Anh Bút Chì
Có một thực tế hiển nhiên là trái đất này không cần thêm nữa những người "thành công". Điều nó thực sự cần nhiều hơn là những người kiến tạo hoà bình, những người chữa lành, những người kể chuyện, những người yêu thương theo mọi cách. Nó cần những người biết sống tốt ở nơi họ đang sống. Nó cần những người đủ can đảm và thiện tâm để cùng đấu tranh cho một thế giới nhân bản hơn, đáng sống hơn. Và tất cả những giá trị này rất ít liên quan đến khái niệm "thành công" mà chúng ta vẫn hiểu." (David W. Orr, "Tư duy Sinh thái học: Giáo dục trẻ em vì một Thế giới Bền vững")
..tôi vẫn không khác xưa, tôi vẫn thấy mình thông minh như xưa và ngu xuẩn như xưa, vẫn ham muốn, thèm khát như xưa, vẫn mất dạy, tục tiểu, dâm dật, mê gái dớ dẩn như xưa, và cũng thánh thiện, vẫn tranh đấu đánh giặc với thân thể và tâm hồn mình từng giây từng phút, vẫn luôn tự vượt qua cái gì tầm thường bần tiện nhỏ bé nhứt của mình, vẫn lận đận lao đao, vẫn đời đời đói và khát, khát, đói khát, tất cả những gì mình không với tới được, và làm gì thì làm vẫn thấy mình vẫn là thế, tôi muốn triệu ngàn kiếp nữa vẫn thế, vẫn tập sống với những gì không thể sống được, vẫn mỉm cười khi không có gì để cười, tập yêu những gì mình ghét, tập làm ngược lại hết tất cả những gì mình ghét, tập lặn hụp, chầm dầm trong tất cả những gì tàn phá đời mình, tập thở vô thở ra những thuốc độc bao quanh, tập kiên nhẫn, kiên nhẫn, vẫn kiên nhẫn và vẫn mở mắt học đi học lại những gì mình đã thừa biết hết từ lúc 12 hay 13 tuổi, tập mê tiền, mê bạc mà mình suốt đời vẫn khinh bỉ, tập ăn đứng đàng hoàng, lễ phép, lễ độ, khôn ngoan, hòa mình với tất cả ngu xuẩn của đời sống, và cũng vẫn có ý định tự tử, nhưng cứ triển hạn không vì lý do gì cả, vẫn yêu đời, vẫn khiêm tốn rụt rè sợ hãi và ngạo mạn, ích kỷ, kiêu căng, ngang tàng, xấc xược, vẫn tự nhận mình là cái rún của tất cả thái dương hệ và đồng thời nhỏ bé ngu xuẩn vô minh hơn một con kiến, vẫn học lại từng chữ A, chữ B, tập bước đi từng bước và những gì cứ y ra như thế và vẫn thay đổi như thế.
Đó, đại loại những gì không khác xưa. Còn những gì không giống xưa là càng lúc càng thấy cái gì cũng thơ mộng, cái gì cũng cần thiết, cái gì cũng quan trọng, cái gì cũng chỉ xảy ra một lần duy nhất, cái gì cũng đáng cám ơn, cảm tạ, cái gì cũng đáng kính trọng, cái gì cũng không thể tránh được, cái gì cũng mới lạ, cái gì cũng đáng yêu, cái gì cũng bát ngát mênh mông, cái gì cũng thênh thang, cái gì cũng do mình tạo ra, và cái gì cũng không phải là mình, cái gì cũng bừng sáng, và ngay cả đêm tối vảng vất cũng sáng bừng lên một ý tưởng, một điếu thuốc, một tình cảm, một tiếng thở hay một cái gì vẫn sống và chết đi và những cái gì rất là im lặng, rất im lặng, rất trong veo như lưu ly, một cái gì như là phép lạ, như một ngôi sao nào đó vẫn đi sát theo tôi trên cao.
Có một câu của RILKE vẫn theo đuổi sát tôi từ mấy chục năm nay: "Nếu đời sống hàng ngày của anh có vẻ nghèo nàn thì đừng đổ lỗi đổ thừa cho nó. Anh hãy đổ tội đổ thừa cho chính anh, anh hãy tự nói với anh rằng anh không dư tâm hồn thi nhân để khơi bừng dậy tất cả sự phong phú giàu sang thơ mộng tuyệt đỉnh của cuộc đời."
-----------
Hôm qua khi bàn về sự phi chuẩn mực của thế giới, có bạn đưa "quyền con người" ra, mình muốn phân tích thêm tại sao nó không phải là chuẩn mực chung.
Hãy tưởng tượng có con gián (hoặc chuột/kiến/muỗi...) lọt vào nhà bạn. Tuỳ vào tâm lý/tâm trạng/tâm từ bi của bạn mà số phận của con gián sẽ được định đoạt: hoặc bị giết, hoặc bị đuổi, hoặc bị làm đồ chơi cho mèo/chó. Đây là cách bạn nhìn con gián: 1) Nó bẩn thỉu, không có lợi, là nguồn gây bệnh/gây hại, nó và bạn không thể sống chung được và 2) Vì bạn mạnh hơn nó, bạn có quyền định đoạt việc nó sẽ sống tiếp như thế nào. Việc này hết sức tự nhiên và có vẻ không cần phải suy nghĩ gì nhiều.
Cũng như thế trong cách đối xử với chó: tuỳ vào bạn mà con chó có thể là một thành viên trong gia đình, một người bạn, một đầy tớ hay là một món ăn.
