cú vọ và đàn bồ câu 1
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Linh Dị, Trinh Thám, Phương Tây
***
Giới thiệu:
Tác phẩm Cú Vọ Và Đàn Bồ Câu (tên tiếng Anh: Cat Among the Pigeons) được nhà văn trinh thám nổi tiếng Agatha Christie xuất bản vào năm 1959. Trong truyện chúng ta sẽ cùng thám tử nổi tiếng Hercule Poirot truy tìm sự thật.
***
Chương 1
Mẹ thân yêu,
Đêm qua trong trường chúng con xảy ra một vụ án mạng: cô giáo Springer dạy thể dục bị giết. Cảnh sát đến đây từ sáng và thẩm vấn tất cả mọi người.
Bà giáo Chadwik dạy toán ra lệnh cấm chúng con không ai được lộ tin này ra, nhưng con nghĩ rằng mẹ muốn biết mọi tin tức ở đây.
Jennifer Sutcliffe là một học sinh trung học 15 tuổi, rất thích chơi tennis. Trước khi vào năm học mới, cô được mẹ, theo lời khuyên của bác sĩ, đưa đến Trung Đông để nghỉ dưỡng, nhằm giúp cô phục hồi lại sau căn bệnh viêm phổi. Một trong những điểm mà mẹ cô chọn đưa cô đến là Ramat, một xứ sở chan hòa ánh nắng.
Cậu của Jennifer, một phi công riêng cho hoàng thân của xứ sở Ramat, đã tử nạn trên đường đưa Hoàng thân thoát khỏi cuộc đảo chính trong nước ông ngay vào khoảng thời gian Jennifer và mẹ đang du lịch ở đó. Xung quanh cái chết của ông, người ta tin rằng có nhiều chuyện liên quan đến mẹ con cô.
Jennifer, như đa phần các cô bé ở độ tuổi đó, rất vô tư và chưa có suy nghĩ sâu sắc. Mùa hè năm đó, cô vào trường Meadowbank - một trường nội trú dành cho nữ sinh. Mọi việc ở trường, nhìn trên bề mặt đều không có gì bất thường, dù có sự hiện diện của một học sinh mới rất danh tiếng là công nương Shaila - người thừa kế duy nhất và hợp pháp của hoàng thân xứ Ramat. Nhưng cô không biết là ở đó cũng có sự hiện diện của "một con cú vọ giữa đàn bồ câu": cái ác, mà cái ác thì không dừng lại trước bất cứ thứ gì, kể cả giết người, để đạt được điều mà chúng mong muốn...
***
Hôm nay là ngày khai giảng của Trường Nữ học nổi tiếng Meadowbank. Đã gần cuối chiều, ánh nắng xiên khoai vẫn còn chiếu xuống những lối đi rộng xuyên qua hoa viên, dẫn đến một tòa nhà kiến trúc theo kiểu cổ. Cô giáo Vansittard trong bộ áo liền váy may cắt tuyệt đẹp đang tiếp đón các phụ huynh học sinh đưa con em họ tựu trường.
Ngay cạnh đấy là bà giáo Chadwick, dáng điệu hoàn toàn thoải mái, khiến người ta có cảm tưởng bà là người không thể thiếu trong trường nữ học này. Mà đúng thế, bà giáo Chadwick đã có mặt tại trường ngay từ ngày đầu. Chính bà đã cùng với bà hiệu trưởng Bulstrode sáng lập ra trường nữ học này.
Bà giáo Chadwick đeo kính cận, mặc tấm áo dài hết sức giản dị, thái độ niềm nở. Cần nói ngay rằng bà còn là một giáo viên dạy toán tuyệt vời.
Đám phụ huynh và con cái họ vẫn tiếp tục đi vào tòa nhà.
Trong văn phòng nhà trường trên tầng hai, cô Ann Shapland, thư ký riêng của bà hiệu trưởng Bulstrode đang lo gửi thư từ giao dịch đi các nơi. Cô trạc ba mươi tuổi, có mái tóc đen nhánh búi lại và thắt một dải xa tanh sau gáy. Cô vừa làm việc vừa chốc chốc đưa mắt nhìn qua cửa sổ xuống sân trường, nơi học sinh đang tấp nập kéo đến.
Đột nhiên cô thư ký ngừng tay, chăm chú nhìn xuống dưới. Một chiếc xe du lịch cực kỳ sang trọng nhãn Cadillac màu xanh da trời lăn bánh qua cổng ngoài, đến đậu sát thềm tòa nhà. Xe vừa đỗ, người tài xế da rám nắng, râu quai nón nhanh nhẹn mở cửa xe bước ra, đĩ vòng sang bên đối diện, kính cẩn mở cửa xe cho một cô gái trẻ da nâu bước ra.
"Có lẽ chính là vị công nương nhà trường đang đợi đấy chăng?" Cô thư ký Ann thầm nghĩ và ngay lúc đó cô thầm tự hỏi, liệu nàng công nương mảnh dẻ của một quốc gia Trung Đông kia, khi mặc bộ đồng phục nữ sinh của trường Meadowbank trông sẽ ra sao? Ann nhún vai, quay vào tiếp tục làm việc.
Đây là lần đầu tiên Ann Shapland làm việc trong một trường học. Trước đó cô đã từng làm thư ký cho một trong những nhà doanh nghiệp lớn nhất, thậm chí đã từng làm nhân viên văn phòng cho một bộ của chính phủ, lần đó đích thân ông Bộ trưởng mời cô đến làm thư ký riêng cho ông. Lúc nhận làm việc cho trường nữ học Meadowbank này, Ann đã thầm tự hỏi, liệu làm ở một nơi chỉ toàn nữ giới có tẻ nhạt không? Xung quanh mình chỉ toàn đàn bà con gái!
"Tuy nhiên, ta cũng cứ thử vào làm xem sao?" Vả lại cô đã có Dennis, chàng trai kiên trì, lần nào đi công cán ở Malaisia, Miến Điện, hoặc một quốc gia xa xôi nào đó trên thế giới về, cũng đến tìm gặp Ann ngay và nhắc lại lời cầu hôn với cô. Lần nào Ann Shapland cũng lần lữa, chưa chịu trả lời dứt khoát. Dennis là chàng trai rất đáng quý, nhưng cô e ngại, lấy một người chồng thường xuyên đi công cán nước ngoài liệu cô có chịu nổi không? Cuộc sống của cô có đơn điệu quá không?
Đơn điệu ư? Điều e ngại lúc trước bây giờ quay trở lại. Trường học này chỉ nhận nữ sinh. Các giáo viên cũng đều là nữ. Cả trường không có một người nam giới, trừ bác thợ làm vườn già, ngoài sáu mươi tuổi, lại suốt ngày chỉ cặm cụi trong khu hoa viên của trường. Ann Shapland đang miên man suy nghĩ theo hướng đó thì đột nhiên, lúc đưa mắt nhìn qua cửa sổ xuống vườn, cô chú ý đến một người nam giới lạ mặt đang sửa lại hàng rào cây xanh dưới vườn hoa. Ann chăm chú nhìn, người đàn ông này hoàn toàn không phải ông già, thậm chí còn khá trẻ, vóc người cân đối và dáng điệu đặc biệt nhanh nhẹn.
Ai thế nhỉ? Phụ việc cho bác già Briggs chăng? Hẳn là như thế.
Cô thư ký Ann ngắm nghía anh ta thêm chút nữa. Trông anh ta có vẻ trí thức, ít nhất cũng là người có học vấn cao. Cô thầm đoán, chắc anh ta xin vào làm chân phụ việc cho bác già làm vườn chỉ là làm thêm. Chẳng là giá cả hồi này leo thang, lương không đủ tiêu dùng. Chắc là như thế.
Cô thầm nghĩ: "Dù sao cũng còn có một nam giới để mình trò chuyện những lúc cần giải khuây". Cô dự định, thảo xong lá thư giao dịch cho bà hiệu trưởng, sẽ lững thững xuống vườn dạo chơi.
Chương 2
Hai tháng trước đấy, tại một quốc gia Trung Đông diễn ra những sự kiện đảo lộn cuộc sống nơi đó dư âm của nó lan xa, tác động cả đến cuộc sống tại ngôi trường nữ học nổi tiếng trên hòn đảo Anh quốc này.
Trong Cung điện Hoàng gia tại Ramat, hai người đàn ông còn khá trẻ vừa hút thuốc lá vừa trao đổi về triển vọng sắp tới của tình hình vương quốc. Một người có nước da mầu nâu, cặp mắt to màu đen u buồn, chính là Hoàng thân Ali Yusuf, người đang đứng đầu vương quốc Ramat. Tuy là một quốc gia nhỏ, nhưng Ramat lại là một trong những quốc gia giàu nhất khu vực Trung Đông này. Người đàn ông thứ hai tóc vàng, chứng tỏ ông ta là người châu Âu. Đó là phi công riêng của Hoàng thân chỉ sống bằng đồng lương, mặc dù đồng lương hậu hĩ. Bất chấp địa vị hai người hết sức khác nhau, một là chủ và một là người làm công, nhưng họ đối xử với nhau rất bình đẳng và thân thiết. Bởi hai người là bạn học của nhau từ thời Hoàng thân du học bên Anh.
- Vậy là vừa rồi bọn chúng bắn chính là nhằm vào chúng ta? - Vị Hoàng thân lặp lại câu hỏi, dường như vẫn chưa tin vào điều đó.
