cú vọ và đàn bồ câu 4
Chương 31
Adam một mình trong Cung Thể thao. Hai bàn tay khéo léo của anh lục lọi vào tận ngóc ngách các ngăn đựng quần áo dụng cụ của mỗi học sinh. Rất khó có khả năng anh ta tìm được thứ gì sau khi cảnh sát đã khám xét kỹ càng, nhưng Adam vẫn thử. Thanh tra Kelsey đã chẳng nói rằng mỗi ngành an ninh có một số kỹ thuật riêng đó sao?
Toà nhà mới xây và rất sang trọng này có mối liên quan gì với những cái chết vừa qua? Khả năng bọn tội phạm dùng nơi này làm điểm hẹn gặp nhau đã được loại trừ, ít nhất cũng trong vụ án mạng thứ hai, bởi không ai lại chọn vị trí bí mật gặp nhau ở đúng địa điểm đã bị chú ý. Do đấy nên trở lại giả thuyết cho rằng tại đây có một vật nào đó bọn chúng muốn đoạt lấy. Những viên đá quý được giấu ở đây chăng ? Rất ít có khả năng đó: không có một nơi bí mật nào, không có một chỗ nào "nghi binh", mọi chỗ đều đã được lục soát và không thấy có gì khả nghi.
Tuy có một số thứ "bí mật" nhưng là bí mật học trò: bao thuốc lá, vài cuốn tiểu thuyết bậy bạ...
Adam dừng lại trước ngăn của cô "công nương" Shaila. Chính là cô giáo Vansittart đã bị hạ sát trong lúc đang cúi xuống lục lọi ngăn này. Cô ta hy vọng tìm thấy thứ gì vậy? Và đã tìm thấy chưa? Liệu hung thủ có đoạt được thứ cô giáo Vansittart tìm thấy không, trước khi hắn vội vã tẩu thoát trước khi bà Chadwick ngó vào? Nếu quả là như vậy thì có nghĩa "vật kia" đã không còn ở đây, và bây giờ mới tìm kiếm là vô ích.
Tiếng chân người bên ngoài làm Adam chú ý. Anh ta vội ngồi dậy, châm điếu thuốc lá, ung dung đứng hút giữa gian để quần áo dụng cụ thể thao. Cô học sinh Julia Upjohn hiện ra trên ngưỡng cửa. Cô bé có vẻ do dự.
- Cô có cần gì không? - Adam hỏi.
- Em muốn lấy cây vợt tennis của em, được không ạ?
- Tôi thấy chẳng có gì là không được. Nhân viên cảnh sát canh gác chỗ này vừa đi ra có việc, nhờ tôi canh giúp - Adam nói dối trắng trợn - Vợt của cô ở đâu?
- Vợt của em có chữ "U" trên nhãn, nó nằm ở bên phải, cuối cùng ấy. Vợt của đứa nào đều ghi tên của đứa ấy trên nhãn, chữ "U" là của em, vì họ của em là " Upjohn".
Tìm thấy cây vợt, Adam đưa cho cô bé:
- Vợt cũ rồi, nhưng vẫn còn tốt lắm.
- Em muốn lấy cả cây vợt của bạn Jennifer, được không ạ? Bởi hai đứa muốn chơi quần vợt với nhau.
- Cây vợt này còn mới nguyên - Adam nói lúc đưa cây vợt có chữ "S" trên nhãn cho cô bé.
- Vâng, đúng thế! Mẹ đỡ đầu nó vừa gửi đến tặng nó đấy.
Julia Upjohn cầm hai cây vợt, cảm ơn, rồi chạy biến mất.
* * *
Trên sân quần vợt, Jennifer vừa đỡ trượt một quả tennis, em giận dữ hét toáng lên. Đôi bạn gái đang chơi thì dừng lại vì thấy cô giáo Eileen Rich dẫn một phụ nữ có tuổi đang đi về phía chúng. Jennifer nhận ra mẹ, bà Sutcliffe. Cô bé nhăn mặt.
- Mẹ mình bắt mình về đấy. Bạn may mắn, có một bà mẹ ở tận Thổ Nhĩ Kỳ.
- Nhưng mình còn dì Isabelle!
- Đúng thế, nhưng các bà dì đâu quá lo cho cháu bằng mẹ lo cho con!
Bà Sutcliffe đã đến trước mặt con gái:
- Chuẩn bị đồ đạc về nhà, Jenniffer! - Bà nói ngay.
- Con phải về nhà ạ?
- Đúng thế! Và về ngay bây giờ.
- Nhưng...
- Không có nhưng gì cả. Đấy là lệnh của ba!
- Nhưng chỉ có các cô giáo mới bị giết thôi, chứ học trò có đứa nào việc gì đâu ạ? Với lại chỉ còn ba tuần lễ nữa là đến Hội Thể Thao rồi, mà con thì rất nhiều triển vọng đoạt giải...
- Không thắc mắc gì hết! Về phòng chuẩn bị ngay rồi đi với mẹ. Thắc mắc gì thì về nói với ba.
Nói xong, bà đi cùng cô giáo Rich về phía toà nhà chính của trường.
Jennifer nói với bạn:
- Chỉ tại Cô Springer và cô Vansittart! Ba mình nhát quá. Mình rất không muốn về nhà.
- Lệnh của các cụ thì đành phải chấp hành thôi. Mình sẽ viết thư kể mọi chuyện cho bạn, không thiếu một chi tiết nhỏ nào hết.
- Nếu bà giáo Chadwick thành nạn nhân thứ ba nữa thì tiếc quá đấy. Mình chỉ mong nếu có nạn nhân thứ ba thì sẽ là cô Blanche - Jennifer nói.
- Mình cũng nghĩ thế. Cô Blanche mà làm sao thì mình sẽ không thương tiếc gì hết. Vừa rồi bạn có nhận thấy cô Rich có gì khác thường không?
- Mình chỉ thấy cô ấy giống một người mình biết, nhưng cô kia to béo hơn nhiều. Nhưng bạn thấy cô Rich làm sao?
- Mình có cảm giác cô ấy đang thuyết phục mẹ bạn đừng bắt bạn về nhà.
- Nếu cô ấy can được mẹ mình thì tuyệt vời...
Giữa lúc ấy, có tiếng thúc của bà Sutchffe:
- J-e-n-n-i-f-e-r?
- Con vào đây! - Cô bé gào to đáp lại.
- Nhanh lên chứ! - bà Sutchffe lại hét.
Jennifer chạy về phía toà nhà chính của trường. Còn lại một mình, Julia cầm hai cây vợt chậm chạp đi về phía Cung Thể thao. Bước chân cô bé mỗi lúc một chậm, cuối cùng cô đứng lại, như mải suy nghĩ điều gì.
Tiếng chuông báo đã đến giờ ăn trưa, nhưng cô bé vẫn mải suy nghĩ, tay cầm hai cây vợt. Rồi em đi hai bước về phía Cung Thể thao, trước khi quay gót đi nhanh về phía toà nhà chính.
Julia vào theo lối cổng chính - xưa nay cấm học sinh không được sử dụng - để tránh gặp các bạn. Gian tiền sảnh không có ai. Mọi người đang ở nhà ăn. Julia bước nhanh lên thang gác. Đến trước cửa căn phòng nhỏ của mình, em ngó sang hai bên, rồi bước nhanh vào. Julia đóng cửa lại, nhét cây vợt xuống dưới nệm, rồi lấy vẻ mặt thản nhiên, ra hành lang, xuống nhà ăn.
* * *
Tối hôm đó, các học sinh đi ngủ lặng lẽ và trật tự hơn thường lệ. Một phần cũng vì một số khá đông đã được cha mẹ rút về nhà.
Julia Upjohn là một trong số học sinh lên phòng sớm nhất. Vào trong phòng, em lập tức đóng cửa lại áp tai nghe xem bên ngoài có động tĩnh gì không? Chỉ có những tiếng "Chúc ngủ ngon!" không lớn và vui vẻ như mọi khi. Khi bên ngoài đã gần như yên lặng hoàn toàn, Julia mới thôi không áp tai vào cánh cửa nghe ngóng nữa.
Rất tiếc là các phòng học sinh không có chìa khoá để khoá cánh cửa. Julia phải lấy ghế chèn để lỡ có ai vào thì tất phải gây tiếng động. Nội quy nhà trường cấm học sinh không được vào phòng riêng của nhau ban đêm. Người duy nhất Julia lo có thể vào phòng mình là bà giám thị Johnson.
Sau khi đã chèn kỹ, cô bé quay vào giường, lật tấm nệm lên, lôi cây vợt ra, thầm tự hỏi: "Không biết người ta có thể giấu thứ gì vào trong một cây vợt tennis nhỉ?" Em đoán phải là thứ gì quan trọng lắm. Julia đã biết chuyện kẻ gian đột nhập vào nhà Jennifer, rồi chuyện người đàn bà lạ mặt hôm trước đến lấy đi cây vợt của Jennifer, không biết rằng thật ra đó là cây vợt của Juha, hai đứa đã đổi cho nhau và thay cả nhãn ghi tên bên ngoài. Cây vợt giấu dưới nệm này mới chính là của Jennifer, và chắc trong nó phải được giấu một thứ gì rất quan trọng... Thứ gì vậy? Julia rất tò mò nóng lòng muốn biết.
Em ngắm nghía cây vợt. Nếu ai giấu thứ gì trong này thì không thể có chỗ nào khác ngoài cái cán. Julia nhấc nhấc thử. Quả là cái cán hơi nặng hơn bình thường, hẳn nào Jennifer kêu ca là khó điều khiển. Julia cẩn thận bóc lớp da bọc ngoài bằng mũi một con dao nhíp. Lộ ra một lỗ tròn bít kín. Chà! Em linh cảm thấy mình sắp khám phá ra một thứ gì hết sức quan trọng. Em lấy mũi dao khoét, thấy chỉ là chất nhựa. Lỗ tròn đã được mở rộng, em nhìn thấy một vật gì lóng lánh bên trong. Em nhẹ tay moi dần ra từng hạt. Tất cả đều là những viên đá quý trong vắt, ánh lên đủ mọi màu sắc.
Julia ngả lưng ra thành ghế, mắt hoa lên trước cả một cuộc hội ngộ rực rỡ của muôn vàn tia sáng ngũ sắc lấp lánh. Vào tuổi này, tuy chưa phải đàn bà, nhưng em cũng không còn là trẻ con. Em biết giá trị của đồ nữ trang. Em đoán đây là những viên kim cương. Như thể mê đi, em vốc chúng lên rồi thả dần dần xuống nệm giường trắng tinh, và tưởng như mình lạc vào một hang chứa kho báu trong truyện cổ tích... Một nghìn lẻ một đêm chẳng hạn.
Một tiếng động nhẹ bên ngoài làm em sực tỉnh. Julia vội vã thu tất cả lại, gói vào một mảnh vải nhỏ cho vào cái túi đựng gương lược và phấn sáp. Sau đó, em quay ra, dán lại lớp da bọc cán vợt cho giống hệt như cũ, ai tinh mắt lắm mới có thể phát hiện ra được. Bây giờ thì cây vợt đã hoàn toàn như trước.
Julia đăm chiêu nhìn giường, nhưng chưa cởi quần áo. Rồi em lo lắng nghe động tĩnh ngoài hành lang. Bất giác em cảm thấy toàn thân lạnh toát. Em nhớ đến hai cái chết vừa rồi. Nếu ai biết em đã phát hiện ra điều bí mật này, chúng sẽ không để em yên. Và nạn nhân thứ ba sẽ là Julia!
Trong phòng có một chiếc tủ lớn, Julia phải dùng hết sức lực đẩy dần nó ra, chẹn thêm vào cánh cửa. Rồi em nhìn cửa sổ. Chạy ra ngó xuống dưới. Chắc không ai lọt được vào đây bằng lối cửa sổ này. Nhưng tốt nhất là cứ cẩn thận.
Em đưa mắt nhìn đồng hồ: mười rưỡi. Julia sực nhớ vội vã tắt đèn để khỏi làm ai chú ý đến căn phòng nhỏ này. Em nhẹ tay kéo rèm ra, ánh trăng bên ngoài dội vào cánh cửa. Ngồi trên giường, em lo lắng, tay cầm sẵn chiếc giầy cao gót, chuẩn bị đối phó nếu có kẻ xông vào. Em tính toán. "Nếu có kẻ tìm cách đẩy cửa vào hoặc leo theo lối cửa sổ mình đập thật mạnh vào tường, con Mary King ở phòng bên cạnh sẽ thức dậy. Rồi mình hét thật to. Nếu không phải kẻ lạ, mình sẽ nói thác đi là mình mê thấy một cơn ác mộng. Mà thấy ác mộng là chuyện dễ hiểu lúc này, sau khi trong trường xảy ra liền hai vụ án mạng..."
Julia cố thức để canh chừng. Nhưng cuối cùng, em không cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Em thiếp đi lúc nào không biết, co quắp trong bộ quần áo mặc lúc ban ngày.
* * *
Sau bữa điểm tâm và buổi cầu kinh sáng, học sinh lục tục vào các lớp. Julia cũng vào lớp em, rồi lợi dụng các lối đi đan nhau, em lẩn được ra vườn. Em biết thời gian này việc em vắng mặt trong giờ học không bị ai chú ý, bởi gần như mỗi lớp chỉ còn khoảng một nửa số học sinh. Không cô giáo nào nắm được danh sách những học sinh còn ở lại trường những học sinh nào đã bị cha mẹ bắt về nhà.
Julia leo lên một cây dương gần tường rào, nấp trong một đám lá rậm, ngồi bất động trong đó. Chốc chốc em lại nhìn đồng hồ đeo tay. Đến một lúc em nhìn đồng hồ lần cuối, rồi nhẹ nhàng nhảy ra bên ngoài bức tường thấp. Thế là em đã ở ngoài nhà trường. Chụp chiếc mũ dạ lên mái tóc, em đi nhanh ra ga xe lửa và lên chuyến tàu đi London.
Trong phòng ngủ của em ở trường Meadowbank, Julia để lại chiếc phong bì đề tên Bà hiệu trưởng Bulstrode. Nội dung lá thư bên trong như sau:
Kính thưa cô Hiệu trưởng Bulstrode.
