9. Hồi ức của sư huynh
TRỊNH TƯỚNG VÀ SƯ HUYNH RẤT TRONG SÁNG.
Quý Phồn tự nhảy vào hố phân mà không biết, có thể nhận thấy ý định đáng sợ hiện tại của Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn chưa xuất hiện. Gian đảng của Trịnh tướng cũng sốt ruột, dù tin tưởng vào sự sáng suốt của Trịnh tướng, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thân phận thầy giáo của Quý Phồn đủ để ngăn cản rất nhiều chuyện của Trịnh Tĩnh Nghiệp.
Nhóm đối thủ chính trị của Trịnh Tĩnh Nghiệp chia làm rất nhiều loại, nhờ vậy có thể nhận ra bên đấy cũng không phải chắc như thép. Theo công tác thống kê sơ bộ, loại thứ nhất: cho rằng Trịnh Tĩnh Nghiệp sợ, khiếp sợ uy lực của thầy mình. Loại thứ hai: cho rằng Trịnh Tĩnh Nghiệp đã được thầy cảnh tỉnh, từ nay sẽ tỉnh ngộ cải tà quy chính.
Hai loại trên thì chẳng cần lo lắng.
Loại thứ ba: Trịnh Tĩnh Nghiệp nhất định có âm mưu, âm mưu cụ thể là gì, cần nghiên cứu thêm. Có điều đã biết ông có ý xấu rồi thì sẽ sinh lòng cảnh giác, không dễ gì thực hiện.
Loại thứ tư: Trịnh Tĩnh Nghiệp nhất định có âm mưu, âm mưu cụ thể là gì, cần nghiên cứu thêm. Nhưng không biết cũng không sao, có Quý Phồn đứng trước rồi. Trịnh Tĩnh Nghiệp không thể ra tay với thầy được, nếu như làm thật, mọi người sẽ hợp lực tổng tấn công. Trịnh Tĩnh Nghiệp năm đó cơ khổ đơn độc, nếu không nhờ đệ tử của Quý Phồn giúp đỡ, thì không thể có được thành tựu như bây giờ, thân phận là học trò của Quý Phồn là nước cờ đầu tiên của ông. Bây giờ ra tay với thầy giáo chính là vong ơn phụ nghĩa, chỉ cần điều này là có thể cắn chết ông rồi.
Mọi người rất thích ngồi xem.
Cho đến khi có một người không vui xuất hiện ở Trịnh phủ – Cố Ích Thuần.
Cố Ích Thuần rất hiểu Trịnh Tĩnh Nghiệp, cho dù xa cách hai mươi năm, ông vẫn được coi là người hiểu Trịnh Tĩnh Nghiệp nhất. Đỗ thị cũng hiểu Trịnh Tĩnh Nghiệp, chỉ cần dựa vào hơi thở là có thể nhận ra cảm xúc của chồng, trong khi Cố Ích Thuần không cần chung sống mà vẫn biết sư đệ mình đang suy nghĩ gì. Ông tận mắt nhìn thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp từ một tiểu tử biết vài con chữ ở nông thôn từng bước một vào kinh làm quan, tuy sau khi Trịnh Tĩnh Nghiệp vào kinh thì hai người không gặp nhau nữa, nhưng vẫn thư từ qua lại như cũ.
Như thế này rất không giống Trịnh Tĩnh Nghiệp, theo tính tình của Trịnh Tĩnh Nghiệp, không bóp chết Quý Phồn thì thôi, sao lại có thể đề cử lão ra làm quan?
Công bằng mà nói, danh sĩ như Quý Phồn cũng là người bình thường, cũng có tư lợi, có điều dù gì lão cũng đã chiếu cố Cố Ích Thuần. Cố Ích Thuần cũng không muốn Trịnh Tĩnh Nghiệp đối đầu với Quý Phồn, khiến thanh danh đã không tốt càng tồi tệ hơn.
Nghĩ vậy, ông cho người đến Trịnh phủ trình danh thiếp.
Một tấm danh thiếp được mang tới, khiến đại tổng quản Trịnh phủ sợ đến mức hồn vía lên mây.
