Con đường đã chọn



 Quang là một nhà văn trẻ giàu tham vọng. Anh luôn nghĩ rằng mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết để đời và trở nên giàu có như JK Rowling. Trước khi làm được điều đó, anh đã viết được một cuốn tiểu thuyết dài năm mươi nghìn chữ nhưng gửi đến công ty sách hay nhà xuất bản nào nếu không nhận được sự im lặng thì cũng bị từ chối khéo. Bản thân anh cũng chưa cảm thấy ưng ý với cuốn tiểu thuyết đầu tay. Những truyện ngắn của anh thành công hơn. Nhiều truyện đã được in trong các tuyển tập sách văn học. Anh cũng có một số độc giả hâm mộ truyện của mình. Tuy nhiên so với nhiều nhà văn trẻ khác, anh vẫn chỉ như một hạt cát mờ nhạt. Anh chưa có một quyển sách in riêng nào. Trong khi đó, nhiều người bạn văn anh quen đều đã được in riêng, có người được in bốn năm cuốn. Mỗi lần vào hiệu sách, nhìn thấy khu vực sách văn học Việt Nam tràn ngập những cái tên quen biết, anh cảm thấy một cảm xúc khó tả: vui vì bạn mình thành công thì ít mà buồn vì mình chưa được như họ thì nhiều khi những gì họ viết cũng không có gì đặc biệt, hầu hết là truyện tình yêu tuổi trẻ. Anh cũng viết về những người trẻ nhưng với những chủ đề gai góc hơn: về công việc, sự cô đơn và hoang mang của họ trước cuộc đời. Ngay cả khi viết về tình yêu anh cũng viết về nó theo một kiểu rất khác, không hoa mỹ mà đời hơn, đen tối hơn. Anh biết những thứ mình viết ra sẽ khó được in hơn so với kiểu truyện tình yêu nhẹ nhàng của tuổi trẻ. Nhưng anh luôn tin rằng mình cần phải viết những thứ tuyệt vời và không chấp nhận viết những thứ truyện tầm thường, nhạt nhẽo theo thị hiếu nhất thời để được in.

Nhiều người đã từng nghĩ như anh nhưng rồi họ đã thay đổi. Trong đó có Miên, người bạn một thời anh từng thân. Miên đã từng viết những truyện ngắn hay về quê hương cô. Văn phong của cô đầy chất thơ. Thế rồi, khi một số truyện tình cảm ba xu trên diễn đàn VOZ trở nên nổi tiếng và được in sách, Miên cũng học theo lối viết ấy và đóng vai một đứa con trai viết một câu chuyện lâm li bi đát như thể nó là chuyện thật của chính bản thân mình rồi đăng trên diễn đàn VOZ. Vậy mà Miên thành công và được in sách. Sách của cô bán khá chạy. Mọi người nghĩ đó là câu chuyện thật của một chàng trai yêu một cô gái hồn nhiên ngây thơ với những tình tiết đời thường nhưng đầy kịch tính. Quang cảm thấy rất thất vọng về Miên. Anh không thể chấp nhận được khi lối viết văn tâm sự trên mạng đó lại trở thành một tác phẩm văn học. Đối với anh nó là một thứ "rác rưởi". Anh có cảm giác như Miên đã phản bội anh. Anh định im lặng nhưng có lần anh không kìm lòng được đã hỏi cô:

- Tại sao cậu lại có thể viết được một thứ như thế?

- Vì bây giờ mọi người thích đọc những thứ như thế. Cậu hãy thực tế đi. Nếu cứ viết những thứ mình thích mà không phải những thứ thị trường cần như từ trước tới giờ cậu sẽ chẳng thành công được đâu.

- Nhưng thứ cậu viết còn chẳng phải là văn học?

- Phải, tớ biết mình đang viết những thứ mà cậu cho là rác rưởi. Thì sao nào? Cậu là người Hà Nội, có thể dựa vào gia đình, cậu được phép làm một kẻ thất bại còn tớ thì không. Tớ chỉ có một thân một mình ở đây, phải trả tiền thuê nhà, tớ phải thành công bằng bất cứ giá nào. Tớ không thể chịu thêm những ngày đói đến hoa cả mắt, những lần phải đi chơi với những gã chẳng ra gì chỉ vì một bữa ăn và tớ cũng chán ngấy căn phòng trọ tồi tàn của tớ rồi.