- Điều đó đã quá rõ ràng, không còn phải nghi ngờ gì nữa. - Viên phi công Bob Rawlinson đáp.
- Vậy là bọn chúng có mưu đồ thật sự?
- Tất nhiên! Chúng muốn giết chúng ta mà lại.
- Nếu vậy từ nay chúng ta phải hết sức thận trọng.
- Đúng thế. Nhưng bây giờ đã quá muộn rồi. Trước đây hai tuần tôi đã khuyên Hoàng thân nên lánh ra nước ngoài...
- Trốn tránh là điều bất đắc dĩ. Cùng đường lắm mới phải tính đến cách đó.
Sau một chút im lặng suy nghĩ, viên phi công người Anh gợi ý:
- Sứ quán Anh có thể cho chúng ta ẩn náu...
Hoàng thân Ali ngắt lời:
- Trốn vào Sứ quán Anh? Không đời nào! Bọn đảo chính sẽ không tôn trọng quy chế ngoại giao đâu. Chưa kể làm như thế rất nguy hiểm cho ta. Bọn chúng sẽ có cớ kết tội ta cấu kết với Phương Tây.
Người phi công hỏi khẽ:
- Hoàng thân có người nào thân tín trong quân đội không?
Hoàng thân Ali lắc đầu:
- Trước đây thì có, tất nhiên. Thậm chí ta có đến mười lăm sĩ quan thân tín. Nhưng hiện giờ thì ta không còn tin bất cứ ai. Thậm chí ngay trong cung điện này cũng đã có những kẻ sẵn sàng phản bội ta.
Viên phi công Anh gật đần.
- Tôi hiểu.
- Trong cung điện nào trên thế giới chẳng có gián điệp? Chúng ngày đêm theo dõi.
- Thậm chí chúng có mặt cả trong sân bay. Hôm trước, nhân viên bảo vệ sân bay đã bắt quả tang một tên đang lúi húi phá hoại động cơ một chiếc máy bay. Cho nên tôi nghĩ chúng ta chỉ còn cách duy nhất là chạy trốn ra nước ngoài. Mà phải trốn ngay bây giờ. Chậm trễ là sẽ không gỡ lại được.
- Đúng thế. Ta ở lại, sẽ bị chúng giết
Giọng Hoàng thân Ali điềm tĩnh, không một chtút xúc động. Người phi công Anh Bob Rawlinson nói tiếp:
- Lúc này toàn bộ điều quan trọng đối với Hoàng thân là phải bảo toàn cho được mạng sống. Chúng ta bay theo hướng Bắc sẽ không ai nghi ngờ. Tuy nhiên hướng đó toàn núi cao chót vót cho nên máy bay rất dễ gặp chuyện rủi ro. Dù sao cũng không còn cách nào khác.
- Ta rất không muốn ông vì ta mà gặp phải điều bất hạnh.
- Bây giờ không phải là lúc nghĩ đến những chuyện đó. Vả lại tôi chọn nghề này có nghĩa đã chấp nhận sớm muộn sẽ tan xác cùng với máy bay. Lúc này điều duy nhất cả hai chúng ta cần quan tâm là số phận của Hoàng thân.
Hoàng thân Ali im lặng một chút rồi nói:
- Ta hoàn toàn không muốn làm một kẻ trốn chạy. Nhưng ta cũng không muốn bị đám dân chúng kia xé xác.
Sau một lát suy nghĩ, Hoàng thân quyết định:
- Thôi đành. Không còn cách nào khác. Vậy bao giờ ta cất cánh?
- Càng sớm càng tốt. Tốt nhất là ngay bây giờ. Hoàng thân hãy đi xe ra sân bay, viên một cớ nào đó, thí dụ đi kiểm tra công trường xây dựng ở Al Jasar chẳng hạn. Trên đường đi, lúc xe chạy ngang qua bên ngoài sân bay, Hoàng thân ngỏ ý muốn dùng máy bay để kiểm tra từ trên cao nhìn xuống công trường, và cho xe chạy vào sân bay. Đúng lúc đó tôi đã chuẩn bị xong máy bay, chúng ta sẽ cất cánh. Dĩ nhiên Hoàng thân đừng mang theo hành lý gì hết để tránh bị nghi ngờ...
- Ta sẽ không mang theo bất cứ một thứ gì, ngoài...
Nói đến đây. hoàng thân Ali mỉm cười và người phi công thấy đột nhiên nét mặt ông ta biến đổi hẳn. Hoàng thân Ali không còn vẻ mặt một con người đã từng theo học tại châu Âu như mọi khi, mà trở lại là một ông vua phương Đông hiểm độc, đầu óc chứa đầy mưu mẹo để thoát khỏi những hiểm nguy ghê gớm nhất. Ông thọc tay sâu vào tận lớp áo trong, từ từ lôi ra một cái túi nhỏ bằng da thuộc.
Người phi công Anh còn đang ngơ ngác chăm chú nhìn thì vị hoàng thân đã mở chiếc túi nhỏ bàng da, dốc tất cả những gì đựng trong đó lên mặt bàn.
Người phi công Anh như nghẹn thở. Ông lẩm bẩm:
- Lạy Trời. Toàn thứ thiệt đấy sao?
Hoàng thân cười láu lỉnh:
- Tất nhiên!? Những viên kim cương và đá quý này là của cha ta. Người đã tậu được qua các trung gian tin cậy ở Anh, Ấn Độ và ở ngay cả trên đất Nam Phi. Dòng họ vương tộc của ta vốn có lệ đó, luôn luôn trữ sẵn những thứ này đề phòng trường hợp bất trắc... Ông hiểu chứ?
Rồi giọng nói trở nên mơ màng, hoàng thân Ali Yusuf tiếp lời:
- Theo thời điểm hiện nay, toàn bộ số đá quý này trị giá không dưới bảy triệu bảng Anh.
Viên phi công Anh thì thầm:
- Có cái túi này trong người thì quả là vượt qua được bất kỳ trở ngại nào.
- Đúng thế. Nhưng số báu vật này mà có người nhìn thấy thì chưa biết những chuyện gì có thể xảy ra. Những vụ án mạng ấy chứ. Thứ này ta không dám giao phó cho phụ nữ. Họ sẽ không nhịn được mà đeo lên người, thế là mất mạng như chơi. Trái lại ta muốn giao phó cái túi này cho ông!
- Giao phó cho tôi? - Bob Rawlinson kêu lên.
- Đúng thế, vì ông là người lương thiện, và ta biết ông sẽ nghĩ ra được cách giấu kín nó. Sau đây ta sẽ cho ông biết tên và địa chỉ một người mà ta tuyệt đối tin cậy để ông định liệu, nếu trường hợp ta chết trong chuyến hành trình này... Bởi làm sao con người biết được ý muốn của Thượng Đế Allah?
Chương 3
Bước chân dọc theo những hành lang ngoắt ngoéo trong cung điện Hoàng gia Ramat, gót giầy nện xuống nền đá hoa cương tạo nên những tiếng vang khô khốc, phi công Bob Rawlinson cảm thấy như xung quanh đang có hàng trăm cặp mắt nấp sau những hàng cột kia lén nhìn mình. Chưa bao giờ ông dám nghĩ là một ngày nào đó, sẽ mang trong người một tài sản thậm chí trị giá chỉ bằng một phần ngàn kho báu lớn lao này. Người phi công Anh cố giữ cho dáng đi cũng như vẻ mặt hoàn toàn tự nhiên để không một người nào trong cung điện có thể thoáng một chút nghi ngờ.
Ra đến sân, các lính canh bồng súng chào Bob. Trong lòng vẫn còn bàng hoàng, viên phi công Anh ra đến Đại lộ lớn nhất của thủ đô Ramat. Giống như mọi đường phố lớn của các thủ đô phương Tây, nơi đây cũng bộc lộ rõ sự chênh lệch quá lớn giữa giàu và nghèo. Ta đi đâu bây giờ? Bob Rawlinson thầm tự hỏi. Ông chưa có kế hoạch nào hết, tính sẽ tuỳ cơ định liệu, nhưng phải định liệu thật nhanh. Thời gian đã gấp gáp lắm rồi.
Đầu óc như mụ đi, không nghĩ được gì hết, Bob Rawlinson quyết định ghé vào một tiệm giải khát để trấn tĩnh. Ông bước vào một quán rượu của dân bản địa, gọi một ly trà đường pha chanh. Khung cảnh nơi này rất thích hợp để ông định thần trở lại. Bàn bên cạnh có hai người đàn ông đang chơi xấp ngửa, mải sát phạt nhau, không quan tâm gì đến xung quanh. Bàn cách xa là một ông già đang nhấm nháp ly rượu, mắt lơ đãng nhìn xuống chiếc ly.
Bob Rawlinson không tin rằng mọi số phận đã được định đoạt từ trên trời, ông theo châm ngôn: "Ta tự cứu mình thì rồi Thượng đế sẽ cứu ta!" Ông thầm tính. Hay đem số báu vật này đến gửi ở Đại sứ quán Anh? Không được! Bởi không đời nào sứ quán chịu ôm lấy một trách nhiệm to lớn đến như vậy. Cách đơn giản nhất là tìm một người tin cẩn, đồng thời người đó lại phải không gây nghi ngờ khi vượt qua biên giới để sang nước khác, thí dụ sang Anh chẳng hạn. Nhưng hải quan nhiều quốc gia, nhất là hải quan nước Anh rất tò mò... Nếu một tài sản lớn, trị giá hàng triệu bảng như thế này, bị họ phát hiện thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao? Tuy biết như thế, nhưng Bob không tìm ra được cách nào tốt hơn.