Mệ nó! May mà bố nhận ra lão bộc bên người của Cố tiên sinh, bằng không để lũ không hiểu chuyện kia cho rằng danh thiếp của Cố tiên sinh là của A Chó A Mèo gì đó rồi ném đi... Chắc chắn sẽ bị Tướng công đánh chết! Âm thầm tự nhắc bản thân, từ nay không thể tùy tiện xử lý danh thiếp nhận được, phải đọc cẩn thận từng phần, đỡ tránh rước chuyện vào thân.
Hôm đó Cố Ích Thuần đến chỗ Trịnh Tĩnh Nghiệp để xác định câu trả lời thuyết phục, nay mở một cái thiệp khác, mời Cố Ích Thuần ghé phủ. Cố Ích Thuần nhìn trên thiệp có viết 'Có lẽ công việc tiên sinh rất bận, không dám trông đợi' mà không khỏi cười khổ. Tính tình của Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn không hề thay đổi như trước!
–Phân cách tuyến hồi ức của Cố sư huynh–
Ông vẫn còn nhớ rất rõ, đó là một sớm đầu thu, mờ mờ sương khói khiến nhìn ở đâu cũng dạt dào tình thơ ý họa, là một thành viên trong 'quần thể các danh sĩ rảnh rỗi sinh nông nổi* & danh sĩ chuẩn & danh sĩ tự nhận', ông xách ghế ra cổng, ngắm cảnh – một trong những tác phong của các danh sĩ đương thời.
Khỏi phải nói, phóng tầm mắt trống rỗng nhìn xa xăm (mà theo ngôn ngữ thông thường 'ngồi đực người ra') quả có thể khiến tâm hồn thanh thản đi nhiều! Đúng lúc đó, một thiếu niên mặc trên người một bộ quần áo chẽn, vải gai màu nâu, thong thả bước ra từ trong sương mù.
Lúc đó, Cố Ích Thuần rảnh ơi là rảnh, rảnh đến nỗi chỉ muốn bày trò tiêu khiển. Ông là một trong những đệ tử đắc ý nhất của Quý Phồn, thông minh bẩm sinh, xuất thân danh môn, lại còn là danh môn sẽ không suy tàn. Đời này đã chẳng còn mong muốn gì hơn, chỉ có rảnh rỗi ngồi rung chân, tán phét, đọc sách giải trí giết thời gian.
Bỗng nhiên lại gặp một người như vậy, trong lòng sửng sốt, trên mặt như lộ ý cười. Để xem tên nhóc này có thể làm được đến đâu?
Dù mắt ông có tốt đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể nhìn rõ mặt một người cách mình mấy chục bước chân, chỉ dựa vào hình dáng toàn thân mà nhận biết, cảm thấy đó là một thiếu niên, còn là một thiếu niên nhịp bước trầm ổn. Từng bước từng bước mà đi, không nhanh không chậm. Như những danh sĩ khác, sơn cư của Quý Phồn ở một nơi xa, thế mà đến từ sáng sớm tinh mơ như vậy, lại còn có thể giữ vững nhịp chân, không tệ, không tệ, thật thú vị.
Chuyện tiếp theo còn hay ho hơn. Cố Ích Thuần đang suy tính, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã đến trước mặt ông, cúi chào, hỏi: "Xin hỏi huynh đài, đây có phải nơi ở của Quý tiên sinh?"
Cố Ích Thuần ăn no rửng mỡ muốn làm kẻ gác cổng, lười biếng đáp: "Đúng thế? Cậu tới có việc gì?" Nhìn từ trên xuống dưới, dáng dấp không tệ, xương cốt trên người cậu thiếu niên chưa hoàn toàn phát triển, lại có vẻ mảnh dẻ, khuôn mặt ướt đẫm sương thu, cằm nhọn môi hồng mày kiếm mắt sáng, như sương đọng trên hoa.