Không phải em bị bắt cóc đâu, mà lần này em trốn học. Nhưng em sẽ đi không lâu đâu. Cho nên xin cô đừng lo lắng. Khi nào xong việc, em sẽ về trường ngay.
Học trò của cô: Julia UPJOHN
Chương 32
Tại ngôi nhà số 228 đại lộ Whitehouse, cậu giúp việc cho thám tử Hercule Poirot ra mở cửa và không ngạc nhiên gì mấy, khi thấy một cô bé học sinh khuôn mặt không lấy gì làm sạch sẽ.
- Cho cháu gặp ông Hercule Poirot, được không ạ?
Thấy một người khách quá bất ngờ, anh người ở George suy nghĩ một lát:
- Ông chủ tôi không tiếp những khách không có hẹn trước.
- Cháu e cháu không có đủ thời gian để tiến hành cho đúng mọi thủ tục. Cháu có việc cần phải nói ngay với ông Poirot... về những vụ án mạng, những vụ ăn trộm... và nhiều thứ khác nữa.
George suy nghĩ rồi nói:
- Thôi được, tôi vào thưa với ông chủ, xem ông chủ có bằng lòng tiếp cô hay không?
Lát sau, anh ta lại mở cửa, mời cô bé mặt mũi lem luốc vào. Julia tỏ thái độ hết sức lễ phép nhưng đồng thời chân thật:
- Chào ông Poirot. Tên cháu là Julia Upjohn. Cháu biết ông quen với một bà bạn thân của mẹ cháu, bà Summerhages. Mới mùa hè vừa rồi, mẹ cháu và cháu đến thăm bà ấy, và mấy người nói rất nhiều chuyện về ông.
" Bà Summerhages", Poirot nhớ đến một ngôi làng xinh xắn trên một quả đồi... và một toà nhà dễ mến trên đỉnh đồi. Poirot nhớ đến một khuôn mặt duyên dáng, chiếc đi văng lò xo đã hỏng, và cả một đàn chó đông đúc, cùng rất nhiều thứ khác, cả đáng mến lẫn đáng ghét.
- Bà Maureen Summerhages? Có, tôi có quen.
- Cháu thường gọi bà ấy là cô Maureen. Cô ấy đã kể không biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ về ông, thưa ông Poirot, cũng như không biết bao nhiêu lần ông đã gỡ tội cho những người bị nghi oan. Vì hiện nay cháu có một việc không biết kể với ai, nên cháu nghĩ đến ông.
- Cảm ơn cô quá khen - Poirot khẽ nghiêng mình. Rồi ông mời Julia ngồi.
- Bây giờ cô nói đi. Cô nói với George là cô muốn nói với tôi về những vụ án mang, những vụ ăn trộm và những chuyện khác nữa, đúng thế không nhỉ?
- Vâng. Hai cô giáo bị giết: cô Springer và cô Vansittart. Rồi một vụ bắt cóc. Nhưng vụ bắt cóc thì cháu không biết gì.
- Những chuyện đó xảy ra ở đâu?
- Trong trường cháu, trường nữ học ở Meadowbank.
- Meadowbank? - Poirot kêu lên.
Ông với tay lấy tờ báo được gấp cẩn thận trên bàn giấy, giở ra, liếc nhìn trang đầu.
- Tôi bắt đầu hiểu rồi - ông nói - Vậy, Julia, cô hãy kể tôi nghe tất cả những gì cô thấy và cô biết, kể từ đầu.
Julia bắt đầu kể rõ ràng, tỷ mỷ, thỉnh thoảng dừng lại, khi em thấy cần bổ sung thêm một chi tiết ở đoạn trước mà em quên chưa kể. Đến đoạn em quan sát cây vợt trong phòng ngủ của em đêm qua, Julia nói:
- Lúc ấy, cháu nghĩ, trong cây vợt này tất phải có một thứ gì.
- Và cô đã tìm thấy?
- Vâng.
Không giả vờ làm ra bộ xấu hổ, Julia kéo váy lên, móc tay vào tận quần lót, khó khăn lắm mới lôi ra được một gói nhỏ, kèm theo một tiếng kêu khẽ đau đớn. Gói nhỏ được bọc rất cẩn thận và cô bé đặt lên bàn, mở ra, đổ ra mặt bàn: cả một dòng suối sắc mầu lấp lánh.
- Trời! - Poirot trợn mắt kêu lên.
Ông vốc lên bàn tay, rồi mở các ngón tay cho những viên đá quý kia lọt xuống qua các kẽ ngón tay.
- Khủng khiếp? Không phải đồ giả đấy chứ?
Julia gật đầu:
- Nếu là đồ giả thì mấy con người kia đã không bi thiệt mạng vào tay những kẻ tìm cách chiếm đoạt những viên đá này.
Rồi như thể bóng đen qua đi, cặp mắt em trở lại cặp mắt rực sáng của một đứa trẻ thơ, bị những báu vật kia hút hồn. Poirot nhận ngay thấy điều đó.
- Toàn ngọc thật cả... - Julia thầm thì.
- Thì ra cô đã khám phá ra những của quý này trong cái cán của cây vợt?
Julia tiếp tục kể nốt câu chuyện.
- Cô không bỏ sót một chi tiết nào đấy chứ?
- Cháu nghĩ là cháu đã kể hết. Cũng có thể cháu đã phóng đại một vài chi tiết nào đó, tính cháu ngược lại với tính đứa bạn cháu Jennifer. Nó lại có tính giản đơn hoá mọi thứ.
Rồi Julia tiếp tục ngắm những viên kim cương, đá quý vẫn đang ánh lên muôn vàn tia sáng óng ánh đủ mọi màu sắc.
- Thưa ông, số báu vật này, chủ nhân đích thực của chúng là ai ạ?
- Hiện nay tôi chưa biết, nhưng có lẽ tìm ra được chủ nhân đích thực của chúng cũng chẳng dễ dàng lắm đâu. Nhưng một điều chắc chắn, chúng không thuộc về cô cũng không thuộc về tôi. Thôi, bây giờ chúng ta cần tiến hành một số công việc.
Julia chăm chú nhìn ông Poirot, không rời mắt.
- Cô hoàn toàn tin cậy ở tôi chứ? - ông nói.
Rồi nhắm mắt lại một lát, viên thám tử lừng danh nói tiếp:
- Có lẽ trong trường hợp này tôi không thể ngồi yên trong ghế bành của tôi nữa. Ta phải vạch ra một kế hoạch chi tiết, cụ thể và tiến hành từng bước. Như vậy là trong vụ này có rất nhiều người dính vào, và họ có những mục đích hết sức khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều quy tự vào một mối, đó là trường nữ học Meadowbank. Do đấy, tôi cũng sẽ phải đến đó. Còn cô, Julia thân mến... À, mẹ của cô ở đâu nhỉ?
- Mẹ cháu hiện đang du lịch trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
- Vậy ư? Lại thế nữa kia đấy. Tận Thổ Nhĩ Kỳ? Tôi biết mẹ cô là bạn thân của bà Summerhages, một phụ nữ cũng rất đặc biệt.
Poirot nhấc máy điện thoại, bảo Julia:
- Cô hãy báo tin cho bà hiệu trưởng, nói với bà rằng tôi sẽ cùng cô đến đó ngay...
- Về chuyện báo tin thì ông đừng lo. Bà Bulstrode biết cháu đi có công việc rồi. Cháu đã để lại trong phòng một lá thư gửi cho bà...
- Nhưng bà sẽ rất vui mừng nếu nhận được một lời khẳng định nữa.
Poirot quay số và chỉ lát sau, đường dây đã được nối.
- A lô! - ông Poirot nói - Bà hiệu trưởng Bulstrode phải không ạ? Tôi là Hercule Poirot. Một học sinh của bà, em Julia Upjohn, đang ở chỗ tôi. Tôi đang định đi cùng em đến chỗ bà ngay bây giờ, và nhờ bà báo cho ông thanh tra cảnh sát đảm trách việc này biết rằng "vật" kia, một túi nhỏ, đã được tôi gửi vào nhà băng. Tuyệt đối an toàn!
Poirot đặt máy xuống, Julia nói ngay:
- Nhưng số đá quý này đã nằm ở nhà băng đâu, thưa ông Poirot?
- Rồi nó sẽ nằm trong đó - Poirot đáp - Còn hiện giờ, tốt nhất là mọi người tin rằng số đá quý này đã nằm trong nhà băng. Như vậy tất cả những người quan tâm đến chúng sẽ để yên cho chúng ta. Gửi vào nhà băng thì chỉ trong nháy mắt, nhưng lấy ra thì không phải dễ dàng đâu, cô bé yêu quý của ta. Tôi nói với bà hiệu trưởng câu vừa rồi chỉ vì tôi rất không muốn kẻ nào gây chuyện nguy hiểm cho em. Julia, lòng can đảm và trí thông minh của em làm ta hết sức kính phục đấy. Em xứng đáng được hưởng sự an toàn tuyệt đối.
Nghe người thám tử lừng danh nói câu đó, Julia vừa sung sướng vừa ngượng ngùng.
* * *
Hercule Poirot đang chuẩn bị tinh thần đón đợi thái độ của một phụ nữ quý tộc nhìn một người đàn ông có tuổi hình dạng lố lăng, với đôi giầy đánh xi bóng loáng nhưng mũi nhọn hoắt, và trên mặt là bộ na mép dài chĩa đôi. Nhưng ông hài lòng nhận thấy sự thật không diễn ra như ông dự đoán. Bà hiệu trưởng Bulstrode tiếp ông một cách lịch sự và tin cậy. Bà đã biết danh tiếng nhà thám tử tư vấn Hercule Poirot và thái độ của bà làm ông cảm thấy thoải mái ngay.
- Rất hân hạnh được đón tiếp ông, thưa ông Poirot. Cú điện thoại của ông đã đến trước khi tôi kịp lo lắng về cô bé học sinh của tôi. Vì nhiều phụ huynh rút con em họ về nhà nên trong bữa điểm tâm, sự vắng mặt của em Julia không được ai chú ý. Phải sau khi nhận được điện thoại của ông, tôi mới chạy lên phòng ngủ của em và thấy lá thư em để lại.
- Thưa cô hiệu trưởng, em muốn cô đừng lo là em bị bắt cóc.
- Ta đánh giá rất cao thái độ đó của em, Julia. Nhưng sao em không kể cho ta nghe từ trước những dự định của em?
- Thưa cô, em nghĩ rằng nên giữ tuyệt đối bí mật, như thế sẽ an toàn cho cả cô lẫn cho em... Em nghĩ kẻ thù có tai rất thính !
- Ta rất tán thành thái độ thận trọng của em.
Rồi quay sang thám tử Poirot, bà nói tiếp:
- Bây giờ tôi hy vọng ông cho tôi biết có chuyện gì đã xảy ra chứ ạ?
- Vâng, tất nhiên rồi. Vậy xin phép bà - Poirot nói.
Ông bước ra mở cửa, ngó ra ngoài, rồi khẽ đóng lại. Khi đã ngồi vào chỗ, mặt ông tươi lên:
- Bây giờ chỉ có ba chúng ta - ông nói giọng bí hiểm - Ta có thể yên tâm trò chuyện.
Bà hiệu trưởng nhìn viên thám tử, đưa mắt nhìn ra cửa, rồi lại quay nhìn ông chăm chú, mắt mở to. Sau đó, bà khẽ nghiêng người, lấy dáng điệu quả quyết nói với Julia.
- Em nói đi, Julia. Và cố gắng đừng bỏ sót chi tiết nào đấy.
Cô bé lần lượt kể hết câu chuyện: từ việc em đổi vợt tennis với Jennifer, chuyện người đàn bà bí hiểm đến tìm Jennifer để trao cây vợt mới và lấy đi cây vợt cũ thật ra chỉ là vợt của Julia, rồi việc em khám phá ra số đá quý trong cán cây vợt, vốn là của Jennifer.
Julia kể xong, bà hiệu trưởng đưa mắt nhìn viên thám tử.
- Em Julia đã kể và em kể rất đầy đủ - Poirot nói - Tôi đã đem gửi số đá quý em mang đến vào một nhà băng, và bây giờ số đá quý đó được cất giữ ở một nơi tuyệt đối an toàn. Do đấy, tôi tin rằng từ nay sẽ không còn sự việc gì đáng tiếc xảy ra nữa.
- Tôi hiểu - bà hiệu trưởng Bulstrode nói.
Bà im lặng một lúc, rồi nói tiếp:
- Nhưng ông thấy có nên để em Julia ở lại đây không? Hay tôi tạm thời cho người đưa em về nhà bà dì em ở London?
Julia vội vã phản đối:
- Đừng, thưa cô hiệu trưởng. Cô cho phép em ở lại đây.
- Em muốn ở lại trường à? - Bà hiệu trưởng hỏi lại một lần nữa - Nhưng ta e em ở đây không được an toàn.
- Không! Em thích ở đây. Trường ta luôn có những chuyện ly kỳ...
Bà hiệu trưởng cau mặt:
- Chỉ gần đây thôi. Xưa nay trường Meadowbank có bao giờ xảy ra chuyện gì tương tự đâu?
- Nhưng em rất thích ở lại trường, thưa cô.
Poirot chen vào:
- Tôi nghĩ em Julia sẽ không gặp chuyện gì nguy hiểm được nữa. Tuy nhiên chúng ta phải giữ thật kín mọi chuyện.
Ông quay sang Julia nói tiếp:
- Em nhận thức được đầy đủ điều đó chứ?
Bà hiệu trưởng nói thêm.
- Ông thám tử ý nói rằng em phải hết sức giữ gìn lời ăn tiếng nói. Em thấy có thể giữ kín mọi chuyện em biết được không?
- Thưa cô được ạ.
- Sẽ rất phiền nếu em lộ ra một chút xíu nào của câu chuyện cho bè bạn em đấy. Em không có tính thích khoe mẽ chứ? Một câu chuyện ly kỳ chỉ riêng mình biết, con người ta rất khó giữ kín mà không lộ ra với ai... Cả một kho báu được giấu trong cán cây vợt tennis! Còn câu chuyện nào ly kỳ hơn?