Vấn đề là trên thực tế, luôn có những người coi người khác như những con gián, hay con chó, hay bất cứ gì khác trong cuộc sống của họ. Tuỳ vào sức mạnh của họ, nhận thức của họ, từ tâm của họ. Hitler có thể coi người Do Thái như một loài chuột gây hại. Chủ đầu tư các khu đô thị mới có thể coi người nông dân đang cố thủ trên đó như những con gián cần phải bị đuổi đi.
Bạn nói rằng không thể thế được, con người có nhiều quyền hơn. Ồ, thế thì mời bạn gia nhập phong trào đấu tranh vì quyền con người. Chúc bạn may mắn.
Điều quan trọng cần phải hiểu ở đây là chuẩn mực của bạn hoặc của nhóm của bạn không bao giờ là chuẩn mực chung cho tất cả mọi người. Tuỳ từng cá nhân mà chuẩn mực/giá trị thay đổi cho phù hợp với lựa chọn sống của họ. Nếu bạn muốn tấn công họ vì điều đó, thì họ chẳng có lý do gì để không tấn công bạn.
Bạn sẽ hỏi, vậy sẽ không bao giờ có hoà bình? Đúng và sai. Giống như việc chúng ta là tập hợp của các nguyên tử luôn dao động vậy. Chúng ta xuống đây không phải để sống trong hoà bình. Chúng ta xuống đây để học qua mâu thuẫn, chiến tranh, những nỗi đau khổ. Hoà bình sẽ đến, nếu bạn hiểu được vẻ đẹp của khổ đau.
---
Nếu bạn khởi lên trong lòng một mong muốn thay đổi một ai đó / điều gì đó, khả năng cao người cần thay đổi chính là bạn. Nếu bạn muốn cứu thế giới, khả năng cao người cần được cứu chính là bạn. Nếu bạn muốn tiêu diệt một điều gì đó, khả năng cao là bạn đang tiêu diệt chính bản thân mình.
Cho đến khi bạn nhận ra những điều trên, bạn sẽ còn thấy thế giới thật lạnh lùng/vô cảm/ngu ngốc/đen tối/lì lợm. Tại sao mày không như tao muốn/cần/nghĩ, sao mày lúc nào cũng bắt tao phải đấu tranh? Nào nào, chính bạn bắt mình phải đấu tranh đấy chứ?
Thực tế đơn giản là thế giới tự nó không có tính chất nào và hoàn toàn không cần gì ở bạn cả. Ngược lại bạn cần thế giới để sống và học. Bạn tự tạo ra thực tại cho mình. Người không hiểu và chấp nhận được điều này sẽ luôn tin rằng mình là nạn nhân (của hoàn cảnh), rằng mình cô độc, rằng không có ai hiểu mình/tin mình/giúp mình.
Cũng phải, bạn chính là nạn nhân. Của chính bạn.
----
Ở trên mạng, hay ở bất kỳ đâu trên đời, những thứ chúng ta gọi là độc hại là vì chúng ta quá dễ nhiễm độc bởi chúng, những thứ gọi là nguy hiểm là do chúng ta quá yếu ớt trước chúng, những thứ gọi là xấu xí/ngu ngốc/ngớ ngẩn/sai trái là do chúng ta không cùng quan điểm/giá trị với chúng.
Ai sẽ là người có trách nhiệm sửa những thứ đó lại cho đúng, cho sạch đẹp, cho an toàn với chúng ta? Không ai cả.
Hoặc là chúng ta đủ tin vào lõi giá trị của mình, đủ linh hoạt để điều chỉnh nó, đủ trí tuệ để hiểu và chấp nhận, đủ sức mạnh và kiên nhẫn để chuyển hoá, hoặc là chúng ta sẽ luôn ấm ức, cay đắng, tức giận, yếu ớt, lo sợ trước dòng chảy hỗn loạn xung quanh.
Lựa chọn luôn là của bạn. Trách nhiệm luôn là của bạn.
---
Một trong những định kiến thông thường và phổ biến nhất là người ta thường cứ tin rằng mỗi người thường có 1 tính nết nhất định: Nhân từ hay độc ác, thông minh hay ngu ngốc, kiên quyết hay nhu nhược vv...
Con người thực ra không thế. Chúng ta có thể nói về một người là người ấy thường hay nhân từ hơn là độc ác, thường hay thông minh hơn là ngu ngốc, thường hay cương quyết hơn là nhu nhược và ngược lại. Nhưng thật là sai nếu chúng ta bảo người này là thông minh hay nhân từ, bảo người khác là tàn ác hay ngu ngốc.Vậy mà chúng ta thường chia người ta ra như vậy đấy. Và như vậy thật là không đúng.