Đột nhiên Bob Rawlinson sực nhớ ra. Mải lo nhiều chuyện quá, ông quên bẵng mất bà chị ruột tên là Joan Sutcliffe, hiện cũng đang có mặt tại Ramat cùng với đứa con gái tên là Jennifer. Sau khi khỏi bệnh viêm phổi, đứa bé được bác sĩ khuyên nên dưỡng bệnh ít lâu tại một nơi nào nhiều ánh nắng và không khí không ẩm thấp. Joan bèn đưa con sang đây. Vài hôm nữa hai mẹ con sẽ trở về Anh, họ không đáp máy bay được mà phải tàu biển. Bob biết rằng bà chị ruột là người ông có thể hoàn toàn tin cậy.
Ít nhất ông cũng biết rằng không sợ bà chị đem những thứ nữ trang này ra đeo. Điều duy nhất làm ông ngại là tính bà Joan toàng toạc, không giấu được ai cái gì bao giờ. Với tính nết như thế, nếu Bob có căn dặn bà đừng lộ ra với ai thì bà sẽ để lộ ra bằng cách khác, nghĩa là chăm chăm giữ vẻ bí mật như để nói với mọi người rằng "Tôi đang giữ một thứ cực kỳ bí mật đây!". Và như thế còn nguy hiểm hơn.
Nhưng thời gian đã rất gấp, không thể chần chừ được nữa. Viên phi công Bob Rawlinson bước ra khỏi quán hàng và như cái máy, ông đi nhanh về phía khách sạn lớn nhất thủ đô Ramat, có cái tên huênh hoang là Khách sạn Ritz. Cô tiếp viên khách sạn nhìm thấy người phi công Anh, niềm nở:
- Chào ông sĩ quan! Hẳn ông muốn gặp bà chị phải không? Hai mẹ con bà ấy đi pic-nic mất rồi.
- Pic-nic?
Bob không còn tin vào tai mình nữa: tình hình rối loạn thế này mà vẫn đi chơi được? Lại còn pic-nic nữa!
- Vâng, đúng thế đấy, thưa ông. Bà Sutcliffe đi cùng với ông bà Hurst ở Công ty Dầu Lửa. Họ lên đập Katat Diwa.
Suýt nữa Bob văng tục: đi chơi xa thế thì phải nhiều tiếng đồng hồ nữa bà chị ông mới về khách sạn được.
- Cô vui lòng cho tôi mượn chìa khóa phòng bà ấy vậy. - Cuối cùng Bob nói.
Như mọi khi, phòng hai mẹ con bà Sutcliffe hết sức bừa bộn. Bà chị ông có tính rất ghét sự trật tự, ngăn nắp. Những chiếc gậy chơi gôn quăng bừa bãi trên ghế xa lông, còn cây vợt tennis thì nằm trên giường, áo quần tung tóe bừa bãi ra khắp mọi chỗ. Trên bàn, cả một chồng bưu thiếp, với mấy cuộn phim và đủ thứ vật kỷ niệm nhỏ sản xuất tại Nhật Bản, Bombay... Nằm sát tường là mấy chiếc va li, cái đóng cái mở.
Một điều đã rõ ràng. Bob sẽ không gặp được bà chị trước khi lên máy bay chạy trốn cùng với Hoàng thân Ali. Lao lên tận đập Katat Diwa tìm bà Sutcliffe rồi quay về thì không thể được. Tất nhiên Bob có thể bọc cái túi da đựng kim cương, để lại đây kèm theo một mảnh giấy dặn dò, nhưng ông biết rằng ở Ramat này, bất cứ người dân châu Âu nào cũng bị theo dõi xít xao, cho dù y có cẩn thận đến mấy. Có nghĩa việc ông vào khách sạn Ritz này không thể không có người đã biết. Họ sẽ vào đây, mở cái túi da và đọc mảnh giấy ông viết cho bà Sutcliffe.
Thời gian vẫn tiếp tục trôi nhanh. Hay giữ lại kho báu này? Hoàn toàn không thể được. Bob Rawlinson đưa mắt nhìn khắp căn phòng, đột nhiên ông mừng rỡ. Ông nghĩ ra được một cách. Viên phi công lấy kho báu trong túi áo ra, bắt tay ngay vào việc thực hiện.
Đang làm, bỗng ông giật mình, nhìn vội ra ngoài cửa sổ. Không phải. Phòng bà chị không có bao lơn. Thần hồn nát thần tính, ông đã tưởng có ai ngoài đó đang theo dõi.
Làm xong, Bob thở phào nhẹ nhõm. Vậy là không hề có ai nghi ngờ gì hết. Ngay bà Sutcliffe, và cả đứa cháu gái, tất nhiên càng không ngờ. Bà chị ông là người chỉ quan tâm đến mỗi một mình bà.
Bob Rawlinson cẩn thận xóa mọi dấu vết của công việc ông vừa làm. Sau đấy ông bước đến gần cuốn lốc lịch đặt trên ghế đẩu. Tất nhiên ông phải để lại mấy chữ cho Joan, nhưng viết thế nào để ai tò mò đến mấy cũng không đoán ra được ý nghĩa thật. Nếu viết khéo, còn có thể đánh lạc hướng kẻ nào đọc được bức thư này. Khi về đến nước Anh, ông sẽ tìm cách liên lạc ngay với bà chị.
Bức thư như sau:
Chị Joan thân mến, em đến tìm chị định rủ đến Câu lạc bộ chơi vài ván gôn vào tối nay, nhưng chị lại đi vắng, em không gặp được. Nếu có thể được, mai đến gặp em ở Câu lạc bộ Gôn nhé? Vào 17 giờ, được không? Bob.
Vậy là đạt được cả hai mục tiêu, Bob Rawlinson thầm tự bằng lòng: bà chị ông không hề biết ông em sắp rời khỏi đây, và như thế có nghĩa cũng sẽ không ai biết. Thêm vào đó là nếu có chuyện gì, không ai có thể nghi ngờ bà Joan Sutcliffe được.
Bob suy nghĩ một lát rồi nhác máy điện thoại, quay số Đại sứ quán Anh.
- John đấy phải không? Bob Rawlinson đây... Đúng thế, Mình cần gặp cậu ngay, càng sớm càng tốt. Chẳng là có một cô ả tuyệt đẹp... cực kỳ hay, nhưng mình lại vụng về làm cô ả giận...
- Mình hiểu. Cậu thì bao giờ chẳng thế, chuyện làm con gái giận. Thôi được, mình sẽ đến gặp cậu lúc 14 giờ.
Thế là xong. Bob đã báo tin được cho sứ quán. "Cô gái tuyệt đẹp" là ám hiệu để chỉ "có một âm mưu lớn đang được chuẩn bị". Bộ máy nghe trộm điện thoại ở Ramat hoạt động rất hiệu quả, nhưng cũng không thể đoán ra dược nội dung điều ông báo tin cho sứ quán.
Bây giờ thì Bob Rawlinson yên tâm. Ông đã báo được cho bạn biết chuyện về "kho báu" và bà chị ông thì không biết gì hết. Bob còn báo thêm cho bạn ở sứ quán biết vài hôm nữa bà Joan Sutcliffe sẽ đưa con về Anh bằng đường biển. Còn những chuyện khác thì hiện chưa thể đoán trước. Hoàng thân Ali Yusuf có thể sang được châu Âu mà cũng có thể bị nạn dọc đường và chết... Còn số phận của Bob thì lại phụ thuộc vào số phận của Hoàng thân.
Liếc nhìn lại lần cuối cùng căn phòng đồ đạc bừa bộn, Bob đặt phong bì vào chỗ dễ nhìn thấy nhất rồi ông bước ra cửa. Ngoài hành lang không có ai.
Chương 4
Phòng khách sạn bà Joan Sutcliffe thuê không có bao lơn, nhưng phòng bên cạnh lại có. Tại thời điểm lúc viên phi công người Anh của hoàng thân Ali ra đến hành lang thì bà khách thuê căn phòng bên cạnh cũng rời khỏi vị trí quan sát, tay vẫn còn cầm chiếc gương soi nhỏ. Thật ra, lúc nãy bà ta bước ra ngoài bao lơn chỉ cốt để soi gương nhìn cho rõ sợi lông mọc oái oăm trên cằm. Sau khi đã nhổ xong sợi lông, bà ta chìa khuôn mặt ra ngoài ánh sáng trời để soi gương cho kỹ thêm, xem còn chiếc lông xấu xí nào nữa không. Tình cờ bà ta nhìn thấy trong tấm gương một cảnh tượng gợi cho bà ta trí lò mò. Chẳng là do đưa lên vào một góc độ nào đó, trên mặt tấm gương nhỏ hiện ra một phần của tấm gương lớn trong phòng bên cạnh, và trên tấm gương này bà khách nhìn thấy hình một người đàn ông, ông ta quay lưng về phía gương, đang lúi húi làm những động tác hơi lạ...
Bà khách tò mò, bèn giữ nguyên vị trí như cũ, đứng bất động tiếp tục quan sát. Bà ta rất bực mình thấy không sao đoán nổi người đàn ông phòng bên cạnh đang làm gì.