- Em thề nếu em để lộ ra với ai, cô cứ treo cổ em lên.
Bà hiệu trưởng Bulstrode bật cười:
- Ta hy vọng chẳng bao lâu nữa mẹ em sẽ trở về. Thanh tra Kelsey cho ta biết, cơ quan an ninh đang làm mọi cách để bắt liên lạc với bà Upjohn. Rất tiếc là các xe "ca" của Thổ Nhĩ Kỳ luôn chạy chậm so với giờ quy định, cho nên việc liên lạc với bà không thể nhanh như ta mong muốn.
- Em có thể kể chuyện này với mẹ em chứ ạ?
- Tất nhiên! Bây giờ em được tự do, Julia.
Chương 33
- Bây giờ - ông Cảnh sát trưởng nói - chúng ta thử khớp các thông tin của chúng ta lại với nhau. Thưa ông Poirot, rất sung sướng được ông cộng tác. Ông thanh tra Kelsey còn nhớ ông rất rõ.
- Chuyện ấy cách đây rất lâu rồi - thanh tra Kelsey tiếp lời - Hồi đó tôi mới là Trung sĩ cảnh sát.
Ông Cảnh sát trưởng khẽ ho rồi nói tiếp:
- Ông Adam Goodman có mặt ở đây hôm nay là người ông thám tử chưa quen, nhưng tôi tin rằng chắc ông thám tử biết rõ thủ trưởng của ông Adam ở cơ quan An ninh?
- Đại lá Pikcaway? - Poirot nói khẽ, dáng suy nghĩ - Đã lâu tôi không được gặp ông ấy. Ông Đại tá vẫn có vẻ lúc nào cũng như ngủ đấy chứ gì?
Adam lộ vẻ thích thú:
- Vậy là ông có trí nhớ rất tốt. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy sếp của tôi hoàn toàn tỉnh táo. Và nếu Đại tá có vẻ tỉnh táo thì tôi lại lo ông ấy không nghe thấy ai nói gì xung quanh nữa.
- Anh tinh ý đấy, anh bạn trẻ ạ - Poirot nói.
- Bây giờ ta đi thẳng vào vấn đề - ông Cảnh sát trưởng nói - Các vụ việc vừa qua diễn ra trên nhiều bình diện, tôi nghĩ chúng ta cần xét chúng trên một bình diện đã.
Ông ngừng lại một chút rồi quay sang thám tử Poirot, nói tiếp:
- Về mặt công khai, đây chỉ là câu chuyện ly kỳ, một em học sinh gái tìm thấy những viên kim cương giả mà em tưởng là kim cương thật, đã đến gặp thám tử nổi tiếng Poirot, đúng vậy không, thưa ông thám tử?
Trong khi nói, ông Cảnh sát trưởng không rời mắt khỏi người thám tử.
- Tôi cũng nghĩ thế - Poirot đơn giản trả lời.
- Đường lối ngoại giao đòi hỏi chúng ta phải hết sức tế nhị. Đây là chuyện dính đến những mỏ dầu lửa ở Trung Đông, và chúng ta phải tính đến chính phủ các quốc gia đó. Cho nên chúng ta không thể công bố toàn bộ sự thật. Chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở mức độ một vụ án.
- Tôi đồng ý - Poirot nói.
- Vì lẽ đó - ông Canh sát trưởng nói tiếp - tôi nghĩ rằng tôi sẽ không lầm khi nói rằng Ngài cố quốc trưởng Ramat trước kia là bạn thân thiết của nước ta và tất nhiên chúng ta tôn trọng tất cả những tài sản có thể thuộc quyền sở hữu của Ngài. Trên thực tế, hiện nay chưa ai biết số của cải đó là những gì. Nếu chính phủ đương quyền ở Ramat yêu cầu trả lại họ những tài sản đó, chúng ta sẽ trả lời rằng chúng ta không biết những tài sản đó gồm những gì và hiện nằm ở đâu. Bởi một sự từ chối dứt khoát sẽ gây tổn hại cho mối bang giao giữa hai quốc gia.
- Trên bình diện này - Poirot nói - chúng ta sẽ nói rằng chính phủ Anh không hề biết gì về số "vật báu" mà người ta đồn là vị quốc trưởng quá cố, Hoàng thân Ali Yusuf đã sở hữu. "Vật báu" đó rất có thể vẫn còn nằm trong nước Ramat và được một người bạn thân tín của cố Hoàng thân cất giấu...
Viên Cảnh sát trưởng gật đầu:
- Điều tôi định nói đúng là như vậy. Trên thực tế, thưa ông Poirot, ông có nhiều người bạn nắm giữ những vị trí cao trong chính quyền, và họ rất tin cậy ông. Tôi nghĩ, tôi được phép giả định rằng các quan chức cao cấp kia trên tư cách tư nhân với nhau, có thể đã nghĩ đến chuyện nhờ ông giữ hộ. Nếu như vậy ông không từ chối chứ?
- Hoàn toàn không. Nhưng chúng ta sẽ phải đương đầu với một vấn đề quan trọng hơn.
Poirot đưa mắt nhìn ba người đang ngồi xung quanh:
- Các ông có thấy như vậy không? Dù sao thì một tài sản trị giá sáu bảy triệu bảng Anh cũng không có nghĩa gì, nếu đem so với tính mạng của một vài con người?
- Ông nghĩ rất đúng - viên Cảnh sát trưởng nói.
- Vì vậy - thanh tra Kelsey nói - chúng ta cần tìm ra hung thủ. Thưa ông Poirot, chúng tôi rất muốn được nghe quan điểm của ông. Cho đến lúc này, chúng tôi mới chỉ có thể có những giả thuyết. Và trong lĩnh vực này, không ai sánh được với ông, nhất là qua điều tra, chúng tôi thấy ở đây là cả một cuộn chỉ rối, hết sức khó lần ra được đầu mối.
- Dùng hình ảnh "cuộn chỉ rối" là rất đắt đấy - Poirpt vuốt ria mép nói - Và trong mớ chỉ rối rắm ấy cần tìm ra một hung thủ. Tôi đề nghị các ông cho biết tất cả những gì các ông đã biết cho đến lúc này.
Thanh tra Kelsey, rồi Adam, lần lượt kể, sau đó, ông Cảnh sát trưởng tạm thời tóm tắt. Poirot ngồi tựa lưng ghế, mắt lim dim chăm chú nghe. Sau một phút im lặng, ông bắt đầu nói:
- Hai vụ án mạng xảy ra tại cùng một địa điểm, và trong hoàn cảnh gần giống nhau. Tiếp đó là một vụ bắt cóc. Nạn nhân của vụ bắt cóc, đáng lý có thể là nhân vật trung tâm của vụ âm mưu, nếu có thể nói như thế. Trước hết, chúng ta cần làm sáng tỏ, bọn chúng bắt cóc cô ta để làm gì?
- Tôi xin nhắc lại nguyên văn lời cô học sinh "công nương" ấy khai với chúng tôi - thanh tra Kelsey nói.
Nghe xong, thám tử Poirot lẩm bẩm.
- Thoạt nghe, những lời đó quả là phi lý.
- Nhưng cuối cùng, cô ta bị bắt cóc thật.
- Kẻ bắt cóc đã gửi giấy đòi tiền chuộc - viên Cảnh sát trưởng bổ sung.
- Chỉ đơn giản là chúng tạo ra một cớ giả cho vụ bắt cóc - thám tử Poirot đáp.
- Nghĩa là chúng bắt cóc công nương Shaila vì một động cơ khác. Động cơ nào?
- Chắc để cô ta khai ra chỗ cất giấu kho báu - Adam gợi ý, nhưng giọng không được quả quyết lắm.
Poirot vẩy tay:
- Cô ấy có biết đâu! Nhưng cũng có thể bọn chúng tưởng cô ta biết. Không! Chúng nhằm một động cơ khác...
Trán cau lại, ông ta im lặng một lúc lâu.
- Cặp đầu gối của cô ta... - đột nhiên Poirot thốt lên - Các ông có lúc nào chú ý đến đầu gối của cô Shaila ấy không?
Adam lộ vẻ ngạc nhiên.
- Không! Nhưng tại sao ông lại hỏi đến đầu gối?
- Có rất nhiều lý do khiến người ta chú ý đến đầu gối của một cô gái trẻ - Poirot ngắt lời - Riêng trong trường hợp này, đáng tiếc là các ông đã không chú ý đến đầu gối, một trong những chi tiết rất dễ bị lộ tẩy của cô ta.
- Phải chăng chỗ ấy có một vết sẹo? Nhưng làm sao thấy được vết sẹo ấy? Phụ nữ bao giờ cũng di tất dài che khuất đầu gối.
- Cả khi họ tắm trong bể bơi chăng?
- Tôi chưa có dịp nào quan sát Shaila trong bể bơi. Thời tiết nước Anh quá lạnh đối với cô ta, một công nương sinh trưởng tại một xứ sở quanh năm nóng bức. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao ông quan tâm đến đầu gối cô ta: hay ông nghi cô ta có vết sẹo ở đó thật?
- Hoàn toàn không phải thế. Dù sao thì sơ suất đó của các ông cũng rất đáng tiếc.
Rồi viên thám tử quay sang ông Cảnh sát trưởng:
- Xin ông cho phép tôi gọi điện thoai đến Sở cảnh sát thành phố Geneva Thụy Sĩ. Tôi nghĩ họ có thể giúp được chúng ta.
- Vì công nương Shaila trước đây có học trong một trường nội trú ở đó chăng?
- Đúng thế. Đây chỉ là ý nghĩ thoáng qua của tôi. Nhưng thôi, ta tạm gác vụ bắt cóc lại để xem xét những vụ quan trọng hơn: hai vụ án mạng ở Meadowbank... Hai! - Poirot nhắc lại, vẫn trầm ngâm suy nghĩ.
- Chúng tôi đã kể với ông rồi - thanh tra Kelsey nói - Ông cần hỏi thêm gì nữa không?
- Tại sao lại xảy ra trong Cung Thể thao, ông Adam muốn hỏi như thế chứ gì? Vậy câu giải đáp là thế này: trong Cung Thể thao có một cây vợt tennis chứa bên trong nó một kho báu, gồm nhiều viên kim cương. Bọn chúng biết như vậy. Nhưng "chúng" là ai? Có thể là cô giáo Springer. Các ông đã kể rằng cô giáo ấy có thái độ quan tâm khác thường đến Cung Thể thao kia. Cô ta không muốn người không có trình độ vào đó. Thậm chí cô ta còn nghi họ có những ý đồ xấu. Chẳng hạn cô giáo Blanche, đặc biệt là cô này, đã có lần bị đuổi ra.
- Cô giáo Blanche người Pháp.... - thanh tra Kelsey dướn lông mày thốt lên.
Poirot lại quay sang Adam, nói tiếp:
- Ông còn nhận xét thấy thái độ không bình thường của cô giáo Blanche sau khi bị cô giáo Springer đuổi ra khỏi toà nhà đó thì phải?
- Đúng thế - Adam trả lời.
- Còn một điều nữa, là cô giáo Springer bị giết trong Cung Thể thao vào một thời điểm mà cô không có nhiệm vụ gì để vào đó.
Nói xong, Poirot quay sang hỏi thanh tra Kelsey:
- Trước khi vào làm ở trường nữ học Meadowbank, cô Springer ở đâu?
- Chúng tôi không biết. Cô ta thôi việc tại một trường nổi tiếng từ đầu mùa hè năm ngoái. Từ thời điểm đó đến lúc vào làm ở trường Meadowbank, cô ta ở đâu và làm gì chúng tôi chưa biết. Cô ta lại không có họ hàng gần và, hình như cũng không quan hệ chặt chẽ với ai...
- Không phải không có khả năng cô ta ở Ramat trong khoảng thời gian đó - Poirot ngắt lời thanh tra Kelsey.
Mọi người ngạc nhiên nhìn người thám tử, và từ lúc này, không ai rời mắt khỏi ông ta. Lát sau, Adam lên tiếng:
- Bây giờ tôi mới nhớ ra, trong mùa hè năm nay, có một nhóm giáo viên sang nghỉ mát bên đó, vào đúng thời gian trước lúc xảy ra cuộc đảo chính.
- Vậy ta có thể giả định, Springer đã tham gia nhóm du lịch đó, và rất có thể cô ta nghe thấy nói đến cây vợt có một không hai kia. Ta tiếp tục phỏng đoán. Sau khi đã nắm vững quy luật sinh hoạt của trường Meadowbank, cô ta quyết định một đêm mò vào Cung Thể thao. Đến lúc cô ta gần tìm ra được cây vợt kia thì... một kẻ khác xuất hiện. Có thể kẻ này đã theo dõi cô ta từ lâu, thậm chí từ tối. Kẻ này có súng, bèn giết Springer, nhưng nghe tiếng chân người, hắn vội tẩu thoát, chưa kịp moi ra những viên kim cương giấu trong cây vợt.
- Ông cho rằng sự việc diễn ra đúng như vậy? - Viên cảnh sát trưởng hỏi Poirot.
- Tôi mới phỏng đoán thôi. Một khả năng khác: kẻ kia đến trước và bị cô Springer phát hiện. Một kẻ mà cô đã nghi ngờ từ lâu. Các ông chẳng đã kể với tôi rằng, cô giáo Springer này có tính thích khám phá những bí mật của người khác?
- Còn nạn nhân thứ hai, cô giáo Vansittart? - Viên Cảnh sát trưởng hỏi.
- Hiện giờ, cả các ông cũng như tôi đều chưa biết gì về vụ án mạng thứ hai này. Rất có thể cô giáo Vansittart là nạn nhân của một kẻ thứ ba, từ bên ngoài nhà trường đột nhập vào...
Có vẻ Poirot chờ một câu trả lời. Câu trả lời này do thanh tra Kelsey cung cấp:
- Tôi không tin có kẻ nào bên ngoài lọt vào được trong trường. Chúng tôi đã rà soát cẩn thận khắp vùng lân cận và chú ý đặc biệt đến những người từ nơi xa đến. Chỉ có một phụ nữ tên là Kolinski thuê một phòng khách sạn gần đây, nhưng xét kỹ thì thấy bà ta không liên quan gì đến hai vụ án mạng kia.