Người ta như những con sông: Nước sông nào cũng giống nhau và ở đâu cũng vẫn là nước ấy. Nhưng con sông nào cung có chỗ hẹp, chỗ rộng, chỗ chảy xiết, chỗ lặng lờ, chỗ trong ,chỗ đục, chỗ lạnh chỗ ấm. Người ta cũng thế, người nào cũng mang trong mình mầm mống của tất cả mọi tính nết của con người. Con người khi thi lộ ra tính tình này, khi thi lộ ra tính tình khác nhiều lúc có vẻ không phải là mình chút nào nhưng thực ra vẫn là mình. Ở một số người những sự thay đổi như thế thật là đột ngột. Những sự thay đổi đó, hoặc là do nguyên nhân thể chất hoặc vì nguyên nhân tinh thần"
- Lev Tolstoi
----
"Đừng đòi hỏi trẻ phải phấn đấu để có được một cuộc sống phi thường. Nỗ lực đó có vẻ đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng là con đường dẫn đến những điều dại dột. Thay vìvậy hãy giúp trẻ khám phá những điều mới lạ và kỳ diệu trong cuộc sống thường ngày. Chỉ chúng cách tận hưởng hương vị của một quả cà chua, quả táo, quả lê. Để chúng khóc thương trước sự ra đi của thú cưng hay người thân. Cho chúng thấy niềm vui vô hạn khi bàn tay nắm lấy bàn tay. Hãy làm những điều bình thường trở nên sống động. Những điều phi thường tự khắc biết làm nhiệm vụ của chúng."
---
Cựu tổng thống Uruguay Jose "Pepe" Mujica, người được mệnh danh là "Tổng thống nghèo nhất hành tinh", xuất hiện trong bộ phim tài liệu Human của nhà làm phim người Pháp Yann Arthus-Bertrand. Ông nói:
"Cách chúng ta sống, và các giá trị của chúng ta, là biểu hiện ra bên ngoài của xã hội mà chúng ta đang sống. Và chúng ta bám chấp vào đó. Không quan trọng việc tôi có là tổng thống hay không. Tôi đã nghĩ về việc này rất nhiều. Tôi từng bị giam trong một xà lim cách ly trong vòng 10 năm. Tôi có thời gian... Tôi từng trải qua 7 năm không đụng vào một cuốn sách nào. Việc đó giúp tôi có thời gian suy nghĩ. Và đây là điều mà tôi đã khám phá ra:
Hoặc là bạn cảm thấy hạnh phúc với rất ít ỏi (vật chất), ở mức độ mà bạn không quá vất vả, bởi vì bạn có hạnh phúc ở bên trong, hoặc là bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Tôi đang không ủng hộ đói nghèo. Tôi đang ủng hộ sự tiết giảm. Nhưng chúng ta đã tạo ra một xã hội tiêu dùng lúc nào cũng khao khát sự tăng trưởng. Khi không có tăng trưởng, (chúng ta coi) đó là bi kịch. Chúng ta tạo ra một núi những nhu cầu không cần thiết. Chúng ta cứ phải tiếp tục mua thêm và vứt đi những gì đã mua... Đó là cách chúng ta đang hoang phí chính cuộc sống của mình.
Khi tôi mua một cái gì, hoặc khi bạn mua một cái gì, chúng ta đang không trả cho thứ đó bằng tiền. Chúng ta đang trả bằng khoảng thời gian sống chúng ta phải bỏ ra để làm việc để có được số tiền đó. Sự khác biệt ở đây là bạn không thể mua được cuộc sống. Cuộc sống cứ trôi qua. Và thật là tồi tệ khi bạn lãng phí cuộc sống của mình, đánh mất đi tự do của mình."
---
Thế giới như tôi thấy - Albert Einstein
Dưới đây là một trong những tiểu luận nổi tiếng nhất của Einstein, xuất bản năm 1931, sau này được lấy tên để đặt cho tuyển tập các bài tiểu luận và suy tưởng của ông (đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam bởi NXB Tri Thức). Trong bài này ông trình bày ngắn gọn một thế giới quan mà, đối với cá nhân tôi, vô cùng đẹp và chuẩn xác, nhiều điều trong số đó hoàn toàn có thể dùng để làm tuyên ngôn sống, làm thước đo giá trị. Chúng tôi muốn dùng bản dịch này để tạm kết phong trào viết Tự do tháng tư, bởi trong đây Einstein đã đề cập đến tự do và nhiều vấn đề cốt lõi của cuộc sống. Tạm biệt và hẹn gặp lại. [Bút Chì]
THẾ GIỚI NHƯ TÔI THẤY
Albert Einstein
Rio Lam dịch
Bút Chì hiệu đính
Lạ thường biết bao loài hữu tử chúng ta! Mỗi chúng ta đã ghé thăm nơi đây trong một kiếp ngắn ngủi; cho một mục đích ta không hay biết, dù đôi khi ta nghĩ là ta cảm nhận được nó. Nhưng khi nhìn từ cuộc sống đời thường, mà không đi sâu hơn, lẽ tồn tại của chúng ta nằm ở những người anh em - trước hết là những người mà ta đặt niềm vui của mình vào nụ cười và hạnh phúc của kẻ đó, kế đến là những người không quen nhưng vận mệnh của họ đã nối với ta bằng mối dây đồng cảm. Hàng trăm lần mỗi ngày tôi tự nhắc mình rằng cuộc sống bên trong và bên ngoài của tôi đều nhờ vào công sức lao động của những người khác, dù họ còn sống hay đã chết, và tôi phải tận hiến chính mình để trao đi đúng mức tôi đã nhận và đang nhận. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và có những lúc thấy dằn vặt bởi cảm giác mình đang chiếm giữ một lượng dư thừa công sức lao động của những người anh em. Với tôi, sự khác biệt đẳng cấp là bất công và luôn phải dựa trên cường quyền. Đồng thời tôi cũng cho rằng một lối sống giản dị là tốt cho tất cả mọi người, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tôi không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mọi người hành xử không chỉ dưới sức ép ngoại lực mà còn phải thuận theo những nhu cầu nội tại. Câu nói của Schopenhauer, "một người có thể làm như anh ta muốn, nhưng không thể cứ muốn "muốn" là được" (a man can do as he will, but not will as he will) đã luôn là nguồn cảm hứng của tôi từ thời trẻ, nó cũng là sự an ủi vô hạn và dòng suối bất tận của lòng kiên nhẫn, để từ đó đối mặt với những thử thách của cuộc đời, của tôi, và của những người khác. Cảm xúc này đã nhân từ xoa dịu đi ý thức trách nhiệm, vốn rất dễ khiến ta tê liệt; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó đưa ta đến một góc nhìn cuộc sống mà tại đó, trên tất cả, sự hài hước có vị trí xứng đáng của nó.
