành trì.
mây mưa: bởi chữ vân-võ, bởi điển vua Tương vương nước Sở đi chơi đầm Vân-mộng gần núi Vu-sơn chiêm bao thấy một người gái rất đẹp đến chung chạ chăn gối với Vương, và tự xưng là Vu-sơn thần nữ : thần nữ ở núi Vu-sơn. Lại nói: mỗi buổi mai thần nữ làm mây, buổi chiều làm mưa ở núi Vu-sơn. Về sau Vương nghiệm xen quả thật như lời Thần nữ nói trong giấc mộng, bèn lập đền thờ Thần nữ ở chân núi Vu-sơn. Bởi điển ấy người sau dùng chữ "vân" "mây mưa" mà ví sự trai gái chăn-gối chưng chạ ấp-yêu. Hoặc dùng chữ non Thần, non Vu, đỉnh Giáp, đều nghĩa ấy.
cá lờ-đờ lặn: Sách Trang tử nói : sắc đẹp nàng Vương Tường và Lệ Cơ đẹp dến nỗi con cá thấy phải chìm lặn, con nhạn thấy phải bay cao, tức chữ "Trầm ngư lạc nhạn" : cá lặn nhạn sa, ý nói đẹp quá con cá con nhạn đều phải tránh bay cao . Người sau đổi chữ bay cao làm chữ sa xuống mà nói: "cá lặn nhạn sa".
nhạn ngẩn-ngơ sa: Xem chú thich số 12 ở trên.
Tây Thi, Hằng Nga: tên người con gái quê làm vải sợi, giặt vải sợi, ở thôn Trữ-la, có sắc đẹp tuyệt thế. Đời Xuân thu vua Việt-vương là Câu Tiễn bị thua vua Ngô-vương ở đất Cối-kê, sau mưu thần của Việt-vương là Phạm Lãi mua nàng Tây Thi về dạy ca múa thành tài, rồi đem dâng vua Ngô là Phù Sai tại nơi điện Cô-tô. Phù sai yêu nàng, mê say phải mất nước. Về sau Phạm Lãi đem Tây Thi đi chơi cảnh Ngũ Hồ mất tích.
"Hằng Nga" nguyên là vợ chàng Hậu Ngại đời vua Hoàng đế. Ngại học tiên, cầu được thuốc trường sinh bị Hằng Nga uống trộm thành tiên bay lên cung trăng (Liệt tiên truyện)
Tây Thi và Hằng Nga là hai người có nhan-sắc tuyệt thế.
Câu cẩm-tú:Cẩm-tú là gấm thêu
họ Lý: tức là Lý Bạch là một thi-nhân đời Đường, có tiếng giỏi văn-chương xưng là "miệng gấm lòng thêu" (tú khẩu cẩm tâm) Lý Bạch hiệu là Thanh Liên. "Chàng Vương" là Vương Duy có tài vẽ khéo thơ hay, trong thơ có vẽ có thơ. Vương Duy hiệu là Ma Cật. "Lý Bạch, Vương Duy" là hai nhà thơ hay vẽ khéo đời Đương.
đan-thanh:Sắc đỏ sắc xanh
Lưu Linh: sinh ra khoảng cuối đời Tấn, người đất Bái, tự là Bá Luân. Có tính phóng-khoáng hay uống rượu, cùng ông Nguyễn Tịch, Khê Khương kết bạn thân, có làm bài Tửu đức tụng chúc tụng đức tính của rượu. Ông làm quan với nước Tấn đến chức Kiến-oai tướng-quân.
Đế Thích: tên Lý Chế là một sư có tài đánh cờ vây (cờ tiên) rất cao. Chưa rõ ở đời nào
tri-âm:người tinh-sành âm-luật, gọi là tri-âm. Cổ-thi có câu :"Bất tích ca giả khổ, đãn thương tri-âm hy" : không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau-đớn người tri-âm ít mà thôi.
Tư-mã: Tư-mã Tương Như người ở Thành-đô đời Hán, có tài học giỏi đàn hay, đã đàn khúc Phụng Cầu làm cho nàng Trác văn Quân bỏ nhà theo làm vợ
Tiêu-lang:chàng Tiêu, tức Tiêu Sử đời Xuân-thu, có tài thổi ống tiêu như tiếng chim phụng kêu; dạy nghề ấy cho vợ, là con ông Mục-công nước Tần là nàng Lộng Ngọc thành tài. Có chim phụng bay xuống, hai vợ chồng cỡi phụng bay lên trời thành tiên (chuyện chép ở Liệt-tiên-truyện).
