Ngày lạnh 2
Thời gian ở London dài hơn tôi nghĩ.
Mãi đến tận mùa đông năm 1932, tôi mới có dịp quay về Berlin vào một ngày nọ tháng Mười.
Tuyết phủ khắp đường, khiến đôi chân tôi trở nên nặng nề và chậm chạp. Những con phố dường như đã thay đổi đi không ít cũng nhiều. Thời gian này kinh tế suy thoái tột độ, cuộc sống cũng trở nên khó khăn hơn gấp vạn lần, cảnh vật cũng trở nên u ám lãnh đạm hơn.
Tôi cứ đi. Đi hoài đi mãi, chẳng biết sẽ đi đến đâu, cứ đi trong vô định như tìm kiếm một điều gì đấy mà bản thân cũng không rõ là gì. Đi một vòng tròn, cuối cùng lại quay về ga tàu mà mình mới đặt chân xuống cách đó vài tiếng.
Và rồi một lần nữa, đôi mắt tôi lại rung động.
Hiện lên trong dòng người tấp nập của một buổi hoàng hôn buồn rầu, là một bóng lưng cao cao gầy gầy trông rất quen mắt. Dường như tôi đã thấy ở đâu rồi. Tôi sợ mình sẽ nhìn sai, sợ sẽ tự gieo hi vọng rồi bị sự thật dập tắt, sợ những háo hức của mình trở thành một trò đùa viễn vông.
Lần đầu tiên cổ họng tôi không còn vô dụng nữa, lần đầu tiên những cảm xúc trong tâm trí trong trái tim tôi được thành lời. Tôi không suy nghĩ nhiều, bất giác gọi:
"Anh Weimar!"
Những người xung quanh nghe thấy nhưng rồi cũng lờ đi vì người ta còn phải bận rộn đủ điều. Chỉ duy mỗi một bóng lưng quay lại đáp lòng tôi. Là chủ nhân của cái tên ấy...
Weimar quay lại nhìn.
Gương mặt hốc hác lạnh lùng, đôi mắt mờ đục ẩn hiện những đêm dài thao thức. Anh chưa từng thay đổi, vẫn ăn mạc như cũ, vẫn hành xử như cũ... Nhưng tôi lại không thể nhận ra anh.
Tôi nhanh chân sải bước đến trước mặt Weimar, sợ rằng viễn cảnh năm ấy lặp lại, sẽ lại có một đám người bước đến và đưa anh đi. Nhưng lần này đã khác, đã không còn ai cản bước chúng tôi nữa và rằng chúng tôi có thể nói với nhau trăm ngàn điều mà bản thân trăn trở bấy lâu.
"Anh khoẻ chứ?"
Tôi mấp máy đôi môi không biết bao nhiêu lần, cố lựa lời cho hợp lòng nhưng cuối cùng chỉ nói được một câu ngắn ngủi. Tôi biết anh không khoẻ. Tôi muốn hỏi cái khác cơ!
Muốn hỏi xem năm đó, tại sao anh lại không chịu nói với tôi lời nào về việc đưa tôi đi London.
Muốn hỏi xem những năm qua anh có còn nhớ chút gì về tôi không.
Nhưng những điều ấy đã là chuyện của 13 năm trước, có lẽ anh đã sớm quên đi giữa cái khắc khổ của cuộc đời rồi.
Weimar nhìn chăm chăm tôi, anh vẫn dịu dàng đáp: "Khoẻ".
Lúc đi, tôi chỉ mới ngang vai Weimar và bây giờ tôi ngang tầm anh ấy. Là do tôi mau lớn hay là do anh ấy nhỏ đi? Càng nghĩ càng thấy xót xa, càng tìm kiếm đáp án lại càng thấy đau lòng.
"Em sắp quên đi anh là ai rồi... Đã nhiều năm rồi... Em không còn nhớ được ai nữa..."
Tôi muốn khóc, giọng nói rưng rưng như một chuỗi ngọc trai bị đứt rơi lã chã xuống sàn.
"Và anh sẽ nhớ em lắm... Nếu khi nãy em không gọi anh."
Anh đã không còn ăn nói cao ngạo như ngày xưa tôi từng biết. Bây giờ, anh là một người nói năng nhẹ nhàng, hiền lành và mềm mỏng. Ngược lại là tôi càng lúc càng ăn nói không ra gì. Nghĩ một đằng, nói một nẻo. Nói một hồi lâu vẫn không ai hiểu tôi muốn cái gì...
Đó là cái cách mà thời cuộc làm thay đổi một con người.
Weimar bước đến, tựa đầu lên vai tôi, anh nhắm chặt mắt làm những nếp gấp thâm tím lộ rõ ra. Và anh thều thào trong cơn tuyết rơi:
"Bây giờ em là ai cũng được. Là nam hay nữ trong mắt anh đều không còn quan trọng nữa... Khoảng cách giữa chúng ta... Cũng chẳng còn nghĩa lí gì."
Tôi nhìn anh, không nói gì.
Rồi chợt anh cầm lấy cổ tay tôi và hớn hở nói: "Đến Hohenzollern đi..."
Và ta sẽ cùng nhau sống lại những tháng ngày thơ trẻ.
Chúng tôi cùng nhau ăn tối, ăn một bữa ăn nhẹ nhàng vì đã nặng lòng với nhau. Anh kể cho tôi nghe hết thảy những gì diễn ra trong suốt 13 năm ròng ấy và dẫu bản thân có nhiều lời muốn kể nhưng tôi chỉ im lặng, lắng nghe anh bằng cả linh hồn. Tôi mỉm cười vô thức, đã từ rất lâu mới lại được trông thấy người ấy kể chuyện cho tôi nghe.
Còn chẳng màng đến bữa tối đã nguội lạnh.
Chợt anh hỏi: "Em có thăm ngài Soviet lần nào không?"
"Có chứ. Đôi lúc em về Moskva nhưng thường thì ở Anh nhiều hơn."
Anh gật gật đầu, rồi lại hỏi tiếp: "Britain chấp nhận em sao?"
Tôi gật đầu theo anh: "Em sống ở vườn hoa, không liên quan đến gã ấy. Phải rất lâu em mới gặp mặt gã một lần."
Và khi tôi dứt câu, anh lại mỉm môi: "Em đã nói năng lịch sự hơn trước, ít ra là không nói cộc lốc theo ý thích như trước kia."
Tôi khựng lại. Tôi chỉ ở một mình, cả ngày chỉ nhìn sắt thép và kim loại như một thú vui, không nói chuyện với ai bao giờ. Chính tôi vẫn nghĩ rằng mình nói năng rất khó nghe nhưng Weimar lại khen tôi có tiến bộ. Tôi bất giác cười nhẹ, giống như một thiếu nữ mới lớn được khen ngợi mà ngại ngùng.
"Thật xấu hổ, nhưng tiền bạc anh chẳng còn mấy đồng nữa... Lần này em về Berlin, có lẽ sẽ cơ cực nhiều rồi."
Và ánh mắt anh lại buồn xuống.
"Anh thật tình không nghĩ được gì nữa... Ngoài làm việc ra, anh không biết phải quan tâm điều gì."
"Em cũng vậy."
Tôi uống một hớp nước, tiếp: "Em đọc rất nhiều sách... Và chỉ luôn thấy con người ta khổ sở để tìm kiếm khoảng trống trong lòng mình. Nhưng em lại chẳng cảm nhận được gì cả... Đọc mãi vẫn không hiểu."
"Cảm xúc là thứ rắc rối nhất thế gian này. Yêu là một chuyện, thích sẽ là một chuyện. Em có thể thích một người cả đời... Nhưng đôi lúc sẽ không lựa chọn yêu người đó."
"Em không hiểu."
"Dĩ nhiên là em sẽ không bao giờ hiểu. Nhưng sớm thôi, em sẽ nhận ra."
Trong rất nhiều năm sinh sống ở Anh.
