oneshot - commission | 𝑠𝑢𝑟 𝑙'𝑎𝑣𝑒𝑛𝑢𝑒, 𝑖𝑙 𝑦 𝑎 𝑑𝑒𝑠 𝑟𝑎𝑦𝑜𝑛𝑠 𝑑𝑒 𝑠𝑜𝑙𝑒𝑖𝑙 𝑞𝑢𝑖 𝑝𝑎𝑠𝑠𝑒𝑛𝑡
trên đại lộ, có tia nắng đi ngang
___
author | Tường Dương
fandom | Hetalia: Axis Power
pairing(s) | SEnoRITA, GerIta
rating | R
genres | oneshot, AU!, romance, hurt, death character, OC, SE
note | commission đăng lại được sự cho phép của khách đặt hàng,
cảm phiền không mang đi đâu khác;
các nhân vật khác thuộc về Himaruya Hidekaz,
trừ Sergio Goméz (APH Colombia) và Jevita Sagrav là OCs của khách hàng;
___
"
𝑁𝑒𝑣𝑒𝑟 𝑘𝑛𝑒𝑤 𝑡ℎ𝑎𝑡 𝑖𝑡 𝑤𝑜𝑢𝑙𝑑 𝑔𝑜 𝑠𝑜 𝑓𝑎𝑟
𝑤ℎ𝑒𝑛 𝑦𝑜𝑢 𝑙𝑒𝑓𝑡 𝑚𝑒 𝑜𝑛 𝑡ℎ𝑎𝑡 𝑏𝑜𝑢𝑙𝑒𝑣𝑎𝑟𝑑
"
(Dan Byrd.)
những đại lộ, những mặt tiền, những nhân chứng,
hay cuộc du hành vào miền viễn ức của một gã công tử phong lưu–– ở Paris, gã có em, và những đại lộ nơi mà những tia nắng đi ngang
___
Hai giờ kém mười, Feliciano trở về từ chuyến đi tìm nguồn hàng, nói với gã. Gã đang chờ cô bé búp bê của mình ở quán cà phê Ý lạc giữa những lát cắt chồng chéo phố xá ở khu Latin.
"Vậy đó, cô ấy đi rồi."
Sergio hiểu tiếp sau câu nói của tay người Ý là gì, nó có nghĩa là "không quay lại được đâu". Gã trả tiền cho tách cà phê của mình, sửa sang chiếc măng tô rồi bước ra phố cùng mũ bê–rê đội phớt một góc trên đầu. Trời tháng Giêng có màu xanh lơ hững hờ như nó phải thế.
//
Nàng có vẻ nhẹ nhõm khi đi khỏi cái bóng của Moulin-Rouge, nơi gã vừa ngỏ lời ve vãn cách đấy non nửa tiếng đồng hồ. Mùa đông năm ấy, họ đi cùng nhau trong đêm, trên vỉa hè phía bên kia của đại lộ Clichy nhập nhèm giữa khoảng tối và những ánh đèn nê-ông nhấp nháy. Xanh, đỏ, tím, vàng. Tháng mười một, song tuyết vẫn chưa rơi. Nàng xỏ chân trong đôi bốt nhung và khoác tay gã, luồn lách như kẻ trộm vào lòng đêm. Trên cái vỉa hè về phía quận 9, gã nghe thấy tiếng nàng thở phào mấy lượt như mới trút được khỏi mình một khoản nợ lớn. Gã đề nghị đi uống, thế là nàng theo hắn đến quán Vargas: một quán rượu kiêm cà phê, chủ quán là một tên trẻ trai người Ý– kẻ đã bỏ rất nhiều công sức để trang trí cái cơ ngơi mình thành một nơi mang đậm phong vị Địa Trung Hải. Có một tay người Đức luôn ngồi một mình bên quầy bar với vẻ vô tư lự. Trông tay người Đức ấy như kẻ làm công ăn lương duy nhất lọt thỏm giữa cái không gian thoang thoảng mùi thuốc lá cùng những tiếng bàn luận ra vào của đám sinh viên trường Sorbonne, hay những hội nhóm nghệ thuật ăn mặc kiểu bohème. Lúc mười một giờ kém năm, nàng đã gọi cho mình một tách chocolate nóng, ít sữa và đắng nhiều. Dưới ánh đèn vàng làn lạt cùng những chậu hoa thơm rủ xuống từ trần nhà, nàng và gã ngồi bên chiếc bàn tròn tái chế từ những thanh chắn ban công bằng sắt mảnh uốn cong đầy cầu kỳ, nàng không nói nhiều mà chỉ nghe gã nói. Phải thừa nhận rằng gã là một tay nói chuyện rất có sức hút: gã đã kể cho nàng nghe những kiến thức về thiên văn học, rằng, có một hành tinh mà trên đó, bầu trời mưa ra thủy tinh. Gã còn rất điển trai nữa.
