Ngày lạnh 1
Tôi là một người sống cùng với lịch sử.
Là một kẻ dù có lòng trung thành nhưng lại rất nhanh chán, tôi đã rất nhiều lần đổi chủ, chạy Đông chạy Tây tìm chỗ trú thân. Bản thân nương nhờ khắp chốn, không theo kẻ mạnh, chỉ theo kẻ thắng.
Trong suốt cuộc đời bôn ba của mình, tôi đã gặp và sống chung với rất nhiều người. Cho đến một lần nọ...
Khi ấy, thiết bị du hành của tôi gặp trục trặc, nó đưa tôi về cái thời mà Châu Âu chỉ mới hưởng được những ngày bình yên ngắn hạn. Hậu quả không chỉ có thế, cơ thể tôi bị trẻ hóa đến mức trở thành hình hài một đứa trẻ sơ sinh... yếu ớt và thiếu sự bảo vệ.
Số phận sắp đặt cho tôi rơi xuống một con hẻm nhỏ của St. Peterburg, vào đúng thời điểm cái lạnh cóng chết người đang trị vì nơi đây. Và ở đó, tôi đã gặp định mệnh đầu tiên của cuộc đời mình...
Ngài Soviet.
Ngài lúc ấy vẫn còn tuổi thiếu niên, trẻ trung, non nớt và tràn đầy sức sống. Ngài bọc tôi trong chiếc khăn choàng cổ màu đỏ, vậy là tôi lần nữa được sống trên đời.
Ngài là một người ăn nói rất lạnh lùng, không hoa mỹ, thực sự không biết cách dỗ dành trẻ con. Với tôi, ngài như một người cha. Mọi sai lầm của tôi, ngài đều rộng lượng cho qua mà không hề mắng trách nặng nề. Có thể, Soviet là một đứa con tệ, tệ vì đứng lên chống trả ngược lại cha của mình một cách tàn bạo, nhưng người sẽ luôn là một người cha tốt... Tốt nhất trên thế gian này.
Năm ấy, tôi theo ngài sửa soạn hành lí dọn đến Munich một thời gian. Ngài Soviet bận rộn khắp cả ngày vì những cuộc họp, vậy là tôi được đưa đến Berlin để sống cùng một người quen cũ của ngài. Cũng từ ấy, trái tim tôi biết rung động... Ở Munich, tôi gặp một định mệnh khác của cuộc đời này.
Anh Weimar.
Một người cao ngạo, phong thái lãnh đạm lạnh lùng xuất hiện trước mắt tôi. Tôi nhớ cái cách anh mỉm cười, một nụ cười ẩn chứa nhiều bôn ba cực khổ, nhớ cái cách anh đưa tay ra với tôi, đó là một tôi bàn tay đẹp đẽ duyên dáng của một người cao sang. Anh là con trưởng của lão German Empire, hiển nhiên anh được ưu tiên hết thảy những thứ mà cha mình có trên đời. Weimar ngạo mạn, trong mắt dường như chẳng muốn coi ai ra gì. Lúc nào cũng ăn diện lộng lẫy, mặc những bộ vest được ủi bóng loáng, đi trên những đôi giày da đắt tiền, tóc tai gọn gàng và là một dáng vẻ lịch lãm.
Anh dạy tôi cách tỏ ra im lặng trước những kẻ mình không ưa, dạy tôi cách phải sống làm sao cho đáng cuộc đời này, dạy tôi cách dùng ánh mắt để nói chuyện. Khi chiến tranh nổ ra, anh giữ tôi bên cạnh không rời một khắc, vì đối với anh tôi là một kẻ phiền toái và rằng sẽ chết ngay lập tức nếu rời khỏi anh...
Weimar không hẳn là một người tốt, nhưng anh thật sự rất rộng lượng. Anh cho tôi ở tại một căn phòng nhỏ, vừa đủ để tôi tự giam lỏng mình bên trong. Và vào mỗi buổi chiều, anh sẽ đến thăm, mang theo một ít đồ ngọt đến và dạy tôi cách nghiên cứu máy móc. Chúng tôi nói chuyện với nhau đến tối muộn, đôi lúc là đến khi trời gần sáng. Đó là những đêm tưởng chừng dài như vô tận, là những đêm mà tôi ước gì mình có thể sống mãi một lần nữa.