Hẳn là người dàn ông đó có thể nhìn thấy tấm gương nhỏ trên mặt tấm gương lớn trong phòng ông ta, nhưng vì ông ta mải mê làm công việc của mình, nên không ngẩng đầu nhìn lên gương một lần nào.
Rồi bà khách phòng bên cạnh nhìn thấy người đàn ông hí hoáy viết lên tờ giấy bóc ở lốc lịch. Sau đó hình người đàn ông biến mất trên tấm gương soi, bà ta đoán ông ta ra gọi điện thoại. Bà cố dỏng tai nhưng không nghe được ông ta nói những gì. Tuy nhiên bà ta linh cảm thấy cuộc trò chuyện trong điện thoại có vẻ không quan trọng. Cuối cùng bà khách nghe thấy tiếng sập cửa.
một lát cho người đàn ông đi xa hẳn, bà khách phòng bên cạnh lén bước ra hành lang. Một nhân viên khách sạn đang dùng chổi lau phủi thứ gì đó trên tấm thảm. Đợi cho người nhân viên làm xong, đi khuất, bà ta không chút ngập ngừng, bước vào phòng bên cạnh. Cửa khóa, đúng như bà ta dự đoán. Bà ta rút chiếc cặp tăm và mở lưỡi con dao díp nhỏ, bắt đầu loay hoay. Có vẻ người phụ nữ khá thành thạo những loại công việc như thế này.
Chỉ lát sau bà ta đã mở được khóa, bước vào phòng, thận trọng khép cửa lại. Việc đầu tiên là xem bức thư. Phong bì dán hờ và bà ta dễ dàng bóc ra. Nội dung lá thư làm bà ta chau mày: không có gì đặc biệt. Bà ta vừa dán phong bì như cũ thì nghe thấy có tiếng người trò chuyện dưới sân. Tiếng trò chuyện vọng lên phòng này qua ô cửa sổ để ngỏ, bà ta nhận ra một trong hai giọng nói là của người phụ nữ thuê căn phòng này.
Bà ta bèn bước ra gần cửa sổ để nghe cho rõ. Quả là hai mẹ con bà Joan Sutcliffe đã về và bà mẹ đang to giọng với một người đàn ông Anh. Bà Joan tỏ ra rất bực mình với người đàn ông, có vẻ là quan chức của sứ quán Anh, ông ta vừa mới đề nghị hai mẹ con bà rời ngay khỏi quốc gia Trung Đông này.
- Vô lý! - Bà Joan nhắc lại. - Phố xá vẫn bình thường, có gì đâu? Lại một lần nữa chưa chi các ông đã hoảng hốt.
Giọng người đàn ông có vẻ đã quá mệt mỏi:
- Thưa bà, chúng tôi cũng rất mong không có chuyện gì, nhưng trách nhiệm của chúng tôi buộc chúng tôi phải báo vệ tính mạng cho bà và cháu...
Bà Joan Sutcliffe giận dữ ngắt lời người đàn ông:
- Hành lý của chúng tôi cồng kềnh lắm, với lại chỉ Thứ tư này chúng tôi sẽ đáp tàu biển rời khỏi đây. Bác sĩ nói rằng ngồi tàu biển sẽ rất tốt cho sức khỏe của con Jennifer. Cho nên tôi không đáp máy bay của các ông đâu.
Người đàn ông trình bày rằng máy bay sẽ chỉ chở họ đến Aden, sau đó họ có thể lên tàu biển như bình thường.
- Thế còn đống hành lý của chúng tôi?
- Việc ấy tôi xin chịu trách nhiệm.
Không còn lý do để từ chối, bà Joan Sutcliffe đành nhượng bộ:
- Nếu vậy thì tôi đành làm theo yêu cầu của các ông vậy. - Bà thở dài nói. - Bây giờ tôi về phòng sửa soạn hành lý chứ?
- Xin bà chuẩn bị thật nhanh cho.
Trong phòng Joan Sutcliffe, bà khách phòng bên cạnh đọc nhanh nhãn dán ngoài chiếc vali rồi vội vã chạy ra ngoài. Đúng lúc đó, bà Joan bước ra khỏi thang máy, nhưng bà ta phải dừng lại vì cô nhân viên tiếp tân của khách sạn đã cuống quít chạy bốn bậc một lên thang gác, thở hổn hển đuổi theo bà:
- Xin quý bà tha lỗi. Tôi quên không báo bà biết là ông phi công em của bà lúc nãy đến đây tìm bà. Ông có vào phòng ngồi chờ một lát nhưng không thấy bà về nên lại ra và đi rồi.
- Tiếc quá! - Bà Joan nói với con gái. - Mẹ đoán cậu Bob cũng hoảng hốt như cái ông ban nãy... Ôi, cận ấy hấp tấp đi ra mà quên khóa cửa phòng, một sơ suất nguy hiểm.
Vào đến phòng, nhìn thấy chiếc phong bì đặt trên bàn, bà Joan Sutcliffe kêu lên:
- Ôi, có thư của ai kìa.
Đọc xong thư, bà Joan leo lên vui vẻ:
- Vậy ra cậu Bob vẫn bình tĩnh! Xem chừng cậu ấy không hay biết gì về tình hình đang nguy hiểm. Nhưng thôi, mẹ con mình phải đóng gói đồ đạc nhanh lên kẻo người ta kêu. Chà, "đảo chính"! Đúng là trò dớ dẩn.
- Chưa bao giờ con được nhìn thấy một cuộc đảo chính đấy. - Jennifer nói giọng đăm chiêu. Năm nay em đã mười lăm tuổi.
- Còn lâu con mới được nhìn thấy.
- Ôi tiếc quá nhỉ! - Cô bé thất vọng nói.
Chương 5
Sáu tuẫn lễ sau, tại nước Anh, một người đàn ông trẻ tuổi kín đáo gõ vào cánh cửa phòng trong một ngôi nhà tại khu phố Bloomsbury ở thủ đô London. Đây là một căn phòng nhỏ. Một người đàn ông to béo, tuổi trung niên, đang ngồi ngủ gật trên chiếc ghế tựa. Tấm áo vét của ông ta nhàu nát và dính đầy tàn thuốc.
Mắt hơi hé mở, ông ta hỏi người trẻ tuổi mới đến:
- Thế nào?
Về cặp mắt của Đại tá Pikeaway, người ta đồn chúng không bao giờ mở hẳn, cũng không bao giờ nhắm hẳn. Một số người khác thì quả quyết rằng ông ta thật ra không phải tên là Pikeaway, và cũng chưa hề là Đại tá. Nhưng lời đồn đại thì tin sao được?
- Thưa Đại tá, ông Edmonson ở Bộ Ngoại giao đã đến. - Người trẻ tuổi nói rất khẽ.
Pikeaway không hề tỏ thái độ gì. Dường như ông ta vẫn còn ngủ.
- Cậu ta là bí thư thứ ba Sứ quán ta tại Ramat phải không nhỉ?
- Thưa, vâng. Đúng thế.
- Tôi nghĩ tôi cần tiếp cậu ta. - Đại tá hờ hững nói.
Đại tá Pikeaway ngồi lại cho ngay ngắn, rồi phủi qua loa tàn thuốc dính trên áo vét.
Khách bước vào. Edmonson cao lớn, tóc vàng, trong bộ âu phục hết sức lịch sự, đúng là một quan chức ngoại giao. Thái độ ông ta thận trọng, dè dặt, cũng lại đúng là do nghề nghiệp tạo nên.
- Đại tá Pikeaway, nếu tôi không lầm? - Khách nói. - Tôi được người ta cho biết là hai chúng ta nên gặp nhau trao đổi.
- Vậy ư? Mời ông ngồi.
Cặp mắt viên Đại tá dường như muốn nhắm vào, nhưng ông ta cố cưỡng lại.
- Ông có mặt tại Ramat trong những ngày diễn ra cuộc đảo chính đấy chứ?
- Vâng. Những hôm đó thật chẳng vui vẻ gì.
- Tôi cũng đoán như vậy. Bob Rawlinson là bạn của ông phải không?
- Đúng thế.
- Anh ta đã chết?
- Vâng, thưa Đại tá. Nhưng tôi không biết có nên...
- Ông giấu giếm vô ích. Chúng tôi đã biết hết. Vậy là Bob Rawlinson lên máy bay với Hoàng thân Ali Yusuf ngay từ hôm đầu tiên và sau đó không ai biết tin tức gì về số phận của họ. Cũng có thể họ đã hạ cánh an toàn xuống một nơi nào đó trong vùng núi. Nhưng người ta lại tìm thấy xác chiếc máy bay trên dãy núi Avolez, và thấy cả xác hai người ấy nữa. Tin này đến ngày mai mới được công bố trên đài phát thanh. Tin ấy chính xác chứ?
Edmonson gật đầu. Đại tá Pikeaway nói tiếp:
- Họ bay trên độ cao, rất có thể là gặp gió to. Nhưng cũng có thể do có kẻ phá hoại. Thí dụ chúng gài săn một quả bom nổ chậm. Cuộc điều tra tiến hành đã khá lâu, và đến giờ vẫn chưa kết thúc.
- Tất cả những chuyện đó thật đáng tiếc. Hoàng thân Ali Yusuf lẽ ra rất có thể là một quốc trưởng tuyệt vời, vì ông ta đã được thấm nhuần tư tưởng dân chủ.
