Cổ Vật Người Dao


Kính cong... Kính cong...

Tiếng vang trầm từ chiếc đồng hồ cổ báo hiệu đã 2 giờ sáng. Quang lúc này mới giật mình vì không nghĩ đã khuya như vậy. Người đàn ông đã gần 50 tuổi vươn vai rồi chầm chập đứng dậy, bẻ tay kêu răng rắc...

Từ tối đến giờ, Quang - vốn là một dân chơi, và cũng là một đầu nậu cổ vật ngầm có tiếng ở Thủ đô, mải mê ngắm nghía chiếc bát cổ mà anh vừa mua được từ một lái buôn ở tận miền Trung. Theo như lời người bán, đây là chiếc bát thuộc dòng gốm Chu Đậu, xuất xứ Hải Dương, được tạo tác từ thế kỷ thứ 15, tình cờ mắc vào lưới của ngư dân đánh cá trên vùng biển Cù Lao Chàm, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Số lượng gốm Chu Đậu cổ không còn nhiều, bởi dòng gốm này đã thất truyền từ lâu. Những cổ vật còn sót lại đến ngày nay chủ yếu được trục vớt từ dưới đáy biển. Theo con đường thông thương xưa, những mặt hàng tinh hoa nhất của cả nước đều được vận chuyển theo đường thủy, rồi tụ lại trên đất Hội An, Quảng Nam - lúc bấy giờ là một thương cảng lớn có sự giao lưu với nước ngoài. Từ đây, hàng trăm, hàng ngàn con tàu đã ra khơi vượt đại dương, mang theo sản vật tinh hoa của người Việt đến khắp mọi châu lục trên thế giới, để rồi ngày nay, những di vật cổ từ xa xưa vẫn còn nằm trang trọng trong các bảo tàng Châu âu hoa lệ... Nhưng cũng có một số con tàu không may nằm lại đáy đại dương, hay vừa xuất bến đã chịu chìm ngoài cửa biển, để lại kho tàng di sản văn hóa quý giá trong lòng đại dương...

Châm một điếu thuốc, Quang trầm ngâm ngồi trên bộ tràng kỷ đã ngót nghét cả trăm tuổi, nhớ lại cuộc giao dịch lúc tối. Kẻ bán cho hắn chiếc bát Chu Đậu vốn là một đầu nậu đồ cổ ở khu vực miền Trung, chuyên thu gom đồ sành sứ mà dân chài lặn vớt được dưới đáy biển. Trước đây, khoảng năm 1990, có thời điểm, tên này chở đến nhà Quang cả cả xe tải đồ gốm cổ để giao dịch. Lúc bấy giờ, dân chơi đồ cổ trong nước chỉ chuộng chơi đồ của Tàu, nên gốm cổ Việt rẻ mạt lắm, cứ cho vào sọt rồi cân lên mà tính tiền. Quang mua chất kín nhà kho, rồi lại xuất ngược sang Tàu. Nghĩ lại thật buồn cười, dân Việt chuộng đồ Tàu, dân Tàu lại thích chơi đồ ta...

Cho tới năm 1998, một sự kiện chấn động cả nước lúc bấy giờ xảy ra: Các nhà khoa học khai quật được hàng trăm di vật gốm sứ cổ trong xác một con tàu đắm ở khu vực cửa biển Hội An. Nói đúng ra, từ trước ai cũng biết khu vực này có nhiều đồ cổ, bởi nơi đây đã từng là thương cảng sầm uất dưới các triều đại phong kiến. Nhưng cửa biển vốn nước sâu, nhiều vũng xoáy, mưa bão diễn ra liên miên nên chưa có ai đủ khả năng chạm tay đến kho báu. Thỉnh thoảng ngư dân chài lưới vớ được vài món đồ mắc vào lưới đánh cá, do những đợt sóng ngầm xoáy lên, nhưng cũng sứt mẻ chẳng nguyên vẹn.

Chỉ đến khi khoa học kỹ thuật, máy móc phát triển, người ta mới lấy được những cổ vật nguyên vẹn từ lòng đại dương. Và cho đến khi các kết quả về niên đại, giá trị văn hóa được xác định, giới chơi đồ cổ trong nước và quốc tế mới sôi sùng sục nên bởi độ quý giá của nó. Kể từ ngày ấy, gốm cổ Việt được xác định đúng giá trị thực. Những chiếc bát, đĩa, ấm chén còn nguyên vẹn, có họa tiết hoa văn đặc biệt được định giá lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô la Mỹ.

Nhớ lại thời điểm còn mua được gốm cổ theo cân, Quang không khỏi xót xa... Bởi từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã quyết liệt bảo vệ vùng biển có nhiều xác tàu đắm đó. Lệnh cấm khai quật được ban hành. Thành thử ra, những món đồ gốm như hôm nay Quang mua được đã không còn xuất hiện nhiều.

Nghĩ đến đây, Quang thở dài...

Những năm gần đây, số lượng đồ cổ hắn mua được tận gốc (tức là nơi người ta khai quật, dò tìm) không còn nhiều nữa, có khi vài tháng mới được một chiếc. Ngoài lý do chính quyền cấm tự do khai thác đồ cổ, thì đến nay, lượng đồ cổ cũng dần cạn kiệt bởi trong lòng đất, lòng biển cũng chẳng còn nhiều. Địa tầng hơn 4000 năm lịch sử nằm trọn vẹn trong khoảng 10 tầng trầm tích, máy dò kim loại, máy khoan thấu đến cả chục mét lòng đất. Lòng sông thì máy hút quậy đến hạt cát cũng chẳng còn, thì lấy đâu ra đồ cổ... Đồ mà Quang sưu tập bây giờ chủ yếu là do mua đi bán lại từ các người chơi, tay buôn đồ cổ, thành ra giá trị được thổi phồng lên rất cao, khiến việc kinh doanh của hắn vô cùng khó khăn...

Cứ tình hình như thế này, chẳng mấy chốc mà phá sản, bởi của cải Quang tích góp được sau hàng chục năm buôn bán đã đổ hết cả vào chứng khoán, bất động sản... Mấy năm nay đất xuống giá, chứng khoán đỏ lòm, giờ không nợ nần gì ai là may mắn cho Quang lắm rồi...

Quan điểm của Quang là phải mua được tận gốc, bán được tận ngọn, thế mới có lãi. Thời gian này, Quang loay hoay nghĩ phương kế để khôi phục lại chuyện làm ăn nhằm gỡ gạc lại chút vốn liếng phòng thân khi về già. Quãng thời gian tuổi trẻ phiêu bạt, thành ra Quang lấy vợ muộn, sinh một bề toàn con gái, tới tận 3 đưa lận, mà năm nay chúng mới học cấp 2... Năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi, nếu không tận dụng chút sức khỏe cuối cùng trước tuổi lão niên, thì chỉ có nước bán nốt căn nhà còn lại đi mà nuôi con...

Reng...Reng...

Tiếng điện thoại cất lên làm Quang giật mình, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man. Đối với người thuộc ngành nghề khác, những cuộc điện thoại nửa đêm mang tính bất thường, báo hiệu những điều gấp gáp, không may mắn. Nhưng đối với người chuyên buôn bán đồ cổ như Quang, hễ thấy có cuộc gọi lúc giữa đêm như thế này thì không khác gì bắt được vàng.