Tôi dường như đã trở thành một người khác. Có lẽ cũng vì đã ở một mình quá lâu rồi nên bây giờ mới thấy sợ cô đơn, thèm khát sự náo nhiệt. Ở Anh, Britain bận rộn cả ngày và cũng chẳng ai thực sự chú tâm đến tôi nên tôi muốn làm gì cũng được. Có những đêm, tôi như tự kỷ, ôm chiếc áo khoác trong tay và khiêu vũ bên tiếng nhạc buồn hiu quạnh. Đôi lúc, tôi thức cho đến sáng, bản thân suy tư về một điều gì đó mà chính tôi cũng không thể biết rõ được.
Có đôi khi, tôi nghĩ mình yêu Weimar.
Vì tôi quá nhớ anh, nhớ đến mức đêm nào cũng nằm mơ thấy anh ngồi bên tôi và chúng tôi sẽ cùng nhau nói về chuyện cơ khí cả ngày. Lúc nào cũng trào dâng giấc mộng rằng sáng mai khi tỉnh dậy trên bàn vẽ, anh sẽ ngồi kế bên và niềm nở cười với tôi.
Nhưng ngay bây giờ, khi đứng trên ban công toà dinh thự và trông về phía Đông, tôi lại không còn cảm thấy như thế nữa. Tôi không yêu anh nhiều như tôi đã từng tưởng tượng. Ánh mắt tôi xa xăm, hướng trông mãi về đường chân trời đằng Đông. Tôi nhớ nhà...
Nhưng ở thời điểm này, chẳng có nơi nào là nhà cho tôi cả.
Chỉ có thể lang thang khắp nơi, chịu khổ nơi xứ người xa lạ.
Berlin không còn là nhà nữa. Tôi chỉ ở đó vài tháng, đến khoảng dạo đầu tháng Một, tôi lại đi Moskva.
"Em sẽ đi khoảng vài tuần thôi... Anh chờ được chứ?"
"Dĩ nhiên là được."
Weimar nói khi chúng tôi ở ga tàu. Tôi muốn anh đi cùng nhưng thời cuộc lại không cho phép anh được tự do tự tại đến thế. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau thôi, tôi sẽ sắp xếp mọi thứ thật nhanh chóng và ổn thỏa để có thể về bên anh.
Ngay cả ngài Soviet khi gặp lại tôi cũng bật cười. Ngài nói, sắc mặt tôi rất tốt, trông giống như một người trẻ tuổi có nhiều thú vui ở đời và kể cả khi ngài muốn tôi dọn về Nga ở thì vẫn không giữ được tôi. Quả thực, trước kia tôi luôn trông ngóng chờ đợi từng ngày để được về Nga nhưng bởi khi ấy, tôi không nghĩ đến ngày mình sẽ gặp lại Weimar. Nhưng bây giờ, tôi đã gặp anh rồi, đã được nói chuyện với anh ở Berlin... Và tôi muốn được ở đó, sống lại những ngày mà tôi hằng ao ước. Suốt quãng thời gian ở Moskva, tôi như một người sống lại. Mỗi ngày đi dạo bộ quanh những con phố, nhìn ngắm những cảnh vật mà trước đây tôi chưa từng thật sự chú ý bao giờ. Và là những ngày mà đôi môi tôi có thể bất giác mỉm cười.
Ngày tôi về Berlin, đã lén lút ngắt một bó Hướng dương đem theo làm quà tặng. Tôi muốn gieo cho Weimar hi vọng và niềm tin, như cách tôi đã từng. Nhưng tại sảnh lớn của Hohenzollern, nơi năm xưa gặp mặt nhau, tôi chết lặng. Nụ cười trên môi đông cứng lại, đôi mắt như muốn chết đi, bó hoa trên tay rơi xuống đất cùng với trái tim. Tất cả đều vỡ tan thành hàng ngàn mảnh.
Weimar chết rồi.
Một tràn máu tuôn từ đôi môi khô cằn của anh và đôi mắt anh nhắm tịt lại.