Kể từ đó, người ta thường xuyên thấy nàng ở quán Vargas, không cố định một khung giờ nào. Có những lúc trông nàng như vừa thoát đi khỏi một ca làm đêm, cũng có những lúc trông như nàng chỉ ghé qua nghỉ chân giữa hai ca làm. Người ta không hỏi nàng đang làm nghề gì, hay, đang học cái gì, có phải sinh viên không. Chẳng ai hỏi cả, nàng thoải mái về điều đó. Tất cả những gì người ta biết về nàng là cái tên Jevita Sagrav mà chắc chắn đấy còn chẳng phải tên thật. Nàng luôn xuất hiện lộng lẫy, với những chiếc măng tô lông thú, tất chân, váy thật ngắn và giày thật cao. Ít khi người ta thấy nàng vận gì khác, nhưng cũng có lúc, nàng đi xăng-đan và mặc một chiếc đầm xòe giản dị, cài chiếc bờm phơn phớt màu lục trên mái tóc vàng, nom như một bức ảnh tươi sáng tô điểm cho cái sắc đông xuân mênh mênh mang mang tựa pha lê mờ. Nàng hay đi một mình, song cũng hay đi với gã. Thường khi ấy nàng chỉ ngồi nghe gã nói chuyện mà thôi, in cái buổi đầu tiên. Gã nói rất cuốn hút, điều này ai cũng biết, và người ta sẽ thấy nàng cười. Chao ôi, trên khuôn miệng xinh xắn tô son đỏ ấy sẽ vẽ ra một nụ cười trác tuyệt, đến mức mà ta xốn xang tự hỏi rằng nếu khuôn môi ấy áp lên miệng mình sẽ có cảm giác như thế nào. Đôi lúc, sẽ có vài người sang nhập bọn với cả hai xung quanh chiếc bàn tròn. Họ cùng gọi một chai whisky hay rum, nâng ly chúc sức khỏe nhau và uống, nhưng không hút thuốc. Họ nghe gã kể những câu chuyện thật hứng thú: một điếu thuốc là đặc quyền dành cho người mê kể chuyện tình. Lúc đó, nếu để ý kỹ đến nàng, ta thấy nàng dường như không còn nổi bần bật như lúc mới bước vào quán và hút mọi ánh nhìn đến mình nữa, nàng như chìm vào gam màu của những câu chuyện, tan đi hệt màn sương thủy phân khi nắng lên, nhưng cũng rót vào hương cay nồng của whisky một dòng ô-xy tinh khiết. Nàng như một kẻ bên lề, cũng như một nét mảnh mai điểm tô cho câu chuyện. Và nếu để ý kỹ hơn nữa, ta sẽ bắt gặp cách nàng mỉm cười đầy ngượng ngùng, vứt bẵng cái vẻ thành thực đầy quyến rũ ấy vào một góc phòng, khi mà nàng và gã giao mắt với nhau. Gã điển trai, có một nụ cười phong lưu. Nàng xinh gái, có một nụ cười chân thật. Ấy là khi họ nhìn nhau. Và ta có lẽ sẽ chẳng ngạc nhiên nếu chợt một ngày hạ oi ả nọ, Feliciano nói với ta trong lúc đôi tay điệu nghệ thoăn thoắt tung hứng chiếc bình lắc, bằng một thứ tiếng Pháp mang âm sắc Ý, rằng, Sergio và Jevita đang yêu nhau đấy. Ta sẽ dễ dàng tưởng ra cảnh hai người ấy khoác tay nhau bước qua các đại lộ, với nhịp bước nhanh mà không vội vã, nửa như đào thoát khỏi điều gì đó, nửa như mời gọi những ánh mắt tò mò lơi lả. Rồi gã sẽ lại rót mật vào tai nàng: gã kể những câu chuyện tình, về những thiên thể và có một hành tinh mà bầu trời ở đấy mưa ra thủy tinh.
Nhưng Feliciano chẳng nói điều gì tương tự vậy, về những người yêu nhau và những người yêu nhau. Tay trẻ trai người Ý ấy vẫn tiếp tục tung hứng chiếc bình lắc như mọi khi thành những đường vòng cung trong không khí, để whisky, để nước chanh, để đá lạnh và để vạn vạn thứ gia vị khác va rơi những phân tử nhỏ nhất vào nhau, rót thành từng dòng thủy tinh mờ mịt như sớm ngày mưa bên ngoài quán cà phê Địa Trung Hải mà người ta sẽ ghé vào khi đôi chân lạc lối.
//
Y mừng rỡ ra mặt. Ít khi y tỏ ra như thế, y hay giấu chúng đi, đặc biệt là với những người khác, song tôi đã từng một lần bắt được khoảnh khắc hiếm hoi ấy khi y gặp được nàng sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi. Phải nói y là một tay vô cùng kiên nhẫn. Điển trai nữa, cái vẻ phong lưu hào hoa của một gã công tử đã khiến trái tim của các người đẹp phải thổn thức xốn xang lẫn ai oán thù hận. Người ta khó mà biết được khi nào y thật lòng, nhưng Feliciano luôn quả quyết với tôi rằng y sẽ xiêu lòng trước nàng thôi và nàng cũng sẽ xiêu lòng trước y thôi– một kiểu quan niệm của dân Ý hoa hòe hoa sói về những người yêu nhau và những người yêu nhau. Kỳ lạ thay, em không nói về y và nàng với người khác như nói với tôi. Tôi nhớ mình đã hỏi tại sao, em chỉ mỉm một nụ cười bí ẩn và bắt đầu lái qua việc bản thân mình rên được một nốt B4 tròn vành rõ nghĩa trên tấm khăn trải giường sẽ nghe thích thú tới cỡ nào.
