Bạch dương, tuyết trắng và người thương
[SovAme]
Những trận tuyết đầu mùa nhanh chóng phủ lên mặt đất một lớp tuyết dày đặc, và trên cao, nơi những nhành bạch dương khẳng khiu đã rụng hết lá từ độ cuối thu cũng nặng trĩu tuyết. Con đường đất nhỏ cùng những mái nhà của vùng quê nước Nga yên bình và xa xôi trông chừng trắng xóa cùng một vẻ đẹp êm đềm đến lạ. Ngoài những khu công nghiệp khói bụi cả ngày lẫn đêm hay những tòa cao ốc vùng thành thị, liên bang Xô Viết cũng có những nơi thế này đây trong những năm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nặng. Cứ cách hai tuần lại có một chuyến tàu hỏa chở lương thực từ các vùng thành thị, băng qua những con đường sắt xuyên núi rừng đến tận vùng hẻo lánh này. Cũng vì vị trí của mình nên nơi đây rất ít dân, hầu như họ cũng chẳng có nhu cầu quá gần gũi với hàng xóm của mình, có những người đã theo chuyến tàu rời đi để đến những phố xá phồn hoa, cũng có người theo chuyến tàu trở về đến đây như một nơi để nghỉ dưỡng.
Trong những hàng bạch dương ấy có một ngôi nhà trông cũng vào dạng mới và đẹp hơn nhà của người dân trong vùng, hẳn là nơi nghỉ ngơi của vị quan chức nào đó vào kì nghỉ phép.
“Chậc, đến cái vùng hẻo lánh này làm gì, đến điện cũng chập chờn hôm có hôm không, lò sưởi thì phải đốt củi mà củi lấy đâu ra có sẵn cho cậu đây. Cậu không định để tụi nhỏ đóng thành cục đá đó chứ, Soviet?”
Thiếu niên tóc trắng vừa cầm chổi quét bớt tuyết trước sân đi cùng vài đứa nhỏ mặc đồ bông ấm lon ton chạy theo vừa phàn nàn với người anh gọi là Soviet một bên cầm rìu, một bên vác bó củi to trên vai kia, hẳn là vừa đi đốn củi về.
“Củi có em đốn rồi, ngược lại, em cảm thấy mấy đứa nó chịu lạnh tốt hơn anh, America à” – Soviet vừa đưa đống củi cho con trai lớn mang vào nhà vừa bước đến cầm lấy chổi quét hộ America – “Anh vào nhà đi, lát nữa quét xong để em nhóm lửa lò sưởi rồi sửa điện”
“Cậu chê tôi không chịu được lạnh dù chỉ đứng ở đây à? Cậu...” – chưa nói xong, America đã hắt xì một cái.
Soviet dừng tay, đưa chổi cho tụi nhỏ dưới đất rồi mặc cho 3, 4 đứa thấp hơn cả cây chổi không biết cầm chổi thế nào cho đúng, cậu bế luôn America vào nhà.
Trong nhà, Russia – con trai lớn của Soviet đang loay hoay trước lò sưởi gạch không biết nhét củi vào thế nào, Soviet đặt người trên tay xuống ghế rồi bước tới túm cổ áo Russia đem qua cho America trông, cậu thì ngồi hì hục xếp củi nhóm lửa, nhìn từ đằng sau, tấm lưng to lớn của Soviet che khuất cả miệng lò. America xoa xoa tai của Russia, nhìn qua Kazakhstan với đôi cánh bé xíu vừa bay bay vừa cầm cành củi mảnh như bà tiên trong truyện cổ tích mà Kazakhstan thường đòi America đọc cho nghe vào mỗi tối trước khi ngủ, rõ ràng những quyển truyện đó khiến lũ trẻ thích thú hơn đống luận cương khô khan của Soviet nhiều. Soviet nhóm củi xong thì đứng dậy lau mồ hôi, America hỏi:
- Belarus đâu? Chẳng phải lúc nãy thằng bé ra ngoài cùng cậu và Russia sao?
- Em bảo nó sang đồi thông bên kia nhặt trái thông rồi.
- Lỡ thằng bé bị lạc thì sao?
Russia nhanh nhảu:
- Chú không biết đâu, trước kia ngày nào bố cũng bắt con với Bela chạy bộ từ đây qua bên đó rồi chạy về 3-4 lần một ngày đó.
