Crackpot Theory - Giả thuyết điên khùng về The Reichenbach Fall

LỜI LÝ GIẢI CHO IOU – 53-8-92 – MẬT MÃ TRUYỆN CỔ GRIMM

"Chúng ta biết rằng Moriarty đã để lại cuốn sách Truyện cổ Grimm như một manh mối để Sherlock tìm được bọn trẻ bị bắt cóc. Nhưng giả sử hắn để lại cuốn sách này cũng như một manh mối cho câu đố “IOU” thì sao?"

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Source: http://eva-christine.tumblr.com

Dịch: Apple Head 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Rõ ràng Sherlock không hề tin dù chỉ trong một giây vào một mã nhị phân – cái “mã số” mà anh nhịp tay ở Bart’s hoàn toàn khác hẳn so với chuỗi mà Moriaty nhịp theo bản “Partita số 1”.

Và rồi, cảnh ở phòng thí nghiệm ở Bart’s là một thời khắc quan trọng cho sự nhận thức của Sherlock. Cái mà anh hiểu ra không phải làm thế nào để “tiêu diệt Richard Brook và đem Moriarty trở lại”, mà hơn thế là việc làm thế nào để diễn một “Sherlock tầm thường” trước kẻ thù của mình. Anh lập tức nhắn Moriaty and giả vờ tin vào sự tồn tại của mật mã, giành được thế thượng phong trong trò chơi của họ.

Tới giờ phút này, Moriarty đã quá chắc chắn vào trí tuệ siêu việt của hắn tới nỗi hắn không có ý kiến gì với việc Sherlock chọn thời gian và địa điểm cho cuộc gặp của họ. Đến khi nào Moriarty còn nghĩ rằng Sherlock chỉ là một tên ngốc tầm thường, người tin vào trò hề “một chìa khóa có thể mở bất cứ cánh cửa nào”, hắn sẽ không nghi ngờ tới một cái bẫy. Và đó là nóc nhà của Bart’s – không chỉ là một nơi thuận tiện cho Sherlock giả cái chết của mình, mà còn là một cái bẫy cho Moriarty. Bởi vì, như bạn thấy, Moriaty chỉ đơn giản là không thể được cho phép để tiếp tục sống.

Sherlock không thể trình diễn màn tự tử của mình với Moriarty vẫn còn đứng ngay cạnh anh trên nóc tòa nhà được. Moriarty có thể để ý thấy chiếc xe tải chở rác. Hắn có thể thấy một tấm đệm, hay mấy cái túi giặt, hay một cái thùng rác, hay một tấm lưới an toàn, hay một con vịt cao su khổng lồ nào đó – bất cứ thứ quái quỷ gì mà Sherlock dùng để hạ cánh xuống. Moriarty không ngu; hắn sẽ đoán ra. Hắn thậm chí có thể muốn kiểm chứng xác của Sherlock trong nhà xác để chắc chắn rằng anh đã chết. Giết Moriarty thì không được, bởi Sherlock biết cuộc chạm trán trên nóc tòa nhà của họ rất có thể đang bị quan sát bởi tay chân của Moriarty (kẻ sẽ trả đũa lại ngay nếu Sherlock bắn Moriarty). Tôi nghĩ nó khá rõ ràng rằng Sherlock đã suy luận ra không chỉ việc Moriaty muốn anh chết, mà còn rằng Moriarty sẽ tự sát ngay tại đó trên mái nhà nếu được trao cho đủ động cơ thúc đẩy.

