Chương 8

Tôi tình cờ nghe được cuộc gọi đó ba ngày sau lần Sâm ghé thăm tôi.

- Anh Sâm hả? Em nghe đây! - Tịnh luồn máy vào dưới các lọn tóc lòa xòa bên thái dương, giọng vui mừng.

Tiếng reo của Tịnh làm tôi bàng hoàng, máu nóng đưa nhau dồn hết lên đầu. Tôi không biết bằng cách nào Sâm có số điện thoại của Tịnh và thật ra thì anh đã gọi cho nó bao nhiêu lần rồi. Tôi liếc về phía Tịnh, lần đầu tiên phát hiện động tác của nó thật duyên dáng và mái tóc loăn xoăn của nó nữa, cũng thật trẻ trung đáng yêu, dù hôm nay nó không cài băng-đô.

- Dạ, chị Khuê đỡ nhiều rồi. Anh yên tâm.

Tôi không nghe được Sâm nói gì bên kia nhưng vẫn đoán ra anh hỏi thăm tôi. Lẽ ra tôi phải cảm thấy được an ủi nhưng sự nghi ngờ trong tôi đang đứng cao hơn mối cảm kích khiến thứ đang lấp đầy tôi lúc này chỉ là sự hờn giận ngút trời.

- Dạ, dạ…

Tịnh vừa nói vừa đi ra cửa nên tôi không biết cả hai tiếp tục nói với nhau những gì.

Tôi cố giữ cho giọng mình đừng gầm gừ khi Tịnh quay vào:

- Anh Sâm gọi hả em?

- Dạ.

- Ảnh nói gì vậy?

- Ảnh hỏi chị đã khỏe chưa.

Tôi định hỏi Sâm còn nói gì với em nữa nhưng đến phút chót tôi kịp nuốt câu hỏi vào bụng. Tôi không muốn đẩy mọi chuyện đi quá xa. Nhưng còn một câu hỏi khác, lẽ ra tôi cũng không nên hỏi, nhưng tôi biết nếu không hỏi tôi sẽ chết vì tò mò:

- Làm sao anh Sâm có số phone của em?

Thái độ của tôi, dù không cố ý, cũng đã rất giống thái độ của một quan tòa. Nhưng Tịnh dường như không để ý đến điều đó. Nó đáp, vui vẻ:

- À, hôm trước lúc em đưa ảnh ra cửa, ảnh hỏi điện thoại em số mấy.

Vẻ hồn nhiên của Tịnh làm tôi vừa tức vừa bối rối. Tôi không biết nó vô tâm thật hay vờ làm ra thế. Dĩ nhiên câu trả lời của Tịnh không làm tôi thỏa mãn.

Vẫn còn vô số câu hỏi đang xếp hàng trong đầu tôi và tôi rất muốn nghiến răng: “Ảnh có nói ảnh xin số phone của em để làm gì không?”. Rất may tôi còn đủ tỉnh táo để không sa vào chiếc bẫy của cảm xúc. Tôi biết nếu tôi không cảnh giác, nỗi ghen tức sẽ lập tức che mờ lý trí tôi. Tôi không muốn vì chuyện này mà tôi lọt vào top 3 những người vô duyên nhất trên đời. Vả lại, nếu tôi hỏi như thế, và nghe Tịnh đáp “Em thấy chuyện đó bình thường mà chị”, hoặc nặng nề hơn “Chị hỏi làm gì?”, tôi không biết mặt tôi lúc đó sẽ chuyển sang gam màu gì, tôi sẽ tiếp tục cuộc đối thoại như thế nào và hai đứa tôi sẽ nhìn mặt nhau trong những ngày sắp tới ra sao.

Tôi không hỏi Tịnh. Nhưng với Sâm thì tôi chẳng việc gì phải kiêng kỵ.

“Chúc mừng cô khỏi bệnh”, Sâm chào đón tôi khi tôi đi làm lại sau năm ngày nghỉ ốm.

