Chương 8: Cuối cùng là Bêtô, con chó kể chuyện.


Chú Peter là chồng dì út.

Nhà chú ở thành phố Brescia miền Bắc nước Ý, dưới chân dãy núi Alpes, cạnh hồ Garda. Chú bảo nơi chú ở cảnh vật tuyệt đẹp, bên này là hồ nước mênh mông mịt mù khói sóng bên kia núi lượn chập chùng mây trắng như bông.

Nhưng vì chú lấy dì út nên vợ chồng chú chỉ ở Ý chín tháng. Ba tháng còn lại cả hài về sinh sống tại Việt Nam.

Ở Ý, chú Peter buôn bán đồ cổ tại các hội chợ diễn ra quanh năm ở Châu Âu. Hai vợ chồng sắm một chiếc xe tải, lái đi đến hết nước này đến nước khác, mùa xuân ở Bỉ, mùa hè ở Hà Lan, mùa thu lại sang Đức.

Ba tháng ở Việt Nam, hai vợ chồng lặn lội suốt ngày ở vùng núi Tây Bắc và cao nguyên miền Trung để mua đồ thổ cẩm và các sản phẩm độc dáo đem về bán ở châu Âu.

Gặp lúc kinh tế khủng hoảng, các hội chợ ế ẩm, chú rao bán chiếc xe tải qua Việt Nam dạy Tiếng Anh để chờ thời.

Ở trung tâm ngoại ngữ, sau khi đọc lý lịch và trình độ Tiếng Anh của chú, người ta nhận chú ngay.

Nhưng ngay buổi đầu tiên, chú Peter đã đùng đùng bỏ dạy.

Tối hôm trước chú nghiên cứu giáo trình và cẩn thận soạn bài đến khuya lơ khuya lắc. Sáng hom sau chú dậy thật sớm, ăn mặc tươm tất, hớn hở chạy xe đến chỗ làm.

Nhưng khi vừa bước vào cổng, tấm bảng quảng cáo đập vào mắt khiến chú sững sờ. ở cột giáo viên đứng lớp, bên cạnh những người khác là giáo viên Peter - người Anh.

Chú hối hả vào văn phòng:

- Các ông nhầm rồi. Tôi là người Ý chứ không phải người Anh.

Người ta thản nhiên:

- Chúng tôi không nhầm. Đây là trung tâm Anh ngữ, cứ phải ghi là người Anh mới thu hút được học sinh.

- Bọn lừa đảo!

- Xin ông bình tĩnh. Chúng tôi sẽ trả lương cho ông giống người Anh.

- Đồ bất lương!

Hai bên cãi nhau kịch liệt. Tiếp theo là rủa xả. Cuối cùng là manh động.

Đầu cổ bốc khói, chú Peter ném đống sổ sách vào mặt người đối diện rồi quày quả quay ra cổng, nhặt một cục đá gạch tan nát tấm bảng quảng cáo.

Giám đốc hoảng quá, lật đật gọi điện thoại cho dì Út xin lỗi rối rít và năn nỉ dì tới điệu chú về.

Đây là chuyện của chú Peter, không phải chuyện mấy con chó. Nhưng tôi vẫn kể rq vì có liên quan đến bọn tôi.

Chú Peter thuật lại chuyện đó bằng thứ tiếng Việt bập bõm xen kẽ tiếng Anh, và khi nóng giậm thì chú xổ tiếng Ý. Nhưng con Pig lãnh hội được hết. Chú kể xong, con Pig vẫy đuôi lia lịa, ra vẻ tán thưởng thái độ của chú.

Lạ một điều là thằng Suku nghe có vẻ hiểu vấn đề. Nó lại gần nhếch mõm lên đùi chú Peter và nhìn chú bằng ánh mắt thông cảm, như nó muốn nói nếu nó là chú nó cũng hành động như thế.

Xưa nay, chú Peter rất gờm thằng Suku. Vì thỉnh thoảng nó hay tặng chú vài dấu răng nơi bao81 chân làm kỷ niệm. Đã không ít lần chú nổi cộc rượt nó vòng vòng quanh các chân bàn.