Làm cách nào mà anh có thể suy luận được thế? Dễ đoán được rằng Moriarty muốn Sherlock phải chết và danh tiếng của anh bị hủy hoại; hắn đã hứa là sẽ đốt cháy trái tim anh và “đằng nào cũng thế, vào một ngày nào đó” sẽ giết anh. Moriarty còn đi một bước rất xa để gieo rắc tai tiếng cho Sherlock thông qua các phương tiện truyền thông, vậy nên hoàn toàn có lý khi kết luận rằng hắn sẽ không cho ám sát vị thám tử - bởi người chết sẽ được lắng nghe. Tự tử, mặt khác, sẽ làm mất hết uy tín từng lời mà Sherlock từng nói ra, hủy hoại toàn bộ di sản của anh. Tôi không hề nghi ngờ việc Sherlock có thể suy luận ra tất cả những điều đó rồi. Nhưng làm cách nào Sherlock biết một cách hoàn toàn chắc chắn rằng Moriarty sẽ tự sát? Không thể chỉ là một kiểu đoán hên xui được; có quá nhiều điều đang bị lâm nguy ở đây. Sherlock đã dựa hoàn toàn vào kế hoạch “chết giả” của anh với giả thuyết Moriarty sẽ không có mặt ở đó để lật tẩy mánh lới của mình. 

Có điều gì đó thiếu sót ở đây. Khi Sherlock nói rằng anh có thể “tiêu diệt Rich Brook và đem Jim Moriarty trở lại” bằng cách dùng mã nhị phân đó, Moriarty đã trở nên vô cùng, vô cùng giận dữ bởi “thế này thì dễ quá, thế này thì quá dễ!” Hắn trông rất rầu rĩ và thất vọng, hắn gọi Sherlock là “tầm thường”. Tại sao Moriarty lại dùng những từ như “quá dễ” và “tầm thường”? Tất cả những gì hắn làm là thuê người để xâm nhập vào những nơi đó – hoàn toàn không có bất cứ thứ gì phi thường hay thậm chí là đặc biệt khó khăn để làm chuyện đó. Sự thật là chuyện đó còn chán hơn rất nhiều lần so với chuyện có một chìa khóa để mở “bất kỳ cánh cửa nào, ở bất cứ đâu.” Vậy thì, toàn bộ cuộc nói chuyện này về việc Sherlock trở nên tầm thường là có ý gì?

Có một điều hết sức, hết sức thú vị, vô cùng phi thường trong tập “The Reichenbach Fall” – về câu đố “IOU”. Nó chưa từng được lý giải, nên chúng ta đành phải cho rằng chi tiết này chẳng có ý nghĩa gì hơn một câu nói nhàm chán, bình thường “I owe you” (Ta nợ ngươi). Nhưng chúng ta có thực sự chắc chắn rằng nó vô nghĩa? Đó là chi tiết lôi cuốn nhất trong toàn bộ tập phim, nếu không muốn nói là toàn bộ mùa phim. Nó có mặt khắp mọi nơi.

Moriaty trao cho Sherlock câu đó “IOU” – khắc trên một quả táo, sơn vẽ lên khắp các bề mặt khác có thể, và thậm chí còn nói thẳng cho anh rằng đó là một câu đó, học cách thích những câu đố đi – nhưng Sherlock nhàm chán, tầm thường không bao giờ giải được câu đố đó.

Hay ít nhất Moriarty nghĩ thế.

[To be Continue]

"Sẽ thế nào nếu IOU ám chỉ những nguyên tố hóa học – Iot, Oxy và Urani?"

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Source: http://eva-christine.tumblr.com

Dịch: Apple Head 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

[Hay ít nhất Moriarty nghĩ thế.]

Sherlock đã lẩm nhẩm “IOU” trong khi phân tích phân tử glycerol trong phòng thí nghiệm ở Bart (ngay trước khi hình ảnh cấu trúc hóa học của glycerol được chiếu). Khi được hỏi, anh khẳng định “không có gì, một ghi chú trong đầu thôi.” Không giống một Sherlock chút nào khi tự dưng khi không lại lẩm bẩm những điều ngẫu nhiên, không liên quan, nên tôi chọn cách tin rằng Sherlock hẳn đã có một khoảnh khắc “Aha!” ở đây. Sẽ thế nào nếu IOU ám chỉ những nguyên tố hóa học – Iot, Oxy và Urani?

