Chap 15: "Mày sợ ổng biết hả?"
Mới sáng sớm, khi những cánh cửa của các dãy phòng trong khu ký túc xá nam còn chưa mở thì những người ở sát vách nhau đã nghe tiếng chửi văng vẳng từ các phòng bên:
- Tao đã bảo giặt áo mới thì giặt riêng! Nhét vô chung máy giặt chi giờ ra màu dính áo tao!
- Ủa thằng này ngộ. Áo trắng thì mày tự đem đi giặt, mắc gì nói tao? Bỏ chung thau đồ dơ bố thằng nào biết!
- Rồi thằng nào thó đôi vớ tao treo ngoài ban công?!!
- Mất 10 đồng tiền ăn sáng rồi, chẳng lẽ sáng nay gặm dép đi học?
- Có mẹ gì mày làm xồn xồn lên thế. Mới sáng sớm...
Mới sáng sớm tình hình đã thế này đây. Cũng chẳng biết ai chửi ai nữa, ở đây hỗn tạp quá.
Taiwan nghe mấy tên phòng bên kia chửi nhau cũng quay sang hỏi South Korea:
- Mày giặt quần áo trắng của tụi tao riêng mà đúng không?
South Korea trầm ngâm xoa cằm một lúc, rồi đáp:
- Chắc vậy.
- Chắc vậy là chắc thế nào?
- Mày phải tin tao chứ! Tao đâu phải đứa ngu không biết xài máy giặt!
West Germany bước ra khỏi nhà vệ sinh đúng lúc nghe câu này, liền nói:
- Mày là đứa đổ nước lau nhà vào thay vì nước giặt xả.
Bị nhắc lại chuyện cũ, South Korea đỏ mặt tía tai:
- Có chuyện nhắc hoài. Lúc đó tao không để ý!
South Vietnam vừa kết thúc buổi chạy bộ buổi sáng, trở về ký túc xá. Lúc mở cửa phòng bước vào, nghe có lớn tiếng liền đoán ra đang có cãi cọ, hắn hỏi:
- Lại gì nữa đây?
South Korea thấy South Vietnam bước vào lập tức chỉ vào Taiwan, mách hắn:
- Taiwan cứ lôi chuyện tao dùng sai nước giặt giặt đồ!
À ra là chuyện đó. South Vietnam gật gù:
- Đó là câu chuyện cảnh tỉnh, cần phải nhắc đi nhắc lại để thế hệ sau học hỏi và phòng ngừa.
Mẹ nó, giờ đến cả thằng bạn chí cốt cũng theo phe ức hiếp anh! South Korea giãy đành đạch như con nít:
- Chúng mày bắt nạt tao!
South Vietnam cười hề hề, cất bình nước và túi xách vắt hông mang theo, xách quần áo đã chuẩn bị sẵn trên giường vào phòng tắm tắm rửa, tất cả đều đúng quy trình như thường lệ.
Lại một ngày mới bắt đầu, chỉ có điều hôm nay đặc biệt hơn những ngày khác. Hôm nay chính là ngày nhập học khóa mới của trường bọn South Vietnam.
Khi đã vận đồ xong xuôi, South Vietnam lại đi pha cà phê cho cả bốn người. Trong phòng ký túc xá không có sẵn máy pha cà phê. Lâu lâu sẽ có đứa lười pha thì thuận mồm đòi mua một cái cho tiện, nhưng cứ mỗi lần liếc thử giá là cả đám rén gần chết. Thôi, thôi, giá một cái máy nhỏ xíu như cắt cổ ấy, mình tự pha cà phê cho nó lành.
South Vietnam cầm mấy ly cà phê mới pha bước ra đưa cho Taiwan và West Germany, rất chu đáo mà pha đúng khẩu vị mỗi người - Taiwan chuông cà phê nhiều sữa và thêm trân châu, West Germany ưa cà phê đen đặc còn nóng hổi.
Đến lượt South Korea, thấy anh vẫn còn hậm hực, hắn thân thiện vỗ lưng anh chàng:
- Này, sao mày cau có thế? Tụi tao nào dám ăn hiếp chàng công tử quyền quý như mày chứ? Thôi tao pha cho mày ly cà phê sáng rồi đây, uống đi.
Nghe chẳng biết là hắn đang an ủi hay chửi xéo nữa. Nhưng mùi cà phê đen thơm phức thế ai mà từ chối nổi. South Korea nhận ly của mình, hớp một ngụm. Mùi cream béo ngậy phết bên trên thật sự khiến anh tinh thần phấn chấn hẳn lên.
Taiwan vừa nhai trân châu vừa khen ngợi:
- Cần gì phải tốn tiền mua cà phê ở căn tin khi chúng ta đã có SV. Thằng này pha là chỉ có ngon nhức nách, đúng là bartender chuyên nghiệp! Mày nên bảo sếp tăng lương là vừa.
South Vietnam cười xua tay:
- Pha cà phê thì đứa nào chẳng pha được. Chúng mày phải cảm ơn WG đã mang mấy bịch cà phê thượng hạng từ nhà nó lên.
West Germany nghe cà phê nhà mình được khen cũng thinh thích, dù y cố làm ra vẻ bình thường:
- Cảm ơn cái gì. Uống lẹ đi rồi mình đi học.
Nhớ đến lịch học của hai tên bạn, Taiwan rùng mình:
- Chả hiểu sao hai thằng này toàn đăng ký toàn mấy tiết đầu ngày, thích tự hành hạ à?
South Korea cũng thêm vào:
- Để dành buổi sáng ngủ nướng không tốt hơn sao?
South Vietnam cười nhăn nhở:
- Việc mình ghét nên làm trước tiên, sau đỡ phải làm.
Nghe hắn trả lời như thể đó là điều đương nhiên, Taiwan lắc đầu:
- Từ chối hiểu triết lý của mày. Nhất là SV, cái thằng chuyên dậy sớm đi chạy bộ còn ráng học buổi sáng cho mệt người thêm.
West Germany "hừ" một tiếng khinh thường:
- Chúng mày chỉ có lười biếng thôi. Bọn tao đi đây.
- Mà trưa có ăn với tụi tao không? - Taiwan rủ rê. - Cả đám cùng nấu ăn trong phòng, khỏi phải đội nắng ra ngoài.
West Germany mở điện thoại ra xem thời khóa biểu, đáp:
- Tầm mười hai giờ tụi tao tan tiết cuối, chắc về kịp bữa.
South Vietnam còn dặn dò thêm:
- Trong tủ còn mấy củ khoai tây dư. Trước giờ tụi tao về hai đứa mày nhớ rửa sạch, gọt vỏ rồi luộc trước, giỏi thì nghiền luôn. Tao về sẽ làm gà sốt cay ăn chung.
Taiwan cười ha hả:
- Gà sốt cay pha ke thì có! Lại trộn mấy bịch tương cà, tương ớt nữa hả?
- Tao làm gà chiên cho chúng mày là làm ơn lắm rồi đó. Chứ bình thường tao nên cho chúng mày ăn mì gói.
Bình thường cả đám không mấy khi ăn sang vậy đâu, nhưng hôm nay là ngày đầu tiên đi học nên chịu chơi một tí.
South Vietnam nhìn sang South Korea, lại quay lại nhắc Taiwan:
- Mày ở nhà nhớ canh thằng SK, đừng để nó nấu nước sôi mà cháy luôn cái nồi.
Lại nghe South Korea la lên:
- Bộ không khịa tao là ông tổ mày trồi lên bóp cổ mày à?
South Vietnam cười nhe răng:
- Nói cho chắc.
Dặn dò đâu đó xong xuôi, hắn và West Germany xách ba lô cặp táp rời khỏi phòng. Lẽ ra họ không cần đi sớm vậy đâu, nhưng vì hai người phải ra ngoài trường mua hai ổ bánh mì ăn sáng nên phải tranh thủ trước.
Bốn chàng sinh viên đã ở ký túc xá khoảng ba tháng hè, ít nhiều gì cũng đã quen đường đi nước bước trong trường đại học. Nếu nhà trường có thể xây dựng hai khu phòng ở cho nam và nữ, thì nghĩa là khuôn viên không thể nhỏ được, lú lẫn tí là lạc như chơi. Muốn cắm cọc ở đây cho tới khi tốt nghiệp thì không thể không biết tự định hướng đường đi nước bước cho mình.
