Chương 1: Làng chài
Chiếc tàu hoả bon bon trên con đường ray gồ ghề dẫn ra một vùng ven biển, thỉnh thoảng lại xì ra làn khói đen để nó bay lơ lửng trên tầng không. Trong một khoan tàu nọ có hai mẹ con đang khép mình ngồi co ro vì số hành lý đang chiếm diện tích đáng kể. Đứa bé gái độ tuổi 17,18 phờ phạc nhìn về bầu trời tối đen đang bị bóng tối bao trùm như muốn nuốt chửng một cách tàn bạo.
Tựa như cuộc đời của nó- đen tối và không lối thoát.
"Đợi một thời gian ổn thoả, chúng ta lại về thành phố" bà xoa đầu nó một cách trìu mến, chỉnh lại vài lọn tóc rối nhẹ do bị gió thổi, chìm trong cảm giác hổ thẹn mà không dám nhìn thẳng vào nó.
Nó không trả lời mà chỉ gật đầu rồi nhắm mắt lại, dường như đang bày tỏ sự bất lực của chính bản thân mình. Nó đã từng ước ao về cuộc đời mình, chỉ vài năm nữa thôi nó sẽ trở thành một nhà giáo đúng nghĩa.
Sẽ được khoác lên người chiếc áo dài trắng, tay cầm phấn và đứng trên bục giảng để truyền kiến thức cho lớp trẻ sau này như cái cách mà thầy nó đã từng.
Nhưng dường như may mắn lại không đến với nó để rồi giờ đây đành phải gác lại việc học cùng bao hoài bão ước mơ còn đang dang dở, gác lại cả mối tình đầu, những bức thư tình được nảy chồi trong mùa hoa phượng đỏ vừa chớm nở đã bị chôn vùi.
Nó hận gã đàn ông bội bạc đã năm lần bảy lượt gây ra bao rắc rối để giờ đây ông giải quyết bằng cách bỏ trốn và mọi tội trạng đều đổ lên đầu mẹ con nó.
———————————-
"Cún, dậy đi con, đến nơi rồi" nó chầm chậm mở mắt dậy đã thấy trời tối hẳn, nó nghe được cách xa xa là tiếng xào xạc của sóng biển và cái mùi mằn mặn tanh tanh của làng chài nơi đây.
Rồi bà dẫn nó lại một nơi mà bà nói là nhà mẹ đẻ, một căn nhà nhỏ tạm bợ nằm ở vùng ven biển.
Mẹ nó từng nói số bà ngoại khổ lắm, chẳng may lấy nhầm người chồng vũ phu nên bà phải một mình bụng mang dạ chửa cùng hai đứa con nhỏ bỏ đi biệt xứ mặc cho lời đàm tếu của người đời, cũng tại nơi đây bà đã sinh ra mẹ.
Rồi số mẹ cũng khổ chẳng kém gì bà, sau khi bà mất, mẹ dành dụm được một số tiền lên thành phố lập nghiệp.
Cứ tưởng như sẽ không va vào vết xe đổ lần nữa của ngoại, mẹ lại gửi gắm đời mình cho gã đàn ông trăng hoa mà chẳng hay chính bản thân mình mới là người thứ ba.
Đến cuối cùng, chính bà và nó lại phải trở về cái làng chài nghèo khó chứa đựng những người con khắc khổ suốt đời phải chịu đựng từng cơn nắng mưa sương gió mà chẳng bao giờ khá khẩm lên nổi.
Đời bà, đời mẹ ai cũng đều khổ vì tình, nó lại thở dài khi nghĩ đến cuộc đời mình, đôi mắt đượm buồn nhìn về hướng xa xăm.
"Thôi dọn dẹp đi con, tối rồi" tiếng nói của bà cắt ngang dòng suy nghĩ của nó.
Hai mẹ con uể oải sau một chuyến đi xa nay lại càng mệt mỏi hơn khi phải khuâng vác số hành lý vào căn nhà mới.
Rồi từ phía xa xa có bóng dáng của một người phụ nữ nọ đang dẫn theo đứa trẻ được buộc lại 2 chùm tóc trạc tuổi nó tiến lại gần nửa muốn thăm dò nhưng cũng nửa muốn chào hỏi.
"Oanh đấy đúng không" người phụ nữ cất tiếng hỏi sau khi thấy mẹ nó chỉ lo dọn dẹp mà không chú ý đến bà.
"Trời ơi, lâu quá không gặp lại bà" mẹ nó hướng mắt tới rồi hai người phụ nữ đi lại ôm nhau chào hỏi đủ điều, đứa trẻ còn lại nãy giờ cứ nhìn nó chăm chăm như muốn tiến lại gần bắt chuyện nhưng vẫn đứng yên tại chỗ.
"Đây là dì Lành, còn kia là con gái của dì"
Bấy giờ em mới chịu tiến lại gần nó.