"Ngươi có nghĩ rằng, việc luôn giấu giếm thân phận như vậy là bất tiện không?"
Weimar nhìn chăm chú vào bóng lưng tôi. Tôi quá thấp, không phù hợp với kiểu bàn ghế của Châu Âu, cho nên luôn phải trèo lên bàn để xem bản vẽ máy móc. Tôi say sưa với tấm giấy to lớn, suy nghĩ một hồi mới trả lời:
"Có chứ. Đôi khi tôi muốn tâm sự nhưng lại không thể tâm sự với bất kì ai... Tôi cũng không để đường hoàng xuất hiện trước ánh sáng... Chỉ có thể tìm một bóng lưng to lớn, vội núp ở phía sau."
"Và bây giờ, ngươi đang giống như một con chuột nhỏ, trốn trong căn phòng ngộp ngạt này."
Anh nhìn ngó căn phòng, quả thực là trông chẳng khác gì một nhà kho. Tôi sống tạm bợ ở đây, quần áo ăn mặc đều là mang từ Nga sang, đôi lúc là trang phục cũ của Weimar cho mượn. Anh nói đúng, tôi chẳng khác gì một con chuột, ăn nhờ ở đậu.
"Con gì mà chẳng được. Còn được nhìn thấy ngày hôm nay thì đã là hay rồi."
Anh bật cười, bước đến ngồi bên bàn gỗ, lại hỏi tôi:
"Không nghĩ được đến ngày mai luôn sao?"
Tôi trầm ngâm nghĩ. Sống chỉ biết mỗi hôm nay không phải là cách sống của tôi. Tôi tham sống sợ chết, từng hành động lời nói suy nghĩ đều phải kĩ càng, phải nghĩ cho kĩ xem hành động này dẫn đến cục gì? Và rằng mình sẽ làm gì?
"Tất nhiên là có... Nhưng chỉ sợ ngày mai sẽ không theo ý mình. Càng nghĩ càng thấy buồn."
Weimar xoa đầu tôi, như xoa một con thú cưng nuôi trong nhà khi nó nghe lời, anh lại mỉm cười đáp:
"Dù sao sống ở đây, ngươi cũng không cần phải nghĩ đến tương lai."
Một cảm giác rùng mình xuyên qua não bộ tôi. Chiếc xoa đầu của anh, dẫu qua cái khăn tay trắng xóa ấy nhưng vẫn thật ấm áp, vẫn thật dịu dàng khiến tôi say sưa.
Tôi đờ mặt ra, không biết phải phản ứng thế nào.
"Ngày mai trời bắt đầu đổ tuyết rồi, hãy mặc thêm áo choàng vào. Ta sẽ bận trong vài ngày tới, hi vọng ngươi sẽ không chết lạnh cho đến lúc gặp lại."
"Tôi sẽ không chết vì lạnh."
Gần đây tâm tình Weimar thoải mái, anh nhìn tôi chăm chăm mà không nói gì, chỉ có một đôi môi mỉm nhẹ. Anh tháo khăn tay, đưa bàn tay trần ấy lên chộp lấy gò má trái của tôi.
"Thật đấy, đừng chết nhé."
Và tôi cũng muốn nói lời tương tự với Weimar.
Nhưng tôi biết anh là ai.
Vì anh là Weimar, là một Weimar sống không thọ. Và anh sẽ chết. Sẽ chết trước sự bàng hoàng của tất cả mọi người. Chết vì một cơn khủng hoảng của niềm tin và hi vọng, chết vì cái khổ sở của thời cuộc.
Ở xứ sở xa xăm của tôi, con người ta vẫn đang phải khom lưng mà khóc, vẫn đang phải cúi đầu mà đi và vẫn luôn ước ao một lần được xem là con người. Tôi sợ hãi bởi cái thời cuộc hỗn loạn này, nơi mà có những người bị xem như công cụ và những người khác bước trên tấm lưng của họ để tìm kiếm khoái cảm trong chiến tranh. Gương mặt này u buồn rầu rĩ, không biết cười, không phải vì được lớn lên bên cạnh ngài Soviet mà là vì đã trông thấy hết thảy nỗi đau của trần đời.
Chỉ là... Biết rồi thì làm gì?
Tôi cố quên đi hiện thực mà mình phải chấp nhận. Sống mãi với những si mê ngây dại khi nép vào bóng lưng của Weimar. Hoàn toàn quên bén đi những ngày âm u của trời Âu vẫn còn đang ở phía trước.
Cho đến một ngày nọ.
Tôi trông thấy một bức thư nhỏ được kẹp ở khe cửa. Mở ra xem, đó là thư của Weimar. Anh muốn tôi nhanh chóng thu xếp đồ đạc để rời khỏi Berlin và rằng ngài Soviet muốn tôi tạm chuyển đến London ở một thời gian trước khi quay về gặp ngài ở Moskva. Không nghĩ ngợi gì nhiều, tôi nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc của mình vào một chiếc cặp. Đồ đạc của tôi vốn không nhiều, chỉ quanh đi quẩn lại quanh quần áo và một ít ghi chú hay bản vẽ quan trọng.
Chỉ mất khoảng nửa ngày để tôi dọn sạch sẽ căn phòng.
Khi mở cửa phòng ra, bên ngoài là hai người kỵ binh cao lớn và họ nói rằng sẽ dẫn tôi ra bến tàu rời khỏi Berlin. Cửa lớn để rời khỏi Hohenzollern còn ở trước mắt chưa được mấy bước, tôi đã trông thấy một bóng hình quen thuộc. Bóng hình mà tôi đã không được trong thấy trong suốt gần ba tháng qua.
Anh Weimar.
Weimar gầy yếu và đôi mắt đượm buồn, gương mặt nhợt nhạt và u ám, bên cạnh anh là một nhóm quân lính khoảng năm đến sáu người. Tôi ngoái đầu nhìn theo anh, đợi mãi một lúc sau nhìn rõ được gương mặt, chắc chắn rằng đó là anh, tôi mới cất giọng gọi:
"Anh Weimar!"
Anh nghe thấy tiếng gọi của tôi, vội xoay tới xoay lui tìm kiếm nguồn cơn của lời kêu gọi. Tôi vội vã chạy về phía anh, anh cũng vậy, thoát khỏi vòng vây và lê đôi chân nặng nề ấy tiến đến tôi. Ngay trước khi chúng tôi nhìn rõ được nhau, cả hai đều bị quân lính giữ chặt lại.
Tôi sợ.
Sợ sẽ không được nói với anh câu nào. Sợ trăm ngàn câu hỏi mà bản thân ấp ủ đều sẽ hoá hư vô. Tôi nắm chặt lấy tay anh, anh nắm chặt lấy tay tôi, chúng tôi níu giữ lấy nhau giữa cái xô bồ của thời không.
"Cút đi."
Anh nói ra lời ấy với sự nhẹ nhàng như lông vũ trước đôi mắt mở to thẫn thờ của tôi. Anh vừa bảo tôi cút, nhưng tay anh và tay tôi vẫn đang giữ chặt lấy nhau. Tôi cũng muốn đi, nhưng tôi không tài nào buông bỏ anh được. Anh từng nói tôi sẽ không sống nổi nếu rời khỏi anh mà...
Tôi có rất nhiều điều muốn nói, rất nhiều điều muốn hỏi nhưng tại thời khắc này, cổ họng tôi lại khô cằn đông cứng lại như hoang mạc Bắc Cực. Tất cả đều nghẹn lại ở đầu lưỡi, đều hoá thành những hơi thở gấp gáp nặng nề tan biến giữa hư không.
"Đừng chết. Siven."
Tên lính dùng sức kéo tôi rời xa khỏi Weimar.