Quang biết Miên có lí nhưng anh không thể chấp nhận được con đường mà cô đã chọn. Từ đó, anh không gặp Miên nữa. Ngoài Miên ra, Quang còn chơi với Đăng và Hoàng, hai nhà văn trẻ hơn anh một tuổi. Họ là những nhà văn hiếm hoi mà anh khâm phục. Hai người đều là những con người tài hoa, đều đã có sách in riêng, chỉ có điều văn học với họ giống như một cuộc dạo chơi. Giờ đây, cả Đăng và Hoàng đều đã gần như chuyển hướng khác. Đăng giờ làm trong ngành hàng không còn Hoàng chuyển sang làm phim. Đã lâu họ không còn viết được tác phẩm nào. Thỉnh thoảng ba người vẫn tụ tập ở quán cà phê bên hồ Ha-le hàn huyên về cuộc sống và dĩ nhiên là cả chuyện viết lách.

- Lâu lắm tôi không viết được truyện nào các ông ạ. Hình như càng già càng khó viết. Ngày xưa thì chữ nghĩa cứ tuôn ào ào muốn ngăn lại cũng chẳng được, vậy mà bây giờ ngồi uống hết hai cốc cafe cũng chẳng nghĩ ra cái gì để viết- Đăng nói.

- Tôi cũng thế. Tuổi này sức sáng tạo bắt đầu kém đi rồi- Hoàng hưởng ứng.

- Em thì vẫn viết được, dạo này đang viết một cuốn tiểu thuyết mới - Quang lên tiếng.

- Chú giỏi nhất ở đây rồi đấy. Thế cuốn tiểu thuyết của chú viết về cái gì?

- Về một người bỗng dưng mọc cánh nhưng không được phép bay.

- Chà hấp dẫn đấy, phong cách siêu thực của Murakami à - Hoàng trầm trồ.

- Murakami cũng chỉ học theo Kafka thôi.- Đăng chữa lại.

- Bao giờ anh Hoàng định làm bộ phim tiếp theo?

- Anh chưa biết được, có thể là sẽ không có bộ phim tiếp theo.

- Ủa sao vậy anh? Phim đầu tay của anh thành công mà.

- Khó lắm chú ạ. Cơm áo không đùa với khách thơ. Chắc anh lại phải quay lại nghề PR thôi.

Cả ba người buồn bã thở dài. Họ đều hiểu muốn làm nghệ thuật chân chính khó như thế nào. Muốn tạo ra một tác phẩm tuyệt vời thì không nên nghĩ đến tiền nhưng chẳng ai có thể sống mà không có tiền. Họ đều phải chật vật kiếm tiền bằng nghề khác và coi viết văn là nghề tay trái. Nhưng để viết được một tác phẩm hay cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, điều rất khó thực hiện nếu không coi viết văn là nghề chính. Hàng trăm năm nay, nghịch lí này đã ám ảnh các nhà văn Việt Nam mà được khắc họa rõ nhất trong tác phẩm "Đời thừa" của Nam Cao.

Để theo đuổi việc viết văn, Quang cũng đã phải trải qua nhiều gian truân. Anh sống trong một đại gia đình mà hầu hết làm nghề buôn bán. Đối với họ, giá trị duy nhất để đo đếm thành công của một con người là tiền. Khi Quang tuyên bố mình sẽ đi theo nghiệp văn chương, tất cả mọi người trong gia đình đều cười nhạo anh. Hàng xóm trong khu biết chuyện cũng coi anh như một gã dở hơi. Khi gặp Quang, bọn thanh niên trong khu thường hỏi đểu:

- Thế nào, nghe nói mày sắp thành nhà văn nổi tiếng hả?

Chúng cười cợt sau lưng anh và lấy anh làm đề tài ưa thích để tán dóc. Dường như đối với những người xung quanh anh lũ trộm cắp đĩ điếm còn danh giá hơn là nhà văn.