Với hàng chục năm kinh nghiệm của mình, Quang biết sắp có chuyện to, bởi mọi tay buôn đầu mối đồ cổ nếu vớ được món đồ có giá trị, họ sẽ gần như ngay lập tức liên hệ với những người như Quang nhằm đẩy nhanh món hàng. Sở dĩ như vậy, là bởi họ cần tiền để quay vòng vốn, nhưng đó chưa phải là quan trọng nhất, vì trong thời buổi đồ cổ được coi như hàng "quốc cấm", thì mọi hành vi chứa chấp, giao dịch, buôn bán... nếu không được sự cho phép của chính quyền thì cũng không khác gì đi buôn lậu. Không tay buôn nào dám để những đồ cổ như thế trong nhà lâu, mà phải tìm đủ mọi cách để đẩy nhanh đi, nếu không rũ tù như chơi. Chỉ có những tay chơi có máu mặt như Quang mới dám giữ các món đồ cổ trong nhà, bởi hắn biết cách hợp pháp hóa chúng...

Quang vội vàng bắt máy, bởi nếu người phía bên kia không gọi được cho Quang, họ sẽ ngay lập tức gọi cho người khác, và Quang có thể sẽ mất một món hời.

- Alo, tôi nghe...

- Anh Quang à, em Tân trố đây.

Quang à lên một tiếng. Cũng phải hơn một năm rồi, thằng Tân trố không liên lạc gì với Quang, mà Quang cũng không tài nào liên hệ được với hắn. Quang rất quý Tân trố, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ giao lưu quá sâu với Tân trố. Hắn cũng là một tay buôn đồ cổ khá khét, nhưng nguồn hàng mà hắn nhập không phải là từ những thợ đào, mà hắn đi ăn trộm...

- Mày lang thang đâu rồi em, lâu lắm không thấy tăm hơi vậy, tao tưởng mày xộ khám rồi...

Quang nói rồi cười ha hả. Đầu dây bên kia cũng cười hùa theo, rồi mới đáp:

- Không đến mức xộ khám, nhưng cũng chui lủi mất một thời gian anh ơi... Giờ giải quyết cũng xong rồi...

Tân trố luyên thuyên một lúc. Quang ngước nhìn đồng hồ cũng đã khuya lắm rồi, mới sốt ruột hỏi:

- Thôi thôi, hôm nào mày qua tao rồi hàn huyên một thể. Thế đêm hôm khuya khoắt thế này, chú có quà gì cho anh đấy?

Quang đổi giọng ngay khi nhắc tới việc làm ăn. Tân cười xòa vì sự vô duyên của mình, mới đáp:

- Em vô duyên quá, thôi em vào việc chính luôn nhé. Có hàng đẹp, đảm bảo xịn. Nhưng không phải em trộm, mà mua được của dân.

Nghe đến đây, Quang thở phào. Nghe thằng Tân trố nói chuyện một lúc, Quang gật gù, hai mắt sáng rực, rồi cúp máy...

Qua câu chuyện chóng vánh trên điện thoại, Tân trố kể rằng cách đây hơn một năm, hắn có vào một nhà thờ họ, ăn cắp chiếc đỉnh đồng đem bán cho một tay buôn dưới Hà Nội. Thật đáng đời hắn, người trông giữ nhà thờ họ đó cũng có mối quan hệ sâu rộng trong giới đồ cổ, chỉ vài ngày sau anh ta đã dò la manh mối ai mua, ai bán. Nhưng thật không may, khi đã có được thông tin đầu mối về chiếc đỉnh, thì nó đã được chuyển sang bên kia biên giới, nằm yên vị trong một bộ sưu tập của tay chơi xứ Tàu... Phẫn uất và xót xa, người trông giữ nhà thờ họ kia gặp tay buôn đã mua chiếc đỉnh đồng cùng Tân trố. Họ ra một điều kiện: Phải chuộc được chiếc đỉnh đồng quý giá ấy về, nếu không sẽ đâm đơn báo công an.

Cổ vật đã sang bên kia biên giới thì khó lòng mà quay về. Tân trố và tay buôn điều đình mãi với người coi nhà thờ họ mà không được. Cuối cùng, đơn kiện được đưa ra chính quyền. Tay buôn kia nhanh chân sang Trung Quốc trốn, còn Tân trố lủi về một bản người Dao ở tỉnh phía Bắc, nơi có nhiều người quen của hắn.

Biết trốn tránh mãi không được, bằng các mối quan hệ, tay buôn kia phải dốc lại toàn bộ gia sản để chuộc chiếc đỉnh đồng, gửi về trao trả cho bên bị mất. Sau đó, đơn kiện được rút, nhưng chính quyền vẫn triệu tập Tân trố và tay buôn kia lên làm việc, và xử phạt hành chính.

Trong thời gian chui lủi trên bản người dân tộc Dao, Tân trố được người quen gửi gắm ở nhà của một ông lão họ Tẩn. Trong thời gian ở nhà ông Tẩn, Tân trố biết ông có một thanh kiếm cổ và đang có ý định bán. Nhưng khổ nỗi người đàn ông cả đời quanh quẩn trong bản, tiếng Kinh còn trọ trẹ, thì đâu biết bán cho ai.

Đã vài lần ông giấu trong túi vải, đi bộ hàng chục cây số ra thị trấn, mà không tìm được người mua. Bởi những người chơi đồ cổ ở vùng đó đâu có nhiều để mà ông gặp được họ. Hãi nhất là khi đi qua hàng sắt vụn, nhìn thanh kiếm rỉ sét, người ta cân lên rồi trả ông vài chục ngàn. Hoảng quá, ông Tẩn mang về cất vào chỗ cũ. Cơ may thế nào trong thời gian ở nhờ nhà ông Tẩn, qua chút ít tiếng Kinh bập bõm của ông, cùng chút tiếng Dao giắt lưng của Tân trong những ngày lang thang khắp vùng Tây Bắc, Tân biết được ý đồ của ông Tẩn. Hắn ngay lập tức gọi điện cho Quang, và dặn Quang mang theo một số tiền lớn.

Dù lâu không gặp Tân trố, nhưng Quang tin câu chuyện với hắn. Bởi làm ăn với Tân nhiều năm, Quang biết Tân là người như thế nào. Quang còn biết cả sự việc cái đỉnh đồng kia, bởi tay buôn mua nó vốn là bạn của Quang. Quang đã từng về nhà Tân, biết cả cha mẹ vợ con hắn.

Nhưng thời buổi này, làm ăn thật giả lẫn lộn, mà nhất lại là đồ cổ, cho nên nhất định Quang phải sờ tận tay, thấy tận mắt mới được. Quang hẹn Tân ngay sáng mai sẽ đánh xe hơi lên tận bản để xem xét. Nếu đúng như những gì Tân nói, thì thanh kiếm cổ của người đàn ông dân tộc Dao kia quả là một món hời, dù cái giá mà Tân hét qua điện thoại là không hề nhỏ...

Từ lúc cuộc điện thoại với Tân chấm dứt, Quang không thấy buồn ngủ. Trước đây, hắn đã có thời gian tìm hiểu về tộc người Dao, và biết về những thanh kiếm quý của họ, nhưng hắn chưa bao giờ có cơ hội được nhìn thấy, kể cả trong sách vở, cho nên Quang cực kỳ cảm thấy kích thích cao độ...

Đến đây, phải kể qua một chút về tộc người Dao ở Việt Nam, và tại sao thanh kiếm mà Quang sắp được diện kiến lại quý giá đến như vậy...

