Chương 32

Louis tới Berlin vào một ngày mưa, khung cảnh bên ngoài ô cửa sổ dần chuyển từ tầng mây xám xịt sang lớp sương mù cũng âm u chẳng kém. Máy bay vận tải khổng lồ lăn bánh trên đường băng, từ từ giảm tốc độ rồi dừng hẳn, động cơ im bặt. Hôm nay là ngày 21 tháng 4 năm 1946, một mùa xuân với những cơn mưa lạnh bao phủ nước Đức và miền bắc nước Pháp.

Loiseau tới sân bay đón anh, tay cầm một chiếc ô màu đen trông hệt như cái lều, đến khi vào bên trong bộ chỉ huy thì gấu áo khoác ngoài của cả hai đã ướt sũng vì mưa. Louis được giới thiệu với khoảng hơn chục phi công, tương đương với hai đội Spitfire tại Berlin, và anh sẽ là chỉ huy của họ.

"Chúng ta dùng chung sân bay với người Mỹ phải không?" Anh hỏi, nhìn một hàng máy bay tiêm kích Mustang im lìm dưới mưa.

"Thật không may, chúng ta chung đụng nhiều thứ hơn là sân bay."

Tiếp theo, anh đi chào hỏi chỉ huy của Không lực Hoa Kỳ tại Berlin, một người đàn ông trung niên, tóc hoa râm, chưa nói câu nào đã bật cười, câu cửa miệng là "Phải không?" Họ có khá nhiều chủ đề chung để thảo luận do vị này từng phục vụ tại căn cứ Kenley của Không quân Hoàng gia Anh, thế nhưng mãi đến khi quen thân hơn một chút thì Louis – nhân dịp ngồi chung một bàn dùng bữa trưa – mới ngập ngừng hỏi liệu ông có thể tra được thông tin về các tù binh Mỹ hay không.

"Là một người bạn của tôi tên Charles Sinclair, mất tích ở Đức trong chiến dịch Pointblank, sau Ngày thứ năm đen tối."

"Cậu ta không có trong danh sách tù binh à?"

"Không có. Nhưng ông cũng biết đấy, mấy danh sách này không hoàn toàn chính xác, có thể anh ấy đã trốn thoát, cũng có thể anh ấy đã không bị bắt lại."

"Hoặc cũng có thể là đã bị ném vào trại tị nạn thay vì trại tù binh? Trường hợp đó mà xảy ra thật thì muốn tìm người cũng khó đấy, tụi Đức làm gì lưu giữ hồ sơ chi tiết đến thế, mà dân tị nạn cũng không đáng bao nhiêu tiền chuộc."

"Tôi hiểu." Louis gượng cười, "Chỉ hỏi vậy thôi."

"Tôi sẽ để mắt tới chuyện này giúp cậu – nhưng đừng quá hy vọng, chúng tôi còn chưa hiểu mấy cái trại tập trung chết tiệt đó là vụ gì đâu."

Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên cũng như là cuối cùng của họ về "tù binh", và sau tất cả thì nó cũng chẳng đi đến đâu. Đầu năm 1947, khi Chiến tranh Lạnh ngày một căng thẳng hơn, vị chỉ huy tóc hoa râm này nhận lệnh thuyên chuyển về quê nhà. Chỉ huy người Mỹ mới tới vừa trẻ hơn lại vừa kiêu ngạo hơn rất nhiều, phần lớn thời gian đều được dành ra để hất hàm sai bảo người khác như thể cả Châu Âu đang mắc nợ anh ta. Tay này và George Loiseau không ưa nhau cho lắm, đôi khi Louis còn lo rằng một ngày nào đó hai người họ sẽ rút súng ra và nã đạn vào đầu nhau.

Anh cũng hiếm khi rời khỏi căn cứ. Bên ngoài cũng không có nhiều cảnh vật để thăm thú, dù sao thì Berlin cũng chưa phục hồi trở lại sau khi bị san bằng bởi các vụ đánh bom hai năm trước, những đống đổ nát vẫn còn nguyên ở đó, trải qua mấy mùa mưa nắng cỏ dại đã mọc lên um tùm. Louis chỉ thực sự nhận ra thành phố này đã hoang tàn tới mức nào khi nhìn xuống đống phế tích từ trên bầu trời, trong vài lần ngẫu hứng lượn lờ sau nhiệm vụ hộ tống đội máy bay vận tải. Tất nhiên là anh không thể hoàn toàn đi chệch khỏi tuyến đường về, nếu không các máy bay chiến đấu của Liên Xô sẽ điên cuồng bay theo và sự cố ngoại giao có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đồng thời, cũng chẳng có ai ngạc nhiên trước việc Liên Xô phong tỏa đường sắt tới Berlin vào cuối tháng 3 năm 1948, dù sao thì thời gian qua người Mỹ đã nhiều lần đối địch với họ ngay trên mảnh đất này. Khoảng bình yên tạm thời giữa hai nước lúc này giống hệt như tảng băng liên tục bị rót nước sôi lên trên: chúng đều sẽ không tồn tại lâu. Những máy bay vận tải được điều chuyển từ Anh sang Tây Đức để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, dù rằng mới đây thôi, vào ngày 6 tháng 3, Louis vừa gửi một bức điện tín trấn an cha mẹ mình rằng Liên Xô chỉ thêm yêu cầu xác minh danh tính chứ các chuyến tàu chở hàng của Mỹ và Anh vẫn vào tới Berlin như bình thường.

Tháng sáu, điều tồi tệ nhất kia đã xảy ra.

Giao thông đường sắt đã bị phong tỏa trên diện rộng, đường bộ cũng bị chặn lại bởi các trạm kiểm soát của Liên Xô. Người Mỹ phải sử dụng một lượng lớn máy bay vận tải để thả tiếp tế và tích trữ lương thực cũng như đạn dược, đề phòng trường hợp Liên Xô có tấn công bất ngờ thì quân đội ở đây vẫn có thể ứng phó. Louis phải dẫn đội Spitfire thực hiện nhiệm vụ hộ tống các máy bay vận tải ra vào Berlin gần như là mỗi ngày. Giữa chừng, máy bay chiến đấu của Liên Xô sẽ hùng hổ xuất hiện, đôi khi còn giữ khoảng cách mà bám theo họ như thể sẽ bắn hạ cả đội lúc nào không hay. Tất thảy tựa như quay trở lại như mùa hè năm 1940, khi mà Louis đều bật dậy hằng đêm, ngỡ rằng mình đã nghe thấy tiếng cảnh báo phòng không. Sân bay của họ tại Tây Đức đúng là mắt muỗi so với máy bay ném bom của Liên Xô, đối phương đơn giản chỉ cần thả vài quả bom HE ở đúng chỗ là có thể nướng chín tất cả mọi người.

Các nhiệm vụ không vận nhanh chóng được mở rộng quy mô để cung cấp cả thực phẩm và đồ gia dụng cho dân thường. Tất cả các máy bay vận tải hầu như đều hoạt động hết công suất, đội của Louis cũng cất cánh từ sáng sớm, giữa trưa quay lại nạp nhiên liệu rồi bay tiếp, đến khi chiều tà mới trở về trong tình trạng cạn kiệt sức lực. Bữa tối của căn cứ cũng chẳng giúp được là bao do khẩu phần ăn mỗi người chỉ có thịt đóng hộp và khoai tây nghiền vô vị, ăn xong thì đón chờ anh lại là nhiệm vụ hộ tống đội máy bay vận tải cuối cùng rời Berlin trong ngày.

"Đại uý Linden?"

Louis dừng bước ở hành lang, hơi mất kiên nhẫn, nếu có ai khác muốn anh ký vào một tài liệu ngu ngốc nào đó thì tốt hơn hết họ nên ngậm miệng vào và quay lại sau hai tiếng nữa. Gọi anh lại chính là một phi công trẻ người Anh với mái đầu như rơm rạ và hai bên răng khểnh, "Chỉ huy đội máy bay vận tải mới tới muốn gặp ngài, thưa chỉ huy."

"Tôi đã gặp anh ta rồi."

"Không phải chỉ huy đội máy bay vận tải của chúng ta, thưa chỉ huy, là người Mỹ, họ muốn nói chuyện với ngài về lịch làm việc và điều phối."

"Chờ tôi quay lại rồi tính."

"Vậy mà tôi đã nghĩ rằng anh sẽ rất muốn gặp tôi cơ đấy." Một giọng nói cắt ngang.

Louis sững người, quay lại nhìn. Anh không biết lúc này biểu cảm của mình như thế nào – hẳn là vô cùng đáng sợ, bởi vì cấp dưới trẻ tuổi kia cứ hỏi đi hỏi lại anh, "Ngài không sao chứ, thưa chỉ huy?"

"Tôi chắc là anh ấy không sao đâu," Người kia trả lời, nháy mắt một cái, "Ở đây ổn cả rồi, cảm ơn cậu nhé, Trung sĩ Hardy."

"Vâng, Thiếu úy Sinclair."

Louis thậm chí còn không để ý rằng Trung sĩ đã rời đi, thẫn thờ nhìn chằm chằm vào "bóng ma trong lòng" giờ đây đang xuất hiện ở ngay trước mắt mình. Chuck đã gầy đi, râu trên cằm còn chưa được cạo sạch, không biết là do không có thời gian hay là do anh ấy đã mặc kệ nó như vậy. Tóc của anh ấy cũng không còn cắt cụt lủn nữa, hình vòng cung mềm mại đã trở lại, men theo trán rủ xuống bên tai, và vết sẹo ở khóe mắt kia thì vẫn hệt như trong trí nhớ của Louis. Anh đưa tay ra, nhưng do dự mãi mà vẫn không chạm vào Chuck.

Chuck tiến lại gần một bước, bọc tay Louis trong lòng bàn tay mình.

"Để tôi nghĩ xem mình nên nói gì trước. "Xin chào" thì sao?"

Louis muốn cười mà chẳng thể phát ra thanh âm nào. Chuck kéo anh vào gầm cầu thang, ôm lấy gương mặt anh, dịu dàng dùng ngón cái lau đi những giọt lệ trào ra từ khoé mi anh.

"Charles." Louis khàn khàn nói từ đầu tiên.

"Tôi đây."

"Anh hẳn là đã tử trận."

"Cách nói chuyện của em vẫn luôn lãng mạn như vậy." Chuck vuốt bộ râu của mình. "Sau khi mấy kẻ buôn lậu bán tôi và ông chú cho đám Lực lượng Vệ quốc, tôi cũng đã nghĩ như vậy đấy. Tôi suýt chết ở Drestedt, sốt liên tục do vết thương bị nhiễm trùng, em biết việc đó rắc rối thế nào mà. Khỏi rồi thì mấy tên lính lại định kéo tôi đến Mặt trận phía Đông để đào chiến hào, may mà lúc đó quân Đồng minh đổ bộ như điên lên đất Pháp – tôi mới biết vụ đó năm ngoái thôi, em tưởng tượng nổi không? Thực ra trong trại giam tù binh không có một tiếng gió, mãi tới khi lính canh ngày càng ít do bị thuyên chuyển đến Berlin thì tôi mới chạy thoát, cuốc bộ đến Pháp, ở lại Le Havre hai tuần rồi trở về Hoa Kỳ trên một khu trục hạm. À đúng rồi, tôi phải kể với em câu chuyện gà đẻ trứng này nữa."

Louis chớp mắt, hoàn toàn không thể hiểu nổi những câu chuyện không đầu không đuôi nối tiếp nhau này, "Cái gì?"

Chuck bật cười, đẩy anh vào góc sâu hơn của cầu thang và hôn anh. Louis hít một hơi, nắm lấy cổ áo Chuck và kéo hắn lại gần hơn. Một hồi chuông chói tai vang lên, yêu cầu phi công vào vị trí. Họ thở hổn hển tách nhau ra, nhưng mũi và trán vẫn chạm vào nhau.

"Còn lái Spitfire chứ?"

"Đương nhiên."

"Mustang mới là máy bay tiêm kích đỉnh nhất."

"Anh đã từng lái Spitfire, hẳn là anh cũng tự biết loại nào mới là tốt nhất."

Chuck cười khẽ, "Nhớ phải để mắt đến tôi và đội vận chuyển của tôi nhiều hơn nhé, chỉ huy."

"Em sẽ làm thế."

"Tối nay tôi có thể gặp em và kể cho em tất cả mọi chuyện chứ?"

"Đi vào từ cửa chính, đừng trèo cửa sổ."

Hồi chuông inh ỏi thứ hai thúc giục cả hai rằng họ đã muộn.

"Mời ngài đi trước, chỉ huy." Chuck cúi đầu, đặt một nụ hôn lên môi Louis, giúp anh chỉnh lại cà vạt. Bọn họ sóng vai nhau bước ra ngoài, chạy về phía máy bay của mình. Dưới bầu trời tự do tạm bợ của Berlin, hoàng hôn buông xuống, mặt trời lặn dần nhường chỗ cho vầng trăng treo, một quầng sáng nhợt nhạt tỏa ra, là bomber's moon.

end

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top