"Vậy đó, anh khỏe chứ, anh Beilschmidt?"
"Cũng hòm hòm như mọi khi thôi, anh Goméz." Tôi đáp. "Anh thì sao?"
Y mời tôi cùng uống cà phê. Mọi khi tôi sẽ ngồi bên quầy bar mà chuyện phiếm với kẻ nhân ngãi của mình, ý tôi là anh chủ điển trai người Ý ấy– một người thơm mùi hoa dành dành, những đốm tàn nhang lấm tấm trên chiếc mũi gãy nom hệt bụi sao, nhưng hôm nay tôi chọn ngồi với y cho phải phép như thể chọn cho mình một đáp án giải trí trong trò đố vui. Tôi không ưa y nên tôi chọn thế để thưởng thức vẻ mặt y, nhưng sau đó cảm thấy hối hận ngay lập tức. Không, không, hai chúng tôi chẳng va chạm hay đối đầu gì nhau cả. Thậm chí trong số những đứa đầu gấu học cùng lớp hồi còn đi học cũng không có đứa nào người Colombia. Chỉ đơn giản là ghét nhau không cần lý do, thế thôi. Một người có thể bắt nạt một người khác không cần lý do thì họ cũng có thể ghét một người khác nữa mà chẳng cần nhiều lý lẽ lắm. Tôi biết kiểu so sánh này là khập khiễng, nhưng trên đường đời tấp nập, sẽ luôn tồn tại những kẻ mà ta ghét ngay từ cái nhìn đầu tiên, dù họ chẳng làm gì ta cả. Như cô giáo người Việt Nam dạy ở Đại học Sorbonne mà tôi quen biết, cô ta ghét cay ghét đắng một tay đồng nghiệp gốc Hoa, dù hai người dạy khác chuyên ngành và cũng chẳng chạm mặt nhau nhiều lắm, song cô ta vẫn ghét hắn. Tôi cũng ghét hắn sau một phi vụ làm ăn của đôi bên, thế nên tôi và cô giáo ấy kết thành đồng minh. Một dạng như hội chị em vậy, khi một người trong hội ghét ai đó, mọi người cũng sẽ ghét kẻ đó bất chấp mọi nguyên tắc phòng trà mà ta có thể được dạy và tuân theo suốt phân nửa cuộc đời.
"Như anh thấy đấy, tôi cũng như mọi khi thôi." Y lôi điếu thuốc ra và có vẻ như sắp mở miệng xin xỏ Feliciano cho mượn cái gạt tàn, song vì lý do gì đó, y lại thôi. Y cất điếu thuốc lại vào hộp đựng, bỏ nó vào túi áo khoác bên trái. Nom y vẫn phong độ và điển trai, nhưng buồn buồn cùng nụ cười nhẹ đầy vẻ tư lự. Y gợi cho tôi nhớ đến "nụ cười ngọt ngào, buồn buồn làm những người phụ nữ phải nghẹt thở" của Che Guevara. Giờ thì tôi đã nhớ ra, tôi quen cô giáo người Việt Nam ấy ở La Habana. Cô ta đến Cuba hàng năm, đặt hoa trên mộ một tay bác sĩ Cuba và rồi lại trở về Paris. Trên cung đường dẫn đến hải đăng Faro Castillo del Morro, ta dễ dàng bắt gặp cô vào khắc tinh mơ, khi mép biển nhô lên mặt trời vàng và đôi mắt của cô nâu. Cô đứng đó nhìn mặt trời mọc trên biển, rồi rời đi khi mặt trời lên quá đỉnh hải đăng, lúc nắng rực trời tơ và biển ngọc. Cô có nụ cười ngọt ngào, buồn buồn làm những người đàn ông phải say đắm. Chẳng hiểu sao tôi nhìn thấy hình bóng cô trên gương mặt của Sergio Goméz. Phải rồi, họ đều đang dành nửa còn lại của cuộc đời mình để đuổi theo những bóng ma quá khứ. Tôi đã nhận ra sâu sắc cái lý do mà mình cảm thấy hối hận khi có ý nghĩ muốn nhìn dáng vẻ âu sầu hiếm có của y. Vì y đang rầu. Tôi nghe các cô tình nhân cũ của y nói vậy, mỗi lần lướt qua một tiệm hoa, một hiệu sách, hay một hàng tranh trên bờ ke. Y lảng vảng như một bóng ma qua những đại lộ khu Latin và đuổi theo một bóng ma khác.
