Chương 3
Tôi mua cá tràu ở chợ Bà Hoa, gần chỗ tôi trọ. Chủ sạp cá là chị Điệp.
Từ khi được Sâm nhượng lại chiếc Cúp, việc đi lại của tôi đỡ vất và hơn hẳn. Sáng ra, tôi có thể đi thẳng từ nhà đến chợ, không cần phải ghé quán đổi xe và thay đồng phục như trước đây.
Thực đơn của quán có nhiều loại cá. Cá thu, cá ngừ, cá chim, cá cơm, cá bạc má, cá ngân, cá nục, cá trê, cá tràu. Sâm bảo, mỗi chợ chỉ có vài người bán cá uy tín, “chuyên trị” một, hai loại cá ngon. Đó là lý do tôi phải đi lòng vòng mua cá ở nhiều ngôi chợ khác nhau.
Sâm chọn mua cá tràu của chị Điệp vì chị chuyên bán cá ruộng. Cá tràu ruộng nhỏ bằng cổ tay trẻ con, thịt ngon và thơm hơn cá tràu nuôi, Sâm bảo vậy. Xưa nay, món canh cá tràu nấu chuối khế của quán chỉ dùng loại cá này.
Tôi nhớ nguyên tắc của Sâm. Tôi cũng nhớ cả lời dặn dò của Lương, trước sau chỉ lấy cá chỗ chị Điệp.
Tôi chỉ băn khoăn khi gần đây cá tràu liên tục lên giá. Từ 80.000 đồng một ký, giá tăng lên 90.000 đồng rồi 100.000 đồng. Tôi nói với Sâm “Cá tràu dạo này lên giá gần như mỗi ngày anh à”. “Cô có biết tại sao không?”. “Chị Điệp bảo tại mùa này cá tràu ruộng khan hiếm”. Sâm chép miệng “Khi hết khan hiếm nó sẽ xuống lại giá cũ thôi”.
Sâm thản nhiên nhưng tôi thì sốt ruột. Khi giá lên tới 110.000 đồng, tôi về bảo Sâm “Hay mình lấy cá chỗ khác đi anh!”. “Chỗ khác là chỗ nào?”. “Sạp cá của dì Tư Lợi, cách sạp chị Điệp mấy gian. Hôm qua dì Tư Lợi ngoắt em, bảo “Con lấy cá chỗ dì đi. Dì cũng có cá tràu ruộng nhưng chỉ lấy con 100.000 đồng một ký, rẻ hơn bên kia!”. Sâm gạt phắt “Cô đừng bao giờ nghe lời mấy người đó. Tôi là tôi ghét nhất hạng người tranh mối của đồng nghiệp”.
Sâm nói như nạt nộ. Thấy tôi xịu mặt, Sâm tặc lưỡi, chuyển giọng nhẹ nhàng:
- Tôi nói cô nghe nè. Vấn đề ở đây không phải là giá thấp hay giá cao. Nếu thị trường đồng loạt lên giá do hàng hóa đột ngột khan hiếm thì mình đành phải chấp nhận giá lên. Nếu không, mình sẽ không có được thịt ngon cá tươi, chỉ khi nào người bán cố tình bán cao hơn giá thị trường, tức là tăng giá một cách phi lý, mình mới phải xem xét lại tư cách của họ. Còn với những chỗ đề nghị giá rẻ hơn, mình phải tập nghi ngờ, phải đặt câu hỏi về chất lượng món hàng. Cô hiểu ý tôi không?
Tất nhiên là tôi hiểu. Tôi không để mình bị mê hoặc bởi những lời ngọt ngào của dì Tư Lợi nữa nhưng mỗi khi lấy cá chỗ chị Điệp, tôi vẫn không thể nào bắt mình đừng than vãn. Nhiều lúc tôi cũng lấy làm lạ về chính mình. Tôi chỉ là người được phân công đi chợ cho quán, không phải cho tôi. Nhưng khi giá lên, tôi bồn chồn như người mất của. Đối với tôi, cảm giác hầu hạ thị trường rất gần với cảm giác bị ai móc ví.
Không biết do tôi ngày nào cũng kêu ca mắc rẻ hay do cá ruộng đã bắt đầu về nhiều, mức giá đóng băng ở mức 110.000 đồng suốt bảy ngày liền. Mặt tôi từ từ dãn ra.
