coso dai doan ket dtoc

Câu 8: Cơ sở và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc?

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức quan trọng.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành trên những cơ sở lý luận và thực tiễn như sau:

1. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã xây dựng nên truyền thống yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc. Truyền thống này đã thành cách tư duy, hành động và tạo ra sức mạnh vô địch của dân tộc.

Tình cảm tự nhiên của người Việt Nam là yêu nước- nhân nghĩa - đoàn kết. Dân ta thường trao truyền cho nhau tình cảm:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Dạy cho nhau triết lý nhân sinh:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Tổng kết thành phép ứng xử và tư duy chính trị.

Tình làng, nghĩa nước

Nước mất thì nhà tan

Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.

Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân...

Tổ chức xã hội truyền thống Việt Nam là biểu tượng của lý tưởng đoàn kết gắn bó cộng đồng: Nhà - Làng- Nước, tạo ra sức mạnh giữ vững độc lập và thịnh vượng của dân tộc.

Các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã tiếp nối truyền thống đoàn kết dân tộc thể hiện trong tập hợp lực lượng dân tộc chống thực dân Pháp đã để lại những tư tưởng, cách thức xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được Hồ Chí Minh tiếp thu phát triển.

Hồ Chí Minh từ rất sớm đã hấp thụ được những truyền thống yêu nước- nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc.

2. Những kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, cách mạng của nhiều nước trên thế giới được Hồ Chí Minh nghiên cứu, rút ra những bài học cần thiết- đó là cơ sở thực tiễn không thể thiếu được trong hình thành tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.

Những phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ta từ cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX là cuộc đấu tranh bi hùng, vô cùng oanh liệt nhưng đều thất bại. Chứng kiến thực tiễn đó, đã giúp cho Hồ Chí Minh thấy được những hạn chế trong việc tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước tiền bối, cũng như những yêu cầu khách quan mới của lịch sử dân tộc.

Năm 1911, Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát toàn thế giới, từ các nước tư bản đến các nước thuộc địa. Người nghiên cứu nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp. Người nhìn rõ sức mạnh tiềm ẩn của các dân tộc thuộc địa là vô cùng to lớn. Nhưng họ rơi vào thế đơn độc, họ chưa có lãnh đạo, chưa biết đoàn kết, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức đoàn kết.

Hồ Chí Minh tới tận nước Nga nghiên cứu cách mạng Tháng Mười. Điều đó đã giúp Người hiểu rõ thế nào là cuộc "cách mạng đến nơi" để rút ra kinh nghiệm tập hợp lực lượng cho cách mạng Việt Nam.

Nghiên cứu cách mạng Trung Quốc, ấn Độ, Hồ Chí Minh đã rút được nhiều bài học bổ ích để tập hợp lực lượng cho cách mạng Việt Nam như đoàn kết dân tộc, các giai tầng, các đảng phái, các tôn giáo...

3. Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, giai cấp vô sản phải trở thành dân tộc, liên minh công nông, đoàn két dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế... đã trở thành cơ sở lý luận quan trọng nhất đối với quá trình hình thành tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh.

Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường tự giải phóng cho dân tộc, thấy rõ sự cần thiết và con đường tập hợp, đoàn kết các lực lượng của dân tộc và trên thế giới để giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #nguyen#van