"Mình là Thuỳ Trang" em cười làm lộ ra hai lúm đồng tiền, hai chùm tóc đung đưa qua lại trông đáng yêu vô cùng, em không đen nhẻm như trong tưởng tượng của nó về những người dân vùng biển đã trải qua nhiều sương gió, em trắng và xinh lắm còn mang trong người nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự nở rộ nhất trong độ tuổi xuân thì.
"Chào Thuỳ Trang" câu nói đầu tiên của nó trong suốt cả ngày hôm nay nên có phần khàn nhẹ.
Em ngạc nhiên vì câu trả lời, em đoán được nó tương đối ít nói thông qua dáng vẻ lầm lì ban nãy, nhưng không ngờ là ít đến vậy, rồi em trốn tránh sự ngại ngùng bằng cách hướng mắt đến mong chờ sự viện trợ của mẹ mình.
Nhưng đổi lại ánh mắt trông chờ của em lại là cảnh tượng 2 người phụ nữ đã chửng tuổi cứ đứng buôn chuyện không thôi.
Em tiến đến kéo nhẹ vạt áo của mẹ, mong là bà hiểu được ám hiệu gửi đến của em.
Mà Diệp Anh chứng kiến cả một màn này trong lòng cũng cảm thấy có tí buồn cười, nhưng nó cố kiềm lại.
Ngặt nỗi cơ mặt nó càng căng cứng lại càng làm em bối rối hơn.
Mãi đến lúc sau dì Lành mới chú ý đến nó, bà ngắm nhìn nó lúc lâu khiến cho nó mất tự nhiên mà quay sang hướng khác.
"Oanh này, lúc nhỏ tôi bế Cún suốt, nhiều năm không gặp càng lớn lại càng xinh gái, bà nuôi khéo thế" vừa nói bà lại vừa cười nhưng trong đôi mắt của bà lại chất chứa tâm sự khó bộc lộ thành lời.
Sao mà bà thấy tiếc cho nó quá.
"Cậu tên Cún à" nghe thế bất chợt em cũng tiếp lời của mẹ mình.
"Tôi tên Diệp Anh, tên ở nhà của tôi là Cún" đây có lẽ là câu nói dài nhất mà nó nói được trong ngày hôm nay, nếu em hỏi tiếp thì nó cũng chẳng buồn mà đáp lời.
Em chỉ gật đầu, cũng không nói gì nữa, nhưng cảm giác của em đối với người trước mặt này lạ lắm. Xinh thì xinh thật, khác biệt hẳn với dân làng chài của em.
Tóc nó đen dài và mượt lắm chứ không bị cháy nắng như tóc của em.
Cặp kính vuông dường như chẳng thể nào làm lu mờ được chiếc mũi cao thẳng tắp của nó.
Nó cao hơn em nửa cái đầu, da trắng và cặp mắt của nó luôn mang theo nỗi buồn man mác.
Sâu trong đó còn có cả sự bất lực và chán nản.
Dường như nó chỉ đang chực chờ một ngày để bay đi thật xa, thoát khỏi biển, thoát khỏi cái làng chài nghèo này dù nó chưa sống ở đây nổi một ngày.
Trên tay nó còn đang cầm một quyển sổ nhỏ. Em đoán chắc là một quyển sách chăng, nhưng vì chẳng biết chữ nên em không thể đoán chính xác được nó là gì.
Mấy hổm rài em có nghe mẹ nhắc đến việc làng em sắp có người về, là một "cố nhân" mà mẹ thường nhắc đến.
Mẹ nói mẹ từng ngưỡng mộ dì Oanh lắm, nhưng giờ đây sự ngưỡng mộ ấy lại được đổi thành sự thương cảm.
"Sao mà mẹ thương bà ấy quá" câu nói được mẹ vô tình phát ra trong một đêm mưa giông khoảng đâu ba ngày trước đó.
Mẹ kể dì Oanh có một đứa con gái trạc tuổi em. Con bé đó được sinh ra ở trên thành phố nên điều đó khiến em cảm thấy ghen tị.
Bởi nó không cần làm lụng vất vả như em, cũng không phải chịu cảnh bữa đói bữa no lo rầu vì biển động, và còn được đi học nữa.
Em thích được đi học lắm vì em thích được mặc lên người những bộ áo dài trắng.
Dường như người có tri thức họ khác với em lắm, họ nói chuyện nhỏ nhẹ chứ không lớn tiếng hay thô lỗ, họ biết cách đối nhân xử thế, được đi đây đi đó, biết tiếng tây tiếng ta- cái thứ mà em chẳng bao giờ dám nghĩ tới, không biết sao mà giờ phút này em thấy ngưỡng mộ nó vô cùng.
"Thôi trời cũng tối rồi, để tui với sấp nhỏ phụ bà dọn đồ" dì Lành cười sởi lởi rồi cả 4 người cùng bắt tay dọn dẹp.
Em tiến lại cầm lấy chiếc túi đen gần đó nhưng lại chẳng nhanh tay hơn nó nên đã bị cướp mất.
"Cái túi này nặng lắm, để tôi tự xách" đây là cái túi chứa đựng những lá thơ, thơ tình của nó với cậu trai Sài Thành. Chiếc túi này nặng thật, nặng tình nặng nghĩa lắm, nên nó không muốn ai động vào cả.
