Chương 9
Đó là chuyện của tương lai. Còn ngày hôm đó, chỉ trong vòng một buổi sáng tất cả bức tranh trên tường đều được lấp đầy bởi những chiếc nơ.
Chị Ni bảo tranh gắn nơ là tranh đã được khách đặt mua.
Chú William mặt tươi roi rói, nhưng chú kiên quyết giữ lại bức tranh lớn nhất. Đó là bức tranh vẽ năm đứa tôi đang nằm bên nhau, đứa này gác mõm lên lưng đứa kia một cách thân thiện.
Bức này là chú bịa ra, vì chúng tôi chưa bao giờ nằm theo kiểu đó. Chưa kể con Êmê mà gác mõm lên lưng con Haili thì máu đổ ngay tức khắc.
Bức tranh đó chú William đem về treo lên tường nhà chị Ni, bảo là để làm kỉ niệm.
Chú còn kỷ niệm cho bọn tôi hàng chục bịch tép khô, phô mai và kẹo cà phê mà đứa nào cũng thích – xem như trả công cho các nguyên mẫu giúp chú vẽ tranh.
Bọn tôi vừa nhấm nháp quà của chú vừa mong chú sẽ tiếp tục vẽ năm đứa tôi để cả bọn lại có những bữa tiệc linh đình.
Nhưng vẫn luôn xảy ra, vào một ngày không nắng không mưa chú William đột nhiên hết mê hội họa. Nghe nói những ngày gần đây chú chuyển qua đánh đàn.
Bức tranh vẽ năm bọn tôi mẹ chị Ni treo bức vách kế bàn ăn, cạnh những tranh ảnh khác.
Cho đến lúc đó, tôi mới để ý tới tấm ảnh trong đó có hai con chó lạ, một con trắng và một con đen.
Thấy tôi nhìn chằm chằm tấm ảnh chị Ni bảo:
- Bêtô và Binô đó em.
Theo lời kể thấm đấm nhớ nhung của chị Ni, Bêtô và Binô lúc trước ở nhà này nhưng bây giờ cả hai đang ở một nơi rất xa. Chị chỉ nói thế thôi, không nói rõ xa là ở đâu. Chị Ni khen hai đứa nó dễ thương lắm. Chị Ni bảo muốn biết về hai đứa đó, tôi phải đọc cuốn Tôi là Bêtô nhưng tôi thì không biết chữ. Tôi chỉ nhai sách và làm hỏng nó là tài.
Khác với tôi và con Pig khi xem bức ảnh chú William vẽ, Suku, Êmê và Haili thích nhảy lên ghế xem cho rõ. Có khi tụi nó cao hứng leo thẳng lên bàn. Hằng ngày ba đứa nó thi nhau nhảy lên nhảy xuống không biết bao nhiêu lần, đến lúc tôi nghĩ bọn nó vờ kiếm cớ xem tranh để nhảy nhót đùa nghịch cho thỏa thích.
À, chỗ này và một vài đoạn trước tôi kể chuyện có hơi lộn xộn một chút, đại khái là nhớ đâu kể đó, cho nên các bạn thắc mắc tại sao con Êmê có mặt ở đây khi tôi từng bảo nó sống ở tẩng hai.
Êmê quả có lúc sống ở tầng hai thật, đó là lúc ba chị Ni muốn tách rời nó và con Haili để tụi nó đừng xông vào nhau. Nhưng con Êmê chỉ sống trên đó trong thời gian ngắn rồi trở xuống tầng trệt sống với bọn tôi như cũ.
Để biết tại sao lại có chuyện này thì tôi lại phải nhắc đến một chuyện khác.
Đó là một hôm cả nhà thức rất khuya vì gia đình chị Ni phải ra sân bay lúc 1h30 để đón gia đình dì Tám từ Úc về chơi.
Trong khi chờ kim đồng hồ nhúc nhích, anh Nghé ngồi chống cằm nhìn ra cổng, thấy đường phố ban đêm vắng tanh liền nảy ra ý định theo tôi là không hề tồi tí nào.
- Giờ này không có xe qua lại, để con cho tụi nó ra ngoài chạy tới chạy lui cho đỡ cuồng chân. – Anh nói với mẹ chị Ni.
Anh Nghé và chị Ni dắt bốn đứa tôi qua làn đường đối diện vì vỉa hè bên đó bằng phẳng hơn. Con Êmê thời gian đó vẫn còn trên tầng hai nên không được tháp tùng.
Lẩn đầu tiên được thả rông, bọn tôi hơi hoảng, kể cả Suku. Tuy thường được anh Nghé dắt đi tập thể dục nhưng những lúc như vậy thằng Suku bao giờ cũng được nối với bàn tay anh bằng một sợi dây. Bữa nay anh Nghé cất sợi dây trong nhà.