Tộc người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo sử sách ghi lại, từ thế kỷ thứ 08 đã xuất hiện người Dao trên đất Việt. Đó là những cuộc di cư nhỏ lẻ, bởi tập tính người Dao vốn du canh du cư. Đến triều đại nhà Minh bên Trung Quốc, do biến thiên của thời đại, người Dao có cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử.

Truyền thuyết kể lại rằng, khi ấy, người Dao tập hợp thành 12 dòng họ là: Bàn, Triệu, Đặng, Dương, Hoàng, Linh, Lý, Trịnh, Trần, Mã, Chương, Vương, chia thành 12 thuyền lớn. Người Dao vốn dĩ sống trên núi, không quen với sông nước, vì vậy trước khi lên thuyền, họ bàn với nhau rằng, nếu gặp sóng to gió lớn thì phải nhảy lên để cầu xin Bàn Vương -vốn được coi là Thủy Tổ của các dòng họ người Dao ở cả Trung Quốc và Việt Nam).

12 chiếc thuyền chở người Dao lênh đênh trên Vịnh Bắc bộ 7 ngày 7 đêm, gặp mùa mưa bão nên gặp trăm bề khó khăn. Thậm chí có lúc thuyền bị thủng, do người Dao không có kinh nghiệm đóng tàu, thì bỗng con chó mà họ mang theo lấy thân mình chèn vào chiếc lỗ đó.

Người Dao tin đấy là điềm lành, bởi sau đó thuyền họ đã an toàn. Từ biển, người Dao tìm được đường vào cửa sông Hồng, rồi ngược lên Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Từ đây, những người Dao tỏa đi theo ba hướng – cũng là ba con sông lớn của đất Việt, là sông Hồng, sông Đà và sông Lô để du canh du cư phá rừng làm nương rẫy.

Ngay sau khi lên được bờ, những người Dao tôn thờ chó, và họ không bao giờ ăn thịt chó – con vật đã cứu cả cuộc thiên di của họ. Và sau này, khi đã ổn định cuộc sống, những người Dao còn làm một nghi lễ gọi là Tết Nhảy, để nhớ đến cảm tạ công ơn của trời, của Bàn Vương, đã phù hộ cho họ trong lúc lâm li...

Trong mỗi cuộc thiên di, di cư, thứ mà người Dao luôn mang theo bên mình là những bộ tranh thờ và những cây kiếm. Họ coi đó là linh vật, đại diện cho trời đất, tổ tiên, che chở bảo vệ và ban cho họ sức mạnh, ban cho họ những mùa màng ấm no.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nó trở thành những báu vật mà những tay buôn đồ cổ như Nam thèm khát được chạm tới.

Nghĩ đến đây, đầu óc Quang như bừng tỉnh. Hắn không thể nào chợp mắt nổi dù đã thức cả đêm. Chiếc đồng hồ Pháp cổ lại đánh 4 hồi chuông, trời vẫn còn đen thui. Quang vội rút điện thoại ra, gọi cho người tài xế ở gần nhà, hẹn anh ta một tiếng nữa có mặt ở nhà Quang để gấp rút lên đường, bởi nếu tầm này lái xe đi tỉnh, hắn rất có thể sẽ ngủ gật trên vô lăng.

Quang vội chuẩn bị ít đồ đạc, rồi tắm rửa qua loa. Vợ con cũng đã quá quen với lối sống này của Quang. Hắn đi không ai biết, về chẳng ai hay, nửa đêm đang ôm vợ nghe thấy tiếng điện thoại cũng xoắn quẩy lên. Vợ hắn hay nói đùa: May mình không phải đồ cổ, không chồng mình cũng bán nốt!

Trước khi đi, như thường lệ, Quang chạy lên nhà thắp nén hương cho tổ tiên, cầu xin chuyến đi được thuận buồm xuôi gió. Không hiểu tại sao hôm nay Quang bồn chồn đến lạ, bụng dạ cứ cồn cào nóng ran...

Vừa lên hương, Quang thấy điện thoại đổ chuông. Thì ra là người tài xế đã tới. Quang xá mấy cái rồi tất tưởi chạy ra xe. Hắn đi vội mà không để ý rằng, ba que hương trên bàn thờ đã tắt ngấm...

Huyện miền núi mà Quang cần đến cách Thủ đô hơn 5 giờ đồng hồ. Ngồi trên xe, Quang dặn dò anh tài xế tin cẩn một số điều. Đường xá bây giờ được đầu tư trải nhựa phẳng lì, xe ô tô cứ thế mà bon bon, có chăng gấp gáp lúc leo đèo dốc, Quang nằm ườn ra hàng ghế sau, rồi chìm sâu vào giấc mộng mị.

Quang nghe thấy bên tai có tiếng người đàn ông trò chuyện với anh tài xế, nghe rôm rả mà ồn ào quá khiến anh giấc ngủ của anh chập chờn. Lạ thật, trên xe có mỗi mình mình, tài xế đang trò chuyện với ai vậy?

Đầu óc còn lơ mơ, Quang cố căng mắt ra nhìn mà không sao dậy nổi, hai bờ mi cứ chực níu xuống. Mà chất giọng của người đàn ông kia quen lắm, hình như anh đã nghe thấy ở đâu rồi. Bị đánh thức giữa giấc ngủ, Quang nói trong cơn mê mệt:

- Đi đến đâu rồi Huy (tên người tài xế)

Người tài xế tên Huy nhanh nhảu đáp:

- Anh cứ ngủ tiếp đi, còn hơn tiếng đồng hồ nữa mới đến nơi cơ anh ạ.

Và cũng không đợi Quảng phải hỏi, người tài xế tiếp lời:

- À anh ơi, nãy trên đường có bác người dân tộc Dao này vẫy xe, xin đi nhờ về bản Qua, chỗ mà anh định tới. Thấy anh đang ngủ say, nên em tự ý cho bác đi nhờ luôn. Tiện đường cả anh ạ.

Một luồng lạnh chạy dọc sống lưng Quang khiến anh choàng tỉnh, Quang nhận ra có cái gì đó không đúng, nhưng anh không vội mở mắt, cứ nằm im lìm mà không đáp...

Lúc nãy, khi anh còn chưa ngủ, anh có căn dặn tài xế là chỉ chở anh đến trung tâm huyện, rồi tự thuê nhà nghỉ ở đấy chờ, Quang tự đi xe ôm vào bản. Vì là chỗ tin cẩn, nên đồ đạc và tiền nong Quang sẽ để hết trên xe, anh vào tay không. Nếu ưng ý và chốt được giá cho món đồ kia, anh sẽ gọi điện báo người tài xe đánh xe vào, giao dịch đưa tiền rồi lên xe về thẳng thành phố. Người tài xế này cũng đã theo anh trong nhiều chuyến giao dịch như thế, nên chắc chắn anh ta đã quen với phong cách làm việc của Quang rồi...

Bất cứ chuyến đi nào, Quang cũng không bao giờ để người tài xế biết cụ thể nơi mình sẽ tới, hắn sẽ để tài xế ở nơi nào đó cách đấy khoảng vài chục cây số. Bởi Quang không muốn tài xế biết quá sâu về công việc của mình, khéo hỏng việc.

