#1: Chiếc rổ mây.
Làng Hạ vào một buổi sáng tinh sương chớm lạnh với cái tiết trời mùa xuân, xung quanh đều phủ một lượt hơi nước màu khói bạc như tấm màn mỏng giăng xung quanh. Tiếng dép guốc lọc cọc gõ xuống mặt đất, tiếng người ta ý ới gọi nhau đi làm đồng cũng vang động nơi đây.
- Chuẩn bị xong chưa Tân?- Cụ Nghị Hào tay cắp sổ sách, mặc một chiếc áo dài đen cùng quần trắng đang thò cổ vào trong nhà gọi con trai. Y chừng nhanh như chớp, cậu Tân cũng nhanh chóng bước ra ngoài cửa.
- Thầy cứ giục mãi, con xong rồi đây.- Cậu Tân chỉ chờ có thế, xỏ đôi guốc mộc cùng cha đi khảo sát tình hình trồng cấy của bà con.
Làng Hạ là một nơi trù phú, rộng rãi, nằm ngay bên một nhánh con sông Nhuệ, nước chảy êm đềm mà trong vắt. Cả làng Hạ này đều một tay cha con ông Nghị Hào cai quản nên bốn năm gần đây dân cư buôn bán khấm khá hơn trước nhiều, tai tệ nạn cũng một tay ông Nghị dập đi hết. Con trai ông, câu Nhật Tân, mới mười hai tuổi đã tỏ rõ sự mạnh mẽ quyết đoán giống như cha mình. Cậu có vẻ ngoài không thể lẫn đi đâu được, gương mặt vuông vức chữ điền, đôi mắt sáng và thanh tú như vì sao, người ta nói cậu đẹp là bởi đôi mắt, đôi mắt có hồn, dịu dàng khiến bao người con gái ao ước được làm vợ cậu ngày một tăng. Cậu nhân hậu, cởi mở lắm, nhiều lúc cậu lội bẩn hết quần áo chỉ để cày nốt nửa sào ruộng của một bác nông dân mới ốm dậy, lắm khi cậu còn tham gia việc làng, việc tổng, mọi lời nói cậu đưa ra, ai cũng răm rắp nghe theo, điều này làm ông Nghị rất hài lòng.
Hai cha con bước tới năm mẫu ruộng cày đã thẳng băng, xanh tốt thì ưng cái bụng. Ông Nghị hồ hởi hỏi thăm tình hình bà con nhân tiện bảo con mở túi đưa họ mấy đồng về sắm sửa đồ Tết. Bác Cả, vội lau lau hai tay đầy bùn đất lấm lem xuống gấu áo, ngửa bàn tay nâng niu mấy đồng tiền cậu Tân trao, bác rơi nước mắt, vội lạy ông bốn lạy rồi cất tiền vào túi. Xong việc, nhiều người khác cũng làm y như bác, chia sẻ mấy đồng tiền với nhau rồi "lạy cụ" đi về.
Hai cha con đi được một lúc cũng đã non trưa, họ men theo con sông rửa chân tay rồi về. Ông Nghị giở sổ ghi mấy điều rồi gấp lại trong khi cậu Tân đang nhúng nhúng đôi guốc mộc dính đầy bùn đất dưới lòng nước. Hai người sửa soạn chuẩn bị rời đi, bỗng có cái thúng mây, bọc đến hàng mấy lớp váy đụp trôi đến chỗ hai cha con, cậu Tân nghe đâu có tiếng trẻ con khóc thất thanh, đoạn cậu bảo cha mình chờ ở đấy, đuổi theo dòng nước, bắt lấy cái thúng kia rồi vớt lên bờ.
Giở tới hàng mấy lớp váy đụp rách rưới là khuôn mặt của đứa trẻ mới sinh chưa được mấy ngày đang khóc thét lên vì khát sữa, cậu Tân hoảng quá, bọc nó lại vào tấm vải rồi bế đến cho cha xem, đứa bé nghe chừng khóc tợn hơn. Hai cha con ngoảnh đi ngoảnh lại xem thử có ai lỡ đánh rơi thì đưa lại nhưng đáp lại hai cha con chỉ có mênh mông một dòng nước trôi và vạt mạ vừa mới cấy. Nom trông đứa trẻ thấy tội nghiệp quá, ông bảo con trai:
- Thôi nghĩ cũng thảm cho cái kiếp đứa trẻ suýt làm cơm cho Hà Bá, mình đưa về nuôi, sau này có đứa đỡ đần tý việc.