Tôi gấp gáp lao đến như tên, chộp lấy và lay lay cơ thể anh bằng hết sức bình sinh. Đôi mắt tôi không chớp nổi, sợ rằng chợp một cái anh liền biến mất vĩnh viễn khỏi cõi đời, gương mặt thẫn thờ đến vô cảm. Tôi không muốn tin. Tôi chỉ mới rời khỏi Berlin chưa đầy một tháng! Tại sao lại có thể thành ra thế này?
Chúng tôi xa nhau 13 năm, và vẫn có thể gặp lại.
Tại sao chỉ mới một tháng... Chỉ mới một tháng mà đã xa cách thành hai cực đối lập thế này?
Trái tim tôi vỡ vụn. Tâm trí tôi suy sụp. Linh hồn tôi đau khổ. Khổ sở đến mức không tuôn nổi một giọt nước mắt nào. Và từ ấy về sau cũng không còn muốn nói chuyện với bất kì ai nữa. Tôi biết, ngày tàn của con tim này đã đến rồi.
Ngày lạnh nhất cuộc đời này.
Ôm lấy anh, tôi ngồi mãi tại sảnh, như một bức tượng không bao giờ chuyển dời. Chiều hôm ấy, tôi mặc một bộ tranh phục màu đen từ trên xuống dưới, đi ngang chiếc giường nơi Weimar đã được di dời lên để yên nghỉ. Tôi cởi chiếc găn tay của anh ra, khẽ đưa nó đặt lên đầu mình và đôi mắt này nhìn anh. Nhìn mãi không muốn rời.
Em ước gì anh có thể xoa đầu em khi em về Berlin.
Em ước gì ngày em về Moskva, em có thể nhìn thấy anh mỉm cười.
Giá mà đây chỉ là một giác mộng, anh chỉ đang ngủ vì mệt mỏi mà thôi... Và lát nữa, anh sẽ tỉnh dậy rồi chúng ta cùng nhau ăn tối... Anh sẽ kể cho em nghe về những chuyện mà em chưa bao giờ biết! Sau đó, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu về đủ loại máy móc trên đời và ăn những thứ ngọt ngào suốt đêm...
Giống như khi đấy.
Tôi cay cay sóng mũi, nhưng rặn mãi vẫn không rơi được một giọt nước mắt nào. Tôi đưa bàn tay lạnh ngắt của anh lên, muốn hôn vào, nhưng rồi lại tựa vầng trán lên ấy mà cảm nhận được sự băng giá xuyên vào da thịt.
Và rồi tôi nói: "Lần này em về Moskva... Đi rồi sẽ đi mãi, sẽ không về đây nữa... Nên anh đừng chờ."
Ước gì anh đáp lại lời tôi.
.
Về đến Moskva, tôi im lặng, không màng đến bất cứ chuyện gì trên đời này nữa. Lại quay về dáng vẻ u buồn, rầu rã, lặng câm của những ngày xa xưa. Hương vị đầu tiên của cuộc đời tôi không phải vị ngọt đường của tình yêu, cũng không phải nồng nàn thơm mùi sữa của tuổi ngây dại... Mà là vị đắng cay. Đắng vì đau khổ đến cõi lòng như muốn nổ tung, cay vì đôi mắt nóng ran không sao hạ hoả được.
Phải đến tận mấy ngày sau, cái đau đớn ấy mới thấm vào tới xương tủy. Tôi đứng trên ban công phòng và bật khóc, khóc nức nở như một đứa trẻ con bị hù dọa, khóc đến cơ thể mềm nhũn mà ngã khụy xuống còn đầu thì tựa vào lan can sắt. Mỗi nỗi đau như có một đàn kiến bò qua, không sao buông xuôi được. Tôi ân hận, tôi dằn vặt. Nếu tôi không đi... Nếu tôi ở lại... Nhưng tôi sẽ làm thay đổi lịch sử, một điều cấm kỵ mà không ai được phép phạm vào. Nhưng Weimar sẽ không phải chết. Ít nhất là không phải chết một cách tức tưởi như thế!