Bàn tay tôi cố gắng giữ chặt anh nhưng chỉ giật lại được chiếc cúc áo nằm trên cổ tay. Lần đầu tiên trong đời này anh gọi tên tôi. Và vĩnh viễn sẽ là lần cuối cùng. Tôi phát hoảng lên, hét lớn:
- Năm bao nhiêu! Bây giờ là năm bao nhiêu!?
Mọi người đều nghĩ rằng tôi đã phát điên, không một ai trả lời. Họ lôi được tôi ra khỏi cổng, cánh cổng vừa đóng lại thì liền buông ra. Mặc tôi ngã khuỵ lên nền đất, ôm đầu la hét đến hoang dại.
Mọi thứ trước mắt tôi tối sầm lại.
Từ ấy, tôi trở thành một cái xác với tâm hồn bị giam cầm bên trong đôi mắt.
Tôi ngồi trên chuyến tàu rời Berlin, rõ ràng tôi là một người am hiểu lịch sử như gan mề của mình mà, tại sao bây giờ lại như mù loà không thấy rõ gì nữa. Suốt chuyến đi, người ta dẫn đi đâu thì tôi đi theo ấy, còn không sẽ chỉ đứng yên một chỗ, thẫn thờ nhìn vào hư vô. Miệng chỉ lặp đi lặp lại...
"Năm 19"
Năm 1919, là năm mà Hiệp ước Versailles được kí kết. Một bản Hoà ước mang đầy sự hà khắc lên lưng của nước Đức bại trận và sẽ là tiền đề cho mọi nỗi đau của vùng trời này mai sau. Tôi nghiên cứu về nó rất kĩ càng, về sự ảnh hưởng của nó lên sự phát triển của châu Âu và cả thế giới.
Nhưng lại quên bén đi mất ai là người đặt bút kí lên.
Là anh Weimar chứ còn ai nữa.
Tôi đúng là ngu ngốc.
Ngu ngốc không tả nổi.
Tại sao lại quên mất đi điều quan trọng này!?
Chẳng mấy chốc đã đến London.
Tôi nhanh chóng đi đổi mấy đồng Reichsmark trong túi ra Bảng Anh trước khi chúng mất dần đi giá trị. Khoảng 690 đồng Reichsmark để đổi thành 23 Bảng, một số tiền tương đối lớn thời bấy giờ. Nhưng kể cả khi đổi tiền xong, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì tiếp theo.
Người ta dẫn tôi đến gặp ngài Britain.
Ngài không đánh giá cao tôi về mọi mặt, và tôi cũng không bất ngờ. Tôi chỉ xin ngài cho tôi một chỗ ở cho qua ngày, đó có thể là một căn phòng bỏ trống, có thể là một căn phòng kho chật kín đồ đạc và đầy bụi, bất kì chỗ nào cũng được. Ngài khá bất ngờ, nhưng dạo ấy, Chiến tranh mới kết thúc chưa được bao lâu và việc đòi hỏi cao sang đối với một người xa lạ là điều vô lễ, thiếu tinh tế.
Britain trông thấy ánh mắt bi thảm của tôi và có lẽ đã ngờ ngợ ra những gì đã xảy ra với cuộc đời tôi rồi. Ngài im lặng một lúc, rất lâu, rồi bảo:
"Ở vườn hoa có một gian phòng nhỏ ít người đến. Hãy ở đó cho đến ngày cha ngươi đến đón ngươi."
Theo lời Britain, tôi lại bắt đầu chuỗi ngày sống tách biệt với phần còn lại của thế giới. Gian phòng ấy thực sự hiu quạnh, gần như cả ngày chẳng có lấy một ai ghé thăm. Chỉ có tôi sống ở đó. Sống cùng với cái yên tĩnh của thời không, xung quanh là những loài hoa rực rỡ nhảy múa dưới ánh mặt trời. Và mỗi ngày, tôi ngồi lì ở trong phòng để mày mò máy móc, đến chiều thì uống một ít trà trước cửa lớn gian phòng và ngắm hoa.
Trong vườn có một bụi Hướng dương rất lớn.