Bóng ma của Jevita Sagrav. Chúng ta đều biết rõ đấy không phải tên thật của nàng.
"Phải không?" Tôi nhướn mày. Y cười khùng khục.
"Ôi, bạn thân mến, phải hay không thì mắc mớ gì đến bạn?"
Ơ này! Lòng thương cảm của tôi rúm ró lại, suýt thì tan tành như mây khói. Y đã thôi cười, nhưng khục khặc ho. Y ho theo nhịp, khiến tôi chợt nhớ đến Jevita, cũng kiểu ho khục khặc theo nhịp như thể họ đang chơi beatbox ấy. Tiếng ho của nàng từng là hồi chuông thông báo cho những câu chuyện không điểm dừng của y, rằng: thế là được rồi, mình chào họ và chúng ta đi dạo trên đại lộ nhé. Y sẽ dừng lại ngay, cáo lỗi, rồi khoác tay nàng rời quán và bước đi vào màn đêm thinh lặng. Họ sẽ khuất vào bóng tối phủ đầy các mặt tiền dọc sông Seine, thoắt ẩn thoắt hiện như hai bóng ma nhân tình. Feliciano từng kể cho tôi rằng em tưởng tượng về lộ trình của họ trong đêm, em nói rằng việc đó không khó bởi em thuộc khu Latin này như lòng bàn tay vậy.
//
Tôi thấy họ đang ở bên ke sông. Chiếc khăn turban của Jevita ánh lên sắc lục tươi trẻ dưới cái nắng nhạt ban chiều. Hôm ấy là một ngày như thế: ở mái hiên của tiệm cà phê kiêm bánh ngọt, người ta thấy trời màu xanh lơ và đôi mắt nàng thì xanh thơ, gió đuổi nắng, nắng đuổi gió, vờn trên vạt váy vàng tươi của nàng một khúc tơ tình. Tôi hẳn đã nghĩ nàng là hiện thân dưới cõi đời trần tục này của Aphrodite, còn gã là Ares, theo một phiên bản si tình hơn, có đầu óc hơn và bớt cục súc hơn. Khi ấy gã đang đứng chờ nàng săm soi hàng lô sách cũ trong một hộp sách màu xanh lục bên ke sông. Nàng lựa rất nhanh, nhận lấy đống sách được gói trong giấy nâu và nàng chào ông chủ hộp. Rồi nàng thấy tôi, đang ngồi ở bên kia đường, dưới mái hiên của một tiệm cà phê có dây thường xuân phủ kín bức tường gạch đỏ, nàng vẫy tay với tôi. Và vì nàng vẫy tay với tôi, gã cũng vẫy tay chào tôi nốt. Tôi vẫy tay lại với họ. Sau đấy năm phút, ba chúng tôi cùng ngồi bên chiếc bàn nơi tôi đang uống espresso trong một cái tách trắng bé xíu. Một nhóm sinh viên hút thuốc, chuyện trò và chơi giải ô chữ trên báo. Nắng buông xuống cái nón tơi tả màu súp lòng của một người vô gia cư đang chìa cái cốc rỗng ra với một vẻ tôi-cóc-quan-tâm. Tôi cũng cóc quan tâm, đâu ai rỗi việc. Nhưng rồi trước khi người phục vụ mang trà và bánh mà Jevita và Sergio đã gọi ra, tôi suýt nữa thì chuyển sang chế độ tôi-có-quan-tâm và lật luôn chiếc bàn lên mặt cặp đôi nọ.
Chúa ơi! Họ hôn nhau.
Thực ra ở Paris, người ta hôn nhau ở bất kỳ đâu, tại bất kỳ góc phố nào, và nụ hôn nào cũng thật đắm đuối, thật dài, như thể người ta chỉ có thể hôn nhau lần này nữa thôi, một lần sau cuối. Tôi ngồi đực mặt ra đó, trố mắt nhìn nàng và gã trao nhau nụ hôn kiểu Pháp mẫu mực dài đằng đẵng. Tôi nửa muốn đưa tay tách hai con sam đang vươn người qua mặt bàn kia ra, nửa muốn mở túi xách và lấy điện thoại gọi cho Gilbert, gã người yêu cũ làm cùng nhà hát ở bên Đức. Tôi đã đá hắn, hay hắn đá tôi nhỉ? Tôi thèm được mắng hắn tơi tả ngay lúc này, lạy Chúa lòng lành, cái tên đĩ đực đĩ đượi ấy đã cắm sừng cả tôi và anh chồng là nghệ sĩ dương cầm của cô ca sĩ opera gốc Hungary nọ, sau đó họ cưới nhau còn tôi thì như một con chó nằm ngủ trong hành lang khách sạn. Anh chồng kia đã đùng đùng bỏ về Áo sau vụ xì-căng-đan to tướng đó. Giờ thì tôi ngồi đây, xem Jevita và Sergio đắm đuối với nhau. Không, tôi cóc phải Feliciano Vargas để mà đắm đuối theo và chúc phúc cho mối tình của chàng lãng tử thành Ba Lê và nàng vũ nữ ở cối xay gió Đỏ. Tôi vừa thất tình. Tôi nhìn sang người vô gia cư và chợt cảm thấy mình có đồng minh, thế là tôi quăng cặp đôi đang đắm đuối kia lại cho họ chết chìm trong sự bốc đồng của chính mình để nhét 500 euro vào cái cốc rỗng của tay vô gia cư. Ông ta nhìn tôi nửa biết ơn, nửa như đang nhìn một mụ đàn bà điên, song tôi đeo kính râm vào và thủng thỉnh bước đi trên phố với cái mũi hỉnh lên trời. Tôi cóc quan tâm, tôi cóc cần nhìn sang ngang hay xuống dưới. Tôi là Françoise Bonnefoy, ngôi sao opera sáng chói. Và tôi bước đi với cái mũi kiểu Pháp rất quê cha đất tổ cứ thế mà hỉnh lên trời.