Không thể phủ nhận, nếu không nhờ bản tính này, Cố Ích Thuần cũng lười quan tâm đến Trịnh Tĩnh Nghiệp. Nếu nhìn ở góc độ khác, nếu bộ dạng của cậu sư đệ đồng môn Trịnh Tĩnh Nghiệp cực kì xấu xí, xấu đến đặc biệt, xấu có trình độ, không chừng Cố Ích Thuần sẽ nói chuyện với ông.
Quả nhiên! Nghe danh mà đến tìm Quý Phồn bái sư, nói cách khác, dám đến tìm Quý Phồn bái sư, cần nhiều điều kiện. Ít nhất, người tự mình đến phải có kiến thức văn hóa, cũng phải chú ý ăn mặc, tuyệt đối không mặc áo chẽn. Nếu phái tôi tớ đến, đương nhiên không cần quá tốt, nhưng ít nhất phải mang danh thiếp, thư từ, quá nửa là phải có lễ vật cầm theo.
Nhìn tên nhóc trước mặt hai tay trống trơn... À không! Còn có thịt khô?
Cố Ích Thuần muốn hộc máu. Nhẹ nhàng hỏi: "Cậu có thư tiến cử không?" Tên tuổi của Quý Phồn khi ấy cũng đã rất nổi tiếng, quá nhiều đệ tử không dạy hết, nên cũng có chọn lọc học trò. Trừ khi bản thân kinh tài tuyệt diễm, còn không thì phải là người Quý Phồn tin tưởng hoặc không thể không có thư tiến cử.
Trịnh Tĩnh Nghiệp cực kì thành thực lắc đầu.
Cố Ích Thuần lại hỏi: "Cậu là học trò của ai? Từng đọc sách gì rồi?"
Tên nhóc này vẫn trả lời thành thực như cũ, ngày bé vừa học vừa làm cho nhà của Viên đại gia đầu thôn nên có biết mấy chữ, chưa từng học danh sư nào, Cố Ích Thuần khó khăn nuốt nước miếng.
Vẫn mang thái độ trêu đùa, Cố Ích Thuần rộng rãi nói: "Để ta đi hỏi thầy có còn định học trò nữa không đã."
Đương nhiên Quý Phồn có nhận học trò, nhưng điều kiện ngày càng nghiêm khắc, dễ dàng nhận ra Trịnh Tĩnh Nghiệp không phù hợp điều kiện của lão. Lão thong thả bước ra trước phòng khách, nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp đang đứng giữa sân, cách một khoảng thật xa. Ấn tượng về ông lúc ấy không tệ, Quý Phồn hỏi vài câu để thử.
Đề bài có sâu có nông, trình độ của Trịnh Tĩnh Nghiệp chỉ có thể miễn cưỡng đạt tiêu chuẩn, nhưng ít ra chữ không xấu. Quý Phồn mặt nhăn mày chau, không nói thẳng là nhận học trò, Trịnh Tĩnh Nghiệp cố gắng giữ bình tĩnh đứng trước mặt lão.
Cố Ích Thuần nhận ra, Quý Phồn không vui, rất không vui. Ông cũng thầm lắc đầu trong bụng, những câu trả lời của Trịnh Tĩnh Nghiệp, lộ ra một cỗ hàn khí bức người. Thiếu niên có nhuệ khí (lòng hăng hái) là bình thường, có mộ khí (vẻ cằn cỗi, già nua) thì đáng tiếc, nhưng hàn khí thì....
Quý Phồn không vui còn có một nguyên nhân khác, câu trả lời này khiến ông nghĩ đến một người. Kẻ này cũng rất nổi tiếng trong lịch sử. Lại nói, các Hoàng đế vẫn luôn tận sức làm suy yếu thế gia, các thế lực hoàng thất gần ngai vua nhất thì không muốn làm, đành tìm một hai người bên ngoài để phụ trợ, liên lạc với Hoàng đế, thực chất là nhằm giám thị. Những người này đều xuất thân hàn môn, rất ít có cơ hội nổi bật, hễ nắm quyền trong tay liền làm tới, trong đó có kẻ hung tàn nhất là Trương Trí, trong mười lăm năm làm việc, đã bức tử năm cấp trên, khiến ba người khác từ chức không làm vì bị áp lực tâm lý quá lớn. Quý Phồn liên tưởng tới một người, chính là Trương Trí.