Nhưng hôm nay, Suku đã hiểu ra cuộc sống cần có những thói quen khác bên cạnh thói quen cắn người vô cớ. Nó đang học cách cảm nhận nỗi đau của người khác.

Chú Peter vuốt tóc Suku:

- Mày hiểu tao nó gì mà, phải không Suku?

Suku trả lời bằng tiếng rên ư ử trong cổ họng.

Chú Peter vỗ đầu nó:

- Tao biết mày muốn an ủi tao. Nhưng mà mày yên tâm đi, tao vẫn ổn. Ngày mai tao đi tìm việc chỗ khác.

Rồi chú rút điện thoại ra chụp hình thằng Suku.

Ngày hôm sau, chú đưa hình nó lên facebook kèm theo dòng chữ bằn tiếng Ý:

Si tratta di Suku, u cane onesto. Mi ha morso pìu volte ma io non lo odio, perchè è nato per mordere. Ma coloro che ingannano non hanno bisogno di mordere per ferirti.

Dì Út dịch:

Đây là Suku, một con chó trung thực. Nó nhiều lần cắn tôi nhưng tôi không ghét nó, vì nó được sinh ra để cắn. Còn kẻ gian dối không cần cắn cũng làm tổn thương người khác.

Chú William là bạn của ba mẹ chị Ni. Chú là người Mỹ nhưng rất giỏi tiếng Việt.

Chú từ New York sang Việt Nam, thoạt đầu làm du lịch, sau đó đâm ra mê nghề làm báo khi được một người bạn rủ làm ban tập viên cho một tạp chí phiên bản tiếng Anh.

Rồi đến một ngày chú đột ngột hết mê nghề làm báo. Chú chuyển qua mê dịch sách. Chú lôi hết sách của ba chị Ni ra đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Chú say sưa nói:

- Cuốn này hay. Cuốn này cũng hay. Cuốn này cũng hay nữa.

Chú đấm tay này vào tay kia, mặt mày phấn khích, mắt sáng bừng:

- Em sẽ dịch cuốn này ra tiếng Anh. Tiếp theo dịch cuốn này. Sau đó dịch cuốn này.

Nhưng dịch được một cuốn, chú đột ngột hết mê dịch sách. Chú chuyển qua mê làm phim.

Chú điện thoại về từ khắp nơi:

- Em đang viết kịch bản phim ở Hà Nội.

- Em đang quay phim ở Đà Nẵng.

- Em đang đóng phim ở Hội An.

Chú viết kịch bản phim, làm diễn viên, làm đạo diễn, thứ gì cũng có.

Có hôm tối mò, chú về bấm chuông nhà chị Ni. Tưởn chú về ngủ, té ra chú chạy vào toa lét rồi vội vã chạy ra.

Ba chị Ni hỏi chú đâu, chú bảo đang quay phim với đoàn. Hỏi chú quay ở đâu, chú bảo quay ở tòa nhà chung cư trước mặt.

Nhưng rồi đùng một cái, chú hết mê làm phim, chú chuyển qua mê hội họa.

Chú lên Đà Lạt ở nhà người quen cả tháng trời chỉ làm mỗi chuyện là vẽ.

Ba chị Ni nói với mẹ chị Ni:

- Hèn gì sáu tháng trước nó mê con bé ở Bắc Ninh, sau đó thấy nó đi với con bé người Quãng Ngãi, bây giờ lại cặp kè với con bé người Sài Gòn. Thằng này đúng là không mê thứ gì được lâu!

Chú William cặm cụi vẽ một lèo mấy chục bức, sau đó đem triễn lãm ở Nhà Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, mời ba chị Ni đi xem.

Chú triễn lãm tất cả là ba lần.

Lần thứ ba, chú mời cả nhà. Cả bọn tôi cũng được mời.

Năm con chó từ trên taxi ùa xuống, chạy lăng quăng khắp nơi hít hít ngửi ngửi khiến khối người mắt tròn mắt dẹt.