Tôi không cảm ơn Sâm như lẽ ra tôi phải làm thế. Sáng hôm đó, tôi đã bực bội ngay từ khi dắt xe ra khỏi bãi gửi của khu chung cư, và tôi đã đáp lại lời chúc của anh bằng câu hỏi tôi đã nhẩm đi nhẩm lại trong đầu suốt dọc đường đi:

- Muốn hỏi thăm sức khỏe em, tại sao anh không gọi trực tiếp cho em mà gọi cho Tịnh?

- Vì cô bệnh, tôi phải hỏi qua người khác. - Sâm thản nhiên, không hề lúng túng như tôi nghĩ - Gọi cho cô nhằm lúc cô đang cần nghỉ ngơi khác gì quấy rầy cô, làm cho cô mệt hơn.

Lý lẽ của Sâm chính đáng đến mức tôi thộn mặt ra vì bất ngờ. Tôi đã xếp sẵn trong đầu hàng chục mẫu câu bắt đầu bằng hai chữ “tại sao” như người đi săn tích trữ đạn dược với mục đích dồn Sâm vào thế bí nhưng rốt cuộc, giống như một con thú tinh khôn, anh thoát thân một cách dễ dàng.

Tất nhiên tôi không có lý do gì để tiếp tục hạch hỏi Sâm nhưng linh tính mách cho tôi biết Sâm xin số phone của Tịnh không phải chỉ để hỏi thăm tôi.

Ngoài Sâm ra, hôm đó rất nhiều đồng nghiệp chúc mùng tôi nhưng lòng tôi chẳng thấy vui. Gần trưa, tôi kín đáo ngoắt Lương ra đầu hẻm.

- Chuyện gì bí mật vậy chị? - Lương lém lỉnh hỏi - Định tặng quà cho em hả?

Tôi nghiêm nghị:

- Hôm trước anh Sâm ghé phòng trọ của chị.

- Trời! - Mặt Lương rạng ra - Vậy là ảnh thích chị rồi.

- Bậy! Ảnh nghe chị bị sốt nên ghé thăm.

- Đó là ảnh kiếm cớ thôi. Muốn hỏi thăm thì gọi điện thoại được rồi.

- Ảnh có gọi. - Tôi tặc lưỡi, cố giữ giọng bình tĩnh - Nhưng không phải gọi cho chị.

Lương ngạc nhiên:

- Chứ ảnh gọi cho ai.

- Ảnh gọi cho nhỏ Tịnh.

Tôi thuật cho Lương nghe những gì xảy ra trong mấy ngày vừa rồi. Tôi cố nén ấm ức nhưng cái cách nhấn nhá trong giọng điệu vẫn cho thấy tôi đang hăng hái kể tội Sâm. Lương biết Tịnh, vì nó từng đến chỗ tôi trọ nhiều lần.

- Bộ chị nghi anh Sâm và Tịnh có gì với nhau hả? - Lương nhìn sững vào mặt tôi - Em nhớ Tịnh có bạn trai rồi mà. Anh chàng gì học trường kiến trúc, hay đưa đón nó đi làm đó.

- Hai đứa nó chia tay rồi.

Tôi đáp, và thở dài:

- Thật ra chị không nghi gì hết. Nhưng chị khó chịu khi bọn họ lén lút gặp gỡ sau lưng chị.

Lương lắc mái tóc học trò, nói như an ủi:

- Gọi điện thoại thì đâu có thể bảo là gặp gỡ?

Lương nói đúng. Gọi điện thoại thì không thể bảo là gặp gỡ. Nhưng đi ăn với nhau thì không thể nói khác đi.

Ba ngày sau, Tịnh khoe tôi:

- Anh Sâm mời em đi ăn tối nay đó, chị.

- Vậy hả em?

- Chị đi với em nha.

- Tối nay chị bận rồi.

Tôi hờ hững đáp, cố không nhìn về phía Tịnh. Tôi không muốn nó thấy mặt tôi đang méo đi từng phút một. Vậy là quá rõ! Tôi xót xa nghĩ. Đối với Sâm, hóa ra tôi không là gì. Anh chưa từng mời tôi đi ăn một lần, điều mà anh dễ dàng làm với cô gái anh chỉ quen mới có vài ngày. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất, những gì tôi vẫn bắt gặp trong mơ, hóa ra chỉ là ảo ảnh, là những cuộc phiêu lưu tình cảm do tôi tự vẽ ra. Tôi đã bị trí tưởng tượng cầm tù và tự nguyện để nó thao túng suốt một thời gian dài.

