Lonely?
Mình không nhớ là mình bắt đầu ám ảnh về sự biến mất của ai đó từ bao giờ. Có lẽ lần đầu tiên mình biết sợ cái chết là năm lớp 1. Lần đầu tiên mình hiểu được thế nào là sức nặng của sự ly biệt. Thế nào là cô đơn, thế nào là tủi là buồn. Bởi vì lúc đấy bố mình mất rồi. Để mà nói thì một đứa trẻ 6 tuổi không thể hoàn toàn hiểu được hết nỗi đau của chuyện nhà có tang, nhưng từ khi bố ra đi, ngôi nhà mình ở đã thay đổi một cách chóng mặt. Không khó để nhận ra rằng sự ấm áp hàng ngày giờ đây đã hoá thành bầu không khí lạnh lẽo bên trên bàn thờ u uất. Giống như nốt trầm nhất của cây đàn piano đang bao trùm lấy mọi thứ trong nhà mình và tô lên sự hiện diện của bố một màu sương xám kinh hoàng. Bố đang trở nên nhạt nhòa, còn mình đang cố gắng bấu víu từng chút sự tồn tại của bố trong ngôi nhà đã từng đầy ắp tiếng cười của bố mẹ và mình mỗi khi gia đình nhỏ nô đùa cùng nhau. Mình thấy rùng rợn, thấy mất mát, thấy có gì đó dần trượt khỏi tầm tay, và những lúc như vậy mình chỉ biết nhìn lên di ảnh bố và thầm nhủ rằng bố chỉ đang đi chữa bệnh thôi, năm mình 24 tuổi bố sẽ về mà. Như mẹ đã bảo ấy. Và như cái cách những người đến ghé thăm đều nhìn mình một cách ái ngại nhưng vẫn nói với mình rằng bố sẽ trở về.
Trẻ con không biết nói dối, nhưng mình phải biết nói dối. Mình giả vờ tin đó là sự thật, bằng không trái tim của mẹ sẽ tan nát.
Mình muốn nói là mình nhớ bố rất nhiều, không phải là kiểu khóc lóc lăn lộn ngày đêm hay gì. Mình nhớ bố những khi mình muốn ăn bánh bao bố mua, muốn được đèo đi chơi trên sân tượng đài lý thái tổ và muốn được lần nữa làm con của bố. Thực sự lúc đấy mình sợ không được làm con của bố nữa. Lúc đấy mình sợ bố mất rồi thì mình sẽ không có bố và mãi mãi không còn được làm con gái của bố. Còn những lúc không nghĩ đến bố thì mình không quá buồn, chỉ thấy trống trải. Nghe tức cười thật, nhưng mình đã oà khóc nức nở chỉ vì những cái bánh bao sau này dù có mua hàng trăm cái cũng không bao giờ giống những cái bố từng mua, dù mình có đi ngủ một trăm lần thì mở mắt ra cũng không có bố xuất hiện, dù mình có muốn năn nỉ mọi người giữ lại những món đồ cũ của bố thì bố cũng không thể dùng chúng như ngày xưa nữa. Cái giường xếp của bố đã bị mọi người cất đi đâu mất, mình không tìm thấy và mình sợ điên lên dù chẳng rõ tại sao lại sợ. Những điều nhỏ nhặt như thế đã làm mình khóc như thể một phần bên trong mình đang bị bào mòn. Và cả mẹ nữa.
Mẹ khổ lắm, sau khi bố mất một thời gian ngắn thì mẹ còn phải ở viện ban đêm chăm sóc ông ngoại ốm. Cả ngày đi học nên mình sẽ không được gặp mẹ, nhưng ở trường ban ngày bận học nhiều cái nên sẽ đỡ cảm thấy buồn. Chiều bà nội đón mình về nhà, và đêm mình ngủ mà không có mẹ bên cạnh. Mình ăn cơm mà không được gặp mẹ, đi ngủ mà không có mẹ làm mình cô đơn kinh khủng. Mình không quen. Cực kì không quen. Mình nhớ mẹ lắm, đến mức đêm đi ngủ mình toàn cố tưởng tượng rằng bà là mẹ và sáng hôm sau khi nhận ra mẹ không ở đây và bà không phải mẹ thì mình lại thấy trống rỗng và thật sự thất vọng, buồn muốn khóc luôn.