Từ góc nhìn khách quan, việc truy nguyên ý nghĩa hay mục tiêu tồn tại của ai đó cụ thể hay của sự sáng tạo nói chung khá vô nghĩa đối với tôi. Thế nhưng mỗi người đều có những lý tưởng riêng để định hướng những nỗ lực và phán xét của mình. Và như thế, tôi chưa bao giờ tìm kiếm sự thỏa mãn và êm ấm như là điểm đến cuối cùng - một nền tảng luân lý mà tôi cho rằng hợp với một đàn lợn hơn. Những lý tưởng đã thắp sáng lối đi của tôi, và ngày qua ngày trao cho tôi can đảm để đối mặt với cuộc sống một cách hân hoan, chính là Chân, Thiện, Mỹ. Nếu không có cảm thức về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu về cái khách quan, cái mãi mãi cao vời trong nghệ thuật và khoa học, cuộc sống với tôi sẽ trở nên trống rỗng. Với tôi, những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi – của cải, sự thành đạt, sự xa hoa - luôn là những điều đáng khinh bỉ.
Ý thức nhiệt thành của tôi dành cho lẽ công bằng và trách nhiệm xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu kết nối trực tiếp với các cá nhân hay cộng đồng người. Với trọn trái tim, tôi đích thực là một kẻ sống thu mình, kẻ chưa bao giờ thuộc về đất nước, mái nhà, bạn bè, hay thậm chí gia đình tôi. Trong sự ràng buộc với những mối quan hệ này, tôi chưa bao giờ đánh mất cảm giác cố hữu về sự tách biệt và nhu cầu cần được cô độc – cảm giác này tăng dần theo tuổi tác. Ta có thể ý thức một cách sâu sắc, mà không hề hối tiếc, về những giới hạn trong tương giao và đồng cảm với người khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên vô tư, nhưng bù lại, anh ta luôn độc lập trước các quan điểm, thói quen, và sự phán xét của người khác, và không để mình bị chao đảo trên cái nền không lấy gì làm vững chắc đó.
Lí tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Hãy để mỗi người được tôn trọng như một cá nhân và không ai được thần tượng hóa. Số phận quả là trớ trêu khi chính tôi lại là đối tượng nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ những người anh em, dù tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm chi nên tội. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự khát khao bất thành của nhiều người trong việc thấu hiểu vài ba ý tưởng của tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức mọn của mình qua nỗ lực không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng, để đạt được một mục đích tập thể nào đó, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ, tổ chức và chịu trách nhiệm chung. Nhưng sự lãnh đạo không thể là bắt buộc, người ta phải có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống chuyên quyền bằng áp bức, theo tôi, sẽ sớm thoái hóa. Vì bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin vào một quy luật bất biến rằng những gã bạo chúa thiên tài rồi sẽ được nối ngôi bởi những tên vô lại. Đó là lí do vì sao tôi quyết liệt chống lại những hệ thống như ta đang thấy ở Ý hay Nga hiện nay. Cái làm cho hình thức dân chủ hiện hành của Châu Âu mất tín nhiệm không nằm ở bản thân lý tưởng dân chủ, mà ở sự thiếu ổn định của bộ phận lãnh đạo cao cấp và tính phi nhân của hệ thống bầu cử. Về mặt này tôi cho rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã tìm ra lối đi đúng đắn: họ có một tổng thống có trách nhiệm, được bầu cho một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực đủ để thực sự đảm nhận được trọng trách. Mặt khác, điều tôi đánh giá cao trong hệ thống chính trị của chúng ta là phúc lợi rộng rãi dành cho các cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn. Giá trị thật sự trong hoạt động sống của loài người với tôi chẳng phải ở các nhà nước hay quốc gia, mà nằm ở các cá thể sáng tạo, hữu tri, là các nhân cách; chỉ cá nhân mới có thể tạo ra những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn tự nó vẫn mãi tù đọng trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.
Nhân đây tôi muốn đề cập đến quái thai kinh tởm nhất của bản tính bầy đàn: hệ thống quân sự. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào đoàn duyệt binh theo tiếng quân nhạc là đủ để tôi coi khinh hắn rồi. Hắn ta được trời phú nhầm cho bộ não lớn, bởi với hắn ta, chỉ cần cột xương sống thôi là đã quá đủ. Bệnh dịch này của nền văn minh cần bị loại trừ càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, và những tấn trò hề vô nghĩa lý nhân danh lòng ái quốc: tôi kinh tởm chúng làm sao! Chiến tranh với tôi là một thứ xấu xa đáng khinh bỉ: tôi thà bị băm vằm ra muôn mảnh còn hơn dự phần vào tấn trò khốn nạn đó. Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại, và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại.
Điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được chính là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng tự vấn hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, chết như một cây nến tàn. Trải nghiệm cái bí ẩn - dù có pha trộn cảm giác sợ hãi - đã sinh ra tôn giáo. Biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, tức về những cái chỉ có thể đến với tâm trí chúng ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biết và cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về những người có tín ngưỡng sâu xa. Còn một thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Tôi không muốn và cũng không thể tưởng tượng ra những cá nhân sống lâu hơn cái chết thể xác; mặc cho những tâm hồn yếu đuối, vì sợ hãi hay vị kỉ lố bịch, tìm đến những suy nghĩ như vậy. Với tôi, sự huyền nhiệm trong tính vĩnh cửu của sự sống, cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là đủ rồi.
---
Lúc nãy dạy về đói quá, chạy quanh mấy con đường xung quanh nhà không thấy có hàng ăn nào, đến lúc phát hiện ra hàng phở đầu tiên thì tôi sà vào ngay, dù nhìn có vẻ hơi xập xệ. Vì đói và mệt, tôi cũng quên nhắc là đừng cho mì chính. Mà thực ra có nhắc chắc cũng chẳng ăn thua, vì cả cái nồi nước dùng kia chắc hẳn là đầy mì chính. Tôi đã ăn. Và giờ tôi mệt hơn. Váng vất, buồn nôn.
Bỗng nhiên tôi thấy đây là ẩn dụ của chuyện giáo dục, chuyện văn hoá, chuyện chính trị. Tôi muốn có sức khoẻ và trí tuệ, nhưng do quá lười và quá nóng vội, tôi dùng đại bất cứ loại dịch vụ nào đang ở trước mặt. Tôi không đủ kiên nhẫn và quyết liệt để ĐÁNH GIÁ THẤU ĐÁO giải pháp cũ, TÌM KIẾM giải pháp mới hay TẠO RA giải pháp mới. Tôi phó mặc sức khoẻ, trí não và cuộc sống của mình cho lòng tham và sự ngu dốt của các hệ thống có sẵn. Lỗi tại tôi, trách ai bây giờ?
---
Tối qua ngồi uống bia chém gió với ông bạn tự nhiên nhận ra việc này: quá trình trưởng thành của một cá nhân phản ánh khá rõ bằng hai cảm giác nội tại: tự tin và tự ti.
Lúc trẻ con không biết gì thì đương nhiên tự tin rồi, muốn gì làm nấy, lấy mình là trung tâm, vô trách nhiệm vô kỷ luật vô ý thức, đến lúc bắt đầu bị vùi dập, áp đặt, sai khiến, so sánh hoặc bắt nạt bởi môi trường xung quanh thì cứ tự ti dần. Nhưng bản thân nó cũng bắt đầu học được nhiều hơn và cũng tự tin dần lên. Đỉnh của quá trình này (không có độ tuổi chính xác, nhưng thường là lúc trẻ) là lúc vừa rất tự ti vừa rất tự tin. (Nhóm này rất hay nghi ngờ bản thân mình, nghi ngờ đời sống, nghĩ quá nhiều và làm quá ít.)
Đến đây rẽ ra hai nhánh.
Nhánh của người trưởng thành theo hướng càng ngày càng tự tin hơn, và phần tự ti bớt dần đi. (Ở đây đang nói đến góc độ cảm nhận bên trong, vì biểu hiện bên ngoài không phải là cốt lõi. Ví dụ một người thành công, có nhiều tiền, đầy đủ vật chất, trông có vẻ viên mãn tinh thần và vì thế rất tự tin, nhưng chưa chắc đã ít tự ti.)
Nhánh của người trưởng thành theo hướng mặc dù có tự tin hơn nhưng phần tự ti không "tiêu hoá" nổi, hoặc tệ hơn là tự ti tăng dần theo thời gian. Không quan trọng người đó làm gì, thành công hay thất bại, học được bài học gì, nhưng chừng nào cảm giác tự ti, tự nghi ngờ, hoang mang bất ổn còn ở đó hoặc ngày càng nhiều lên thì tức là có gì đó chưa đúng.
Bởi vì cái kết lý tưởng của vòng tròn ngày phải là cảm giác tự tin y như một đứa trẻ, tin chắc vào từng khoảnh khắc sống của mình đến mức không thèm suy nghĩ đắn đo gì về bất cứ điều gì nữa cả. Đến lúc ấy thì không sợ chết nữa. Đám kia thì sợ chết lắm.
Ơ đệch sáng ra ngồi chiết ní như đúng rồi ấy nhỉ =))
---
5 năm trước, khi còn đầy hoài nghi, vật vã, cay đắng với cuộc đời, mình từng viết những dòng như thế này, về đám cưới:
"Trên cõi đời giả tạm và hời hợt này, anh cho rằng đám cưới là một trong những thứ giả tạm và hời hợt nhất. Nó hiện hữu hóa và ảo tưởng hóa tất cả những ước mơ hy vọng vốn vô cùng mong manh của con người về một hạnh phúc lâu bền, những niềm vui vĩnh cửu. Khi em chúc ai đó "trăm năm hạnh phúc" em thừa biết là không có điều như vậy tồn tại trên đời. Hoặc là em chưa biết, hoặc là em vẫn tin, thì nay anh nói cho em biết, không có điều như vậy tồn tại trên đời."..."Như mọi định chế, mọi khế ước xã hội. Nó phi tự nhiên. Người ta yêu nhau, sống với nhau có thể là tự nhiên (có thể thôi nhé), nhưng đám cưới thì tuyệt nhiên không. Nó không đảm bảo cho hạnh phúc, nó không đảm bảo cho lâu bền. Nó dựng lên bởi vì con người bơ vơ quá, yếu ớt quá, hời hợt quá, cần gì đó để đánh dấu, để dựa vào. Những tưởng dựa vào thì an toàn, êm ấm, nhưng rồi, sớm hay muộn, ít hay nhiều, sẽ nhận ra mình bơ vơ trơ trọi như từ nguyên thủy."..."Anh nghĩ anh sẽ suốt đời cầu nguyện cho bạn bè anh hạnh phúc và may mắn mà không đến dự bất kỳ đám cưới nào của bất kỳ ai."