Tôi từng nghe ai đó bảo tình yêu là trò chơi của những sai lầm. Tôi không rõ tôi đã thật yêu chưa, nhưng sai lầm thì tôi có thừa. Tôi tự mua dây buộc mình, buộc luôn những kẻ vô can như Sâm, Tịnh vào đó và không ngừng làm phiền họ.

Bỗng chốc tôi ngạc nhiên nhận ra tôi không cảm thấy ghen tức hay giận hờn như những ngày qua. Cái đang bóp nghẹt trái tim tôi lúc này là sự buồn tủi. Là nỗi đắng cay. Bây giờ nhớ lại, tôi thất vọng nhận ra quan hệ giữa tôi và Sâm lâu nay dường như không có một điểm nhấn nào để có thể nghĩ là anh có tình cảm đặc biệt với tôi. Tất cả chỉ đơn giản là quan hệ giữa người dạy việc và người học việc. Ờ, tất cả chỉ có thế thôi.

- Em đi nha, chị.

Tịnh đeo túi xách lên vai, nhìn tôi nói, khi đồng hồ chỉ sáu giờ chiều.

- Em đi chơi vui vẻ.

Tôi nói, ngạc nhiên về sự bình thản của mình.

Nhưng tôi chỉ ngạc nhiên một giây thôi. Rồi tôi buồn bã nhận ra lòng tôi đang trống rỗng. Có lẽ đó là tâm trạng của người chấp nhận thua cuộc, sẵn sàng chúc mừng chiến thắng của đối phương một cách cao thượng.

Cô bé mơ mộng là tôi đó, bây giờ ngồi thu mình trong căn phòng nhỏ, lặng lẽ thăm dò lòng mình và âu sầu tự hỏi: Thật ra tôi đang quan tâm đến điều gì? Tôi đang theo đuổi những giá trị nào trong cuộc sống? Tôi đến thành phố này, chịu đựng vất và suốt một thời gian dài, rốt lại là vì điều gì hay vì ai? Học tập? Tìm kiếm công ăn việc làm? Giúp đỡ ba mẹ? Phát triển bản thân? Hay để tìm kiếm yêu đương? Tôi ngồi bất động suốt nhiều giờ liền, bỏ cả bữa tối, chỉ để thẫn thờ nhận ra mình đang lạc lối. Tôi nhận ra tôi đã phí quá nhiều thời gian và tâm trí để dọ dẫm trên con đường không phải của mình. Tôi như người đội nắng đội mưa cắm mặt cày bừa, cuối cùng nhận ra mình đang đổ mồ hôi trên cánh đồng của người khác.

Người khác đó, gần mười giờ tối mới đẩy cửa vào nhà, thấy tôi đang nằm quay mặt vào vách, khẽ hỏi:

- Ngủ sớm vậy, chị?

Tôi vờ ngủ, không trả lời, chỉ nằm im nghe tiếng chân Tịnh nhẹ bước vào phòng tắm.

Nếu như trước đây, cũng chẳng lâu la gì - chừng ba ngày trước thôi, tôi sẽ nôn nao thức đợi Tịnh về, sẽ hồi hộp quan sát vẻ mặt của nó, điệu bộ của nó, cả bước chân của nó, để đoán xem nó hào hứng đến mức nào sau khi gặp Sâm, rằng bọn họ đã nói hay đã làm những gì suốt bốn tiếng đồng hồ bên nhau - quãng thời gian quá thừa thãi cho một bữa ăn nhưng rất phù hợp với một buổi hẹn hò. Nhưng bây giờ, tôi chỉ muốn ngủ, thoạt đầu là vờ ngủ nhưng rồi tôi bị sự mệt mỏi đánh gục lúc nào không hay.

Hôm sau đến quán, tôi không nói gì với Sâm về chuyện anh mời Tịnh đi ăn. Chấp nhận vị trí của kẻ đứng ngoài lề, tôi bắt đầu tập xem chuyện giao du của Sâm không liên quan gì đến mình. Tôi sân si của ngày hôm qua đã chết rồi. Tôi xác định tôi đi làm ở quán ăn này là để kiếm sống.