Cậu Tân đồng tình, hai cha con về đến nhà trời cũng đã quá trưa, người hầu kẻ hạ nhanh chóng dọn mâm bát sẵn sàng, bà Nghị cũng đạo mạo bước ra cạnh mâm ngồi:
- Quái, đi đâu mà đến trưa trầy ra mới về thế? Lại còn xách theo của khỉ thiên hạ gì về đây?
- Bà làm sao mà phải khó chịu thế? Nó đã ăn hết thóc gạo nhà bà ra đấy phỏng? Người ta ăn ở thất đức, bỏ nó lại, giờ mình nhặt về nuôi mấy nữa nó lớn nó đỡ cho ít.- Ông Nghị hớp chén rượu rồi xoa xoa chòm râu dài. Người ta cảm phục ông cũng bởi cái đức thương người, nhưng trái lại vợ ông, bà Nghị này lại chẳng mảy may gì thương xót ai. Bà vốn dòng dõi nhà Tổng Trấn Bắc Hà, được ngậm thìa vàng từ bé nên sinh ra cái tính kiêu căng, không coi ai ra gì. Người hầu kẻ hạ ai làm việc không vừa lòng bà, lập tức tháng đấy chẳng có hào nào giắt túi, lại còn bị bà phết cho vài roi. Dân làng bảo :"Lên rừng thì tránh cọp beo, Làng Hạ thì tránh bà Nghị này ra"
Đứa bé được đưa cho bà bếp Quỳnh nuôi, do bà già rồi, lại không có mụn con nào, thêm đứa trẻ khéo lại vui cửa vui nhà. Toàn bộ người hầu kẻ hạ ai nấy cũng xúm vào xem bà bếp tắm rửa cho đứa trẻ. Nó xinh xắn, kháu khỉnh đến lạ. Người thì sờ hai bên má trắng trẻo, người thì nắm nắm bàn tay nhỏ bé như nụ hoa cà mới hé, cái môi lại chúm chím, trông yêu phải biết! Bà bếp còn trông ra có một vết bớt hình trăng khuyết ở vai phải của nó, bà thầm đoán rằng, đứa trẻ này lai lịch cũng đặc biệt đi, hay là con của giời đem đến cho bà hay chăng?
Quả là cái sữa thập phương đã đem đến cho đứa trẻ cái chất dinh dưỡng lớn đến mức nào mà chỉ trong ba cái Tết trôi qua, đứa trẻ còn đỏ hon hỏn, khóc đến nở bong bóng mũi vì khát sữa nay đã phổng phao thành một đứa con gái xinh đẹp, trắng trẻo, tóc mượt, đôi mắt như biết nói, mồm mép lúc nào cũng nhanh nhảu lắm. Bà bếp Quỳnh gọi nó là con Tủn, y chừng để dễ bề sai bảo. Con bé nhanh nhẹn lắm, mới ba tuổi đã biết đấm lưng bóp vai cho bà lúc bà thấm mệt. Bà thầm nghĩ, có đứa con gái như vậy, thì trăm thằng con trai cũng chỉ có vứt. Đặc biệt, con Tủn như có một cái gì đó gọi là cảm mến đặc biệt với cậu Tân, mọi ngày ở nhà bà Nghị sai cái gì nó cũng uể oải dạ vâng rồi làm việc chậm như rùa, bà có mắng mấy câu thì cậu Tân lại nói đỡ:
- Mẹ cứ từ từ, nó còn bé, đã biết cái gì đâu.
- Mày cứ bênh nó xong nó đưa chân lên nó ngoáy mũi mày đấy biết không hả Tân.
Những lúc như vậy, con bé lại ngước cái mắt long lanh vẻ tội nghiệp hướng về phía cậu Tân, cậu lại tiến đến bế xốc nó lên rồi xoay vòng vòng, con này "lươn" lắm, những lúc cậu có mặt ở đấy nó làm việc hết sức lấy lòng bà Nghị, đến nỗi bà cũng bật cười mà cốc vào đầu nó:
- Rõ cái phường gian thế chẳng biết. Để xem mấy nữa mày làm dâu tao rồi tao dạy mày thế nào?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top