Nhưng tôi chỉ nhẹ nhõm được một tuần. Tới ngày thứ tám, Sâm kêu tôi ra, nghiêm nghị:
- Ngày mai chị Điệp sẽ bán cá tràu cho cô với giá 130.000 đồng một ký. Cô cứ mua, không cần trả giá. - Anh nói gì? - Tôi giật bắn người - Tại sao là 130.000 đồng? Giá đang 110.000 đồng kia mà!
Sự ấm ức tích tụ lâu nay trong ngực tôi bất thần bùng ra. Tôi thở gấp, đanh đá một cách bất thường:
- Buôn bán chứ đâu phải ăn cướp!
Sâm đưa tay ra, có vẻ như anh định đặt tay lên vai tôi để trấn an. Nhưng đến phút chót Sâm tỏ ra ngần ngừ và rụt tay lại.
- Cô đừng có nói lung tung! - Sâm khẽ lắc đầu - Chính tôi đề nghị chị Điệp cái giá đó.
- Trời đất! - Câu nói của Sâm đốt nóng toàn bộ con người tôi, thồi bay cả phép lịch sự thông thường. Tôi gần như ré lên - Anh bị làm sao vậy? Bữa nay trời đâu có nóng đến mức…
Lần này thì Sâm quyết định đặt tay lên vai tôi, như bằng cách đó anh muốn dập tắt câu nói bất nhã tôi sắp sửa phun ra.
- Cô không biết đó thôi. - Anh chặn lời tôi bằng một tiếng thở dài - Tuần vừa rồi, cá tràu cô mua không hoàn toàn là cá ruộng.
Những ngày gần đây, Sâm nhận thấy thực khách không ăn hết cá trong tô canh trước đây họ rất ưa chuộng. Có người còn chừa lại nguyên con.
Sâm lặng lẽ ghé chợ Bà Hoa, đến trước mặt chị Điệp:
- Còn cá tràu ruộng không chị, lấy cho em mấy con?
- Còn đây. - Chị Điệp vồn vã - Để chị bán rẻ cho em. Chị bán cho người ta 150.000 đồng một ký. Chị lấy em 130.000 đồng thôi.
- Chị bán cho người ta sao, cứ bán cho em như vậy! Bộ chị bán cho quán mắc lắm hả?
- Đâu có! Chị bán cho quán có 110.000 đồng một ký à.
- Ủa, sao chị tính cho em 130.000 đồng mà tính cho quán có 110.000 đồng?
Chị Điệp đột nhiên ấp úng, có vẻ như lúc này chị mới nhớ ra người đứng trước mặt mình là ai:
- À… à…
- “À, à” là sao?
- À… cá chị bán cho quán là cá ruộng mà… mà… cho ăn.
- Cá ruộng mà cho ăn là sao hả chị?
- À… à…
- Tức là không phải cá ruộng, đúng không?
- À… là cá nuôi… nhưng mà cá cũng ngon lắm đó em! Câu chuyện của Sâm khiến tôi sững người. Thì ra cá chị Điệp bán cho tôi gần đây một nửa là cá ruộng, một nửa là cá nuôi. Để đánh lừa tôi, chị chọn những con cá nuôi có kích thước vừa phải, nhìn bằng mắt thường không thể nào phân biệt được với cá ruộng. Tôi nghĩ đến những tô canh cá tràu nấu chuối khế bị khách bỏ mứa cả tuần nay, áy náy thốt:
- Em xin lỗi. Chuyện này nghiêm trọng quá…
- Cô không có lỗi gì trong chuyện này. Nếu người ta cố tình chọn những con cá có kích cỡ bằng nhau rồi trộn lẫn hai loại với nhau thì ngay cả tôi cũng không thể nhìn ra.
- Cho dù như vậy…
- Tôi nói cho cô nghe nè. - Sâm nhìn sâu vào mắt tôi - Nếu cô nhất định tìm cho mình một cái lỗi thì đó là cô than vãn nhiều quá! Cô than với tôi thì được. Ngày nào cô cũng than với người bán, họ sẽ thắc thỏm, sẽ hoang mang, cuối cùng dẫn tới chỗ làm bừa.