5 năm sau, khi dự đám cưới của chính mình, mình thấy nhớ và thương người anh em 5 năm trước. Những điều nó nghĩ, xét cho cùng, không sai. Bây giờ mình vẫn nghĩ là người ta cưới nhau vì bơ vơ, vì yếu ớt. Nhưng mình khác nó ở chỗ chấp nhận, rằng mình cũng yếu ớt và bơ vơ. Rằng mình cũng cần bạn đồng hành. Rằng mình hoàn toàn bình thường. Và rằng làm người bình thường khó hơn, và vì thế học được nhiều hơn.
-----'
GS Cao huy thuần: "tính thiện là ngon lửa ko tắt"
hững độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.
Giáo sư Cao Huy Thuần - Ảnh nhân vật cung cấp
Trở đi trở lại trong nhiều cuốn sách và đặc biệt trong Sợi tơ nhện, ông thường đề cập đến một nguyên tắc đạo đức quan trọng: không nói dối, và trước tiên phải thật với mình thì mới không dối với người. Có thể hiểu ông rất đau đáu với căn bệnh nói dối tràn lan hiện nay? Theo ông, bên cạnh gia đình, giáo dục ở nhà trường có thể làm gì thiết thực hơn để dạy mỗi đứa trẻ, mỗi công dân biết thành thật cũng là biết "làm người"?
- Nói dối là vấn đề làm đau xót xã hội hiện nay. Xung quanh chúng ta, ai cũng biết, toàn là dối. Chính ta cũng nói dối vì nói thật thì không sống được. Rồi ta lại dặn con: "Đừng nói thật con ạ, nói thật thì lỗ đấy". Nói dối đã in sâu vào thói quen, biến văn hóa tốt đẹp thành "văn hóa" nói dối.
Nhưng chúng ta đừng mất lòng tin, dù cho tôi chẳng đề nghị được với cô một phương thức gì cụ thể để đưa nói thật vào nhà trường hiện nay. Tôi nghĩ nhà trường cũng chịu thôi. Nhưng, đừng mất lòng tin vì bất cứ ai cũng nghĩ trong lòng rằng nói dối là xấu. Đừng mất lòng tin vì tính thiện luôn luôn là ngọn nến trong lòng, đốm lửa không tắt, ánh sáng bất diệt. Lòng tin đó khiến tôi nhiều lần gợi lên vấn đề nói dối, mỗi lần dưới một khía cạnh khác nhau.
Lần này trong Sợi tơ nhện, tôi nêu vấn đề dưới khía cạnh triết lý, nhưng để đưa đến một kết luận đạo đức đơn giản có thể áp dụng trong mọi tình huống: hãy thành thật với mình. Khi nói dối, biết mình đang nói dối, biết mình đang xấu, biết hổ thẹn, biết chữa lại. Cái đáng sợ nhất nơi người nói dối là nói dối quen lưỡi, nói dối mà nghĩ rằng mình nói thật, rằng ai cũng nghĩ mình nói thật. Cái đáng sợ nhất, nói theo ngôn ngữ dân gian, là lương tri không còn biết phân biệt đâu là ma đâu là Phật, lầm ma với Phật, Phật với ma. Với lòng tin nơi sự thành thật không mất đâu cả ở trong ta, ta có thể quy y với chính ta, ai cũng có thể thệ nguyện: "Tôi nguyện giữ giới không nói dối". Bằng cách tự thắp ánh sáng trong ta, trong mỗi người, biết đâu văn hóa nói dối cũng bớt tối tăm.
"Hãy sống như thử bao giờ cũng là khoảnh khắc cuối cùng, và hãy yêu cuộc đời như một ân huệ tối thượng mà ta phải đền đáp bằng tất cả tốt đẹp, thánh thiện trong lòng
Trích bài Hoa đào năm ngoái". (tr.102 - Sợi tơ nhện)
Bởi vậy có những câu trong sách làm người đọc giật mình chiêm nghiệm, như đọc một câu kinh. Chẳng hạn: "Cách hay nhất đối với bóng tối là ánh sáng. Cách hay nhất đối với xấu là tốt"...
- Vậy thì tôi kể thêm câu chuyện này nhé, lần này thì lấy trong kinh ra hẳn hoi. Hai ông vua lân bang gặp nhau ở biên giới. Hai xe đối đầu nhau trên một con đường hẹp, chỉ vừa một xe đi. Không ai nhường ai. Cuối cùng, hai ông giải quyết tranh chấp bằng câu hỏi: Ông dạy dân thế nào? Ông kia nói: "Cứng rắn đối cứng rắn/ Mềm mỏng đối mềm mỏng/ Thiện đức đối thiện đức/ Bất thiện đối bất thiện". Ông này đáp: "Lấy không giận thắng giận/ Lấy thiện thắng không thiện/ Lấy thí thắng xan tham/ Lấy chân thắng hư ngụy". Ông kia xuống xe.
Sợi tơ nhện đầy những chuyện giản dị như vậy, lắm khi tưởng là đùa mà thật là thâm thúy. Ngoài ra, cuộc sống trong những tản văn của ông luôn đầy huyền nhiệm, giúp "thắp sáng" trí óc người thật sự lắng nghe câu chuyện khiến người đọc thêm trân quý đời sống. Với riêng ông, đâu là châm ngôn sống mà ông muốn người đọc nhớ và thực tập nhất từ Sợi tơ nhện?
- Tôi quý chữ "thực tập" của cô nhưng tôi đề nghị thay chữ "châm ngôn sống" bằng "kinh nghiệm sống". Châm ngôn là đến từ bên ngoài. Với tôi, đạo đức phải đến từ bên trong, tự tôi khám phá bằng kinh nghiệm, không luân lý nào áp đặt. Vậy, với kinh nghiệm sống của tôi, tôi tự thấy hạnh phúc là khi mình biết quên mình nhiều hơn và nghĩ đến người khác nhiều hơn. Đơn giản thôi, cô ạ. Cô nghĩ đến con của cô nhiều hơn hay nghĩ đến cô nhiều hơn? Khi cô căng thẳng với chồng, và nếu cô biết ngừng lại một chút, quên cái giận của cô một giây thôi, có phải cô cứu vãn hạnh phúc ngàn vàng của cô không? Sau đó tới thơm ông chồng một cái, trời ơi, có gì hạnh phúc hơn? Ai biết tha thứ, người đó hạnh phúc. Trong Sợi tơ nhện có một chuyện để nói lên ý đó.
Ảnh: Tiến Long
Ông từng nói: "Sách của tôi thường viết là để cho giới trẻ đọc, đạo đức trong ấy là gửi cho giới trẻ". Với Sợi tơ nhện lần này, ông có e ngại những vấn đề như "sinh tử", "thiền ý"... khó được giới trẻ ngày nay lãnh hội, nhất là lớp trẻ VN ít được đào tạo bài bản về triết học, dễ e ngại những vấn đề còn nhiều tính triết luận?
- Ôi chao, câu hỏi này liên quan đến nhiều chuyện quá, nhưng trước hết tôi xin hỏi lại cô: thế nào là "trẻ", thế nào là "già"? Tôi cam đoan với cô, các độc giả cụ già của tôi đọc chuyện yêu đương trong sách chẳng ai thấy mình già đâu! Tất cả nhân loại, ai chết cũng đều chết trẻ vì chẳng ai muốn mình già. Như vậy chẳng lẽ cô không tự nhận mình là "giới trẻ"? Nơi quyển Nhật ký sen trắng của tôi, dưới nhan đề lớn ấy là nhan đề phụ: "Chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh". Bởi vì phụ huynh cũng là "giới trẻ"! Không trẻ với con hoặc không biết trẻ với con thì không hiểu con được đâu, không làm đầy đủ được bổn phận của cha mẹ. Cho nên "giới trẻ" của tôi là mọi lứa tuổi, bắt đầu là tôi vì tôi không có tuổi.
Ấy là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai trong câu hỏi của cô là chuyện làm tôi buồn nhất. Tôi chảy nước mắt trong nhiều sách cũng vì cái buồn ấy. Cái học của ta, cô ạ, không nhắm đến việc mở mang đầu óc suy nghĩ, phán đoán, không khai phóng những cái đầu tự chủ mà giam hãm nó trong nô lệ. Những vấn đề tôi đặt ra trong sách là to tát quá cho giới trẻ chăng? Tôi kể ra đây cho cô vài đề thi môn triết trong kỳ thi tú tài vừa rồi tại Pháp, nghĩa là cho các em 18 tuổi. "Có phải tôi là cái mà quá khứ của tôi đã làm ra tôi?", "Chính trị có được thoát ra khỏi sự bắt buộc của sự thật?", "Nghệ sĩ đưa ra một điều gì để hiểu chăng?", "Phải chăng ý thức của cá nhân chỉ là phản ánh của xã hội trong đó cá nhân ấy sống?". Họ học là học vậy, cô ạ. Học suy nghĩ. Nói nữa thì chỉ chảy nước mắt thêm mà thôi. Cô nghĩ sống chết là chuyện của các cụ già? Cô tưởng một em bé mồ côi mất mẹ không biết thốt ra một câu chứa đựng tất cả triết lý của thiên hạ: "Mẹ ơi, bây giờ mẹ ở đâu?".
Như vậy thì chuyện "thiền" cũng không có tuổi, thưa ông?
- Luôn luôn trẻ, càng ngày càng trẻ. Cô quá biết sự bùng nổ của "thiền" trong các xã hội Âu - Mỹ đang bị stress này. Đâu đâu cũng nói "thiền". Sinh viên ngồi thiền. Xí nghiệp ngồi thiền. Bệnh viện ngồi thiền. Thậm chí trẻ em ở tiểu học cũng được hướng dẫn ngồi im lặng trước giờ học. Tôi chỉ sợ là thiền đi quá xa trên đường thực dụng. Bởi vậy, tôi muốn đưa thiền về lại với những sự việc đơn giản nhất trong đời sống: một tiếng kêu của con ngỗng trời, một hơi thở ấm của nắng đầu xuân... Đi thì biết mình đi, ăn thì biết mình ăn, cô nghĩ giới trẻ không hiểu được chuyện đó hay sao?
Trong Sợi tơ nhện, cây roi của ông quan huyện cũng không dám đánh vào mùa xuân của tuổi trẻ vì nó cũng ý thức được mùa xuân vừa đến nơi một tác phẩm của tạo hóa. Tôi muốn "giới trẻ" làm quen với thiền như vậy, nơi bất cứ sự vật nào, nơi một câu thơ bình thường thôi, chẳng hạn câu này của Hàn Mặc Tử: "Chàng ơi, chàng ơi sự lạ đêm qua - Mùa xuân tới mà không ai biết cả".
Cái giật mình khi chợt thấy mùa xuân đến ấy là cái giật mình của thiền. Bởi vì không phải ai cũng thấy. Mà ai thấy thì chuyện bình thường nhất cũng là "sự lạ".
Nếu cô nghĩ rằng "giới trẻ" vẫn chưa hiểu thì tôi xin kể chuyện này. Hồi trước khi tôi còn đi dạy ở Sài Gòn, tình cờ tôi đọc được một bài thơ trong một nội san của sinh viên trường luật, bây giờ quên hết, chỉ nhớ lõm bõm mấy câu cuối, chắc là không đúng hẳn với nguyên văn: "Tôi tiếp tục gục đầu trên quyển Dân luật khái luận - Khi ngẩng lên - người yêu đi lấy chồng".
Không biết sống trong mỗi giây phút hiện tại thì mất bồ là chuyện hiển nhiên, "giới trẻ" nào mà không biết chân lý ấy?
----
Đây là lý do mình mê ngôn ngữ: ngôn ngữ là phương tiện kết nối, là thứ chất lỏng vô hình giúp chúng ta nhúng mình vào dòng chảy. Ngôn ngữ không chỉ là lời nói/chữ viết, vẽ cũng là ngôn ngữ, nhạc cũng là ngôn ngữ, nhảy múa cũng là ngôn ngữ, và việc di chuyển từ thế giới ngôn ngữ này sang thế giới ngôn ngữ khác khiến cho chúng ta linh hoạt, nhạy cảm và mở ra vô hạn các khả năng sáng tạo.
Cho nên các bạn lười học ngôn ngữ, chân thành chia buồn với các bạn
----
Gần hai năm nay hầu như ngày nào mình cũng đi qua đây, nhìn các anh kỹ sư dựng mấy cái chân đế cho đường tàu điện, từ lúc họ tạo ra mấy cái hố lớn giữa lòng sông, rồi tạo khung thép, làm khuôn, đổ bê tông, từng chút từng chút một, sau hai năm mới chỉ được từng này. Bao lâu nữa thì mới ráp đường ray, bao lâu thì tàu điện chạy? Nghe bảo là 2019. Có thể lâu hơn. Hôm nay đi ngang, dừng lại ngắm lâu hơn một chút, mình lại càng phục họ, những người kỹ sư. Hệ thống giao thông công cộng mà các anh đang xây, các anh xây để làm gì, phục vụ cho ai, đất nước này có tiến bộ lên nổi không, thế giới sắp tận thế rồi, ngày nào các anh cũng cặm cụi sắt thép để làm gì... Các anh kiên nhẫn qua mưa nắng, vượt thắng thiên nhiên để làm gì? Lòng kiên nhẫn và sự lạc quan của các anh có thể đem so với loài kiến hay là dã tràng được vậy...
Nghĩ chán, xong lên xe mình chợt nhớ, ủa chứ mình và cái đám hâm ở Toa Tàu, bọn mình đang xây lên cái chỗ này làm gì vậy?
-----
"Gửi tới Đu lá vàng, Cây số 1037148
Rất tiếc vì cậu sẽ sớm ra đi. Mình thật buồn khi những chiếc xe tải làm hư hại các cành tán thấp của cậu. Cậu có thấy mệt mỏi vì tất cả những trò công trường xây dựng như bọn mình không?"
Đó là một lá thư gửi tới một cái cây ở thành phố Melbourne, Úc. Chính quyền thành phố đã đánh số những cái cây ở đây cùng với một email đi cùng để người dân có thể dễ dàng thông báo cho ban quản lý khi cây gặp vấn đề. Thế nhưng, thay vào đó, người dân nơi đây lại gửi về hàng ngàn email bày tỏ tình cảm, tâm sự với cái cây mà họ yêu mến.
Và vậy là, những cái cây thấy cũng cần đáp lễ.
Ví dụ, để đáp lại một cậu bé tên F., người đã kể về việc cậu phải thi, và cho rằng cậu và cây sẽ chẳng có nhiều chuyện để nói vì họ không có nhiều điểm chung, cây đã viết rằng:
"Chào F,
Tớ thích sống ở đây lắm.
Tớ hi vọng cậu làm bài thi tốt. Nghiên cứu đã chỉ rằng tự nhiên có thể mang lại tác động tích cực lên quá trình học tập của con người, thế nên tớ hi vọng tớ mang lại cảm hứng học tập cho cậu.
Đu lá xanh, Cây số 1022165".
Toa Tàu chợt nghĩ tại sao chúng ta không bắt đầu thử viết email cho những cái cây trong thành phố này, bởi vì bạn biết không, có thể chúng sẽ sớm bị chặt, và rồi ra đi mà không biết chúng ta yêu chúng nhiều đến thế nào.
Nếu bạn viết cho bất kì một cái cây nào, hãy hashtag #vietchocay hoặc tag Toa Tàu vào với nhé.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top