Hồi đấy gia đình nhà cô mình có em bé nên lên nhà mình ở nhờ, ngày nào mình cũng ăn cơm cùng gia đình cô, bà nội và cả em bé nữa. Mẹ mình không có nhà nên những bữa cơm ấy nhìn gia đình cô mình thấy sống mũi cứ cay cay khó chịu. Mình ghét ăn cơm chung mâm lắm, vì mình như người thừa nhỏ bé vậy. Căn gác xép từng tràn ngập tiếng cười của bố mẹ và mình giờ đã được vun vén bằng hơi ấm của một gia đình khác có đầy đủ 3 người. Mình hay nhìn xuống bát cơm được xới và tự hỏi tại sao mình vẫn đang ngồi ở đây? Tại sao mình lại cảm thấy lạc lối ngay trong chính ngôi nhà của mình? Một đứa trẻ ương ngạnh từng được cưng chiều như mình bỗng cảm thấy lạ lẫm. Mình nhận ra 6 tuổi chắc là thời điểm mình phải trưởng thành hơn và ngừng nhõng nhẽo hay đòi hỏi sự quan tâm từ những người lớn hơn rồi. Em bé mới sinh nên cả nhà chỉ tập trung vào em. Mình thấy vẫn có gì đó hơi tiêu điều, như khi nhìn xuống cánh cửa gỗ, trái tim mình nhuộm đầy màu vàng úa của những tờ giấy cũ kĩ. Có cái gì đó cũ kĩ thiếu thiếu đang mục nát trong mình. Chắc là sự cô đơn. Hồi ấy cũng chỉ có điện thoại bàn, mình chưa có điện thoại riêng vì mới lớp 1. Cứ mỗi tối mình lại gọi điện cho mẹ nhưng không dám nói nhiều, nhà mình có nhiều người và mình sợ nếu nói nhiều thì mình sẽ khóc nhè, cảm giác rất xấu hổ. Mình sợ bị nhìn thấy. Thỉnh thoảng ở trường mình sẽ chui vào nhà vệ sinh và khóc một chút vì nhớ mẹ. Cảm giác lúc đấy u ám như thể bao quanh mình là một đám mây xám xịt. Vừa hồi hộp sợ bị người khác phát hiện, vừa tủi thân và xấu hổ. Mình không có bạn để chơi ở lớp, cho đến tận khi có điện thoại riêng mình vẫn phải vào nhà vệ sinh mỗi giờ ra chơi, vừa khóc vừa gọi điện nói chuyện với mẹ mà không để mẹ biết. Mình không có bạn, mình chỉ có thể đứng nhìn các bạn chơi cùng nhau từ xa qua khung cửa sổ màu xanh lá cây, sau đó mình sẽ chơi rắn để giết thời gian hoặc vẽ. Hoặc mình sẽ gọi mẹ. Mình thút thít trong nhà vệ sinh mà sợ người ta biết, mỗi khi trống mình luôn cố ăn gian một vài phút vào lớp muộn để nói chuyện với mẹ. Còn khi về nhà, mình chỉ có em bé. Cả nhà đều quan tâm em bé nên ngoài em bé ra mình không còn chỗ dựa nào khác. Mình hay trốn dưới gầm cầu thang nhìn cô chú mình nô đùa cưng nựng với em bé, xong lúc bà nội lên mình sẽ giả vờ như vừa mới từ cầu thang đang đi lên. Mình sẽ cùng bà nội lên trên, cười hì hì như không có gì xảy ra, chơi một lúc rồi đi xuống. Mình lại ngồi thẫn thờ và nhớ đến mẹ, như những lúc rảnh rỗi trong lớp. Trần nhà và tường ở lớp đều mang đến cảm giác thật lạnh và trống hoác khiến mình thấy cô quạnh nhiều hơn. Mình sẽ đi ngủ, rồi hôm sau ngủ dậy sẽ không thấy bà đâu nữa. Bà đi tập thể dục, và cả căn phòng đen thui chỉ có mình mình. Mình sợ ma, thậm chí có hôm còn tè dầm vì không dám ra khỏi phòng. Ngoài sợ ma mình còn hoảng loạn và cố gắng nhắm mắt cầu nguyện mong trời sáng nhanh lên để bà về sớm. Nhưng buồn nhất có lẽ là lúc đi học, phải bắt đầu một ngày mới bằng việc cô đơn ở trường, thấy các bạn ở cổng trường được bố mẹ mua đồ ăn cho, tiễn vào lớp học làm mình tủi thân kinh khủng. Nghĩ đến cả ngày chỉ học, ăn bán trú, ngủ cạnh mấy đứa con gái chẳng thân quen rồi chiều lại dậy học luôn khiến mình căng thẳng. Mình hồi bé dễ bị lạ nhà, lạ chỗ ăn chỗ ngủ. Tất cả những gì mình nhớ là cảm giác bài xích và sợ hãi râm ran trong cuống họng. Chỉ muốn nôn.