Lúc đầu anh cảm thấy tức giận nhưng về sau cũng quen với thái độ của họ. Giờ đây anh chỉ cảm thấy khinh thường họ. Giá trị vật chất làm sao so được với giá trị tinh thần. Làm nhà văn, anh có thể trở thành bất tử, tên tuổi anh sẽ được ghi nhớ mãi, sau khi chết tâm hồn anh vẫn sẽ lưu lại nhân gian. Còn tiền bạc dù nhiều đến mấy khi chết đi cũng chẳng thể đem theo sang thế giới bên kia. Tiền bạc đối với anh chỉ là phương tiện chứ không phải cái đích cuối cùng.

Quang bỏ học từ năm lớp mười. Đó là lúc anh cảm thấy những điều mình học trong trường chỉ là vô bổ và tốn thời gian. Trường đời sẽ dạy cho anh những điều bổ ích hơn. Anh không muốn đi theo lối mòn và sống một cuộc đời nhàm chán. Gia đình anh cũng không phản đối vì họ cũng không nhận thấy nhiều lợi ích của học hành đối với việc kiếm tiền. Sau khi bỏ học, Quang lăn lộn vào đời kiếm tiền. Anh làm đủ mọi loại công việc: từ phục vụ bàn, trông cửa hàng, phát tờ rơi, ship hàng, cày game,... Với số tiền kiếm được anh mua laptop và mua sách. Mỗi khi có thời gian rảnh anh lại ngồi viết truyện hay đọc sách. Cứ nhìn thấy anh ngồi kì cạch viết truyện trên máy là cha anh lại ngứa mắt mỉa mai:

- Mày viết nhiều thế kiếm được bao nhiêu tiền rồi?

- Sau này thành công con sẽ giàu gấp trăm lần ba.

- Mày đúng là đồ hoang tưởng. Chẳng có thằng nhà văn nào giàu được cả.

- Ba cứ chờ mà xem.

- Được, nhưng đừng để tao chết rồi vẫn thấy mày nghèo kiết xác.

Mẹ anh thì chỉ thở dài và coi như mình có một thằng con hư hỏng. Bà đành đặt hi vọng vào thằng anh trai đang làm nghề ghi đề. Sau này, bà xin cho Quang một chân chạy việc ở một ngân hàng lớn nhưng anh cũng chỉ làm được một năm rồi nghỉ. Công việc vất vả, nhàm chán, thu nhập lại không cao, khiến anh không có sức lực và ít thời gian để viết. Sau một quãng thời gian thất nghiệp và chán chường, anh gặp Đăng và Hoàng trong một buổi offline diễn đàn viết văn. Họ nói chuyện rất hợp nhau và trở thành những người bạn thân. Đăng giới thiệu anh vào làm cho công ty startup của người anh họ. Tại đây, Quang vẫn làm đủ thứ việc nhưng thoải mái hơn và có thời gian để viết. Ở công ty mới, anh cũng được yêu mến và tôn trọng hơn. Cũng kể từ đây, những truyện ngắn anh viết bắt đầu được nhận in trong các tuyển tập truyện ngắn. Anh bắt đầu có những độc giả hâm mộ mình. Thành công bước đầu cùng với sự động viên của những người bạn cùng chí hướng như Đăng và Hoàng, khiến Quang vững tin hơn vào con đường mình đã chọn. Anh không có được nét tài hoa như hai người bạn của mình nhưng bù lại là sự cần cù, ý chí và vốn sống phong phú. Anh hiểu biết nhiều về những con người ở dưới đáy xã hội. Ngoài viết truyện, Quang còn viết báo và tham dự các cuộc thi viết để kiếm tiền. Những bài viết cho báo của anh còn dễ dàng được duyệt hơn cả truyện ngắn của anh. Đăng nói anh viết báo hay hơn viết truyện. Quang có chút chạnh lòng vì anh coi trọng sự nghiệp văn chương của mình hơn là báo chí. Nhưng quả thật là anh kiếm được nhiều tiền từ viết báo hơn viết truyện. Những tờ báo in của Nhà nước đang khát bài viết chất lượng nhưng dư dả tiền để trả nhuận bút. Quang cũng tham dự một số cuộc thi viết nhưng lúc đầu đều thất bại. Phải đến một lần tham dự cuộc thi viết về smartphone, anh mới giành được giải nhì với phần thưởng năm triệu đồng kèm một chiếc smartphone của Sony. Anh bán chiếc điện thoại đi và thu về năm triệu nữa. Quang rất phấn khích vì phần thưởng này. Nó không chỉ giúp anh có số tiền tiêu xài bằng vài tháng lương mà còn là minh chứng cho cha anh và những kẻ lâu nay vẫn mỉa mai anh thấy rằng hoàn toàn có thể kiếm được tiền bằng ngòi bút.