- Có khi chính vì thế mà ông ta bị đám kia chống lại. Nhưng chúng ta chẳng nên mất thời giờ vào việc luyến tiếc một ông vua. Tôi được người ta giao cho tiến hành điều tra - một cuộc điều tra nào đó và những người quan tâm sẽ cung cấp tiền bạc, phương tiện. Nghe nói Chính phủ Hoàng gia nước Anh chúng ta rất ủng hộ họ. Ông hiểu ý tôi chứ?
Edmonson điềm tĩnh đáp:
- Người ta đã có nói bóng gió cho tôi biết về chuyện đó.
Đại tá Plkeaway không nhúc nhích:
- Chắc ông biết là một vật rất có giá trị đã bị mất, người ta không tìm thấy trên thi thể các nạn nhân cũng như trong đống xác máy bay. Rất có thể nông dân địa phương đã lục lọi và lấy đi tất cả những gì có thể lấy được, và họ cũng kín tiếng không kém gì các nhà ngoại giao các ông. Bây giờ ông hãy nói cho tôi, ông còn biết được những thông tin gì nữa?
- Không có gì đặc biệt. - Edmonson tự ái đáp.
- Ông có nghe nói về một cái gói nhỏ mà người ta đang ra sức tìm chứ?... Nếu không phải thế thì tại sao người ta lại khuyên ông đến gặp tôi?
- Người ta bảo tôi rằng ông muốn gặp tôi hỏi một số điều.
Cặp mắt Đại tá Pikeaway lúc này mới hé mở to thêm đôi chút.
- Nếu tôi đưa ra một số câu hỏi, ông sẽ trả lời nghiêm tức chứ?
- Hẳn là như thế.
- Thôi được. Vậy trước khi lên máy bay rời khỏi Rumat, Bob Rawlinton có nói lộ chuyện gì ra với ông không?
- Về chuyện gì, thưa Đại tá?
Lần này, viên Đại tá nhìn thẳng vào mắt Edmonson:
- Thôi được, ông kín đáo là phải. Nhưng trong trường hợp này, kín đáo là không hợp thời. Nếu quả ông không biết ý tôi muốn nói đến cái gì thì câu chuyện giữa hai chúng ta nên dừng lại ở đây. Tôi e sau này ông sẽ hối tiếc là đã không cởi mở với tôi đấy.
Xem chừng câu nói làm Edmonson bối rối. Ông ta quyết định nói.
- Điều tôi biết thật ra khá mơ hồ. Bob với tôi có thống nhất một kiểu mật mã riêng mỗi khi chúng tôi thông báo cho nhau bằng điện thoại. Lâu lâu anh ta lại cho tôi biết một số thông tin anh ta thu lượm được trong cung điện hoàng gia ở Ramat. Đổi lại, tôi cũng thông báo cho anh ta những điều tôi biết.
- Ông cứ nói tiếp.
Buổi sáng hôm cách mạng nổ ra, Bob gọi điện cho tôi, hẹn hai chúng tôi gặp nhau tại một chỗ quy định. Nhưng hai chúng tôi chưa kịp gặp nhau thì cuộc bạo động đã bùng nổ và cảnh sát chặn khắp các ngả đường. Tôi không gặp được Bob, và ngay buổi trưa hôm đó, anh ta trốn đi bằng máy bay cùng với hoàng thân Ali.
- Ông có đoán được Bob Rawlinson gọi điện thoại từ máy nào không?
- Rất tiếc rằng không.
- Đúng là đáng tiếc thật. Ông quen bà Joan Sutcliffe chứ?
- Chị của Bob? Tôi có gặp bà ta đi cùng với đứa con gái nhỏ, nhưng tôi chưa nói chuyện với bà ta lần nào.
- Hai chị em có thân thiết với nhau lắm không?
Edmonson nghĩ một chút rồi đáp:
- Tôi không dám quả quyết. Bà ta hơn tuổi cậu em rất nhiều, và Bob lại không ưa ông anh rể. Bob thường gọi ông ta là "lão huênh hoang".
- Bob không lầm đâu. Anh rể ông ta là một nhà kinh doanh tầm cỡ, và loại người đó vô cùng tẻ nhạt. Vậy là ông có cảm giác Bob Rawlinson đã giao phó cho bà chị anh ta một điều bí mật?
- Tôi không dám chắc, nhưng tôi ngờ là như vậy.
- Thôi được, hai mẹ con bà Joan Sutcliffe, sau một chuyến ngao du trên biển Địa Trung Hải, ngày mai sẽ cập bến Tilbury, trên con tàu Eastern Queen.
Đại tá Pikeaway im lặng chăm chú nhìn khách. Rồi, như thể đã quyết định một điều gì, ông ta chìa tay cho Edmonson:
- Ông đến đây là rất tốt.
- Tôi rất tiếc đã không giúp ích cho Đại tá được nhiều hơn.
Rồi khách đi ra. Liền sau đó, người đàn ông trẻ tuổi lúc trước dẫn Edmonson đến, quay vào. Viên Đại tá nói:
- Ta đã định cử anh ta đến Tilbury để chặn không cho bà Joan Sutcliffe kia biết tin em trai bà ta đã chết. Nhưng rồi ta đã nghĩ lại. Thằng cha này công tử bột quá. Ta sẽ cử đứa khác. Thằng cha hôm nọ tên là gì ấy nhỉ?
- Thưa, Đại tá định nói đến Derek ấy ạ?
- Phải rồi, Derek. Cậu đã hiểu ta tính sẽ làm thế nào chưa?
- Thưa Đại tá, tôi mới lờ mờ hiểu.
- Chưa đủ đâu. Cậu phải hiểu thấu đáo mới được. Nhưng thôi, hãy gọi thằng cha Derek đến đây, ta cần giao một nhiệm vụ cho nó.
Chương 6
Viên Đại tá Pikeaway dường như lại định ngủ tiếp thì Derek bước vào.
- Cậu có thích vào làm trong một trường nữ học không? - Đại tá Pikeaway hỏi, không hề có vẻ đùa giỡn.
- Trường nữ học? Tức là trường con gái ấy ạ? - Derek sửng sốt. - Chẳng lẽ trường nữ học lại được dùng làm nơi chế tạo bom?
- Hoàn toàn không phải thế. Meadowbank là một trường nữ học nội trú thực sự nghiêm chỉnh, đúng với nghĩa của nó, và còn là một trường nữ học đang có uy tín rất lớn.
- Meadowbank? Thưa Đại tá, tôi chưa hiểu.
- Thế này nhé: công nương Shalla, em họ của Hoàng thân Ali Yusuf và là người thừa kế hợp pháp ngai vàng Marat, sắp vào học ở trường nữ học rất nổi tiếng kia. Trước đây, công nương học trong một trường nội trú ở Thụy Sĩ.
- Vậy Đại tá giao cho tôi việc bắt cóc cô bé hoàng tộc ấy chăng?
- Hoàn toàn không phải. Tình hình là thế này. Rất có thể sắp tới sẽ có những kẻ quan tâm đến cô ta. Ta muốn giao cho cậu nhiệm vụ bí mật giám sát cô học sinh công nương kia. Cậu sẽ phải báo ta biết tất cả những nguy cơ nào có thể sẽ xảy ra với cô ta, thí dụ có kẻ nào đó là bạn bè của cô ta đến bắt liên lạc chẳng hạn, bạn bè hoặc họ hàng... thật hoặc giả. Tóm lại, hễ cậu thấy có bất cứ kẻ nào khả nghi xuất hiện ở đó...
- Nhưng tôi làm cách nào để giám sát tại chỗ cô công nương kia được? Tôi có phải thầy giáo đâu mà lọt vào đấy được?
- Mà cậu có là thầy giáo thì cũng không thể lọt vào, bởi muốn xin vào dạy học trong trường đó, điều kiện tiên quyết là phải thuộc giống cái. Cho nên ta nghĩ, cậu chỉ có thể vào đó làm với tư cách thợ làm vườn.
- Liệu có được không?
- Được. Nhưng cậu có làm được thứ công việc ấy không? Ta không lầm đấy chứ?
- Tôi làm được. Hồi còn ít tuổi, tôi đã từng viết một số bài đăng trong tạp chí Người làm vườn.
- Ta biết. Nhưng lần này công việc của cậu không phải là viết những bài lý thuyết suông. Mà cậu sẽ phải thật sự cầm lấy cái cuốc, phải trồng cây, xén cành, cuốc đất hẳn hoi. Cậu làm được không?
- Những công việc ấy tôi đã từng làm trong khu vườn của mẹ tôi hồi tôi còn nhỏ.
- Tốt lắm. Bởi trường Meadowbank đang cần thuê một người phụ việc cho ông già làm vườn ở đó. Ta sẽ xoay cho cậu lấy đủ chứng chỉ về nghề làm vườn để người ta nhận cậu vào làm. Nhưng ta dặn, nếu như các cô học sinh trong trường chú ý đến cậu, phần vì tò mò, phần vì cậu đẹp trai, thì cậu phải có cách ngăn chặn, rõ chưa? Cấm không được dính vào những chuyện dớ dẩn ấy. Ta rất không muốn họ tống cổ cậu ra.
Derek cố nở một nụ cười gượng gạo. Đại tá Pikeaway đã nói tiếp:
- Cậu định lấy tên là gì nào?
