Con ma cột đèn
Đầu thế kỷ 20, nước ta hãy còn bị thực dân đô hộ, chúng chiếm Hà Nội làm nơi trung tâm cai trị. Vốn dĩ, trước đây trong thành Hà Nội phố phường chỉ tập nập ban ngày, đến đêm thì tối om như mực, gà gáy là mọi người đều lên giường đi ngủ, lại có tệ trộm cắp buổi tối hết sức bực mình.
Thế nên thực dân có lắp đèn điện ngoài phố, làm Hà thành đương thời đêm đêm sáng rực như ban ngày; đèn điện lung linh sắc màu, trong thiên hạ không nơi nào sánh được. Từ đó nạn trộm cắp bớt hẳn, mà thành ra người ta cũng thức khuya hơn, ấy lại sinh ra trai gái thường đi chơi đêm, rồi chim chuột, thật là phiền phức.
Bấy giờ, có anh chàng tên Văn tầm mười tám tuổi, không nhớ rõ quê quán ở đâu, chỉ biết quanh quanh ngoại thành Hà Nội, vốn là dòng dõi quan lại nhỏ, được gia đình thuê trọ ra Hà thành học trường của thực dân. Cũng là trai trẻ hay chơi bời, lại xa nhà nên thường cùng bè bạn đêm đến thì rời nhà trọ mà tìm lên phố đàn đúm thành quen.
Hôm nọ, quen thói lên phố mà vui chơi, lại phải hôm không có bạn bè cùng chơi nên đi một mình cũng hơi buồn chán. Đang lững thững lượn dưới phố, thì thấy dưới cột đèn ánh sáng hắt hiu, một người con gái khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, nom mảnh dẻ, dáng lại yêu kiều thẩn thơ chơi quanh cột đèn. Chàng tò mò tiến lại gần thì sững người, bóng người như sen sớm đượm sương, hoa hải đường dưới nắng.
Lòng chàng rạo rực, tiến lại mà hỏi: "Sao nửa đêm ấy còn ra đường làm gì, một thân một mình, không sợ ma à?"
Đáp: "Cả ngày phụ mẹ bán hàng, tối lại phải cơm nước, trốn mẹ mới ra đây chơi được, mà chẳng thấy ai!"
Hỏi: "Ấy thế không có ai chơi thì chơi với tôi, được không?"
Đáp: "Cái anh này chỉ có thấy con gái nhà người ta là đã xấn vào. Thế đi đêm, không sợ ma à?"
Chàng đáp:" Em còn không sợ, tôi sợ gì. Mà đèn điện sáng chưng này, ma nào tới, hay ta vào chỗ nào tìm ma."
Nàng đáp:" Chỉ có thế là giỏi, thế đi đâu tìm ma?"
Nghe câu lẳng lơ, lòng như được mở cờ, nắm tay nàng mà nói: " Tôi dẫn đi!"
Nàng toan giằng ra, mà chàng giữ chặt quá, không kéo ra được.
Chàng lại hỏi:"Sao tay đằng ấy lạnh thế?"
Nàng đáp: "Thì còn gái nhà người ta dãi gió, dầm sương ra đây với anh, chả lạnh thì ai lạnh!"
Nghe câu nói yểu điệu như nước suối trong khe ngòi tí tách, như trà ấm buổi chiều đông mà lòng chàng không chịu được. Hai bên cứ đối đáp qua lại mà như đôi chim câu quyến luyến rồi dẫn nhau chim chuột nơi vắng vẻ.
Bình thường, lúc gần gũi, chàng có sờ người nàng thì thấy lạnh hơn thường, mà bế lên cũng thấy nhẹ nhàng như không, chàng cũng thấy làm lạ lắm, nhưng nàng thường nói con gái gầy mảnh mai đương nhiên nhẹ, đi đêm đương nhiên thấy lạnh hơn thường. Chàng chìm trong yêu đương nên cũng không nghi hoặc gì nữa.
Sau này, chàng biết nàng tên là Vân, nhà gần ngay cạnh đấy, đêm đến thì nhảy tường ra mà hẹn gặp dưới ánh đèn.
Cứ như vậy, cứ vài ba hôm lại một bận hẹn nhau ở bên cột đèn chim chuột hết sức lả lơi rồi lại đến tìm chỗ kín đáo mà giao hoan mặn nồng như tình nhân vậy.
Có điều, chàng ngày càng chểnh mảng việc học, mà chúng bạn cũng chẳng thèm giao tiếp. Chúng bạn thấy vậy lạ lắm, gặng hỏi mà chàng chẳng nó, chỉ cười trừ.
Lại nói về thân thể chàng Văn ngày càng gầy mòn, mặt hốc hác cả ra. Bạn bè khuyên rằng trên đời vốn có nhiều thú vui, nhưng việc học vẫn trên hết chớ có bỏ bê, chàng cũng chỉ ậm ừ cho qua.
Được ba tháng thì chàng ngã bệnh hẳn, nằm liệt giường, ông chủ trọ nấu cháo loãng cho húp mà còn không được, đêm đêm hú hét kinh hoàng. Hoảng quá, ông chủ bèn nhắn người nhà mà đến đón về.
Nhà chàng cũng đưa người đến chăm nom. Được tháng thì bệnh càng nặng, không còn biết ai với ai, cha mẹ đến cũng chẳng phản ứng gì, đâm ra nằm một chỗ, mắt trợn ngược, mồm há không ngậm được, chỉ đổ cháo trắng mà sống qua ngày. Cả nhà chạy vạy thầy thuốc ta, rồi sang thầy tây mà không trị được. Hết cách, bèn thuê người cáng về nhà mà lo hậu sự.
Đi qua cổng làng thì có ông già tầm 70 tuổi, ngồi gốc cây mà cười, nói: "Ông bà rước cậu nhà ta về đấy à, ấy đâu phải bệnh người mà tìm thầy lang".
Bố mẹ chàng Văn nghe thấy, tần ngần, lấy làm lạ mà lại gần ông già, lạy mà hỏi: "Bẩm thầy, thế con nhà con bị bệnh gì ạ?"
Lại nói, ông già đấy vốn là quan khâm thiên giám trong triều ta, chuyên coi thiên văn nên trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, lại biết tướng học, bất đắc chí mà bỏ quan về quê bốc thuốc, xem tướng. Người trong làng kính trọng lắm.
Ông đủng đỉnh nói: "Nay về đến đây rồi, ông bà đưa cậu vào đình vái Thành hoàng, Thành hoàng xem cho."
Cả nhà bán tín bán nghi, nghĩ, đã thời nào rồi còn tin cái trò dị đoan ấy, đến thầy tây còn không chữa được thì chỉ có Diêm vương chữa thôi. Nhưng bà mẹ lại cấu ông nhà mà nói rằng có bệnh thì vái tứ phương, nay về đến đây vào vái Thành hoàng cũng chẳng hại gì.
Thế là bảo người cáng chàng Văn vào đình làng,
Đoạn, vừa bước vào cổng đình thì cậu Văn hét lên một tiếng mà choàng tỉnh như người hoàn hồn, chân tay quờ quạng mà nhìn cha mẹ, chắp tay vừa lạy vừa khóc.
Mọi người đều lấy làm kinh dị, mà ra vái ông già.
Ông già nói: "Đất có thổ công, sông có hà bá, nay về đến đất Thành hoàng ta, ma hay quỷ đều không hại được. Bệnh nó là bệnh ma làm, nay gặp Thành hoàng, ngài giải cho ấy là nhà ông còn phúc lắm, nhớ lễ ngài. Thôi về đi, chăm cậu cho chu đáo, nửa tháng tôi sang thăm cậu".
Cả nhà chàng xì xụp lạy ông già rồi mời ông về nhà, nhưng ông không nghe, phủi đít quần mà đi.
Nghe lời ông già, cả nhà về nhà sắm sửa lễ mà cúng tạ Thành hoàng rồi chăm sóc chàng Văn sớm tối. Từ đó, chàng Văn dần dần hồi phục.
Được nửa tháng, thì ông già gõ cửa sang thật, cả nhà vừa mừng vừa lo, không biết ông già xem bệnh gì.
Ông bảo: "Nay cậu khai cho thật, có đi chơi đêm không mà đến nỗi này."
Chàng Văn vừa xấu hổ, vừa sợ mà khai thật đầu đuôi câu chuyện cho cha mẹ và ông già.
Ông cười bảo: "Đi đêm lắm ắt có ngày gặp ma, cũng là chuyện thường thôi. Để tôi đi xem con yêu kia mỹ miều đến đâu mà làm cậu nhà mê mẩn thế, chỉ phiền ông bà sắm sửa cho tôi với cậu chút lộ phí, với mấy thằng hầu đi để làm việc".
Cha mẹ chàng gật đầu lia lịa mà sắm sửa tư trang, cho thêm hai thằng đầy tớ mà sáng sớm mai, gà vừa gáy mà đi ngay.
Đoạn.
Ngay tối đấy, chỗ quen dưới đèn mà chàng và nàng hay hẹn hò, chàng Văn lại đến đứng chờ từ sớm. Quả nhiên có đứa còn gái, nhìn mình hạc xương mai, cười yểu điệu tiến đến, ôm chàng từ phía sau.
Giật mình, chàng thét lớn: "Ối!"
Nàng cũng giật mình mà buông ra, sững người.
Thình lình, ông già nhảy ra từ ngách tường gần đấy ra mà nắm tay đứa con gái. Nàng toan chạy, nhưng ông già nắm chắc quá mãi không giằng ra được.
Ông già trỏ tay quát: "Con yêu này, chết đã làm ma, không đi đầu thai, còn ở đây gây nghiệp, lại còn thói chim chuột ở đâu ra!"
Nàng sợ quá luống cuống, lấy tay che mặt không biết làm gì.
Chàng, bấy giờ chàng như người hoàn hồn, biết người mình yêu là ma, nhưng cũng gần gũi đã lâu, đâm ra không còn sợ hãi. Lại xót ông già quát nạt nàng, tính xông lại giải vây thì hai thằng đầy tớ ào ra, giữ chặt chân tay, không đụng cựa được.
Chàng mếu máo, khóc mà xin rằng: "Bẩm thầy, người ma tuy cách biệt, nhưng tình cảm chẳng nhẽ không xót xa, xin thầy giơ cao, đánh khẽ, tha cho em ấy!"
Ông già lại quát: "Con này, ở đâu đến mà không siêu sinh, còn làm hại người ta thừa sống thiếu chết, biết tội nặng lắm không?"
Nàng khóc, lí nhí mà phân trần: "Xin thầy giơ cao đánh khẽ, con vốn là gái nhà lành, sống thời Cảnh Hưng, nhà nghèo lại chết yểu nên bố mẹ bán thây cho nhà phú hộ để yểm hũ vàng, hũ bạc. Phú hộ cho ngậm ngải, nên hồn con cứ vất vưởng quanh đây, không siêu được, tối không người con thường tha thẩn chơi một mình".
Ngập ngừng, nàng tiếp: "Phải đợt chúng nó làm đèn điện, nên tối khuya vẫn tấp nập nên thường đêm giao du người sống thành quen. Nhưng con đâu muốn hại chàng, chỉ do con chết yểu, cái vui trần chưa hưởng đâm ra tò mò mà hại người."
Chàng lại kêu van: "Bẩm thầy, tuy là âm dương cách biệt, nhưng cũng có cảm tình, lại chẳng phải cố tình hại nhau, mà con ơn thầy mà sống, xin thầy soi xét cho, cũng là kiếp người khốn nạn mà ra."
Ông già: "Làm ma mà còn chim chuột ấy là không đứng đắn, lại còn làm con người ta suýt chết tội càng thêm nặng. Nay chỉ rõ, thây còn ở đâu, để ta giải cho, nhớ là siêu đi, chớ có quen thói hại người, lúc ấy đừng trách."
Đoạn nói rồi ông thả tay ra,
Nàng quỳ mà nói: "Thây con ngay dưới tường kia, cạnh cột đèn, can qua mấy thì, thây vùi lấp hai, ba trượng rồi, xin thầy,xin anh thương mà giải giúp."
Bỗng đèn bỗng phụt tắt, rồi lại sáng, không còn thấy nàng đâu.
Mọi người đợi đến sáng rồi vào xin, biếu tiền chủ nhà có bức tường, rồi phá tường mà đào, được hai trượng thì quả nhiên có quan quách.
Phá ra thì hiện một xác người, mở ra thì đúng nàng, khuôn mặt, thân hình không sai khác, thi thể còn nguyên, chỉ như người đang ngủ.
Mọi người đều cảm thán, tiếc cho một đời. Chàng nhìn thấy rồi lăn ra mà khóc vật vã, phải cho người cõng về.
Ông già liền thò tay lôi trong miệng nàng ra một cái túi nhỏ mà bỏ đi, chốc chốc, thân thể, quần áo nàng tan thành tro mà chỉ còn trơ bộ xương trắng. Mọi người đều kinh dị.
Ông già lấy tiền lộ phí thuê thầy cúng và nhà sư về mà làm lễ siêu sinh, rồi mang ra đồng làm lễ chôn cất, cúng tế đầy đủ.
Lại nói, chàng Văn từ khi cải táng nàng xong, người vẫn vẩn vơ, ngẩn ngơ như người không hồn. Một đêm đang ngủ bỗng có người đẩy cửa mà vào phòng, chàng nheo mắt nhìn, thì ra là nàng, chàng hoảng hốt không nói lên lời. Nàng day chàng, nhìn chàng mà cười nói: "Tôi được thầy, được anh cưu mang, nay sắp vào đường siêu sinh, độ đi kiếp khác rồi; anh chớ đau buồn, việc nhà việc nước còn, chớ có tiếc thương mà chểnh mảng. Mà không có công cha, mẹ anh bỏ tiền bạc cúng tế, cải táng thì tôi cũng không có được ngày này. Chỉ xin anh tuyệt tình với tôi thì coi như cái ơn nghĩa tái sinh này là mãn nguyện rồi!".
Nói xong nàng đứng dậy mà đi ra cửa, chàng hốt hoảng với tay theo, ngã xuống giường thì choàng tỉnh mới biết là mộng.
Sáng sớm, chàng kể lại cho cha mẹ, cả nhà đều lấy làm kinh dị, coi là nàng đã hoàn thành tâm nguyện, rồi cả nhà đưa nhà ra mộ nàng mà làm lễ rất hậu.
Lại quên chưa nói, nàng vốn dĩ được cho ngậm ngải để coi của, thế nên đưa nàng đi xong thì bên dưới đào được của nả nhiều không bao nhiêu kể xiết nào vàng nào bạc. Nhưng mọi người đều coi là việc kinh dị, không ai dám lấy. Bất đắc dĩ, hai thằng hầu phải mang về nhà chàng. Cha mẹ chàng thấy thế nghĩ ngay đến ông thầy, liền lục tục mang vàng bạc kéo nhau sang nhà ông già mà rằng:
"Bẩm thầy, mạng con chúng con là thầy cứu, hồn kia là thầy siêu, thì vàng bạc này đều để báo ơn thầy."
Ông già cười mà nói: "Vì đống đấy mà người ta thành ma hại người, rồi con ông bà suýt nữa cũng đi theo, nay ông bà còn định mang đống đấy hại tiếp tôi sao?"
Cha, mẹ chàng sợ quá, cứng hết cả miệng, không nói lên lời.
Ông già nói tiếp: "Của thiên trả địa, mang đi mà cúng dường, tạo phúc đi!"
Bấy giờ, cha mẹ chàng Văn xin vâng mà mang vàng bạc đi, một phần thì xây lại mộ cho nàng Vân, một phần thì phát chẩn, phần còn lại thì lại cúng cho chùa mà đúc chuông.
Còn chàng Văn cũng trở về trường học như trước, chừa hẳn thói chơi đêm.
Rồi sau cũng không nghe sinh thêm chuyện gì nữa.
Bình rằng:
Ấy mới thấy thế rằng, các cụ ta dậy rằng: "Đi đêm lắm có ngày gặp ma" chẳng sai.
Mà cũng rằng Nguyễn Du có câu:
"Lời quê chắp nhặt rông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh."
Đêm khuya kể cho quý vị chuyện phiếm để mua vui, chớ có coi là sự thật.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top