Và sẽ ra sao nếu, như trong “The Blind Banker” (cũng được viết bởi Stephen Thompson), mỗi biểu tượng là một con số? Những số hiệu nguyên tử của Iot, Oxy và Urani lần lượt là 53, 8 và 92.

Suy đoán đầu tiên của tôi là cho rằng đây là một mật mã bí ẩn. Nhưng đây là một phim truyện truyền hình, nên 53-8-92 hẳn là một thứ gì đó thật sự, thật sự đơn giản. Trong tập “The Blind Banker”, chìa khóa để giải mã nằm trong một quyển sách – London A to Z.Trong tập này, cũng có một quyển sách khác – Truyện Cổ Grimm. Moriarty để nó lại ở hiện trường vụ án, biết chắc rằng Sherlock sẽ tìm thấy nó.

Từ những gì tôi có thể thấy trong các cảnh phim, quyển sách của Moriarty được in ở “Great Britain bởi […]pire Press, Norwich. Tôi đã tìm trong nguồn dữ liệu ở thư viện trường và tìm thấy “Jarrold and Sons, Ltd., The Empire Press, Norwich.” Tôi không thể tìm được quyển sách này ở đâu cả, nên tôi cá là nó cũng khá hiếm. May thay, chúng ta đã được chiếu cho xem bên trong quyển sách của Moriarty, nên tôi đã có thể so sánh số trang, số của những câu chuyện, hình ảnh minh họa, và cách sắp xếp văn bản trong một vài bản in khác nhau. Bản in năm 1944/1972 của Pantheon Books hóa ra lại là bản copy chính xác bản in của Moriarty:

Mỗi câu chuyện cổ trong bản in này đều được đánh số thứ tự riêng. (Làm ơn đừng để ý tới những tiêu đề bị đánh dấu. Những cái dấu đó không có ý nghĩa gì hơn sự thực là có một số người không hề tôn trọng những quyển sách của thư viện chút nào.)

Vậy nên, phải chăng IOU ám chỉ câu chuyện số 53 (số nguyên tử của Iot), câu chuyện số 8 (số nguyên tử của Oxy), và câu chuyện số 92 (số nguyên tử của Urani) của Grimm?

Nên nhớ, Moriarty là loại tội phạm để lại manh mối.

John: Loại bắt cóc nào lại để lại manh mối?

Sherlock: Loại thích khoe khoang, loại mà nghĩ tất cả đều là một trò chơi. Hắn đã ngồi trong căn hộ của chúng ta, và hắn đã nói chính xác những lời này với tôi: “Tất cả những câu chuyện cổ tích đều cần một nhân vật phản diện hay ho xưa cổ.”

Câu chuyện cổ số 53 của Grimm là Little Snow-White (Nàng Bạch Tuyết).

Hoàng hậu độc ác đã cố giết Bạch Tuyết ba lần, cũng giống như Moriarty đã cố giết Sherlock ba lần (hai lần đầu tiên là bằng viên thuốc độc và bằng thuốc nổ cài trong áo ở hồ bơi). Ở lần nỗ lực cuối cùng, cả hai nhân vật phản diện đều đem đến một quả táo cho nạn nhân đã định của mình. Hoàng hậu độc ác ra lệnh cho một người thợ săn đem trái tim của Bạch Tuyết về cho bà ta. Moriarty cũng hứa sẽ đốt cháy trái tim ra khỏi Sherlock. Để chắc rằng Sherlock sẽ được cho xem đoạn băng theo dõi an ninh, Moriarty đã viết “Get Sherlock” trên tấm kiếng và rồi khoác áo choàng, đội vương miện của Nữ Hoàng vào tạo dáng cho camera theo dõi. Sau khi được trắng án, hắn đến nhà Sherlock, tuyên bố bản thân là “một nhân vật phản diện hay ho xưa cổ”, uống trà từ một cái tách có in hình vương miện bên trên, khắc “IOU” vào một quả táo, và bảo Sherlock học cách để thích những câu đố. Sherlock lấy quả táo và xem xét ba từ trên đó, trông rất hứng thú. Có thể phân cảnh này không phải là thời điểm cho thấy “nghệ thuật điêu khắc trên quả táo”. Có thể điều mà Moriaty đang làm ở đây là để lại một manh mối cho Sherlock (giống như sau này hắn cũng gởi vụn bánh mì đến 221B như một manh mối). Rất là có lý nếu bạn nghĩ về nó – theo một cách nào đó, vấn đề sau cuối của họ là chuyện “thế gian ai đẹp được dường như ta.”