- Nhưng vừa rồi giá tăng từng ngày…
- Chuyện giá lên giá xuống, cô chỉ cần báo với tôi. Tôi sẽ tự đi tìm hiểu thị trường. Nếu phát hiện ra điều gì bất thường, tôi sẽ làm việc với các chủ sạp. Chỉ vì giá lên mà hôm nào cô cũng than mắc than rẻ, tất nhiên người bán họ sẽ lo lắng. Họ sợ bị mất mối, nhất là với mối mua nhiều và mua thường xuyên như mình. Để giữ mối, họ buộc phải ghìm giá lại.
Chị Điệp ghìm giá bằng cách trộn cá nuôi vào cá ruộng. Giá không tăng nhưng chất lượng món hàng giảm xuống. Càng nghi tôi càng tức tối. Tôi có cảm giác mình là con bé quá ngây thơ. Cả tuần nay, tôi không hề biết niềm tin của tôi bị đánh cắp một cách thô bạo.
Tôi nghiến răng:
- Tất cả là do chị Điệp?
- Có thể nói như vậy. - Sâm buông tay khỏi vai tôi, giọng xa vắng và buồn bã.
Tự nhiên tôi phát khùng:
- Nhưng chính anh chọn chị ấy kia mà! Như vậy anh cũng có lỗi. Thậm chí lỗi của anh nặng nhất!
Lân đầu tiên Sâm im lặng khi bị tôi phê bình.
Sự thất vọng khiến tôi đột ngột dạn dĩ. Hơn thế nữa, nó giống như một sự phản kháng. Lần đầu tiên tôi tìm thấy khuyết điểm của Sâm, một con người tôi cứ nghĩ là hoàn hảo - con người mà tôi luôn luôn thua trong mọi cuộc tranh luận. Và tôi không phủ nhận là tôi cảm thấy vô cùng hả hê khi vạch trần được sai lầm hiếm hoi của anh.
Lẽ ra tôi nên dừng lại ở đó. Nhưng không hiểu do điều gì thúc đẩy, có thể do một thứ khoái cảm thầm kín đang len lỏi trong từng mạch máu, lòng tôi bỗng dậy lên khát khao lật đổ thần tượng:
- Có nghĩa là phương pháp của anh cũng sai. Chúng ta không thể đánh giá được con người. Cái đạo đức mua bán mà anh luôn đề cao thật ra không hề tồn tại.
- Tôi thấy cô đi xa quá rồi đó. - Sâm cau mày nhìn tôi - Trong chuyện này, tôi thừa nhận tôi có lỗi. Lỗi của tôi là một cái lỗi cụ thể và về một con người cụ thể. Nhưng quan điểm và phương pháp chọn người của tôi không vì chuyện này mà bị sổ toẹt đi. Cô học ngoại ngữ, cô có học các quy tắc chia động từ chứ?
- Anh hỏi chuyện này để làm gì?
- Để làm gì ư? - Sâm nhún vai, bắt đầu sa đà vào lý luận theo thói quen - Để nói với cô rằng trên thực tế vấn tồn tại những động từ bất quy tắc. Nhưng không vì những ngoại lệ này mà các quy tắc chia động từ trở thành vô giá trị. Ngoại lệ, xét ở góc độ nào đó, có ý nghía cũng có sự đúng đắn của quy luật chứ không phải là phủ định nó. Cô hiểu ý tôi không?
Tôi hiểu, nhưng rất muốn đáp là “không hiểu” để xem Sâm làm gì. Nhưng rất nhanh, tôi kịp nhận ra bướng bỉnh không phải là cách khôn ngoan để chiến thắng một cuộc tranh cãi về lãnh vực mà tôi thua xa Sâm về kinh nghiệm
Tôi gật đầu rất nhẹ nhưng Sâm vẫn nhìn thấy. Anh chép miệng, chuyển qua giọng giảng bài quen thuộc của một thầy giáo già:
- Chúng ta hoàn toàn cố thể thẩm định được sự đàng hoàng, trung thực của người bán hàng. Đạo đức mua bán là tiêu chí hàng đầu khi chọn đối tác, và đó là nguyên tắc bất di bất dịch khi đi vào nghề này. Nhưng cô cũng biết rồi đó, trên đời này không có gì là toàn bích. Tôi chọn chị Điệp vì chị ấy đáp ứng được đòi hỏi về mặt con người. Chỉ vì quá sợ mất mối mà chị ấy đã có những phút giây nông nổi. Điều này chúng ta không thể nào lường trước được.