Bệnh Tề Tuyên:Vua Tuyên-vương nước Tề trong khi nói chuyện trị nước (chính-trị) với thầy Mạnh-tử, có nói câu "quả-nhân hữu-tật, quả nhân hiếu sắc :kẻ quả-nhân (tụ xưng) này có tật, kẻ quả-nhân này ưa sắc". Đó chỉ là một câu nói ví-dụ ở trong việc chính-trị, mà đây dùng lối "đoạn chương thủ nghĩa" (cắt câu lấy nghĩa) cho thêm lý-thú khôi-hài. Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên, tức bệnh ưa sắc đẹp của một đấng quân-vương.

khuynh thành: sắc đẹp đàn làm đến nỗi nghiêng thành nghiêng nước

bắn sẻ: bởi chữ tước-bình. Tước là con sẻ hoặc con công. Bình là bức tranh chắn gió. Đây dùng tích chọn rể. Sách Đường-thư chép : cha bà Đậu Hậu là ông Nghị chọn rể, bèn vẽ con công trên một bức bình-phong, để những con nhà quí-phái ai bắn trúng con mắt chim ấy thì được gả con. Sau đã có lắm người bắn không trúng. Cuối cùng là Đường Cao-tổ (khi chưa làm vua) bắn trúng, được vợ tức Đậu Hậu. Về sau dùng tích ấy là sự chọn rể. Tước là con công ( khổng-tước) hay chim sẻ. Đây dùng chữ bắn sẻ, vì chữ Tước có hai nghĩa con công, con sẻ.
mong sao: là trông ngôi sao trên trời Bởi chữ Tinh-kỳ ở Kinh Thi nói sự thành hôn, nên lễ cưới vợ có câu : " Trù mâu thúc tân, tam tinh tại thiên, kim tịch hà tịch, kiến thử lương-nhân,: Chăm chỉ bó củi,trông ba ngôi sao trên trời. Đêm này hay là đêm nào, sẽ thấy người bạn lành của ta; ý nói khi làm-lụng và trông có lứa đôi. Đây dùng mong sao, lấy ý câu ấy. (Sự dò tuổi hỏi tên cầu bề phối-ngẫu cũng gọi mong sao).
Gan chẳng đá khôn đường há chuyển: ý nói tấm lòng vốn không phải là đá mà dễ lay-chuyển được. Kinh Thi, thiên Bá Châu :"Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển gỉa".
Thiên-thai: tên núi có tiên ở. Đời Đông Hán có Lư Thần và Nguyễn Triệu vào hái thuốc ở núi Thiên-thai, gặp hai tiên-nữ kết làm vợ chồng, được vài tháng nhớ nhà xin về thăm. Về đến nhà đã quá bảy đời người, chỉ còn đứa cháu bảy đời. Sau Lưu và Nguyễn lại rủ nhau vào núi mất tích. Hai người còn cốt phàm-thai nên không trọn đời làm tiên.
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi: ý nói mua được nụ cười dù có vàng nghìn lượng cũng chẳng có. Thơ Vương tăng Nhu vịnh người hầu yêu: "Nhất tiếu thiên kim mãi" : một nụ cười nghìn lạng vàng cũng mua. Thơ Lý Bạch : "Mỹ-nhân nhất tiếu hoán thiên kim": nụ cười người đẹp xứng một nghìn lạng vàng.
Sợi xích-thằng: dây đỏ. Vy Cố đời Đường ở Tống-đô, đêm đi chơi mát, gặp ông già ngồi xem sách ở dưới trăng, bên có cái đãy đựng tơ đỏ (xích-thằng) hỏi ông đáp rằng: Quyển sổ này chép tên tuổi, đãy đựng sợi tơ đỏ để buộc duyên-phận vợ chồng người. Những người đã ghi tên vào sổ này, dù người thù hoặc ở nước khác cũng vầy nên chồng vợ. Ông này không có tên, ông xem sách dưới trăng nên gọi Nguyệt-lão :ông già dưới trăng. "Trăng già" đều nghĩa ấy.
Nước dương: bởi chữ Dương-chi-thủy, giọt nước nơi cành dương-liễu. Sách Pháp-uyển Châu-lâm chép : ông sư tên Phật đồ Trừng người nước Thiên-trúc một hôm ông Thạch Lặc mời đến nhà chơi, vừa có đứa con đau bệnh nặng. Phật đồ Trừng lấy cành dương liễu tẩm nước phép rảy cho đứa bé đau, liền lành khỏi, Phép ấy của Phật Quan Âm có bình ngọc cắm cành dương-liễu.