Mình cũng muốn có điểm chung với mọi người trong gia đình khi ấy, muốn có kết nối với cả nhà, cả nhà lúc đấy chỉ có em bé nên mình đã chọn em làm cầu nối. Rồi dần dà em bé đã trở nên quan trọng với mình. Giờ em lớn rồi mình vẫn chơi thân với em. Lúc ấy, mình yêu em đến nỗi điện thoại mình toàn để ảnh em làm nền chứ không phải mẹ, mình sợ nhìn mẹ, nhưng mỗi đêm đi ngủ mình đều mặc quần áo của mẹ cho, nằm trong phòng mẹ với mình hay ngủ và khóc. Chỉ có vậy mới khiến mình có cảm giác an toàn và mẹ vẫn đang ở bên cạnh mình. Mình dành tình yêu cho em bé nhiều, mình mua cả bóng cho em chơi, em biết nói cũng do mình dạy. Mình thương yêu em kinh khủng. Em là những kí ức tràn đầy sự dịu dàng và ấm cúng nhất của mình trong quãng thời gian tăm tối ấy. Nhưng năm mình lên lớp 3 em phải về quê sống. Mình nhớ em da diết.
Thỉnh thoảng có những hôm mẹ đón được mình, mình ở lại sân trường lác đác người đợi mẹ thật lâu khi trời chuyển sang màu xám. Mẹ đến, mình vui gần như muốn reo lên. Cảm giác nặng nề như mây đen đè trên lồng ngực đã nhẹ nhõm tan biến. Nhưng sau đấy mình muốn tuyệt vọng khi đón mình xong mẹ sẽ phải đi tiếp. Mình đành dốc hết tình yêu cho em bé, mỗi khi buồn mình sẽ xem ảnh em. Trong lớp muốn khóc mình sẽ nghĩ đến em để xao nhãng. Em cứ lớn lên cùng tình yêu thương của mình, nhưng cái gì cũng phải thay đổi. Và cuối cùng thì em bé của mình lại phải xa mình mất rồi. Lâu lắm ở tương lai, mình mừng vì sau tất cả em vẫn không quên mình là ai. Mình chỉ biết là quãng thời gian đấy, thỉnh thoảng mình hay buồn, hoặc mình đã quên mất.
Về sau mẹ cũng hết bận, có lẽ đấy là khoảng thời gian ngắn yên ả trong đời mình. Hình như vẫn còn gì đó sóng gió nhưng trí nhớ của mình đã lọc sạch. Mình không nhớ sau đấy có gì xảy ra cho đến khi bà nội mình mất. Ừ, người bà đã trở thành 10 năm tuổi thơ của mình mất rồi. Hồi bé mình đi đâu cũng có bà đi theo, bà cắp mình đi khắp nơi và ai cũng biết mình là cháu bà. Mình giống bà lắm, trừ đôi môi di truyền từ mẹ ra. Cả quãng thời gian dài mình ngủ cạnh bà, ăn cạnh bà, đi chơi với bà, sau tất cả cuối cùng cũng lại kết thúc bằng hai chữ chia ly.
Mình vẫn nhớ ngày đầu bà biết bà bệnh, mình vào viện thăm bà. Đứng trước mặt bà, tim mình như muốn thắt lại khi thấy bà ngồi trên giường bệnh xanh xao. Trong lòng mình, bà luôn bất tử. Hồi ấy mình ngốc lắm, mình thấy bà hay đọc kinh và theo Phật thì nghĩ là có bà ở bên ma quỷ chẳng còn đáng sợ. Thấy bà đi tập thái cực quyền thì nghĩ bà là người rất mạnh, có bà bảo vệ mình chẳng phải sợ cái gì. Rồi mình nghĩ là bà bất tử, bà sẽ mãi ở cạnh mình, mình sẽ mãi là đứa cháu nhỏ của bà. Nhưng không, dăm ba hy vọng hão huyền chỉ là trò chơi với luật đời. Sinh, lão, bệnh, tử, ấy là quy luật tất yếu. Và khi bà nói với mình:
"Bà thương *** lắm..."