Tôi đập đầu mình vào lan can, đập đến bầm tím nhưng vẫn không cảm thấy đau gì cả. Đập được một lúc, tôi ngất lịm đi.
Khi tỉnh lại, đã thấy ngài Soviet ngồi bên giường nhìn tôi. Ngài lạnh giọng: "Vừa về chưa lâu đã gặp nhiều chuyện, cũng không cảm thấy bản thân đáng thương sao?"
Tôi nhìn lên trần nhà, vô hồn đáp: "Anh Weimar chết rồi".
"Tôi vẫn còn trăm điều trăn trở chưa giải bày... Vẫn còn ngàn việc chưa kịp làm với anh... Nhưng anh chết rồi."
Ngài thở dài: "Một người bạn ta quen từ nhỏ... Không ngờ... Đã chết đi vì đói khổ và cơ cực".
"Không" Tôi khẳng định.
"Anh chết vì cái lạnh lẽo của lòng người."
Vì ngày anh chết, người ta vẫn vui vẻ và tươi cười hân hoan như chưa từng có gì xảy ra. Nơi anh nằm an giấc cũng chẳng có lấy một bóng người ghé viếng. Và lúc Weimar vẫn còn sống, bọn chúng thoả sức bào mòn thể xác lẫn linh hồn anh... Chưa bao giờ để tâm xem anh có ổn không.
"Nỗi đau đầu đời không hề dễ chịu. Hãy nghỉ ngơi cho khoẻ trước đi... Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp khi ngươi bình tĩnh lại."
Tôi chỉ gật gật đầu, không đáp lại.
Những năm tiếp theo là những năm tang thương đen tối và chết chóc của trời Âu. Tôi cũng không rõ mình đã sống qua những ngày tháng ấy như thế nào, chỉ nhớ rằng năm ấy... Bầu trời Moskva tuyết rơi rất lạnh. Tôi rời đi sau ngày Third Reich bại trận, lẩn trốn khỏi quá khứ, trốn về một miền trời hẻo lánh ở tận Siberia.
Lê đôi chân bị gãy trên lớp tuyết dày, thân xác tôi tàn tạ và đầu óc cũng không còn đủ tỉnh táo để nhận thức thêm bất cứ điều gì. Tôi không rõ mình sẽ đi đâu, mà cũng không biết rằng mình đang muốn đi đâu. Hồn tôi những ngày ở Moskva là những ngày vui buồn lẫn lộn, tôi vui vì cuối cùng cũng có nơi cư trú ổn định mà buồn... Vì ở đó, tôi chỉ muốn lẻ loi một mình. Ngài Soviet không cho tôi đi, nhưng tôi vẫn kiên quyết muốn đi. Đi lạc vào một cánh rừng dương cao lớn, không còn biết trời trăng gì, chỉ biết tuyết rơi phủ đầy trên hàng mi mắt và cái lạnh giá trời Âu đang thổi qua những vết thương.
Và rồi tôi nhớ về Weimar, nhớ đến cái chết tức tưởi của người ấy.
Tôi bất giác mỉm cười. Một nụ cười chua chát. Và những giọt nước mắt cay đắng tuôn rơi ướt sũng gương mặt tôi. Rồi đôi chân tôi buông thõng, ngã xuống làn tuyết vẫn đang không ngừng dày lên kia. Tôi cảm nhận được cái lạnh tê tái ngấm vào da thịt và cơn mưa tuyết vẫn tiếp tục rơi lên đầu tóc. Tuyết rơi thành đống, nặng nề trên tấm lưng tôi.
Mọi thứ dần bị lấn át bởi cái lạnh của tuyết rơi và cõi lòng.
Giữa cơn bão tuyết ấy, chợt có một bàn tay to lớn chộp lấy cổ áo và kéo tôi ra khỏi lớp chăn trắng xoá ấy. Gương mặt tôi tái xanh vì lạnh, hơi thở yếu ớt như một đứa con nít vừa mới chào đời. Cũng không rõ là ai mà vì sao lại xuất hiện vào lúc này, nhưng đôi tay ấy thực sự rất ấm... Ấm như cơn nắng vàng vào mùa hạ chiếu qua ô cửa sổ trong vườn hoa. Có lẽ, tôi đã tới được thiên đàng, nơi mà tất cả những gì mà tôi từng ao ước trên đời đều đang hiện diện. Và hết thảy sầu đau trong kiếp người này sẽ hoá thành hư không.