Trong cả nhóm, South Vietnam và West Germany có thời khóa biểu trùng nhau nhiều nhất, nên South Vietnam không phải lo đi lạc, có gì chỉ cần bám áo thằng bạn chờ nó dẫn đường là ổn cả thôi. Hắn vừa gặm gặm bánh mì vừa ngó màn hình điện thoại West Germany. Trên màn hình hiển thị bản đồ phòng học trong trường, hắn hỏi bâng quơ:
- Hình như tiết này mình học giáo sư mới vào phải không? Tao nghe bọn phòng bên đồn.
West Germany gật đầu:
- Nghe nói là một trong những nhà đầu tư của trường, sau khi về hưu thì được mời về dạy cho khoá bọn mình.
South Vietnam nghi ngờ:
- Dân kinh doanh mà mời đi dạy tâm lý có hơi "ngược đường" không?
West Germany nghiêng đầu sang cười với hắn:
- Đừng coi thường người giàu, mày. Khi vừa có tiền bạc vừa có thời gian, muốn học thêm bao nhiêu bằng cấp chả được.
- Thậm chí mua bằng cũng không thành vấn đề, đúng không? - South Vietnam thêm vào.
West Germany không để ý thái độ ngả ngớn của bạn mình, lôi cổ hắn vào phòng giảng đường nơi hai người sẽ học.
Lúc này hãy còn sớm, giảng đường chỉ mới có vài cô cậu sinh viên ngồi rải rác khắp các dãy bàn, khiến căn phòng vốn đã rộng rãi nay càng thêm cảm giác thênh thang. Các tân sinh viên hầu hết không quen biết nhau, hiếm lắm mới có vài người chơi thân từ hồi cấp ba cùng thi vào chung đại học mới ngồi san sát thành nhóm nhỏ để trò chuyện.
Mặc dù chỗ ngồi để chọn thì có vô số, South Vietnam và West Germany vẫn tính là người quen, ít nhất có thể dùng danh phận "bạn cùng phòng ba tháng" để ngồi cùng nhau. Hai người ngồi ở dãy chính giữa, không quá cách xa để chẳng thấy gì, cũng không quá gần để bị giảng viên nhìn chằm chằm.
Yên vị tại chỗ rồi, South Vietnam lấy cuốn tập ghi chép và bút viết ra, theo thói quen hồi học phổ thông. Sách giáo trình chương trình sẽ được phát cho bọn họ sau. Trong khi đó West Germany còn lôi ra một cái máy ghi âm mới toanh.
Thấy vậy, South Vietnam bĩu môi:
- Lát nữa phòng đông đúc ồn ào, mày không ghi âm được giảng viên nói gì đâu.
West Germany vẫn rất tự tin, giơ cái máy nhỏ cho hắn nhìn rõ nhãn hiệu trên đó:
- Giảng viên sẽ dùng micro nói, đủ lớn mà. Với lại máy của tao hàng xịn, có thể lọc được tạp âm.
South Vietnam mỉa mai đùa giỡn:
- Ai biết được, nhiều khi đám sinh viên nói chuyện còn lớn tiếng hơn cả giảng viên, thành ra bài giảng lại trở thành tạp âm.
- Sinh viên rồi, còn ai lại nghịch ngợm như con nít chứ?
- Tụi mình là sinh viên năm nhất, WG, nhiều đứa chưa dứt khỏi tính cách như hồi cấp ba đâu.
- Chưa vào học mà mày đã giở tài "đoán tâm lý" rồi.
Dù không tin chuyện máy ghi âm của West Germany thật sự "xịn" như y nói, South Vietnam vẫn ghé vào, mặt dày xin xỏ:
- Cơ mà nếu ghi âm được thì cho tao nghe ké với nha.
- Tự mày ghi âm mà nghe.
- Không phải ai cũng có phụ huynh đầu tư chỉnh chu như mày.
Không lâu sau, đã có thêm nhiều người chen chúc đi vào phòng. South Vietnam khá ngạc nhiên khi vẫn có nhiều sinh viên chọn lịch học vào đầu ngày như hắn. Học tiết sáng đồng nghĩa với việc phải dậy sớm, dù bản thân hắn không ngại thì cũng đâu mấy ai đủ siêng để ngày nào cũng chạy đua với mặt trời chứ? Khâm phục những kẻ dũng cảm này. Rồi xem coi sau hai tuần bao nhiêu đứa sẽ bắt đầu đi trễ hoặc trốn tiết để được ngủ nướng thêm vài phút.
Gần tám giờ, khi phòng đã sắp sửa lắp đầy, có một người đàn ông một tay xách theo cặp táp da, một tay cắp theo chiếc máy tính sải bước vào. Cả phòng đang xôn xao rôm rả tức thì nín thính, đến mức từ chỗ South Vietnam đang ngồi còn nghe thấy văng vẳng tiếng giẫm đều đều của đế giày lên sàn nhà, những bước chân khoan thai điềm tĩnh. South Vietnam và West Germany mím môi nhìn nhau, cùng lúc với toàn bộ sinh viên ở đây, ngầm hiểu đó chính là giảng viên.
Y có vẻ trạc tuổi trung niên, dáng người cao ráo, khỏe khắn, không hề có bụng bia dầu mỡ như tưởng tượng của mọi người. Tóc trắng xoá như làn tuyết mùa đông, được chải gọn gàng lịch sự, không hề vuốt ra sau bằng keo dưỡng. Gương mặt đã in hằn nếp nhăn của thời gian, dấu chân chim lộ ra rõ rệt ở đuôi mắt với đôi đồng tử mang sắc xanh của bầu trời.
Khi nghe danh phận là "nhà đầu tư" của trường, South Vietnam cứ tưởng người này sẽ ăn mặc sang trọng, com lê áo vest gì đó, mang khí chất bề trên khiến lũ sinh viên còn xanh như cỏ non phải tự giác răm rắp nghe lời. Nhưng hoá ra không phải vậy, y chỉ vận sơ mi ca rô xanh trắng bình dị, trang phục đơn giản khiến y trẻ trung hơn.
Huh, sở thích của người nhà giàu thật kỳ lạ. South Vietnam chỉ chậc lưỡi nghĩ vậy rồi không để ý tới giảng viên nữa, cầm bút chưa bấm vẽ nguệch ngoạc không ra hình thù trên trang giấy. Miễn người này tính tình thoải mái, rộng lượng trong việc cho điểm chút, còn lại không quan trọng.
Giảng viên tao nhã đặt đồ đạc tại chỗ ngồi cạnh bảng lớn, chuẩn bị cho tiết học đầu tiên. Y bắt đầu mở laptop lên, cắm đầu nối với máy chiếu, từ đầu đến cuối không nói một lời với ai. Thật ra y có nói thì không phải ai cũng nghe rõ từ xa, trừ phi y dùng micro.
Thấy giảng viên mới phong thái điềm nhiên quá, nhiều người bắt đầu thì thầm rỉ tai nhau. Y là ai nhỉ? Có người biết đây là nhà đầu tư của trường thì giải thích cho nhau nghe. Những lời đồn đại bát đầu lan ra khắp giảng đường, giọng nói mỗi người càng lúc càng táo bạo, nói chuyện về giảng viên chẳng chút kiêng dè nữa. Giảng viên không biết có biết mình đang bị đem ra làm chủ đề bàn tán không, vẻ mặt thế mày vẫn một cảm xúc lắng đọng như mặt hồ mùa thu, càng nhìn South Vietnam càng thấy giả tạo dễ sợ.
- Ổng bị điếc thật hả mày? - South Vietnam hích vai West Germany. - Bọn dãy bên kia cười hô hố to thế mà chẳng nói gì.
- Chắc ổng coi tụi mình là con nít. Người lớn thì chỉ xem con nít cười cợt như trò đùa, chẳng buồn bỏ vào mắt.
- Ùi... ổng hạ thấp mình thế cơ à. - South Vietnam nhìn lại giảng viên.
West Germany giải thích như thể y rất rành rọt chuyện "làm người lớn":
- Không phải hạ thấp, mà là không buồn để ý. Khi mày đã trải qua nhiều chuyện rồi thì lời ra tiếng vào của thiên hạ chẳng hề quan trọng như mày từng nghĩ.
South Vietnam ngả đầu sang:
- "Cụ" giải thích cặn kẽ ghê.
- Cụ cụ con mắt mày á.
- Dạ, con xin lỗi cụ.
Trên bảng lớn hiện lên trang mở đầu của bài thuyết trình. Giảng viên lúc này mới cầm chiếc micro nãy giờ đặt trên bàn, bật công tắc. Y chỉnh lại âm thanh vừa đủ, thử giọng:
- Alo, các em nghe rõ tôi nói không?
Giọng y trầm lắng mà rõ ràng, qua micro không bị thay đổi nhiều. Vài sinh viên ngồi hàng đầu gật đầu. South Vietnam vẫn đang lơ đễnh vẽ bậy không ra hình trên vở, tai vểnh lên nghe lời được lời không.
- Xin chào các anh chị. Tôi là France, giáo sư đảm nhiệm cả năm của bộ môn...
Đầu bút đang vẽ một đường tròn vô hình chợt dừng phắt lại khi hắn nghe thấy lời giới thiệu qua tiếng micro vọng lên từ bục giảng. South Vietnam đã không còn nghe rõ những lời sau đó hay những tạp âm trong phòng, bên tai chỉ còn tiếng thình thịch tim đập.
Hắn hoàn toàn chết lặng trước cái tên quen thuộc, cái tên mà ngàn vạn lần hắn không bao giờ nghĩ có thể nghe thấy ở đây. Mãi đến khi giọng kinh ngạc của West Germany phá tan sự đông cứng trong đầu hắn mới tỉnh lại:
- France? Tao có nghe nhầm không?
South Vietnam còn chẳng dám nhìn lên, hắn đã cố giữ vững chính mình nên West Germany không nhìn ra được tâm trạng hắn, cứ tiếp tục hỏi:
- Có phải là cái ông chị Spain kể lúc mình nhậu ở chỗ chị ấy không nhỉ?
Mặc dù rất muốn tự mình lừa dối mình, nhưng South Vietnam biết hắn không thể. Hắn nuốt nước bọt, khó khăn đáp:
- Chắc là ổng.
Chắc chắn luôn chứ chắc là cái nỗi gì! Trên đời này chỉ có một người tên France, và đó chính là người đàn ông trung niên trên bục giảng kia.
West Germany gật gù:
- Trái đất nhỏ thật, không ngờ cấp trên mày lại trở thành giảng viên của tụi mình.
South Vietnam cắn môi, tay cầm bút hơi siết chặt.
France.
Con mẹ nó France.
Đây là người giám hộ hợp pháp của America, gã đàn ông mà hắn đang có quan hệ FWB cùng. Mới đây thôi, hắn mới biết y còn là bạn bè với đàn chị của hắn là Spain. Còn bây giờ, gì đây, sao giờ lão già đó lại là giảng viên cả năm của hắn?! Không thể tin được.
Thấy thằng bạn bên cạnh cứ chốc chốc liếc nhìn giảng viên, rồi lại chúi mũi vào cuốn tập trống không trước mặt, West Germany khó hiểu:
- Mày làm sao vậy?
South Vietnam lắc đầu nguầy nguậy:
- K...Không. Không có gì.
Y không nên biết. Không ai nên biết chuyện này.
West Germany nhìn trở lên phía bục giảng. Ông giáo sư trên kia vẫn đang giới thiệu chính mình. Y thừa nhận giảng viên trông cũng ưa nhìn đấy - thậm chí có vài cô nàng sinh viên đang trầm trồ trước vẻ đẹp bất chấp tuổi tác - dù vậy y không hiểu ở người này có gì khiến South Vietnam tỏ ra căng thẳng đến thế.
Nghĩ một lúc, chợt đoán ra điều gì, West Germany lại quay sang thì thầm hỏi hỏi:
- Mày sợ ổng biết hả?
- Biết cái gì? - South Vietnam thấp giọng hỏi lại, giọng khản đặc dù ở vẻ ngoài hắn đã dùng hết sức bình sinh để tỏ ra bình tĩnh.
West Germany nhướng mày:
- Ổng có biết mày làm cho nhà hàng ổng không?
- Không đâu, ổng đã rút khỏi chức vị điều hành rồi mà. - South Vietnam gấp gáp nói, vô thức lắc lắc cây bút trong tay. - Ổng cũng chẳng bao giờ xuống chỗ nhân viên, làm gì biết mặt tao!
Vừa dứt lời South Vietnam suýt tự cắn lưỡi. Lúc giải thích cho West Germany, hắn như đang hoảng hốt cố trấn an cho chính mình, vô tình giọng hắn hơi nâng cao, suýt thì đã thu hút sự chú ý của giảng viên. Cũng may nhờ giảng đường có hàng ghế xếp từ thấp lên cao, phòng lại đông sinh viên, nên South Vietnam vẫn trà trộn thoát được.
Ánh mắt của France chỉ lướt qua hàng ghế mà South Vietnam đang ngồi, rồi rời đi nhìn chỗ khác:
- Như vừa rồi tôi nói, điểm tổng kết của các anh chị bao gồm điểm dự án và thi cuối kỳ...
Thoát được rồi, South Vietnam thở phào, miệng lí nhí:
- Ổng sẽ không nhận ra đâu. Chỉ cần không tiếp xúc gần là được.
Thấy bạn mình nói vậy, West Germany cũng không ép nữa, quay trở lại với phần ghi chép dang dở của mình. Đúng là y chưa từng nghe hắn có giao du với sếp trên của mình, nhưng làm gì mà cuống lên thế? Hay có lẽ tình thế cấp trên (đã từng là cấp trên, lão ta đã nghỉ hưu rồi) đột nhiên trở thành giảng viên hơi khó đỡ cho South Vietnam, nên hiện tại hắn còn sốc? Ừm, có thể chứ. Y thấy giải thích như vậy cũng có lý.
Tất nhiên West Germany không biết South Vietnam không kể với y có một lần France và hai người con nuôi xuống nhà hàng hắn làm việc để uống rượu.
Bây giờ mới nhớ, South Vietnam chỉ mới gặp France đúng một lần, là hôm xảy ra sự cố ở nhà hàng. Thậm chí y còn chưa nhìn rõ mặt của hắn, lấy gì mà nhớ ra chứ. Y cũng không rảnh mà tìm hiểu hắn, một trong số rất nhiều sinh viên, để phát hiện ra mối quan hệ mờ ám giữa hắn và con trai nuôi. America thì sẽ càng không chủ động nói cho y biết quan hệ bạn giường của hai người họ, người thân thì người thân, chuyện sinh hoạt cá nhân vẫn là chuyện riêng tư.
Nghĩ đến đây, South Vietnam mới dần đặt ngòi bút xuống trang tập, điều chỉnh hơi thở nhỏ lại, liên tục tự nhắc đi nhắc lại một điều hắn đã thuộc nằm lòng. Hắn cũng tự trách mình vì sự hồ đồ. Trước đây hắn là một người vô tư tự tại, không chuyện gì có thể làm hắn mất bình tĩnh dễ dàng. Chưa bao giờ hắn nghĩ mình sẽ rơi vào một tình huống khiến bản thân áp lực như thế này - hắn bị đặt vào vị trí bị động, là kẻ bị doạ.
Cứ như thế này mãi thì không được. Hắn phải lấy lại quyền chủ động của mình. Hắn không thể để mọi chuyện xảy ra với hắn. Suốt ngày có tật giật mình là sẽ có ngày bị lộ, suốt ngày làm con chuột bị doạ chết khiếp là có ngày mất mạng thật. Hắn phải tính toán lại kế hoạch.
Tất nhiên, South Vietnam vẫn có thể chấm dứt quan hệ với America ngay khi biết nguy cơ bị bại lộ của hai người bọn họ. Nhưng... nghĩ tới một triệu năm mình nhận được lần trước, hắn không nỡ lòng. Hắn thích tiền. Mà America lại có tiền, và hắn rất dễ kiếm tiền từ gã. Ngu gì hắn bỏ qua cái mỏ vàng ấy! Cái đường giới hạn cho những việc South Vietnam có thể làm vì tiền vốn đã không nhiều, đôi lúc lòng tham còn khiến nó mờ nhạt.
Chút khó khăn này thì có là gì chứ! South Vietnam hắn có lúc nào mà không có cách giải quyết đâu! Biết nói vậy thì nghe tự mãn lắm, nhưng đôi khi ngạo mạn tí giúp chúng ta lấy lại tự tin và tĩnh tâm.
Hít thở, hít thở. Sẽ không sao cả.
South Vietnam hoảng cũng nhanh mà tỉnh cũng nhanh, đã lấy lại đầu óc của mình. Nếu đã nghĩ thông suốt rồi thì chuyện này tạm thời gác sang một bên, giờ hắn cần lo chuyện học hành đã.
Hắn bấm mở bút mực, từ đầu tiết đến bây giờ đây mới là lần đầu hắn mới bấm mở nó, và bắt đầu ghi chép.
À, giờ đến phần giới thiệu môn học rồi.
Mong là năm nay thang điểm không quá khó nhảy.
.
.
.
Một tiếng đồng hồ trôi qua vừa chóng vánh vừa chậm chạp lạ thường.
Tan tiết, South Vietnam và West Germany sắp xếp tập sách, vác cặp táp rời khỏi chỗ ngồi. South Vietnam hít vào hơi sâu, nắm chặt lấy dây đai ba lô, lủi thủi đi theo sau tên bạn của mình xuống cầu thang. Dù đã trấn tĩnh lại rồi, hắn vẫn hơi e dè khi đi xuống giảng đường, vì cửa ra vào phòng nằm ngay cạnh bàn giảng viên.
Không được.
Hắn không thể để mình hèn nhát thế này được!
South Vietnam ưỡn thẳng người lên, mắt nhìn mũi, môi mím chặt, từng bước vững vàng đi xuống bậc thang. Trong đầu hắn còn tự chế giễu mình đang đi như bộ đội bộ hành, thật nực cười.
Lúc đi ngang qua bàn giảng viên, South Vietnam vẫn cố giữ cho mắt nhìn về phía trước, hướng về cánh cửa ra vào, không hề liếc sang người đàn ông trung niên kia dù chỉ một lần, dù một bên mặt hắn thấy nóng ran vì sự hiện diện không thể tránh khỏi của y.
- Này cậu kia.
South Vietnam suýt thì giật thót khi nghe tiếng gọi. Hắn hơi nghiêng mặt sang một bên, nhìn qua khóe mắt. Tim trong ngực đánh lô tô, dạ dày hắn cồn cào khó chịu.
Lẽ nào bị phát hiện rồi?
Khi nhìn kỹ lại, chợt thấy France đang nói chuyện với một nam sinh viên khác. Y không hề nhìn hắn dù chỉ một lần, cứ mãi bàn bạc với cậu ta kia về vấn đề gì đó.
Ô. Vậy ra hắn nhầm.
South Vietnam tự cười mình ngốc nghếch, chợt thấy lòng nhẹ hẫng đi.
Lại nghĩ nhiều! Lão ta làm gì biết hắn chứ!
Hắn nhanh chân chạy ra trước, nhắm mắt nhắm mũi thế nào tông sầm vào lưng West Germany.
- Oái! Cái tên này! - West Germany quay sang cau mày.
- Xin lỗi, xin lỗi! - South Vietnam cười trừ cho qua chuyện. - Ở đây đông quá tao không thấy mày.
Lúc hai người chen chúc ra khỏi cửa phòng, France đã nói chuyện xong với cậu sinh viên kia, thả cho cậu ra ngoài. Lúc nhìn theo cậu ta, France chợt để ý một quả đầu mang mái tóc vàng cột thành một nhúm nhỏ ở gáy. Kiểu tóc đó vốn chẳng có gì đặc biệt, nếu y không chợt thấy người con trai tóc vàng đó vén một lọn tóc ra sau tai, động tác khoan thai và điềm đạm.
Giống như cách người đó vén tóc khi y ngắm hắn từ đằng sau.
France sực tỉnh khỏi suy nghĩ. Người con trai kia đã sớm biến đi đâu mất rồi. Y thở dài, lắc đầu. Dù chẳng còn bên nhau nữa, nhưng sao y luôn thấy thân ảnh người kia bám lấy mình như một bóng ma không rời. Y nên dành thời gian về hưu tĩnh dưỡng lại. Chuyện đã qua rồi.
South Vietnam trong khi đó hơi run rẩy sống lưng. Hắn đưa tay ra sau cổ xoa xoa, thầm nghĩ giảng đường bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp quá, khiến hắn vừa ra ngoài đã suýt bị sốc nhiệt.
Ra ngoài hành lang rồi, West Germany quay sang giục hắn:
- Giờ tới phòng tầng ba mày. Đi nhanh kẻo lát phải chờ thang máy.
Nhưng hai người vừa nhác thấy một hàng dài những người xếp hàng chờ thang máy, West Germany há hốc miệng. Thang máy vẫn còn cách nhiều tầng nữa, hẳn là còn nhiều người trong đó, còn lâu mới đến lượt họ.
West Germany nổi đoá lên, tức tối mắng:
- Ghét thật, mấy ổng cắt kinh phí làm thang máy rộng à?
South Vietnam ngậm cười:
- Thôi đi thang bộ cho lành.
Không còn lựa chọn nào khác, West Germany uể oải rẻ sang hướng khác. South Vietnam lon ton đi theo y tới phòng học tiết tiếp theo. Hôm nay không thể nào dài hơn được nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top