Ba giờ chiều hôm nay, tôi gặp lại Sergio Goméz. Gã đi một mình, ngồi cũng ngay cái bàn đó. Tôi ngồi trong ô tô, xe chạy lướt ngang quán. Tay vô gia cư đã đi mất, tôi cũng đã nghe chuyện về nàng, Jevita Sagrav cũng đã đi mất. Gã ngồi một mình, trong bóng đổ âm u của mái hiên thường xuân, mặt tiền vàng nhạt và đỏ gạch, cùng cái bóng sừng sững của Đại học Sorbonne. Gã mặc một chiếc măng tô màu xám lông chuột, trông lạc quẻ giữa một rừng dân Paris hoa hòe hoa sói. Tôi hơi hơi liên tưởng đến Belikov trong vở Người trong bao. Nom gã như đang tự tách mình khỏi hết thảy sự đời.
Rồi tôi nhớ đến Jevita mà tôi biết rõ đó không phải tên thật của nàng. Tôi nhớ đến cả bài thơ của John Keats trong tập thơ tình mà tôi đang đọc dở nữa. Vào giây phút ấy, tôi quyết định dùng những kỷ niệm về nàng để mà cháy với Carmen một lần nữa, trong mùa này, như thể đây là lần cuối tôi được đứng trên sân khấu và hát, với tất thảy mọi xúc cảm mà một La Belle Dame Sans Merci có thể phũ phàng.
//
Tay người Áo ấy, mãi về sau này, nói với tôi rằng anh ta không hiểu tại sao Sergio lại mê đắm nàng. Anh ta nói với cái vẻ quý tộc buồn buồn của thành Viên lá vàng đổ, nơi kiếp trước có lẽ anh ta là thầy dạy nhạc họa hay khiêu vũ cho Marie Antoinette. Khi ấy, tôi đang chuẩn bị để kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng và chuyển lại về Florence cùng chồng. Tôi có hỏi anh ta tại sao, thì anh ta chỉ mỉm cười, một nụ cười đẹp và buồn.
Sau này nữa, khi tôi cũng bon chen đi xem đoàn opera lưu diễn ở sân khấu của Nhạc viện, tôi nhìn thấy madama Hédévary. Tôi chợt hiểu ra tại sao ngay khi giọng ca của quý bà lộng lẫy đó cất lên ngan ngát. Tay người Áo đã nhận ra rằng nàng giống vợ cũ của mình ngay lần đầu tiên gặp. Họ có thể chọn những kết thúc khác nhau cho mình, nhưng họ như một cặp song sinh về mặt tinh thần. Chí ít là thế.
//
Tôi ném chiếc măng tô lên giường, lớp ga trải vẫn nhàu nhĩ như lúc buổi sáng tôi rời đi, có lẽ là sáng nay hoặc sáng hôm qua. Bát đĩa trong la-va-bô chưa được rửa, chúng nằm dưới cái tí tách của vòi nước vặn không kín hết như thể đã nằm đó từ năm trước và năm trước nữa, hay thế kỷ trước nữa không chừng. Tôi cũng chẳng buồn rửa. Đã mười một giờ đêm, tôi mở tủ hòng kiếm cho mình một chai vang nhưng lại chỉ tìm được hai quả táo. Chúng hơi héo một chút, tôi không nhớ mình đã mua táo lúc nào và ở đâu, rồi tôi cũng lại mặc kệ. Tôi năm nay gần đầu tư, song đã thôi đặt cho mình quá nhiều câu hỏi về ti tỉ thứ trên cuộc đời từ thuở tuổi thành thục còn mới chớm. Có một bịch đường nâu trên kệ bếp, một hộp bột quế nằm lẫn trong những chiếc hũ thủy tinh mà tôi dùng để đựng gia vị. Tôi lại mở cửa tủ lạnh và ngó, à ha, lần này có cả một hộp kem sẽ hết hạn sử dụng vào ngày mai, cả một thanh bơ to gói trong giấy bạc. Tôi dùng tất cả chúng để làm cho mình món táo nướng, cứ thế ăn luôn trong khay. Lớp thịt quả mềm sựt dưới răng tôi, mùi quế hăng nhẹ tẩm ngẩm vào cái ngọt nẫu ra của kem tươi sắp hết hạn cứ tưỡi ra trên đầu lưỡi. Dò dẫm quanh miệng, tôi đếm từng chiếc răng hiện hữu trên hàm mình. Ba mươi mốt. Chiếc răng hàm thứ ba mươi hai của tôi không mọc, tôi nghĩ nó sẽ chẳng bao giờ mọc nữa đâu.
Ăn xong, tôi đi nằm và lại nghe thấy mùi của nàng vương vấn trong từng nếp nhàu nhĩ của gối chăn. Jevita đã không còn ghé qua chỗ tôi như nàng vẫn làm suốt những đêm dài đằng đẵng của một tháng Mười một nào đấy tại một năm nào đấy, nhưng không phải năm nay. Vì một vài lý lẽ mà tôi chẳng buồn hiểu, hương thơm cùng hơi ấm của nàng vẫn ở lại chỗ này: một căn phòng nơi khu chung cư cũ mà hai chúng tôi cùng bỏ tiền thuê, nằm trên tầng ba của phố Rue de Douai, và khu chung cư nằm cạnh một tiệm bánh, cách một mảnh vườn con ở sân sau. Mỗi sáng, tôi sẽ ngửi thấy hương bánh nướng và thức giấc, bất kể đêm qua đi ngủ có đóng cửa sổ hay không. Thi thoảng, tôi mua bánh cho nàng ăn khuya cũng ở cái tiệm đó, hoặc, hai chúng tôi sẽ lại khoác áo măng tô lên người rồi tay trong tay xuống ăn tận nơi. Trong tiệm có một chiếc bàn cao mà người chủ đặt đấy dành cho những vị khách đêm muộn. Nàng và tôi cùng ăn croissant ở đấy. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cách nàng thầm thì cùng những vụn bánh rơi rớt, rằng, chúng ta đi xem phim đêm đi. Rạp chiếu phim trên đại lộ Clichy có bán vé cho những suất chiếu rất muộn, điều đó khiến chúng tôi có cảm giác như cuộc đời mình là một quyển tiểu thuyết với những tình tiết rất ư cliché mà đám nhóc trẻ nghé tuổi teen hay cắm đầu vào đọc: khi tôi là người tình hào hoa đã vung tiền bao cả rạp vì nàng, vì cuộc hẹn hò của chúng tôi, chỉ hai người mà thôi. Để rồi mỗi khi ra khỏi rạp, chúng tôi khoác tay nhau, cùng thả xuôi để trôi nổi trong một biển hỗn độn những ánh sáng và bóng tối trên đại lộ Clichy như thể cả hai đang khiêu vũ bên một khe suối trong rừng Amazone, nơi những đàn bướm sặc sỡ như một dải cầu vồng cứ tụ rồi tan, đậu rồi bay, in hệt khung cảnh thần tiên trong những thước phim hoạt hình tuổi nhỏ. Những con bướm vấn vít quanh bước chân tôi cùng gót giày nàng, xoáy thành cơn bão màu trên phía vỉa hè nửa sáng trước khi tan biến vào màn đêm, bỏ lại chúng tôi ở thực tại. Cũng có khi nàng níu áo tôi và kéo tôi cùng đuổi theo chúng. Vào một đêm mùa hạ có sương cách đây một năm, nàng cũng làm như thế. Trông nàng như thể được giải thoát khi làm vậy, chúng tôi chếch từ quảng trường Clichy về phía phố Blanche, rồi chạy lòng vòng sao đó mà đến tận nghĩa trang Saint-Vincent khi bóng sẫm của đêm huyền vẫn còn đậm đặc. Sương phủ nhòa, đèn đường không đủ sáng, nàng vẫn mải miết đuổi theo đàn bướm sắc màu giữa những khoảng nhá nhem của vỉa hè. Phải rồi, nghĩa trang Saint-Vincent. Jevita nói rằng một ngày nào đó nàng sẽ được chôn ở đây, cùng với vợ chồng Jean-François Delmas và Blanche d'Ervilly. Không, không phải là ở Père-Lachaise và cũng không thể là ở Père-Lachaise. Nàng nói nó cao vời mà trang trọng quá, ở Saint-Vincent là được. Rồi chúng tôi lại tiếp tục trò đuổi bắt, tận đến lúc những tia sáng bình minh chạm tới khu hậu cảnh Clignancourt và ngày mới bắt được chúng tôi. Tôi nhớ cách nàng húng hắng ho, lại cười khùng khục ngay sau đó. Nàng nói về một chuyến bay giúp người ta trở lại quá khứ, khi máy bay của năm mới cất cánh từ Tokyo đến California, người ta sẽ trở về năm cũ.
"Ở Paris thì cũng được đấy. Chúng ta chỉ cần đi lùi thôi." Jevita mỉm cười.