Quý Phồn có tiếng là danh sĩ, không phải sợ, nhưng cũng không muốn đắc tội với kẻ như vậy, càng không thích nhận một học trò như thế. Lại hỏi đến tình hình gia đình của Trịnh Tĩnh Nghiệp, ông không nói dối, chỉ giấu vài chuyện không tiện, Cố Ích Thuần vừa nghe đã cau mày: Thế này sợ không thành, sợ rằng tiên sinh sẽ không nhận đâu.
Quả nhiên, Quý Phồn nói: "Vốn học hỏi là chuyện tốt, nhưng trong nhà cha đã mất, chẳng có tài sản, chỉ có mẹ già cần phụng dưỡng, đến đây đọc sách, thì mẹ cậu sẽ làm sao đây? Vừa rồi có đọc được vài chữ, Phủ quân Sơn Dương đang cần một tiểu lại, hãy lấy việc nuôi gia đình làm đầu." Trịnh Tĩnh Nghiệp ấy à, một là không có tông tộc ủng hộ, hai chẳng phải nhà có của có tiền tài hỗ trợ, lại còn đã qua tuổi học tập tốt nhất, mà quan trọng nhất, nhiệm vụ hiện tại chẳng phải là mau trưởng thành, đi làm để phụng dưỡng mẹ già hay sao?
Trịnh Tĩnh Nghiệp trả lời rõ ràng: "Học trò có thể tự giải quyết, nhất định không để mẹ phải chịu đói rét."
Với thái độ như vậy, Quý Phồn rất không vừa lòng, phất áo bỏ đi.
Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng cực kì thức thời, cứ thế mà quỳ trước cửa phủ Quý Phồn. Quý Phồn có mất hứng, cũng không thể tiếp tục cự tuyệt một người dốc lòng cầu học như thế, đành nhắm mắt nhắm mũi mà nhận, đối xử với ông cũng rất bình thường.
Trái lại thì Cố Ích Thuần, rất rảnh! Không có việc gì thì tới trêu đùa Trịnh Tĩnh Nghiệp, đầu tiên quan sát, Trịnh Tĩnh Nghiệp coi ông như không khí, sau đó lảng vảng xung quanh, Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn coi như không khí. Mục tiêu của Trịnh Tĩnh Nghiệp rất rõ ràng, ông đến đây để học tập, mở mang kiến thức, để được mạ vàng mang danh, tuy Quý Phồn cổ hủ nhưng có trình độ cao hơn những trường khác rất nhiều! Còn về lễ nghi, đã đọc sách chưa học lễ, đây là chỗ thiếu sót nhất của một người xuất thân hàn môn như Trịnh Tĩnh Nghiệp. Ông không hơi đâu mà để ý một 'Sư huynh' xuất thân cao quý rảnh rỗi đến nỗi nấm mọc dài trên đầu.
Cố Ích Thuần tò mò muốn chết, nhịn không được đành phái người đi nghe ngóng về Trịnh Tĩnh Nghiệp. Lai lịch của Trịnh Tĩnh Nghiệp rất rõ ràng, chuyện huyên náo với gia tộc không giấu được, bây giờ vừa học, vừa chép sách viết thư giúp người khác cũng là chuyện rõ như ban ngày. Cố Ích Thuần nghe xong, cười nhạt một tiếng.
Hôm sau, Cố Ích Thuần hỏi Trịnh Tĩnh Nghiệp: "Đệ liều mạng như vậy, cuối cùng là muốn làm gì?"
"Sống tốt hơn."
"Đệ như thế này chắc chắn sẽ thành?'
"Phải cố thôi."
"Thất bại thì sao?"
Trịnh Tĩnh Nghiệp nhìn ông một cái: "Đã thành một nửa rồi."
"Học trò của thầy không tới một ngàn thì cũng phải tám trăm, không phải hễ cứ vào học thì có thể xem là thành."