- Nếu vậy, chúng ta phải kiếm trong trường. Chỉ có một phương pháp duy nhất ở đây là loại trừ dần.
Thanh tra Kelsey thở dài:
- Vụ án mạng thứ nhất thì diện nghi vấn rất rộng, bất cứ ai cũng có thể là thủ phạm giết cô giáo Springer, chỉ trừ bà giám thị Johnson, bà giáo Chadwick và em học sinh đau tai. Ngược lại, đến vụ án thứ hai thì diện nghi vấn bị thu hẹp rất nhiều. Ba giáo viên có bằng chứng ngoại phạm: cô giáo Rich, cô phụ giáo Blake và cô thư ký Shapland. Cả bà hiệu trưởng Bulstrode cũng được loại ra ngoài vòng nghi vấn vì bà ấy đi nghỉ ở nhà một người bạn, theo như người ta nói với tôi.
- Còn lại cô phụ giáo Rowan và cô giáo Blanche.
- Ông quên là còn đám học sinh - thám tử Poirot nói.
Thanh tra Kelsey bật dậy:
- Ông cho rằng thủ phạm có thể là học sinh?
- Thật ra tôi không cho là như vậy. Nhưng chúng ta không nên bỏ qua bất cứ ai.
Thanh tra Kelsey không trả lời vào câu nói ấy mà ông nói sang chuyện khác:
- Cô phụ giáo Rowan đã làm việc ở đây một năm và tỏ ra là người rất tốt. Chưa thấy có biểu hiện gì có thể nghi cô ấy được.
- Vậy ta xét đến cô Blanche, quân bài cuối cùng của chúng ta.
Mọi người im lặng một lát. Thanh tra Kelsey lên tiếng trước:
- Không có biểu hiện nào. Các giấy chứng chỉ của cô Blanche đều rất tốt.
- Nhưng cô ta chú ý đến mọi thứ - Adam nói - Tất nhiên thói ấy chưa phải đã chứng tỏ cô ta là kẻ tội phạm.
- Khoan đã - thanh tra Kelsey ngắt lời - Có một chuyện dính đến cô ta đấy: chuyện chiếc chìa khoá trong lần đầu tiên tôi thẩm vấn cô ta. Cô giáo Blanche đã nhặt chìa khoá lên nhưng quên chưa cắm lại vào ổ, thế là cô Springer nhìn thấy, liền giật lấy và đuổi cô Blanche ra ngoài Cung Thể thao.
- Người nào muốn đêm khuya lọt vào Cung Thể thao, tất phải có chìa khoá. Mà muốn có chìa khoá cần phải có khuôn hình của nó để đánh.
- Nếu như vậy, thì không đời nào cô giáo Blanche kể ông nghe chuyện kia - Adam bác lại.
- Lập luận của ông chưa phải đã chính xác hoàn toàn. Bởi rất có thể cô Blanche kể để đề phòng cô Springer cũng sẽ kể, và như thế vô cùng tai hại cho cô Blanche. Chính hành động cẩn thận đó cũng đáng cho chúng ta quan tâm - ông Cảnh sát trưởng nói.
- Vậy là vụ án này chúng ta chưa làm rõ thêm được chút nào - thanh tra Kelsey thở dài nhìn thám tử Poirot.
- Nếu như tôi được thông tin đúng - Poirot nói - thì hôm khai trường, bà mẹ của Juila đã nhận ra một người quen cũ và bà ngạc nhiên sao bà kia lại có mặt ở đây. Qua đấy ta có thể rút ra là người đó hiện nay làm việc trong trường Meadowbank, nhưng xưa kia đã từng hoạt động trong ngành mật vụ. Nếu sắp tới, ta liên lạc được với bà Upjohn, mẹ của Julia, mà bà ta nói người bà nhìn thấy hôm đó là cô Blanche thì chúng ta có thêm được một thông tin giá trị để xét cô Blanche đấy.
- Liên lạc với bà Upjohn hết sức khó. Chúng tôi được biết, bà ta du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng "xe ca", thật ra là xe ca địa phương. Bà ta lang thang từ nơi này đến nơi khác tại đó bằng cách như vậy cho rẻ tiền. Mà Thổ Nhĩ Kỳ đâu phải nước nhỏ...
- Đúng là tìm được bà ta vô cùng khó - Poirot thừa nhận.
- Tôi e ta phải đợi rất lâu đấy - thanh tra Kelsey nói - Liệu cô giáo Blanche có thấy động mà chạy trốn không, hay ta cần có cách giữ chân cô ta lại?
Poirot vẩy tay:
- Cô ta sẽ không trốn đâu.
- Sao ông dám quả quyết như thế?
- Vì nếu chính cô ta là thủ phạm, thì cô ta không dám làm điều gì khiến người ta chú ý đến cô ta, và sẽ ở lại trường này cho đến hết tam cá nguyệt.
- Tôi hy vọng ông nhận định đúng.
- Và ông nên nhớ rằng người phụ nữ bà Upjohn nhìn thấy, không biết rằng mình đã bị nhận mặt . Khi nào bà Upjohn về đây, sự bất ngờ sẽ là hoàn toàn.
Thanh tra Kelsey nhún vai:
- Nhưng từ nay đến lúc đó?
- Dư luận bàn tán đóng một vai trò quan trọng.
- Nghĩa là sao? - Thanh tra Kelsey ngạc nhiên hỏi.
- Khi có một vụ án mạng, sớm hay muộn người ta cũng sẽ xì xào bàn tán...
- Và kẻ có tội sẽ có lúc nói hoặc làm điều gì khiến lộ ra chứ gì?
- Chưa hẳn là như thế. Tôi muốn gặp bà hiệu trưởng hỏi xem ở đây có ai vẽ giỏi không?
Nói xong, thám tử Poirot đứng dậy:
- Tôi xin lỗi, phải ra ngoài một lát.
Poirot ra khỏi, Adam thốt lên:
- Lúc nãy thì nói đến đầu gối, bây giờ lại đến người nào giỏi vẽ. Chịu, tôi không hiểu nổi ông ta!
Chương 34
Bà hiệu trưởng Bulstrode nói:
- Hôm nay cô giáo dạy vẽ đi vắng. Có việc gì thế thưa ông? Cụ thể là ông cần vẽ thứ gì?
- Vẽ những khuôn mặt người, thưa bà.
- Cô giáo Rich của chúng tôi vẽ chân dung rất giỏi. Bức nào cũng giống lắm.
Khi cô giáo Rich đến, bà hiệu trưởng giới thiệu xong, Poirot hỏi:
- Thưa cô Rich, cô có thể vẽ nhanh khuôn mặt của một con người, vẽ bằng bút chì, được không?
- Đấy là một cái thú của tôi.
- Hay lắm! Vậy cô vui lòng vẽ chân dung cô giáo Springer, được không thưa cô?
- Hơi khó. Bởi tôi ít gần chị ấy. Nhưng thôi được, tôi cứ thử xem.
Và cô ngồi loay hoay với cây bút chì và tờ giấy. Lát sau cô đã hoàn thành bản vẽ.
- Bây giờ - Poirot nói - cô vẽ cho những khuôn mặt của bà hiệu trưởng Bulstrode, cô phụ giáo Rowan, cô giáo Blanche và người phụ việc làm vườn Adam.
Hơi ngạc nhiên nhưng cô giáo Rich vẫn thực hiện.
Thám tử Poirot ngắm các bức vẽ.
- Rất tốt. Chỉ vài nét bút chì, thế mà những nét đặc biệt của mỗi người hiện lên rất rõ ràng, đầy đủ nữa chứ. Bây giờ tôi muốn cô thử làm một việc khó hơn xem sao. Thí dụ bức vẽ bà hiệu trưởng, cô thử thay đổi vị trí cặp lông mày xem.
Cô giáo Eileen Rich ngạc nhiên nhìn Poirot.
- Không, tôi không điên đâu. Tôi chỉ muốn làm một thí nghiệm nhỏ.
Cô giáo Rich cúi xuống, làm theo lời yêu cầu của Poirot.
- Tuyệt! Cô vui lòng làm như thế với hai bức chân dung của cô Blanche và cô Rowan.
Cô Rich làm xong, Poirot đặt ba bức vẽ bên nhau, ngắm nghía rồi nói:
- Sau những thay đổi, bà hiệu trưởng vẫn giống bà, nhưng hai người kia thì khác hẳn, không còn nhận ra được nữa. Cô có nhận thấy như vậy không?
- Bây giờ thì tôi hiểu ông muốn biết thứ gì rồi.
Cô chăm chú nhìn người thám tử cuộn các bản vẽ lại.
- Ông định dùng chúng làm gì?
- Có việc đấy thưa cô.
Poirot không nói thêm gì nữa.
* * *
Hôm sau thám tử Poirot đến nhà bà Sutcliffe, mẹ của Jennifer. Sau khi xem thư giới thiệu của bà hiệu trưởng Bulstrode, bà Sutcliffe gọi con gái ra phòng khách để người thám tử hỏi chuyện.
- Chào cô Jennifer. Tôi muốn hỏi cô về người phụ nữ đem cây vợt mới đến cho cô hôm trước. Cô còn nhớ mặt bà ta chứ?
- Sau này cháu mới biết người nhờ chuyển cho cháu cây vợt tuyệt vời kia không phải là cô Gina.
- Tôi biết. Nhưng cô nhớ mặt bà ta chứ? Cô có thể tả qua hình dạng bà ta được không?
Cô bé suy nghĩ một lát rồi nói:
- Cháu chỉ nhớ bà ấy mặc áo dài nhung, khoác một tầm khăn choàng màu xanh lam, và hình như đội chiếc mũ khá rộng.
Poirot khẽ ho:
- Tôi muốn cô tả khuôn mặt bà ấy.
- Trát rất nhiều son phấn - Jennifer nói giọng thản nhiên - Chắc là người nước ngoài, vì người Anh ít khi trát phấn son nhiều đến như thế. Tóc vàng... Cháu đoán bà ấy là người Mỹ.
- Trước đó cô có gặp bà ấy lần nào chưa?
- Chưa bao giờ. Chắc bà ta không phải người vùng lân cận với trường Meadowbank. Bà ấy bảo cháu rằng bà ấy chỉ có việc đến vùng này thôi.
Người thám tử chăm chú quan sát cô bé. Jennifer có vẻ ít quan tâm đến thứ gì, coi mọi chuyện chỉ là bình thường.
- Bà ta nói dối cô đấy .
- Chắc thế, cháu cũng chẳng biết nữa.
- Cô tin rằng cô chưa gặp bà ta trước đó bao giờ chứ gì? Nhưng rất có thể đó là một người ở trường nữ học cải trang để cô không nhận ra. Một cô giáo chẳng hạn...
- Cải trang? - Cô bé ngạc nhiên nhắc lại.
Poirot đưa cô bé xem bức chân dung của cô giáo Blanche do cô Rich vẽ.
- Có phải mặt mũi bà ta thế này không?
Jennifer ngập ngừng:
- Cũng có thể. Cháu không nhớ rõ lắm. Lúc đó cháu sướng quá, mải mê ngắm cây vợt mới nên không nhìn kỹ bà ấy.
- Thôi được. Bây giờ tôi sang chuyện khác. Cô có thấy ở trường Meadowbank người nào giống một người cô đã gặp ở Ramat không?
- Ở Ramat ạ? Không. Mà cháu cũng chẳng nhớ nữa...
Thái độ không tự tin ấy của Jennifer làm Poirot chú ý.
- Vậy là cô không quả quyết? Cô thử cố nhớ lại xem.
Sau một lúc, Jennifer mới nói:
- Có một người... Nhưng bà ở Ramat béo hơn nhiều.
"Béo hơn... Lạ thật..." Poirot thầm nghĩ. Liền sau đó, Jennifer nói tiếp:
- Cô Eileen Rich hơi giống bà ta... Nhưng không thể là một người, và cháu biết chắc là như thế. Bởi hôm cháu nghi cô Rich chính là bà kia, mặc dù bà kia béo hơn nhiều, cháu đã dò hỏi, thì ra thời gian cháu với mẹ cháu ở Ramat, cô Rich nghỉ ốm. Cô nghỉ suốt cả một tám cá nguyệt cuối cùng của niên học trước.
- Trong số nhân viên và học sinh ở trường, cô thấy còn ai giống một người nào cô đã biết ở Ramat không?
- Có thể có một hoặc hai người, nhưng cháu không nhớ. Ôi, cháu thèm về trường quá. Ông có nói hộ với ba mẹ cháu cho cháu lại về trường được không ạ?
- Tôi sẽ nghĩ cách giúp cô được trở về trường.
* * *
- Tôi muốn nói chuyện với chị, Eileen - bà hiệu tưởng nói.
Cô giáo Eileen Rich theo bà hiệu trưởng Bulstrode vào phòng giấy của bà. Trường nữ học Meadowbank lúc này vắng vẻ. Số học sinh còn lại chỉ hai mươi nhăm, đều là con em những gia đình mà phụ huynh không thể để họ ở nhà vì nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên các giáo viên và nhân viên, trừ hai người bị ám hại, tất cả đều ở lại. Bà giám thị Johnson hầu như không có công việc gì làm. Bà giáo Chadwick dạy toán thì già sọp đi và trông dáng thảm hại, suốt ngày đi lang thang như người mất hồn. Bà có vẻ tuyệt vọng hơn nhiều so với bà hiệu trưởng Bulstrode, là người vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh. Các giáo viên trẻ có vẻ thích thú thấy số giờ dạy giảm hẳn xuống. Họ tắm ở bể bơi, viết những lá thư dài lê thê và nghiên cứu những cuốn sách của các hãng du lịch.
Về phần mình, cô thư ký Anh Shapland dùng phần lớn thời gian của mình vào việc làm vườn, và cô bộc lộ khả năng đặc biệt về cây cỏ, hoa trái. Không có gì lạ việc cô trò chuyện nhiều với cậu trai trẻ Adam hơn là với bác già Briggs.
Vào đến phòng giấy, cô giáo Eileen Rich đứng lại chờ.