Cũng còn tiền-định: Sách Mạnh Tử nói : nhất ẩm nhất trác sự giai tiền-định. Vạn sự phận dĩ định, phù-sinh không tự mang : một bữa ăn bữa uống cũng đã có định trước, muôn việc thảy có định phần cả; chỉ có sự sống trôi-nổi làm nên băn-khoăn mà thôi.
bãi bể nương dâu: bởi chữ tang thương: tang là cây dâu, nương trồng dâu. Thương là bể khơi, bãi bể. Sách Liệt-tiên-truyện chép: Bà Ma-cô tiên-nữ đã nói bà từng thấy một nơi kia đám nương trồng dâu đã ba lần hóa thành bể khơi, bãi bể v. v...Ý nói sụ thay đổi nơi trần thế nhiều lần. Tang-hải-Tang-thương- Bãi bể nương dâu- Bể dâu, đều nột nghĩa.
bể khổ: bởi chữ khổ-hải. Tiếng nói của nhà Phật, ví sự khốn-khổ mênh-mông vô cùng như bể vậy.
bến mê:bởi chữ mê-tân, nhà Phật nói: sự ngờ vực ở nơi tam giới và lục đạo thì gọi là Mê-tân, bến lạc đường phải nhờ thuyền Từ-bi của Phật mới đưa vào đến bến.
Mùi tục-vị lưỡi tê tân-khổ: có bản chép"tục-lụy" e sai vì "tục vị" mới đối với "thế đồ" (vị: mùi ; đồ: đường).
bào ảnh: là cái bọt cái bóng. Kinh Kim-cương bát nhã nói: nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ riệc như điện, ưng tác như thị quan nghĩa là : hết thảy những điều có làm, có bắt chước thảy là như giấc chiêm bao, như chuyện huyền-ảo, như bọt nước, như bóng đèn, như giọt móc và cũng như ánh sáng của chớp-nhoáng, thì hết thảy nên xem như vậy cả. Ý nói những sự hiện hữu trên đời đều không được lâu bền.
Trẻ tạo-hóa: bởi chữ tạo-hóa tiểu-nhi, trẻ nhỏ tạo-hóa, lời nói bỡn gọi ông trời bằng trẻ con; bởi điển ông Đỗ thẩm Ngôn đời Đường, khi đau nặng, bọn ông Tống chi Vấn vào thăm, Đỗ thẩm Ngôn nói rằng :"Ngao ngán thay trẻ tạo-hóa làm ta nên khổ-sở..."
Chết đuối người trên cạn: bởi chữ Lục-trầm. Lục là trên cạn. Trầm là chìm đắm, Trang tử nói: không thèm đi chung với đường đời gọi là chết đắm trên cạn. Đây dùng ý không hạp với tình đời.
Lò cừ: là cái lò lớn, bởi chữ ở bào phú của ông Giả Nghị có câu :
Thiên-địa vi lô hề, tạo-hóa vi công
nghĩa là:
Trời đất làm cái lò, mà đấng Tạo-hóa làm thợ để đúc nặn ra muôn vật.
vân-cẩu: là mây chó, thơ Đỗ Phủ:
Thiên thượng phù-vân như bạch y,
Tu tư hốt biến vi thương cẩu
{trên trời đám mây nổi như cái áo trắng,
bỗng chốc hóa hình con chó xanh (xám)}.
Ý nói sự biến chuyển nhanh-chóng của mây.Về sau đem ví sự thay-đổi trên đời.
Giấc Nam-kha: bởi chữ Nam Kha mộng, giấc mộng ở cành hướng nam. Tên một bài ký của Lý công Tá đời đường chép rằng:
Thuần vu Phần chiêm bao đến nước Hoè-an được quốc-vương cho làm chức Thái-thú và gả con gái cho, đủ mọi sự vinh-hiển; sau bị thua trận, lại vợ chết và bị ông gia nghi-kỵ cho về, bỗng tỉnh giấc, thấy mình ngủ dưới gốc cây hòe, dưới nhánh hòe hướng nam có cái hang kiến, mới sục tỉnh-ngộ là mình chiêm bao vào nơi hang ấy.
Về sau dùng điển ấy ví sự vinh hoa là giấc mộng.