- Edden, được không ạ? Đấy cũng là tên một khu vườn khu vườn trên Thiên Đàng...
- Chà ra cậu cũng biết hài hước đấy. Thôi được, vậy từ nay tên cậu là Adam Goodman, thích hợp chứ? Bây giờ cậu về chuẩn bị ngay. Ta đang cần gặp lão Robinson. Hẳn giờ này lão đã đến rồi và đang chờ ta.
Ronnie ngạc nhiên:
- Robinson ạ? Ông ta cũng tham gia vụ này ạ?
- Ta bảo cậu đi kia mà? Đừng bắt ta phải nhắc đến lần thứ hai.
Tiếng chuông cửa kêu một cách kín đáo.
- Lão đến đấy. Lão Robinson này bao giờ cũng đúng giờ.
- Thưa Đại tá, tên thật của ông ta là gì ạ? Tôi muốn được biết.
- Robinson! Đó là tất cả những gì ta biết về lão, và ta tin rằng không kẻ nào biết thêm điều gì về lão ngoài cái tên đó.
Chương 7
Người đàn ông vừa bước vào gian phòng nhỏ này hoàn toàn không thích hợp với cái tên Robinson. Giá tên ông ta là Demetrios, Isaacstein hay Perenna thì có lý hơn, bởi trông ông ta giống người Hy Lạp, người Do Thái, người Tây Ban Nha hoặc người ở xứ sở nào đó chứ tuyệt nhiên không có lấy một nét gì giống người Anh, mặc dù ông ta nói tiếng Anh không hề vướng chút âm sắc nước ngoài nào.
Vóc người Robinson to béo, da mặt thiên về phía chủng tộc da vàng, mắt to và đen, đượm chút u buồn, vầng trán cao và cái miệng rất to với hàm răng trắng bóng. Ông ta ăn mặc chải chuốt, hai bàn tay thon mịn, được chăm chút tỷ mẩn như tay con gái.
Cách ông ta ăn nói với viên Đại tá khiến người ta có cảm tưởng như hai vị Vua chúa đàm đạo. Sau vài câu thù tiếp xã giao, Đại tá mời khách một điếu xì gà rồi đi vào vấn đề cụ thể hơn.
- Tối rất lấy làm hân hạnh được ông vui lòng hỗ trợ.
"Ngài" Robinson chậm rãi hít một hơi xì gà rồi mới đáp:
- Có gì đâu, ông bạn thân mến. Tôi quen biết rộng và người ta luôn thổ lộ nhiều điều rất riêng tư với tôi. Tại sao họ tin tôi đến thế, chính tôi cũng không biết.
Đại tá Pikeaway bỏ qua câu nói khiêm tốn đó.
- Tôi đoán ông biết việc người ta đã tìm thấy xác chiếc máy bay của Hoàng thân Ali Yusuf...
- Thứ tư vừa rồi. Người lái chiếc máy bay đó là phi công trẻ tuổi Bob Rawlinson. Nhưng máy bay bị nạn không phải do lỗi ở phi công mà do thợ máy ở sân bay phá hoại từ trước lúc nó cất cánh. Thủ phạm vụ phá hoại đó là nhân vật hiện đang giữ một chức vụ trọng yếu trong bộ máy chính quyền mới ở Ramat.
- Thì ra có âm mưu phá hoại! Bây giờ tôi mới biết. Quả là một câu chuyện đáng buồn.
- Đúng thế. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta gặp nhau để nuối tiếc quá khứ! Tôi nghĩ rằng hai chúng ta gặp nhau hôm nay là vì một điều chúng ta cùng quan tâm, có thể lý do quan tâm khác nhau giữa hai chúng ta, nhưng đó chính là những thứ mà vị hoàng thân xấu số kia để lại trên cõi đời.
- Cụ thể là...?
Ông Robinson nhún vai.
- Một tài khoản khá lớn ở ngân hàng Thụy Sĩ, một khoản tín dụng nhỏ lưu tại Anh, những bất động sản của ông trong nước - riêng những thứ này tất nhiên đã bị những chủ nhân mới chia nhau và không phải khi chia không xảy ra lắm mâu thuẫn, hiềm khích, và cuối cùng... là một thứ rất nhỏ, hoàn toàn là tài sản cá nhân của riêng hoàng thân Ali Yusuf.
- Ông nói là "nhỏ"?
- Đấy là tôi nói về khối lượng. "Nhỏ" đây có nghĩa có thể dễ dàng mang theo trong người.
- Nhưng nghe đâu người ta không tìm thấy thứ gì đặc biệt trong áo quần của vị Hoàng thân...
- Dễ hiểu thôi. Vị Hoàng thân đã trao vật đó cho Bob Rawlinson.
- Ông biết chắc là như thế? - Giọng đại tá có phần sôi nổi hơn đôi chút.
- Thật ra không có gì có thể biết chắc chắn được. - Robinson đáp như thể nhận lỗi. - Bao giờ trong mỗi cung điện vua chúa cũng có những lời bàn tán đủ loại, và không phải tất cả những lời đồn đại là chuyện có thật. Nhưng trong trường hợp này, quá nhiều người nói và lại nói giống nhau.
- Tạm cho là như thế. Nhưng người ta đã không tìm thấy gì trong xác viên phi công.
- Cho nên chúng ta phải kết luận rằng "vật kia" đã được một người khác, chứ không phải Bob Rawlinson, đưa ra khỏi lãnh thổ Ramat. Hoặc nó được đưa ra nước ngoài bằng một mưu mẹo nào đó.
- Ông có ước đoán nào không?
- Sau khi nhận túi đá quý - bây giờ ta gọi nó bằng đúng tên của nó - viên phi công Bob Rawlinson đã ghé vào một tiệm giải khát nhỏ, nhưng tại đây anh ta không hề gặp gỡ ai, không trò chuyện với ai. Các khách ăn khác đều không ai chú ý đến anh ta. Sau đấy Bob đến khách sạn Ritz. Bà chị anh ta đi vắng, anh ta đã lên phòng, ở lại trong đó khoảng hai mươi phút. Rời khỏi khách sạn Ritz, Bob Rawlinson đến một nhà băng, đổi một tấm ngân phiếu lấy tiền mặt. Anh ta vừa ra khỏi nhà băng thì cuộc bạo động nổ ra, nhưng Bob Rawlinson vẫn đến được sân bay cùng với người phụ lái là Achmed.
- Sau đó?
- Theo như anh ta đã thỏa thuận trước với Hoàng thân, chắc thế. Hoàng thân Ali Yusuf rời cung điện hoàng gia bằng ôtô, bảo rằng đi kiểm tra công trường xây dựng một con đường, thật ra là để gặp Bob, bảo anh này chở ông đi thị sát bằng máy bay. Đúng là máy bay có cất cánh thật, nhưng sau đó mất tích.
- Qua toàn bộ sự việc trên, ông kết luận ra sao?
- Chắc cũng như ông thôi. Bob Rawlinson ghé vào phòng bà chị để làm gì, khi đã biết phải muộn bà ta mới về đến khách sạn? Bob có để lại một bức thư, nhưng thư quá ngắn ngủi, chỉ cần vài ba phút cũng đủ để viết xong. Vậy hai chục phút kia anh ta dùng làm gì?
- Ông cho rằng Bob đã giấu số kim cương và đá quý kia trong đống hành lý của bà chị?
- Qua những sự kiện trên thì hầu như chắc chắn là như thế, ông có tán thành không? Ngay hôm đó, hai mẹ con bà Joan Sutcliffe đã sơ tán cùng với những công dân Anh khác. Họ đáp máy bay đến Aden, rồi xuống tàu biển. Ngày mai con tàu này sẽ về đến Anh, cập bến ở Tilbury.
- Tôi biết và chúng tôi sẽ bảo vệ bà ta.
- Ông làm thế là rất đúng, bởi mang trong người một tài sản lớn như thế, bà ta rất dễ gặp nguy hiểm.
Ông Robinson nháy mắt rồi nói tiếp:
- Tôi rất ghét kiểu bạo lực.
- Ông thật sự cho rằng...?
- Nhiều nhóm đang quan tâm đến chuyện này, với động cơ xấu.
- Tôi cũng nghe là như thế.
- Và tất nhiên chúng giành giật nhau bằng đủ mọi thủ đoạn, mưu mẹo. Thế là vấn đề sẽ rối tinh lên.
- Rất có thể là như thế. Vậy ông... ông có mối quan tâm cá nhân nào đến vụ này không, thưa ông Robinson?
Tuy câu hỏi được đưa ra bằng giọng dè dặt, nhưng cũng vẫn làm khách hơi tự ái.
- Dù sao tôi cũng đại diện cho một tập đoàn. - Robinson nói. - Phần lớn số đá quý kia là do tập đoàn chúng tôi nhượng lại cho vị Hoàng thân đã quá cố theo một mức giá phải chăng. Đó chính là một trong những lý do khiến tôi quan tâm đến số phận của những viên đá quý đó. Hay ông còn đòi tôi đưa ra ý kiến của vị hoàng thân đã khuất kia? Tôi rất không muốn nói thêm gì nữa. Vấn đề này quá nhạy cảm. À, mà nhân tiện xin hỏi, ông có biết những người thuê các phòng bên cạnh phòng của bà Joan Sutcliffe ở khách sạn Ritz lúc đó là ai không?