Nhưng rồi tôi vẫn tỉnh dậy.
Tỉnh dậy trên chiếc giường quen thuộc ở Moskva, nghe được âm thanh tiếng lò sưởi rạo rực bên cạnh giường. Cơ thể tôi cứng đờ, cố gắng hết sức nhưng mãi vẫn không thể cử động được dù chỉ là đầu ngón tay hay nghiêng đầu. Cả người như một khối xi măng bị đông cứng lại vậy. Và từ ngoài cửa, tôi nghe thấy một giọng nói xa lạ:
"Gãy chân trái, trật khớp cổ, xương sườn thì tạm nứt vài cái. Sẽ không chết đâu, nhưng nếu ngài lo lắng thì ngài có thể tự mình kiểm tra."
Rồi tôi nghe giọng ngài Soviet đáp lại: "Ta chỉ hi vọng ngươi không thấy phiền. Thật sự ngoài ngươi ra, ta không biết phải tìm ai để giúp đứa con này giải bày nỗi đau khổ."
"Cha đã thảo luận về việc này rất kĩ với tôi. Xin phép được dùng tạm nơi này của ngài."
"Cứ tự nhiên như ở nhà."
Ngài Soviet không muốn nhìn thấy tôi chết. Tôi cũng không muốn. Nhưng sống tiếp thì lòng tôi lại không yên được.
Tôi nghe thấy tiếng cửa phòng mở ra. Tôi muốn nhìn xem là ai đang ở đó nhưng cơ thể này lại không chịu nghe lời, cứ nhất quyết làm thinh. Và khi người đó đến trước mặt tôi, tôi đã như bị đóng băng một nhịp. Một gương mặt... Quá đỗi quen thuộc. Là đôi mắt u ám khắc khổ nhiều nếp nhăn, là gương mặt hốc hác gầy mò, là cái biểu cảm thờ ơ lãnh đạm... Tôi đều đã quá quen.
"Có lạnh không?"
Tôi không cử động, nhìn chăm chú vào người trước mắt. Người ấy cầm một sấp giấy trong tay, vừa xem vừa ghi chép có vẻ rất cẩn thận.
"Ngài Soviet có nói tên của em... Nhưng tôi quên mất rồi."
"Siven."
Tôi thều thào, cổ họng tôi rát như bị cào xé từ bên trong. Vừa dứt câu, tôi đã nằm thở hổn hển.
"Chỉ có thế?"
"Sivennante... Họ Gnasche..."
"Chữ lót thì sao?"
"Jeremy Rachel... Tên chính... Lấy tên Siven là được rồi."
Tôi nhắm mắt mệt mỏi, có lẽ tuyết rơi quá lạnh đã khiến cổ họng tôi hư hỏng nặng rồi. Ngay cả trong câu trả lời khi nãy, tôi cũng không thể nói tròn vành rõ chữ. Thế là tôi không chết, nhưng sống dở dở ương ương.
Người ngồi bên giường tôi, ăn mặc kín cổng cao tường, dáng vẻ vờ như ung dung nhưng cũng hiện lên sầu não. Người hỏi: "Chúng ta đã gặp nhau bao giờ chưa?"
Tôi nửa tỉnh nửa mơ đáp: "Rồi, gặp ở trong mơ."
Rồi ánh mắt tôi sụp xuống: "Anh giống một người tôi từng quen trong mơ."
"Còn tôi là lần đầu tiên được mơ. Nên hi vọng em sẽ không phải là ác mộng."
Người cầm tay tôi lên, nhẹ nhàng từ tốn, ngón tay đảo đảo trong lòng bàn tay tôi.
"SR.Croatia. Muốn gọi là gì cũng được."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top