Bỏ quên Quỳnh Anh

   - Thôi bỏ đi, xem như Quỳnh Anh và Hoàng không có duyên.
   Mỗi lần giận tôi, Quỳnh Anh lại nói thế. Và mỗi lần như vậy, tôi lại gãi gãi cái đầu tóc bù xù rồi cười nhăn răng.
   - Không có duyên hồi nào. Dính liền một đôi như hai dấu chấm, ấy quên, dấu hai chấm từ hồi mẫu giáo tới giờ mà bảo không có duyên.
   Nghe đến đây, thể nào khóe miệng Quỳnh Anh cũng khẽ giãn ra, múm mím cười dù cặp chân mày vẫn còn nhăn nhăn. Quỳnh Anh và tôi, ngẫu nhiên theo đúng mô típ của các câu chuyện tình cảm truyền thống, là một cặp thanh mai trúc mã, tức là làm bạn bè với nhau từ hồi mới sinh ra lận. Ba của Quỳnh Anh và ba tôi là bạn thân. Mẹ của Quỳnh Anh và mẹ tôi cũng là bạn thân. Tiệc mừng đầy tháng Quỳnh Anh vừa tổ chức tuần trước thì tuần sau lại đến lượt tôi. Hồi đi mẫu giáo Quỳnh Anh hay xưng chị. "Chị làm bác sĩ, còn Hoàng làm bệnh nhân nghe." Rồi, "Bệnh nhân ngồi im bác sĩ cho uống thuốc. Đừng khóc nghe!  Thuốc không có đắng đâu, là sô - cô - la đó, ngon lắm! Của bà mua cho, chị để dành từ chiều qua đến giờ đó." Không biết vì sao tôi lại chịu nghe lời, ngồi im uống hết năm viên thuốc nhão nhẹt vì bị nhét trong túi áo quá lâu, mặc cho lũ con trai cùng lớp chỉ trỏ cười ngặt nghẽo. Thậm chí tôi còn giơ nắm tay bé tẹo dứ dứ bọn nó nữa. Cũng không nhớ là từ bao giờ Quỳnh Ạn thôi xưng chị, và tôi cũng bắt đầu mắc chứng hay quên.
   - Hoàng ơi, chiều nay đi nhà sách với Quỳnh Anh nha.
   - Thôi, chiều nay Hoàng đi đá banh rồi.
   - Đá banh hả?  - Giọng thoáng chút ngập ngừng. - Ờ, Hoàng là con trai mà, con trai thì thích đá banh. - Giọng lại chuyển qua điệu hơi buồn. - Ừ thôi, Hoàng đi đi. Nhớ đá cho đội kia thủng lưới luôn nha.
   - Dĩ nhiên rồi. - Tôi hí hửng đáp, rồi buột miệng hứa. - Nhưng mà đá banh xong là Hoàng tới chỗ nhà sách với Quỳnh Anh liền à. Chiều nay đá sớm lắm, chừng bốn, năm giờ là xong thôi.
   - Thật hả? - Giọng réo rắt như chim hót. - Quỳnh Anh chờ ở chỗ nhà sách rồi tụi mình đi ăn kem luôn nha. Nhớ nha!
   Tuy gật đầu lia lịa, tuy trận đá banh xong sớm từ lúc ba giờ vì mấy thằng trong đội kia đá giở quá nên chấp nhận thua nhanh, nhưng cuối cùng tôi lại đi câu cá với bọn cùng đội đến 8 giờ tối mới về. Sáng hôm sau, gặp khuôn mặt dàu dàu của Quỳnh Anh ở cửa lớp, tôi mới vỗ đầu cái bốp để nhớ ra.
   - Trời ơi, sao tui đãng trí quá vậy nè! Quỳnh Anh ơi, cho xin lỗi nhe.
   - Thôi bỏ đi, xem như Quỳnh Anh và Hoàng không có duyên.
   Lại lôi câu danh ngôn bất hủ ấy ra rồi! Coi bộ xin lỗi suông không ăn thua à!  Tôi đành hy sinh một buổi tập lắp ráp mô hình máy bay điều khiển băng động cơ để lẽo đẽo theo Quỳnh Anh tới bất cứ chỗ nào cô nàng muốn. Đầu tiên là tới tiệm l
đan len, móc mũ nón, trân mình làm ma - nơ - canh để Quỳnh Anh ướm đủ mọi thứ tơ sợi lên mà vẫn phải ngoác miệng cười.