Và thế là thế.
"Em thấy mình đang dần nhạt màu." Nàng nói thêm. Đôi mắt như ánh đèn chớp tắt. Jevita nhìn tôi một lúc lâu trước khi bước vào khoảng sáng. Tôi không nói, nàng không nói, không ai nói gì.
Và thế là thế.
//
Ở cái góc phố mà The Vargas tọa lạc, ông ta tóm được tôi. Tôi đoán ông ta là một tay cớm, cái tay Bertram họ-là-gì-đấy. Chúng tôi đi giữa nắng vàng. Tôi biết ông ta sẽ nói gì tiếp theo đó, mà ông ta cũng sẽ ngạc nhiên lắm nếu biết tôi đã biết ông ta sẽ nói gì, có khi ông ta sẽ quy cho tôi vào đối tượng tình nghi không chừng.
"Cô ấy đã chết. Từ lầu năm." Ông ta nói. Tôi chọn im lặng. Hẳn là tay già gân gốc Đức ấy phải mủi lòng lắm khi ông ta tưởng tôi đang shock tới không thốt nên lời.
Rồi giọng ông ta mềm dịu đi hẳn.
"Tôi nghĩ là nên báo cho anh biết."
Tôi biết chứ, tôi biết, tôi đã luôn luôn biết. Rằng Jevita là người như cánh bướm đêm dông, rằng nàng can đảm hơn bất cứ ai mà tôi từng gặp trong đời.
//
Trời tiếp tục mưa như trút nước suốt hai tiếng liền sau đó. Tầm sáu giờ, Paris bắt đầu lên đèn, ánh sáng hổ phách của những ngọn đèn trong ngoài Maison de Victor Hugo va rơi vào những hạt mưa thành một bức tranh khảm hỗn độn của thủy tinh và nước cam. Tôi nhìn ra sân. Những vũng nước loang trên mặt sân nom như từng mảnh gương xám nhờn nhợt vụn tan sau khi tuột khỏi tay bầy quỷ lúc gần chạm tới cổng thiên đàng. Tán cây dày lá cùng trời huyên thiên kia méo mó giữa ánh xạ của những mảng dầu loang sóng sánh nơi sân vắng. Tôi có thể tưởng tượng được sự vặn vẹo của nó: chiếc gương thần nhăn nhúm, rúm ró lại như phần tối luẩn quẩn trong một góc cung điện ký ức bị bỏ hoang của bất cứ tạo vật nào, co rút tới từng nối tơ buông lạnh lẽo nhất trong không khí và rồi tuột thẳng xuống mặt đất. Có những mảnh rơi xuống Phần Lan và Đan Mạch – chỗ nhà Andersen, và có những mảnh rơi rớt xuống Pháp, ở Paris. Chúng ngay kia, bên ngoài bức tranh khảm của nước cam và pha lê, lẳng lặng nằm ẩn mình giữa nhà Victor Hugo và chỉ hiện thân khi mưa trút xuống, như thể muốn nhân lúc chẳng ai ra ngoài để soi cho ông thấy những mảng méo mó nhất của một chế độ đã ngân khúc chuông lụi tàn. Hẳn ông đã từng hàng giờ đứng nhìn mọi trái ngang vông viển soi vào lòng gương ấy, ở cái chiếu nghỉ trên cầu thang xoắn dẫn tới tầng ba, nơi có bức tượng thần Cupid bằng đồng đen và các ô cửa lắp kính màu nhìn xuống khoảng sân nhạt xám.
Rồi tôi nhìn thấy gã, lúc vừa quyết định bước ra mái hiên để hóng cho mình chút miên man vắt ngang lưng trời.
Sergio Goméz ưa khu Latin hơn bất cứ khu nào khác, hiếm khi người ta thấy gã xuất hiện ở nơi nào bên ngoài cái bóng đổ của trường Sorbonne. Nhưng hôm nay thì gã ở đây, trong nhà Victor Hugo với chiếc măng tô màu xám lông chuột. Xám. Trông gã như thể đang phai màu theo từng nhịp tan vỡ trôi đi. Gã nhìn thấy tôi, rồi gã chào tôi. Tôi hỏi gã vừa đi đâu về, gã khua tay minh họa cho lời mình nói, "Vẫn như mọi khi, lòng vòng xung quanh thôi. Cô biết mà.", in hệt cách người ta vươn tay níu giữ lấy những sắc màu sau rốt cho bản thân. Tôi suýt thì không liên hệ được bóng hoang u hoài mỗi lúc một nhạt phai trước mặt với Sergio-Goméz-ngày-xưa: cao ráo, đẹp trai, một chàng lãng tử với nụ cười thoảng gió mơ mòng in hệt Che Guevara khiến trái tim bao người đẹp phải đớn đau, thổn thức. Gã giờ chỉ còn như ánh đồi hoang lúc tà dương, lay lắt đến hao mòn, rặt một nỗi thiên thu tang uổng.
