Cái hươu ngày Hiến chương nhà giáo

   Thời Tiểu học của bọn tôi gọi là Cấp Một, cách đây đã hơn bốn chục năm. Thời ấy, ngày 20-11 gọi là Ngày Hiến chương các nhà giáo. Có lần tôi đã được giải thích về ý nghĩa của ngày này, đại khái đó là nhân một sự kiện họp hành hay biểu tình đấu tranh gì đó ở tận bên Âu - Mỹ về quyền lợi của giáo chức, tương tự nguyện ngày 8-3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ,  ngày 1-5 là Ngày Quốc tế lao động...  Có lẽ vì cái tính chất quốc tế ấy nên có một thời, khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ngành giáo dục nước mình chọn ngày 15-10 làm ngày tôn vinh thầy cô, gọi là Ngày nhà giáo Việt Nam. Mất khảng dăm năm, cứ đến ngày 15-10 là học sinh, phụ huynh đều dửng dưng như không hay biết. Ngay cả các nhà giáo cũng thấy ngày 15-10 nó nhạt nhẽo, gượng gạo. Trong khi cứ đến ngày 20-11 là đâu đâu cũng vẫn nói chuyện chúc mừng thầy cô. Thế là Ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11 được khôi phục lại thành Ngày Nhà giáo Việt Nam cho đến bây giờ.
   Hơn bốn mươi năm trước, học trò Cấp Một bọn tôi đã có tục tặng hoa và quà cho thầy cô nhân Ngày Hiến chương các nhà giáo. Hoa và quà của lũ học trò nghèo ở miền Trung quê mình cũng đơn sơ dân dã lắm. Hoa thì chủ yếu là hoa dâm bụt, bông trang và dong riềng. Thời ấy dong riềng là lương thực chủ yếu của dân quê tôi, gọi là cây khoai chuối. Nhà nào cũng có một vạt khoai chuối dự trữ mua giáp hạt. Hoa khoai chuối nở vào đầu đông. Từng búp lửa đỏ chót chĩa thẳng lên trời, đẹp lắm. Sau này ra thị thành sinh sống, tôi mới có dịp so sánh những cành hoa khoai chuối quê mình rất giống hoa lay - ơn đỏ. Chắc chắn chúng phải có họ hàng gì đó với nhau. Dâm bụt thì bờ rào nào cũng sẵn. Bông trang thì đầy trên các ngọn đồi, tên chữ là Mẫu Đơn, mọc chen sim mua và cỏ may. Hoa sim cũng đẹp nhưng chỉ nở vào mùa hè.Bông trang cũng nở rộ vào mùa hè, nhưng cuối thu đầu đông vẫn còn lấp ló. Sau này tôi mới biết bông trang và dâm bụt là hai thứ hoa "kiêng",chẳng ai mang tặng nhau trong ngày vui cả. Nhưng thời ấy ở quê tôi thì vô tư. Tặng thầy cô cũng bông trang, dâm bụt. Đám cưới, hội nghị, lễ lạt... cũng dâm bụt, bông trang...
   Ấy là hoa, còn quà thì chủ yếu là củ quả của nhà trồng được. Phổ biến là quýt tắt, cam voi, khoai deo, lạc khô... Cũng có gia đình khá giả, đổ vào túi sách hoặc chiếc khăn buộc túm lại cho con mang đến biếu thầy cô. Tất nhiên chỉ tặng gạo, còn túi sách hoặc chiếc khăn thì lại mang về.
   Niên khóa 1965-1966, tôi học lớp một với thầy Cung, còn gọi là thầy Thiền. Thầy Cung là giáo chức thời Pháp thuộc, được dân làng kính trọng lắm. Thầy với bà nội tôi là cháu chú bác nên bố tôi gọi thầy bằng cậu, tôi gọi bằng ôông. Ngày Hiến chương các nhà giáo năm 1965, tôi đòi mạ hái trái cam voi để đi chúc mừng thầy. Mạ nói vườn ôông đầy cam quýt, báu chi trái cam đẹn nhà mình. Để mạ cho túm khoai deo mang biếu ôông mệ. Khoai gieo là khoai lang luộc chín, bóc vỏ, thái lát phơi khô cất vào chum để ăn dần. Khi ăn có thể lấy từ chum ra đưa thẳng vô mồm, nhai trệu trạo một lúc thì lát khoai lát nhừ ra và ngọt lịm. Ấy là với người trẻ, người già ăn khoai gieo thì phải hấp,đồ lên cho mềm. Cái thức quà quê nghèo hèn ấy một thời là lương thực dự trự của dân quê. Bởi vậy đã có câu lấy Kiều ở vùng quê tôi, rằng: Cho phong trần được phong trần/ Cho khoai deo mới được phần khoai deo...
   Xin kể tiếp chuyện ngày 20-11 năm đó, tôi được mạ cho bọc khoai deo đi biếu ôông Cung, thầy giáo dạy lớp một. Thời ấy làng tôi người ta đào hào giao thông dọc theo các lối ngõ để đi lại dễ bề ẩn nấp máy bay Mỹ. Tháng 11 mưa dầm rả rích, đường làng nhão nhoét. Tôi ôm bọc khoai deo lò dò chân đất, ngã oạch một phát, cái bọc rơi xuống vũng bùn dưới lòng hào. Vội nhảy xuống xách lên, khoai deo bên trong vẫn khô sạch nhưng miếng vải bọc ngoài thì lấm bê bết. Tôi vội tạt vô nhà thằng Tiểng, đổ khoai ra tấm phản, múc nước ra chậu giặt sạch miếng vải, ngồi gạt than bếp hơ thật khô rồi bọc lại số khoai deo. Xong xuôi, rủ thằng Tiêng cùng ra nhà thầy. Hắn nói nhà tao không có chi cả. Tôi nói tao có khoai deo rồi, mi chỉ cần bó hoa cũng được. Hắn chạy ra vườn cắt mấy cành hoa khoai chuối, bẻ mấy bông dâm bụt, thế là có một bó hoa tươm tất. Hai thằng đến nhà thầy, lễ phép nói nhân Ngày hiến chương các nhà giáo, chúng em có bó hoa và túm khoai deo tặng thầy. Thầy bảo sao cho thầy nhiều rứa? Tôi nói thưa thầy bọc khoai deo ni mạ em gửi cho dì ruột bên Liên Xô, nhưng ra Hà Nội họ trả lại vì có vi trùng ruồi nhặng, mạ em bảo mang đến biếu thầy. Thầy nói ôông mệ tra (già) rồi, răng cỏ yếu không nhai được khoai deo nữa, cho bây mang về mà ăn. Hai thằng sướng rên, mang về nhà thằng Tiểng chén sạch... Về nhà kể lại mạ hỏi mi nói như răng mà thầy không nhận? Tôi thuật lại đầu đuôi không sót một chữ. Mạ vớ cái vỉ ruồi dắt bên tấm phiên, vút cho tôi một phát vào lưng, quát:
   - Ngu, ai bảo mi nói như rứa?
   Sang năm lớp hai tôi học với cô Vời, nhà ở xóm dưới, cách xóm tôi một cánh đồng gì là Bàu Mác. Cô Vời khá xinh, hơn cả mấy cô thanh niên xung phong người Khu Ba đóng ở làng suốt ngày í a hát chèo. Cô Vời đã hơn ba chục tuổi mà vẫn chưa chồng, mạ tôi nói người như cô là cao số. O mẹ Lan mạ con Hương thì nói cô hồng nhan bạc phận. Ngày Hiến chương các nhà giáo năm đó, mạ tôi cho hái một trái cam voi mang đến biếu cô Vời. Nhà tôi có cây cam voi rất sây, nhưng mấy anh em tôi chưa bao giờ được hái ăn một quả, vì từ tháng 5, tháng 6 mạ đã bán cả cây cho lái buôn, gọi là kẻ nôốc.Đến đầu tháng 10, kẻ nôốc đến hái cam trở về chợ Ba Đồn, mạ mua lại dăm quả treo trên cây, để dành đến Tết thắp hương bàn thờ và mang đi cúng bên ông bà ngoại. Những trái cam để dành trên cây, sang tháng 11 thì vàng óng, căng mọng, óng. mượt nhìn tứa nước miếng. Tôi được mạ cho quả cam voi to tướng mang đến biếu cô, trong lòng hãnh diện lắm. Đến nơi, thấy lúc nhúc lũ bạn cũng đang ở đó. Trên bàn cô là những chùm quýt, gói lạc, bọc khoai deo... của chúng nó. Độc đáo nhất là con Hương được mạ hắn cho một chai mật mía mang đến tặng cô. Tôi trịnh trọng đặt trái cam voi nhà mình bên cạnh chai mật của con Hương.
   Sau mấy câu kính chúc cô giáo đã nhẩm đi nhẩm lại ở nhà, cả bọn ngồi im như thóc. Cô hỏi thăm đến đứa nào thì đứa ấy lí nhí trả lời. Rồi tất cả lại lặng im, cô Vời hình như cũng hết chuyện để hỏi nên cũng lặng im một lúc rồi nói giờ cô mời các em ăn quýt nhé! Rồi cô cầm con dao bổ trái cam voi của tôi đầu tiên, giục mấy lần nhưng chẳng đứa nào nhón tay, mặc dù ánh mắt thì cứ chằm chặp vào cái đĩa có những miếng cam mọng nước. Cô bảo em Thắng ăn đi cho các bạn ăn với. Tôi mạnh dạn nói thưa cô, cam là mạ em dành tặng cô, tụi em mà ăn mạ la chết. Cô bảo cô nhận quà của tất cả các em rồi, nên chừ đây là quà cô mời các em. Tôi cầm một miếng cam đút vô mồm. Cả bọn rón rén làm theo, mỗi đứa được đúng một miếng. Hết cam thì mạnh dạn chuyển sang quýt, hết quýt đến bọc khoai deo... Cuối cùng là lí nhí chào cô ra về. Con Hương giật khẽ áo tôi, nói chờ tao với. Khi lũ bạn đã khuất sau hàng dâm bụt trước cửa, con Hương rụt rè nói thưa cô cho em xin lại cái hươu. Thì ra con Hương nán lại lấy cái vỏ chai loại cổ hươu để mang về. Hồi đó hàng hóa khan hiếm nên cái chai, cái bát, cái đĩa... cũng đều là tài sản có giá trị trong nhà. Tôi nhớ có lần cửa hàng mua bán Hợp tác xã thông báo tiêu chuẩn mỗi hộ được mua một cái bát sứ đen xỉn ăn cơm. Nhà mệ Chi ở Đội Một mới cưới vợ cho con trai, tách hộ ăn riêng nhưng chưa kịp làm sổ mua hàng riêng, nên chỉ được mua một chiếc, thế là cãi vã chửi bới một trận nên thân gái cửa hàng.
   Cô Vời nói với con Hương, thôi em cứ để cái hươu đựng mật lại đây, cô đồi cho cái chai cù lao. Chai cù lao là loại chai một lít màu xanh, dưới đít chai lồi lên phía trong một cục, như hòn cù lao. Loại chai này to và đẹp hơn cái hươu con con chỏ đựng được một phần tư hay phần ba lít gì đó. Tôi nghĩ chắc o mẹt Lan mạ con Hương mừng lắm. Không ngờ đầu buổi học hôm sau,con Hoang xách cái chai lên nói thưa cô cho em đổi cái hươu nhà em để mạ em bán mật. Thì ra đó là cái hươu o mẹt Lan chuyên đóng mật mía cho bà con. Mỗi khi cần nấu chè hay làm bánh, họ chỉ có thể mua một cái hươu thôi, tiền đâu mua cả một chai cù lao mật mía?
   Bây giờ, nếu gặp cái loại chai hươu và cù lao như thế, tôi sẽ mua lại mỗi thứ một chiếc làm kỉ niệm cái thời túng thiếu nhưng chân thật, mộc mạc, trong sáng vô cùng... Tình cảm thầy trò ngày ấy cũng thế!
                        Mai Nam Thắng
                           (Hà Nội)

 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top