America nhìn lên Soviet, cậu nhéo tai Russia rồi ngồi xuống bên cạnh ôm lấy America, dụi dụi vào vai anh lầm bầm.
“Trời lạnh thật”
“Tôi còn tưởng Soviet không biết lạnh”
“Nhưng mà em biết anh lạnh mà” – Soviet giở giọng làm nũng với America, cảm giác như sợ rằng anh sẽ từ chối sự quan tâm của cậu vậy.
America đưa tay xoa xoa tóc Soviet, Russia ngước lên nhìn, thằng nhóc này có vẻ chưa đủ lớn để hiểu bố mình đang làm gì với người ta. America lại hỏi:
- Mà cậu bảo Belarus nhặt mấy thứ đó về làm gì? Không phải để đốt củi đó chứ?
Soviet đang định trả lời thì Belarus đã dắt theo mấy đứa em ngoài sân vào, trong tay ôm một đống quả thông đủ loại lớn nhỏ kèm theo giấy màu và dây thừng mua ở tiệm nhỏ trên đường về. Soviet đứng dậy ôm đống đồ đó, bảo Belarus đi gọi mấy đứa em đang chơi trong rừng về rồi bước tới đặt đồ lên bàn, vừa xem xét vừa nói:
- Để trang trí Giáng sinh đó, lại gần hết năm đến nơi rồi, tụi nhỏ thích tự làm đồ trang trí, vui hơn là đống đồ mua sẵn trên Thành phố.
Rồi người lớn người nhỏ ngồi trên ghế lẫn dưới sàn lát gỗ cùng làm, nào là buộc dây, xếp hoa cắt giấy, không khí rộn rã vui tươi tưởng chừng như cái rét ngoài kia chẳng thể nào ảnh hưởng đến không khí ấm áp của một gia đình vậy. Ngoài trời, tuyết lại bắt đầu rơi, gió lại thổi như gào thét bởi chẳng còn lấy chiếc lá nào để cùng tạo nên bản hòa nhạc xào xạc du dương như xuân, hạ, thu cùng gió, khúc ca của gió vào mùa đông nghe cắt da cắt thịt mà thê lương và hùng tráng biết mấy với những người đã đi, đã sống và chiến đấu trong những ngày gian khổ như Soviet và đồng đội. Soviet chưa bao giờ vui vì mùa đông, hẳn rồi, cậu cũng không thích mùa đông hay cái gọi là Giáng sinh, mùa đông thật lạnh và tàn khốc, đầy rẫy những ký ức biệt ly và đau khổ, cậu chưa từng cảm thấy Giáng sinh ấm áp như sách vở thơ ca thường nói trong những năm dài đằng đẵng của chiến tranh.
Chiến tranh đã qua đi và nền hòa bình đang dần được lập lại, đối với người lính, nỗi đau của chiến tranh vẫn còn đây như mới hôm qua thôi, bom đạn như vẫn rơi trong đêm dài và đâu đây vẫn nồng lên mùi máu. Gió ngoài kia vẫn gào thét, ở nơi đâu đó, lửa vẫn còn rực cháy và lòng người chưa bao giờ dịu đi.
“Soviet”
Tiếng gọi của America khiến Soviet giật mình thoát khỏi những hồi ức nặng nề đang chạy đi chạy lại trong đầu cậu, cậu quay sang nhìn người bên cạnh. America chỉ vào thứ trong tay Soviet rồi cười:
- Cậu xem cậu làm ra cái gì rồi, mấy cái lúc nãy trông cũng được lắm mà.
Soviet nhìn xuống tay mình, sợi dây thừng nhỏ đã bị đứt và quả thông rớt gần hết vảy bên ngoài, Soviet ngượng ngùng lấy tay che mặt, đẩy đống bị hỏng trong tay qua cho America. Bỗng một lát lại thấy như có sợi dây buộc vào tay, cậu mở tay đang che mặt ra thì thấy America đang cắm cúi buộc sợi dây có gắn mấy bông hoa giấy lên tay cậu rồi nhéo má cậu một cái:
- Đừng nghĩ nhiều, có tôi ở đây rồi, tôi cũng cần cậu đó.
Soviet lặng lẽ ngồi ngắm nhìn chiếc vòng mà người kia vừa buộc cho mình.
