Chương 7: Khác máu tanh lòng
Mặt trời xế bóng, gió luồn qua khóm trúc xanh rì nhuốm màu nắng cuối ngày. Ánh dương tàn lụi dần, chỉ còn lại những vệt sáng le lói, nhường chỗ cho màn đêm đang chậm rãi bò vào khoảng sân. Đó cũng là khung thời gian lí tưởng sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nhà nhà cùng thổi cơm, quây quần trò chuyện rôm rả như một liều thuốc tinh thần quen thuộc. Phúc Thiện bước vào phủ, cẩn thận kéo tấm rèm che rồi cất quyển Thánh Hiền lên chiếc kệ. Từng cử chỉ, phong thái ung dung, mang vẻ đĩnh đạc hơn hẳn so với những đứa trẻ tầm tuổi. Mà sự thật là như thế! Tuy còn bé nhưng Thái tử lại vốn tính trách nhiệm, đồ đạc đều được cậu giữ gìn chu đáo. Cậu bé cũng rất kiệm lời, không thường bộc lộ cảm xúc, có khi cả ngày chẳng thấy hé môi.
Bên trong buồng chỉ còn lại ánh lửa hiu hắt thắp lên từ chiếc đèn dầu cũ đã nhuốm màu thời gian. Hoàng hậu ngồi trên giường, tựa lưng vào thành gỗ cứng cáp. Mái tóc dài buông thõng che lấp đôi vai mảnh. Khác với hình ảnh lệnh bà cao quý thường khi, giờ đây người mang dáng vẻ hiền từ - một người mẹ đang xoa đầu con gái nhỏ. Những ngón tay tháp bút khẽ đan vào từng lọn tóc tơ màu đá vỏ chai của đứa trẻ một cách dịu dàng. Bé con nằm im, không nhúc nhích mà cũng chẳng muốn lên tiếng, ngoan ngoãn hệt như một chú mèo đang nằm phơi mình giữa khoảng sân mênh mông ngập nắng.
-Cô mẫu, con cũng muốn nghe!
-Suỵt... lại đây cả nào.
Phúc Thiện đặt người xuống chiếc ghế mây cạnh giường. Từ từ thả lỏng cơ thể như đã cho phép mình nghỉ ngơi.
-Đây là bí mật giữa chúng ta thôi, cho dù thế nào cũng đừng gọi húy của vua nhé!
Hoàng hậu mỉm cười, khẽ dặn dò. Cậu nhóc nhỏ tuổi với làn da hơi ngăm rướn người, gật đầu lia lịa. Cô bé đang nằm lim dim nghe thế cũng đột nhiên mở mắt, đôi con người đen láy thao láo như thể đang chờ đợi điều gì.
-Người kể tiếp chuyện về triều Nguyễn đi ạ!
Hoàng hậu Đông Dương nhìn về phía ngọn lửa đang nhảy múa trên chiếc đèn, rồi người lại cất giọng du dương như hát.
"Sau khi thái tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời, vua Gia Long lúc nào cũng thương tiếc thay cho phận đứa con xấu số, nhưng việc chọn người nối nghiệp trong số mười tám người con trai và hai cháu nội vẫn phải tiếp tục. Theo lệ, ông nghĩ đến Hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán - con trưởng của Hoàng thái tử và Vương cơ Tống Thị Quyên. Cả triều thần lẫn hoàng tộc dường như cũng nghiêng về nhân vật này. Nhưng Hoàng tôn lại quá nhỏ, ông không thể giao phó cơ nghiệp mà mình đã mất bao công sức xây dựng.
Thế mà chẳng hay là do khinh suất hay không hiểu lòng vua mà Tiền quân Nguyễn Văn Thành - một vị đại quan có thế lực trong triều đình lại công khai hậu thuẫn cho hoàng tôn. Hầu hết các quan đều sợ uy, tỏ ra đồng tình, nhưng Thượng thư bộ Lễ Trịnh Hoài Đức gạt đi:"Đây là việc hệ trọng do Hoàng Thượng quyết định. Đình thần ta không nên lạm bàn!"
Chuyện đến tai vua, nhà vua rất tức giận:"Thành muốn lập người nhỏ tuổi để sau này dễ bề chẹn vô họng, vỗ lưng chăng? Ta há tối tăm, nhầm lẫn, không biết đắn đo để nghe lời hắn mà không vì xã tắc chọn người sao?"
Để dò ý Thành, trong một buổi chầu ông gọi riêng vào, ướm ý:"Nay đích tôn của ta là Đán còn nhỏ, trong các con ta, ai xứng đáng làm người kế nghiệp?" Thành tâu:"Theo lẽ nên lập Đán mới đúng. Nay bệ hạ muốn chọn người khác, biết con không ai bằng cha, chúng thần không dám dự bàn!"
Vua Gia Long cho rằng Đán chắc cũng giống bố, từng sống nhiều năm tại Phú Lãng Sa, chịu ảnh hưởng từ Tây phương và đạo Gia Tô, e rằng sau này sẽ sai lầm về đường đi nước bước của quốc gia. Nhà vua lại có ý ghét bỏ Thành, cho rằng cậy công lao khai quốc mà cố tình chống lại mình.
-Người có thấy suy nghĩ đó hơi mơ hồ không?
Phúc Thiện nãy giờ lắng nghe chăm chú bất giác xen ngang vào mạch truyện. Kha Nại đang chìm vào từng lời kể, bị cắt như thế khiến cậu nhóc tỉnh cả người. Hoàng hậu không lên tiếng nhưng ánh mắt người trìu mến như muốn nói:"Còn do con cảm nhận!"