Gã trả 1 euro cho tay chơi đàn dương cầm nơi mái hiên để nghe Puccini. Tôi không nhớ nó là đoạn nào trong Madama Butterfly nữa, còn hồn gã thì đã phiêu tận Nagasaki. Tôi không cắt ngang dòng đong đưa của tâm trí gã, có ích gì đâu? Gã đã trôi. Khi người ta trôi thì ta không cần níu lại làm chi nữa.
"Tôi thấy mình đang dần nhạt màu."
Sau rốt, gã nói như thế với tôi, khi tôi đứng dậy khỏi băng ghế vì trời đã ngớt mưa. Hoặc giả như nói với chính mình. Tôi không chào gã. Không ai nói gì. Người ta không nói chuyện với một bóng ma, nhất là khi bóng ma ấy đang ruổi rong theo một bóng ma khác tại khắc hôn hoàng.
//
Nàng chẳng còn rực rỡ, chỉ là một cái bóng nhạt màu, chắc là xám. Ở bên ngoài vườn Luxembourg, chỗ cổng vườn mở ra phố Saint-Michel, nàng đứng trong chiếc măng tô xám lông chuột và bỏ cuốn sách cũ xì vào túi lúc băng qua đường, giả đò như không nhìn thấy tôi. Có một hiệu bán sách và tạp chí ở bên đấy, nằm cạnh một club nhạc jazz tên The Little Journal mà bất cứ cuốn sách du lịch nào về Paris cũng sẽ gợi ý người ta hãy ghé vào đấy. Ý tôi là cái club nhạc jazz cơ, còn hiệu sách tên là The Economist. Tôi từng có thời mua giấy bút ở đó suốt, trước khi chuyển qua một hiệu sách khác, gần nhà mới. Tôi cũng thôi đến Mouline-Rouge kể từ khi lấy vợ – một cô gái Việt Nam dịu dàng, và tôi nghĩ mình cũng chẳng cần tới những đêm mộng mị trong chiếc cối xay gió màu đỏ mới có thể tìm thấy suối nguồn cảm hứng dồi dào nữa. Có một thời tôi là khách quen của nàng – cô đào Jevita Sagrav lộng lẫy giữa lông vũ và sequin cùng những cú đá chân đầy ắp sức hấp dẫn điên cuồng, như thể nàng muốn khiêu chiến với tất thảy những quý ông ngồi dưới, hay đúng hơn là khiêu chiến với cả cái thế giới khốn khổ dưới gầm trời này – nhưng rồi tôi với nàng chưa bao giờ đi xa hơn khỏi cái bóng đổ âm u nhập nhoạng dưới đèn của sân khấu. Giờ thì tôi thích đi cùng vợ mỗi dịp cuối tuần đến quán cà phê Cubana trên phố Vavin hơn. Jevita thì giả đò như không nhìn thấy tôi, nên tôi cũng giả đò như chưa từng quen biết nàng.
Đây chẳng phải mấy trò trả đũa ngớ ngẩn như mớ tình tiết đã quá ư là nhàm trong mấy bộ phim tình cảm khi mà người ta chia tay nhau. Vốn dĩ tôi cũng chỉ là khách-nhập-cư, một kẻ kiều dân đã xa rời thôn xóm quen thuộc để đến một nơi lạ hoắc, nên tôi cũng không phiền lắm nếu phải đối mặt với một cuộc chia ly. Tên tôi không phải là Christian để có thể phải lòng một nàng vũ nữ. Tôi tên Ivan và tôi phải lòng một cô giáo. Jevita rẽ vào The Economist, tôi không biết nàng mua gì mà chắc là tôi cũng không muốn biết. Tôi tiếp tục đi tắt qua vườn Luxembourg để đến khu phố bên kya, bên kya kỳa, nơi có một cửa hàng nữ trang mà tôi đã đặt làm một chiếc trâm cài áo để tặng vợ nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày cưới. Hình như có một buổi tối Jevita từng ca một đoạn opera cho tôi nghe, nhưng tôi đã mau quên mất cách nàng giữ hơi rồi lên giọng. Người ta có thể nhớ và có thể quên bất cứ thứ gì trong đời.
//
Mãi nhiều năm sau này, tôi vẫn còn nhớ hôm ấy. Hai giờ kém mười, Ludwig đi tới quán tôi, sớm hơn rất nhiều so với bình thường. Anh kể cho tôi nghe bằng chất giọng Munich đều đều trong khi cái loa quay đĩa đang ngân nhịp Habanera lên nốt B4. Tôi chỉ nghe qua lời kể của anh– một người đến sau, khi sự việc đã rồi, nhưng tôi lại mường tượng rõ ràng khung cảnh ấy trước mắt. Nồng nàn lơi một nụ hôn vào khoảng không ngày hạ buồn xơ xác, Sergio Goméz tung mình qua lan can. Gã đã trông thấy trên đại lộ một khoảng nắng– trắng sáng, ngây ngất và rạng ngời vừa đi qua.
𝒇𝒊𝒏.
25.04.2021
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top