Chương 17: Chuyến thăm không hẹn trước (P2)
Người hỏi thế thôi chứ thực chất đã biết trước câu trả lời, người chỉ muốn xem cô sẽ bày tỏ nó như thế nào. Thái độ dò xét của Thái hoa khiến Thanh Liên không nghi hoặc gì nhiều mà nói:
-Trong thời gian cai trị của ngài Thiệu Trị, tư tưởng chế độ Khổng giáo đã đạt đến điểm cực thịnh, nó được coi là điều căn bản của vương quyền và tổ chức hành chính. Nghe thì có vẻ tốt nhưng càng ngày cháu lại cảm thấy nó càng không đúng!
Thái hoa chỉ khẽ gật đầu, người im lặng, ra hiệu cho Thanh Liên tiếp tục nói. Buông ly trà xuống, cô tiếp lời:
-Nhưng mà, những dấu hiệu của sự rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện, cháu hoài nghi nó đã xuất hiện từ thời vua Minh Mạng, hay thậm chí là lâu hơn như thế. Sự rạn nứt này cháu nghĩ rằng nó gây nên bởi sự căng thẳng trong xã hội và ngày càng trở nên trầm trọng khi ngài Tự Đức lên ngôi. Các cuộc nổi loạn của nông dân dồn dập xảy ra. Tả tham tri bộ Công Trương Quốc Dân đã phải viết trong bài sớ dâng lên hồi vua Tự Đức mới lên ngôi rằng:"Tài lực trong dân, so với năm trước mười phần kém đến năm, sáu". Nó dẫn cháu đến một nghi vấn rằng: có lẽ triều đại này thực sự sẽ sụp đổ nếu như không có sự can thiệp của người Pháp. Chính nó đã cứu triều đại này một cách ngẫu nhiên. Nạn đói đã xảy ra ở những tỉnh nghèo đông dân cư mà lại còn hay gặp tai ương thời tiết. Điển hình là ở Bình Định và Phú Yên. Các tỉnh miền Bắc thì có nhiều mỏ, nhưng nó lại được sử dụng phần lớn cho mục đích thuế khóa. Sự phát triển của hủ công nghiệp còn bị hạn chế bởi chế độ cưỡng trưng, những người thợ khéo thường bị trưng dựng đến làm việc tại các xưởng chế tạo của chính quyền, trả lương thì ít mà kỷ luật lại là kỷ luật nhà binh. Vì thế mà họ phải giấu nghề, ít dám trổ tài. Cháu đã từng rất tự hào khi có thể sinh ra ở nơi này, nhưng thực sự thì... liệu rằng cháu đã sai lầm? Và rằng đáng ra triều đại này không nên tồn tại ngay từ đầu?
Bà Nguyễn lắng nghe, chốc chốc lại liếc nhìn ra ngoài cửa như đang suy nghĩ điều gì. Những bông hoa đào đầu tiên đã nở thật đẹp dưới nắng. Nghe xong câu hỏi của Thanh Liên, người cũng chẳng nói gì mà chậm rãi uống hết li trà trước mặt. Khi đã đủ thỏa mãn trong tâm trí lẫn thể xác, người mới chậm rãi nói bằng tông giọng nhẹ nhàng thường khi, nhưng lần này lại có cảm giác giọng nói đó rất thoải mái cứ như đang tận hưởng niềm vui của một buổi tiệc trà đơn thuần vậy.
-Đương nhiên là ta không phản đối suy nghĩ của người, hoàng nữ ạ! Ta vốn cũng đã biết trước rằng triều đại này sẽ không tồn tại được lâu, ta đã xét kĩ rồi! Nhưng lí do mà ta lật đổ Tây Sơn thì chẳng vì cái gì cả!
Thanh Liên mở to tròng mắt, định lên tiếng thì Thái hoa Nguyễn đã xen vào:
-Cuộc chiến đó vốn từ đầu đã không dành cho ta rồi, nhưng ai biết được? Cảm giác mà một ngày nào đó lại nắm được quyền lực trong tay thực sự nó rất khác. Nhiều lúc người sẽ cảm thấy khó hiểu vì họ làm những chuyện vô nghĩa nhưng chẳng vì cái gì cả!
Nói đoạn, người lại chăm chú quan sát từng biểu cảm thay đổi trên gương mặt Thanh Liên. Người ngẩng cao đầu, nói tiếp:
-Trở về với câu hỏi ban nãy của người, tình hình nước ta hiện nay thì ta không dám nhận bản thân mình là kẻ rõ nhất! Nhưng ta sống ở đây, sống cùng người dân nên ta cũng hiểu ít nhiều. Nước ta vẫn còn trong giai đoạn kinh tế đóng chặt vào khung cảng của các làng, xã. Tuy nhiên, bên cạnh sự sản xuất nằm trong phạm vi tự cung tự cấp như vậy thì vẫn có sự hoạt động trong nền kinh tế của các địa phương. Nhờ thế mà đã xuất hiện những vùng có cá tính riêng biệt như miền châu thổ Sông Hồng, miền từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đến Bình Định sản xuất mía và dầu lạc với những hải cảng nhỏ. Miền châu thổ sông Cửu Long với những sắc thái đa dạng của một xã hội pha trộn,... thế nhưng vẫn phải thừa nhận rằng nông nghiệp vẫn là nguồn cung chủ yếu. Chính sách kinh tế nhà Nguyễn chỉ chú trọng đến việc chấn hưng và khuếch trương nông nghiệp. Song, nông nghiệp vẫn lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Đáng lý ra chúng ta nên nhờ vào các hoạt động công nghệ và thương mại nhưng nhà chức trách lại chỉ lẩn quẩn trong một thái độ khinh bỉ gần như tổng quát với các nghề không được coi là bản nghiệp!
Thanh Liên kinh ngạc khi nhận ra rằng: tuy Thái hoa đã không còn ở trong cung nhưng người lại nắm rất rõ tình hình chung của toàn bộ đất nước và còn hiểu rõ chính quyền đang khúc mắc điều gì, biết cả giải pháp khắc phục. Nhưng người lại là nữ giới - những người chẳng có nhiều tiếng nói trong cung. Bỗng nhiên, cô lại có suy nghĩ phải chăng Thái hoa Nguyễn đã nhận ra bản chất của triều đại này và tất cả những gì bà ấy làm chỉ là để thỏa mãn trí tò mò của bản thân và để mặc cho việc gì xảy ra? Thái hoa Nguyễn như đọc được suy nghĩ của cô, người chỉ nhẹ giọng:
-Người cứ cho ta là một kẻ vô tư đến mức tàn nhẫn cũng không sai, vốn dĩ ta đã như thế rồi: hời hợt và mặc kệ mọi thứ. Nhưng thay vì lên tiếng phản đối thì ta chọn cách đối mặt với nó bằng tất cả những gì mình có. Thế giới này là vậy, không phải bao giờ lời người nói thì sẽ có kẻ lắng nghe đâu!
Thanh Liên trầm ngâm một lúc lâu. Cô nhìn về phía cành cây ngoài cửa sổ. Một lát sau, như đã suy tính rất kĩ, cô hỏi lại:
-Còn câu hỏi của cháu? Người vẫn chưa trả lời!
Thái hoa Nguyễn lắc đầu, người bật ra tiếng cười nhè nhẹ xen với tiếng thở dài:
-Ồ, không! Ta không thể trả lời câu hỏi cho suy nghĩ của người khác được! Chính người sẽ phải tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Mà có khi nó đã đã có sẵn trong tiềm thức của người rồi đấy!
Thanh Liên nín thở trong giây lát, chợt cô đứng lên, mỉm cười:
-Cháu rõ rồi ạ!
Thái hoa không nói gì, cũng lơ đễnh nhìn ra bên ngoài. Cô tạm biệt Thái hoa, định ra về thì như nhớ ra điều gì, cô đứng lại, nói với người:
-Ừm... người cũng là họ hàng của con, lại hơn hẳn con về vai vế nên đừng gọi con là hoàng nữ ạ! Tên thật của con-
Chưa kịp nói dứt câu, Thái hoa Nguyễn đã cắt ngang:
-Là Việt Nam, tự là Thanh Liên. Ta biết chứ, ta chính là người đã đặt cho con cái tên đó!
Thanh Liên sững người lại, tròn xoe mắt trước câu nói của Thái hoa. Thái hoa đứng dậy, tiến về phía giường. Người vừa nói:
-Lần sau lại đến nhé!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top