Kể từ hôm đó, mỗi ngày tôi lẳng lặng chạy xe đi các chợ mua hàng, cố bắt đầu óc tập trung vào công việc và tránh xa Sâm càng nhiều càng tốt.

Lương vẫn âm thầm theo dõi tôi.

- Dạo này em thấy chị là lạ thế nào? - Một hôm nó thì thầm vào tai tôi.

- Lạ gì đâu!

Lương liếm môi:

- Chị và anh Sâm đang giận nhau hả?

- Làm gì có!

- Nếu không thì tại sao bây giờ quán mình có tới hai bộ mặt không biết cười?

Tôi không trả lời Lương, vì tôi không biết trả lời thế nào. Tôi kiếm cớ lảng đi chỗ khác, bất chấp ánh mốt dò hỏi của nó.

Tôi tránh bắt chuyện với Sâm nhưng do công việc, tôi không thể tránh mãi được.

Sáng hôm đó tôi ghé chợ Hòa Bình như thường lệ, ngạc nhiên thấy sạp cá của dì Ba Được trống trơn. Nhìn quanh không thấy dì đâu, tôi lo lắng chạy sang hỏi chị Hội, chủ sạp kế bên:

- Dì Ba Được hôm nay nghỉ bán hà chị?

- Ừ.

- Chết em rồi. Dì nghỉ không báo trước, em biết làm sao bây giờ?

- Báo sao được mà báo! Hồi sáng vừa dọn hàng ra, thình lình bả bị đột quỵ, chồng bả chở bả đi bệnh viện rồi. - Đang nói, chị Hội chợt nhận ra tôi - À, em là mối quen của bà Ba phải không?

- Dạ, ngày nào em cũng lấy cá ở đây.

Chị Hội chỉ tay xuống gầm quầy:

- Cá của bà Ba tụi chị sợ hư nên đóng hết vô thùng giùm bả, xếp đầy nước đá ở trỏng rồi nhét dưới gầm này nè.

Tôi chưa hết ngơ ngác, chị đã phẩy tay nói tỉnh bơ:

- Em cứ lôi hết cá trong thùng ra đi, rồi muốn lấy thứ gì thì lấy. Chuyện tiền bạc, em chờ bà Ba xuất viện về rồi tính. Bây giờ bả vô bệnh viện rồi, tụi chị không biết gì hết á.

Tôi ngân ngừ:

- Hay em ở đây đợi chồng dì Ba về?

- Ông Ba ổng có biết gì đâu. Em gặp ổng cũng như không.

Lần đầu tiên gặp tình huống này, tôi lúng túng không biết phải làm thế nào. Tôi đi tới đi lui, đâu xoay như chong chống. Nếu tôi đi về tay không, thế nào Sâm cũng mắng. Nhưng thò tay vào thùng lấy cá khi dì Ba vắng mặt, tôi lại ngại.

Cuối cùng tôi đành làm cái chuyện tôi không muốn chút nào là gọi điện thoại cho Sâm. Sau khi nghe tôi trình bày, Sâm nói:

- Cô cứ lấy phần cá của mình đi.

- Cứ lấy tự nhiên hả anh?

- Ờ. Nhưng cô khoan về đã chờ một chút xem có mối nào tới lấy cá nữa không.

- Chi vậy anh?

- Đợi các mối quen lấy phần của họ rồi, cô xem còn bao nhiêu cá trong thùng, cứ chở hết về cho tôi. Tiền bạc tính sau.

Nghe lời Sâm, tôi chở cá về nhưng lòng không ngớt thấp thỏm. Tôi không biết Sâm nghĩ gì mà mua nhiều thế, nhất là làm sao tiêu thụ hết số cá dôi ra.

- Mua gì nhiều vậy anh? - Vừa gặp Sâm, tôi hỏi ngay.

- Mua giúp dì Ba. Sau khi giao hàng cho các mối quen, phần lớn cá còn lại dì dành để bán lẻ trong ngày. Hôm nay đóng quầy, số cá này thế nào cũng hư.

- Nhưng mình lấy nhiều vậy bán sao hết?