"Ý đệ không phải vậy." Nói xong, im lặng. Cố Ích Thuần nghe thế thì hiểu ra, cái thành một nửa, ý chỉ chuyện gia tộc.
Một hôm nọ, Trịnh Tĩnh Nghiệp có một vị khách lớn, bảo ông chép sách, ra giá gấp đôi, cho giấy mực, yêu cầu chỉ được chép sách cho người đó, không được phân tâm làm cho kẻ khác kẻo sai sót. Trịnh Tĩnh Nghiệp suy nghĩ, không đồng ý. Cố Ích Thuần giậm chân: "Làm việc cho người khác cũng là làm, sao lại không làm cho ta? Đừng tưởng vậy là lợi cho đệ, sách này không có dễ chép đâu!"
Rất nhiều sách được cất giữ, dùng tiền cũng không mua được (Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không có dư tiền mà mua), ở trên còn có rất nhiều chú giải của học sĩ. Trang giấy ố vàng, có vẻ mỏng manh khiến người ta sợ sẽ làm chúng nát thành đống vụn.
Cố Ích Thuần yêu cầu: "Chép sách này ra, một chữ cũng không được sai, huynh sẽ kiểm tra. Phần chính văn thì viết chữ lớn, chú thích nhỏ hơn..." Thêm vào, "Tại huynh không tìm ra người thích hợp, cũng không biết bọn họ có tâm làm hay không, dù sao thì đệ cũng ở đây rồi, chép nhầm một tờ, huynh bắt chép lại! Đỡ phải truy cứu về sau."
"Ồ."
"Ồ cái gì mà ồ?"
"Vậy chép trước một quyển nhé."
"Hể?" Tên nhóc này cũng nghe lời quá?
Chép đi chép lại, lúc đó hai người cũng không nói nhiều, nhưng trong lòng đã thân thiết hơn nhiều.
Cố Ích Thuần cũng tranh thủ cho bộ xương sắp rỉ sét vì nhàn rỗi được làm việc, chạy tới Trịnh gia.
Nhà họ Trịnh phòng ốc nhỏ xíu, từ xa Cố Ích Thuần nghe hai mẹ con nói chuyện.
"Đây là tiền con vất vả chép sách, sao lại để mua vải mới cho mẹ? Còn sai người đi may nữa chứ? Ở trong nhà, mẹ mặc cũ một chút cũng có sao đâu? Lúc nào cũng lấm bùn cả mà."
"Đây là gì?"
"Thì là tiền."
"Tiền có thể làm được gì?"
"Để dùng."
"Vậy nếu bây giờ không dùng, thì không cần gọi là tiền nữa đâu."
Hà thị:... "Vậy con lấy gì cưới vợ?!"
Cố Ích Thuần:... "Quả nhiên thú vị."
Ngược lại, ngày đó Cố Ích Thuần ở mãi Trịnh gia không đi, sai người mua rượu thịt đến, đãi mẹ con Trịnh gia cùng ăn một bữa. Hà thị đứng ngồi không yên, không dám, vào nhà bếp chuẩn bị làm cơm. Cố Ích Thuần nói: "Làm phiền bác gái, có chút kê vàng* ăn là được rồi, ngày thường ít có dịp nên cháu muốn ăn quá."
*Ở trên, mẹ Trịnh Tĩnh Nghiệp – Hà thị có bảo, lúc nào cũng lấm bùn – 'hoàng thổ'; sau Cố Ích Thuần cố tình nói kê vàng – 'hoàng thử'; trùng âm với hoàng thổ. Kê vàng là một thứ ngũ cốc nhỏ như cát, nhà nghèo dùng để ăn thay gạo.
Trịnh Tĩnh Nghiệp không nói, đi giúp mẹ đốt lò, bị Hà thị cản đẩy ra, thư đồng Cố Ích Thuần lanh lẹ, tuy không rành nhưng cũng bị sai xuống giúp. Cơm ăn ở nhà Trịnh gia, chỉ nấu một nồi kê, rượu thịt đều do Cố Ích Thuần mang đến. Hà thị muốn tránh, ăn cơm trong bếp, bị Cố Ích Thuần nài lại, miệng ngọt xớt, gọi bác gái một tiếng, tự xưng là con, là bạn học của Trịnh Tĩnh Nghiệp, nếu để trưởng bối tránh như vậy, không thể gặp ai, vâng vâng...
Hà thị ăn cũng không yên, Cố Ích Thuần luôn mời bà ăn cái này cái kia, Trịnh Tĩnh Nghiệp không nhịn được, đành nói: "Mẹ, Cố huynh hay đùa, thân thiết mới làm thế, ngày thường con cũng được huynh ấy chiếu cố nhiều, huynh ấy... không phải người ngoài đâu."
Cố Ích Thuần toét miệng cười, để lộ hàm răng trắng bóng, Trịnh Tĩnh Nghiệp liếc mắt.
Hà thị vội vàng ăn cơm cho xong, thấy con và bạn học còn đang uống rượu, nói khách sáo một tiếng, ôm cuộn vải, ra ngoài qua nhà hàng xóm để ngồi may áo cho con.
Cố Ích Thuần bình tĩnh, Trịnh Tĩnh Nghiệp cười lạnh nói: "Con nhà thế gia, sao phải trêu đùa người khác thế?"
Cố Ích Thuần cười nhạt: "Ta mà con cháu thế gia gì chứ? Con của nô tì thôi!"
Nụ cười của Trịnh Tĩnh Nghiệp ngưng trệ.
Cố Ích Thuần là con trai của một nô tì Cố gia sinh ra, sau khi sinh tròn một tuổi, mẹ bị mang cho người khác, còn ông vẫn là một chủ tử của Cố gia, áo cơm không lo. Những chuyện như thế xảy ra ở đất nước này cũng là bình thường. Đến khi lên bốn, có một trận dịch rất lớn bùng phát, vì tránh dịch, Cố gia cũng làm rất nhiều việc.
Đầu tiên là rời nơi ở hiện tại, tránh đi ít lâu, có rất nhiều đứa trẻ được 'gửi nuôi.' Cố Ích Thuần là thứ xuất, sẽ không được chăm sóc như người khác, huynh trưởng, con của vợ cả được ông bà mang theo, còn ông được đưa tới nhà người khác, vừa khéo, không phải người lạ, lại là bên nhà ngoại.
Một năm rưỡi sau, khi đã yên ắng trở lại, ông trở về nhà, không còn suy nghĩ theo chính tông.
Thời đại này, con thứ xuất không biết tới mẹ ruột, chỉ có mẹ cả, đây là pháp luật, như lẽ thường, bọn họ cũng bình thản chấp nhận. Tì nữ được tặng cho người khác cũng là bình thường, nhưng trong lòng Cố Ích Thuần, mẹ ruột của mình bị trở thành một món quà tặng cho người khác, chuyện này làm người ta không thể bình tĩnh. Cố Ích Thuần thông minh, sớm chín chắn nhưng chưa đủ trưởng thành, cho nên ông càng đau đớn, đau đớn nên phát điên.
Nhờ thiên phú của mình, Cố gia tìm cho ông một vị danh sư, đó chính là Quý Phồn, Quý Phồn cũng muốn nhận người học trò này, nhưng Cố Ích Thuần vẫn không vui.
Điều làm cho ông đau buồn nhất là, mẹ mình không chỉ bị người khác định đoạt, mà bản thân ông, con trai của tì nữ, hoàn toàn không nhớ rõ khuôn mặt của mẹ mình. Tướng mạo hơn người, học trò danh sư, công tử thế gia, phải đến lúc kết hôn.
Theo tin tức nội bộ, cưới con gái Trương Trí.
Bố thèm vào! Cha của nha đầu kia không phải người tốt, này cũng không sao, vấn đề là, Cố Ích Thuần hoàn toàn không muốn cưới cô ta! Ông từng gặp cô ả, tướng mạo đã không xinh đẹp gì mà tính tình càng tệ, vậy thôi cũng đành, còn não tàn nữa chứ! Bạn cũng có thể tưởng tượng một em não tàn được chiều chuộng thì có thể làm những gì rồi đấy, nô tì hầu hạ bên người cứ năm ba ngày lại đổi một người, nghe đồn không chết cũng tàn phế.