-Cô mẫu, tiếp tục đi ạ!- Kha Nại nài nỉ.
"Trong khi đó, hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Đảm hiện lớn nhất trong số hoàng nam, vì ba người anh cả đã mất. Hoàng tử là người hiếu thuận, chín chắn, chăm chỉ lại cũng không quá ưa phương Tây như cha nên được vua để ý hơn cả. Cuối cùng ông quyết định chọn ngài ấy để nối dõi cơ nghiệp.
Tháng Ba năm Binh Tí, vua Gia Long triệu tập các hoàng thân, đại thần họp tại điện Cần Chánh để hỏi ý về việc chọn hoàng tử Đảm lên ngôi. Các quan nhất loạt quỳ tâu:"Bệ hạ đã quyết định, thật là phúc lớn cho xã tắc. Chúng thần xin hoan mệnh!" Sau đó, ông sai bộ Công gấp rút xây cho tân Thái tử một cung riêng ở phía Đông hoàng thành, gọi là điện Thanh Hòa."
Chợt cô bé An Dạ đang nằm nghe bỗng reo lên, khiến câu chuyện lại bị ngắt quãng:
-Chị Liên từng dẫn con qua đó rồi!
Kha Nại gắt gỏng bằng chất giọng Việt pha lẫn tiếng Chăm:
-Yên nào, để cô Mẫu kể hết đi đã! Anh mất hứng rồi này!
Hoàng hậu mỉm cười:
-Được rồi, ta tiếp tục nhé!
"Ngày mười một tháng Sáu năm ấy, vua Gia Long làm lễ sách lập Thái tử ở điện Thái Hòa, tuyên sách chỉ, trao ấn cho vị hoàng đế tương lai. Làm lễ xong, quan Lễ bộ rước tờ chiếu ra treo lên Phú Văn để thông báo cho dân chúng kinh thành được biết.
Ngày mười ba, hoàng thân quốc thích cùng Tôn nhân phủ đến điện Thanh Hòa làm lễ mừng Thái tử, rồi dâng biểu chúc mừng vua đã có người kế nghiệp muôn đời.
Giờ Tí, ngày mười chín tháng Chạp, vua Gia Long băng hà. Thái tử Đảm lên ngôi, lấy hiệu là Minh Mạng. Tuy đã trở thành chính vị, nhưng tân vương vẫn ám ảnh khôn nguôi bởi sự tồn tại của Hoàng tôn Đán, chỉ kém mình năm tuổi, càng lớn càng tỏ ra đĩnh đạc và quán xuyến công việc. Ông lo lắng vì biết đâu, ngày nào đó dòng đích của hoàng tử Trưởng sẽ nổi dậy, đè bẹp dòng thứ của mình.
Một dịp may đã đến với ông. Năm Quý Dậu, Lê Văn Khôi - con nuôi của Tổng trấn Lê Văn Duyệt ở Gia Định làm phản, tự xưng là Đại nguyên súy, đặt các quan chức như một triều đình riêng. Chỉ trong một tháng mà đã chiếm được sáu tỉnh Nam Kì. Để tạo danh nghĩa, hắn tuyên bố mục đích là giành lại ngôi vương cho dòng trưởng của Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh nhưng lại không biết rằng ấy là cái cớ để vua Minh Mạng loại bỏ đối thủ đáng ngại nhất. Trước khi mang quân đánh dẹp Lê Văn Khôi, ông kết án dòng Trưởng đã tư thông với giặc nên ra lệnh hạ sát cả các cháu lẫn chị dâu - vợ của Hoàng thái tử. Kết thúc cả dòng trưởng."
Thái tử Phúc Thiện lầm bầm:
-Khác máu tanh lòng. Đều cùng một nhà mà tàn sát lẫn nhau!
-Vậy nếu con rơi vào trường hợp của Hoàng tôn thì con nghĩ sao?
Thái tử im lặng trầm ngâm. Quả thực cho dù trông trưởng thành đến đâu thì trong đầu óc non nớt của một đứa nhóc, cậu chưa hề nghĩ đến điều này. Ngập ngừng một lát, cậu bé cất tiếng:
-Con cũng chẳng biết nữa! Các chị đối xử với con rất tốt, con nghĩ sẽ không có trường hợp ấy đấu!
Hoàng hậu mỉm cười kì lạ, ánh mắt hiện lên vẻ khó nói. Cô bé An Dạ đã chìm sâu vào những giấc mơ tự bao giờ. Người dỗ Kha Nại đi ngủ rồi đắp chăn cho Phúc Thiện. Vẻ mặt cậu bé vẫn còn đăm chiêu như đang suy tư điều gì. Hoàng hậu nhẹ nhàng hỏi:
-Con đang nghĩ gì vậy?
Thái tử thở dài:
-Nếu Hoàng đế Gia Long có linh thiêng, ở nơi chín suối không biết ông sẽ vui hay buồn đây? Ông hài lòng về sự "quyết đoán" của người con thứ tư, hay xót thương cho phận hẩm hiu của người con cả, chết rồi mà vợ con vẫn bị vạ lây!
Bên ngoài, tiếng ve kêu không ngớt sau những tán lá lúp xúp mọc sát mép sân.
______________________________________
(*)Tài liệu: Sử Ta Chuyện Xưa Kể Lại Tập 4
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top