Sau cuộc thi ấy, anh bỗng nhận được tin nhắn từ một người lạ:

- Chào Quang, anh là Việt cùng tham dự cuộc thi viết về smartphone với chú. Chú viết lâu chưa, tham dự nhiều cuộc thi chưa? Sao anh tham gia thi nhiều lắm mà không biết chú nhỉ?

- Anh không biết cũng phải. Em viết lâu rồi, cũng tham dự một số cuộc thi nhưng đây là lần đầu tiên được giải.

- Vậy à, thảo nào, thằng giải nhất với giải ba thì anh biết nhưng chú thì anh chưa biết. Cuộc thi lần này anh cứ nghĩ bét nhất phải được giải nhì vậy mà chỉ được giải khuyến khích. Nếu chú rảnh thì hôm nào anh em mình cafe hàn huyên tí nhé.

- Vâng, ok anh.

Mấy hôm sau, họ gặp nhau tại một quán cafe gần công ty Quang. Việt kể cho anh nghe về cuộc đời mình. Tốt nghiệp loại giỏi khoa văn học trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Việt nuôi mộng văn chương giống như Quang bây giờ, nhưng từ khi bị người yêu bỏ vì nghèo hắn đã thay đổi. Hắn viết bất cứ thứ gì miễn là kiếm được tiền. Hắn viết rất nhiều bài báo phóng sự bịa đặt như thật với bút danh Thanh Sơn. Người đọc cứ ngỡ Thanh Sơn là một phóng viên xông xáo đi khắp nơi từ miền núi đến miền quê, từ sòng bài đến khu công nghiệp, từ phiên họp quốc hội đến các cuộc bay lắc của dân chơi, phỏng vấn đủ tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, nào ngờ hắn chỉ cần ngồi ở một quán cafe êm ái nào đó là có thể tưởng tượng ra một bài phóng sự như vậy. Nhưng để bịa đặt mà như thật, không thể phủ nhận tài năng của hắn. Trong tầng lớp nhà báo nói phét, hắn thuộc hàng đẳng cấp. Hắn đã được đăng không biết bao nhiêu bài báo. Mỗi khi cần tiền tiêu xài, Việt chỉ cần lượn một vòng qua các tòa soạn báo để lĩnh tiền nhuận bút chưa lấy. Chuyến đi gần đây nhất đã giúp hắn mua được một chiếc iphone 6s. Bên cạnh viết báo, các cuộc thi viết cũng là một nguồn thu nhập đáng kể của Việt. Hắn biết cần phải viết như thế nào để đoạt giải. Dĩ nhiên hắn chỉ quan tâm đến các giải thưởng to từ mười triệu trở lên, những giải vài ba triệu hắn coi như không đáng bỏ công để thi. Việt đã giành được không biết bao nhiêu giải trong đủ các cuộc thi viết về gia đình, về ngành giao thông, hay cả về tác hại của thuốc lá. Hắn khoe với Quang:

- Mấy tháng trước anh vừa đoạt giải nhất cuộc thi viết về nông thôn. Giải năm mươi triệu nhưng chỉ được nhận ba mươi triệu.

- Vậy mà anh cũng nhận à.

- Nhận chứ chẳng lẽ để đứa khác nhận à. Mấy cuộc thi này chẳng qua cũng là để giải ngân tiền ngân sách thôi, người ta tổ chức ra cũng phải được gì chứ. Quan trọng là mình phải viết đúng ý người tổ chức. Mà tốt nhất là nên có quan hệ với họ. Phải có võ chứ cứ ngây thơ như chú thì chỉ ăn may được mấy giải lìu tìu như vừa rồi thôi.

Quang mỉm cười im lặng. Anh biết Việt nói đúng nhưng khó có thể làm được như hắn. Có những thứ anh không thể bịa đặt hay viết trái lòng mình được. Anh cũng không muốn mất công đi quan hệ với những nhà tổ chức để đạt giải.