Sân đào-lý: bởi chữ Đào lý viên là một nơi danh thắng ở kinh-đô Tràng an xưa, mà Lý Bạch đã cùng các bạn văn-chương hôi họp làm bài tự rất nổi tiếng. Dùng vườn Đào lý nghĩa bóng nơi hội họp khách văn-vật tài-ba. Đào-lý cũng có nghĩa là kẻ quan-lại có tài năng, nên có lời công-chúng khen là : Đào lý trong thiên hạ đều ở nơi cửa ngài mà ra. " thiên-hạ đào-lý tận tại công-môn"
Nền đỉnh-chung: Đỉnh là cái vạc. Chung là cái chuông, nhà quyền-quí có đông người, phải dùng cái vạc mà nấu ăn, dùng cái chuông mà gọi người ăn cơm. Dùng chữ Đỉnh-chung hoặc Chung-đỉnh, Chuông vạc đều là một nghĩa như nhau.
Cái quay: bởi chữ Luân hồi, bánh xe quay, là cái máy quay của tạo-hóa; nhà Phật nói : chúng-sinh ở trong thế giới, từ khi đầu tiên đến nay cứ bị quay xoay vần trong lục đạo hết kiếp này đến kiếp kia mãi, như cái bánh xe quay mãi không thôi. Chỉ có kẻ tu hành đắc đạo mới thoát khỏi luân-hồi ấy.
Thệ-thủy: là nước chảy. Cầu thệ-thụy bởi lấy chữ ở sách Luận-ngữ, Đức Khổng Tử đứng trên sông mà nói rằng :
Thệ giả như ty phù, bất xả trú dạ :
(nước chảy như vậy chẳng dứt cả đêm liền ngày)
Ý nói sự hóa-sinh của trời đất nó tiếp tục nhau không bao giờ thôi, như nước chảy vậy. Đó là lẽ đạo-thể bày tỏ thí-dụ ở nước chảy cho ta thấy.
Nghĩa bóng nói vật gì cũng sẽ khuất-lấp cả. " Cầu thệ-thủy ngồi trơ cổ-độ" ý nói ngồi nơi bến cũ ( cổ-độ) mà nhìn sự quá-vãng trên đời.
Quán Thu-phong: bởi chữ Trừu-phong là sự cầu xin kẻ khác giúp đỡ mình. Nhưng lâu ngày theo lời truyền ngoa của thế-tục nói "trừu phong" ra "thu phong" là muốn cầu xin người giúp đỡ. "Quán thu-phong đứng rũ tà-huy", ý nói đứng dưới bóng nắng chiều rũ chân mà chờ-đợi sự giúp-đỡ.
Thu phong có cũng có nghĩa là gió mùa thu, có vẻ hắt-hiu thêm buồn. Cầu thệ-tuỷ, quán thu-phong, hai chữ cầu, quán, dặm thêm cho có nghĩa có tên chứ vốn không có quán nào, cầu nào tên là thệ-thủy, thu-phong cả.
thất tình:là bảy tình của người ta là : hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục: mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét và muốn, là tình ai ai cũng có.
hoa đàm: bởi chữ Ưu-đàm-hoa là một hoa thiêng-liêng của nhà Phật, ba nghìn năm mới có một lần nở hoa, mỗi khi có hoa tức có Phật ra đời,(Điển lược chép ở Pháp Hoa kinh).
đuốc tuệ: bởi chữ Tuệ-hỏa, tiếng nhà Phật nói : ngọn lửa trí-tuệ để đem chúng sinh ra khỏi nơi chướng-ngại khổ-sở.
đào-chú: là nắn-đúc, tức tạo-hóa nắn-đúc nên muôn vật, nghĩa bóng là trời đất.
tiền-nhân: là sự nguyên-nhân đời trước hậu-quả là sự kết-quả đời sau. Điển Phật ở Truyền-đăng-lục nói :
Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị;
Dục tri lai sinh quả, kim sinh tác giả thị :

Muốn biết nguyên-nhân đời trước ta thế nào, thì ta cứ xem những hưởng-thụ của ta đời nay;
Muốn biết sự kết đời sau thế nào, ta cứ xem sự ta làm đời nay đó.
Nghĩa đen : nếu đời trước ta vốn có nhân-đức thì đời nay được hưởng-thụ sự lành; nếu đời nay ta làm điều không lành, ắt đời sau sẽ bị thiệt hại vậy.

Có âm-dương, có vợ chồng: Kinh Lễ nói: Khí âm hay sinh nhưng phải có khí dương mới sinh được : khí dương hay nuôi vật nhưng nếu không có khí âm thì không lớn được. Cho nên trai phải có vợ, gái phải có chồng, phối hợp âm-đương mới có thể sinh trưởng được.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top