Được tự do chạy nhảy tung tăng trên vỉa hè rộng rãi là thú vui tuyệt vời với mọi con chó. Bọn tôi cũng không ngoại lệ. Sau một hồi rụt rè đánh hơi tứ phía, bốn đứa tôi bắt đầu sải chân phóng theo anh Nghé và chị Ni đang chạy phía trước.
Đường phố về khuya thật khác so với những gì bọn tôi nhìn thấy ban ngày. Khung cảnh bình yên, những tiếng ồn lặn đi đâu mất không rõ và gió thì mát rượi.
Tới đầu đường anh Nghé và chị Ni chạy ngược lại và bọn tôi hớn hở rượt theo.
Ngược xuôi vài lược, chị Ni nổi hứng đề nghị:
- Dẫn tụi nó ra ngoài kia đi, anh! Ra đường lớn chạy mới thích!
Anh Nghé thò đầu qua cột đèn tín hiệu giao thông, nghiêng ngó:
- Để xem.
Anh lưỡng lự:
- Tuần nào mà anh không dắt con Suku đi dọc con phố này. Nhưng lúc đó có dây xích cổ...
Chị Ni trấn an:
- Giờ này khuya rồi, đường xá vắng ngắt, chắc không sao đâu!
Thế là hai con người và bốn con chó ngoặt quanh góc phố, đổ ra đường lớn.
Ôi, vỉa hè rộng quá, rộng gấp mấy trong kia, lại dài típ tắc, tha hồ phóng!
Lần này quen rồi, chẳng cần cảnh giác như lúc vừa ra khỏi nhà, bọn tôi thi nhau chạy vừa chạy vừa rít lên phấn khích, chẳng mấy chốc vượt qua cả anh Nghé và chị Ni.
- Pig! Haili! chậm lại nào!
- Batô! Suku! Quay lại đi tụi em!
Mặc chị Ni và anh Nghé kêu inh ỏi sau lưng, bọn tôi vẫn hào hứng khua chân.
Ôi, đó không phải là gốc cây. Đó là hai con chó hoang to như hai con gấu, dềnh dàng, lừng lững. Đang đào bới thùng rác lật nghiêng trước căn biệt thự bên đường nhìn thấy bọn tôi chúng chẳng buồn sủa, chỉ hực lên một tiếng và nhảy lên tấn công.
Bọn tôi tuy bốn đánh hai, nhưng xét về sức vóc thì giống như bốn chiếc xe đạp ủi nhau với hai chiếc ôt ô.
Tôi bị văng ra ngay từ cú húc đầu tiên, đầu choáng váng như va phải đá. Chúng đánh nhanh đến nổi tôi không thấy đúa nào húc tôi, chỉ biết mình bay lên rồi rơi đánh bịch, lăn lông lốc.
Chưa kịp hoàng hồn tôi nghe thằng Suku la ăng ẳng, rồi cụp đuôi bỏ chạy.
Bây giờ chỉ còn Haili và Pig đánh nhau với đối phương.
Cuộc quần thảo dữ dội diễn ra trên nền những tiếng sủa hung hãn xen lẫn những tiếng rên đau đớn.
Đã thấy máu thấm ướt vỉa hè dưới ánh đèn cao áp.
Tôi và Suku lại xông vào đánh phụ với Haili và Pig nhưng chỉ lãnh thêm những cú táp kinh hồn của hai con chó lạ và bổ sung thêm máu đỏ cho vỉa hè.
Tiếng la hét của anh Nghé và chị Ni chả có tác dụng gì ngoài việc làm tăng thêm kịch tính cho trận huyết chiến.
Hai người cuống quýt chạy vòng quanh nhưng không dám xông vào đám hỗn loạn toàn răng và nanh kia.
- Kiếm một khúc cây đi em!
Anh Nghé thét giục chị Ni nhưng ngay cả anh cũng không kiếm được khúc cây nào.
Mãi một lúc anh mới nhặt được một cục đá nhưng không dám ném vì sợ trúng phải bọn tôi.
Tôi đã từng chứng kiến những trận đánh kinh hồn giữa Haili và Êmê. Nhưng dẫu sao đó cũng là những cuộc đối đầu giữa hai đứa có tầm vóc và sức mạnh không chênh nhau nhiều, thế trận giằng co không bên nào quá lép.
Đối đầu với hai con chó hoang to lớn này là một tình huống rất khác.
Tôi và Suku bị loại ra khỏi vòng chiến ngay từ cú đột kích thứ hai. Một mảng da trên da tôi rách toác, rát bỏng như có ai áp vào một thanh sắc nung đỏ. Còn thằng Suku bây giờ chỉ có thể bước đi những bước cà nhắc như vừa đạp phải bẫy kẹp.