- Anh biết bây giờ chú vẫn còn mơ mộng viển vông. Nhưng vài năm nữa chú cũng sẽ giống như anh bây giờ. Những giấc mơ hão huyền sẽ chẳng nuôi được vợ con chú đâu, nhưng tiền thì có đấy. Xã hội này là thế. Hãy gạt bỏ hết danh dự và liêm sỉ đi rồi đồng tiền sẽ lũ lượt đi theo chú. Như anh đây từ hai bàn tay trắng mà chuẩn bị mua được nhà rồi đấy. Anh quý chú nên mới khuyên như vậy. Ngày xưa anh cũng mơ mộng như chú bây giờ...

Quang thầm nghĩ: "Phải, hắn đã trở thành một kẻ xấu xa và giờ hắn muốn ai cũng có đôi tay vấy bẩn như hắn. Hắn không thể chịu được khi nhìn thấy một đôi bàn tay sạch sẽ."

Quang mỉm cười với Việt tỏ vẻ đồng tình nhưng trong thâm tâm anh quyết không nghe theo lời khuyên của hắn. Việt cũng giống như Miên đã chọn từ bỏ phẩm giá để đạt được thành công. Quang không như thế. Anh quyết chọn con đường khó khăn hơn là giữ lấy lương tâm nghề nghiệp của mình. Giống như trong bóng đá, đá đẹp mà chiến thắng bao giờ cũng khó hơn.

Anh tiếp tục vừa làm việc kiếm tiền, vừa viết tiếp cuốn tiểu thuyết của mình. Anh không gặp lại Việt nhưng đôi khi hắn cũng liên lạc với anh qua Facebook. Một ngày tháng mười hắn hỏi anh:

- Thế nào chú đã viết báo Tết chưa?

- Em chưa, còn lâu mới đến Tết mà anh.

- Trời, giờ này mà còn chưa viết thì húp cháo rồi em ơi. Viết báo Tết mới được nhiều tiền. Cả năm mới có dịp này để làm giàu không khó mà chú lại thờ ơ thế.

Anh định nghe theo lời Việt viết báo Tết nhưng không thể viết được. Cuốn tiểu thuyết để đời đang choán lấy tâm trí anh, lúc này anh đã viết được hai phần ba và đang vào mạch viết. Nếu như chuyển sang viết một thứ khác anh sợ đến lúc quay lại sẽ không viết tiếp được cuốn tiểu thuyết. Bên cạnh đó, hàng ngày anh vẫn phải đi làm.

Ròng rã nửa năm trời, cuối cùng Quang cũng hoàn thành được tác phẩm của mình. Anh vừa hạnh phúc, vừa lo lắng không biết liệu tác phẩm của mình sẽ được mọi người khen hay chê hay trường hợp tệ nhất là chẳng ai thèm để ý. Quang gửi cho các nhà xuất bản và công ty sách nhưng một lần nữa chỉ nhận lại sự im lặng hay những lời từ chối khéo. Anh gửi phần đầu cuốn tiểu thuyết lên mạng nhưng không ai đọc.

"Có phải mình viết quá tệ?", anh tự hỏi.

Anh từng nghĩ đây là một tác phẩm để đời nhưng sau một tháng trời không nhận lấy nổi một lời khen ngợi, thậm chí chẳng một lời chỉ trích, anh cảm thấy hoang mang và nghĩ mình đã lầm tưởng.

- Đây là một tác phẩm tuyệt vời- Chỉ đến khi Đăng thốt lên như vậy thì Quang mới lấy lại được niềm tin đã đánh mất.

- Thật ạ?

- Nó mang âm hưởng của Kafka nhưng vẫn mang một bản sắc rất riêng. Anh nghĩ chú nên gửi tham dự cuộc thi "Cây bút vàng".

- Cuộc thi đó toàn các nhà văn tên tuổi tham dự. Sao mà được giải hả anh?

- Chú phải tự tin vào khả năng của mình chứ. Với lại gửi đi cũng mất gì đâu.

- Vâng, anh nói đúng, em sẽ dự thi.

"Cây bút vàng" là một cuộc thi lớn do một tờ báo tên tuổi tổ chức hai năm một lần với giải thưởng lên đến cả trăm triệu. Giám khảo đều là những người có uy tín nên những người đoạt giải sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn trên con đường văn chương. Đây chính là bệ phóng của nhiều nhà văn danh tiếng và là ước mơ của tất cả những cây bút chưa khẳng định được mình.

Vài tháng sau, Quang nhận được một email từ ban tổ chức cuộc thi. Anh nhấn nút đọc thư và ngỡ ngàng khi biết tin mình được giải nhất. Khi gửi bài anh chỉ dám mơ đến giải ba, giờ đây anh lâng lâng như đang ở trên mây. Từ sung sướng anh bỗng chuyển sang lo lắng. Liệu có sự nhầm lẫn hay lừa đảo gì ở đây không. Anh kiểm tra lại. Địa chỉ email đúng là của ban tổ chức và tên anh cũng như tên tác phẩm được nêu rõ rành rành. Anh gọi điện lại cho ban tổ chức và được xác nhận là không có sự nhầm lẫn nào. Đến lúc đó, Quang mới dám tin mình được giải nhất.

Khi Quang bước lên bục nhận giải, mọi người đều trầm trồ vì anh còn khá trẻ. Quang mới hai mươi sáu tuổi và khuôn mặt anh thậm chí trông như một sinh viên đại học. Từ khi giải thưởng được khai sinh đến nay, chưa có ai trẻ hơn ba mươi tuổi đoạt giải nhất cả. Anh là người đầu tiên. Mọi người vỗ tay hoan hô rầm rầm, những ánh đèn flash nháy liên tục. Lần đầu tiên trong đời, anh được nếm trải hương vị của thành công và nó quá ngọt ngào. Đứng trên đỉnh vinh quang anh nhìn xuống hàng ghế khán giả. Quang bỗng bắt gặp ánh mắt Miên buồn rầu và gương mặt đầy vẻ khó chịu của Việt. Anh đã chứng minh cho họ thấy con đường anh đã chọn dù gập ghềnh hơn con đường của họ nhưng vinh quang hơn gấp bội. Anh đã giữ được phẩm giá và niềm tin vào văn học đích thực và chính điều đó đã đưa anh đến đây. Anh nhìn thấy cha anh bước lên bục. Ông ôm trầm lấy anh:

- Ba xin lỗi. Con đã đúng. Ba rất tự hào về con.

- Không sao đâu, con hiểu mà. Ba cũng chỉ muốn tốt cho con thôi. Có lẽ cũng nhờ ba mà con mới có quyết tâm để có được ngày hôm nay.

Anh bỗng nhớ lại những gì mình đã trải qua: những đêm thức trắng mệt nhoài để viết, những buổi ngồi lì trong phòng với những con chữ mặc cho bạn bè rủ đi chơi, sự khinh thường của gia đình và hàng xóm, những lời từ chối hoặc làm ngơ của các nhà xuất bản, nhưng tệ nhất là những lời nói như vết dao đâm của cha.

" Mày đừng mơ mộng hão huyền nữa, dẹp cái trò văn chương vớ vẩn đó đi, hãy kiếm một công việc ổn định và cưới vợ như một người bình thường" - Cha thường nói với anh như vậy.

Anh đã cảm thấy đau đớn mỗi khi cha coi thứ mà anh tôn thờ là rác rưởi. Nhưng giờ đây, khi đã chứng tỏ được con đường đúng đắn của mình, anh không còn cảm thấy giận cha nữa. Anh chỉ cảm thấy thương ông và thương cho chính bản thân mình. Anh bật khóc nức nở.

Khi một nhà vô địch bước lên bục nhận huy chương, anh ta khóc không thực sự vì niềm hạnh phúc mà vì nghĩ đến những nỗi đau khổ, những thất bại và những thứ anh ta đã hi sinh để đạt được thành công.

Bước ra khỏi buổi lễ trao giải, anh ngước nhìn lên bầu trời xanh bao la. Anh tự nhủ rằng mình sẽ phải sớm quên đi chiến thắng của ngày hôm nay. Con đường phía trước vẫn còn dài và còn nhiều chông gai. Đây chỉ là một ngọn núi mà anh đã chinh phục được, phía trước còn nhiều ngọn núi cao hơn. Nhưng giờ đây anh đã có niềm tin vào con đường đã chọn. Trước mặt anh là màu xanh hi vọng của bầu trời... 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top