Khi cố làm cho Sherlock nhảy từ trên nóc tòa nhà xuống, Moriarty đã nói, “Ta yêu báo chí. Những câu chuyện cổ tích. Và còn khá là tàn nhẫn nữa chứ (And pretty grim/Grimm ones, too.).” Tôi cá là dù thế đi nữa, hắn không trông mong chuyện Sherlock thật sự làm ra một nàng Bạch Tuyết. Chuyện này làm tôi tự hỏi phải chăng việc Sherlock làm giống như nàng Bạch Tuyết – chết, nhưng sống lại sau khi loại bỏ được quả táo xấu xa (nghĩa là, Moriarty và mạng lưới của hắn) – là một sự tình cờ ngẫu nhiên hay Sherlock đã thực sự thích thú với việc vào vai trong trò chơi Truyển cổ Grimm này cũng nhiều như Moriarty vậy.

[To be continued]

"Giờ đây, Moriarty đang bị ám ảnh bởi những câu chuyện cổ tích."

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Source: http://eva-christine.tumblr.com

Dịch: Apple Head 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Câu chuyện cổ số 8 của Grimm là The Strange Musician (hay có vài bản còn dịch là The Strange Violinist và The Wonderful Violinist). Câu chuyện kể về một chàng nhạc sĩ đang tìm kiếm bạn đồng hành. Âm nhạc của chàng nhạc sĩ vĩ cầm này đã hấp dẫn ba con quái vật hoang dã. Chàng đã khôn lanh hơn chúng, và chúng đã cố giết chàng để trả thù. Một trong những con quái vật đó là con cáo. Moriarty đã mang một cái cài hình con cáo trên cà vạt của mình khi ghé qua 221B để trao cho Sherlock câu đố “IOU”. Sherlock tượng trưng cho chàng nhạc sĩ vĩ cầm, hiển nhiên.

Câu chuyện cổ số 92 của Grimm là The King of the Golden Mountain. Đây là câu chuyện về một chàng trai trở thành vua sau khi kinh qua một loạt những thử thách và giết được đối thủ của mình (cũng có một nữ hoàng độc ác, một con quỷ giải quyết những vấn đề của con người ta với một cái giá, và một thương nhân không chủ tâm đã bán mất con trai độc nhất của ông cho con quỷ đó). Moriarty đã đội vương miện và ngồi trên ngai vàng trong Tháp London. Khi hai người họ đối mặt ở 221B, hắn dùng trà trong một cái tách in hình vương miện và đấu láo với Sherlock về việc “người nắm được trong tay chìa khóa sẽ là vua.”

Vậy là, Moriarty đưa cho Sherlock một quyển truyện cổ tích, bảo cho anh những câu chuyện nào cần đọc qua – “IOU” – và cung cấp cho anh một mớ những manh mối dẫn đến những câu chuyện cổ đó. Và rồi thì, Sherlock nên làm gì với chúng? Khối Sudoku từ đoạn băng của Moriarty trông rất cám dỗ, nhưng nếu nó thật sự có liên quan, hẳn nó phải được lồng vào một trong những tập phim thực sự rồi. Chúng ta rất có thể đang tìm kiếm thứ gì đó nằm ngay trong tập “The Reichenbach Fall”, thứ gì đó đã rành rành ra đó trước mắt chúng ta, hiển nhiên một cách lố bịch trong suốt những thời gian qua.

Moriarty để lại cuốn Truyện cổ Grimm ở hiện trường vụ bắt cóc. Hắn còn để lại thứ gì nữa cho Sherlock tìm ra? Một thông điệp viết bằng mực ẩn. Một chai dầu hạt lanh nức mùi, trong trường hợp họ không để ý thông điệp ẩn đó.

Giờ đây, Moriarty đang bị ám ảnh bởi những câu chuyện cổ tích. Hắn gửi cuốn Truyện cổ Grimm đến hiện trường vụ án tương lai và một phong bì chứa đầy những mẩu bánh mì vụn đến 221B như những manh mối để tìm ra hai đứa trẻ đang ăn kẹo trong một xưởng sản xuất chocolate bỏ hoang. Và chúng ta nên tin rằng dấu vết bằng dầu hạt lanh đó (vô cùng rõ ràng, hiển nhiên, rõ rành rành là tượng trưng cho dấu vết của những mẩu bánh mì vụn ở đây) không phải là kịch bản của Moriarty? Thôi nào. Xác suất nào cho cơ hội của một cậu bé bị bắt cóc tình cờ làm theo nội dung trong câu chuyện Hansel và Gretel? Hầu như là không có.

Tôi nghĩ việc lưu ý rằng Sherlock đã lấy quyển Truyện cổ Grimm từ hiện trường vụ án và giữ nó bên mình – chúng ta thấy anh lấy nó ra trong phòng thí nghiệm ở Bart sau khi John nhớ ra vụ bánh mì vụn. Có khả năng nào có một thông điệp nào đó bên trong cuốn Truyện cổ Grimm không? Sherlock đã xem qua cuốn sách của Moriarty trong phòng của cô bé bị bắt cóc, nhưng anh không hề thấy gì trên những trang sách đó cả. Nhưng anh vẫn giữ nó lại dùng cho sau này. Thế thì, nếu có một thông điệp bên trong cuốn sách viết bằng mực ẩn thì sao, cũng giống như thông điệp trên bức tường trong phòng cậu bé? (Không phải viết bằng dầu hạt lanh – nó quá nặng mùi. Nhưng có rất nhiều loại mực ẩn không bay hơi ngoài kia.)

Truyện cổ Grimm là một quyển sách dày, nhưng Moriarty đã nói cho Sherlock phải xem những chuyện nào  - “IOU”. Những trang của ba câu chuyện này phải được xử lý qua chất gì đó (iot, nhiệt, tia tử ngoại, etc.) để làm cho thông điệp hiện ra. Thông điệp có thể là bất cứ cái gì – những dòng được gạch chân, những từ được highlight hay những chữ cái, những đoạn được khoanh tròn, hay thậm chí là những ảnh minh họa được đánh dấu (e.g., Bạch Tuyết nằm trong quan tài ở trang 257). Nó có thể là một thông điệp được viết ở lề trang sách hay giữa những dòng chữ, nhưng tôi thích nghĩ rằng Moriarty sử dụng điều gì đó thực sự nằm trong câu chuyện cổ tích (bởi vì bạn phải thừa nhận, nó sexy hơn nhiều).

Vậy nên, đây là giả thuyết khá là điên khùng dị thường của tô...[to be continue] =))) 

"Đây là phần kết thúc của giả thuyết và suy luận điên khùng. Tuyệt vời." 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Source: http://eva-christine.tumblr.com

Dịch: Apple Head 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Vậy nên, đây là giả thuyết khá là điên khùng dị thường của tôi: Sherlock biết rõ về kế hoạch của Moriarty bởi vì anh đã giải ra câu đó IOU của hắn, nhưng anh không để lộ cho Moriarty biết điều đó. Sherlock đã quen với việc mạo hiểm mạng sống của chính mình để chứng minh anh rất khôn ngoan, nhưng giờ đây mạng sống của những người bạn của anh đang lâm nguy, giờ đây khi anh thực sự đã có những người bạn, anh đang mạo hiểm mạng sống của bản thân để vào vai một “Sherlock tầm thường” vì họ.

Chúng ta không thể biết chắc thông điệp chính xác của Moriarty là gì, bởi Sherlock là người duy nhất xem được bản copy được đánh dâu của cuốn sách. Nhưng hãy thử suy đoán, được chứ? Điều suy đoán hiển nhiên nhất là Moriarty đã tiết lộ rằng hắn còn hơn cả sẵn sàng để kết thúc mạng sống của chính mình nếu như đó là cái giá phải trả để đảm bảo cái chết của Sherlock. Điều đó sẽ lý giải cho chuyện vì sao Sherlock lại lên kế hoạch cho màn tự tử của mình trên nóc tòa St. Bart’s bất chấp việc Moriarty sẽ đứng ngay bên cạnh mình – anh hẳn đã dựa vào chuyện Moriarty, tới giây phút mà anh nhảy, đã chết rồi. Tôi thậm chí còn đi xa hơn khi nói Sherlock đã cố ý nói khích cho Moriarty phải tự sát: “Ta không phải chết nếu ta có ngươi.”

Đây là một ví dụ đơn giản nhất cho một thông điệp của Moriarty có thể sẽ trông như thế nào:

Nhưng rồi thì, nó cũng có thể là bất cứ cái gì trong những câu chuyện đó. Có thể có điều gì đó trong mỗi một câu chuyện trong ba câu chuyện cổ tích để tạo thành một thông điệp khi đặt chúng lại với nhau theo đúng thứ tự. Moriarty đã nói “tất cả những câu chuyện cổ tích đều cần một nhân vật phản diện xưa cổ hay ho”, nên có thể có điều gì đó mà một nhân vật phản diện đã thốt ra trong mỗi một câu chuyện ở ba câu chuyện cổ đó. Thông điệp của Moriarty thậm chí có thể đã cung cấp manh mối về “ba viên đạn, ba tay súng, ba nạn nhân,” điều sẽ lý giải làm cách nào Sherlock biết được ai bị nằm trong tầm ngắm và rằng sẽ chỉ có ba người nằm trong tầm ngắm (anh không kể tên Mycroft, Molly hay Irene, ví dụ thế). Mỗi câu chuyện cổ tích “IOU” đều có thứ gì đó có ba điều trong đó – ba giọt máu trên tuyết và ba con chim nức nở bên quan tài Bạch Tuyết trong câu chuyện cổ “I”; ba quái vật hoang dã cố giết chàng nhạc sĩ vĩ cầm kỳ lạ trong câu chuyện cổ “O”; ba tên khổng lồ và ba đêm tra tấn (mà sau đó vị anh hùng chết đi chỉ để “tái sinh lần nữa và hoàn toàn khỏe mạnh như xưa”) trong câu chuyện cổ “U”. Ví dụ như, ba con chim khóc than cho Bạch Tuyết – một con cú, một con quạ, và một con bồ câu – có thể tượng trưng cho Lestrade, John (chú ý đến hình graffiti hình đôi cánh đen bên ngoài 221B), và bà Hudson. Nhưng nó cũng có thể là bất cứ điều gì khác. Tôi đã tạo ra một vài “thông điệp bí ẩn” từ những câu chuyện cổ tích đó chỉ để xem có khả năng hay không, và trên thực tế thì những khả năng đó hoàn toàn vô tận. Nó cũng rất là vui nữa. Bạn cứ thử xem.