Từ khi Cố Ích Thuần trở thành 'danh sĩ', dựa vào đó mà rong chơi, giả ngây giả dại, phạm lệnh cấm đi lại ban đêm, đùa giỡn quý tộc... hòng được thoát ly. Sau đó bị cha nói một câu, mượn ba mươi gia binh từ chỗ anh rể, trói giam lại.
Phúc từ trời, các thế gia, tôn thất rốt cuộc không thể chịu đựng nổi Trương Trí, khiến gã 'gặp sự cố', lúc đi thuyền bị rơi xuống nước. Nhờ đó mà lễ nghi cưới hỏi, chẳng những rườm rà mà còn được kéo dài thời gian, hai nhà chưa định lễ, sự tình chưa chắc chắn, con gái Trương Trí chưa được coi là vợ của Cố Ích Thuần.
Hôn sự không thành.
Cố Ích Thuần vỗ ngực, vội vàng khăn gói chạy đến chỗ Quý Phồn trốn. Quý Phồn rất thông cảm với ông, ra mặt biện hộ thay, Cố gia bảo nhà mình có chỗ khó xử, đành bất đắc dĩ cam đoan, hôn sự của Cố Ích Thuần phải có, nhưng... sẽ cẩn thận suy xét đối tượng kết hôn.
Từ đó về sau, Cố Ích Thuần hiểu ra, không phải cha ông không đối xử tốt với mình, ít ra đã hết lòng nuôi nấng, coi như cũng có tình cảm cha con. Chỉ là cha ông coi trọng 'đại cục' hơn là tình nghĩa. Đừng nói tới mẹ ruột của ông, ngay cả với con cái, với người vợ kết tóc của mình, khi tình nghĩa và 'đại cục' đối lập nhau, người cha ấy cũng có thể vứt bỏ bọn họ một cách quả quyết. Hoặc giả như ông ta có tình nghĩa sâu nặng đi chăng nữa, sẽ được biểu hiện qua các cấp từ rơi lệ đến không quan tâm, nhưng cuối cùng cũng sẽ vứt bỏ.
Phải chịu cha mình khống chế như vậy cả đời ư? Nếu cha mất thì chịu sự khống chế của huynh trưởng? Hôn sự mình không được làm chủ, vợ con cũng phải nghe theo dòng họ sắp xếp? Không! Ông mặc kệ! Ông không muốn sau này sẽ bị trói lại quăng vào động phòng, một danh sĩ, thế là đã không làm Cố thị từng chăm sóc cho ông thất vọng.
Nhưng, biết rõ sự cường thịnh của tông tộc mình, Cố Ích Thuần chịu công ơn nuôi dưỡng của dòng họ, cũng không thể 'Tranh thủ gia tộc suy bại, làm người phản bội kiêm cải cách'. Ông cho rằng, khó mà thoát khỏi thế lực của dòng họ mình. Về con cháu, thật xin lỗi, ông không có tình cảm sâu đậm này, bản thân mình cúc cung tận tụy thì con cháu cũng sẽ phải cúc cung tận tụy, để bảo toàn mà phải chịu sự chèn ép! Không có cửa đâu! Cửa sổ cũng không!
Cùng lắm thì ông đây mặc kệ! Có chết cũng không để con ta chịu sự chèn ép của các người, mặc kệ, không làm! Cả đời không kết hôn! Trước tránh ở chỗ Quý Phồn rồi tính tiếp.
Trốn rồi gặp Trịnh Tĩnh Nghiệp.
Tên nhóc này có sức sống như thế, sinh lực như thế, không phải một danh sĩ mô phạm, mà có mục tiêu, biết phải mình làm những gì, đi từng bước một, tuyệt đối không thỏa hiệp, chẳng những có tinh thần phản kháng mà còn tích cực hành động.