- Chuyện là thế này - bà hiệu trưởng nói - Tôi chưa biết liệu trường này có tiếp tục hoạt động được nữa không, và không chừng tôi sẽ phải đóng cửa hẳn mất...
- Đừng, thưa bà hiệu trưởng... - Cô giáo Rich ngăn.
Cô giậm mạnh chân xuống sàn làm mái tóc cô sộc sệch:
- Bà không được bỏ cái trường này - cô kêu lên - Làm như thế là một tội ác!
- Chị nói hơi quá đấy, Eileen ạ.
- Vì tôi thấy rất rõ vị trí quan trọng của trường này, trong khi rất nhiều hoạt động khác là trò vô tích sự.
- Chiến đấu cho một lý tưởng không làm chị sợ ư? Thôi được, tôi rất quý những người có gan. Thật ra, tôi đâu thuộc loại người dễ dàng đầu hàng. Khi tình hình quá tốt đẹp, người ta dễ ngủ trên vòng nguyệt quế, hoặc người ta thấy mệt mỏi. Nhưng đấy không phải tình trạng của tôi lúc này. Tôi sẽ đem toàn bộ sức lực ra chiến đấu, tôi sẵn sàng bỏ ra đến đồng xu cuối cùng. Bây giờ ta đi thẳng vào công việc cụ thể. Nếu trường vẫn tồn tại được, liệu chị có nhận liên kết, chung sức với tôi trong việc lãnh đạo nó không?
- Tôi ấy ạ?... - Cô Eileen Rich kinh ngạc kêu lên.
- Đúng, chị!
- Tôi chưa đủ sức đâu. Tôi còn quá trẻ và chưa có kinh nghiệm, sợ không đáp ứng được yêu cầu của bà.
- Tôi chưa biết tôi cần yêu cầu người cộng tác phải như thế nào. Vả lại hiện nay, vị trí tôi đề nghị với chị chẳng lấy gì làm hấp dẫn, và chị thừa sức làm tròn. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải nói với chị rằng, ngay khi cô giáo Vansittart còn sống, tôi đã nghĩ đến chị. Tôi cho rằng chị là người có đầy đủ phẩm chất để cùng với tôi quản lý cái trường này.
Eileen Rich chăm chú nhìn bà hiệu trưởng:
- Tôi tưởng... mà mọi người ở đây đều đinh ninh là chị Vansittart...
- Tôi chưa hề quyết định điều gì về chị ấy. Mới chỉ là đã có lúc tôi nghĩ đến chọn chị ấy. Có thế thôi và ý nghĩ ấy nảy sinh mới từ hai năm nay. Nhưng đến thời gian gần đây, tôi nhận ra rằng Vansittart chưa phải là người tôi muốn chọn để thay thế tôi.
- Tôi tưởng chị ấy cũng đạt được mọi điều kiện và sẽ lãnh đạo trường này theo đúng những phương châm bà đề ra chứ?
- Chính vì như thế mà tôi quyết định không chọn chị ấy. Con người không thể chỉ sống theo quá khứ. Truyền thống có cần thiết không? Cần, nhưng không phải chỉ có truyền thống! Chúng ta cần xây dựng một trường học cho thế hệ học sinh ngày nay, chứ không phải cho thế hệ học sinh cách đây năm chục hoặc ba chục năm. Khi tôi đứng ra sáng lập trường nữ học này cùng với bà Chadwick, tôi chưa bằng tuổi chị bây giờ. Chị hãy nhớ lại trong Thánh Kinh có viết: "Người già mơ mộng, người trẻ hành động". Tại đây, chúng ta không chỉ mơ mộng về quá khứ, mà phải hành động, phải hướng tới tương lai. Chính vì vậy tôi đi đến kết luận rằng chỉ chính là người tôi cần tìm kiếm. Chị, chứ không phải Eleanor Vansittart.
- Nếu quả như vậy thì thật là tuyệt vời. Vị trí lãnh đạo trường nữ học này là vị trí tôi mong ước nhất trong tất cả mọi vị trí khác.
Bà hiệu trưởng Bulstrode cố ghìm cảm xúc lại, không để lộ ra cho cô giáo Rich nhìn thấy cảm giác khó chịu của bà trước niềm vui quá mức của cô. Bà từ tốn nói:
- Tôi hiểu. Đó là vị trí tuyệt vời đấy, trong lúc này.
- Không phải. Tôi không định nói như thế - cô giáo Eileen sôi nổi nói - Hiện giờ tôi chưa thể kể chi tiết ra với bà, nhưng nếu chuyện này bà nói ra cách đây chỉ mười lăm ngày thôi, tôi sẽ trả lời rằng tôi không thể nhận trách nhiệm bà giao cho. Lý do duy nhất khiến tôi có thể nhận là, lúc này trách nhiệm kia hết sức nặng nề. Bà cho phép tôi được suy nghĩ thêm rồi mới trả lời dứt khoát, được không ạ?
- Sẵn sàng! - Bà hiệu trưởng trả lời đơn giản.
Bà vẫn đang bàng hoàng ngạc nhiên trước câu trả lời của cô giáo Eileen Rich. Bà thầm nghĩ . "Thì ra không bao giờ ai có thể biết được đáy lòng người khác."
Chương 35
- Anh nhìn Eileen Rich kìa, tóc tai rối bù! - cô thư ký Ann Shapland dừng tay cuốc trên một luống hoa, nói - Nếu chị ta không chịu chải đầu tóc cho hẳn hoi, thì thà cắt béng đi còn hơn. Bởi cái sọ của chị ta cũng khá xinh xắn đấy chứ.
- Sao chị không góp ý kiến với bà ấy?
- Tôi với chị ta không thân nhau, nói thế nào được nhỉ? Mà anh nghĩ sao, liệu cái trường này còn mở cửa lại được không?
- Khó đoán lắm - Adam trả lời - Với tại tôi rất ít hiểu biết về lĩnh vực này.
- Tôi lại thấy anh hiểu biết về nó không kém bất kỳ ai khác. Xem chừng rồi sẽ ổn thoả thôi. Bà ta kiên trì lắm. Anh biết không, chỉ một tháng tạm đóng cửa thôi, mà tôi cảm thấy như dài cả một năm trời.
- Nếu mọi sự lại yên ổn, trường lại mở cửa, chị có ở lại đây nữa không?
- Không - Ann Shapland trả lời dứt khoát - Tôi dị ứng với các trường học rồi. Từ nay cho đến già, tôi sẽ không bao giờ vào làm cho bất cứ một trường học nào nữa. Nhất lại là trường nữ học. Tự chôn mình trong một nơi chỉ toàn giống cái cả thế này tôi không chịu nổi. Thứ hai nữa là tôi rất không thú các vụ án mạng. Nằm trên giường đọc chuyện một vụ án đăng trên báo để buồn ngủ thì được, chứ sống trong vòng không khí của nó thì chịu, vượt quá sức chịu đựng của tôi.
Một phút im lặng.
- Tôi tin rằng - cô thư ký nói tiếp - thôi việc ở đây xong, tôi sẽ lấy anh Dennis và xây dựng một tổ ấm.
- Dennis? Chính là anh chàng chị đã có lần kể cho tôi nghe rồi phải không? Nếu tôi không nhầm thì anh ta làm cái nghề luôn phải đi Miến Điện, Mã Lai hoặc thậm chí Nhật Bản nữa. Vậy mà chị định xây dựng tổ ấm với anh ta sao được?
Cô thư ký Ann Shapland bật cười:
- Có lẽ anh nói có lý.
- Tôi cho rằng chị có thể kiếm được một anh chồng khá hơn Dennis.
- Anh nói như thế là định ngỏ lời với tôi đấy phải không?
- Tất nhiên là không. Chị có nhiều tham vọng, lấy một thằng cha làm vườn, mà lại chỉ là phụ việc không hợp với chị đâu.
- Tôi đang nghĩ lấy một anh chồng làm trong cơ quan an ninh khéo lại hay.
- Cơ quan an ninh? Nhưng tôi có phải nhân viên an ninh đâu?
- Tất nhiên - cô thư ký Shapland thản nhiên đáp - Ta tạm quên đi những câu những chữ. Anh không phải nhân viên an ninh, cô bé công nương Shaila không bị bắt cóc, và khu hoa viên này mới đẹp làm sao!
Anh Shapland đưa mắt nhìn xung quanh rồi nói:
- Tuy nhiên tôi vẫn chưa hiểu gì về cái chuyện, cô bé Shaila kia sao lại trở về Thuỵ Sĩ? Thì đấy cũng là chuyện người ta kể với chúng ta lúc này. Chắc anh với các cộng sự của anh đã quá sơ suất, bởi nếu điều kia là chính xác thì tức là cô công nương kia đã bị người ta trục xuất khỏi nước Anh.
- Giữ mồm giữ miệng đấy! - Adam nói.
- Tôi cho rằng các anh chưa biết cái lõi của vụ này.
- Về chuyên ấy, chị phải đi mà hỏi ông Poirot ấy chứ.
- Sao? Cái ông hình dạng cổ quái đã tháp tùng con bé Julia về trường Meadowbank, và đã vào gặp bà hiệu trưởng Bulstrode bàn tán gì đó ấy à?
- Đúng đấy. Lão ta tự xưng là thám tử tư vấn.
- Không làm sao hiểu nổi mục tiêu các hoạt động của lão ta. Lão tìm gặp cả bà cụ mẹ tôi... Lão hoặc một người bạn của lão.
- Gặp mẹ chị?... Mẹ chị thì dính dáng gì đến những chuyện ở đây?
- Chịu, tôi không hiểu. Xem chừng lão ta thích nói chuyện với các bà mẹ! Một thích thú bệnh hoạn. Hình như lão ta đến thẩm vấn cả mẹ của cô học sinh Jennifer nữa đấy?
- Lão có đến thẩm vấn hai bà mẹ của cô giáo Rich và bà giáo Chadwick không?
- Tôi không tin là mẹ chị Rich còn sống, nếu còn thì chị ấy chẳng bỏ rơi bà cụ đâu. Còn mẹ bà Chadwick thì sống ở Cheltenham, năm nay ít nhất cũng tám mươi tuổi rồi. Tội nghiệp bà Chadwick! Bà ta trông cũng như bà già tám mươi. Kìa, bà ta đang đi về phía này đấy.
Adam ngước mắt lên nhìn.
- Tuần vừa rồi, bà ta già thêm hàng chục tuổi!
Đúng thế, bà giáo Chadwick đang chậm chạp đi tới: bà không còn chút sinh khí nào nữa.
- Bà hiệu trưởng Bulstrode muốn gặp anh đấy, Adam. Bà ấy muốn nói có với anh về chuyện trồng hoa.
- Tôi làm nốt mấy cái luống này đã - anh ta nói rồi đi về phía khu vườn lợp kính.
Bà giáo Chadwick và cô thư ký Ann Shapland cùng quay về trường.
Cô thư ký đưa mắt nhìn xung quanh, nói:
- Vắng vẻ quá! Hệt như rạp hát vắng khách ấy, và khách phải ngồi rải rác ra các hàng ghế để bớt đi cái cảm giác tàn tạ.
- Khủng khiếp quá! - Bà giáo Chadwick rên rỉ - Thật khủng khiếp! Không thể ngờ trường nữ học Meadowbank lại sa sút đến mức độ này. Tôi không biết làm thế nào bây giờ. Ban đêm tôi không sao chợp mắt được. Bao công sức ngần ấy năm trời bây giờ tan thành mây khói.
- Chắc rồi sẽ phục hồi được thôi - cô thư ký Ann Shapland an ủi, làm ra vẻ lạc quan - Người đời chóng quên lắm, bà đừng lo.
- Họ không quên nhanh như cô tưởng đâu - bà Chadwick nói rất khẽ.
Cô thư ký không trả lời, nhưng trong thâm tâm cô đồng ý với bà giáo già.
* * *
Cô giáo Blanche vừa dạy xong giờ tiếng Pháp. Cô liếc nhìn đồng hồ. Còn đủ thời giờ để làm một việc cô dự định làm. Học sinh bây giờ còn lại ít, giáo viên rất nhàn, có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Cô Blanche lên phòng, lấy mũ đội. Cô có tính không bao giờ đi đâu đầu trần. Rồi cô soi vào gương. Không có gì đáng ngắm nghía, bởi trông cô hoàn toàn thành một người không có nét gì đặc biệt, một người không làm ai chú ý. Blanche mỉm cười: cách này hay thật. Hình dạng của cô đã tạo điều kiện cho cô sử dụng những văn bằng chứng chỉ của chị cô, cũng làm nghề dạy học. Ngay tấm ảnh trong hộ chiếu cũng không làm ai nghi ngờ.
Nghề dạy học đúng là ngán ngẩm, nhưng dạy ở đây lương của cô lại vượt xa mọi công việc trước đây cô đã làm... Chưa kể tình hình diễn biến của các sự kiện đang rất thuận lợi. Cô giáo Blanche thầm nghĩ, tương lai sẽ khác xa thế này, do tình hình chỉ nay mai sẽ thay đổi hẳn. Cô hình dung đến lúc dạo chơi ở những thành phố nghỉ mát nổi tiếng thế giới bên bờ biển Địa Trung Hải, như Cannes hoặc Monte-carlo, trong bộ y phục sang trọng, với khuôn mặt trang điểm diễm lệ. Khi đã có nhiều tiền trong tay thì muốn gì mà không được? Cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao! Và quãng thời gian buồn tẻ trong cái trường học đáng ghét này ít ra cũng giúp ích cô được phần nào.
Cô giáo Blanche cầm xắc tay, ra khỏi phòng. Cô bước nhanh trên hành lang dẫn ra cầu thang. Trên đường đi, cô gặp một nữ lao công mới vào làm, đang quỳ loay hoay làm gì đó. Chắc chị ta được cảnh sát thuê để dò xét, Blanche thầm nghĩ. Bọn cảnh sát này quá ngu xuẩn, chúng tưởng mình không biết là chúng dò xét mình!