Vậy mà giờ đây, tại sao tài xế Huy lại biết được cụ thể nơi Quang đến là bản Qua. Chắc chắn khi nãy anh không buộc miệng nói ra, và còn người đàn ông đi nhờ xe nữa... Sao lại có chuyện trùng hợp đến vậy? Hay đây là người của công an, họ nắm được thông tin và định tóm Quang về tội buôn lậu cổ vật?

Hàng loạt câu hỏi cứ mòng mòng hiện ra trong đầu Quang. Từ lúc biết Quang dậy, người đàn ông kia hoàn toàn im lặng, chỉ có tài xế Huy vẫn bi bô nói chuyện không ngừng...

Không thể như thế này, Quang bất thình lình vùng dậy. Tài xế Huy thoáng chốc giật mình, rồi lại nhanh mồm nhanh miệng:

- Anh dậy rồi hả? Sẵn tiện hỏi chuyện luôn ông bác người Dao này anh!

Quang không nói gì, rồi lừ mắt đề cao cảnh giác. Chân tay tay cũng vào tư thế sẵn sàng chiến đấu... Anh vội đưa mắt nhìn vào gương chiếu hậu trong xe ô tô... Hình ảnh người đàn ông đi nhờ xe hiện lên rõ mồn một. Trời ơi, ai thế này, sao lại giống người ông nội đã qua đời cách đây hơn 20 năm của Quang đến thế. Đôi lòng mày bạc phơ, mắt nheo nheo, cả cái nốt ruồi bên má phải nữa... Trời ơi...

Đôi mắt Quang đờ đẫn, anh muốn vươn người về phía trước mà không được. Miệng anh lắp bắp: "Ông... ông là...' mà không thành tiếng. Người đàn ông đi nhờ xe bỗng từ từ quay đầu lại, nở một nụ cười hiền từ...

Lúc này Quang mới nhìn rõ hơn dung nhan của người đối diện... Nước mắt trực trào rơi trên má người đàn ông đã 50 tuổi... Đúng là ông rồi... Quang nhận ra cả bộ quần áo mà chính anh đã mặc cho ông trước lúc nhập quan. Sao ông lại ở đây. Không, không đúng, sao mình lại ở đây... Mà mình đang ở đâu thế này?

Người đàn ông đi nhờ xe bỗng cất giọng:

- Về đi cháu ơi, đừng động vào thứ đó... Về đi....

Hai tai Quang ù đi, Quang cảm thấy chiếc xe ô tô như đang lao vun vút với tốc độ kinh hoàng, anh không còn nhìn thấy cảnh vật bên đường nữa, mọi thứ đều trắng xóa... Quang hét lên:

- Huy, đừng lại, tấp vào lề đường... Đừng lại ngayyyy...

Kít.... Xe phanh gấp, Huy đổ nhào về phía trước rồi bất tỉnh...

....

- Anh Quang, anh Quang... anh làm sao vậy? Trời ơi, không biết trạm y tế gần đây không nhỉ?

Tài xế Huy hốt hoảng, tát bôm bốp liên tục vào mặt Quang, miệng không ngừng gọi. Huy nhảy lên ghế lái tìm điện thoại, đang tính bấm số gọi cầu cứu, thì bỗng thấy Quang lồm cồm bò dậy.

- Kìa, anh tỉnh rồi đấy à? Anh có làm sao không?

Quang mặt còn ngáo ngơ, lấy tay dụi mắt rồi chui ra khỏi xe. Xung quanh anh toàn là núi đồi trùng điệp, gió lạnh thổi khiến Quang bừng tỉnh. Anh quay sang quát Huy:

- Mày đi đứng kiểu gì vậy hả? Mà ông kia đâu rồi?

Tài xế Huy ngơ ngác:

- Ơ, ông nào hả anh? Anh ngủ mơ xong giãy giụa, la hét, em sợ quá nên phanh xe tấp vào lề đường. Anh nằm không cài dây bảo hiểm, mất đà nên rơi xuống sàn xe. Em tưởng anh bị trúng gió, đang định gọi cấp cứu thì anh tỉnh...

Quang lúc này mới định thần, hóa ra là mình mơ. Mà sao giấc mơ lại thật đến vậy được nhỉ. Nhưng chắc là do đêm qua không ngủ, mệt quá nên đầu óc mê mệt đi thôi, Quang tự nhủ như vậy, rồi lên xe đi tiếp cuộc hành trình...

- Còn cách vài chục cây nữa thôi, anh có mệt thì cứ tranh thủ chợp mắt thêm chút nữa anh ạ.

Tài xế Huy thấy gương mặt thất thần của Quang, nên khuyên nhủ anh như vậy. Quang ậm ừ cho chuyện. Lần này anh chuyển hẳn lên ngồi ghế trên cùng với Huy, và cũng để nói chuyện với cậu ấy cho quãng đường bớt tẻ nhạt.

Chưa đầy một giờ đồng hồ sau, Quang đã tới khu trung tâm huyện. Huyện này thuộc tỉnh vùng cao Tây Bắc, kinh tế chưa phát triển lắm. Cả huyện chỉ có một trục đường chính, có dăm ba hàng quán lèo tèo... Quang thuê cho tài xế một nhà nghỉ được tạm coi là khang trang và sạch sẽ nhất phố, không quên dặn dò Huy khi nào anh gọi điện báo địa chỉ, thì ngay lập tức phải hỏi thăm đường vào đón anh.

Quang đeo trên người chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Nhìn anh lúc này không khác gì một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đang lang thang khắp núi rừng, bản làng để săn khoảnh khắc đẹp. Đây cũng là chiêu trò của những tay săn đồ cổ để khỏi bị nghi ngờ...

Quang một mình đi ra trung tâm thị trấn. Hắn rút điện thoại ra và bấm số:

- Alo, chú Tân đấy hả, anh đang ở thị trấn rồi, đường vào bản có xa không hả chú?

Sóng điện thoại chập chờn, nhưng Quang vẫn nghe loáng thoáng thấy Tân trố đáp:

- Tầm nửa tiếng chạy xe máy thôi anh ơi, anh ngồi đấy chờ, em phi ra đón anh ngay...

Trong lúc chờ Tân trố ra đón, Quang gọi điện về nhà hỏi thăm vợ con, bởi nghĩ đến chuyện lúc ban sáng, Quang vẫn còn lo lắng. Quang tranh thủ gặm mấy chiếc bánh ở quán nước ven đường, giờ cũng quá trưa rồi...

Hơn nửa tiếng sau, Tân trố cũng tới. Quang gặp được thì mừng lắm. Tân dạo này gầy hơn trước. Hắn cưỡi trên chiếc Honda Win tay côn phành phạch, dáng rất phong trần lãng tử, có phần gầy và đen hơn trước.

Bản Qua cách trung tâm huyện không xa, nếu tính theo đường chim bay. Nó nằm trên một đỉnh núi, muốn vào phải đi men theo đường đèo bám núi, quanh co khúc khuỷu. Từ trên đỉnh núi, Quang đổ đèo phi xuống nên đi khá nhanh, chỉ hơn nửa tiếng, nhưng đường lên dốc cao thì khó hơn, cũng phải đến cả tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Cảnh sơn lâm hùng vĩ dần hiện ra trước mắt Quang, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cổ thụ hàng mấy người ôm không xuể, những khối đá tai mèo lởm chởm thách thức thời gian... Trên đường đi, thỉnh thoảng Quang bắt gặp những người dân tộc thiểu số đang đi rừng lấy củi, hay gùi lâm sản xuống chân núi để đổi gạo. Khung cảnh bình yên đó làm Quang quên đi những lo toan thường nhật, và cả sự lo lắng thường trực từ ban sáng.

- Ông cụ vẫn có vẻ lần chần lắm anh ạ, vì thanh kiếm là bảo vật của cả dòng họ... Tân trố nói như hét lên trong khi vẫn đang cầm lái.

Nghe vậy, Quang liền bắt bẻ:

- Bảo vật dòng họ sao lại bán? Ông lão cả đời sống trên đỉnh núi thì cần gì đến tiền hả chú?

Bất chợt thằng Tân phanh kít xe lại, nghiêm mặt quay lại nhìn Quang:

- Chuyện dài dòng lắm anh ạ, ông cụ có nỗi khổ tâm, em là người ở cùng ông vài tháng nay em hiểu, ông cụ mà không tử tế, em đã cuỗm đồ rồi cuốn xéo đi từ lâu rồi.

Quang hơi ngạc nhiên trước thái độ của Tân trố. Anh định hỏi nguyên do nhưng rồi thôi. Có lẽ Tân trố đã hoàn lương sao? Đã từng có thời gian qua lại với Tân nhiều, anh biết con người này bản chất vẫn lương thiện. Gặp người khó là hắn tha. Có lẽ trong chuyện này cũng vậy, để vừa được việc ông cụ, vừa được việc cho Quang, Tân sẽ là người môi giới.

Hai người lại tiếp tục cuộc hành tình, càng lên cao đường dốc càng khó đi. Quang sốt ruột hỏi:

- Thế này tối tao có về kịp không hả Tân?

Tân trố cười ha hả đáp:

- Anh vội làm gì, không kịp đâu, anh cứ nghỉ ở đây một đêm, trên này có sóng điện thoại, cứ yên tâm anh ạ.

Chẳng cần câu trả lời của Tân, trong đầu Quang cũng đã xác định như vậy...

Bản Qua dần hiện ra trong tầm mắt của Quang... Nói là bản, nhưng chỉ lô nhô tầm vài chục nóc nhà tranh vách đất. Cái nghèo xác xơ hiện rõ trên gương mặt của những người đồng bào nơi đây... Tân đỗ xịch xe trước một ngôi nhà gỗ, gọi là khang trang nhất trong bản, rồi đánh tiếng gọi:

- Ông Tẩn ơi, nhà có khách quý đây...

Một người đàn ông lụ khà lụ khụ, thấp thểnh chạy từ trong nhà ra:

- Đi lâu vớ, vào đi vào đi, đang thịt gà đãi khách quý ố...

Thứ tiếng Kinh bập bẹ phát ra từ người đàn ông có dáng hình như U70 nghe thật thà, chất phát làm sao. Quang thì đoán chừng chỉ nhỉnh hơn Quang vài tuổi thôi, và Quang biết đa số người đồng bào vất vả từ nhỏ, cuộc sống lam lũ lao động chân tay là chủ yếu, nên nhìn họ già trước tuổi rất nhanh...

- Không phải thịt gà đâu, có gì ăn nấy, người nhà cả mà... Tân trố khệnh khạng vớ lấy cái điếu cày rít long sòng sọc.

Lúc này, cả ba người đã ngồi quây lại bên đống củi đang rực lửa giữa nhà, ông Tẩn rót từ ấm ra thứ nước màu vàng nhờ nhợ vào cái bát rồi mời Quang. Quang đỡ lấy, rồi lừng khừng không dám uống... Tân mới đỡ lời:

- Lá rừng đấy, không phải thuốc độc đâu, đến nhà đồng bào anh cứ thoải mái lên.

Quang lúc này mới ngắm nghía căn nhà của ông Tẩn. Trong đó chẳng có món đồ gì giá trị, ngoài một am thờ bằng gỗ đặt ở góc trong nhà, trên đó treo một bọc vải đỏ dài. Quang nghĩ thanh kiếm cổ nằm trong đó. Qua lời kể của ông Tẩn, tất nhiên có thêm phiên dịch của Tân, Quang mới rõ ngọn ngành câu chuyện.

Người Dao sống trên đỉnh núi này không phải là ít, và bản Qua cũng không hề nhỏ như những gì Quang được nhìn thấy. Đi sâu vào những cánh rừng nguyên sinh, còn hàng trăm nóc nhà của người Dao như thế nữa, số dân ngót nghét cũng phải đến hơn ngàn người. Ông Tẩn vốn là là trưởng của dòng họ người Dao ở bản Qua. Đại để, ông Tẩn là người được giao để giữ gìn kiếm cổ quý giá – vật bảo hộ cho dòng họ người Dao ở bản này. Người Dao có chữ Dao Nôm, và họ cũng ghi lại sách vở, gia phả truyền cho con cháu. Theo đó, từ khi những người Dao đầu tiên đặt chân đến đỉnh núi Tả Loàng, cũng đã ngót nghét 5 đến 600 năm. Và cổ vật mà Quang sắp được tiếp cận cũng từng ấy năm tuổi...

- Kiếm giữ trên kia à ông Tẩn, cho tôi xem được không? Quang đột ngột cất lời, rồi đưa tay lên chỉ bọc khăn điều đỏ lủng lẳng trên xà nhà chỗ am thờ.

Ông Tẩn lắc đầu quầy quậy:

- Ô hô, không phải, không phải đâu, đấy là tranh thờ mà... Cứ ngồi chơi uống nước đi đã.

Quang gặng hỏi thêm:

- Đồ quý vậy, sao ông Tẩn lại bán cho tôi thế?

Lúc này, ông Tẩn đột nhiên méo xệch mặt, rồi nước mắt ngắn dài tuôn rơi trên mặt của người đàn ông khắc khổ. Thấy vậy, Tân trố đỡ lời ông Tẩn, kể cho Quang. Hóa ra, Ông Tẩn vợ chết sớm, có mỗi mụn con trai. Nó được nhà nước nuôi học hết cấp 3 trường dân tộc nội trú, rồi lại được cử đi học đại học dưới xuôi, nhưng nó không chịu, dù được ông Tẩn khuyên răn hết lời.

Nó về bản ở vài năm rồi theo lũ bạn sang bên kia biên giới làm ăn. Nhưng nó không chịu lao động, mà lao vào hút chích, cờ bạc, để rồi nợ người bên kia biên giới cả trăm triệu đồng. Nó nhờ người báo về cho ông Tẩn biết: Nếu không có tiền trả nợ, người ta sẽ giết nó.

Cả đời ông Tẩn chui rúc trong cái xó xỉnh rừng núi, vài triệu đồng còn chẳng bao giờ được cầm, huống gì đến cả trăm triệu. Ông Tẩn buồn ốm liệt giường đến cả tháng, ông chỉ có mỗi mình nó, nó mà có mệnh hệ gì, thì khi ông chết, hồn về được quê cha đất tổ Dương Châu của người Dao, thì làm sao ông dám gặp tổ tiên, và người vợ quá cố của mình...

Ông tâm sự chuyện này với Tân trố và được hắn tư vấn bán đi bảo vật của dòng họ. Ông Tẩn cũng suy nghĩ nhiều lắm, nhưng chẳng còn cách nào khác. Ông thầm cầu khấn với tổ tiên rằng khi cứu được cháu về, ông sẽ làm một cái kiếm mới, để chuộc lại lỗi lầm của mình...

- Tôi lấy kiếm về, ngộ nhỡ dòng họ hỏi kiếm đâu thì ông Tẩn biết làm sao? Quang thắc mắc.

Nước mắt lưng tròng, ông Tẩn bảo:

- Không lo, tôi có cách, mạng người giờ quan trọng hơn mà.

Quang tiếp lời luôn:

- Vậy giờ ông cho tôi xem thanh kiếm đó nhé.

Ông Tẩn mới lồm cồm ngồi dậy, ra trước am thờ tổ tiên lầm rầm khấn vái. Đoạn, ông lật tấm gỗ bên dưới cái am đó lên, thì ra dưới đó là một cái hõm vuông vắn. Ông nhấc từ trong đó ra một chiếc hòm gỗ nhỏ đã cũ mèm. Quang cứ trố mắt nhìn, rồi Tân khẽ thì thầm vào tai anh:

- Đáng lẽ phải mổ gà làm lễ mới được lấy thanh kiếm ra, hôm nay là ngoại lệ đấy.

Trời đã nhập nhoạng tối, cảnh sơn lâm u tịch đến thê lương. Tiếng vượn hú, quạ kêu vang vọng khiến không gian càng thêm não nề. Trong nhà, ánh điện từ bóng đèn sợi đốt vàng vọt hắt từ trên trần xuống chẳng đủ soi sáng mặt người, lại thêm ánh lửa cứ bập bà bập bùng, khiến khung cảnh càng thêm liêu trai...

Ông Tẩn rón rén mở chiếc hòm, nhấc ra bọc vải đỏ, rồi nhẩn nha mở nó ra. Quang căng mắt nhìn, mồ hôi anh rịn ra trên trán. Không giống như Quang tưởng tượng, vật gọi là kiếm có hình thù thật kỳ dị, nó chỉ dài bằng cẳng tay người, phần lưỡi kiếm chiếm khoảng 2/3 chiều dài đó, trông như một chiếc dùi được mài sắc thành 8 cạnh, đầu nó nhọn hoắt. Đuôi kiếm là 3 vòng sắt uốn tròn, treo lủng lẳng các đồng xu cổ, cùng các dây tua rua đỏ. Thấy mặt Quang cứ đờ đẫn, ông Tẩn như hiểu Quang đang thắc mắc về hình dáng kỳ dị của cái gọi là chiếc kiếm, nên cất lời giải thích:

- Kiếm để đánh ma, không đâm thú đâm người được đâu lố.

Quang hiểu chứ, bởi từ lúc mang thanh kiếm ra, dù ngồi bên bếp lửa ấm nóng, nhưng Quang vẫn thấy rùng mình bởi thanh kiếm tỏa ra luồng khí lạnh đến rùng mình. Điều làm Quang ngây ra lúc này, đó là tại sao thanh kiếm đã hàng trăm năm tuổi, mà không có một vết rỉ sét, vẫn bóng sáng đến lạ kỳ. Ông Tẩn xốc thanh kiếm trên tay, đưa lại gần bếp lửa, thật kỳ lạ, tiếng những đồng xu ở chuôi kiếm va đập vào nhau kêu choang choang, giống như người ta ném vỡ ly thủy tinh vậy. Càng ngạc nhiên hơn, khi ánh lửa rọi vào thanh kiếm tạo ra vệt sáng xanh lè, chiếu thẳng xuống chân Quang.

Quang sửng sốt và bàng hoàng, bởi nếu những gì anh đang thấy không phải trong một giấc mơ, thì đây là lần đầu tiên anh được tiếp cận với một cổ vật có một không hai trên thế giới được làm bằng chất liệu đồng đen. Vốn là một kim loại quý mà tới nay khoa học còn chưa lý giải được, Quang mới chỉ thấy những bức tượng Phật được đúc bằng đồng đen, chứ tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy một thanh kiếm được làm từ đồng đen như thế này.

Thật đúng là những thứ kỳ trân dị thảo thường hay xuất hiện ở chốn thâm sơn cùng cốc. Quang xin phép ông Tẩn, rồi cẩn thận cầm thanh kiếm lên ngắm nghía. Nó nặng hơn Quang tưởng. Sau nhiều năm buôn bán cổ vật, chưa bao giờ anh được tiếp cận với đồng đen ở khoảng cách gần thế này. Nhưng liệu có chắc chắn đây là đồng đen xịn hay không? Quang biết cách thử, vì anh đã nghiên cứu sách vở nhiều về thứ kim loại này. Đó là lý do tại sao anh cứ giả tảng mân mê thanh kiếm ngắm nghía, dù nó chẳng có chút hoa văn gì trên đó cả.

Quang khẽ khàng cọ phần chuôi kiếm vào gốc của ngón áp út, nơi mà chiếc nhẫn cưới vàng ta bốn số chín Quang đã đeo mấy chục năm nay. Cọ đi cọ lại đến hơn chục lần, chiếc nhẫn bị mài mòn đi một chút, Quang mới ngửa chuôi kiếm lên trước mặt. Phần vàng bị dính trên chuôi kiếm đã chuyển sang màu trắng xóa.

Trời ơi, đây đúng là đồng đen thật rồi.

Thật là quý vật tầm quý nhân, Quang như mở cờ trong bụng, nhưng cố tỏ ra bình thường và có chút hời hợt để ông Tẩn và Tân trố không nhận ra. Nếu vật này tuồn được sang đến Đài Loan hay Hồng Kông, trị giá của nó có thể lên tới hàng trăm ngàn đô la Mỹ. Nhưng thái độ của Quang làm sao mà qua được mắt Tân trố, bởi trước đây hai người đã từng giao dịch với nhau nhiều lần, vả lại cùng là con buôn, làm sao Quang qua được mắt Tân trố. Như đọc được ý nghĩ của Quang, Tân nổ thẳng vấn đề:

- Đồ quý đấy, anh ưng rồi đúng không?

Quang hơi bất ngờ, nhưng vẫn cười nửa mép:

- Anh ưng từ lúc chú gọi điện lúc nửa đêm cho anh rồi cơ, anh tin chú mà.

Không ngại ngần, Tân tiếp lời:

- Em cũng tin anh, và thương ông Tẩn như người nhà, ông cưu mang em trong lúc em hoạn nạn. Đồ quý thế này bán cho ai chẳng được, nhưng em thích gọi anh.

Quang liếc nhìn ông Tẩn, rồi quay sang nói với Tân:

- Bao nhiêu?

Tân nói như đinh đóng cột:

- Vụ này em xin phép không dây dưa đến một xu, coi như em đền ơn ông Tẩn, đúng ba trăm triệu. Một trăm để gửi sang cho con ông Tẩn trả nợ, một trăm để ông dưỡng già, số còn lại để ông nộp phạt cho dân bản, vì kiểu gì cũng bị bắt vạ mà.

Biết tính Tân tuy lưu manh, nhưng cũng khá thẳng thắn quân tử, Quang không lèo nhèo mà gật đầu đồng ý ngay lập tức. Lúc đó đã khoảng 7 giờ tối, Quang gọi điện cho tài xế Huy đánh xe lên tận bản. Trong lúc chờ đợi, ông Tẩn mang con gà luộc từ chiều ra cho cả lũ đánh chén. Tiền bạc Quang để cả trong xe, vì tài xế Huy cũng là chỗ tin cẩn. Quang ôm chiếc hòm gỗ chứa thanh kiếm xuống được đến chân núi, cũng là đúng 12 giờ đêm.

- Anh em mình nghỉ lại huyện chứ anh, không về Hà Nội lại mất cả đêm ấy. Tài xế Huy chầm chầm nói.

Huy dù đã thấm mệt, nhưng vẫn cố nói:

- Chú có mệt không?

Tài xế Huy hăm hở đáp:

- Em không, chờ anh em ngủ cả ngày rồi.

Được đà, Quang đớp luôn lời:

- Thế thì mình về luôn đi em, anh cũng không mệt.

Chiếc xe lao vun vút xét toạc màn đêm hướng về phía Thủ đô. Đêm vắng, Quang nhẩm tính với tốc độ thế này, chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ sẽ về đến Hà Nội. Quang để chiếc hòm gỗ ra đằng sau, anh ngồi lên ghế trước, cùng nói chuyện tài xế cho cả hai đỡ buồn ngủ. Phen này anh vớ được thứ còn quý hơn cả vàng rồi, nên Quang vui lắm, cứ bi bô luôn mồm chuyện trên trời dưới bể với tài xế. Huy cũng vui vẻ đáp lại câu chuyện nhiệt tình.

Bỗng dưng, Quang thấy tài xế Huy yên lặng hẳn, rồi từ từ giảm tốc độ, tai như đang nghe ngóng một điều gì đó. Đoạn, Huy quay sang nói với Quang:

- Anh ơi, có cái gì cứ bám đằng sau xe mình, cách khoảng chục mét kìa, em mới để ý thấy.

Quang giật mình, anh quay sang nhìn Huy thì thấy anh tài xế mặt tái nhợt, như đang sợ hãi một điều gì đó. Chưa kịp để Quang lên tiếng, tài xế Huy run rẩy:

- Anh nhìn xem, hay là em bị hoa mắt...

Quang rùng mình trước câu nói của Huy, anh cố căng mắt nhìn qua gương chiếu hậu. Đường tối thui, chỉ có ánh trăng chiếu lờ mờ, cùng chút ánh sáng yếu ớt của đèn hậu xe oto. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ để để Quang nhìn rõ, một con vật bốn chân đen xì, hai mắt đỏ ngầu sáng quắc sang đuổi theo xe họ.

Tóc gáy Quang dựng đứng lên, một dự cảm không lành xoáy thẳng vào trong não anh. Quang cứng họng không nói lên lời.

- Anh Quang, có phải hổ không? Tài xế Huy lắp bắp.

Thế nhưng, liền sau câu hỏi đó của Huy, cả hai cùng nghe thấy một tràng âm thanh chát chúa vang dội bên tai:

- Gâu.....Gâu....Gâu....

Quang run rẩy, quay sang Huy nói:

- Chó....chó...sao nó đuổi được thế này, mày tăng tốc lên đi Huy...

Tài xế Huy đạp vội chân ga, chiếc xe vọt lên tới 90km/h.

Nhưng...Những tiếng chân chạy thình thịch vẫn văng vẳng bên tai hai người đàn ông. Một lần nữa, Quang cố đưa mắt nhìn vào chiếc gương chiếu hậu nhìn về đằng sau. Con vật đã áp sát khá gần xe. Cảnh tượng kinh hoàng ấy khiến Quang hét lên:

- Không..... Nhanh nữa lên...

Quang như điên loạn quay sang phía Huy. Anh vừa nhìn thấy rõ ràng là một con chó to như con bê con, toàn thân nó lông đen xì, bờm xờm như gấu, hai mắt nó thì đỏ au, trông như bóng đèn quả nhót đỏ lòm hay thắp trên bàn thờ, mồm nhễu nhão nước nhãi, đang hùng hục muốn chồm lên xe.

Chiếc xe lúc này đã vọt lên tới hơn trăm cây số trên giờ. Trong cơn hoảng loạn, Quang và người tài xế không nghe thấy trong xe một có một tiếng động lạ: Choang choang choang... Không ai dám nhìn về đằng sau, chỉ hướng về đằng trước mong bắt gặp một chiếc xe đi ngược chiều, hay ánh điện của một ngôi nhà... nhưng đường ở tỉnh miền núi cứ thăm thẳm, hun hút, như không thấy đích đến... Trong xe lúc này căng thẳng đến tột độ.

- Anh Quang, nó chạy mất rồi.

Tài xế Huy đột ngột lên tiếng làm cho Quang giật mình. Anh hé mắt nhìn ren rén qua gương chiếu hậu, con vật đã biến mất. Quang thở phảo một cái rồi nói:

- Trời ơi, chuyện gì vậy? Em cứ giữ nguyên tốc độ, gặp nhà dân thì hãy dừng lại nhé.

Quang cơn hoảng loạn, tài xế Huy chưa kịp định thần, vừa nói vừa thở hồng hộc:

- Vâng, anh ơi, mình vừa gặp ma...

Chưa kịp nói hết câu, cả Quang với Huy đều cứng họng, mắt hai người trợn tròn như muốn nổ tung ra. Qua ánh đèn pha xe hơi, cả hai đều nhìn thấy rõ con vật gớm ghiếc kia đang đứng lù lù trước mũi xe hai người tầm hai chục mét. Trong tích tắc, con vật nhảy chồm lên đầu xe, Huy và Quang chỉ kịp hét lên:

- Không, cứu tôi với....

Chiếc xe phanh gấp đến cháy cả nhựa đường, rồi mất lái, đâm sầm vào vách núi đá bên đường.

...

Hai ngày sau vụ tai nạn...

Cả Huy và Quang đều đang bất tỉnh nằm trong bệnh viện ở Hà Nội. Qua chụp chiếu, cả hai người đều không bị tổn thương não bộ, nhưng não bị chấn động mạnh nên vẫn trong trạng thái mê man. Chiếc xe hư hỏng toàn bộ phần máy, sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường và kết luận: Tài xế ngủ gật dẫn tới mất lái, đã được trao trả cho gia đình cùng với đồ đạc trong xe. Thật may cho Quang, người ta không để ý đến vật làm bằng kim loại, đã bị văng ra khỏi hòm gõ, nằm lăn lóc dưới gầm xe.

Đồ đạc của Quang trên xe ô tô được bàn giao lại cho Hạnh - vợ Quang. Với người không hiểu, vật kim loại kia như một thứ vô tri. Nhưng sống cùng một tay chơi đồ cổ hàng chục năm, Hạnh nhìn là cũng đoán được đó là một món đồ có giá trị, dù cô không hiểu gì về nó, nên cô mang về nhà cất cẩn thận.

Cũng đã ba ngày nay, Hạnh nghỉ việc ở nhà chăm sóc chồng, mấy đứa con cô gửi sang ngoại. Quang và tài xế Huy cùng nằm chung trong phòng hồi sức cấp cứu, người nhà Huy cũng cùng Hạnh chăm sóc hai người.

...

Hôm nay đã là ngày thứ ba Quang và Huy vẫn ở trạng thái mê man, dù các bác sĩ không hề đưa ra những tiên lượng xấu, nhưng Hạnh vẫn vô cùng lo lắng, giờ Quang mà có mệnh hệ gì, mẹ con cô không còn biết trông cậy vào đâu.

Ngồi nói chuyện chán chê với người nhà Huy, Hạnh lấy điện thoại ra nghịch. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn thường hay xem những video ngắn trên mạng. Nhưng giờ đây, giữa khung cảnh bệnh viện với biết bao nét mặt rầu rĩ, ảm đạm, Hạnh làm gì còn tâm trạng để chú tâm vào điện thoại, cô chỉ lướt qua để giết thời gian.