- Bán không hết thì nấu cho nhân viên ăn. - Sâm nói, giản dị.

Bếp ăn của quán xưa nay vẫn nấu cơm miễn phí cho nhân viên. Ai làm ca sáng thì được phục vụ cơm trưa, ai làm ca chiều thì được phục vụ cơm tối. Người nào làm từ sáng đến tối thì ăn ngày hai bữa tại quán.

Tự nhiên tôi cảm thấy vui. Như trước nay, Sâm hay có những cách ứng xử khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Nếu không có chuyện của Tịnh, mối quan hệ giữa tôi và anh có lẽ sẽ ấm áp hơn nhiều. Nhưng cuộc sống là vậy, tôi thở dài, trong xã hội, trong gia đình, trong các mối quan hệ và ngay trong tâm hồn ta đôi khi vẫn xuất hiện những vết nứt gây mà ta không hề chờ đợi.

Sâm cắt ngang luồng suy nghĩ trong đầu tôi:

- Bây giờ tôi và cô quay lại chợ Hòa Bình.

- Ngay bây giờ hả anh?

- Ờ. Tôi nghĩ chồng dì Ba lúc này đang ở ngoài đó.

Sâm chở tôi trên chiếc Wave anh mới sắm sau khi nhường chiếc Cúp 81 lại cho tôi. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi chung xe với Sâm, nhưng lần này tôi không thấy thoải mái lắm. Nếu như trước đây, tâm trạng tôi có thể đã khác, thậm chí trái tim tôi sẽ ca hát dọc đường đi, tâm trí tôi sẽ không ngừng suy diễn chuyện này theo chiều hướng có lợi nhất cho những gì tôi đang rụt rè ấp ủ. Nhưng bây giờ cây mơ mộng trong hồn tôi đã héo. Tôi không còn nghĩ ngợi lung tung. Tôi không muốn cá cược với tương lai của mình nữa.

Đúng như Sâm đoán, khi chúng tôi tới chợ, đã thấy chồng dì Ba đang loay hoay thu dọn đồ đạc chỗ sạp cá của vợ.

- Sức khỏe dì sao rồi, dượng? - Sâm thắc thỏm hỏi.

- Bả qua cơn nguy kịch rồi. Chắc vài bữa nữa bác sĩ sẽ cho về. Sắp tới chỉ cần nằm nhà uống thuốc thôi.

- May quá! - Sâm thở phào - Dượng nói dì Ba cứ ở nhà nghỉ ngơi đi. Khi nào khỏe hẳn hãy ra chợ.

- Chợ búa gì nữa! - Dượng Ba chép miệng - Sau vụ này, chắc bả nghỉ luôn. Mấy đứa con đâu có cho mẹ nó buôn bán nữa.

Sâm tặc tặc lưỡi, không nói gì nhưng trông anh có vẻ buồn. Hụt hẫng nữa. Tôi biết, nếu dì Ba nghỉ bán chắc Sâm tiếc lắm.

- Giờ sao đây, anh? - Tôi nhìn Sâm.

- Cô tính tiền cá cho dượng Ba đi. Gửi thêm cho dượng ít tiền để phụ lo thuốc men cho dì Ba.

Đúng như chị Hội nói, về chuyện tiền bạc dượng Ba ù ù cạc cạc. Tôi phải tính giùm dượng giá cả từng loại cá rồi theo số ký lô mà nhân lên.

Lúc tôi và Sâm ra khỏi chợ, mặt trời đã gần đứng bóng nhưng tôi không thấy đói. Cứ nghĩ đến chuyện sắp tới không gặp dì Ba Được nữa, tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi và dì chỉ là bạn hàng nhưng mối quan hệ đó được thời gian bồi đắp thành mối giao tình thân thiết hơn nhiều so với mối quan hệ giữa người mua và người bán thông thường.

Tự nhiên tôi nhớ đến chị Dần, cô Mười, chị Điệp, dì Hai Anh… những mặt người thân thuộc, và tôi nhận ra không biết từ lúc nào họ đã trở thành một phần của cuộc đời tôi.

Đối với tôi hóa ra chợ không chỉ là nơi mua bán mà chính là không gian sống của tôi lâu nay.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top