Và khi nói tiếp thì Sâm đã rất giống một triết gia:
- Đó là sự bất toàn của cuộc đời chứ không phải sự bất lực của phương pháp.
Triết gia thở hắt ra:
- Tóm lại, nếu chúng ta xem việc chọn lựa bạn hàng là nguyên tắc vàng trong mua bán thì nếu có sai số, sai số đó sẽ ở mức thấp nhất.
Có vẻ Sâm đã thuyết phục được tôi. Dù vậy tôi không thể không nhăn nhó:
- Nhưng tại sao anh còn tiếp tục lấy cá chỗ chị Điệp?
- Bởi vì cho đến lúc này tôi vẫn chưa thấy ai đáng tin hơn chị Điệp, bất chấp chuyện đáng tiếc vừa xảy ra. Nếu thật sự ma mãnh, chị ấy không mất cảnh giác đến mức không nhớ ra tôi là ai.
Câu chuyện cá tràu đột ngột kết thúc khi một thực khách bước vào quán.
- Này con, bữa nay cô có đến đây không? - Khách hỏi Lương lúc này đang đứng cạnh chiếc bàn kế quầy thu ngân.
- Dạ có.
Khách dòm dáo dác:
- Cô ngồi đâu?
Lương mỉm cười:
- Dạ, cô ngồi bên khu B, trên gác.
- Vậy chú ngồi đây. - Khách thở phào - cho chú một tô mì. Lẹ lên nha!
Tôi tò mò quan sát vị khách lạ. Ông lật đật gọi món, lật đật ăn, lật đật kêu tính tiền. Ông bước ra khỏi quán cũng bất ngờ như khi ông bước vào, nhanh như gió, hấp tấp đến mức không kịp lấy tiền thối.
Lương cầm mớ tiền chạy theo:
- Chú ơi. Tiền dư nè chú.
Khách đẩy xe ra khỏi bãi gửi, nhảy lên yên, rồ máy:
- Khỏi, khỏi! “Bo” cho con luôn!
Tôi hỏi Lương khi khách biến mất chỗ đầu hẻm:
- Ông này là điệp viên hả em?
Lương cười:
- Ổng né người yêu cũ.
- Người yêu cũ?
Gần một năm trước, có một khách nam và một khách nữ ghé quán. Đó là một buổi chiều trời mưa tầm tã và kéo dài lê thê. Gió thồi u u từ đầu hẻm đến cuối hẻm, làm lắc lay mấy tàu cau kiểng trồng trong chậu. Giàn huỳnh anh hoa rụng tơi bời trên mặt bàn kê trước cửa quán, rơi cả vào trong ly nước nhân viên chưa kịp dọn.
Hai người họ đi riêng, mỗi người ngồi một bàn. Trời mưa quán vắng, vừa ăn họ vừa bắt chuyện cho đỡ buồn. Thoạt đầu là nhận xét các món ăn của quán, tiếp theo họ nói về âm nhạc. Sau âm nhạc là phim ảnh. Sau khi rời khỏi những câu chuyện trên màn ảnh, họ bắt đầu nói tới những chuyện xảy ra ngoài đời thực, trước tiên là nói tới sự bất tiện của vị trí họ đang ngồi nếu còn muốn tiếp tục chuyện trò trong khi cơn mưa có vẻ đồng lõa với họ bằng cách dội nước xuống không ngừng. Thế là họ quyết định đổi chỗ.
Lúc này thì hai người ngồi chung một bàn. Lương nói “Kể từ hôm đó, họ gần như không rời nhau”.
Họ cùng đến, cùng đi, cùng ăn những món giống nhau, uống những thứ nước giống nhau. “Khi trái tim nhúng vào tình yêu, nó sẽ lên men và làm con người ta ngây ngất say”, Lương kết luận như một cô gái đã mười sáu lần yêu. Và tủm tỉm dẫn chứng: Ba tháng sau chiều mưa lướt thướt đó, các nhân viên trong quán hầu như không nhận ra hai người khách nữa. Họ như biến thành con người khác. Họ ăn mặc đẹp hơn, đi đứng tự tin và duyên dáng hơn, cười nhiều hơn, nếu lúc nào họ ngưng cười chỉ vì miệng họ đang ríu rít như chim. Bấy giờ thì ai cũng biết: họ yêu nhau.
Khi yêu, người ta nhìn đâu cũng thấy toàn một màu hồng. Qua tấm giấy kính màu đó, họ thấy đời người đẹp hơn và người đời dễ thương hơn. Lòng họ trở nên bao dung và tràn ngập sự biết ơn. Khách ngoắt Sâm và Lương, rưng rưng:
- Cảm ơn quán nhỏ. Cảm ơn tụi con. Chính nơi này đã ươm mầm chuyện tình cảm giữa chú và cô.
Tôi cắt ngang lời kể của Lương:
- Như vậy câu nói “dạ dày là con đường ngắn nhất đi qua hai trái tim” đâu phải là câu nói chơi.
Lương cười:
- Con đường đó ngó vậy chứ cũng chông gai lắm, chị.
Ba tháng sau của cái ba tháng sau đó, các véc-tơ tình cảm bắt đầu xoay chiều. Đôi tình nhân nọ vẫn ghé quán, họ vẫn ăn những món giống nhau, uống những thứ nước giống nhau, chỉ có giờ đến và giờ đi khác nhau.
Lần đâu tiên hiện tượng lạ này xảy ra, Lương ngạc nhiên:
- Ủa, bữa nay cô không đi với chú hả?
Mặt khách buồn thiu:
- Thôi rồi.
- Là sao hả chú?
- Là chia tay rồi.
Tới đây thì Lương biết mình không nên hỏi nữa. Lương biết, có đôi lúc câu hỏi rất giống cái móc câu theo nghĩa đen. Nó sẽ cào rách trái tim người đối diện.
Lương không hỏi thì khách hỏi:
- Mấy bữa nay cô có ghé quán không con?
- Dạ có.
- Cô đi một mình hay đi với ai?
- Dạ, cô đi với bạn.
Thấy mặt khách không vui, Lương vội vã bổ sung:
- Là bạn gái đó chú.
Mặt khách vừa dãn ra đã lập tức căng thẳng:
- Hôm nay cô có ghé đây không?
Lương chỉ tay lên trời:
- Cô đang ngồi trên gác đó chú.
- Trời đất, sao mày không báo động sớm! Vậy để chú qua khu B ngồi.
Mỗi lần ghé quán, khách nữ cũng hỏi các tiếp viên với mẫu câu y hệt - như thể họ cùng ôn chung một bài tập đàm thoại, chỉ khác ở đại từ nhân xưng:
- Hôm nay chú có ghé đây không?
Cho tới ngày khách thình lình bước vào quán, thình lình đặt dấu chấm hết cho cuộc trò chuyện về đề tài cá tràu giữa tôi và Sâm, Lương bảo hai người họ đã một mình đến quán như thế đã một trăm năm mươi ngày rồi và trong thời gian đó, chỉ quan sát họ thôi Lương đã làm được gần một tập thơ.
- Thật không đó? - Tôi nhướn mày.
- Thật mà, chị.
- Đọc chị nghe đi!
Lương đọc:
Ta đi về phía không nhau
Tự nhiên ôm một nỗi đau nhói lòng
Mới hay thương mến vô cùng
Đẩy nhau về phía long đong cũng nhiều.
- Hay đó, em. Phải thơ em làm thật không?
- Sao chị lại nghi ngờ tài năng của em? - Lương chun mũi - Thơ em làm thì mới hay như vậy chứ.
- Thôi, thôi, chị tin rồi. Đọc thêm bài nữa đi!
Có người ngủ suốt mùa đông
Tỉnh ra không biết có chồng hay chưa.
Có người ngủ suốt mùa mưa
Tỉnh ra mới biết hiện chưa có gì.
Tôi tấm tắc:
- Bây giờ chị mới hiểu tại sao em quyết định bỏ một năm đại học để chuyển qua ngành Ngữ văn.
Thơ Lương hay, rất đáng khen, nhưng cũng rất đáng ngờ. Tôi véo môi, trầm ngâm:
- Bài này hay hơn bài trước, nhưng sao giống như em ám chỉ chị quá à. Chị đâu có ế đến mức đó!
Lương cong môi “xì” một tiếng, chân nhích vội ra xa:
- Chị có anh Sâm mà ế gì!
- Cái con này! Tao đập mày đó nha!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top