- Làm sao đây anh Nghé? - Chị Ni nói như khóc – Không can ra được, mấy con chó nhà mình chết mất.
Tôi và Suku chắc không đến nỗi chết. Nhưng hai đứa đang tiếp tục tham chiến ngoài kia là Haili và Pig có thể sẽ không còn thấy ánh mặt trời vào sáng ngày mai.
Mùi máu tanh phả trong không khí chắc chắn bắt nguồn từ những lỗ hỏng chi chít trên người Haili và Pig. Vì hai con chó hoang cho đến giờ phút này xem ra chẳng hề hấn gì. Đã thế càng đánh trông càng hang hái.
Chỉ đến khi con Pig liều lĩnh phi thẳng vào mõm đối phương rối bất ngờ lạng qua trái để tránh một cú táp, sau đó bổ vào cổ họng đối phương một cú nghiến cực mạnh thì cục diện mới thình lình thay đổi.
Con chó bị Pig tấn công kêu ẳng một tiếng, ngã lăng ra đất sau đó lẩy bẩy gượng dậy và cong đuôi chạy trốn, máy kéo thành vệt trên hè phố.
Thấy đồng bọn bị trọng thương, con chó còn lại chẳng còn long dạ nào kéo dài cuộc chiến. Trong chốc mắt, chúng cũng mất hút ở cuối đường.
Tiếp theo là những ngày cả bọn được mẹ chị Ni chở đi bệnh viện thú y để băng bó, xức và chích thuốc.
Ở đây bọn tôi gặp cơ man là chó, gần như không thiếu loại chó nào.
Một con chó Phú Quốc vừa đẻ hai con, suốt ngày nằm rên hừ hừ. Đem tới bệnh viện cho bác sĩ khám, hóa ra nó cỏn hai đứa con nữa trong bụng, phải mổ để lấy ra. Ngày con chó lên bàn mổ, cả dòng họ nhà nó, à không, nhà chủ nó kéo tới gần như đầy đủ. Tôi thấy thế vì thấy trong đám đông có các ông già bà cả lẫn vô số trẻ con. Cả đám ngồi hồi hộp đúng vịnh lên cách kiếng ngó vô bên trong. Chủ nó, một bà mặt áo cổ tròn, khóc nấc với chiếc khan nhàu nát trên tay. Một bà già khi thấy bác sĩ cầm dao mổ lên liền lăn ra xỉu. Thế là bác sĩ thú y kiêm them nhiệm vụ cấp cứu con người, loạn cả lên.
Trong những ngày đó, lẩn nào tôi cũng thấy ông đạp xích lô chở tới một con chó gầy nhom, ốm yếu. Để xe trước cổng bệnh viện, ông thận trọng ẳm con chó lên tay, dọ dẫm bước lên bậc tam cấp.
Sau vài lần gặp gỡ mẹ chị Ni ngạc nhiên:
- Sao con chó hôm nào cũng đi chữa bệnh một mình vậy chú? Chủ nó đâu?
- Tôi là chủ của nó.
Con chó của ông xích lô tên là Hên. Ông bảo mẹ nó đẻ hai đứa con. Hai đứa kia rất xinh, đươc bao nhiêu nhà giàu có vồ vập. Thằng Hên xấu xí, lại bị thọt từ ngay khi lọt long, chẳng ai thèm nuôi. Thế là ông xin nó về đặt tên là Hên để hi vọng nó có cuộc đời may mắn.
Nhưng thằng Hên chẳng Hên tẹo nào. Nó ốm lên ốm xuống. Lẩn này nó bị nặng nhất. Bệnh ca-rê đã quật ngã nó.
Mẹ chị Ni nhìn con chó quặt quẹo trên tay chị Ni, bùi ngùi:
- Trông bộ dạng thế này chác nó không qua khỏi, chú à.
Ông xích đu thở dài:
- Tôi cũng biết vậy nhưng bỏ nó thì không đành. Số thằng này từ bé đã khổ!
Ông bảo từ khi thằng Hên bị ốm, hằng ngày ông dậy đạp xe từ tờ mờ sáng, Đến khi kiếm đủ tiền chích thuốc và truyền nước biển cho thằng Hên, ông lập tức chở nó vào bệnh viện. Xong, chở nó về nhà, lúc đó ông mới bắt đầu chạy xe kiếm sống. Ngày nào cũng như ngày nào.
Tôi không biết thằng Hên về sau có khỏi bệnh ngặt nghèo đó không vì tôi không còn gặp lại ông xích lô đó nữa.
Trong bọn tôi, đứa vẫn tiếp tục lui tới bệnh viện là con Pig. Vì nó là đứa bị thương nặng nhất.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top