   - Hoàng thấy sợi này màu đẹp không?
   -Ừa, đẹp.
   - Vậy Quỳnh Anh móc cho Hoàng một cái khăn len màu này nha? Mỗi tối đi ngủ nhớ quàng vô cho ấm, mùa này gió lạnh lắm.
   Gì chứ quàng khăn len là tôi ghét lắm vì ngứa không chịu được. Thế mà ít nhất tôi cũng phải tròng cái thứ nhộn nhạo đó quanh cổ suốt một tuần vì mẹ đã nhận lời làm tai mắt giám sát tôi giúp Quỳnh Anh. Rời tiệm len tơ sợi, Quỳnh Anh lại thong thả dắt tôi qua tiệm bán bông hoa, cây kiểng dù cái mũi tôi cứ ngửi trúng mấy thứ mùi hương thực vật là lại hắt xì liên tục. Tôi bị khẩu trang, đứng giật lên giật xuống theo từng cơn nấc, trông hệt một tay rapper quái dị đang dốc sức trình diễn bản hit của hắn, làm anh chàng bán kiểng kinh ngạc đến há hốc miệng ra.
   - Hoàng ơi, Hoàng có tin cây cỏ cũng có linh hồn không - Giọng Quỳnh Anh nghe ngây thơ đến lạ.
   - Ờ, tin đó. Không có hồn sao nó ám người ta đến bán sống bán chết chứ. - Tôi ngáp ngáp như con cá thở bằng mang.
   - Vậy Hoàng giữ cái hạt giống này, đem về trồng cho nó lên cây nha.
   Quỳnh Anh mở bàn tay tôi ra, đặt vào một cái hạt nâu nâu. Từng cử động đều dịu nhẹ, khen khàng như thể cái hạt đó làm bằng bong bóng xà bông hay sương khói có thể tan biến đi bất cứ. lúc nào không bằng.
   - Rồi mỗi ngày Hoàng tưới nước cho nó, nhìn nó nảy mầm,nhìn nó từ từ xòe ra hai cái lá xinh xắn, nhìn nó lớn lên, nhìn nó...  Hoàng sẽ thấy...
   Quỳnh Anh thao thao bất tuyệt, đôi mắt mơ màng và hai bàn tay dịu dàng chuyển động trong không trung như thể đang nâng niu một chồi cây vô hình. Tôi không nỡ cắt ngang mạch cảm xúc của cô nàng, đành nén tiếng ngáp vì buồn ngủ rồi ngoác miệng cười, gật gà gật gù, miễn cưỡng hưởng ứng. Cứ tưởng gật đầu bừa đi cho xong chuyện, ai ngờ chừng dăm bữa sau, Quỳnh Anh lại hỏi:
   - Hoàng ơi, hạt giống hôm bữa Quỳnh Anh đưa, Hoàng đã trồng chưa?
   Chết ngắc, tôi còn chẳng nhớ đã vất nó ở đâu nữa, đành tìm kế hoãn binh.
   - Ừa... ừa... đang gieo... đang gieo...
   - Thật không đó?  Hay Hoàng bỏ đâu mất rồi?
   Đôi lông mày của Quỳnh Anh từ từ nhíu lại, trông y chang hai lưỡi tầm sét đang được nạp điện. Tôi tiếp tục ậm ừ.
   - À... à... đang lên...  đang lên...  ra hai lá mầm rồi.
   - Vậy hả? Sao bữa Quỳnh Anh qua nhà Hoàng tìm hoài hổng thấy?  Bộ Hoàng giấu cây trong tủ áo hả?
   Quỳnh Anh nghiêng đầu duyên dáng. Ai đi qua không biết sẽ thấy đó là một chú mèo con nũng nịu. Riêng tôi lại nhìn ra một cô hổ nhỏ đang chờ câu trả lời của mình là quyết định tấn công hay tha bổng. Phải bình tĩnh, bình tĩnh, tôi tự nhắc mình rồi giả vờ cười phá lên.
   - Ha... ha...  Thật ra là...  là.. là... Hoàng không có để cây ở nhà.
   Ơn Trời một sáng kiến cứu bồ chợt lóe lên. Tôi khoái chí nhìn Quỳnh Anh ngẩn ra.
   - Vậy Hoàng để ở đâu?
   - Ở ngay thằng bạn. - Rồi không để Quỳnh Anh ngắt lời, tôi ba hoa chích chòe luôn một lèo. Mà biết sao lại để ở nhà nó không? Tại vì Hoàng biết Quỳnh Anh rất muốn cái hạt đó lên cây. Mà Hoàng chăm cây giở òm à! Ông nội thằng đó thì chăm kiểng khéo lắm. Cho nên Hoàng nhờ ông nó trông chừng giùm cho tới khi nào lên thành cái cây mập mạp, khỏe mạnh thì Hoàng lấy về.
   Có vẻ Quỳnh Anh vẫn còn chưa tin. Cô nàng cong cong vành môi, nhíu nhíu mày ngó nghiêng tôi.
   - Tin được không đây?
   Tôi chớp chớp mắt.
   - Phải tin, phải tin chứ, cuộc sống rất cần có niềm tin mà.
   Quỳnh Anh khẽ gật đầu.
   - Ừ, thì cũng có tin! Nhưng mà...  nhưng mà...
   Tôi giả vờ hồn nhiên.
   - Mà sao hả Quỳnh Anh?
   - Thì...
   Điệu bộ của cô nàng chậm rãi và nghiêm trang, hệt như một điều tra viên đang cân nhắc bằng chứng. Tôi bỗng hơi hốt hoảng. Thôi rồi, có khi nào trò giao hạt trồng cây này là một chiêu thử lòng thành thật của tôi như trong một câu chuyện cổ nào đó không? Trống ngực tôi bắt đầu đập bình bịch. Trong khi đó giọng Quỳnh Anh vẫn đều đều:
   - Cái hạt đó không có thành cái cây mập mạp được đâu.
   Thôi xong, xem như hạ màn. Tay chân tôi thõng ra như mớ giẻ thun sử dụng lâu ngày, chờ quăng sọt rác. Nhưng Quỳnh Anh chưa vội nổi giận.
   - Hoàng ơi, người ta hay nói "Trồng cây lại nhớ đến người",Hoàng biết không?
   Gì đây, giận thì giận đại cho rồi, chứ cứ thủng thẳng cà kê thế này tôi sốt ruột chết mất thôi.
   - Hoàng ơi, Quỳnh Anh nói Hoàng có nghe không?
   Tôi cứ ngồi đơ như bị thịt, mặc Quỳnh Anh lay qua lay lại.
   Một vài phút, tôi thở dài.
   - Ừa, có... có nghe...  thì sao...?
   Quỳnh Anh chạm tay lên trán tôi.
   - Đâu có nóng,  sao nhìn Hoàng uể oải vậy, bộ Hoàng bịnh hả?  
   Chịu hết nổi, tôi gạt tay Quỳnh Anh ra.
   - Tui không có bịnh gì hết á. Bây giờ Quỳnh Anh muốn sao thì nói phứt ra cho rồi. Chần chừ dây dưa hoài mệt quá.
   Quỳnh Anh thảng thốt nhìn tôi. Nửa ngượng ngùng, nửa tự ái. Tôi vênh mặt lên, quay đi chỗ khác. Hai đứa cứ bất động như thế hồi lâu. Sau cùng Quỳnh Anh đứng lên, lẳng lặng bỏ đi. Thay vì phải nói một câu năn nỉ thì tôi lại im lặng. Suốt buổi tối đó, tôi cứ ỉu xìu như cọng búng thiu. Bố mẹ nhìn nhau, ngầm trao đổi những gì chỉ hai người biết. Rain bố đặt tay lên vai tôi.
   - Buồn hả con trai?  Nhưng một năm nhanh lắm, loáng một chốc là hết mà.
   Tự dưng bố nói thế là ý gì? Tôi ngơ ngác.
   - Dạ, một năm chuyện gì, mà sao lại nhanh? Bố nói xon không hiểu.
   Bố và mẹ cùng ngẩn ra.
   - Vậy Quỳnh Anh chưa nói với con nó sắp qua Mỹ một năm à?
   Trời đất, lại còn chuyện như vậy nữa. Thảo nào mà cô nàng cứ bóng gió xa xôi cái gì mà "Trông cây lại nhớ đến người". Tôi không nói không rằng, chụp chiếc xe đạp, phóng vèo qua cổng. Mẹ gọi với:
   - Coi chừng, chạy xe cẩn thận đó.
   Tiếng bố gióng theo:
   - Ủa, vậy nãy giờ con buồn chuyện gì?
                           ***
   Nhà không khóa cổng rào. Quỳnh Anh ôm cuốn tập trong lòng, đi qua đi lại, lẩm nha lẩm nhẩm, chốc chốc. lại ngóng ra ngoài, chắc là đang học bài. Tôi khẽ khàng đẩy xe vào, rón rén núp dưới cửa sổ. Vừa nhô người định dọa một mẻ hết hồn thì cô nàng đã đứng sừng sững trước mặt tôi.
   - Thôi đi! Làm như Quỳnh Anh không thấy Hoàng vô không bằng.
   Tôi giả lả.
   - Quỳnh Anh trông nhà cũng kĩ quá ha. - Rồi vỗ đầu cái bốp. - A, Quỳnh Anh để cửa là chờ Hoàng đó hả?
   Quỳnh Anh nguýt một hơi dài.
   - Chứ không lẽ để chờ trộm?
   Tôi cười hì hì.
   - Vậy Quỳnh Anh nhân đạo lắm đó. Phải tay người khác là người ta để Hoàng bị muỗi thui nguyên đêm ngoài đường cho coi.
   Cô nàng bẽn lẽn.
   - Tại Quỳnh Anh cứ lo... - Đột nhiên cô nàng quắc mắt nhìn tôi. - Bộ Hoàng từng bị ai bắt đứng ngoài cửa nguyên đêm hả?
   Tôi hét lớn như để thể hiện khí phách nam nhi...
   - Làm gì có! Cái đó là Hoàng thí dụ thôi.
   Quỳnh Anh không nói gì. Tôi khẽ hích hích và tay cô nàng.
   - Cho Hoàng xin lỗi chuyện lúc chiều nghe.
   Quỳnh Anh im lặng gật đầu. Được bật đèn xanh, tôi bắt đầu phát huy thói ba hoa sở trường.
   - Cái đó người ta gọi là chứng rối loạn tâm lý tuổi mới lớn đó. Đang vui tự nhiên buồn, đang như cục đất lại đùng đùng như Thiên Lôi à.
   Quỳnh Anh nhìn tôi lạ lẫm.
   - Hoàng nói chuyện gì vậy?
   Tôi làm bộ quan trọng:
   - Thì nói về tâm lý tuổi chúng mình nè. Cho nên mai mốt có thấy Hoàng kì cục ơi là kì cục thì Quỳnh Anh cũng đừng có giận nghe.
   Thuyết xong một hơi, tôi vui miệng huýt sáo tưng bừng, không để ý cặp chân mày của Quỳnh Anh bắt đầu co lại. Quỳnh Anh đứng phắt lên.
   - Bộ lúc nào Hoàng cũng hớn hở như vậy được? Bộ không có chuyện gì làm cho Hoàng lo lắng được hết hả?
   Quỳnh Anh bước vội vào nhà, đóng sầm cửa lại. Ngẩn ngơ mất một lúc, tôi cũng hiểu ra vấn đề:
Quỳnh Anh sắp đi xa mà tôi lại vô tâm quá. Tôi lững thững lại gần cánh cửa, biết chắc chắn Quỳnh Anh đang ngồi phía bên trong, tôi khẽ khàng:
   - Quỳnh Anh sắp qua Mỹ một năm phải không?
   Đoán chừng cô nàng vừa gật đầu, tôi hỏi tiếp:
   - Rồi chừng nào đi? Có tiếng từ trong vọng ra:
   - Tuần sau.
   Trả lời cộc lốc, không giống Quỳnh Anh thường ngày rồi, chắc là đang giận lắm.
   - Gì nhanh dữ vậy? Mà Quỳnh Anh chuẩn bị xong hết chưa?
   Không thèm trả lời kìa. Tôi cố gắng bày tỏ sự quan tâm.
   - Quỳnh Anh có cần thêm gì không? Giúp được gì là Hoàng giúp liền. À, hay chủ nhật, Hoàng chở Quỳnh Anh đi mua đồ nghe? Phải chuẩn bị đầy đủ để mai mốt...
   Cánh cửa thình lình mở ra, ánh mắt Quỳnh Anh phừng phừng như đang cháy. Tôi giật mình thót người lại. Quỳnh Anh ngồi phịch xuống đất. Tôi thận trọng nhích lại gần:
   - Nè, sắp đi Mỹ mà không vui gì hết vậy?
   Quỳnh Anh quay ngoắt sang nhìn tôi trừng trừng. Tôi thấy nóng quá, vội lùi ra xa. Bỗng Quỳnh Anh rơm rớm nước mắt.
    - Vui gì mà vui!
    Không cháy nữa mà chuẩn bị mưa lụt mưa lội đến nơi rồi. Tôi yên tâm tiến sát lại.
    - Không vui thì đi làm gì? Ở nhà đi.
    Quỳnh Anh bứt bứt ngón tay.
    - Quỳnh Anh cũng đâu muốn đi, chỉ tại bà cô cứ ép mãi, rồi ba mẹ Quỳnh Anh cũng không muốn cô buồn nên cứ nói thêm vào.
   - Là sao?
   - Là Quỳnh Anh có một bà cô họ xa sống bên Mỹ. Bà không có gia đình nên thương Quỳnh Anh như con gái. Bà muốn đón Quỳnh Anh qua đó với bà để bà lo cho chuyện học hành. Thấy Quỳnh Anh có vẻ chần chừ, bà bảo thôi thì ở thử một năm, nếu thích thì ở luôn còn không thì lại về. Mới nói qua nói lại có mấy lần, ai ngờ cô đi làm giấy từ hồi nảo hồi nào, chừng sắp đi một tháng rồi mới nói cho Quỳnh Anh hay à.
   Tôi cười cười:
   - Rồi tới lượt Quỳnh Anh cũng chờ một tuần nữa đi rồi mới chịu nói cho Hoàng nghe à.
   Cô nàng vừa xịu mặt...
   - Tại Quỳnh Anh không muốn Hoàng buồn. - Rồi liền lập tức quắc mắt lại ngay. - Ai ngờ...
   Tôi chép miệng:
   - Hây... ai ngờ Hoàng cứ tỉnh như ruồi chứ gì? Ôi con gái lúc nào cũng như vậy hết mà!
   Quỳnh Anh vênh mặt.
   - Con gái thì sao?
   - Thì đa sầu đa cảm quá chứ sao. Giờ là thời buổi nào rồi? Người ta lên Sao Hỏa còn mỗi ngày gọi điện xuống Trái Đất nói chuyện 5 phút. Từ đây qua Mỹ mất có mười mấy giờ bay, rồi còn yahoo chat chit nữa, muốn nhìn thấy nhau lúc nào mà không được.
   Quỳnh Anh vẫn vênh mặt lên. Sợ công kích thêm nữa cô nàng sẽ giận, tôi liền xuống giọng
   - Cho nên Quỳnh Anh đừng có nghĩ ngợi gì nhiều, cứ đơn giản coi chuyến đi Mỹ một năm này như đi chơi xa đi. Một năm nhanh lắm mà. Hoàng hứa tối nào cũng chat với Quỳnh Anh tới sáng luôn.
   Xem chừng có vẻ nguôi nguôi, chợt Quỳnh Anh lại nói:
   - Cái hạt hôm Quỳnh Anh đưa mà Hoàng bảo đang nhờ người chăm đó, nhớ tưới nước đều cho nó nghe.
   Tôi nhăn mặt.
   - Tưới làm gì, nó đâu mọc lên được kí lô nào đâu.
   - Nhưng mà nó sẽ ra bông. Mỗi lần nhìn bông của nó là Hoàng sẽ nhớ tới Quỳnh Anh mà.
   Cái gì mà loạn xà ngầu vậy nè. Tôi ngẩn ra.
   - Ủa sao Quỳnh Anh nói nó không thành cây được?
   Không thành cây là chết ngắc chứ còn tưới tắm gì.
   Quỳnh Anh gí tay lên trán tôi.
   - Ngố ơi là ngố, nó không thành cây được vì nó là dây leo, là dây leo Hoàng biết chưa?
   Thì ra vậy, tôi thở phào.
   - Quỳnh Anh ơi là Quỳnh Anh, suýt nữa thì...
   Cô nàng tròn mắt:
   - Thì sao?
   Tôi lảng đi.
   - À, mà sao nhìn bông của nó lại nhớ tới Quỳnh Anh? Bộ Quỳnh Anh có phép khắc hình mình lên từng cái bông hả?
   Quỳnh Anh lườm mắt:
   - Hoàng biết tên cái dây leo đó không?
   - Không! - Tôi thành thật trả lời.
   Quỳnh Anh nhoẻn cười.
   - Là hoa huỳnh anh đó.
   - Thì sao? Huỳnh Anh chứ có phải Quỳnh Anh đâu? Lẫn lộn coi chừng sai chính tả đó nghe.
   Quỳnh Anh đứng phắt lên, vẻ bực bội thấy rõ.
   - Hoàng về đi, nói chuyện với Hoàng chán quá à.
   Ủa, tôi có làm gì đâu, sao Quỳnh Anh lại giận vậy kìa?
   Rồi đáng ra một tuần chia tay đó phải cùng nhau bày thật nhiều trò vui thì hai đứa lại ngó lơ nhau. Bó tay luôn! Mai Quỳnh Anh đi rồi. Nửa đêm tôi trở dậy, trời đang mưa. Quái, sao mùa này trời mưa nhiều thế nhỉ? Mua như vầy làm sao đi tiễn? Mà có nên tiễn không đây? Quỳnh Anh đang giận tôi mà. Thôi, có giận thì cũng vẫn đi, đàn ông con trai phải độ lượng mà biết đâu đi tiễn cô nàng lại hết giận thì sao? Tôi vét túi, chỉ còn một ít tiền. Từng này chẳng biết có đủ mua một bó hoa? Biết vậy hôm qua đã dành trả tiền chơi bowling với bọn chung đội bóng rồi. Tôi mở cửa tủ quần áo, lôi từng bộ đồ ra ướm thử. Phải tươm tất một chút chứ, để Quỳnh Anh thấy sẽ không có một thằng nhóc xứ Cờ Hoa nào đẹp trai hơn tui. Mọi việc chuẩn bị coi như xong, còn mấy tiếng nữa máy bay mới cất cánh lận. Tôi đang chờ đến giờ thì bọn chung đội bóng lại đến.
Chết thật, lúc này mà tụi nó lại kéo đi đá đấm cái gì không biết.Tôi định từ chối thì bọn nó cho hay, hôm nay đội kia đào đâu ra mấy thằng rất ác chiến, quyết làm gỏi tụi mình. Máu háo thắng nổi lên, tôi thay quần đùi áo số, đi liền. Phải công nhận mấy thằng mới này đá rất khá, bọn tôi bị thủng lưới ba trái liền nhưng cũng kịp thời gỡ lại bốn trái. Nhưng chân thì đá mà lòng tôi cứ như lửa đốt. Không chần chừ được nữa, tôi định bỏ về trước thì trời bông chuyển mưa. Trận đấu giải tán. Tôi mừng quýnh, vớ cái xe đạp chạy đi ngay. Phải gấp rút về nhà, gấp rút tắm rửa, gấp rút sửa soạn, con mua hoa nữa, đang lúc đi ngang một góc hẹp rộng, tôi chợt nhìn thấy một cô bé đang đứng khum khum như thể đang bận che chắn cho một thứ gì đó. Chiếc xe đang đà đạp nhanh đã băng qua một quãng rồi, không hiểu sao tôi lại quay trở lại. Trời mưa tầm tã, cô bé nhỏ xíu, ướt lướt thướt, mỏng manh như một khóm cỏ chực bật gốc bất cứ lúc nào. Tôi đạp thắng, nhảy xuống.
   - Nè bé, nhà em ở đâu anh chở về? Dầm mưa bịnh bây giờ.
   Cô bé lắc đầu quầy quậy:
   - Không được đâu anh, em mà bỏ đi thì cái chồi này chết mất.
   Tôi bước lại gần. Cô bé đang ủ trong lòng một sợi dây leo giậm dạp.
   - Chẳng biết cái hạt ai đánh rơi? Hôm sau thì nó đã nảy mần rồi. Nhưng đêm qua trời mưa dữ quá, suýt nữa là nước đã xói đứt rễ. Bây giờ em phải đứng che cho nó đến lúc mưa ngớt mới được.
   Phải làm sao đây? Không đến tiễn thì chắc Quỳnh Anh không thèm nhìn mặt tôi nữa. Nhưng phải bỏ em bé lại giữa cơn mưa to gió lớn thì tôi không nỡ, à, là không chịu được mới đúng, thôi, đành vậy! Tôi mỉm cười.
   - Vậy thì em che cây của em còn anh che cho em nghe.
   Cô bé nhoẻn cười:
   - Cảm ơn anh! Nhưng nó không phải cây mà là dây leo.
   Câu trả lời nghe quen quen. Ừ, là cây hay dây leo gì cũng được.
Giờ tôi chỉ mong cho mưa tạnh là tốt rồi. Chúng tôi đứng trong mưa rất lâu, đến nỗi hai bàn tay tôi che cho em ngấm nước bở trắng ra, còn cái lưng thì đơ cứng một khối không nhúc nhích nổi. Bỗng tôi thấy đầu óc quay cuồng rồi đổ vật xuống, không còn biết gì nữa.
                           ***
   Tôi ốm liền hai tuần. Nhờ đó mà khỏi mất công năn nỉ, chính Quỳnh Anh lại là người gọi điện hỏi thăm tôi trước. Nhân tiện tôu thú thật hết với cô nàng, từ chuyện đã lỡ làm mất cái hạt nàng cho, rồi chuyện bỏ đi đá banh đến suýt quên giờ đi tiễn, cả chuyện ở lại che mưa cho một cô gái nhỏ không quen nữa.
   - Vậy là Hoàng với cô bé đó có duyên rồi.
   Tự dưng nói một câu không hiểu là vui hay dỗi đây? Tôi thở hắt ra.
   - Ờ, duyên, duyên, khỉ gió thì có, hại người ta nằm chết dí một chỗ cả nửa tháng.
   - Không, Quỳnh Anh không có nói móc đâu, là lời thật lòng mà! Bữa đó tới giờ Hoàng có gặp lại cô bé đó không?
   Trời, cô nàng lại muốn điều tra gì đây? Kệ, tôi cứ sự thực mà trả lời.
   - Không, Hoàng vẫn qua đó nhưng không thấy nó nữa.
   - Vậy có khi nào Hoàng nghĩ cô bé đó không phải người không?
   Giọng Quỳnh Anh vừa nhẹ vừa trong mà sao tôi nghe rờm rợn.
   - Ấy, định nhát ma tui hả, không có cửa đâu nha.
   - Ai thèm ghẹo Hoàng chứ? - Giọng cô nàng nghiêm trang. - Quỳnh Anh muốn nói cô bé chính là hồn hoa của cái dây leo đó. Hoàng cũng tin cây cỏ cũng có linh hồn mà phải không?
   Chậc, con gái đúng làvua mơ mộng. Tuy nhiên, đôi lúc tôi vẫn mơ hồ không hiểu cuộc gặp gỡ đó có thực hay không. Nhưng có một sự thực là cái dây leo tôi gặp hôm trời mưa đã vươn cao ôm kín một góc tường. Hoa của nó vàng ruộm và mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến Quỳnh Anh. Cô nàng bảo tôi cứ xem như cái dây hoa đó nở ra từ cái hạt mà tôi đã đánh rơi.
   - Nhớ tưới nước mỗi ngày nghe.
   Mỗi lần chuẩn bị offline, Quỳnh Anh lại nhắc thế. Và tôi cũng đáp lại:
   - Nhớ mà, không bao giờ Hoàng bỏ quên Quỳnh Anh nữa đâu.
                     -Đinh Thị Thu Hằng-
             (Huyện Hóc Môn -TP Hồ Chí Minh)                     
 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top