——————————
Sau một hồi loay hoay quét dọn, căn nhà cũng xem như được dọn dẹp ngăn nấp, hai người phụ nữ lại tiếp tục dính lấy nhau mà buôn chuyện.
Dường như ngần ấy năm xa cách ấy không là trở ngại trong cuộc trò chuyện của cả hai, mà còn tăng thêm cả tính tò mò của đối phương về cuộc sống của người còn lại.
Thấy cuộc trò chuyện có vẻ còn lâu, em mới bước ra khỏi nhà mà tiến lại gần biển để hứng trọn từng cơn gió đêm tạt vào người làm dịu đi cái nóng của cơ thể sau một khoảng thời gian lao động không công tương đối vất vả.
Diệp Anh cũng rảo bước theo, nó tiến lại sau lưng em, chọt chọt vài cái vào bả vai rồi xoè ra cây kẹo mút.
"Cho này" cây kẹo được xem như lời cảm ơn vì đã giúp nó dọn dẹp.
"Cám ơn nha" em chẳng ngần ngại mà nhanh chóng tháo vỏ ra đưa vào miệng để cảm nhận được vị ngọt xen lẫn chua chua của trái cây.
"Mà cậu có vẻ kiệm lời nhỉ" em bất chợt hỏi mà nó cũng chẳng đáp hay nhìn lại em một cái, chỉ chăm chăm vào từng đợt sóng trước mắt.
Sự im lặng của nó cũng coi như đồng ý với câu hỏi của em.
——————————-
Cái nắng gắt của ánh mặt trời rọi vào khiến nó bất chợt tỉnh giấc, chắc có lẽ vì mệt mỏi sau một chặng đường dài nên lúc nó tỉnh thì cũng đã gần trưa.
Vừa bước xuống nhà thì đã nghe tiếng líu lo của cô gái nhỏ. Chưa cần nhìn thấy thì nó đã biết chủ nhân của giọng nói đó là em.
"Cún dậy rồi à, mẹ cậu bảo mình sang chơi cùng vì dì cần phải đi làm, mình chờ nãy giờ đấy. Đi ra chợ mua đồ về để bọn mình nấu cơm nha" em tiến lại gần nó phồng má lên biểu thị sự tức giận rồi lại xoa xoa cái bụng trống rỗng của mình.
Thùy Trang cũng muốn chạm vào bụng của nó nhưng Diệp Anh vô thức lùi dần về phía sau làm tay em cứ lơ lửng giữa không trung.
"Đừng gọi tôi là cún" nó nhìn thẳng vào mắt em trả lời, cũng chẳng dấu đi điệu bộ ghét bỏ ra mặt chứ chẳng còn khách sáo như tối qua.
"Thế gọi cậu là gì bây giờ" em thu tay về bắt đầu hỏi nó, mà dáng vẻ bây giờ của em cũng chắc vui vẻ gì mấy.
"Cứ gọi là Diệp Anh"
Em đưa ngón trỏ ra vuốt cằm lúc lâu như đang suy nghĩ điều gì ấy, điệu bộ hệt như bà cụ non rồi dõng dạc trả lời.
"Diệp Anh hay Diệp đều nghe hay nhỉ, nhưng mà tớ thích gọi tên Cún cơ"
"Diệp thì tạm nhưng Cún thì không" đối với nó tên Cún không phải ai muốn gọi thì gọi, thật ra chỉ mỗi mẹ nó được gọi thế thôi. Nó còn lập hẳn cả một danh sách chỉ để liệt kê ai được phép gọi tên đấy của nó.
Và tất nhiên hiện tại không có tên em.
"Thôi được rồi vậy giờ mình đi nha Diệp" em nắm tay nó nhanh nhảu kéo đi.
"Lại làm gì đấy" nó lại thụt tay về, lần nữa tránh việc tiếp xúc cơ thể với em, bày ra cái dáng vẻ ghét bỏ đó lần nữa.
Giây phút này Thuỳ Trang mới bắt đầu hoài nghi với bản thân mình rằng có nên lựa chọn con người trước mắt này để làm bạn không nhỉ.
Nên hay không nên?
Nên!
Vì ngoài nó ra, em chẳng còn ai để kết bạn nữa rồi, thôi cắn răng chịu đựng vậy.
Không sao cả Thuỳ Trang, mày làm được mà, quân tử thì không chấp nhất những thứ nhỏ nhặt này.
"Ơ thế giờ nắm tay cũng không cho à, lạc đấy thì sao. Diệp vừa đến thì làm gì biết chợ ở đâu, đông thế nào. Lỡ mà lạc mất thì tớ không đẻ kịp để đền cho dì Oanh đâu" em mè nheo bằng cái giọng nhão nhẹt làm cho nó nổi hết da gà.
"Eo ôi" nó lầm bầm trong miệng.
Dù kế này hơi mất mặt một tí nhưng chí ít thì nó cũng chìa tay ra mặc cho em muốn nắm gì thì nắm, kéo đi đâu thì đi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top