Đại tá Pikeaway làm bộ như cố nhớ lại trước khi đáp:
- Để tôi nhớ lại xem... À phải rồi, phòng bên trái là Angelica de Toredo, một vũ nữ Tây Ban Nha, làm việc tại một quán rượu ở Ramat. Rất có thể cô ta không hoàn toàn mang dòng máu Tây Ban Nha, nhưng thật sự là một vũ nữ có tài, được khách hàng rất mến mộ. Còn phòng bên phải thì là mấy cô giáo.
Ông Robinson cười toác miệng:
- Ông vẫn y hệt như ngày xưa! Tôi đến để cung cấp thông tin cho ông thì ai ngờ ông đã biết đầy đủ cả rồi
- Đâu có!
- Hai chúng ta, nói riêng với nhau, chúng ta đã nắm được nhiều thông tin đấy.
Họ đưa mắt nhìn nhau.
- Thưa ông Robinson, tôi có cảm giác là hai chúng ta đã biết khá nhiều điều, ít nhất cũng cho đến lúc này...
Chương 8
- Không sai chút nào! - Bà Joan Sutcliffe kêu lên lúc rời khỏi cửa sổ trong phòng khách sạn - Mẹ không sao hiểu nổi tại sao lần nào mẹ đi xa rồi trở về nước Anh, trời cũng mưa? Thật đáng ghét quá.
Cô bé Jennifer đáp:
- Con thì lại rất sung sướng được trở về quê hương. Ít nhất cũng được nghe thấy người xung quanh nói tiếng Anh, và chỉ lát nữa thôi, con sẽ được uống thứ trà ngon tuyệt cùng với mọi thứ kèm theo ly trà.
- Con đúng là nhà quê, con yêu quý ạ. Nghe con nói câu vừa rồi, mẹ thấy đưa con đi ngao du tận Vịnh Ba Tư đâm thành công cốc.
- Con có phàn nàn gì đâu, thưa mẹ? Nhưng quả là con rất sung sướng thấy mình lại được đứng trên mảnh đất này.
- Thôi được nhưng mẹ phải kiểm tra lại hành lý xem có thiếu gì không. Từ hồi chiến tranh, con người đâm ra gian giảo quá đáng. Mẹ tin rằng nếu mẹ đãng trí một chút thôi thì thế nào cũng có kẻ ăn cắp cái xắc xanh này của mẹ. Lúc ở Tilbury mẹ đã thấy có đứa cứ lảng vảng bên cạnh mấy cái va-li của mẹ con mình. Lúc lên tàu hoả, mẹ lại thấy cũng vẫn thằng cha đó. Bọn chúng chỉ rình hễ hành khách say sóng hoặc mệt mỏi, không còn tỉnh táo nữa là chúng "chớp" liền.
- Ôi, mẹ! Mẹ làm như tất cả mọi người đều là kẻ gian hết.
- Có rất nhiều kẻ gian.
- Nhưng không phải ở nước Anh chúng ta.
- Ở nước Anh?... Nhưng ở nước Anh còn tồi tệ hơn mọi nơi khác. Sống ở ngoại quốc, bao giờ chúng ta cũng cảnh giác, nhưng về đến đây là chúng ta dễ buông lơi, coi thường, và thế là bọn lưu manh lọi dụng sự chủ quan đó... Thôi, bây giờ mẹ phải kiểm lại xem... Chiếc va li to màu đỏ này, chiếc va li đen này... cả hai chiếc mầu hung và cái xắc xanh... Kia là số gậy đánh gôn, cây vợt tennis. Ba cái xắc khác, hộp kim loại mẹ con mình mua dọc đường... mười bốn kiện... Đủ cả!
- Con đói rồi - Jennifer kêu lên.
- Vậy thì con xuống dưới kia mà ăn điểm tâm. Mẹ thì cần nghỉ. Mà ba lại không ra đón kia chứ! Cuộc họp Giám đốc rơi đúng vào lúc vợ con về đến nhà.
Jennifer đang vội vã chuẩn bị xuống nhà thì chuông điện thoại kêu. Bà Joan Sutcliffe nhấc máy:
- Vâng, tôi đây. Ôi, xin đợi cho một chút.
Vì vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa.
- Mời vào?
Một người đàn ông mặc bộ áo quần lao động mầu xanh, tay xách hòm đồ nghề bước vào.
- Xin lỗi, tôi là thợ điện của khách sạn. Người ta vừa yêu cầu tôi kiểm tra lại các đường dây phòng bà. Người khách hàng thuê phòng này trước bà phàn nàn là đèn tối quá. Tôi xin phép vào buồng tắm, được không ạ?
- Ông cứ làm công việc của ông - bà Joan Sutcliffe đáp.
Rồi bà lại cầm máy điện thoai.
- Tôi xin lỗi. Ông cần gì ạ?
- Bà tha lỗi, nhưng tôi cần gặp bà, về chuyện ông em của bà.
- Về Bob? Ông có tin tức gì về cậu em tôi à?
- Vâng.
- Nếu vậy mời ông lên phòng của tôi: tầng ba, số 110.
Joan Sutcliffe cau mày, ngồi xuống giường. Bob làm sao? Bà đã linh cảm thấy có chuyện chẳng lành.
Một tiếng gõ cửa kín đáo, rồi một người đàn ông trẻ tuổi từ tốn bước vào phòng. Nhìn vẻ mặt anh ta, bà Sutcliffe không còn hồ nghi gì nữa.
- Tên tôi là O'connor, làm ở Bộ Ngoại giao - khách nói.
- Em tôi chết rồi phải không? - Chị người phi công hỏi độp ngay.
Khách khẽ cúi đầu rồi mới nói:
- Hoàng thân ngồi trong máy bay lúc máy bay bị nạn rơi xuống một ngọn núi.
Bà Sutcliffe rùng mình, kêu lên:
- Tại sao người ta không báo tin cho tôi biết bằng vô tuyến lúc tôi đang ngồi trên tàu biển?
- Lúc bấy giờ chưa có tin tức đích xác. Mới chỉ biết máy bay mất tích và người ta vẫn còn hy vọng. Sau này người ta mới tìm thấy xác máy bay. Dù sao cũng có một điều giảm bớt cho bà nỗi đau lòng là ông em bà đã không phải chịu đau đớn nhiều trước khi từ giã cõi đời.
- Cái kết thúc bi thảm đó không hề làm tôi ngạc nhiên - bà Joan ngắt lời.
Giọng bà run run, nhưng bà vẫn trán tĩnh được.
Khách thầm nghĩ "một phụ nữ sắt đá!"
Bây giờ bà đã lại nói được.
- Tôi biết trước là Bob sẽ phải chết trẻ. Nó không biết sợ là gì, luôn làm những trò mạo hiểm. Ít ra thì tôi cũng được nghe người ta nói như vậy, bởi mấy năm vừa rồi tôi rất ít được gặp nó.
Một giọt nước mắt rơi xuống ngực áo bà. Joan Sutcliffe ngẩng đầu lên.
- Tôi quá xúc động, ông thứ lỗi. Ít ra thì tôi biết rõ em tôi, chắc chắn nó không thể không giúp đỡ Hoàng thân. Nếu nó không làm thế, tôi còn đau lòng hơn. Và tôi tin rằng tai nạn kia không phải do lỗi của em tôi.
- Đúng thế, thưa bà. Cuộc chạy trốn tiềm chứa rất nhiều hiểm nguy, nhưng ông em bà đã không hề ngần ngại.
- Tôi hiểu. Cảm ơn ông đã đến cho tôi biết.
Không khí im lặng một lúc, rồi O'connor đưa ra câu hỏi:
- Xin bà cho phép tôi hỏi một câu. Ông em bà có nhờ bà chuyển hộ một thứ gì đó về nước Anh không?
- Không. Tại sao ông lại nghĩ là em tôi giao cho tôi thứ gì đó?
- Chúng tôi phỏng đoán như vậy vì trước giờ nổ ra cuộc đảo chính kia, ông em bà có ghé vào phòng khách sạn của bà.
- Có tôi biết. Cậu em tôi thậm chí còn để lại một lá thư, nhưng nội dung chẳng có gì quan trọng: cậu ấy mời tôi đến câu lạc bộ chơi gôn. Lá thư cho thấy đến lúc đó em tôi vẫn chưa biết là sẽ lái máy bay cho ông Hoàng thân chạy trốn khỏi Ramat.
- Tất cả chỉ có thế?
- Lá thư ấy ạ? Vâng, chỉ có thế.
- Bà còn giữ lá thư đó không ?
- Tôi giữ làm gì? Nội dung chẳng có gì quan trọng cho nên tôi xé rồi.
- Tất nhiên là như thế. Tuy nhiên tôi cũng xin hỏi là...
- Là sao? Là ngoài lá thư ra còn có gì nữa phải không? Nói cho cùng thì còn có những điều viết ra bằng thứ mực vô hình.
- Vô hình?... Hẳn bà định nói đến thứ hoá chất thường được nói đến trong các truyện tình báo?
Có vẻ bà Joan Sutcliffe không hưởng ứng câu nói đùa của khách mà bà cho là nhạt nhẽo. Bà thầm nghĩ "Vô duyên!".
- Tôi e rằng ông Bob Rawlinson có dùng thứ hoá chất đó thật - O'Connor nói dường như để thanh minh.
- Dớ dẩn! Tôi tin chắc Bob không bao giờ sử dụng cách đó. Tính em tôi quá ngay thẳng thì có...
