review; duyên nữ

Mảng: Review
SBD: 11 (quanh_)

Mở đầu bằng những câu ca dao, "Duyên nữ" đã cho chúng ta ấn tượng, một cảm giác về những làng quê xưa cũ. Câu chuyện nói về tình cảm đồng tính luyến ái của một cô gái đối với cô bạn thuở thơ ấu của mình - Giang, một bông hoa đương tuổi xuân xanh nhưng vì nghèo khổ, vì phải chăm lo cho gia đình và cô chị gái bị khuyết tật mà đành phí hoài thời gian trong buồn bã, cực nhọc. Tác phẩm được đẩy lên cao trào khi các ngang trái chồng chất ngang trái. Ở cái thời buổi các tập tục vẫn lạc hậu ấy, tình yêu đồng tính của những số phận phụ nữ thấp bé, không có quyền lên tiếng ấy đã khó khăn rồi, thì nay Giang lại thích một người con trai khác, người mà cũng mang loại tình cảm bị cấm đoán như vậy. Loay hoay giữa một bên tình và một bên nghĩa, nhân vật chính - Thơm chẳng biết phải làm sao, rồi cô phải chọn giúp người mình yêu được hạnh phúc mà vẫn phải giữ lấy cái tín của mình.

Thế nhưng theo tôi, câu chuyện chưa thực sự thỏa mãn và đôi chút nhàm chán.

Cốt truyện được xây dựng chưa mới lạ, chưa khai thác được hết tâm lý nhân vật và các tình tiết. Mâu thuẫn của truyện cũng chưa thực sự cao trào và cách giải quyết nút thắt cũng chưa đủ hợp lý.
Đầu tiên nói về tâm lý nhân vật. Nhân vật Giang có một người chị bị khuyết tật và phải nghe theo lời cha mẹ để chăm sóc người chị cả đời. Vậy thì suy nghĩ của Giang đối với người chị ấy như thế nào? Khi mà cô phải phí hoài tuổi xanh để lo lắng cho đớn đau của gia đình, đặc biệt là người chị ấy? Khi mà “đôi mắt cô chẳng dám buồn” vì sợ chị ăn vạ? Người đọc sẽ thấy xa lạ về Giang, mơ hồ về nhân vật này và tác phẩm cũng không có được chiều sâu nhất định.

Tiếp đó là về nhân vật chính của câu chuyện - Thơm. Sự thương của Thơm đối với cô bạn mình cũng chưa được miêu tả rõ ràng lắm. Chúng ta biết là Thơm thương Giang, nhưng thương như thế nào, tình cảm ấy có sâu đậm hay không đều khiến ta mơ hồ. Đây cũng là  một trong những điểm chưa khai thác tốt của tác phẩm.

Và ở đoạn cao trào của tác phẩm, có chi tiết làm tôi khá khó hiểu. Tôi tự hỏi, ở cái thời mà nhận thức còn cổ hủ và khép kín ấy, tại sao Thức lại dễ dàng tâm sự cho Thơm biết được về tình cảm đồng tính của mình? Liệu có thể chỉ đơn giản vì Thơm đáng tin cậy? Còn nếu là vì cả hai có cùng một nỗi lòng thì tại sao Thức lại biết được tình cảm ấy của Thơm? Đây thực sự là một chi tiết thiếu logic. Rồi khi Thơm bày tỏ lòng mình với cô bạn cũng khiến tôi có đôi chút nhăn mày. Có thể nói Giang khá là bình tĩnh, có ngây người ra hoảng loạn khi nghe thấy lời tỏ tình nhưng vẫn im lặng và “tát đến khi hai bờ nước đã nông”. Đối với người bạn tâm giao từ thuở ấu thơ có tình cảm như vậy với mình, Giang không nghi ngờ, không hỏi han lại mà chỉ im lặng chấp nhận?

Còn về phần nội dung truyện vẫn có những nhược điểm.

Về tình tiết gây nên bút thắt của truyện, tôi thắc mắc tại sao giữa việc muốn giúp Giang không hy vọng về một mối quan hệ không có kết quả và việc giữ bí mật giúp Thức lại mâu thuẫn đến thế. Rõ ràng Thơm có thể tìm một cách khác, như nói rằng Thức thích một cô gái làng bên rồi chẳng hạn cũng có tác dụng với việc nói việc phải nói sự thật Thức thích đàn ông. Vì vậy, ở đây tình tiết này bỗng trở nên vô lý.

Sự thiếu logic lại xuất hiện ở những câu văn cuối cùng khi hé lộ những bí ẩn về vụ việc năm xưa. Đáng lẽ nếu đó là những lời nằm trong một tờ báo thì sẽ hợp lý hơn là ở trong một quyển nhật ký. Chẳng ai lại đi viết nhật ký về mấy điều đó cả!  Nhưng dù có là một tờ báo thì câu cuối cùng vẫn không hợp lý: “Cô chị của Giang cũng tham gia vào vụ việc với tư cách của một kẻ dẫn đường chỉ lối. Và đáng nhẽ, người đêm đó phải là tôi...” Cứ cho là thế này. Cha của Giang và Thức đã giết cô để bịt miệng nhưng sau cùng vụ việc được điều tra  và phanh phui, lần ra được cả dấu vết của cô chị trong vụ việc rồi đưa lên báo. Thì, dù vậy, cũng sẽ không có ai sẽ nhắc đến việc Thơm đáng lẽ đã là nạn nhân cả. Tôi hiểu ý tứ của tác giả muốn tạo dư ấn trong người đọc về chi tiết Thơm nghĩ Giang đã chết thay cô nhưng thực sự đã phản tác dụng.

Câu văn “Cô chị của Giang cũng tham gia vào vụ việc với tư cách của một kẻ dẫn đường chỉ lối” khiến tôi bối rối khá nhiều. Vậy là nếu cô chị dẫn đường chỉ lối cho cha Giang làm như thế? Nếu dẫn lối cho ông bố ấy thì có nghĩa Giang đã biết chuyện rồi cô chị mới chỉ cách, vậy thì làm sao lại có cụm từ “đáng nhẽ” lại là Thơm được?
 
Rồi ta lại đọc lại lên bên trên một chút, ở đoạn Thơm đang tuyệt vọng sau khi tỏ tình thì Thức chạy đến báo tin Giang bị cưỡng. Nếu Thức có gian tình với cha Giang và đã giết người diệt khẩu thì tại sao còn chạy đi khắp nơi loan tin? Tự vạch áo cho người xem lưng ư?

Bên cạnh những nhược điểm đó thì ưu điểm là văn phong của tác phẩm khá mượt và sử dụng các từ ngữ quen thuộc với người nông dân để miêu tả khá tốt. Một đoạn thơ nói về tập tục làng của tác giả tự viết ra cũng rất hay và sáng tạo.

Tóm gọn lại thì Duyên nữ có văn phong ổn, miêu tả hay và sử dụng ngôn từ khéo léo thế nhưng chưa thực sự ổn về nội dung. Cốt truyện chưa có gì mới, mâu thuẫn chưa thực sự hợp lý,  khai thác tâm lý nhân vật chưa sâu và có những hole trong tình tiết. Là một tác phẩm nhẹ nhàng, dễ đọc nhưng cũng dễ quên, “Duyên nữ” chưa có gì thực sự nổi bật và cần nhiều sự đầu tư và chăm chút hơn từ tác giả.

Quanh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #wop3