Sherlock biết những tay chân của Moriarty có thể đang theo dõi anh, nên anh đã vờ như bị shock khi vị tội phạm cố vấn tự bắn mình. Tôi không nghĩ anh khóc do bị ảnh hưởng bởi bất cứ loại chất gây mê hay thuốc mê gì cả, vì đó là nước cờ cực kì ngu xuẩn khi dùng thuốc ngay trước khi phải thực hiện chính xác một cú nhảy sống-hay-chết. Tôi tin rằng màn trình diễn nỗi đau khổ của Sherlock chỉ là như thế thôi: một màn trình diễn. Sau chót thì, “sân khấu đã mất đi một diễn viên tài năng” khi Sherlock trở thành một chuyên gia về tội phạm.

Khi Sherlock đưa tay ra – có vẻ như là với về phía John – anh thực ra đang đưa ám hiệu cho người của mình/người của Mycroft rằng anh sắp sửa nhảy.

Chiếc xe tải chở rác, quả bóng cao su, và người lái xe đạp thì đã được giải thích hàng ngàn lần bởi những con người sáng láng trên Internet rồi, nên tôi sẽ không lặp lại nữa. Tất cả chúng ta đều biết phần nào cách giả chết của anh rồi. Vấn đề duy nhất của tôi với trình tự cú ngã của Sherlock là việc chỉ có vừa vặn đủ thời gian để dọn dẹp bất cứ dụng cụ nào có thể làm bể mánh cú ngã của anh nữa là thời gian cho một chuyên gia makeup ra khỏi xe tải, bôi máu giả vào mặt Sherlock – nhìn trông rất thật như thế! – và trở vào lại xe tải mà không bị nhìn thấy.

Giờ thì, hãy xem anh đang làm gì vơi tay của mình nhé.

Trông như anh chỉ đang hoảng loạn một cách trầm trọng, nhưng chúng ta đã quyết định rằng không phải thế rồi. Máy quay đưa vòng vòng quanh Sherlock, nên chúng ta không thể nhìn rõ chính xác thì anh đang làm gì được, nhưng dứt khoát là anh đang làm gì đó với cái đầu của mình. Chúng ta thấy anh chạm vào tóc mình, rồi tới mũi và miệng mình. Có vẻ hơi khiên cưỡng, nhưng khi không còn nhìn ra cách giải thích nào khác, tôi sẽ giả định rằng anh đang bôi máu giả vào những vị trí chiến lược đằng sau tai và bên trong mũi mình (hey, tôi đã nói trước đây là giả thuyết điên khùng của tôi rồi mà XD). Khi anh ngã từ một cái gối khổng lồ (hay một tấm đệm, hay tấm lưới, hay một con vịt cao su) ra trên lề đường, những bịch máu giả bể ra. Chú ý làm sao mà anh chỉ “chảy máu” từ tai và mũi (một ít máu bên miệng có thể vương ra từ khu vực mũi). Anh không bị một vết thương hay vết cắt sâu nào có thể nhìn thấy cả, nhưng trông nó vẫn rất thực và không giống như có ai đó vừa tưới một xô máu giả vào mặt anh cả. Máu vấy ra phía phải trên trán anh là kết quả của việc anh đã nằm nghiêng trên vũng máu trước khi “xác” anh được lật lại.

Tôi cũng không có nghi ngờ gì về việc Mycroft đã giúp Sherlock dựng lên cái chết của mình. Theo nguyên tác, Sherlock Holmes đã tranh thủ được sự giúp đỡ của Mycroft trong “The Final Problem” và “The Adventure of the Empty House”, vì vậy nếu phiên bản Sherlock này có làm tương tự thì cũng có lý thôi.

Tất cả những cảnh chụp màn hình trên đây thuộc về website này. Ảnh cận cảnh của chiếc cài hình con cáo của

Moriarty lấy từ Charmmakers, mà tôi tìm được trong Wearsherlock.

Đón xem phiên bản lý giải không-điên-khùng sau nhé XD.

Source: http://eva-christine.tumblr.com

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: