#2: Cậu đi đâu cho con theo với


        Nghe bà chủ nói, con bé chỉ tít hai mắt mà cười, nó còn bé mà, đâu biết gì là dâu với con.Bà Nghị đuổi nó nhanh xuống bếp, đoạn nắm tay cậu Tân mà đáp:

    - Con à, mày cũng mười lăm rồi, gắng kiếm cho u đứa cháu để u còn yên tâm mà nhắm mắt. Ngữ như mày đây, cao ráo, trắng trẻo, đẹp mã thế này lại sợ không con nào đấy mà bu vào à?

- U cứ mặc con, việc cưới xin là chuyện cả đời, đâu ai muốn là được ngay đâu ạ. Vợ của con, là do con chọn, không ai cấm đoán được.- Cậu Tân thoáng cau mày, đáp. Cậu cũng biết tính khí người già mà, u của cậu chắc cũng chỉ muốn tốt cho cậu, vả lại ở cái làng này, mười ba, mười bốn tuổi đã kết đôi hàng đàn, đâu cần phải đợi hợp nhau rồi mới yêu?

      Cậu Tân lại xỏ guốc vào, lọc cọc bước ra ngoài cổng, bà Nghị nhìn với theo con cũng không khỏi lo lắng. Nhà bà may phúc sinh được hai mụn con. Cô Hà Ninh thì mới lấy chồng hai năm trước, đã con đàn cháu đồng đuề huề, nhà bên ấy cũng thuộc hàng khá giả trong tổng, còn cậu Tân đây, tính khí bướng bỉnh khó chiều, y như ông nhà bà vậy, bà đã dặm hỏi biết bao nhiêu mối, con cái thuộc hàng danh giá, đến bét nhất cũng phải tiểu thư nhà Chánh Tổng họ Nguyễn, nhưng đều bị cậu chối từ. Chợt nghĩ ra điều gì, bà bèn gọi vú Năm- người chăm bẵm cậu Tân từ bé:

     - Vú Năm đâu rồi ấy nhở? Vú ơi!

      -Dạ...bẩm bà, con đây ạ.- Bà vú béo nục, chậm chạp bước từng bước ở dưới bếp lên. Vú vốn nặng tai, nên bà gọi khản cả tiếng vú mới lò dò bước lên.

    - Vú xem, vú hiểu cậu nhất nhà, vú lựa lời khuyên, bảo nó kiếm mối để tôi có đứa cháu bế!

        - Bẩm bà, cậu Tân tính khí ngang ngạnh, chưa chắc cậu đã...cậu đã...

      - Im! Không được cũng phải được! Bà suốt ngày chăm bẵm cậu rồi, xem xem cậu có cái hình thù gì lạ trên người hay không, tôi có nghe đâu mấy cái vết bớt gì đấy nó cắt cái duyên của cậu thì sao?

       Vú Năm rơi vào trầm tư nghĩ ngợi, bà Nghị cũng sốt ruột theo. Xong, vú đánh tay cái "đét", làm bà Nghị giật mình ngã xuống đất:

     - Úi dời ôi, vú làm cái gì mà cứ như đi đánh trận thế?

     - Con nhớ rồi, hình như...hình như là...cậu có cái bớt, nó hình gì nhỉ? A...hình vầng trăng ấy, nhưng mà khuyết mất một nửa...   

      Bà Nghị đến mức này cũng bất lực, cái vết bớt ấy mà khuyết mất một nửa, biết tìm đâu ra nửa còn lại bây giờ? Thôi bà cũng đành đuổi vú xuống bếp, bà còn căn dạn vú cố gắng dạy cái con bé mới nhặt về cho nó nhọn việc đi, chứ nuôi báo cô thế này, để nó ăn chơi phè phỡn thì có mà sạt nghiệp!

      Bẵng đi một thời gian, được bà bếp Quỳnh lẫn vú Năm uốn nắn, cộng thêm cả một bài chửi banh làng banh xóm của bà Nghị, Tủn cũng đã thạo việc. Nó không còn vụng về đến nỗi "đá thúng đụng nia" như trước nữa.Bà Nghị giờ chẳng tìm được cớ gì mà chửi nó, chỉ có gặp nó là lại buông vài lời "mát mẻ" này nọ, bà Nghị tính cũng "ruột để ngoài da" chửi xong cũng chỉ đến mỏi cái mồm còn con bé kia, nó vẫn vậy, vẫn cười đùa, vẫn hồn nhiên lắm. Được cái, trẻ con chúng nó tiếp thu nhanh, mới theo bà bếp được mấy ngày trời, nó đã biết tính tiền nhanh thoăn thoắt, còn lựa lời ngon ngọt để nói giúp bà bếp trả giá rẻ hơn. Mấy người ngoài chợ ai nấy cũng gật gù:

- Con này đáo để thật.
- Cái ngữ đấy khéo còn gấp mấy lần bà Nghị làng này chứ lại.

        Người ta cũng thương gia cảnh bà bếp, bốn mươi tuổi đầu, không chồng không con, nhà lại nghèo, nghe đâu cũng tin vào mấy cái lời đường mật của bọn đàn ông xong chúng lừa đến thân tàn ma dại một thời gian. Người ta nói, miệng lưỡi đàn bà điêu ngoa gian giảo, nhưng có thể loại miệng lưỡi còn kinh khủng hơn, đó là những lời" có nước có cái" của bọn đàn ông đi lừa bịp người khác. Chắc tại vì cái lẽ này, nên bà bếp đau lòng lắm, nhưng không bao giờ bộc lộ ra bên ngoài, bà cố gắng phục tùng nhà chủ cho hết mực, vì quãng đời còn lại của bà cũng chỉ gắn bó với nhà chủ để quên cái nỗi buồn ấy.

       Bây giờ thêm cái Tủn, nó ngoan mà thương mẹ lắm, mặc dù chỉ là con nuôi nhặt về. Bà dốc hết sức dạy bảo như một người mẹ thương chính khúc ruột mình đẻ ra vậy, có nó, bà không còn cô đơn nữa, làm mệt có nó pha nước uống, bóp chân bóp vai cho. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày, như thế cũng đủ lắm rồi.

       Sau khi hoàn thành một đống ti tỉ thứ mà bà Nghị giao từ sáng sớm, Tủn được bà cho phép nghỉ ngơi. Nó mân mê nhặt nhạnh mấy hòn sỏi nhẵn ở mé áo cạnh nhà, thì thấy cậu Tân đã cắp khăn gói chuẩn bị xỏ guốc đi. Cậu lạ lắm, suốt mấy năm toàn đi từ tinh mơ đến xế chiều mới về, nó bèn bỏ mấy hòn sỏi xuống, lân la đến chỗ cậu, dùng cái giọng dẻo như kẹo kéo xin cậu:

-  Cậu ơi, cậu à, cậu đi đâu cho Tủn đi với được không?

- Được, nhưng nếu Tủn mà đoán được tao đi đâu thì tao cho Tủn đi.

        Cậu Tân ngoài việc ở đình ra, cậu rất vui tính và hay bông đùa. Cậu đọc luôn một tràng, rồi quảy gót đi:
- Đi đến chân giời, đi xuống đáy bể, lên mây xuống đất, hỏi là đi đâu?
- Ơ...ơ.- Con Tủn còn chưa đoán được cậu đi đâu, thì cậu đã quải bước ra đến đầu ngõ rồi biến mất dạng. Nó lại tiu nghỉu cái mặt, trở về với mấy viên sỏi mới nhặt kia, ôm cái câu hỏi của cậu mà suy nghĩ.

       Rồi cũng là cơ hội với nó, khi bà Nghị ném cho vài xu, bảo rằng đi mua mấy miếng dồi lợn về cho " cậu Vàng" dùng bữa. Cậu Vàng là con chó bà Nghị nuông nhất, khéo bà còn chiều chó hơn đối đãi với người ăn kẻ ở. Bà bảo mấy bác tiều đóng cho nó cái cũi "ngon" nhất, rồi cho nó ăn những món mà Tủn có mơ cũng chẳng đụng vào một miếng. Kia rồi, Tủn cứ thấy mặt con chó kia là Tủn ghét, mặt nó cứ câng câng mà hất hàm sủa Tủn đã mấy lần .Tủn luôn bị bà Nghị đánh đòn vì nó, mà giờ bà lại bắt Tủn đi mua dồi cho nó, thế có cay không cơ chứ! Thế này thì bực mình thật. Tủn đem mấy xu kia chia làm đôi, nó mua dồi xong rồi rẽ vào hàng gia vị mua một gói bột ớt cay cực mạnh, đoạn đang định về đi ngang qua đình, nghe thấy tiếng ai đó trông quen thế, hóa ra là cậu Tân. Cậu trông như một thầy đồ dạy học, cắp quyển sách, còn bên dưới là cả thảy một lũ trẻ con lúc nhúc, cả trai lẫn gái đang ê a đọc: " Nhân chi sơ.. Tính bản thiện...

         Phen này được lắm! Tưởng cậu đi đâu, hóa ra là đi dạy học! Tủn hí hửng đem cái bí mật vừa rình được về nhà giấu đi, đoạn nó đem dồi nấu vào bát, hất cho con chó kia ăn, may cho nó là hôm nay vợ chồng ông bà chủ đi thăm họ hàng đến tối mới về, đây là thời gian tuyệt nhất để "xử đẹp" cái giống quái kia.

      Phật! Dúm bột ớt cay xè rắc lên mũi con chó, nó kêu "ẳng ẳng" rồi lại sủa nhặng lên vì ngứa. Tủn phi tang gói bột ấy thật xa đi rồi chui tọt vào bếp ngồi thu lu. Bà bếp Quỳnh thấy con có biểu hiện lạ, bèn nói:

- Tủn! Lại nghịch gì đúng không?

- Đâu có ạ.- Hai mắt nó long lanh nhìn mẹ.

- Sao "cậu Vàng" lại sủa nhặng lên thế kia?

- Nó ăn dồi lợn, nó mừng chứ sao ạ.- Cái bài văn vở của con Tủn cuối cùng cũng gạt được bà bếp Quỳnh, bà cũng gạt đi rồi tiếp tục lấy công việc. Trong lòng Tủn hả dạ lắm! Ha ha, lần này mày còn sủa tao nữa không hả chó!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top