Đêm xuống, tuyết bên ngoài rơi dày đặc thêm, đám trẻ không nghe lời mà ùa hết ra sân để chơi đùa, bên hiên nhà, Soviet và America đang ngồi nhìn lũ trẻ. Ngôi nhà như lung linh thêm bởi đồ trang trí và một số bóng đèn Soviet mang thêm lúc chuẩn bị hành lý đến đây. Khung cảnh trông thật bình dị, chẳng ai lại có thể nghĩ hai người ngồi kia là những kẻ vĩ đại và mang trên vai trọng trách lớn đến thế nào. Hai người chỉ tựa vào nhau mà không nói gì, chợt, America lên tiếng:
- Soviet, cậu biết không, từ lúc nhỏ tôi chưa từng cảm thấy Giáng sinh ấm áp như trong những câu chuyện mà tôi từng đọc, cũng chưa từng biết một gia đình ấm áp đến mức nào.
- Ngày nhỏ, đối với em, nó rất đẹp, đẹp nhiều lắm kia, nhưng sau bấy nhiêu năm chiến tranh, dường như Giáng sinh cũng chỉ như những ngày đông khác, có phần lạnh hơn.
Soviet thở dài một cách nặng nề rồi nói tiếp:
- Nhưng mà, từ ngày có anh bên cạnh, Giáng sinh vẫn như những ngày đông khác, bởi ngày nào ở bên anh cũng ấm áp.
America phì cười, anh không biết từ lúc nào đứa trẻ này của anh mồm mép lại dẻo đến vậy, anh xoay sang hôn má Soviet, nhìn xuống lại thấy Belarus đang đứng nhìn, Soviet đứng dậy túm Belarus ném ra với anh em rồi quay lại ôm America.
“Soviet, cậu cũng giúp mùa đông đối với tôi ấm áp nhiều lắm, cậu không chỉ là người thân mà còn giúp tôi hiểu được sự ấm áp của gia đình, thứ mà lúc trẻ tôi chưa từng được cảm nhận”
“Anh đâu có lớn tuổi đâu”
“Tôi lớn hơn cậu nhiều đó”
“Vậy em nhỏ như vậy thì anh có thích em không?”
“Khụ”
America cảm thấy ngượng ngùng, lời như vậy mà Soviet có thể tỉnh bơ nói cho được, cậu ta dụi dụi vào hõm cổ anh, như muốn nói cậu yêu anh nhiều lắm vậy, chỉ sợ nói ra thì đến Soviet cũng phát ngượng. Để hóa giải bầu không khí này, America lại hỏi:
“Cậu định khi nào thì về Moscow?”
“Khi anh muốn về Washington”
“Soviet!”
America túm lấy tai Soviet nhéo, cậu kêu đau rồi đợi anh hơi lỏng tay thì liền đứng dậy chạy ra chỗ lũ nhỏ ngoài kia, America cũng chạy theo đuổi cậu mấy vòng quanh sân, chợt, Soviet đột ngột dừng lại, xoay người làm anh nhào thẳng vào lòng cậu. Soviet liền ôm lấy America rồi nhấc lên mang vào nhà.
“Đi thôi, ngoài này lạnh lắm”
“Cậu sợ lạnh à?”
“Em chỉ sợ anh lạnh thôi”
Trong khoảnh khắc đó, bên căn nhà nhỏ ấm cúng và lung linh, giữa một vùng đồi núi và khu rừng vắng lặng của một xứ xa xôi, rời xa những ánh đèn nơi thành thị và phố xá ồn ào, gạt đi những áp lực và sự căng thẳng trên bàn đàm phán, dường như họ chẳng còn là một Liên bang hùng mạnh cùng một Hợp chúng quốc đối đầu nhau. Họ chỉ đơn giản là Soviet và America, đơn giản là có nhau và của nhau.
Có lẽ đôi khi, họ cũng ước mình chưa từng đối đầu, để ngày nào cũng đẹp và bình yên như những ngày ở đây. Có điều, thực tại không đẹp đẽ và xa vời đến thế nên đối với hai kẻ vĩ đại và là người đứng đầu, những thời khác giản dị mới thực sự là điều đáng trận trọng. Bởi lẽ, chẳng ai biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, liệu rằng sẽ còn mấy mùa đông nữa đây? Đây không phải là thời khắc để lo lắng cho một tương lai mông lung và mơ hồ, một ngày ta còn bên nhau là một ngày mà ta khắc cốt ghi tâm, gạt đi mọi lắng lo của thế giới ngoài kia, để cuộc sống bình dị và để họ biết rằng, họ vẫn luôn yêu nhau như thế.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top