Cố Ích Thuần muốn giúp Trịnh Tĩnh Nghiệp, muốn nhìn con người này rồi sẽ đi được bao xa, nếu Trịnh Tĩnh Nghiệp có thể nở mày nở mặt, coi như ông cũng đã sống một đời trọn vẹn. Thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp sống rất tốt, Cố Ích Thuần cảm thấy trong lòng của mình cũng thư thái hơn nhiều.
Trịnh Tĩnh Nghiệp không làm ông thất vọng. Cố Ích Thuần nghĩ, thế thật tốt.
–Chấm dứt hồi tưởng–
"Thập Lục lang, ngày mai gặp khách, mặc quần áo thế nào thì được?"
Cố Ích Thuần phục hồi tinh thần: "Gì cũng được, đệ ấy không để ý đâu."
***
Đương nhiên Trịnh Tĩnh Nghiệp không quan tâm Cố Ích Thuần mặc đồ gì, ông chỉ cần nhận ra Cố Ích Thuần mà thôi.
Hôm nay Cố Ích Thuần rất phù hợp với hình ảnh của mình. Trước mặt Quý Phồn, muốn bảo trì vẻ nghiêm túc, còn bây giờ, mới chính là ông! Tóc mai bạc như cố ý, vết chân chim nơi khóe mắt, dáng người vẫn cao lớn như trước, trên mặt vẫn ý cười mang vẻ lười biếng đến tận xương cốt, thế mới là ông.
Lần đầu tiên gặp ông, Trịnh Tĩnh Nghiệp cho rằng, loại người có nụ cười 'đúng chuẩn ghẹo gái nhà lành' này, làm sao có thể trở thành học trò của danh sĩ Quý Phồn?
Trịnh Tĩnh Nghiệp chép sách cho Cố Ích Thuần suốt bảy năm, xếp đầy trên giá, cuối cùng lại trở thành món quà được tặng khi tiễn biệt. Đã thế còn hay bắt bẻ, có sách ông phải chép đến năm lần mới vừa lòng, còn hùng hồn: "Bảo đệ chép thì cứ chép đi, ta dùng."
Cố Ích Thuần nhìn đằng sau Trịnh Tĩnh Nghiệp nửa bước, Đỗ thị; sau lưng hai vợ chồng, là đàn con cháu, ông đã từng gặp con cháu Trịnh gia, ngoài ra còn có ba phụ nhân trẻ tuổi, nhìn vị trí đứng của các chị, hẳn là con dâu Trịnh Tĩnh Nghiệp. Không ngờ cả nhà ra nghênh đón.
Cố Ích Thuần cười khổ, Trịnh Tĩnh Nghiệp chính là người như vậy, người khác nói ông xảo trá, nhưng Cố Ích Thuần lại thấy, người này, rất đơn thuần.
Sư huynh đệ gặp nhau, chẳng hề chào hỏi, Cố Ích Thuần đi thẳng vào trong, Trịnh Tĩnh Nghiệp xoay người chín mươi độ, chờ Cố Ích Thuần đi qua mới xoay thêm chín mươi độ nữa, hai người cùng bước vào song song. Con cháu lần lượt tản ra, chờ ba người đi qua, mới xếp theo thứ tự, theo vào phòng khách.
Trịnh Tĩnh Nghiệp mời Cố Ích Thuần ngồi ghế trên, sau đó mới nghiêm túc giới thiệu Cố Ích Thuần một lần nữa, ra lệnh: "Mau đến bái kiến Cố bá phụ."
Trên đất bày đệm quỳ, Trịnh Tĩnh Nghiệp rất xúc động, để con cái, dâu cháu làm đại lễ rấttrịnh trọng. Con cháu đều biết rằng khi Trịnh gia gặp khó khăn, đã được Cố Ích Thuần giúp đỡ nhiều, nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp ở trên, phải quỳ ngay!
Trịnh Tĩnh Nghiệp rất vừa lòng, Trịnh Tú thành thật rưng rưng mắt thâm tình nhìn Cố Ích Thuần nức nở một tiếng: "Bá phụ."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top