Tôi yêu hoa Hướng dương, nhưng khoảnh khắc này lại cực kì ghét chúng. Vì chúng làm tôi cảm thấy lẫn lộn. Hoa Hướng dương luôn mang biểu tượng cho sự tự tin, cho những hi vọng nhưng nỗi khốn khổ trong lòng tôi thì vẫn còn, làm sao tôi có thể tự tin, có thể hi vọng? Mỗi lần trông thấy chúng, tôi chỉ nhớ đến chiếc xoa xoa gò má của Weimar. Nó cũng nhẹ nhàng, cũng ấm áp như màu sắc vàng vàng cam cam của Hướng dương.
Là những chuỗi ngày sầu không thể tả.
Cảm giác như mình vừa mất đi một thứ gì đó quan trọng trong đời. Lòng trống rỗng không biết phải thấy vui, thấy buồn, thấy tức giận, thấy sợ hãi hay là thấy yêu thương... Mọi cảm xúc đều lẫn lộn với nhau tạo ra một thứ tâm hồn hỏng bét.
Và tôi trải qua mùa đông đầu tiên ở xứ Anh với sự cô đơn trống vắng cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi mặc bốn lớp áo, một lớp cổ lọ, một lớp sơ mi, một lớp ghi-lê và một lớp khoác dày cộm bên ngoài, nhưng vẫn cảm thấy lạnh. Lạnh tê tái tâm hồn. Có lẽ vì cái lạnh của người ta là cái lạnh thể xác ngấm ngầm từ từ vào da thịt, còn cái lạnh của tôi là các lạnh từ trong xương cốt lạnh ra cho nên có mặc bao nhiêu rồi cũng sẽ thấy lạnh.
Tôi không muốn ở London nữa.
Tôi chỉ muốn về Moskva thật nhanh mà thôi.
Nhưng ngài Soviet vẫn chưa sắp xếp xong chuyện.
Chẳng thà năm ấy tôi cứ ngoan ngoãn ở lại St.Peterburg, chẳng thà tôi đừng bao giờ đến Berlin. Có lẽ ngày hôm nay tôi vẫn còn đang ẩn náu ở đâu đó cho qua cái sắc đông trắng xoá này chứ không phải ở đây suy tư đủ kiểu. Tôi muốn khóc, nhưng không tài nào khóc được. Xúc cảm của tôi như bùng nổ trong từng dây thần kinh khiến cơ thể này đau nhói khó chịu vô cùng tận nhưng những khi tôi muốn tuôn hết ra ngoài thì tất cả đều hoá không. Tồn tại mãi sâu trong trái tim này là một nỗi đau âm ỉ, là một tiếng gào thét bất tận ngân vang.
Sống trong căn phòng chật hẹp ấy, ai mà thích chứ!
Nhưng tôi vẫn ở đấy, ở mấy năm liền không một lời oán than.
Vì tôi chỉ thích cái cảm giác núp sau bờ vai to lớn ấy, yên bình ngủ cho qua ngày mà thôi.
Tôi nhớ Weimar.
Nhớ từng ánh mắt, từng nụ cười của người ấy từ những ngày đầu tiên gặp mặt.
Nhớ từng cái chạm tay, từng lời nói của người ấy vào mỗi đêm u sầu buồn bã.
Nhớ cả chiếc áo khoác dài đã sớm xem như vật của mình mà mặc mãi không buông.
Nhưng ngay từ đầu, chẳng có gì là thực sự thuộc về tôi cả.
Ở thời của tôi, người ta gọi Weimar là một nền dân chủ bị chết yểu. Anh sống không lâu, mà lúc sống cũng không được sung sướng, chết đi cũng không được thanh thản yên bình. Cả đời chỉ biết đấu tranh, hưởng những ngày thường bình ngắn hạn rồi mấy chốc đã phải cong lưng làm việc để trả nợ... Đến tận lúc lìa đời, số nợ ấy vẫn trả chưa xong mà dây dưa đến tận mấy chục năm sau mới trả hết.
Một con người khổ sở, nhưng khi ở bên cái khổ ấy... Tôi lại chưa bao giờ khổ một khắc nào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top