Hóa ra chủ đề hội họa của chú William hôm đó là chó.

Trên các bức tường treo toàn tranh vẽ bọn tôi. Thằng Suku. Con Êmê. Con Haili. Và tôi.

Thằng Suku nằm. Thằng Suku đứng. Thằng Suku đi. Con Pig chạy. Con Pig nhảy. Con Pig ngồi nhìn đời qua cánh cổng gỗ. Con Êmê trèo lên bàn. Con Êmê đánh nhau với con Haili. Con Haili gặm xương. Con Haili nằm trong lòng mẹ chị Ni. Hình ảnh tôi thảm bại nhất: nếu không nằm ngửa cho anh Nghé bắt bọ chét cũng là bị con Pig đè nghiến ra đất.

Chú William không nói trước nội dung của cuộc triễn lãm nên cả nhà chị Ni đều bất ngờ.

Ba chị Ni nghiêng đầu vào đầu mẹ chị Ni:

- William không mê thứ gì được lâu, trừ chó.

Thoạt tiên, không sai nhận ra chúng tôi là nhân vật chính trong những bức tranh. Người ta chỉ ngạc nhiên, thậm chí thấy năm con chó đang gây náo loạn ở chỗ dành cho khách triễn lãm nghệ thuật.

Khách thưởng thức nghệ thuật thì bạn cũng biết rồi đó, toàn những người quan trọng, khả kính. Nhiều người đeo cà vạt. Có người khoác áo vét. Mặt mày họ lúc nào cũng suy tư. Họ nói năng khe khẽ, đi lại rón rén. Bất cứ tiếng động nào cũng xem là xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm của ngôi đền nghệ thuật.

Trong khi đó bọn tôi cứ gừ gừ, ăng ẳng; thực tình mà nói khi bọn tôi xuất hiện, Nhà Bảo toàn Mỹ thuật đã rất giống cái chợ trời.

Nhưng rồi những cái nhíu mày đã được nhanh chóng dãn ra khi khách phát hiện ra bọn tôi chính là nguyên mẫu của những bức tranh trên tường.

Cuộc sống bắt đầu ngoặc sang một hướng khác: các vị khách đạo mạo bây giờ còn ồn ào hơn cả bọn tôi. Như có một chiếc đũa phép vừa chạm vào người họ, vẻ đăm chiêu biến mất, mọi người thi nhau rút máy ảnh, máy quay phim, điện thoại di động ra chụp ảnh, thu hình năm đứa tôi. Nếu biết chữ, thế nào bọn tôi cũng được xin chữ ký.

Chụp ngoài trời chán, họ yêu cầu từng đứa một trong bọn tôi đứng cạnh các bức tranh để chụp cả người lẫn tranh, à quên cả chó lẫn tranh.

Máy ảnh cuống cuồng kêu lắc cắc, máy quay phim rối rít chạy xè xè.

Tiếng gọi nhau í ới vang lên khắp nơi, tiếng bước chân huỳnh huỵch như trong phím đuổi bắt. Người chạy nhiều nhất tất nhiên là chú William vì chú phải liên tục di chuyển từ đầu này đến đầu kia khán phòng để trả lời vô số báo đài và giải thích vô số câu hỏi tò mò của khách xem tranh.

Cộng thêm tiếng sủa dồn dập của bọn tôi, không khí trang nghiêm của ngôi đền nghệ thuật bị phá vỡ, giống như người xưa nay vẫn khăn đóng áo dài bất thần rơi rụng hết mọi thứ, chỉ còn trơ khấc quần sooc với áo thun.

Truyền thống nề nếp bị sự phấn khích đè bẹp nhưng hầu như không ai quan tâm. Bởi lịch sử triễn lãm tranh ở Nhà bào tàng Mỹ thuật chưa bao giờ có một sự kiện tương tự.

Nhiều năm về sau, sự kiện này vẫn được nhắc đến trong các bàn rượu như một cuộc cách mạng tuy không long trời nhưng suýt làm lỡ đất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: