Como - Italia
Torino không phải là một thành phố hấp dẫn du lịch vì thế chắc hẳn trong số các bạn đã từng đến Ý, rất ít người từng đặt chân tới thành phố này. Du khách tới Ý bị cuốn hút bởi hàng loạt những cái tên hấp dẫn hơn nhiều: Roma, thành phố được mệnh danh là thủ đô của thế giới, với vẻ đẹp hoành tráng và mạnh mẽ; dường như người ta vẫn có thể cảm nhận được ở đây sức mạnh vô địch của đế chế La Mã thuở nào; Venezia (Venice) với vẻ đẹp độc đáo, lãng mạn và kiêu sa; Firenze (Florence) với vẻ đẹp của sự sáng tạo, trí tuệ và văn hóa, cái nôi của phong trào phục hưng Châu Âu, nơi xuất thân của rất nhiều danh nhân văn hóa thế giới. Nếu người ta thường ví Venezia đẹp như một nàng công chúa trong chuỵện cổ tích thì Firenze được gán với vẻ đẹp của một chàng hoàng tử... Ngoài ra cũng có thể kể đến hàng loạt cái tên như Napoli – thành phố cổ ven biển với những địa danh nổi tiếng: Sorrento (Suriento), Santa Lucia, Pompei...; Sicilia với những di tích của nền văn minh Hy-La kết hợp, với núi lửa Etna hùng vĩ và với... mafia; Verona với thiên tình sử bất hủ của Romeo và Juliet; Siena với những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng; Milano – thành phố của thời trang và thương mại...; thậm chí thành phố nhỏ bé Pisa, quê hương của Galieo cũng trở thành nổi tiếng nhờ chiếc tháp nghiêng xinh xắn và... không giống ai. Nằm cạnh những thành phố đầy quyến rũ như vậy nên dường như Torino của hắn không gây được nhiều sự chú ý. Chắc hẳn trong số chúng ta ít người biết rằng đây chính là thủ đô đầu tiên của nước Ý thống nhất.
Hắn cũng mới biết điều đó cách đây không lâu. Trong một lần rảnh rỗi, hắn lần mò trong các thư viện để tìm hiểu về Torino và đã tìm được khá nhiều thông tin thú vị. Theo một truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, Torino đã được hình thành bởi người Ai Cập cổ: “Một ngày kia, Hoàng tử Ai Cập Eridano vượt Địa Trung Hải để kiếm tìm những vùng đất mới màu mỡ. Băng qua dãy Appenini, chàng gặp một vùng đồng bằng phì nhiêu nằm bên một con sông lớn, nó nhắc chàng nhớ tới dòng sông Nil quê hương... Vậy là trên vùng đất đó một quần xã của người Ai Cập được hình thành với những tập quán, tín ngưỡng Ai Cập, đặc biệt trong đó có tục lệ tôn sùng bò thần Menfi...”. Người ta kể rằng, hoàng tử Eridano trong một lần đang phóng xe ngựa bên bờ sông không hiểu sao đã lao xuống nước và đã chết đuối trên chính dòng sông ấy. (“Có lẽ ông này hơi quá chén hoặc không thì chắc cũng đang muốn chứng tỏ tay lái lụa nên mới đến nông nỗi này!” - Hắn nghĩ). Kể từ ngày đó, tên dòng sông được đặt theo tên vị hoàng tử bất hạnh, Eridanus. Thật tiếc là đến nay, cái tên đầy tính thần thoại này đã bị đánh mất. Có một thời sông mang tên là Padam vì hai bên bờ sông mọc rất nhiều bạch dương, sau đó cái tên được cắt gọn đi chỉ còn cụt lủn: Po và chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả. Đọc đến đây, hắn lẩm bẩm: “Thằng cha nào nghĩ ra cái tên thô kệch này có lẽ cũng nên lôi ra chặt đầu đi cho gọn!”.
Theo sử sách La Mã ghi chép lại, năm 218 TCN, Annibale (Ha-ni-ban) đã bất ngờ tấn công La Mã bằng con đường khó khăn ít ai ngờ: vượt qua dãy Alpi. Ngôi làng bên bờ sông Eridanus mang tên Taurasia đã bị quân Annibale phá trụi. Đây là lần đầu tiên Torino xuất hiện trong chính sử. Có lẽ là sau vụ này, vùng đất Taurasia đã được chú ý hơn, người ta nhận ra đây là một vị trí quan trọng chiến lược với những quan điểm quân sự và kinh tế. Vào thời Giulio Cesare, khu vực này đã trở thành một căn cứ quân sự. Năm 69, thời Julia Augusta, tại đây hình thành một thành phố nhỏ mang tên Taurinorum.
Sự sụp đổ của Đế chế La Mã đã khiến Torino cổ lao đao, chìm trong sự tàn phá, chém giết đẫm máu và thay đổi chủ liên tục. Torino đã “ngủ yên” suốt “đêm trường trung cổ”, thời kì đen tối nhất trong lịch sử Châu Âu. Phải đến năm 1562, khi Emanuele Filiberto di Savoia làm chủ Torino, thành phố mới được khôi phục và phát triển. Filiberto muốn đưa Torino chở thành kinh đô của vương quốc của ông, nhờ đó công cuộc xây dựng và phát triển được đẩy mạnh. Trước tiên, ông cho tiến hành xây dựng hệ thống công trình quân sự như thành lũy, pháo đài... Tiếp theo đó,nhiều kiến trúc sư giỏi được vời đến để vạch ra những phương án mở rộng thành phố cũng như thiết kế những công trình lớn mang phong cách Ba-rốc-cô và Rô-cô-cô. Công cuộc phát triển được tiến hành cho đến khi nổ ra cuộc Cách mạng Pháp. Trước sự xâm lăng của Napoleone Bonaparte, Carlo Emanuele IV phải bỏ thành phố về cố thủ ở đảo Sardegna. Torino rơi vào ách chiếm đóng của quân Pháp.
Sau đó, với sự trở lại của Vittorio Emanuele I, Torino là tiêu điểm thu hút những nhà ái quốc với lý tưởng giành lại tự do. Đây là thời kì của lòng nhiệt huyết Italia, thời kì của những quán cà phê Torino, nơi luôn nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi và cũng là thời kì của cuộc chiến tranh giành độc lập. Năm 1861, Vittorio Emanuele II thống nhất Italia, Torino được chọn là thủ đô.
Năm 1864, Torino lại đối diện với cuộc khủng hoảng mới khi thủ đô được chuyển về Firenze. Nhưng với sự ra đời của những ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất ôtô, thành phố phía Tây Bắc này lại có một sức hấp dẫn mới, đó là khả năng thỏa mãn công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động.
Cuối TK19, đầu TK20, sự phát triển của thành phố đã đến mức khó kiểm soát do dân số tăng nhanh (thời điểm cao nhất lên khoảng 1,4 triệu). Nhưng với những chính sách và biện pháp hợp lý, Torino vẫn giữ được sự ổn định về quy mô cũng như những dáng vẻ đặc trưng của mình. Ngày nay, Torino là thủ phủ của vùng Piemonte, là thành phố lớn hàng thứ 5 của Ý với dân số hơn 900 nghìn người. (“Sao không thấy người ta nói gì đến bóng đá nhỉ?”- Hắn gấp sách lại).
Torino nằm ở một vị trí rất đặc biệt mang đầy tính huyền thoại và tôn giáo. Đây là nơi người ta tìm thấy và lưu giữ một thánh tích cực kì nổi tiếng, cây thánh giá bằng gỗ, tương truyền chính là cây thánh giá mà trên đó chúa Giê-su đã bị đóng đinh. Người ta nói rằng theo thuật chiêm tinh phương tây của các pháp sư giỏi ma thuật và rành phong thủy, gọi nôm na là thầy địa lý, Torino là một đỉnh trong tam giác ma thuật trắng cùng với Praha và Lyon. Đồng thời nó cũng là đỉnh của một tam giác khác, tam giác ma thuật đen cùng với Luân Đôn và San Francisco. (Hắn chẳng hiểu chính xác ma thuật đen với ma thuật trắng là gì, nghe thì có vẻ ghê gớm. Đen với chả trắng! Rốt cục hai màu này chỉ làm hắn tưởng tượng ra màu áo sọc trắng đen của “lão phu nhân” mà thôi). Nằm bên bờ hai con sông Po và Dora, Torino được bao phủ bởi một vành đai nước. Nếu sông Po là biểu trưng của mặt trời, là cực dương, thì ngược lại Dora mang biểu trưng của mặt trăng và là cực âm. Như vậy là đủ cả trắng đen giao thoa, âm dương kết hợp để tạo nên một vị trí hoàn hảo.
Là một thành phố có chiều dày lịch sử, Torino luôn giữ được cho mình những nét cổ kính vốn có. Điều này cõ lẽ phụ thuộc rất lớn của công việc quy hoạch đô thị. Từ hạt nhân là khu thành cổ truyền thống với bốn cổng và mạng lưới đường xá hình bàn cờ theo hai trục phố chính Đông-Tây và Nam-Bắc, các đường phố được tiếp tục phát triển rộng ra theo hai hướng này. Nhà cửa trong khu vực trung tâm hầu hết đều có tuổi trung bình khoảng trên 100 năm, thường với độ cao xấp xỉ như nhau (khoảng 5 tầng) vì thế mặc dù mang hình thức trang trí hay phong cách kiến trúc khác nhau nhưng chúng vẫn tạo nên một bộ mặt tổng thể rất thống nhất.
Thoạt tiên, hắn thấy đơn điệu và nhàm chán vì sự giống nhau đến kì lạ của những dãy nhà và vì không có nhiều tính đột phá trong kiến trúc (thậm chí có vài lần hắn nhầm phố nọ với phố kia và đi lạc lung tung vì chúng giống nhau quá) nhưng chẳng mấy chốc, chính những điều đó lại mang tới cho hắn cảm giác an toàn, vững chãi của một tổng thể hoàn chỉnh với những quy luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Đặc biệt, mỗi lần có dịp quan sát từ trên cao, hắn lại phải một lần trầm trồ về sự sắp xếp tuyệt hảo của những nhà quy hoạch đô thị... Sau này, hắn đã phát hiện ra rất nhiều công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc trong cái tổng thể tưởng như đơn điệu đó. Đó là những công trình mang phong cách Ba-rốc với đầy những chi tiết trang trí đặc sắc, đó là những tòa nhà cổ kính từng dùng làm lãnh sự quán của các nước láng giềng từ thời Torino là thủ đô của nước Ý, ngoài lề một chút đó là những tòa lâu đài nằm bên bờ sông và những tòa biệt thự sang trọng trên ngọn đồi phía Tây.
Hắn rất thích rảo bộ trên các đường phố cổ Torino. Rất nhiều đoạn phố vẫn giữ được nguyên những lớp đá lát xưa cũ khiến hắn liên tưởng ngay tới những tiếng xe ngựa lọc cọc của những đường phố cổ mà người ta thường chỉ thấy trên phim ảnh. Nhưng thỉnh thoảng cũng có tiếng vó ngựa thật chứ không phải trong phim. Đó là khi mấy chú cảnh sát kị binh diễu qua. Mấy chú này chắc chỉ để làm cảnh, ăn mặc rất diện, mặt thì lúc nào cũng vênh lên trời chẳng cần để ý đến việc mấy chú ngựa to lực lưỡng thỉnh thoảng lại để lại trên đường phố một số... vật thể lạ! Đâu đây vang lên tiếng leng keng của những chiếc tàu điện cổ lỗ, dù có hơi chói tai một chút nhưng không thể không khiến hắn bùi ngùi nhớ cái “tiếng leng keng tàu sớm khuya” của Hà Nội xưa. Những chiếc tàu điện cũ kĩ này quả thật rất hợp với vẻ cổ kính của Torino nơi mà tàu điện và xe buýt là hai phương tiện giao thông công cộng chính; không có tàu điện ngầm. Mãi đến năm ngoái người ta mới bắt đầu khởi công xây dựng tuyến xe điện ngầm đầu tiên trong kế hoạch chuẩn bị hạ tầng cho Olympic Mùa đông 2006 mà Torino sẽ là chủ nhà.
Một đặc điểm thú vị nữa của đường phố Torino là những dãy hành lang đi bộ hoặc gọi nôm na là vỉa hè có mái che. Một vài người nói rằng, không có một thành phố nào trên thế giới mà kiểu kiến trúc này xuất hiện nhiều như ở Torino. Hình như chưa ai kiểm chứng nhận định này nhưng hắn cứ tin là đúng. Hắn bỗng liên tưởng tới những hành lang đi bộ quanh cái Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ ngày trước và thầm so sánh. Tất nhiên hành lang đi bộ của Torino dài hơn và đẹp hơn nhiều, lữ khách được rảo bước bên những hàng cột đá hoa cương đồ sộ, đường kính có khi đến gần 1m, chiều cao độ 8-9m, đều tăm tắp. Nhưng chức năng chính không phải để làm đẹp. Vào những ngày mưa gió bão bùng hay tuyết rơi lạnh cóng, người ta mới thấy hết tác dụng của những cái lối đi ấy. Dưới mưa rét người ta vẫn có thể ung dung đi lại để mà ngắm trời, ngắm đất, ngắm những cửa hiệu sáng choang hai bên đường và ngắm... nhau. Dưới những hành lang này, đôi khi hình thành những quán cà phê, hoặc quán kem nho nhỏ, đặc biệt thường gặp ở những quảng trường trung tâm. Người ta có thể vừa nhâm nhi tách cà phê, cappuccino hoặc thưởng thức mấy cốc kem vừa liếc nhìn dòng chảy của phố xá.
Ăn kem đó cũng là một sở thích của hắn. Dù trời nóng 30-40° hay lạnh dưới zero thì niềm hứng thú của hắn với mấy cốc kem không khác nhau là mấy. Mà kem Ý thì mới tuyệt làm sao! So với đủ các loại kem mà hắn từng được ăn ở Việt Nam, từ kem mút trong túi nylon mà có thời hắn mê như điếu đổ, hay kem pimpim của mấy bác bán dạo trong công viên, đến kem Hòa Bình, kem Thủy Tạ, kem Tràng Tiền... và sau này là kem New Zealand, kem Pháp, kem Mỹ, kem Italia...vv và vv.., thì có lẽ kem mà hắn ăn ở Torino là ngon nhất!? Đủ mọi thể loại và chất liệu, thơm ngon vô cùng... Nhưng ai có hỏi hắn cụ thể mùi vị như thế nào chắc hắn cũng không thể tả chính xác được vì bình thường hắn chỉ tốn tối đa là 3 phút để tiêu thụ một cốc kem. Có lẽ không nên sa đà thêm về chuyện kem nữa, kẻo có người thèm...
Bước ra khỏi hàng kem với đống tiền xu thừa mà người phục vụ trả lại, hắn bỗng nhớ ra chưa kể về Mole, công trình mang tính biểu tượng của Torino và là một trong những hình tượng tiêu biểu nhất của nước Ý. Ai đang có trong tay đồng xu euro 2 cent của Ý thì lấy ra mà nhòm ngay nhé! Công trình này được thiết kế bới KTS Alessandro Antonelli với mục đích biểu hiện sức mạnh quyền lực của vua Vittorio Emanuelle II sau ngày thống nhất đất nước. Nó đã được xây dựng trong một thời gian dài từ năm 1862 đến 1889. Với chiều cao 167,5 mét, đây là công trình kiến trúc xây bằng gạch cao nhất Châu Âu. Đến năm 1953 thì phần chóp của tháp bị rụng bởi một cơn bão lớn và được dựng lại bằng kim loại. Sau này, tòa nhà đã được cải tạo và sử dụng làm bảo tàng quốc gia về điện ảnh. Với số lượng hiện vật đồ sộ, giới thiệu sự hình thành và phát triển của nghệ thuật thứ bảy, trong một tổng diện tích 3200 mét vuông, đây là một trong số những bảo tàng quan trọng nhất Châu Âu và là bảo tàng cao nhất thế giới!!!
Không phải ngẫu nhiên Torino được chọn là địa điểm đặt bảo tàng quốc gia về điện ảnh. Torino được coi thủ đô đầu tiên của điện ảnh Italia, một trong những nền điện ảnh lớn nhất của thế giới. Chính tại thành phố này, đã ra đời những hãng sản xuất phim đầu tiên, đã xuất hiện những ngôi sao màn bạc đầu tiên và cũng là nơi khởi quay những thước phim đầu tiên của điện ảnh. (Cabria, một trong những tác phẩm lớn đầu tiên của điện ảnh thế giới đã được quay ở Torino vào năm 1914). Sau thế chiến thứ nhất, Torino đã mất đi ngôi vị vào tay Roma nhưng mối tình của thành phố này với điện ảnh không bao giờ tắt. Người ta kể cho hắn nghe vô số những bộ phim đã từng được quay ở đây, nhưng tiếc là hắn vốn mù mờ về điện ảnh. Hắn chỉ nhớ được rằng tại Lâu đài Valentino nay là trụ sở của trường kiến trúc nơi hắn theo học, và một số địa điểm quanh đó, nàng Natasha xinh đẹp, chàng hoàng tử hào hoa Andrea và chàng Pierre trầm lặng đã từng rảo những bước chân trong bộ phim Chiến tranh và Hòa bình. Bộ phim Hollywood này được dựng bởi đạo diễn King Vidor và với sự tham gia của các diễn viên như Audrey Hepburn, Mel Ferrer và Henry Fonda... Ngày nay Torino vẫn luôn là nơi diễn ra những liên hoan phim quốc tế và là thành phố với số lượng rạp chiếu phim vào hàng lớn nhất nước Ý...
Kể về Torino không thể không nhắc đến sông Po, con sông chảy dọc phía Đông thành phố là ranh giới giữa “Torino phố” và “Torino đồi”. Po là dòng sông lớn nhất của Ý với chiều dài 652 km, bắt nguồn từ sát ranh giới với Pháp chảy ngang miền Bắc nước Ý và đổ ra biển Adriatic. Đây là một trong số những con sông lớn nhất và quan trọng nhất Châu Âu, bên cạnh những Danuyp, Rhein, Rhône và Guadalquivir... Hắn đã đi bộ bên bờ sông Po này không biết bao nhiêu lần, mỗi lần hắn lại tìm thấy ở nó một vẻ đẹp mới. Hai bên bờ sông là những thảm cỏ xanh mướt mắt với những hàng bạch dương thướt tha: một bên là công viên Valentino, công viên đẹp nhất của thành phố còn bên kia là vùng đồi Torino với những tòa biệt thự nhấp nhô lẩn khuất trong những hàng cây xanh lá.
Đi dọc bờ sông phía Tây, hắn có thể tìm ra vô khối những điều hấp dẫn: những câu cầu cổ kính vài trăm năm tuổi; lâu đài Valentino với bộ mái kiểu Măng-sa mang phong cách kiến trúc Pháp (đây là lâu đài mà vua Torino xây tặng vợ là công chúa nước Pháp để làm nguôi nỗi nhớ quê hương của nàng); ngôi làng nhỏ xây theo kiểu thời trung cổ với pháo đài kiên cố và hào nước chạy quanh; những vườn thực vật tuyệt đẹp với đủ các loại cây cối với vô vàn màu sắc; khu trung tâm triển lãm của Torino với hình chú bò tót (biểu tượng của thành phố) to tướng ở mặt chính; bảo tàng ôtô - một trong những bảo tàng lâu đời và quan trọng nhất của Châu Âu về lĩnh vực này- tại đây bạn có thể được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vô số loại xe hơi từ loại cổ lỗ nhất cho đến những chiếc xe đua F1 nổi tiếng nhất. Hắn lại phải giới thiệu nhiều một chút về cái bảo tàng này bởi lẽ Torino cũng được mệnh danh là thành phố của ôtô, nơi đặt trụ sở của FIAT hãng xe hơi lớn nhất Italia mà một trong những hãng xe lâu đời nhất thế giới. Chính vì thế bảo tàng ôtô là bảo tàng được quan tâm hàng thứ ba của khách du lịch trong số các bảo tàng của Torino, sau bảo tàng điện ảnh và bảo tàng AiCập. Chắc các bạn khó hiểu khi nghe thấy nhắc đến bảo tàng AiCập. Xin thông báo rằng, đây là bảo tàng về AiCập lớn thứ hai thế giới (chỉ đứng sau bảo tàng ở Cairo) với rất nhiều cổ vật vô giá, đặc biệt hấp dẫn là những bức tượng Faraon to khổng lồ và và xác ướp đủ các loại.
Như vậy, hắn mới tạm kể xong những thứ ở bên bờ Tây tức là phần “Torino phố”.
“Torino đồi” phía Đông cũng không kém phấn long trọng. Chế ngự nơi đây là hàng loạt các biệt thự đẹp như mơ với những khuôn viên rộng rãi. Nhiều cái cũng ngang ngửa với mấy biệt thự của Bảo Đại ở trên Đà Lạt, có cái theo hắn còn quy mô hơn. (Giả mà lũ trẻ con ở đây mà chơi trò trốn tìm thì chắc tìm từ sáng đến tối cũng không ra mất!). Ngoài không gian lí tưởng trong nhà cũng như ngoài vườn, yên tĩnh và thoáng đãng cách biệt với sự ồn ào, sôi động ở dưới kia, thì những tòa biệt thự ở đây còn có một điểm đắt giá nữa đó là cảnh quan tuyệt vời. Từ trên cao nhìn xuống, ta có thể chiêm ngưỡng dòng sông Po xanh biếc uốn khúc với những hàng cây đủ màu sắc thế nào, tổng thể thành phố với mái ngói nhấp nhô đẹp ra sao..vv.. Có thể nói đó là một bức tranh thiên nhiên mà không một bức họa nào có thể so sánh được dù là của một họa sĩ tài danh đến mấy. Hơn nữa, bức tuyệt tác của thiên nhiên này luôn biến đổi, muôn màu muôn vẻ và đều đẹp như nhau.
Những hôm “êm đềm khói tỏa ngàn sương”, thành phố chìm lắng trong màn sương mờ ảo và huyền hoặc, như là một xứ sở thần tiên nào đó vậy. Khi ánh nắng bừng lên, những hàng cây bên hai bên bờ sông và trong công viên Valentino như được thắp thêm nhựa sống. Xa xa, dãy Alpi tuyết phủ quanh năm nổi bật hắn lên, biến mình thành một lớp màu nền tuyệt hảo cho bức tranh phong cảnh. Những khi tuyết phủ, hai bên bờ sông tạo thành những nét bút trắng xóa. Màu trắng được tôn thành màu chủ đạo của bức tranh sáng đến lóa mắt; những hạt tuyết đọng trên cành cây, vương trên mái nhà và sà xuống vai những khách bộ hành. Khi thành phố lên đèn, bức tranh của chúng ta lại đổi khác. Trên nền sẫm của cây của lá, của đồi, những điểm nhấn lung linh dần hiện lên nhờ nghệ thuật chiếu sáng tuyệt hảo trong đó, nổi bật hơn cả là Mole, nóc nhà của thành phố, hiện trên nền trời vời màu neon mát mắt... Có lẽ cũng cần nói thêm, chủ nhân của những biệt thự trên vùng đồi này cũng là chủ nhân của những bức tranh phong cảnh vô giá đó đều là những nhà giàu có, cỡ triệu phú trở lên cả.
Cũng ở phía bờ Đông thẳng với cây cầu Contrada xây từ năm 1673 là nhà thờ Đức Bà mang dáng dấp của đền Panteon ở Roma. Đây là công trình kỉ niệm sự trở lại của vua Vittorio Emanuelle I, sau khi quân xâm lược Pháp rút lui khỏi Torino. Chếch một chút là nhà thờ Santa Maria, một trong những điểm sáng của Torino vào ban đêm, với ánh đèn xanh huyền hoặc. Phía xa xa, trên ngọn đồi cao nhất đó là nhà thờ Superga, nơi đặt phần mộ của dòng họ Savoia. Nhà thờ này nằm ở vị trí tuyệt đẹp, với tầm nhìn bao quát và chế ngự một khoảng không gian rộng lớn. Le Cobusier, KTS đại tài của Pháp và thế giới đã từng đánh giá rằng nhà thờ này là một trong những công trình có vị trí đẹp nhất thế giới. Khách du lịch có thể lên đây bằng hệ thống tàu chạy bằng cáp (funicolare) dài 2km, xen giữa những lùm cây là những khung cảnh tuyệt vời... Nhưng cũng chính trên ngọn đồi Superga này, một tai nạn thảm khốc đã xảy ra.
Đó là vào ngày 4 tháng 5 năm 1949, chiếc máy bay chở đội bóng Torino (Toro), đội bóng 5 lần liên tiếp vô địch Italia, trên đường về nhà đã mất phương hướng và đâm vào sườn đồi Superga. Toàn bộ đội bóng đã tử nạn, trong đó có nhiều tuyển thủ quốc gia Italia. Từ ngày đó, trên đồi Superga xuất hiện thêm một tấm bia, tưởng niệm những nạn nhân xấu số của tấn thảm kịch. Đây có lẽ là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử bóng đá Ý. Tai nạn này không chỉ là niềm đau riêng của những tifosi Toro hay của người Torino mà là tổn thất lớn của nền bóng đá Ý. Toro của cuối thập kỉ 40 là một đội bóng đi vào thần thoại với sức mạnh vô địch và tộc tôn. Họ mạnh hơn Hungari của Puskas, thần kì hơn Real vĩ đại của Di Stefano hay Hà lan của Cruijff. Vào thời ấy, Toro huyền thoại đã khiến cho người ta quên đi nỗi đau của chiến tranh, đổ nát và đói rách; đã cứu rỗi những con người nghèo khổ và bệnh tật đang lay lắt sống qua ngày, đem lại cho họ những giấc mơ, những niềm đam mê cháy bỏng, niềm tự hào và niềm hạnh phúc lớn lao.
Người ta chỉ tiếc rằng, thế hệ vàng ấy đã không giành được nhiều thành tích như khả năng của họ, chỉ có “vỏn vẹn” 5 chiếc cúp vô địch Italia liên tiếp (từ năm 1945 đên năm 1949) bởi vì thời gian đó chưa hình thành các cúp Châu Âu và cũng là thời gian gián đoạn của World Cup. Nhưng giá trị của đội bóng này không chỉ đo bằng những danh hiệu, những chiếc cup mà cao hơn thế, cao hơn những giá trị thể thao thông thường, họ đã củng cố niềm tin vào cuộc sống cho cả một thế hệ và đã chứng minh rằng những mơ ước cũng có thể trở thành sự thật. (Có lẽ những điều trên nghe có vẻ xa lạ đối với thứ bóng đá ngày càng trở nên thương mại hóa ngày nay). Đối với những tifosi Toro, giấc mợ của họ đã vỡ tan vào cái ngày mùng 4 tháng 5 định mệnh đó, hình ảnh đội bóng huyền thoại mãi mãi được in sâu trong tim của hàng triệu con tim. Từ ngày đó cho đến mãi về sau này, các cổ động viên của Toro không lần nào còn được hưởng niềm vui của scudetto nữa...
Nhưng dù vậy, Torino vẫn là thủ đô của bóng đá Italia. Cho đến nay, trong lịch sử bóng đá Ý, kỉ lục 5 năm liên tiếp đoạt scudetto của Toro không một CLB nào ở Serie A có thể đạt tới được trừ một đội bóng cũng của Torino, đội bóng lừng danh này đã từng đoạt được tất cả các danh hiệu cao quý nhất của bóng đá trên mọi đấu trường. Không nói ra chắc các bạn cũng biết đó chính là Juventus, đã từ lâu cái tên này đã gắn liền với Torino và là niềm tự hào của người dân thành phố. Với 26 chức vô địch quốc gia của Juve và 9 của Toro, tổng cộng là 35, Torino bỏ xa các trung tâm bóng đá khác (thứ hai là Milano với 27 chức vô địch: Milan 16 và Inter 11).
Đã nói đến bóng đá thì không thể không nhắc đến Stadio Delle Alpi. Sân này thuộc sở hữu của thành phố, được khánh thành năm 1990 để phục vụ World Cup, sau đó được sử dụng làm sân nhà của Juve và Toro, còn sắp tới sẽ là sở hữu riêng của Juventus. Không có hình thức kiến trúc độc đáo như sân Olimpic ở Munich, cũng không nổi tiếng và quy mô bằng những San Siro, hay Bernabeu nhưng Delle Alpi luôn là nỗi khiếp sợ của bất kì đối thủ nào. Trong không khí hừng hực được hun bằng pháo sáng, bằng tiếng trống dồn dập, và tiếng reo, tiếng hát của hàng vạn con người, những đối thủ đáng gờm nhất đều phải chịu khuất phục. Mùa bóng năm nay, tại cup C1, không đội bóng nào kiếm nổi một điểm trên sân Delle Alpi. Nạn nhân xấu số gần đây nhất là Basel của Thụy Sĩ. Sắp tới, cả Man Utd và La Coruna cũng sẽ trở thành những vật tế thần mà thôi. Là một CĐV của Juventus, hắn tin tuyệt đối vào điều đó!
Hắn không sao quên được cái không khí tuyệt vời khi Juve của hắn giành chức vô địch thứ 26, ở vòng đấu cuối cùng mùa giải năm ngoái. Rộn bước trên những đường phố trung tâm là hàng nghìn, hàng vạn cổ động viên của Juve. Họ giương cao những biểu ngữ, những là cờ và cất cao lời hát ngợi ca đội bóng thành Torino. Cả thành phố ngập tràn trong hai màu đen và trắng. Hắn sung sướng hòa mình trong dòng người và sóng cờ hoa vô tận ấy: Với niềm phấn khích tột cùng, hắn hát vang (hét vang thì đúng hơn!) bài hát mới học thuộc trên đường:“Siamo noi, siamo noi, i championi d’Italia siamo noi. Siamo noi, siamo noi, i championi d’Italia siamo noi...”. Cuộc diễu hành của các tifosi kéo dài đến đêm... Suốt hơn hai năm sống ở thành phố này, chưa bao giờ hắn thấy Torino đẹp như trong ngày hôm ấy...
Hắn còn muốn kể nhiều, kể kĩ hơn nữa về Torino, về những quảng trường lớn trong thành phố, về những lâu đài cung điện nguy nga ở ngoại ô, về những tuyến đường đi bộ tấp nập, về những khu chợ búa xô bồ có khi còn hơn cả Chợ Đồng Xuân, về khu nghĩa trang thành phố đẹp như... một công viên, về những quán bar, quán cà phê, những vườn hoa lãng mạn bên bờ sông Po (thậm chí những chú vịt sông Po cũng có thể trở thành đề tài cho một bài viết dài), và nhất là hắn muốn kể nhiều hơn nữa về Juventus đội bóng mà hắn hâm mộ. Nhưng đành hẹn các bạn một dịp khác vì bài viết này đã bắt đầu lê thê rồi. Bạn nào đọc đến đây chắc hẳn phải có lòng kiên nhẫn ghê gớm. E rằng nếu hắn con cà con kê thêm nữa thì mọi người ngủ gật hết mất. Ngay chính bản thân hắn cũng buồn ngủ rũ ra rồi...
Torino là một thành phố kỹ nghệ quan trọng tại tây bắc của Ý. Torino là thủ phủ của Piemonte và nằm cạnh sông Po. Torino đã đăng cai Thế vận hội mùa đông 2006. Torino là thủ đô hiện đại đầu tiên của Ý, không phải là điểm du lịch nổi tiếng như Rome hay Florence nhưng nơi đây dễ chịu, với dòng sông Po chảy xuyên qua thành phố, những ngọn đồi xah mướt nhìn xuống thành phố và khí hậu dễ chịu. Kiến trúc sư nổi tiếng Le Corbusier đã ví nơi đây như “thành phố tự nhiên xinh đẹp nhất thế giới”.
Torino là thành phố khoa học công nghệ quan trọng, công ty FIAT tọa lạc tại đây. Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều hoạt động văn hóa và chính trị quan trọng của nước Ý. Người dân Torino rất nổi tiếng ở khắp nước Ý vì sự tự tin, độc lập của mình và thành phố này phản ánh quan điểm đó.
Có người cho rằng đây là một thủ đô theo kiểu Baroque của châu Âu, rất nhiều tòa nhà và nhà thờ xây dựng theo phong cách này trong suốt thời kỳ Savoia. Đây không phải là thành phố cơ bản đặc trưng của nước Ý, với những tòa nhà màu đỏ và vàng, nó giống nước Pháp hơn với các tòa nhà trắng và đại lộ to lớn. Xung quanh thành phố có rất nhiều nhà thờ và lâu đài, một số nằm trên đồi cao, một số ẩn trong công viên, đem lại khung cảnh thú vị và đẹp mắt thu hút du khách.
Vùng Piedmont của nước Ý có khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp suốt cả năm nhờ vào khí hậu nhẹ nhàng. Vùng Torino có mùa hè ấm áp, không quá ẩm hay quá nóng, mùa đông lạnh nhưng không quá cóng. Khí hậu của Torino nhìn chung khá dễ chịu nên không có thời gian nào nên dè chừng khi đến nơi này.
Tháng 7 và 8 là hai tháng ấm áp nhất, nhiệt độ trung bình ban ngày không nóng nhưng buổi tối lại càng dễ chịu. Tháng 12 và tháng 1 lạnh nhất trong năm nhưng không bao giờ rét cóng. Có thể trong mùa đông sẽ có thời gian lạnh nhưng không thường xuyên lắm.
Tất cả những cảnh đẹp và màu xanh của Piedmont đều cần có mưa! Ở đây có thể ẩm ướt trong suốt mùa đông, nhưng nhìn chung cuối mùa hè và đầu mùa thu suốt từ tháng 9 – 10 mới là tháng mưa thật sự, nên bạn nên đến đây nếu muốn nhìn lá cây đổi màu. Cuối mùa đông có thể khô, tháng 7 là thời gian tốt nhất khi ngày ấm áp, trời quang đãng.
Đến, đi lại bằng gì?
Đến
Máy bay: Sân bay quốc tế khá nhỏ của Torino nằm cách trung tâm thành phố 15km về phía Bắc và được đặt tên theo cựu Tổng thống Sandro Pertini. Nó nằm ở thị trấn Caselle, nối kết với thành phố Torinio bằng đường cao tốc tiện lợi. Hãng hàng không chính là Alitalia, có nhiều chuyến bay từ châu Âu và các thành phố khác tại Ý. Caselle cũng là nơi có một số hãng hàng không giá rẻ, như Ryanair. Sân bay kết nối với thành phố bằng xe lửa, xe buýt và taxi.
Torino cũng có thể đến bằng sân bay Malpensa, cũng có chuyến bay giá rẻ. Có dịch vụ xe buýt chạy nhiều lần trong ngày giữa thành phố và sân bay.
Xe lửa: Torino có hai trạm xe lửa chính là Porta Nuova và Porta Susa. Nhìn chung, Porta Nuova là trạm xe lửa có tuyến xe chạy đường dài, Porta Susa vận hành xe lửa nội địa, nhưng chuyến xe đến Milan khởi hành từ Porta Nuova cũng dừng lại ở đây. Bạn nên kiểm tra trước địa điểm nào cần đi. Có rất nhiều chuyến xe lửa dừng cả hai trạm này.
Xe ô tô
Đường cao tốc A4 từMilanvàVenice.
Đường cao tốc A5 từ Ivrea và Aosta
Đường cao tốc A6 từ Fossano, Ceva, vàSavona.
Đường cao tốc A21 từAsti,Alessandria,Genoa, vàPiacenza
Đường cao tốc A32 từ Frejus vàFrance.
Đi lại xung quanh
Bằng phương tiện giao thông công cộng
Torino có hệ thống giao thông tiện lợi, vô số tuyến xe buýt và xe điện vận hành bởi GTT. Hiện nay, hệ thống tàu điện ngầm hiện đại đã khánh thành để chào đón Thế vận hội năm 2006. Cả trong thành phố và ngoại ô đều có mạng lưới giao thông tiện lợi. Xe buýt và xe lửa đi khắp thành phố từ sáng đến tối rất muộn
Xe đạp: Thành phốTorinođã hoàn thành mạng lưới đường xe đạp xuyên suốt thành phố. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi chưa hoàn thành và việc chạy xe đạp ngoài tuyến đường này vẫn rất liều lĩnh.
Xe ô tô: Nếu muốn thuê xe, bạn có thể tìm thấy tất cả các công ty lớn cho thuê xe tại sân bayTorino.
Taxi: Taxi tại Tarino bắt đầu tính cước ngay lúc điện thoại gọi taxi của bạn được nhất. Thông thường không gọi taxi trên đường.
Số điện thoại các hãng taxi
Pronto Taxi Tel: +39-011-5737
Radio Taxi Tel: +39-011-5730
TurinAirportTel: +39-011-9914419
Main Railway station - Torino Porta Nuova Tel. +39-011-547331
Via Sacchi ang. C.so Vittorio Emanuele II Tel: +39-011-657139
Điểm thu hút chính của Torino là những tòa nhà mang phong cách Baroque và các nhà thờ, hệ thống đường phố đều đặn và hấp dẫn, những quán cà phê nổi tiếng và vô số bảo tàng danh tiếng trên thế giới.
Mole Antonelliana – tòa nhà làm ranh giới của Turino hoàn thành năm 1888 như một giáo đường Do Thái. Tháp cao 167.5 mét là công trình nề cao nhất ở châu Âu và hiện giờ nơi đây là bảo tàng điện ảnh lớn nhất châu Âu.
TheNationalCinemaMuseum: Bảo tàng này mở cửa tháng 7 năm 2000 trong tòa nhà trở thành biểu tượng củaTorino. Không gian triển lãm 3200 mét vuông và có 5 tầng. Chủ đề của mỗi tầng là Khảo cổ Điện ảnh, Video Camera, bộ sưu tập poster các phim điện ảnh, phòng chiếu phim và Đại điện.
Museo dell'Automobile – Chứa bộ sưu tập hơn 170 loại xe cộ, từ thế kỷ 18 đến nay, có rất nhiều xe thể thao đẹp mắt.
The Cathedral of Saint John the Baptist, Duomo di San Giovanni. Nơi này chỉ mở cửa khi có lệnh của giáo hoàng, lần sau cùng mở cửa là vào Lễ mừng năm 2000. Lần sau sẽ là Lễ mừng năm 2025.
Bảo tàng Ai Cập: Chứa bộ sưu tập quan trọng nhất của đồ tạo tác Ai Cập cổ bên ngoàiCairo. Xây dựng năm 1824 bởi vua Carlo Felice sau khi có được bộ sưu tập khảo cổ Drovetti, bảo tàng chứa hơn 30.000 mẫu vật.
Palazzo Madama, Piazza Castello – hiện đã mở cửa lại sau thời gian dài đóng cửa tu sửa, thu hút nhiều du khách. Đây từng là nơi ở của Nữ hoàng. Có phòng với ghế dài màu đỏ nghỉ ngơi sau khi tham quan, với đèn treo nhiều ngọn tuyệt đẹp và mỗi phòng có khu bán cà phê.
Quadrilatero Romano – Rất nhiều nhà hàng, là thị trấn Roman cổ, nằm ở Đông Bắc Piazza Castello.
Galleria Subalpina – Con đường đi bộ từ Piazza Castello qua Piazza Carlo Alberto, một trong những điểm thu hút của thành phố này.
Công viên Valentino, là công viên lớn nhất ở khu trung tâmTorino. Công viên này nằm dọc theo sôngPovà trong khu vực này có Lâu đài Valentino và khu làng Trung Cổ.
Cathedral of Superga – Nằm trên đỉnh đồi gầnTorino, thánh đường này xây dựng trong lễ tạ ơn chiến thắng quân Pháp.
Castello di Rivoli - Trong thị trấn nhỏ của Rivoli, phía ĐôngTorino. Là một trong những Bảo tàng nghệ thuật Đương đại nổi tiếng tại châu Âu.CastleofRivolilà tòa lâu đài chưa hoàn thành thuộc thế kỷ 18, nằm trên đỉnh đồi Rivolo. Corso Francia là con đường dài nhất thế giới, xây dựng để kết nối Hoàng cung tại trung tâmTorinovới Lâu đài Rivoli. Có thể đến đây bằng xe buýt hay taxi.
Tiền tệ
Ở Ý, cũng như đa số các quốc gia châu Âu khác, đồng tiền chính đang lưu hành là Euro (€). Hiện nay 1€ khoảng bằng US$1.50. Ở Ý, bạn có thể đổi tiền ở bất cứ nơi đâu, bất cứ ngân hàng nào trong giờ làm việc từ8:30sáng đến1:30chiều và từ3:00đến4:00chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu, nhưng tất cả đều đóng cửa vào thứ Bảy và chủ nhật, ngày lễ. Hiện nay, bạn còn có thể đổi tiền tại nhiều bưu điện ở Ý.
Torinolà một thành phố mua sắm hạng xoàng, dù có nhiều cửa hàng, siêu thị và các chi nhánh hàng hiệu.
Via Roma, từ Piazza Castello đến trạm xe điện chính. Ở đây bạn có thể thấy nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Hermes hay Dolce&Gabbana, cũng như các nhãn hiệu rẻ tiền như H&M, United Colours of Benetton và Zara.
Via Garibaldi: Người dân Turino nói rằng đây là con đường mua sắm đi bộ dài nhất châu Âu. Ở đây có các cửa hiệu quần áo, quán bar, cửa hàng Nike và chi nhánh mới của siêu thị Nhật Bản Muji, ngay đầu đường gần Pizza Castello.
Via Lagrange, gần Via Roma, có khu thương mạu La Rinascente
Các cửa hiệu sách rất nổi tiếng tại Torino, đặc biệt nhiều nhất ở khu vực Via Po. Cùng với các hiệu sách, bạn có thể đến đây ngồi dùng cà phê, nếu nói tiếng Anh, ghé thăm Luxembourg International Bookshop tại V.Accademia dell Scienze.
Cẩn thận khu vực Porta Nuova, gần trạm xe lửa có thể bị nguy hiểm, không chỉ vào ban đêm. Ở vùng San Salvario, nằm giữa trạm xe lửa và Parco Valentino là nguy hiểm nhất, đặc biệt cẩn thận với hành lý và ba lô.
Hôm qua anh bạn GianLuca mời đi ăn. Một KTS mà tôi quen trong khóa master năm ngoái: lừng lững như Sumo, sở hữu 2 con ngựa và một chú chó đốm già. Ở đây nếu chỉ quen sơ sơ thì người ta chưa là bạn, mà chỉ coi là "người quen" hoặc "học cùng khóa" thôi. Chính vì thế trong tiếng Ý chúng tôi không coi nhau là "amici" - bạn bè, mà là "collega" tức đồng nghiệp.
Thực ra gần 2 tuần trước tự dưng gặp lại tình cờ ở 1 pub sau một năm đứt liên lạc khiến anh ta có hứng gặp lại để trò chuyện và đã mời ăn tối tại một nhà hàng truyền thống Piemonte: nhà hàng Savoya ở ngay trung tâm.
Hôm qua là một cuộc hẹn khác cùng vài kts và designer. Chúng tôi tới một pub enoteca (pub giành cho những người sành rượu) của một anh bạn, tôi được mời thưởng thức một ly champagne của Pháp mà theo họ là rất ngon. Với một người mù tịt về rượu như tôi thì tất cả các loại rượu vang đều giống nhau, và chỉ sau nửa ly là đã nhìn thấy bầu trời dầy đặc ánh sao đêm rồi (rất đáng tiếc là tôi phải bỏ giữa chừng nửa ly). Nhưng thật thú vị là sau 3 năm sống ở đây mà giờ tôi mới biết là ngay gần nhà mình có wine-bar nổi tiếng như vậy (với 250 loại rượu khác nhau), một nơi đặc biệt ưa thích trong giới kiến trúc sư.
Sau đó Luca mời tôi khám phá một nhà hàng đặc biệt khác về các món ăn đặc sản của vùng Piemonte, nằm trên đồi Superga - ngọn đồi cao nhất của thành phố Turin, nơi có nhà thờ Superga nổi tiếng, rực sáng như một viên ngọc về đêm.
Sau một hồi lòng mòng tìm kiếm vì lạc đường, cuối cùng cũng tới nơi. Té ra thứ 4 nhiều nhà hàng đóng cửa (có lẽ giữa tuần ít khách nên phần đông họ đóng cửa vào ngày này trong tuần). Chúng tôi chọn món khai vị là pho-mát Tomino đặc biệt của vùng kèm với rau basillico và ớt Tây, và món thịt bò sống kèm phomát với rau rucola và chanh. Món tiếp theo là gnochi với sốt phomát và món nui Plint nhồi thịt với sốt thịt hầm (sở dĩ được gọi là plint vì khi làm những viên nui nhỏ như đốt ngón tay này, ngừời ta "búng" bằng nĩa và âm thanh đó được mô tả như là tiếng "plint plint" vậy! một kiểu từ tượng thanh của Ý). Tuyệt ngon . Lại một loại rượu khác: rượu nho của vùng Alba mà theo anh bạn KTS thì là tuyệt hảo. Luca giải thích rằng với rượu đỏ thì cần dùng ly và bình đựng rượu có đáy rộng để rượu "ngấm" không khí và làm giảm bớt vị chát, nếu là rượu loại 1 năm thì cần phải được mở 1 giờ trước khi nó tròn đúng 1 năm tuổi (?). Điều khác nữa là để biết nồng độ rượu đậm đặc và có chứa nhiều đường không thì chỉ cần xoáy và lắc nhẹ ly rượu rồi để ý những vệt rượu để lại trên thành ly như thế nào: nếu làm thành những vòng cung nhỏ và chảy xuống từ từ thì có nghĩa là rượu khá mạnh và có chứa nhiều hàm lượng đường.
Té ra anh chàng này biết nhiều về rượu và các món ăn như vậy là do rất "sành ăn", có nhiều bạn bè làm nghề "nếm rượu" và có bà mẹ sở hữu một tiệm ăn lớn ở ngoại ô Turin. Thảo nào anh ta mập dữ vậy . Tôi không biết chắc trong hai lĩnh vực kiến trúc và ẩm thực thì cái nào giỏi hơn cái nào. Anh ta có một căng-tin với đầy các chai rượu rỗng mà anh ta đã uống và có thói quen viết một message rồi nhét vào trong đó. Một sở thích khá lạ lùng! Anh nói "bạn biết đấy, tụi trẻ bây giờ thường cảm thấy xấu hổ với bạn bè về người ông già cả lụ khụ của mình, lạc hậu chẳng biết gì! Tôi muốn cháu tôi sau này, khi trộm rượu của ông nó để tiệc tùng với bạn bè nó sẽ tìm thấy một chiếc chai rỗng của những năm đầu thế kỷ XXI mà ông nó đã uống - trong đó có những nhãn rượu tuyệt hảo - kèm với những message đại loại như: ngày tháng năm này, ông của cháu đã thưởng thức chai rượu này cùng với một nhân vật nào đó, có thể là nổi tiếng hoặc không... và nó sẽ khám phá ra rằng có một thời ông nó cũng "hoành tráng" như thế nào và nó sẽ biết trân trọng hơn". Một ý tưởng chưa nghe thấy bao giờ, kể cũng không tồi... Chúng tôi viết vào mặt sau của tờ hóa đơn cho bữa tối bằng cây viết chì của Luca. Tôi viết bằng tiếng Việt "Một buổi tối rất vui, nhà hàng đặc biệt vùng Piemonte và ngọn đồi Superga tuyệt đẹp. Cảm ơn rất nhiều. Chúng ta làm bạn nhé!" với mong muốn trở thành bạn bè, đồng nghiệp. Dù sao thì anh ta cũng chẳng hiểu gì. Luca viết bằng tiếng Ý :"Hỡi những đứa cháu của ta. Ngày hôm nay, 28/3/2007, ông của con tức Gian Luca Foriestero đã dùng bữa tối với kts.designer nổi tiếng nhất thế kỷ XXI Phạm Viết Phương Hảo. Các con hãy trân trọng điều đó". hahha...Chết cười
Sau đó chúng tôi vòng ngược lên ngắm Turin từ đỉnh đồi: đúng là có thể dùng từ "mặt đất đầy sao" để tả Turin về đêm lung linh và rực rỡ như thế nào. Từ trên cao, với cái lạnh nhè nhẹ và bầu trời trong vắt không một gợn mây, ta có thể nhìn thấy rõ dòng sông Po lớn nhất nước Ý ở bên dưới lấp lánh bóng của những cột đèn; đường Francia thẳng tắp chạy qua trường tôi mà nếu cứ theo nó mãi ta sẽ tới nước Pháp;tháp Molle Antonelliana - biểu tượng của Turin - thấp thoáng một màu xanh lạnh nhưng đầy kiêu hãnh;corso Cesare lớn và rực rỡ với hàng trăm ngọn đèn đường màu vàng. Thành phố được quy hoạch thật đẹp với những ý tưởng hết sức rõ ràng. Phía sau lưng chúng tôi là nhà thờ Superga lộng lẫy và cực lớn, sừng sững trên ngọn đồi từ hàng trăm năm nay. Một thế kỷ trước Le Corbusier đã từng đặt chân đến đây và đã nói câu: "Đây là nơi đẹp nhất thế giới với một tầm nhìn thật hoàn hảo, thật xứng đáng là khuôn mẫu cho những ý tưởng về quy hoạch". Chưa bao giờ tôi được ngắm nhìn Turin về đêm đẹp như vậy.
Lúc chia tay, bất ngờ anh bạn nói "Tôi sẽ rất vui nếu được làm bạn trai của cô" , chóang váng cả người...không lường trước sự việc như vậy. Thực ra được làm bạn với anh ta rất vui, nhưng quả thực chẳng có ý gì khác. Bạn và chấm hết! với kiểu này chủ nhật tới có lẽ chắc sẽ không nhận lời mời đi xem buổi "đi săn" (giả) bằng ngựa trong vườn Racconigi cùng câu lạc bộ "Những người yêu thích cưỡi ngựa". Nên giữ khoảng cách thì tốt hơn.
Có lẽ tôi sẽ giữ lời hứa đã lâu chưa thực hiện được là đến thăm chú Hoan cùng Phúc. "Cô không phải trả lời ngay, hãy cứ suy nghĩ kỹ về điều tôi nói: cô hãy ở lại Turin" - nghe cứ như truyện vậy. Nhưng vì chính là truyện nên sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. I am sorry nhé!
Dù sao cũng cảm ơn Luca về những phát hiện lý thú về văn hóa ẩm thực của vùng Piemonte, và những câu chuyện thú vị về nghề. Tôi sẽ luôn nhớ về kỷ niệm này. Trang nhật ký này cũng sẽ được coi như mẩu message nhỏ trong chai mà chúng tôi đã viết ngày hôm qua...
Giữa màn mưa ở Torino xa xôi, hắn như đông cứng khi bắt gặp cô gái quen thuộc. Nhưng cô gái ấy bây giờ tóc đã cắt ngắn, mặc áo màu đen mà trước đây cô chưa từng bao giờ mặc, và ánh mắt nhìn hắn cũng đã khác...
Torino một chiều mưa bất chợt.
Gã vội vã chạy vào quán café ven đường, tìm một chỗ dưới tán ô xoè trên vỉa hè, gọi một tách Bicerin nóng rồi lặng lẽ nhìn ra ngoài phố. Con đường lặng lẽ và dịu lại trong cơn mưa nhẹ nhàng cuối chiều. Bầu trời sáng lên một màu xám ảm đạm và khẽ khàng buồn. Mưa Torino luôn mang lại cho gã một cảm giác rất đặc biệt, giống mà lại không giống với những cơn mưa ViệtNamđã đi suốt tuổi thơ của gã. Chỉ là lúc nào cũng thật quen thuộc, thật gần gũi.
Bỗng dưng nhớ Hà Nội - những con đường trải dài trong tư tưởng, những hàng cây thẫm xanh về cuối Hè, những ngôi nhà cổ kính già nua, những ngôi biệt thự nhỏ rêu phong kiểu Pháp nép sau những tán cây mát dịu, những chiều im lặng nghe tiếng gió thổi làn tóc cô gái ngồi bên cạnh khẽ vương vào môi gã trên đường Thanh Niên, và cả phố Hoàng Hoa Thám nơi mà lần đầu tiên gã gặp cô gái ấy trong một buổi chiều mưa bất chợt…
Ba năm xa quê hương cũng là ba năm gã học được cách sống, cách chấp nhận, hoà mình và cả cách yêu thương nước Ý. Gã đã thân quen biết bao với những nhà thờ kiến trúc Baroque và những lâu đài như cổ tích, những toà nhà xây từ thế kỷ XIX của Torino, đã quen bước chân rong ruổi trên những con đường trầm mặc, đã nhớ nhung cái vị ngọt đắng của Bicerin (một loại café sữa có Chocolate) mỗi buổi đêm về.Torinolà vậy, ồn ào đúng theo cái ý nghĩa của mác một thành phố công nghiệp – quê hương của dòng xe Fiat, nhưng lại cũng lặng lẽ như một dấu cảm thán êm đềm và hoài cổ…
Con đường trước mặt gã vẫn lặng lẽ trong cái hối hả của những con người vội vàng. Họ bật dù, họ đi, họ chạy, họ nghe điện thoại, hút vội một điếu thuốc, họ ôm và hôn nhau dưới một tán cây ướt mèm hay vội vã lui vào một siêu thị để mua đồ ăn cho bữa tối… Gã im lặng nhấp từng giọt nóng Bicerin, im lặng quan sát, im lặng chờ đợi (dù chẳng biết mình đang chờ điều gì) và nhìn như thôi miên vào một dáng người như hiện về từ quá khứ rồi lại gạt tay cho ảo ảnh tan đi. Chiều nay, chẳng hiểu sao, chẳng hiểu sao nữa, gã lại nhớ Vy – cô gái gã đã quen bên hoa Sưa tháng Giêng trên đường Hoàng Hoa Thám, người gã đã chia tay cách đây ba năm, cũng tại nơi em và gã quen nhau; chỉ vì gã không muốn bắt em phải chờ…
Thành phố dần chìm vào trong bóng tối. Những con đường sáng đèn nhoà nhạt đi trong mưa. Gã đứng dậy, trả tiền café rồi đi rẽ vào đường ViaPo. Gã thích ViaPovới những toà nhà màu trắng. Gã thích đứng ở đó lúc thật khuya, ngắm không chán bộ đèn của Giulio Paolini - bộ đèn mô tả hệ mặt trời với những hành tinh bay theo đúng quỹ đạo. ViaPosáng lên êm ái trong đêmTorinomưa huyền hoặc càng làm gã yêu, và cũng càng làm gã buồn… Mưa vẫn êm đềm rơi nhẹ xuống con phố thưa người.
Bất chợt, gã nhận ra mình không phải người duy nhất đứng lại và ngắm ViaPodưới mưa khi nhìn thấy một cô gái ngồi khuất vào bóng tối bên chiếc cột dưới mái hiên vòm dành cho người đi bộ. Mái tóc đen sáng lên trong ánh điện, gò má hơi cao, đôi vai nhỏ bé thu lại một cách khép kín mắt chăm chăm nhìn vào những ngọn đèn – đó là một một cô gái châu Á. Gã bước lại gần, hỏi bằng tiếng Anh: “- So beautiful, isn’t it?”. Khẽ giật mình, cô gái ngước lên nhìn hắn. Vẻ ngạc nhiên đến bàng hoàng trong ánh mắt quen thuộc làm tim gã thắt lại, đông cứng rồi đột nhiên đập dồn dập trong lồng ngực. “- … Anh?” – Cô bé hỏi, đôi môi run rẩy và hình như không dám tin vào mắt mình. “ - Là.. là em thật hả?” – Trái tim gã trùng xuống, bàn tay nắm chặt đến đau rã rời để biết rằng gã không đang nằm mơ - “Em làm gì ở đây? Một mình?”…
Vy ở đây sau khi rờiAlessandria, chỉ duy nhất một ngày tạiTorinovà đang đợi giờ bắt chuyến tàu muộn đến Milano – nơi cô bé đang theo học tại một học viện thời trang. Vy của ngày hôm nay đã khác nhiều so với ba năm trước. Mái tóc cắt ngắn đi, chải ép sát vào khuôn mặt và mặc một chiếc váy với áo khoác đen – màu em chưa từng mặc trước đây – bên ngoài.
Trước mắt gã không còn là Vy ngây ngô và nũng nịu, không nhìn gã với đôi mắt ướt ướt mà mỗi lúc như thế lại làm gã mềm lòng. Vy bây giờ nhìn đầy tự tin, cứng rắn và có lẽ không thể dùng kem để dỗ dành như xưa nữa… Vy bây giờ nhìn gã với ánh mắt bình thản nhưng vẫn còn trách móc, cười với gã như chưa từng có ngày xưa nhưng buồn bã, ngồi cạnh gã dưới một bầu trời xa lạ và cũng xa cách như bầu trời ấy vậy…
8h tối, đèn sáng, trời mưa, ViaPothưa người mơ màng chìm vào cái êm ái tĩnh lặng hiếm hoi. Vy ngồi bên gã, trầm mặc như một bài thơ buồn. Khi em nói về chuyện cha mẹ ly hôn và em sang Milano sống với cha, làn mi em chỉ khẽ cúi xuống và đôi môi thoáng một nụ cười mệt mỏi. Ánh mắt của em cũng chỉ vương chút hoài nhớ khi em nhắc về Hà Nội, về thành phố mà từ đó em đã ra đi. Em nhìn gã trong sáng với một ánh buồn trầm lặng cô đơn khi kể về chuyện học hành, chuyện hậu trường một vài show thời trang ở Milano mà em đến thực tế, chuyện em cầm giá vẽ lang thang những quảng trường, những con đường của thành phố em đang sống, vẽ những niềm vui hay nỗi buồn bất chợt em nhìn thấy… Em đã thay đổi, chỉ tự do hơn trong thế giới của riêng mình. Bàn tay gã nắm chặt và trái tim nhói đau khi em chỉ vào mặt trời trên bộ đèn Thái dương hệ: “- Em thích làm mặt trời, sáng bằng ánh sáng của chính mình!”… Ừ, có phải, bây giờ em không cần phải dựa vào ai mỗi lúc em buồn, không cần ai đó ôm chặt vai em khi em mệt mỏi? Ôi cô bé của gã, sáng bằng ánh sáng của chính mình…
Và cứ thế, em ngồi bên gã, nép trong mái hiên hình vòm của toà nhà màu trắng, cảm giác buồn bã, khẽ đau nhưng thật êm đềm, hơi lạ lẫm nhưng vẫn thân quen. Bởi Vy vẫn cứ là Vy đấy, mới mẻ nhưng vẫn cứ là em, vẫn thích ngồi im, hơi mỉm cười và lắng nghe gã kể: về Torino gã đã nhìn, đã nghe, đã cảm nhận, về ngôi nhà gã ở, bà chủ nhà hay quát những đứa con bằng một thứ tiếng Ý dữ dằn và biến dạng, về trường Đại học và những bản đồ án của gã…Gã lặng im nghe tiếng gió thổi hương thơm từ những sợi tóc mỏng mảnh của em bay ngang nỗi nhớ của gã. Vẫn mùi hương thảo mộc quen thuộc ấy! Sao lúc ấy, em cứ như vẫn là Vy của gã ngày xưa, như vẫn yêu nhau, vẫn cười nói khi ngồi sau xe gã mỗi khi lang thang trên những con đường dài xanh mướt của Hà Nội, ngắm những cây hoa Sưa trắng xoá, vẫn yếu ớt siết chặt tay và gục đầu vào vai gã nức nở chỉ vì chuyện quên khoá vòi nước và bị cha mắng. Gã lặng lẽ ngắm em cười, lặng lẽ hạnh phúc khi nghe giọng nói em ở bên, lặng lẽ muốn ôm em vào lòng, để em lại khóc trên vai gã như ngày xưa, để nước mắt trôi hết đi những buồn bã kia trong mắt em, để những ngày tháng mệt mỏi lùi vào rất xa sau phía sau nụ cười…
…
Gần 11h đêm, gã bắt taxi và đưa Vy ra ga tàu. Gã vẫn còn nhớ cái cảm giác khi gã cầm lấy tay em khi em im lặng bước đi trong sân ga. Gã không quên ánh mắt em khi em ngước lên nhìn gã. Đôi tay gã vẫn còn vương hơi ấm em khi em khẽ ùa vào lòng gã, khẽ dụi mái đầu vào vai và im lặng khép hàng mi, êm đềm để mặc dòng nước mắt thấm ướt ngực áo gã. Bên tai gã vẫn còn vang vang tiếng em ngập ngừng … “Em chưa quên, chưa lúc nào quên anh cả…” và trong đầu hắn, cái dáng gầy gầy cùng đôi vai nhỏ bé của em vẫn không thôi ám ảnh. Ra đi để em thôi chờ đợi nhưng cho đến giờ mới hiểu rằng gã chia tay chỉ để em khóc, em buồn và nhớ gã, để em mãi cô đơn trong những ngày tháng tồi tệ nhất, khi em cần một đôi tay, một bờ vai, hay đơn giản, một ai đó để nghĩ đến, để hy vọng…
Ra đi, những tưởng sẽ quên em trong cuộc sống bận rộn để mỗi chiều ngồi bên tách Bicerin đã lạnh ngắt, lại nhớ em một cách vô thức, lại nhìn hoài vào dòng người như tìm một nụ cười quen… Gã đã hiểu và rồi em sẽ hiểu, thế giới này không có ai giống như mặt trời, chỉ sáng bằng ánh sáng của chính mình thôi… Chỉ có những linh hồn chiếu sáng cho những linh hồn và sáng bằng niềm vui khi có thể yêu thương và được yêu thương. Khẽ siết chặt lấy em…
Chuyến tàu vụt đi mang theo giấc mơTorinoêm đềm, để biết một ngày, gã sẽ chờ em trong một quảng trường rộng rãi và đầy gió giữa Milano rối bời. Những ánh sáng sẽ tìm thấy nhau như là thuộc về nhau vậy… Gã bước ra khỏi cánh cửa, nhìn về phía ngọn nguồn của những hạt mưa. Mưa êm đềm rơi trên thành phố sáng đèn mờ ảo và huyền hoặc. Và ngày hôm nay, trong cơn mưa ấy, gã gặp lại giấc mơ của mình, cơn mưa quen thuộc, gần gũi - mưaTorino, mưa của những giấc mơ không lời…
Chào mọi người , bài này dành cho những ai đang chuẩn bị đi học tại Ý, đặc biệt chỉ dành cho những ai đi học tạiComothôi nhé . Tớ post bài này từ kinh nghiệm của mọi người ở đây, ( đính kèm , nguyên bản không phải là của tớ , cua 1 anh cũng đang học tại Como, nhưng tớ thay đổi 1 số thông tin cần thiết , hi vọng hữu ích cho những ai năm nay sang đây đi du học:
Hướng dẫn khi lần đầu tiên bạn đếnComođể du học
1. Lời mở đầu
Khi chuẩn bị đi xa nhà trong một thời gian dài, tâm lý chung của chúng ta là mang được nhiều vật dụng càng tốt, đặc biệt là những vật dụng quen thuộc. Tuy nhiên, khi bạn di chuyển đến nơi ở mới bằng máy bay, lượng hành lý mang theo đối với sinh viên đi du học tương đối bị giới hạn, thông thường là 20kg đến 30kg mỗi người.
Nếu đi vé máy bay của Singapore Airline , thì năm ngoái tớ mang được 40 cân. Còn xách tay thì 10 cân .
Bạn nào may mắn có người quen thì có thể xin thêm được khoảng từ 10kg đến 20kg. Chúng tôi viết bản hướng dẫn sau đây với mục đích giúp các bạn có một sự lựa chọn hợp lý nhất về những vật dụng cần mang theo. Bản hướng dẫn này dựa theo bản hướng dẫn của các bạn sinh viên Úc (vds_whattobring_v1.1) và tham khảo từ các bạn sinh viên đang ở đây. Hy vọng với sự kết hợp của kinh nghiệm và sự hiểu biết cập nhật nhất về tâm lý của các sinh viên ViệtNamsắp sang, bản hướng dẫn này sẽ trả lời được phần lớn các thắc mắc của bạn.
Bản hướng dẫn này được chia làm các phần sau:
• Sơ lược về thời tiết và sinh hoạt tạiComo.
• Các vật dụng bắt buộc phải mang theo (cần thiết, không mua được tạiComohoặc là bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền nếu mua ở VN).
• Các vật dụng nếu có sẵn rồi và còn chỗ (định mức trọng lượng) thì mang, không có thì sang đây mua (cần thiết nhưng giá cả ở VN vàComokhông chênh lệch bao nhiêu).
• Các vật dụng mà mang sang đây là phí công. (Những chỗ nào có thể, sẽ có giải thích lý do tại sao vật dụng đấy lại được xếp loại như thế)
2. Sơ lược về thời tiết và sinh hoạt tạiComo
Thời tiết ởComocó 4 mùa rõ rệt. Cuối tháng 12, đầu tháng 1 có thể có tuyết, nhiệt độ lạnh cho đến vừa vừa vào gần cuối tháng 3. Vào đầu tháng 4, mùa xuân bắt đầu, thời tiết dễ chịu. Mùa hè bắt đầu vào cuối tháng 6. Từ tháng 6 đến tháng 8, thời tiết tốt. Trời sáng sớm và mặt trời lặn rất muộn. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 thời tiết khá nóng. Tháng 9 sang bắt đầu mùa thu, nhiệt độ dễ chịu. Tháng 10 thì thời tiết thay đổi khá rõ, có gió mạnh (gió ở đây rất mạnh) và mưa. Từ tháng 10 đến tháng 11, nhiệt độ thấp bắt đầu. Tháng 12 rất lạnh và buốt giá. Trời tối rất nhanh, có khi cả ngày không nhìn thấy mặt trời. Từ cuối tháng 12 đến hết tháng 3 là giai đoạn u ám và lạnh giá nhất ởComo. Thông thường thì khoảng từ 0 đến 10 độ C vào ban ngày. Buổi tối thì lạnh hơn, dưới 0 độ C nhưng không ảnh hưởng lắm vì nhà ởComogiữ nhiệt rất tốt. Ở Como nếu đã vào nhà thì rất ấm, nên bạn chỉ bị mất nhiệt từ 15 đến 30 phút khi đi bộ ngoài đường ... Nhà thường có lò sưởi, cho cên rất ấm thậm chí còn như mùa hè. Trừ những nhà có lò suởi mà không bật hoặc chủ nhà không bật hoặc lò sười hỏng.
Đối với sinh viên bình thường, các trường không có bắt buộc về cách ăn mặc. Nhưng nếu bạn làm công tác nghiên cứu, thường hay đi tham dự hội nghị, việc ăn mặc lịch sự trang trọng là cần thiết.
Điện thế dùng ởComolà 220V 50Hz nên các thiết bị điện 220V ở VN mang sang vẫn dùng được tốt. Nếu bạn mang theo đồ điện tử mà không tương thích thì nên mua luôn adaptor đổi kiểu cắm ở VN vì giá tại đây tương đối cao ( khoảng 4-5 euro 1 cái ổ chuyển) . Đặc biệt là những ổ cắm 3 chân thì buộc phải mua adaptor ở VN.
Phương tiện đi lại chính của sinh viên là đi bộ, xe đạp và xe buýt. Vì Como là thành phố nhỏ nên đi bộ và xe đạp là đủ. Xe đạp mới có giá trên 100 Euro, nhưng xe đạp đã sử dụng rồi có thể mua được với giá khoảng vài chục Euro tùy theo tình trạng. Đi giữa các thành phố với nhau bạn có thể lựa chọn xe bus hay tàu (bus and train).
Giờ làm việc hành chính là từ9AMcho đến6PM.Các cửa hiệu thường mở cửa từ9 AMđến tầm7 PM – 9 PM, đóng cửa hoàn toàn vào Chủ Nhật trừ những cửa hàng ở trung tâm.
Ở Como có các siêu thị lớn, giá cả chấp nhận được để mua các loại đồ ăn và sinh hoạt hằng ngày như là Essenlunga, GS, LD, Bennet, đặc biệt là siêu thị Essenlunga cung cấp nhiều hàng hóa, trong đó có nhiều hàng giảm giá (sconto) và gần ngay trường học. Chi phí sinh hoạt hàng tháng của sinh viên VN thường từ 300 – 500 Euro / tháng tùy từng cách sinh hoạt. 300 Euro là mức kham khổ, 500 Euro là khá xông xênh. Ở Como thường có những đợt giảm giá lớn vào đầu tháng 1 và đầu tháng 7. Những mặt hàng được giảm nhiều thường là quần áo, giày, túi xách… Nếu muốn mua đồ ăn và gia vị châu Á thì có thể mua ở 2 cửa hàng Tàu ở Como.
Yên tâm sang đây thì chẳng lo thức ăn đâu, nhưng nhớ mang ít bánh cuốn chả nem nhé, ở đây cũng có , nhưng mà chỉ dịp đặc biệt mới mua, mà nó không được mềm như ở VN.
Sinh viên ở Como thường có những đợt nghỉ dài như cuối tháng 10, cuối tháng 12, cuối tháng 3, cuối tháng 4, tháng 8 và tháng 9, thuận tiện để đi du lịch thế giới. Xung quanh Como có tổng cộng 4 sân bay, bay đi gần hết các thành phố lớn của Ý, châu Âu, và thế giới.
Thời gian thi thường là từ tháng cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, cuối tháng 6 cho đến cuối tháng 7 và tháng 9. Giữa học và thi được phân biệt riêng rẽ, không nhất thiết học xong phải thi ngay. Lúc nào bạn thấy cần thi thì đăng kí thi. 1 năm có 5 lần thi. Một môn học năm nay có thể thi vào năm sau. Các giáo sư rất nhiệt tình giảng dạy. Nếu bạn có gì không hiểu thì cứ hỏi thoái mái. Hỏi chán trên lớp vẫn không hiểu thì đặt lịch hẹn hỏi tiếp. Một đặc điểm nữa khác VN là trong khi thi vẫn hỏi được giáo sư nếu đề thi hay cách giải có chỗ nào không rõ hay không chắc. Mình rất hay áp dụng cái này.
( Thi cử không phải lo lắng nhiều , SV việt nam toàn người học tốt thôi, yên tâm về khoản thi cử ) .
3. Các vật dụng bắt buộc phải mang theo
- Passport
- Admission letter tiếng Ý bản gốc có đóng dấu của Đại sứ quán.
- Bản phô tô công chứng bằng đại học và bảng điểm đại học.
- Ảnh 4x6: khoảng 10 ảnh. Giá chụp ảnh ở Como không cao và chụp tự động.
Lưu ý: Bạn nên chụp ảnh có nền trắng.
- Các chứng chỉ nghề nghiệp, chuyên môn. Tất cả và bản dịch tiếng Anh nếu cần. Có thể dùng để tăng cơ hội xin việc làm thêm hoặc internship của bạn.
- Số điện thoại của tất cả những người bạn quen ở Como.
- Giấy tờ, sách chuyên ngành, những thứ bạn cần cho đề tài nghiên cứu của bạn.
( nói chung , sách thì chẳng nên mang đi , chỉ tổ nặng hành lý, thay bằng mang quần áo ấm )
Note: Các bạn khác không nên mang nhiều sách chuyên ngành vì sẽ không dùng đến. Chỉ mang những sách thấy thực sự cần thiết. Thông thường các giáo sư sẽ cung cấp đủ tài liệu để học. Thư viện cũng có sách để đọc thêm nhưng không nhiều, phải mượn hay book nhanh. Mỗi người được mượn về nhà tối đa 5 quyển trong 1 tháng. Trừ trường hợp ngành học của bạn có Ebooks (vd như computer engineering) thì nên mang theo vì nó gọn nhẹ và có thể dùng để tra cứu thêm.
- Từ điển (Anh - Việt), tử điển chuyên ngành: mang theo bản CD cho nhẹ (e.g: Lạc Việt từ điển), từ điển Anh – Ý bản e-dictionary.
- Dụng cụ học tập: 1-2 quyển vở, bút, thước kẻ, bút dấu, bút xóa v.v… Đa số bài giảng được đưa lên Internet và có thể in ra hoặc đọc trên máy tính, bạn không cần ghi chép nhiều. Bạn có thể mang bút đủ cho thời gian học của mình nếu muốn tiết kiệm. Bút ở Como cũng không đắt, khoảng trên dưới 1 Euro.
- Balo, túi đi học 1-2 túi. Đồ bán tại Como giá đắt hơn VN.
- Máy tính cá nhân (calculator): 1 cái. Rất cần thiết khi dùng để làm bài tập, kiểm tra và bài thi.
- Quần áo cá nhân: mang vừa phải, nhiều quần bò 1 chút. Nên chuẩn bị kỹ vì có thể sang bên này khó chọn được đồ thích hợp với khổ người ViệtNam.
Note: các bạn nữ nên mua đồ rộng 1 chút vì sang bên này thường lên cân, không mặc được đồ cũ (đúng cho 99% nữ). Quần áo ấm: áo len, áo gió, khăn quàng cổ, găng tay, mũ len. Mang theo 1 áo choàng hoặc áo phao thật thật ấm, khoảng 2 - 4 áo len ấm, 1-2 áo khoác mỏng. Quần áo ấm có thể mua khi quần áo sales off vào dịp đầu tháng 1.
- Tất/vớ: càng nhiều càng tốt ở VN chủng loại phong phú, hơn và rẻ hơn và bên này đi bộ nhiều, tất dễ bị rách và đỡ phải giặt nhiều. Nếu tiết kiệm bạn có thể tự giặt tay. Nếu giặt máy 1 lần mất từ 2-3 Euro.
- Giày dép: giày dép 1-2 đôi thể thao, 1 đôi trang trọng, 1-2 đôi dép nhựa để đi trong nhà, 1 đôi xăng đan đi mùa hè. Giày dép có thể mua trong mùa giảm giá.
Lưu ý: Nên tìm chọn giầy có độ ma sát lớn để tránh bị trượt té khi đường trơn hay có băng tuyết.
- Kính cận: nên đo mắt và mang đề phòng ít nhất 1 bộ kính cùng với bộ kính đang đeo. Mang theo cả đơn kính và để 1 bản phôtô đơn kính ở nhà. Giá kính thuốc ởComorất đắt và bảo hiểm y tế cho sinh viên không gồm kính.
- Kiểm tra lại răng. Tương tự như kính, phí nha sỹ rất cao.
- Ổ đổi điện: đủ dùng (máy cái loại ổ cắm Lioa là dùng được).
- Thuốc thang: cảm cúm, đau đầu, đau bụng, viêm lợi, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, dầu xoa, vitamin A, C, B1, B2, dầu cá v.v… đủ dùng.
- Tiền: tiền được chia làm 2 thành phần có học bổng và không có học bổng.
Nếu bạn nhận học bổng thì mang hơn 2000 Euro phòng lúc đi đường và chi phí cho đến đợt lĩnh học bổng đầu tiên vào giữa tháng 11. Thành phần còn lại: đủ dùng cho đến khi nhận được nguồn viện trợ tiếp theo. Chi phí sinh hoạt tạiComolà khoảng 300 – 500 Euro / tháng. Đặc biệt không mang USD sang đây. Mang theo 1 ít tiền xu 50 cents, 1 Euro để tiêu ở sân bay hay khi đi đường (ví dụ lấy xe đẩy, đi vệ sinh…)
Lưu ý là hải quan VN có hạn chế số ngoại tệ dưới dạng tiền mặt mang ra khỏi đất nước tương đương với 7000 USD.
Theo kinh nghiệm của tớ, các bạn cứ mang cả chục ngàn cũng được , họ không kiểm tra đâu, lúc đi , thì cho vào áo khoác, túi trong, họ kiểm tra thì sẽ hỏi cởi áo, tia X quang , chả phân biệt tiền đâu, chẳng lo, càng nhiều càng tốt , đi chơi cho nó thích .
Phía Ý không quan tâm đến việc bạn mang bao nhiêu tiền vào nước họ.
- Khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay, gương, lược, kẹp tóc v.v… đủ dùng cho bạn.
- Nồi cơm điện 1 cho 1 nhà. Vì cồng kềnh và nặng nên các bạn ở chung 1 nhà chỉ nên mua 1 cái. Mua cái nồi Thái đấy , loại nhỏ bán ở máy cái siêu thị , giá khoảng 400 nghìn gì đó .
- Điện thoại di động: nên mang theo vì điện thoại ở ViệtNamvẫn dùng được ở đây. Và điện thoại ở đây cũng không rẻ hơn ở VN.
- Computer: nên mang theo laptop. Laptop bảo hành toàn cầu càng lâu càng tốt vì tiền công sửa ở đây siêu đắt.
Lưu ý: nên mang 1 dây mạng LAN dài đi. Giá dây mạng ởComorất đắt). Có thể mang theo Router hay hub wired or wireless từ VN sang đây để share Internet (giá ởComođắt hơn VN).
4. Các vật dụng không đặc biệt thiết yếu (nếu bạn có sẳn và còn chổ để mang theo, những thứ có thể mua được ởComovới giá không chênh lệch so với VN bao nhiêu hoặc là những vật dụng mang tính giải trí đơn thuần)
- Nồi niêu xong chảo, dụng cụ làm bếp: 1 bộ cho 1 nhà. Nếu có thể thì mang bộ nồi đi, sang tớiComomua cũng ok, giá cũng không phải là đắt.
- Nên mang 1 con dao to chặt được xường (loại dao này lại đắt), thớt có thể mua ở đây. (Mua ở Essenlunga, IKEA, hoặc mua ở cửa hàng đồ cũ hoặc của các sinh viên sắp về).
- Gối, chăn nhẹ, ga trải giường 1 bộ cho 1 người. Nếu thừa cân thì có thể mang ở nhà đi. Nếu mang ở nhà đi thì cần chú ý kích thước thông dụng ở bên này thường lớn hơn ở VN. Sang Ý có thể mua khoảng 20 Euro / bộ.
- Sách truyện giải trí, đĩa nhạc, tạp chí VN như sinh viên, điện ảnh v.v… Mang đi bao nhiêu là do ý thích của bạn. Nếu bạn muốn mang theo đĩa CD nhạc thì nên mang theo dưới dạng MP3 để mang được nhiều. Lưu ý là bạn không cần phải khai báo những thứ này và bạn cũng không nên khai báo để tránh phiền phức về bản quyền. Nếu bạn mang nhiều đĩa CD nhạc thì nên để phần lớn ở hành lý gửi, đặc biệt là các bạn nào làm thủ tục Hải quan VN. Hải quan tại đây khá chặt chẽ về kiểm tra văn hóa phẩm mang ra khỏi VN.
- Máy ảnh Mang theo nếu có (Mua ởComocũng được, không đắt hơn VN)
- Dụng cụ thể thao: kính và quần áo bơi, giày đá bóng, bảo vệ chân. Vợt bóng bàn, cầu lông, tennis. Chỉ mang theo đồ phục vụ cho môn thể thao mà bạn thích chơi nhất (nếu có). Giá dụng cụ thể thao ởComonhìn chung là cao.
- Walkman, CDman Có thể xách tay.
- Các thể loại phần mềm: chỉ mang theo nếu bạn thấy thật cần. Các phần mềm thông dụng (Windows, Office, Photoshop, etc) có thể muợn hay copy của các sinh viên đi trước ở đây được. Đối với các sinh viên computer engineering có thể download dùng miễn phí phần mềm có bản quyền của Microsoft dành cho software developer.
- Ô/dù 1 cái chắc chắn, không chắc chắn thì lấy dây gai dây đồng buộc lại hay dùng keo con voi dán lại. Dùng khi trời mưa to gió rất lớn, rất mạnh.
- Thức ăn: nên mang theo đồ khô như nấm hương, bột nêm, tôm khô… vì ở bên này không có hoặc rất đắt.
5. Các vật mang theo là phí công
- Áo đi mưa: ở đây hầu như không ai dùng loại này, chủ yếu dùng ô/dù.
6. Cách sắp xếp hành lý
- Mỗi kiện không nên quá 30kg.
- Laptop không tính vào hành lí xách tay cho nên bạn có thể xách theo laptop thoải mái và đừng quên nhét thêm 1 số đồ vào túi laptop và không để laptop vào hành lí gửi.
- Các đồ kim loại, dao keo và chất lỏng để vào hành lí gửi.
- Hành lí xách tay nếu không cồng kềnh thì thông thuờng không bị kiểm tra cân nặng. Nếu mang 2 túi xách tay trở lên (không tính túi laptop) nhiều khả năng sẽ bị kiểm tra cân nặng.
7. Các hướng dẫn khác
- Khi đến sân bay Malpensa, trước hết bạn sẽ làm thủ tục nhập cảnh, sau đấy sẽ đi
lấy hành lý. Cẩn thận nên không trông hộ đồ cho bất cứ người lạ nào, cũng như không rời mắt khỏi hành lý của mình.
- Khi ra làm thủ tục hải quan xong và ra ngoài, nếu chẳng may không gặp được người đi đón thì bạn nên tìm đến Information/Welcome Desk để hỏi thông tin.
- Tìm hiểu trước về thành phố bạn sẽ học để khi xuống sân bay không bị bỡ ngỡ, hoặc liên hệ với sv VN đang ở Como hay Milan nhờ họ đón giúp.
- Sau khi xuống sân bay, có thể bắt taxi đi đến trung tâm thành phố Como hay về đến trường (giá tầm 100 Euro thì phải, cái này phụ thuộc vào mặc cả). Ngoài ra, có thể bắt tàu ở sân bay (30’ 1 chuyến), giá 8.1 Euro. Để đến Como, bạn đi tàu đến ga “Saronno” xuống tàu và bắt tàu đi đến ga Como Lago hoặc Como Borgi.
- Chỗ ở tạm thời, có các lựa chọn sau:
o Bạn có người thân lo cho bạn.
o Ở tạm hostel trong vài hôm đầu.
o Ở tạm nhà sv VN đang học ởComo(bạn phải liên lạc trước để được sự đồng ý).
- Chỗ ở cố định: bạn có thể đặt nhà từ trang đặt nhà của trường. Tự thuê nhà sẽ khó vì không biết tiếng Ý, và rất khó thuê bao Internet.
- Trước khi đi nên tập cho người thân trong gia đình của bạn biết sử dụng email hoặc hay hơn nữa là chatting hay voice chatting, web cam qua Yahoo Messenger/MSN Messenger/Skypev..v. Điều này sẽ giúp cho bạn liên lạc với người thân thường xuyên hơn (nhất là trong khoảng thời gian đầu nhớ nhà) và tiết kiệm được rất nhiều tiền điện thoại.
à, sang đây, sẽ có điện thoại Internet siêu rẻ, chất lượng rất tốt , khoảng 2 nghìn vnd / 1 phút, gọi thỏa mái , có thích chát chít với người yêu , gia đình thỏa mái.
Chú ý :
Năm ngoái , cho các ngành môi trường thì học bắt đầu vào đầu tháng 9 ( 5/9 gì đấy) , còn Computer , và kinh tế thì vào giữa tháng 9 (23/9).
Về chỗ ở thì là quan trọng nhất, ai muốn sang đây trước 1 tháng , để ổn định hoặc , hoặc để đi chơi thì gửi email cho tớ : theo địa chỉ này [email protected]
. Về vấn đề thứ 1, sau khi accept học bổng là đã quyết định đi, lúc đó tiến hành thủ tục làm visa. Giấy tờ cần thiết thì trên trang web có nói rõ rồi, mình nghĩ bạn nên ra ĐSQ hỏi thêm về chứng minh tài chính để đỡ phải đi lại nhiều lần. Nói chung về vấn đề CM tài chính cũng buồn cười lắm. Năm ngoái bọn mình đứa phải làm đứa không. Hôm mình đến làm cùng 4 bạn khác thì phỏng vấn cái là xong, còn những bạn khác đến vài ngày sau lại bị bắt CM, ko hiểu do trời hôm đó xấu hơn là xấu số hơn nữa, he he. Nhưng nếu phải CM thì cũng đơn giản thôi, đem cục tiền nhét vào ngân hàng rồi nó xác nhận cho, xong rồi rút cục tiền ấy về. Vụ bảo hiểm thì năm ngoái không ai phải mua.
2. Nghĩa là bạn chọn ở Campus Leonardo rồi à, thế chắc là ko đc đổi về Como nữa đâu, băn khoăn làm gì nữa Mình thì ko phải dân CS, cũng ko dám bình luận gì về CS ở Como hay Milano ko anh polimi với seikou chém chết, ha ha. Cá nhân tớ thích cuộc sống ởComohơn, có lẽ do già rồi thích nơi yên bình
3. Đúng là loại HB nào thì trường tự xét. Các bạn ở Milano thường được loại học bổng DSU: cấp nhà ở, ăn 2 bữa/ngày (đồ ăn Ý). Nếu được DSU thì bạn phải CM thu nhập gia đình (mỗi năm 1 lần) và sẽ được thêm khoảng 900 Euro/semester. ỞComothường được cho 1 cục 5000 luôn. Giá cả ởComorẻ hơn Milano nhưng dânComochẳng bao giờ để dành được 900 để tiêu vặt cả, có điều ko bị "ép" ăn đồ ăn Ý dài hạn. Nhưng mà ở đâu thì cũng sống được. Chẳng sao đâu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top