Một nụ cười mỉa mai hiện trên cặp môi, cô giáo tiếng Pháp ra khỏi trường, tiến đến ga xe buýt. Trên cơn đường thôn quê này, người đi lại vắng vẻ. Một người đàn ông đang cúi xuống đầu xe ôtô sửa chữa gì đó. Một người khác có vẻ chờ xe buýt. Gần đấy, một chiếc xe đạp dựa vào hàng rào. Hẳn một trong hai gã kia là nhân viên cảnh sát và sắp bám theo mình. Chúng làm ăn lộ liễu quá, lừa sao được mình? Cho chúng bay bám!
Xe buýt chạy đến. Mười lăm phút sau, cô giáo Blanche xuống xe, đã ở trung tâm thị xã. Cô không thèm ngoái đầu nhìn phía sau, mà đi thẳng đến một cửa hàng lớn, trong tủ kính trưng bày đủ loại y phục được coi là "sang trọng". Thật ra hết sức quê mùa, cô thầm nghĩ. Tuy nhiên cô cũng làm ra vẻ chăm chú ngắm nghía một lúc lâu.
Rồi cô đi sâu vào bên trong. Mua vài thứ lặt vặt xong, Blanche ra chỗ tiếp khách, vào một tủ điện thoại. Cô quay số, chờ. Khi thấy giọng nói đầu dây bên kia đúng là người cô cần gặp, cô ấn vào một nút, nói:
- Nhà Trắng đây . (Tên cô "Blanche" cũng có nghĩa là "Trắng")... Nhà Trắng đây . Có một khoản chưa được thanh toán... Hạn cuối cùng là tối mai. Đúng, tối mai. Khoản đó phải được chuyển vào tài khoản của Nhà Trắng, tại Ngân hàng Tín dụng Quốc gia, phố Ledbury, London. Tôi nhắc lại, khoản tiền đó là...
Cô Blanche đọc các con số rồi nói thêm:
- Nếu đến hẹn, khoản tiền kia không được thanh toán tôi sẽ buộc phải báo cáo những điều tôi khám phá ra được cho những người có trách nhiệm. Vâng, các vị còn những hơn hai mươi tư tiếng đồng hồ kia mà.
Blanche đặt máy xuống rồi ra ngoài. Một phụ nữ vừa vào sau cô, hay lại là... Dù sao chị ta cũng đến quá muộn và chưa nghe thấy mình nói gì. Cô Blanche rẽ vào nhà vệ sinh, rồi sang gian bán áo choàng, trò chuyện vài câu với một nhân viên bán hàng. Sau đó, không mua thêm gì, cô ra khỏi cửa hiệu, nét mặt rạng rỡ. Cô dừng lại trước cửa kính một hiệu sách rồi lên xe buýt trở lại trường nữ học Meadowbank.
Vậy là mọi sự ổn thoả. Số tiền cô yêu cầu không phải là quá đáng, cho nên họ có thể trả một cách dễ dàng. Số tiền ấy ít ra cũng đủ chi dùng trong thời gian này... Bởi sẽ còn nhiều "đơn đặt hàng" khác nữa. Một nguồn kiếm tiền bất tận.
Cô Blanche không hề thấy lương tâm cắn dứt. Cô nhìn thấy, và cô không có trách nhiệm phải báo cảnh sát. Cô giáo Springer kia là một con mụ đáng ghét, vô giáo dục và lại còn dò xét người khác nữa chứ!
Về đến trường, cô giáo Blanche dừng lại một lúc cạnh bể bơi. Cô giáo Eileen Rich bơi một lát, sau đó đến cô thư ký Anh Shapland, một tay nhảy cầu rất giỏi. Gần đấy, đám học sinh nội trú cười đùa vui vẻ. Đột nhiên chuông reo, cô giáo Blanche bèn vào lớp để dạy tiết của cô. Giờ học diễn ra tẻ nhạt, học sinh lơ đãng hết sức. Nhưng có gì quan trọng đâu? Công việc ngán ngẩm này sắp kết thúc rồi.
Hết tiết dạy, cô Blanche lên phòng để thay quần áo, chuẩn bị xuống nhà ăn. Cô có cảm giác mơ hồ, chỉ mơ hồ thôi, là lúc sáng mình đã sơ suất quên không treo tấm áo làm vườn lên mắc, mà vẫn vắt trên ghế tựa.
Cô soi gương sửa sang trang điểm. Đột nhiên cô không kịp chống cự: tấm áo làm vườn tụt xuống sàn rồi như thể biến thành hình người, và một cánh tay cầm cái chày giơ lên sau lưng cô, giáng xuống. Cô Blanche không kịp kêu một tiếng...
* * *
Bà Upjohn đang ngồi bên vệ con đường chạy men theo một khe núi sâu. Bà nói tiếng Pháp, làm các điệu bộ trước một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Các hành khách khác ngồi rải rác gần đó. Lái xe và phụ lái đang loay hoay chữa xe. Bà Upjohn đã mất khái niệm về thời gian. Nước lũ chặn con đường chính và xe phải chạy theo một con đường ngoằn ngoèo trên núi cao. Vậy mà bây giờ lại còn gặp dòng suối nước dâng cao này, và họ đã phải chờ ở đây bảy tiếng đồng hồ rồi. Chưa biết bao giờ xe mới đến được Ankara.
Bỗng một tiếng người kêu to, hoàn toàn không thích hợp chút nào với khung cảnh xung quanh:
- Hình như bà Upjohn phải không?
Bà Upjohn nhìn ra, thấy một chiếc xe du lịch. Người vừa gọi bà nhanh nhẹn bước ra, mừng rỡ tiến lại. Rõ ràng là một người Anh, mặc bộ âu phục mầu ghi may cắt rất đẹp.
- Lạy Chúa! - bà Upjohn reo lên - Bác sĩ Livingstone!
- Không hẳn là như thế - người mới đến mỉm cười - Tên tôi là Atkinson, nhân viên Đại sứ quán Anh tại Ankara. Đã ba ngày nay chúng tôi tìm cách bắt liên lạc với bà mãi không được...
- Có chuyện gì vậy?
Bà Upjohn bỗng hốt hoảng đứng phắt dậy:
- Hay con tôi làm sao? Cháu Julia làm sao phải không, thưa ông?
- Không đâu, thưa bà Upjohn - Atkinson nói - Chỉ là có một chuyện rắc rối ở trường nữ học Meadowbank. Tôi đến đón bà về Ankara để bà đáp máy bay về Anh ngay.
Bà Upjohn định hỏi cho rõ thêm, nhưng lại thôi. Bà chỉ nói:
- Ông đừng quên chiếc va li của tôi. Chiếc màu xanh lam ấy.
Sau khi chào chia tay người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ rồi chào mọi người khác, bà đi theo Atkinson...
Chương 36
Bà hiệu trưởng Bulstrode nhìn qua một lượt những người bạ triệu tập đến dự cuộc họp này: các giáo viên, hiện chỉ còn bà Chadwick, cô Rich, hai nữ giáo viên khác và bà giám thị Johnson. Cô thư ký Anh Shapland ngồi bên cạnh bà hiệu trưởng, tay cầm cuốn sổ và cây bút. Ngay gần bà là thanh tra Kelsey và thám tử Poirot. Cách đấy một quãng là Adam, ngồi kín đáo trong một góc. Điểm qua một lượt tất cả mọi người, bà hiệu trưởng nói bằng giọng đĩnh đạc như mọi khi:
- Tôi thấy cần thông báo với các vị về kết quả cuộc điều tra cho đến ngày hôm nay. Thanh tra Kelsey đã tin cho tôi biết một số điều. Riêng ông Poirot, nhờ những người quen ở nước ngoài, đã nhận được sự giúp đỡ đáng quý tại Thuỵ Sĩ.
Bà hiệu trưởng quay sang thanh tra Kelsey.
- Về mặt chính thức, tôi không được quyền kể ra những gì tôi đã biết. Tôi chỉ được quyền thông báo với ông rằng chúng tôi đã có được một số ánh sáng về thủ phạm ba vụ án mạng xảy ra tại đây. Nhưng ông bạn tôi, ông Hercule Poirot, không bị những nguyên tắc nhà nước cản trở, có thể công bố với các vị một số chi tiết. Tuy nhiên vì lợi ích của tất cả chúng ta, tôi đề nghị các vị hãy tạm thời giữ kín. Tôi tha thiết đề nghị như vậy, các vị hiểu rõ chứ ạ?
Tất cả mọi người có mặt đồng thanh tán thành.
- Bây giờ xin mời ông Poirot...
Hercule Poirot vui vẻ đứng lên, cẩn thận vuốt hàng ria mép. Đám phụ nữ vội quay mặt đi chỗ khác để khỏi phì cười.
Poirot bắt đầu nói:
- Trước hết tôi xin nói với các vị rằng tôi rất hiểu nỗi lòng các vị. Chỉ trong một thời gian ngắn, ba người trong trường chúng ta bị thiệt mạng, trong đó có một người đã dạy học ở đây từ lâu: cô giáo Vansittart. Tất nhiên hai cô giáo Springer và Blanche là những mười mới đến, nhưng tôi tin chắc rằng cái chết của họ cũng làm chúng ta choáng váng.
Các vị hẳn đã có lúc lo sợ cho bản thân vì nghĩ rằng kẻ nào đó có mối hằn thù đối với các giáo viên của trường chúng ta. Tôi và thanh tra Kelsey xin khẳng định với các vị rằng hoàn toàn không phải thế. Tuy nhiên sau một loạt sự kiện bi thảm, trường nữ học Meadowbank chúng ta đã thu hút sự chú ý của dư luận và bị nhiều người nghĩ xấu về nó. Kết quả là đã có nhiều người nhận định, một con chó sói đã lọt vào trong đàn cừu . Ngoài ba vụ án mạng, lại có thêm một vụ bắt cóc. Đây là vụ tôi muốn nói với các vị đầu tiên, bởi trong mọi tấn bi kịch, điều khó khăn nhất là tìm cho ra nguyên nhân những sự kiện mà thật ra không liên quan trực tiếp với các tội ác, nhưng lại làm lạc hướng công việc điều tra, khiến hướng đó mất sự tập trung... Hướng đó ở đây là một tên hung thủ nào đó đã lọt vào trường chúng ta.
Hercule Poirot lấy trong túi áo ra một tấm ảnh.
- Mời các vị nhìn tấm ảnh này xem.
Thanh tra Kelsey cầm tấm ảnh đưa cho bà hiệu trưởng Bulstrode. Sau khi bà truyền cho người khác, và cứ thế, mọi người trong phòng đều được xem tấm ảnh. Đi xong một vòng nó được trả về cho viên thám tử tư vấn Poirot. Ông này liếc nhìn những nét mặt bối rối của cử toạ hướng về ông, nói:
- Tôi xin hỏi tất cả các vị một câu: có vị nào nhận ra người trong ảnh là ai không?
Mọi người lắc đầu, Hercule Poirot nói tiếp:
- Đấy chính là công nương Shaila. Tấm ảnh này người ta đã gửi từ Thuỵ Sĩ đến cho tôi.
- Shaila! - bà giáo Chadwick sửng sốt kêu lên - Vậy mà tôi không nhận ra được!
- Bà không làm tôi ngạc nhiên - viên thám tử nói - Xin hãy nghe tôi giải thích. Sự việc bắt đầu từ thủ đô nước Ramat ở Trung Đông. Cách đây khoảng ba tháng, ở đấy nổ ra một cuộc đảo chính, chắc nhiều người ngồi đây đã biết. Quốc trưởng nước đó lúc ấy là Hoàng thân Ali Yusuf, trên đường chạy trốn đã tử nạn cùng với viên phi công riêng của Ngài trên một chiếc máy bay. Một vật quý có giá trị rất lớn của Ngài mang đi bị thất lạc, và dư luận cho rằng vật quý đó đã được đưa sang nước Anh chúng ta. Thế là nhiều nhóm người tìm cách điều tra xem vật báu kia ở đâu để chiếm đoạt nó. Một trong những nhận định của họ là rất có thể công nương Shaila biết vật quý kia nằm ở chỗ nào. Công nương là em họ của Hoàng thân Ali, và là người họ hàng duy nhất còn lại, đồng thời cũng là người thừa kế hợp pháp của Ngài. Công nương đang theo học một trường nội trú tại thủ đô Geneva, Thuỵ Sĩ. Rất có khả năng vật báu kia, sau khi được đưa ra khỏi Ramat, đã được chuyển đến tay công nương. Đám âm mưu kia lại biết thêm rằng công nương Shaila thôi không học trường nội trú ở Thuỵ Sĩ nữa, mà chuyển sang học trường nữ học Meadowbank ở Anh. Do đấy bọn chúng tiến hành một việc khá đơn giản là bắt cóc công nương, rồi đưa đến học ở trường chúng ta một người khác đóng giả làm công nương. Việc này không khó khăn gì vì họ hàng duy nhất còn lại của công nương là ông chú rể của cô, Ngài Giáo chủ Ibrahim, hiện đang sống tại Ai Cập, và nhiều khả năng là trong mùa hè này, Ngài không sang Anh. Bọn âm mưu đã điều tra rất cẩn thận và có những thông tin khá chính xác như các vị đã thấy. Mặt khác, hiệu trưởng của trường nữ học Meadowbank, bà Bulstrode, lại chưa biết mặt người học trò sắp đến theo học trường mình. Việc chuyển công nương sang Anh và vào học ở đây do một đại diện của Ngài Giáo chủ Ibrahim thường trú tại London thu xếp.
Kế hoạch của bọn chúng vấp phải một trục trặc: đến phút cuối cùng thì Bà hiệu trưởng trường nội trú của công nương Shaila tại Thuỵ Sĩ lại quyết định đưa cô sang Anh một cách không công khai. Ra khỏi trường, công nương Shaila được bọn âm mưu kia bí mật đưa đến một lâu đài cổ tại một thị trấn hẻo lánh, và tất nhiên cô được đối xử hết sức tử tế. Trong khi đó, tại London, một quan chức chưa hề biết mặt công nương, tháp tùng một Shaila giả đến trường Meadowbank. Cô gái sắm vai Shaila này tuy nhiều tuổi hơn Shaila thật đôi chút, nhưng điều này không quan trọng, bởi mọi người có định kiến từ lâu là con gái Trung Đông phát triển sớm hơn con gái châu Âu. Thêm nữa, bọn chúng chọn một nữ diễn viên trẻ để đóng vai này.
Dừng lại một lúc, thám tử Hercule Poirot nói tiếp:
- Có lần tôi hỏi xem có ai trong các vị chú ý đến đầu gối của công nương Shaila không, chính là vì thế. Đầu gối của một phụ nữ hai mươi ba tuổi không thể giống đầu gối của một thiếu nữ mười bốn mười lăm tuổi. Đáng tiếc là không ai chú ý.
Nhưng mưu đồ này cũng lại bị trục trặc. Mãi không thấy có ai đến bắt liên lạc với "công nương Shaila". Thư từ gửi đến không có mà cũng không ai gọi điện thoại đến. Nếu có người bắt liên lạc, tất "công nương Shaila" giả này sẽ báo tin ngay cho đồng bọn. Lại xảy ra thêm một khó khăn nữa cho bọn chúng, là Ngài Giáo chủ Ibrahim bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện, mà Giáo chủ tất phải biết rõ mặt cháu gái Ngài. Đến khi được tin ông chú đến London và muốn gặp cháu gái, công nương giả bèn gọi điện báo cho đồng bọn, thế là nửa giờ trước khi xe ôtô của Ngài Giáo chủ đến, một chiếc ôtô khác gắn tấm biển "Ngoại Giao Đoàn" giả đã đón "công nương" đi. Chiếc xe mang biển giả này đã được tìm thấy bị bỏ mặc tại cái thành phố, nơi cô diễn viên kia xưa nay vẫn cư trú. Tất nhiên đó là xe ăn cắp. Bon chúng tạo cho sự việc thành vụ bắt cóc bằng cách sau đấy gửi thư đòi tiền chuộc... Thật ra đây là vụ bắt cóc giả, trong khi vụ bắt cóc thật đã xảy ra tại Thuỵ Sĩ cách đây ba tháng, mà nạn nhân là công nương Shaila "thật".
Bây giờ tôi xin kể về những sự kiện quan trọng hơn nhiều: các vụ án mạng. Thủ phạm không thể là diễn viên đóng vai công nương Shaila, bởi nhiệm vụ bọn âm mưu giao cho cô ta không phải là giết ai, mà chỉ là ngồi đấy chờ người bắt liên lạc và giao "vật quý" của Hoàng thân Ali, hoặc cho biết thông tin về nó.
Nhưng tôi muốn các vị quay lại Ramat. Chỉ ít lâu sau đó, người ta được biết Hoàng thân trước khi chạy trốn đã giao phó vật quý kia cho người thân tín là viên phi công người Anh tên là Bob Rawlinson. Và ngay sáng hôm đó, Rawlinson đã đến khách sạn lớn nhất của thủ đô Ramat gặp chị ông ta, là bà Sutcliffe, mẹ của em Jennifer. Nhưng ông ta không gặp được bà chị: hai mẹ con đi chơi vắng. Rawlinson đã vào phòng họ, ở lại trong đó khoảng hai mươi phút và để lại một là thư ngắn.
"Khi phát hiện ra chi tiết này, có rất nhiều cách phỏng đoán, cho là viên phi công đã giấu vật quý kia trong hành lý của bà chị và bà đã đem vật quý đó về Anh mà không hay biết tí gì về nó. Kết quả là bọn âm mưu tiến hành đột nhập vào nhà bà Sutcliffe để ăn cắp, thực ra là để tìm vật báu kia lấy đi. Nhưng tên đột nhập đã không tìm thấy, mà lại bị bắt và đưa ra toà. Điều này chứng tỏ chúng không biết đích xác vật báu đó ở đâu.
Trong khi đó lại có một kẻ biết chính xác nơi viên phi công Bob Rawlinson giấu vật báu! Bây giờ tôi đã có thể nói rõ để các vị biết, nơi đó làtrong cán cây vợt của con gái bà Sutcliffe: em Jennifer. Chính vì thế mà em Jennifer thấy sử dụng cây vợt khó khăn, em đinh ninh là vợt hỏng và năn nỉ mẹ mua cho cây vợt khác.
Kẻ biết được điều bí mật kia đợi lúc đêm khuya, đã lẻn vào Cung Thể thao để lấy cây vợt của Jennifer. Y đã cẩn thận lấy chìa khoá in vào một khuôn dẻo để đánh một chiếc khác. Vào giờ mọi người trong trường Meadowbank đang ngủ say, y đột nhập vào Cung Thể thao. Nhưng ai ngờ cô giáo dạy thể dục Springer nhìn thấy ánh sáng đèn pin ở đó, bèn chạy sang, hy vọng bắt quả tang kẻ gian. Vốn khoẻ và can đảm, cô chủ quan, chạy sang đó một mình. Kẻ gian đang loay hoay tìm cây vợt thì bị cô giáo Springer phát hiện và nhận được mặt. Y chỉ còn một cách là thủ tiêu cô. Sợ có người nghe thấy tiếng súng, y bèn chạy trốn ngay lập tức chưa kịp thu dọn các cây vợt...
Rồi vài ngày san, bọn âm mưu thay đổi chiến thuật. Một phụ nữ lạ mặt, giả nói giọng tiếng Anh của Hoa Kỳ đến tìm em Jennifer, nói dối là một họ hàng của em tặng em cây vợt mới, đồng thời lấy về cây vợt cũ. Nhưng lần này bọn chúng cũng lại không đạt kết quả: cây vợt "bà khách Hoa kỳ" đem về không phải cây vợt của Jennifer. Em đã đổi vợt cho bạn là em Julia. Còn cây vợt kia chỉ là cây vợt của Julia.
Tôi xin sang vụ án mạng thứ hai: vì một nguyên do nào bí hiểm, có thể là do việc công nương Shaila bị bắt cóc lúc trưa, buổi tối hôm đó cô giáo Vansittart sang Cung Thể thao. Một kẻ đã bám theo cô và hạ sát cô bằng một túi cát, trong lúc cô đang cúi xuống ngăn đựng đồ thể thao của Shaila. Liền sau đó, vụ án mạng được bà giáo Chadwick phát hiện.
Lại một lần nữa cảnh sát lục lọi gian phòng này, và tưởng như hung thủ không dám hoạt động gì nữa. Nhưng em học sinh Julia Upjohn, thông minh, đã thấy lạ và suy nghĩ. Em nhận ra rằng cây vợt của em, tức là của Jennifer trước đây, hẳn phải có gì đặc biệt. Em bèn tiến hành một cuộc điều tra riêng và đem đến cho tôi thứ em tìm ra được. Toàn bộ số "vật báu" này đã được gửi ở một nơi tuyệt đối đảm bảo và hiện nay, ở đây, chúng tôi không phải lo lắng gì cho số phận vật báu đó nữa.
Hercule Poirot ngừng lại một lát rồi nói tiếp:
- Còn vụ án mạng thứ ba. Điều mà cô giáo Blanche đã biết hoặc nghi ngờ. chúng ta sẽ không bao giờ biết được đích xác, bởi cô đã mang theo nó sang thế giới bên kia. Rất có thể cô đã nhìn thấy một kẻ nào đó rời khỏi trường Meadowbank đêm hôm xảy ra vụ án mạng đầu tiêu, khi cô giáo Springer bị giết. Nếu như vậy, rất có thể cô Blanche đã biết hung thủ giết cô Springer là ai. Nhưng cô giữ kín và tính "bán" điều bí mật ấy. Không có gì nguy hiểm hơn là định tống tiền một kẻ đã hai lần phạm tội giết người. Cô Blanche đã thi hành mọi biện pháp an toàn, nhưng cô đã lầm, và đã phải trả giá cho sai lầm đó.
Chương 37
Thanh tra Kelsey hình như chưa hoàn toàn thoả mãn, ông nói với thám tử Poirot:
- Chúng tôi công nhận ông nói và làm được nhiều việc mà chúng tôi chưa làm được. Và tôi cũng thán phục thủ pháp của ông, thoạt đầu làm Shapland tưởng ông nghi cô giáo Eileen Rich cho nên không phòng bị, cho đến khi bà Upjohn bước vào chị ta mới bị bất ngờ đến như thế.
- Chẳng khó khăn gì trong việc đoán trước phản ứng của chị ta.
- Thì cứ cho là như vậy, thưa ông Poirot. Nhưng tôi chưa hiểu làm sao Ann Shapland lại giết cô giáo Vansittart được? Hơn nữa, chị ta có bằng chứng ngoại phạm đêm hôm đó. Chẳng lẽ ông Dennis trẻ tuổi kia và toàn thể những người làm trong nhà hàng đó đều là tòng phạm của chị ta?
Thám tử Poirot lắc đầu:
- Bằng chứng ngoại phạm của Ann Shapland là đúng. Nếu chị ta giết cô Springer và cô giáo Blanche, thì cô giáo Vansittart lại là do...
Hercule Poirot ngập ngừng một chút rồi đưa mắt về phía chỗ ngồi của bà hiệu trưởng Bulstrode. Lúc này bà đang chăm chú lắng nghe. Ông nói:
- Hung thủ giết cô giáo Vansittart... - ông nói rất chậm - chính là bà giáo Chadwick.
- Ông nói sao? - Cả bà hiệu trưởng Bulstrode lẫn thanh tra Kelsey đều sửng sốt bật dậy - Vô lý!
Bà hiệu trưởng còn nói thêm:
- Không thể có chuyện ấy được!
- Điều này tôi hoàn toàn khẳng định - Poirot nói.
- Nhưng. Tại sao lại như thế được? Bà Chadwick giết cô giáo Vansittart để làm gnì?
Thám tử chậm rãi đáp:
- Vì bà ấy quá yêu trường Meadowbank. Tôi đoán thế.
Rồi ông trầm ngâm nhìn chăm chú bà hiệu trưởng Bulstrode-
Cuối cùng bà hiệu trưởng Bulstrode nói rất khẽ.
- Ông định nói rằng ...
- Bà Chadwick đã cùng với bà là hai người sáng lập ra trường nữ học này. Từ ngày đó, bà Chadwick coi trường như đứa con... mà bà ấy với bà là hai người mẹ...
- Về một góc độ nào đó thì bà Chadwick nghĩ thế là đúng - bà hiệu trưởng gật đầu thừa nhận.
- Vâng, bà ấy nghĩ thế là đúng, tôi công nhận. Nhưng khi bà tính đến chuyện nghỉ hưu, bà Chadwick đinh ninh người thay bà làm hiệu trưởng dĩ nhiên phải là bà ấy.
- Nhưng Chadwick cũng đã cao tuổi rồi!
- Đúng, nhưng bà ấy lại không nghĩ như thế. Đến khi thấy bà định chọn cô giáo Vansittart thì trong thâm tâm bà Chadwick nảy sinh một phản ứng. Bà ấy không tin và không ưa cô giáo Vansittart. Kết quả là càng ngày bà ấy càng căm ghét cô giáo Vansittart.
- Điều này thì ông nhận xét đúng, thưa ông Poirot. Quả thật, cô giáo Vansittart có nhược điểm là quá tự tin cho rằng mình giỏi về tất cả mọi mặt. Đó là điều mà những người có thói ghen ghét không chịu nổi! Mà bà Chadwick lại có cái thói đó. Ông suy luận như thế chứ gì?
- Đúng, thói ghen ghét đó là do bà Chadwick quá yêu trường Meadowbank, đồng thời lại không tin ở tài năng cô giáo Vansittart. Bà ta cảm thấy không thể chịu nổi phải làm việc dưới quyền cô giáo ấy. Bên cạnh đó, bà Chadwick lại thấy bản thân bà, thưa bà hiệu trưởng, cũng do dự trong việc chọn cô giáo Vansittart để thay chân mình.
- Đúng thế! Tôi muốn tìm một người nào đó năng động hơn cô Vansittart. Đã có lúc tôi nhắm một cô giáo khác, nhưng cô này còn trẻ quá... Và Chadwick biết điều đó.
- Bà Chadwick cho rằng bà đã quay lại cô giáo Vansittart. Tấn bi kịch đã diễn ra như sau: nửa đêm, bà Chadwick thức dạy, thấy một vệt ánh sáng bên Cung Thể thao, thế là bà ấy băng ra khỏi toà nhà chính, chạy sang đó. Mục đích là bắt quả tang kẻ đêm khuya đột nhập vào Cung, rất có thể tên đó chính là thủ phạm của mấy vụ án mạng trước. Trước khi sang đó, bà Chadwick kiếm một thứ vũ khí để phòng thân, đó là một bao cát nhỏ. Vào đến Cung Thể thao, bà Chadwick bắt gặp cảnh tượng gì? Cô giáo Vansittart đang lúi húi trước ngăn đựng quần áo, dụng cụ thể thao của công nương Shaila. Bà bỗng như người mất trí, giơ cao bao cát, quật xuống gáy cô giáo kia... Bà Chadwick không phải kẻ quen giết người, cho nên sau khi phạm tội ác vào một lúc không tỉnh táo, bà đã hoảng sợ hết hồn...
Cô giáo Vansittart chết. Bà Chadwick tất nhiên không dám thú nhận mình là hung thủ. Khi người ta hỏi về cây gậy đánh hockey lăn lóc trong góc phòng, bà đã bảo chính bà đem cây gậy đó đến đây... Thật ra hung khí của bà ta là một trong những túi đựng cát vẫn nằm ở gậm cầu thang trong toà nhà chính, từ ngày chiến tranh.
- Nhưng tại sao Ann Shapland lại cũng dùng thứ hung khí đó để giết cô giáo Blanche? - Bà hiệu trưởng Bulstrode hỏi.
- Chỉ đơn giản là túi cát rất nặng, có thể làm chết người nhưng lại không gây tiếng động. Bà hãy nhớ lại vụ án mạng đầu tiên, cô giáo Springer: tiếng súng nổ làm hung thủ phải vội vã bỏ trốn ngay. Hơn nữa, Ann Shapland rất xảo quyệt. Chị ta giết cô giáo Blanche bằng đúng thứ hung khí bà Chadwick đã dùng để giết cô giáo Vansittart, khiến mọi người sẽ cho thủ phạm của hai vụ án mạng đó chỉ là một người.