Bà khóc. Lần đầu tiên mình thấy người toàn năng nhất cuộc đời mình khóc. Mình cảm giác không an toàn. Khi ở cạnh bà, lúc nào mình cũng như có người bảo vệ, cái gì cũng không sợ. Nhưng giờ mình sợ lắm. Mình sợ mất bà lắm. Mình cảm thấy có lẽ mình sắp mất đi một người thân nữa. Người mà mình yêu thương và gắn bó nhất, còn hơn cả bố mẹ mình...
Lúc bà mất, các bác bảo phải yên lặng để bà được ra đi thanh thản. Nhưng mình còn quá bé, dở tệ trong việc kiềm chế cảm xúc. Mình gào cái mồm lên khóc thật to, mặc cho các bác ngăn cản. Mình rụt rè phản đối chuyện miếng bông để trong miệng bà không nhúc nhích, tìm cách câu giờ để mong có phép màu xảy ra. Nhưng không có phép màu nào cả, chỉ có thời gian bào mòn con người, làm mình lớn lên và quen với nỗi đau đớn khi mất đi người thân này thêm lần nữa mà thôi.
Sau này, thím mình có nói rằng bả không bao giờ quên được hình ảnh mình bé tí ti ôm di ảnh bố đứng trong nhà tang lễ. Chừng ấy năm sau, hình ảnh ấy lặp lại khi mình ôm di ảnh bà nội chậm rãi đi từng bước theo đoàn xe tang. Bên tai thỉnh thoảng nghe hàng xóm bàng hoàng:
"Ô kìa, bà **** chết rồi à?"
"Kia có phải con bé con mà bà nó ngày xưa hay dẫn theo xem tập quạt ở trường ** ***** không?"
"Ngày xưa bà nó suốt ngày dẫn theo nó mà."
"..."
Con bé con hay lon ton chạy theo bà giờ đây lẳng lặng ôm di ảnh bà nó lên xe để tới nghĩa trang Văn Điển. Hoặc là nhà tang lễ. Lâu lắm rồi, chẳng nhớ nổi nữa. Mình cực kì sợ tiếng nhạc lúc một phút mặc niệm vang lên ở nơi đưa linh cữu người thân vào lò hoả thiêu. Những cái ôm, những cái vỗ về, mọi hồi ức về cả bố lẫn bà mình đều sẽ tan theo làn khói trên đài hoả thiêu và trở thành những hũ tro cốt bé xíu lặng yên. Bé hơn những con người từng bồng bế bảo bọc mình nhiều lắm. Cái chết thật là khủng khiếp. Khủng khiếp đến nỗi về sau bạn thân còn phải bảo vệ mình tránh xa khỏi bất cứ tin tức nào liên quan đến cái chết. Vì nó biết mình sẽ run sợ đến phát điên. Nó để mình chạy trốn khỏi bóng đen thủa nhỏ như thế ấy.
10 năm tuổi thơ của mình từ cái ngày thê lương ấy vĩnh viễn trở thành quá khứ. Mình khóc nhiều vì nhớ bà ra sao, mình đếm không xuể. Mình giãy đành đạch khi các bác mang đồ của bà đi mất. Bà nội ơi, kỉ vật của bà và bà không còn ở nhà nữa. Cháu đã mãi mãi mất bà, mất luôn cả chút ngây thơ cuối cùng. Bởi sau đấy có quá nhiều chuyện xảy ra. Mình thay đổi, mọi thứ thay đổi. Mình không thể cứ vậy hồn nhiên nghĩ về bà như trước nữa. Người lớn có nhiều góc khuất bí mật, nhưng mình buộc phải biết và học cách trưởng thành. Học cách đánh mất lòng tin, học nhiều thứ. Mình không biết nữa, mình không dám đối mặt với bà khi đã biết những chuyện như vậy. Nhưng có lẽ nếu bà xuất hiện, đến và gặp mình, mọi oán hận có lẽ cũng sẽ chẳng thắng nổi tình thân, thiếu nữ 18 cũng chỉ là đứa cháu 10 tuổi đã được bà chăm bẵm từ bé. Mình đã khóc thật to vì nhớ bà nhiều lắm. Mình phải thừa nhận, trong thâm tâm mình vẫn luôn yêu bà nhiều thật là nhiều.
