cong ngiep oto cua viet nam
Công nghiệp ô tô VN: Chiến lược nào để phát triển?
Cập nhật lúc 04h17, ngày 08/09/2008
Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường ô tô đầy tiềm năng và việc phát triển bùng nổ của ô tô hay là quá trình "ô tô hóa"được xem là một xu thế tất yếu.
Trong ít năm trở lại đây, chiếc xe máy đã dần nhường chỗ cho xe ô tô.Thị trường ô tô Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, tuy nhiên quy mô của thị trường vẫn còn rất nhỏ bé và số lượng người sở hữu xe hơi còn rất ít.
Thị trường ô tô Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường ô tô đầy tiềm năng và việc phát triển bùng nổ của ô tô hay là quá trình "ô tô hóa"được xem là một xu thế tất yếu.
Ô tô hóa - Việt Nam 2007 tương đương với Thái Lan năm 1986
Năm 2007, Việt Nam có 770.000 xe ô tô con lưu hành, tỷ lệ sở hữu là 8 xe/1.000 người. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, năm 2007 Việt Nam mới tiêu thụ được khoảng 100.000 xe ô tô các loại, trong khi đó lượng tiêu thụ xe gắn máy vào khoảng 3,6 triệu chiếc.
Thị trường xe máy hiện nay đang trong thời kỳ nở rộ và theo dự đoán sẽ duy trì trong khoảng 5-10 năm nữa do nhu cầu về lưu thông cá nhân và hệ thống đường giao thông chưa phát triển kịp. Tuy nhiên, ông Hào nhận định Việt Nam sẽ là một thị trường ô tô đầy tiềm năng và việc sử dụng ô tô thay thế cho xe gắn máy sẽ đến trong một tương lai không xa.
Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng khái niệm "ô tô hóa" (motorization) là quá trình ô tô trở nên phổ biến hơn và trở thành phương tiện thiết yếu cho cuộc sống của mọi người. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là thời kỳ dòng xe dưới 9 chỗ trở nên phổ cập.
Theo ông Trụ, quá trình ô tô hóa được chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn trước motorization, trung bình có dưới 50 xe/1.000 người dân. Giai đoạn này chỉ những người giàu mới có khả năng sở hữu ô tô riêng, tốc độ phát triển thị trường ở mức trung bình; Giai đoạn motorization, ô tô trở nên phổ biến, nhiều người có khả năng mua được xe hơi.
Trung bình có trên 50 xe/1.000 dân, thị trường phát triển rất nhanh; Giai đoạn motorization bão hòa, trung bình mỗi gia đình có 1 xe ô tô, tỷ lệ trên 250 xe/1.000 dân, tức là khoảng 4 người có 1 xe, thị trường phát triển chậm lại; Giai đoạn motorization đa sở hữu, các gia đình bắt đầu mua chiếc xe thứ hai, trung bình 400 xe/1.000 dân, thị trường tăng trưởng nhanh trở lại; Giai đoạn motorization đa sở hữu bão hòa, các gia đình có nhiều hơn một xe, cứ 2 người có 1 xe, thị trường tăng trưởng ở mức trung bình.
Ông Trụ đánh giá Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ trước motorization với tỷ lệ 18 xe/1.000 dân, tương đương như Ấn Độ và Pakistan và Việt Nam năm 2007 có thể bằng với Thái Lan thời điểm năm 1986 nếu so sánh về tỷ lệ xe/1.000 dân (R/1.000) và mức GDP/đầu người (theo ngang giá sức mua).
2025: Cần 12 tỷ USD nhập khẩu ô tô nếu không tự sản xuất được
Nhưng rõ ràng Việt Nam không dễ dàng để có được sự phát triển bùng nổ của thị trường ô tô. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào thẳng thắn vạch rõ những vấn đề nổi cộm chủ yếu của sản xuất ô tô trong nước hiện nay là thị trường nhỏ, sản lượng nhỏ nhưng lại có quá nhiều nhà sản xuất lắp ráp ô tô.
Thứ hai là thiếu nhà cung cấp nội địa về linh kiện phụ tùng cho các liên doanh lắp ráp, sản xuất ô tô. Thứ ba là giá xe ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam quá cao.
Ông Trụ bổ sung thêm rằng ngay trong khu vực thì ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đi sau các nước Thái Lan hay Indonesia. Ngành công nghiệp phụ trợ không thể phát triển được vì sản lượng nhỏ và hạ tầng giao thông yếu kém.
Hơn nữa, Việt Nam chỉ còn quỹ thời gian 10 năm để phát triển công nghiệp ô tô (năm 2018, theo cam kết CEPT, thuế dành cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN chỉ còn 0%) đang đặt ra những thách thức gay gắt.
Ông Trụ phân tích khi mức thu nhập trên đầu người tăng lên, các ngành cạnh tranh dựa trên chi phí lao động giá rẻ hiện nay như dệt may, da giầy... sẽ mất dần lợi thế.Khi đó việc không có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh có thể mang lại những hậu quả nặng nề. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư xã hội, số lượng công ăn việc làm và ảnh hưởng tới cán cân thương mại.
Ông nêu rõ quá trình ô tô hóa là xu thế tất yếu, để đem lại lợi ích Việt Nam cần phải nâng cao thị phần của xe sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao. Hay nói cách khác, nếu như không phát triển được ngành công nghiệp ô tô thì về lâu dài Việt Nam sẽ phải gánh chịu mức thâm hụt thương mại khổng lồ. Cụ thể, vào năm 2025 nếu không tự sản xuất được đủ ô tô dưới 9 chỗ, Việt Nam có thể phải chi 12 tỷ USD để nhập khẩu ô tô thỏa mãn nhu cầu trong nước.
Chiến lược phát triển tập trung có chọn lọc
Cùng quan điểm với ông Trụ, ông Hiroyuki Nakamura, Trưởng văn phòng đại diện tại châu Á Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) nhấn mạnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Nakamura, ngành này hiện nay quá nhỏ nên không thể có lợi thế về quy mô, vì vậy khả năng cạnh tranh yếu.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt với 4 nước ASEAN khác đang cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong khi CEPT cho xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam bằng 0% vào năm 2018. Vì vậy chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nên tập trung nguồn lực vào phát triển một dòng sản phẩm chiến lược.
Vì vậy các thành viên JAMA có thể xem xét lại chiến lược sản xuất cho cả khu vực ASEAN. Một trong các thách thức cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô mà ông Trụ nêu ra là tỉ lệ thuế đối với ô tô cao. TS Udo F. Loersch, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng thay mặt các thành viên bày tỏ mối quan ngại về một số thay đổi liên tục về chính sách, đặc biệt về thuế.
Theo ông Nakamura, để phát triển ngành công nghiệp ô tô và sản xuất ô tô có tính cạnh tranh: Thứ nhất là việc mở rộng thị trường ô tô và thứ hai là xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. JAMA đề nghị Chính phủ Việt Nam có các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô, tạo được mô trường kinh doanh thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp và nghiên cứu mức thuế hợp lý để đạt được tính cạnh tranh cao hơn.
Trong cuộc họp báo về triển lãm Motor Show 2008, trả lời về việc tăng thuế sẽ tác động thế nào đến thị trường ô tô Việt Nam, TS Udo F. Loersch cho biết riêng năm 2007, VAMA đã nộp 1,3 tỷ USD tiền thuế và thuế chiếm đến khoảng 60-70% giá thành của ô tô bán ra thị trường.
Thay đổi thuế tất nhiên sẽ mang lại những ảnh hưởng lớn tới cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông Loersch nói đây thực sự là bài toán khó và điều này chắc chắn sẽ tác động đến cả sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô cũng như thị trường ô tô.
Ông Nakamura nêu ra những quan ngại của các nhà sản xuất về một số thay đổi đột ngột về chính sách thời gian gần đây như bãi bỏ việc cấm xe nhập khẩu đã qua sử dụng, việc tăng thuế nhập khẩu, tăng phí trước bạ và sắp tới là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên thêm đối với ô tô.
Theo ông, điều này sẽ làm giảm tốc độ mở rộng thị trường và chính sách không ổn định sẽ làm giảm việc thúc đẩy đầu tư. Ông cho rằng bất kỳ động thái tăng thuế và phí nào cũng cần xem xét vị trí hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt nam và nghiên cứu ý kiến của các nhà sản xuất ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo do Bộ Công Thương và VAMA vừa tổ chức nhằm đưa ra được một bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nêu rõ Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, thị trường ô tô Việt Nam cũng sẽ hội nhập với thị trường ô tô khu vực và thế giới và độ chênh giữa thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và thuế nhập khẩu chi tiết, phụ tùng sẽ phải giữ ở mức hợp lý.
Ông Hào nhấn mạnh đây cũng là cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Để ngành này có thể phát triển một cách bền vững, cần có một chính sách hỗ trợ cho ngành ổn định, lâu dài, đặc biệt là các chính sách về thuế.
Ngoài ra việc ưu tiên đầu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, ưu đãi về đầu tư, phát triển nguồn nhân lực... cũng là những chính sách hết sức quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Vậy khi nào ô tô sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam? Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương tính toán thời kỳ ô tô hóa này sẽ rơi vào trong khoảng từ năm 2020-2025, khi R/1.000 của Việt Nam vượt qua con số 50 và GDP/đầu người (theo ngang giá sức mua) đạt khoảng 8.000 USD. Đến năm 2025, thị trường ô tô sẽ đạt từ 600.000 đến hơn 800.000 xe. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cũng nhận định việc thị trường ô tô phát triển bùng nổ sẽ đến sau năm 2020 vì thời điểm đó Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ đã tương đối phát triển. Thu nhập GDP/đầu người tăng lên làm sức mua bình quân tăng đáng kể. Lúc đó, dân số Việt Nam sẽ vượt qua 100 triệu người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top