Lại một giọt nước mắt nữa lăn trên gò má bà Sutcliffe.
- Ôi, cái xắc tay của tôi đâu rồi nhỉ? Tôi cần lấy khăn tay. Chắc tôi để quên trong phòng tắm...
- Để tôi Sang lấy cho bà.
Chưa nói hết câu, khách đã bước qua cửa vào buồng tắm và bỗng ông ta đứng sững lại: một người đàn ông mặc đồng phục xanh công nhân đang cắm cúi lục một chiếc va li bỗng bật nhổm dạy.
- Tôi là thợ điện - anh ta vội nói - Một chỗ dây cần chữa gấp.
O'Connor ấn vào nút điện. Đèn buồng tắm bật sáng.
- Đèn vẫn sáng tốt, có làm sao đâu? - O'Connor lộ vẻ ngạc nhiên.
- Tại tôi vừa chữa xong mà lại - người thợ điện vừa đáp vừa vội vã thu dụng cụ bỏ vào hòm đồ nghề, bước nhanh ra ngoài.
Sau khi lấy chiếc xắc tay, O'Connor bước đến máy điện thoại.
- Phòng 110 đây. Khách sạn có cử thợ điện lên đây sửa chữa gì không?.. Vâng, tôi đợi... Không à? Không cử ai lên à? Không, không có hỏng hóc gì hết.
Bà Sutcliffe lộ vẻ lo lắng:
- Kẻ trộm à?
- Chắc thế!
Bà hoảng hốt mở xắc kiểm tra lại, rồi thở phào nhẹ nhõm:
- May chưa mất gì. Tiền còn nguyên.
Tuy nhiên, O'Connor lại có vẻ lo lắng.
- Đúng là bà tin chắc rằng ngoài lá thư ra, ông em bà không để lại cho bà thứ gì nữa chứ?
- Chắc chắn là như thế.
- Rất có thể ông Rawlinson nhét thứ gì đó vào giữa các đồ đạc mà bà không biết... Thí dụ một gói nhỏ nào đó chẳng hạn?
- Vô lý! Mà để làm gì kia chứ?
- Có khả năng là hoàng thân Ali Yusuf nhờ ông em bà giữ một vật quý nào đó, nhưng ông em bà lại cho rằng cất thứ đó trong hành lý của bà an toàn hơn là ông ta mang theo trong mình.
- Ôi! Nếu như thế thì tôi không biết thật.
- Hay bà cho phép tôi giúp bà thử lục các hành lý của bà xem sao, được không ạ?
Bà Joan Sutcliffe hoảng hốt:
- Lục tung tất cả lên hay sao?
- Tôi biết việc này làm phiền bà, nhưng kết quả lại có tầm quan trọng hết sức lớn. Và xin bà đừng ngại, tôi sẽ xếp mọi thứ lại y như cũ, mẹ tôi bảo tôi là đứa ngăn nắp không ai bằng.
Câu nói khéo của ông ta đã có tác dụng. Bà Joan Sutcliffe chịu để O'Connor làm:
- Nếu việc quan trọng đến thế thì tôi đành để ông làm vậy - bà nói rất khẽ.
O'Connor không chần chừ gì nữa. Ông ta cười nói:
- Vậy ta làm luôn.
Chương 9
Bốn mươi lăm phút sau, cô bé Jennifer đi ăn sáng về. Vừa mới vào phòng, thấy quang cảnh như vậy cô sửng sốt:
- Mẹ làm gì thế kia?
- Mở hành lý! Con không nhìn thấy à? Bây giờ mẹ xếp lại như cũ. Ôi, tôi quên. Ông O'Connor, đây là con gái tôi, Jennifer.
- Nhưng mẹ mở tất cả ra làm gì?
- Hình như cậu Bob có nhét thứ gì đó vào trong các hành lý của mẹ con mình. Mà mẹ quên chưa hỏi, cậu có đưa con cái gì không đấy?
- Đưa con ấy ạ? Tại sao cậu lại đưa con? Nhưng mẹ mở cả va li riêng của con đấy ạ?
- Mớ tất - O'Connor vui vẻ đáp - Nhưng bây giờ thì xong rồi, tôi không thấy có thứ gì cả. Tôi sẽ xếp lại ngăn nắp cho cô bé. À, bà Sutcliffe ạ, tôi nghĩ bà nên dùng một chút gì đó. Để tôi gọi khách sạn mang thứ gì lên phòng nhé? Trà hoặc rượu Brandy pha Sôđa nào?
O'Connor bước về phía máy điện thoại.
- Nếu vậy, tôi xin một tách trà - bà Sutcliffe nói.
Gọi lấy trà xong, O'Connor xếp các thứ vào vào khéo léo đến mức làm bà chị của phi công Bob Rawlinson phải khâm phục.
- Bà mẹ ông nhận xét đúng đấy - bà nói.
- Mẹ tôi rất chú ý đến tính trật tự ngăn nắp của tôi.
Thật ra bà mẹ của O'Connor đã mất từ rất nhiều năm rồi, và tác phong ngăn nắp trật tự của ông ta hoàn toàn chỉ là học được trong thời gian làm việc cho Đại rá Pikeaway.
Làm xong công việc, O'Connor ho một tiếng trước khi nói tiếp với bà Joan Sutcliffe:
- Có một điều tôi mong bà lưu ý: bà nên hết sức thận trọng, cảnh giác trong việc đi lại.
- Ông nói thận trọng cảnh giác, cụ thể là thế nào?
O'Connor không muốn nói cụ thể.
- Những cuộc đảo chính thường hay làm nảy sinh nhiều rắc rối hết sức phưc tạp, không phải chỉ trong nước mà cả ở nước. Bà định ở lại London một thời gian chứ?
- Không. Mai chúng tôi vê quê ở tỉnh. Nhà tôi sẽ đưa chúng tôi đi.
- Rất tốt! Nhưng xin bà đừng có hành động nào thiếu cân nhắc nhé. Nếu bà thấy có hiện tượng gì lạ, xin bà đừng ngần ngại gọi điện ngay đến số máy 999.
- Ôi, số máy của ông là ba con chín! - Jennifer reo lên thích thú - Cháu rấT thích quay máy những con số kiểu ấy.
- Đừng ngốc nghếch thế! - Bà mẹ ngắt lời con gái.
Chương 10
Trích một bài đăng trên báo địa phương:
"Hôm qua, một người tên là Andrew Ball bị đưa ra toà về tội đột nhập vào nhà ông bà Sutclifffe định ăn trộm. Nói thêm, căn phòng của bà Sutcliffe đã bị tên gian lục lọi tung toé, trong lúc cả gia đình ra lễ nhà thờ ngày Chủ nhật. Các đầy tớ trong nhà mải nấu ăn dưới bếp không ai nghe thấy gì. Bỗng không biết tại sao, tên gian đột nhiên hốt hoảng, vội vã bỏ chạy. Có lẽ y nghe thấy tiếng động nào đó làm y hoảng hốt, vì khi bỏ chạy, y chưa kịp lấy đi thứ gì. Khi bị thẩm vấn, Andrew khai y thất nghiệp. Xin nói thêm rằng, đồ nữ trang của bà Sutcliffe đều đã được gửi ở nhà băng ."
- Tôi đã nói rồi, cửa sổ phòng khách cần phải gia cố thêm - ông Henri Sutcliffe nói với vợ.
Bà Joan Sutcliffe vừa cau mày lại thì cô con gái Jennifer chen vào:
- Con không hiểu tại sao cảnh sát lại đoán được là có kẻ gian đột nhập nhà mình và đến đúng lúc để bắt nó?
- Mẹ thì lấy làm lạ là nó không lấy đi thứ gì.
- Mình tin chắc nó không lấy mất thứ gì chứ?
- Căn phòng bị lục soát tung toé, các ngăn kéo đều bị cầy xới cho nên em phải mất rất nhiều thời gian kiểm tra mới dám tin chắc là không mất mát thứ gì. Có mỗi một thứ em chưa thấy là chiếc khăn choàng đỏ.
- Ôi, lỗi tại con đấy. Hôm đi trên tàu biển, con lấy ra choàng rồi bị gió cuốn xuống biển mất - Jennifer thú nhận.
Bà mẹ đã định nói một câu cáu kỉnh nhưng Jennifer đã kịp phản công trước:
- Con không vào học cái trường nội trú Meadowbank ấy đâu. Một đứa bạn con học nội trú ở đó kêu lắm. Người ta dạy toàn những thứ dớ dẩn: cách bước vào xe Rolls-Royce, rồi cách bước ra, phép tắc cư xử khi được mời đến dự tiệc ở Cung điện Hoàng gia Buckingham, toàn những nghi lễ chẳng bao giờ dùng đến.
Bà mẹ ngắt lời con gái :
- Thôi đi! Con không biết xin được vào trường đó khó khăn lắm sao? Không phải bạ ai cũng vào được đâu. Trường đó nhận con là vì vị trí xã hội của ba và có thêm thư giới thiệu của cô Rosamonde. Phải có những điều kiện như thế, bà hiệu trưởng Bulstrode mới chịu xét đấy. Vả lại sau này biết đâu có lúc con được Nữ hoàng mời đến dự tiệc ở Cung điện Buckingham thì sao? Khi đó con phải biết nghi lễ, phép tắc mà xử sự chứ!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top