Sau đó, mình chuyển sang ở với bà ngoại vì công việc của mẹ rất bận rộn. Vẫn như xưa, nhưng vai trò của bà nội đã thay thế bằng bà ngoại và gia đình cô mình đã thay thế bằng gia đình cậu. Lúc này có điện thoại mới rồi, đêm nào mình cũng nhắn tin thật nhiều với mẹ qua app Viber. Nhưng những con chữ không bao giờ có thể lấp đầy được nỗi nhớ. Mình tủi thân thật nhiều khi thấy em họ mình được ở bên bố mẹ, và cảm giác căng thẳng mỗi sáng đi học bắt đầu ập lên đầu mình. Lần nào ngồi sau yên xe cậu là mình cũng chỉ muốn bật khóc vì trái tim quá nặng nề. Mỗi sáng mình đều cố gọi cho mẹ, mỗi tối đều cố nhắn tin chúc ngủ ngon thật lâu để câu giờ. Và mình tiếp tục tưởng tượng bà ngoại là mẹ rồi lặng lẽ khóc ướt cả gối cho đến sáng.
Thực ra thời gian này cuộc sống của mình cũng không được ổn. Người giúp việc cho nhà cậu mình hồi ấy rất xấu tính. Bà ta bắt nạt mình lẫn bà mình, thậm chí còn khiến mình bẽ mặt trước cả đám giúp việc nhà hàng xóm. Rất nhiều lần như vậy làm mình uất hận đến muốn điên, bà ta hống hách đến nỗi ngay cả bữa ăn cũng khó chịu. Đến nỗi, có một lần mẹ mình chứng kiến cũng phải phát cáu lên và nạt bà ta. Nhưng mẹ không biết và không bao giờ nên biết rằng những bữa ăn và những câu chuyện như thế mình đã phải trải qua rất rất nhiều lần. Và mình chẳng có ai để tâm sự, kể cả nhóm bạn mới ở trường cũng không thể. Thằng em mình hồi đấy cũng đáng ghét, nó xấc xược với nghịch kinh khủng. Mình hay bị mụ giúp việc bắt phải trông em và cho em mượn điện thoại hoặc laptop để xem phim ô tô đồ chơi mỗi buổi trưa, hoặc nếu không thì phải ra trông em bé gái cho mụ ta. Bằng không, mụ ta sẽ cạnh khoé mình cả ngày một cách cay nghiệt. Tệ hơn là chửi rủa như bị ăn cướp sổ gạo. Về sau mụ ta vẫn giữ cái tính hách dịch đấy, đến mức bị lũ em mình lúc lớn lên bật cho biết bao nhiêu lần. Em mình lớn lên đều hiểu chuyện hơn, tụi nó cũng rất quan trọng với mình. Mình thương em đến mức suốt chừng ấy năm đều nơm nớp lo sợ các em sẽ gặp vấn đề tâm lý vì con mụ mọi rợ ấy, nhưng thật may là không sao cả. Nếu bây giờ gặp lại, có lẽ với tính cách hiện tại, mình sẽ bóp cổ mụ ta. Thật sự đấy. Đúng là đáng hận.
Những năm sau này mẹ mình vẫn bận rộn nhiều, nhưng mình đã bắt nhịp được với cuộc sống ấy. Lên trường một mình, về nhà một mình, ăn học một mình, thậm chí là giao thừa cũng đón một mình mà chẳng có chút gợn sóng trong lòng. Có đợt mình khủng hoảng đến mức gầy sọp đi, có đợt thì béo lên. 4 năm bầu bạn với chiếc điện thoại ở lớp, còn bị cấm chơi thì mình chọn ngủ để đỡ phải giao tiếp với những người xung quanh. Nỗi buồn của mình đã mài mòn mình đến mức cô đơn hiện tại cũng chỉ là nước lọc trong cuộc sống, nếu có nếm vào thì cũng chẳng sao. Không bạn bè, cứ thế độc hành cho đến khi có người đến và kéo mình ra khỏi vùng an toàn và đặt chân lên thế giới bên ngoài.
Đến lúc đó, mình mới biết trái tim của bản thân có nhiều thương tích như thế nào. Bởi vì để một người không hiểu cảm giác được yêu thương thực sự là gì phát hiện và trải qua nó chính là cách để bóc trần lớp phòng vệ tâm lý của họ bấy lâu nay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top