- Tôi vẫn chưa hiểu cô giáo Vansittart đêm khuya vào Cung Thể thao để làm gì?
- Tôi đoán, sau khi công nương Shaila mất tích, cô giáo Vansittart rất băn khoăn, tuy không để lộ ra. Cô băn khoăn lo lắng không kém gì bà giáo Chadwick. Rất có thể, với tư cách người sắp thay bà hiệu trưởng, cô Vansittart thấy mình có trách nhiệm đối với tình hình nhà trường. Cô giáo Vansittart bèn bí mật vào Cung Thể thao, dò xem trong ngăn của Shaila có gì đặc biệt, giúp cô hiểu được vụ bắt cóc không...
- Mọi thứ, ông đều có được cách cắt nghĩa, thưa ông Poirot!
- Đấy là nghiệp vụ chuyên môn của ông ấy mà - thanh tra Kelsey nói, giọng hơi mỉa mai.
- Còn việc ông nhờ cô giáo Eileen Rich vẽ chân dung những người trong trường là để làm gì?
- Tôi muốn thẩm tra xem em học sinh Jennifer liệu có khả năng nhận diện một con người không? Tôi đã thấy em nhận xét rất đại khái. Và như thế, thật dễ hiểu là em đã không nhận ra cô giáo Blanche, khi trên bức vẽ, cô này thay đổi cách chải tóc. Và Jennifer cũng không nhận ra Ann Shapland trong vai "bà khách Hoa Kỳ".
- Ông cho rằng người phụ nữ đem đổi cây vợt cho Jennifer chính là Ann Shapland?
- Đúng thế. Hôm đó Ann Shapland chỉ cần đội mớ tóc giả mầu vàng, kẻ lại lông mày, mặc một kiểu áo và đội một kiểu mũ khác ngày thường, bắt chước thêm giọng nói của người Hoa Kỳ nữa, thế là xong. Những bức vẽ của cô giáo Eileen Rich cho tôi thấy thay đổi bộ mặt không khó khăn
- Eileen Rich... - bà hiệu trưởng Bulstrode nói khẽ - Nhưng tôi vẫn chưa hiểu...
- Xin bà cho cô giáo Rich vào đây, đó là cách tốt nhất để bà hiểu - thám tử Poirot ngắt lời bà hiệu trưởng.
Poirot kín đáo đưa mắt cho thanh tra Kelsey và ông này xin phép ra ngoài một lát.
Chương 38
- Một ông xưng tên là Robinson muốn gặp ông chủ.
- Thế à? - Thám tử Hercule Poirot nói.
Ông nhấc lá thư trên bàn, chăm chú đọc lại lần nữa, rồi nói:
- Anh mời ông Robinson vào, George.
Lá thư ông vừa đọc lại khá lạ lùng:
Ông Poirot thân mến,
Có thể một người tên là Robinson sắp đến gặp ông. Chắc ông đã nghe nói về ông ta. Một nhân vật khá quan trọng trong một số lĩnh vực. Xã hội chúng ta cần đến nhữngcon người như thế. Tôi dám nói rằng, trong những loại công việc như vừa qua, ông ta là một thiên thần. Nếu ông còn chút hồ nghi ông ta thì câu tôi vừa nhận xét hẳn là một lời giới thiệu với đúng nghiã của nó. Tất nhiên, tôi cần nói rõ thêm là tôi chưa biết mục đích ông ta đến gặp ông là để làm gì...
Người mãi mãi là bạn ông.
Ephraim PIKEAWAY
Thám tử Poirot đặt lá thư vào chỗ cũ rồi đứng lên, đúng lúc ông Robinson bước vào phòng. Poirot khẽ cúi đầu, chìa tay trỏ một chiếc ghế bành.
Ông Robinson ngồi xuống, rút khăn tay lau mồ hôi trên khuôn mặt to bè, mầu nâu nhạt, như thể muốn nói rằng trời quá oi bức.
- Thưa, ông đi bộ đến đây? - Poirot hỏi.
- Đi bộ? - Khách đáp vẻ kinh hoàng - Tất nhiên là không rồi. Tôi có chiếc Rolls Royce. Nhưng xe cộ quá đông, mấy chỗ tắc đường, có lần tôi phải chờ gần nửa tiếng.
Họ im lặng, như để kết thúc phần đầu của cuộc tiếp xúc, chuyển sang phần thứ hai, ông Robinson nói:
- Tôi nghe nhiều tiếng đồn, mà lời đồn thì phần lớn là sai, rằng ông giúp vào việc điều tra cho một trường nữ học?
- Nhưng sự thật lại đúng là như vậy đấy - Poirot đáp.
Viên thám tử ngồi xuống ghế tựa, đặt hai tay lên lưng ghế. Robinson nói tiếp:
- Vâng, trường Meadowbank.
Ngừng lại một giây rồi khách dướn người về phía thám tử Poirot:
- Thứ đó hiện nằm ở đâu?
- Ông không biết sao? - Poirot điềm tĩnh đáp.
- Nói thật là tôi có biết. Nhà băng là thứ có ích.
Poirot cười:
- Ta chẳng nên nói loanh quanh nữa, đúng không, thưa ông? Vậy ta quyết định thế nào bây giờ?
- Tôi chờ ý kiến của ông.
- Thực tế là số đá quý đem gửi nhà băng đó không phải của tôi. Tất nhiên tôi rất muốn trả lại cho người nào là thừa kế hợp pháp, nhưng tôi nhìn thấy trước là việc đó không dễ dàng.
- Trước hết, cần phải có lời công bố chính thức của chính phủ Hoàng gia Anh là hoàn toàn không có thông tin nào về số tài sản đó.
- Tôi đồng ý, nhưng tôi không thể để thứ đó nằm vĩnh viễn trong két nhà băng.
- Chính vì thế mà tôi đến đây đề nghị ông trao lại nó.
- Cho ông?
- Đúng thế. Số đá quý đó là sở hữu của cố Hoàng thân Ali Yusuf, và ông ta trao cho viên phi công Bob Rawlinson chỉ là để viên phi công trao lại cho tôi, nếu gặp trường hợp bất trắc.
- Ông có bằng chứng chứ?
- Tất nhiên!
Khách lấy ra một chiếc phong bì dài, lôi trong đó ra rất nhiều giấy tờ, bày trước mặt người thám tử.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng các giấy tờ, thám tử Poirot gật đầu:
- Tôi thấy các giấy tờ đều hợp lệ.
- Vậy ông tính sao?
- Tôi xin hỏi một câu, được không?
- Tất nhiên!
- Ông định thu lợi ở chuyện này?
Khách lộ vẻ ngạc nhiên.
- Nhưng thưa ông bạn thân mến, đấy là chuyện tự nhiên.
Thám tử Hercule Poirot chăm chú nhìn vị khách. Robinson nói tiếp:
- Một nghề kinh doanh cũ kỹ, nghe đâu như có từ thời thượng cổ. Rất lãi, đúng thế. Giới kinh doanh kim cương đá quý chúng tôi tạo thành một mạng lưới phủ khắp quả địa cầu: chúng tôi đã hứa là không bao giờ sai. Rất nhiều khi chúng tôi giúp ích được vô số người.
- Thôi được, tôi đồng ý trao cho ông - Poirot nói.
- Tôi cam đoan với ông rằng ông quyết định như vậy là mọi người đều mãn nguyện - khách nói, đồng thời liếc mắt nhìn lá thư của Đại tá Pikeaway trên bàn giấy của Poirot.
Viên thám tử tư vấn nói tiếp:
- Khoan đã. Tôi tò mò muốn biết ông định dùng số tài sản này theo cách nào?
Một nụ cười toác ra trên khuôn mặt phì nộn của khách.
- Sau đây ít lâu, tôi sẽ nói ông biết.
Chương 39
Đám trẻ nhỏ đùa nghịch ầm ĩ trên đường phố.
Lúc nặng nề lôi tấm thân phì nộn ra khỏi chiếc xe Rolls Royce cực kỳ sang trọng, ông Robinson bị bọn trẻ con xô đẩy, ông nhẹ nhàng gạt chúng ra rồi nhìn vào một tấm biển số nhà: số 15. Vậy là đúng rồi! Ông đẩy cánh cổng sắt, bước lên ba bậc thang dẫn đến cửa. Các tấm rèm trắng ở cửa sổ đều rất sạch sẽ, ông chú ý đến điều đó. Một ngôi nhà bình thường trong một phố nhỏ, nằm trong một khu vực ít ai để ý đến, nhưng lại không tầm thường chút nào.
Cửa mở, một thiếu phụ đẹp như mộng, khoảng hai mươi lăm tuổi, niềm nở đón khách:
- Chào ông Robinson. Mời ông vào.
Nàng dẫn khách vào một phòng khách nhỏ, xinh xắn. Một đài thu hình, một cây đàn piano kê sát tường.
- Ông dùng trà nhé? - bà chủ hỏi.
- Cảm ơn, tôi không uống trà bao giờ và tôi cũng không ngồi được lâu. Hôm nay tôi đến gặp bà chỉ để chuyển cho bà thứ tôi đã nói đến trong thư.
- Của Ali?
- Vâng.
- Không còn chút hy vọng gì nữa sao, thưa ông? Là tôi hỏi việc Ali đã không còn nữa có chính xác không?
- Thật đáng tiếc...
Khách lấy trong túi áo ra một gói nhỏ, đặt lên mặt bàn:
- Bà mở ra xem.
Tay run run, thiếu phụ mở gói. Rồi nàng như thể choáng váng: một dòng suối óng ánh đủ sắc màu chảy xuống bàn, khiến gian phòng khách nhỏ tăm tối này bỗng biến thành cái hang của chàng Aladin trong "Một ngàn lẻ một đêm".
Robinson không rời mắt khỏi cặp mắt của nàng. Ông đã thấy bao nhiêu cặp mắt phụ nữ sáng rực lên khi cần nhìn thấy một viên trong số những viên kim cương như thế này. Phụ nữ có một bản năng là say mê nữ trang quý.
Cuối cùng, nàng mới thốt lên được:
- Không thể là đồ thật được?
- Vậy mà tất cả đều là thật, tôi xin cam đoan với bà.
- Nếu vậy, trị giá của chúng phải đến ...
Nàng không biết nói lên con số bao nhiêu.
- Nếu bà đem bán, bà sẽ được ít nhất là sáu triệu bảng Anh - ông Robinson quả quyết.
- Trời !
Đột nhiên, thiếu phụ thu các viên đá quý lại, cho vào bọc, gói lại như cũ.
- Chúng làm tôi sợ. Xin trả lại ông! - Nàng kêu lên.
Cửa ra vào bật mở. Một đứa bé trai mắt đen, da nâu chạy như lao vào phòng:
- Mẹ! Thằng Bill cho con mượn một thứ đồ chơi rất đẹp...
Chợt nhìn thấy khách, cậu bé ngừng bặt.
- Con xuống bếp đi, Allen - thiếu phụ bảo con trai - Mẹ chuẩn bị thức ăn sáng cho con rồi đấy.
Cậu bé chạy nhanh ra ngoài. Thiếu phụ đỏ mặt, quay sang khách:
- Allen là tên tiếng Anh gần với cái tên Ali nhất. Nhưng thưa ông Robinson, ông khuyên tôi như thế nào đây?
- Trước hết, bà có giấy chứng thực hôn thú chứ? Tôi biết bà đã kết hôn với Hoàng thân Ali thời gian Ngài Hoàng thân theo học Đại học ở London, nhưng...
Thiếu phụ lấy giấy tờ ra đưa khách. Khách xem qua rất nhanh, rồi nói:
- Thế là đủ. Bây giờ giả sử bà uỷ nhiệm hoàn toàn cho tôi, tôi sẽ đem bán tất cả những thứ này và một công chứng viên sẽ tư vấn cho bà về cách sử dụng khoản tiền đó. Bà sẽ giàu ghê gớm và tất cả những tên lưu manh, lừa đảo, côn đồ đủ loại sẽ bám sát bà từng bước chân bà đi. Cuộc sống của những người giàu không phải bao giờ cũng nhàn tản, nhưng tôi tin rằng bà đủ can trường và khôn ngoan để thoát được những cạm bẫy của chúng. Sau này con trai bà sẽ sung sướng hơn cha nó ngày xưa. Vậy bà đồng ý như thế chứ?
Thiệu phụ đẩy gói đá quý về phía khách. Đột nhiên, nàng nói:
- Cô học sinh tìm ra được những viên đá quý này... Mắt cô ấy mầu gì?
Robinson nghĩ một chút:
- Bà hãy cho cô bé ấy một viên ngọc xanh. Màu xanh gợi lên vẻ huyền bí, sẽ rất thích hợp với cô ấy đấy. Ý định của bà tuyệt vời và cô bé ấy sẽ cực kỳ sung sướng.
Khách đứng lên:
- Nhân đây, tôi muốn xin nhận của bà tiền thù nhưng bà yên tâm, tôi không đòi quá đáng đâu.
Thiếu phụ liếc nhìn khách rồi nói:
- Tôi tin là như thế. Và tôi rất cần dựa vào một người am hiểu. Tôi rất dốt về kinh doanh.
- Nếu vậy tôi đem tất cả đi... Nhưng có lẽ bà muốn giữ lại một vài viên nào chứ?
Khách tò mò nhìn chủ: một chút run rảy, một ánh mắt thèm khát. Rồi mọi biểu hiện đó hoàn toàn biến mất:
- Không - thiếu phụ nói - Có thể ông cho việc từ chối một thứ kỷ niệm giá trị như thế này là dại dột. Nhưng, mặc dù Ali là tín đồ đạo Hồi, anh ấy vẫn thường cho phép tôi thỉnh thoảng đọc một đoạn trong kinh thánh của đạo Giatô cho anh ấy nghe. Và tôi nhớ có lần đọc một đoạn, nói về một người phụ nữ có giá trị hơn mọi viên bích ngọc... Không, tôi không muốn giữ lại một viên ngọc nào từ phía anh ấy !
"Một người phụ nữ quá lạ kỳ" - ông Robinson thầm nghĩ khi quay ra chiếc xe Rolls Royce của ông ta.
Truyện đã hoàn rồi!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top