Hạnh dừng ở video mà người ta quay một đàn chó vô cùng dễ thương đang đứng trước cửa nhà, thỉnh thoảng có người lạ đi qua, đàn chó đó lại tru tréo lên sủa: "Gâu gâu". Hạnh bất chợt mỉm cười, cô vốn là người yêu động vật. Tiếng sủa phát ra trong điện thoại mỗi lúc một chát chúa, dày đặc...

- Cứu ...cứu tôi với...

Tiếng hét lớn phát ra từ giường Quang, Hạnh giật mình đánh rơi điện thoại, chạy nhanh lại phía giường chồng mình. Cô kinh hoàng khi nhìn thấy mắt Quang vẫn nhắm nghiền mà toàn thân quẫy đạp dữ dội. Tay anh cứ chới với vào trong không chung, như đang xua đuổi cái gì đó vô cùng khủng khiếp trước mặt.

"Gâu...Gâu...". Tiếng chó sủa phát ra từ chiếc điện thoại của Hạnh mỗi lúc càng dồn dập...

Tài xế Huy nằm ở giường ngay bên cạnh cũng lâm vào tình trạng tương tự giống như Quang. Tất cả những người trong phòng hoảng hốt, lao đến giữ chặt tay chân hai người đàn ông như thể đang trong trạng thái động kinh. Hạnh lúc này không thể bình tĩnh, cô vẫn ghì lấy người chồng và nói lớn:

- Bác sĩ ơi... Ai đó gọi bác sĩ giúp tôi...

Hạnh lấy hết sức bình sinh giữ lấy người chồng, thế nhưng dù có cố gắng đến mấy, sức đàn bà làm sao so được với một người đàn ông trung niên cường tráng. Hạnh lúc này đã bải hoải, rệu rã cả chân tay, thì bỗng Quang vùng dậy, hất tung cô ngã ngửa ra đằng sau:

- Cứu tôi với... Nó định giết tội...

Quang mắt nhìn về nơi phát ra tiếng chó sủa, liền ngay lúc đó, Huy cũng đã tỉnh, miêng liên tục phát ra những câu u ớ nghe không rõ nghĩa. Hai người đàn ông đang ở trạng thái kích thích đến cực độ, nét mặt họ hoảng sợ, như thể đang bị cái gì đó dọa dẫm. Căn phòng bệnh trở nên hỗn loạn. Ngoài cửa, những người tò mò đang bu lại xem, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Sau cú ngã ngửa suýt đập đầu xuống đất, dù đang rất ê mông, nhưng Hạnh đã lấy lại được bình tĩnh. Cô gào lớn:

- Quang, em đây mà. Có em em đây rồi, anh đừng sợ...

Hạnh ngồi dạy, lao đến bên chồng. Chân cô dẫm vào cái chiếc điện thoại đang nằm lăn lóc dưới đất. Một tiếng bép vang lên, chiếc điện thoại bẹp dúm, và tắt ngúm.

Như có một điều thần kỳ xảy ra: Tiếng chó sủa vừa dứt, cả Quang và Huy bỗng khựng lại, mặt thất thần. Hai người từ từ đưa mắt nhìn nhau, ngơ ngác,..., rồi òa khóc.

- Nào, mọi người giải tán hết đi, có chuyện gì thế này?

Tiếng bác sĩ khô khốc vang lên, đám đông bên ngoài tản mát hết. Bác sĩ tiến vào phòng, hỏi thăm tình trạng Quang và Huy. Vừa thăm khám, bác sĩ vừa nói:

- Tỉnh như thế này là tốt rồi, giờ đi chụp chiếu não đồ, Xquang các bộ phận. Nếu không làm sao thì ngày kia là xuất viện được rồi.

Hạnh rân rấn nước mắt hỏi bác sĩ:

- Lúc nãy người nhà cháu như động kinh vậy, đầu óc liệu có ảnh hưởng gì không bác sĩ?

Bác sĩ đáp:

- Cái đấy phải chụp phim mới biết được. Giờ cô thu dọn qua rồi đỡ anh ấy, cùng cậu kia nữa đi đến phòng Xquang nhé.

Hạnh quệt nước mắt, nghe theo lời bác sĩ. Thật may, Quang và Huy chỉ bị chấn động về tinh thần, các bộ phận trên cơ thể hoàn toàn không bị tổn thương, chỉ có vài vết xước sát do va đập. Bác sĩ cho hai người thuốc an thần, dặn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, và chỉ phải ở lại viện thêm một ngày để theo dõi thêm.

Từ lúc Quang và Huy được người nhà dìu đi khám, cả hai người vẻ mặt như mất hồn, chỉ hỏi gì đáp nấy. Hạnh cũng không hỏi han gì nhiều, sợ lại động chạm đến cú sốc của chồng. Sau khi uống thuốc an thần, cả hai ngủ li bì.

...

Giờ đã là 12h đêm, Hạnh và người nhà Huy gục ngủ bên giường sau một buổi chiều mệt mỏi vật vã. Trong phòng đã tắt hết đèn, chỉ có ánh điện loang loang từ ngoài hành lang hắt vào. Bệnh viện về đêm yên tĩnh lắm, tịnh không có tiếng người, chỉ có tiếng dế trong những bồn cây lao xao vọng vào đều đều như hát ru.

Quang cựa mình, rồi choàng tỉnh. Anh dụi mắt mấy cái, rồi dần ý thức khung cảnh xung quanh mình. Hạnh vẫn ngủ li bì. Quang thấy toàn thân nhức mỏi, bụng đói cồn cào. Anh biết kiểu gì trong tủ đầu giường, Hạnh sẽ để rất nhiều đồ ăn ở đó. Nhưng anh không muốn bước ra khỏi giường bệnh, vì sợ mọi người thức giấc.

Dưới ánh đèn hiu hắt, Quang thấy mặt Hạnh xanh xao, gầy tọp đi. Chắc mấy hôm nay cô lo lắng nhiều lắm. Quang khẽ thở dài, rồi nhìn ra phía cửa kính khép hờ. Đầu anh đang mường tượng lại những câu chuyện xảy ra mấy hôm trước, tất cả như một cuốn phim đầy hoang hoải, kỳ bí... Lúc chiều khi đầu còn lơ mơ, anh có nghe Hạnh nói qua về tình hình hiện tại, đồ đạc của anh cũng đã được cất về nhà. Vậy là Quang yên tâm lắm rồi. Quang định bụng khi nào xuất viện sẽ nhanh chóng tống khứ món đồ thổ tả ấy đi cho một nhà sưu tập khác, kẻo nó đã mang đến cho anh quá nhiều tai họa.

Đang vẩn vơ suy nghĩ, Quang nghe tiếng bước chân ngoài hành lang bệnh viện từ xa xa vọng tới. Anh cũng không thấy lạ, bởi đây là chốn công cộng mà. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, rồi đến cửa phòng bệnh nơi anh đang nằm thì đột nhiên dừng lại.

Quang nheo mắt nhìn ra phía cửa ra vào của phòng bệnh đang khép hờ. Nửa bên trên của cánh cửa là kính, anh thấy một người đàn ông đang đứng đó và nhìn vào bên trong. Phòng thì tối om, chỉ có ánh điện ngoài hành lang hắt vào, thành thử ra nửa thân trên của người đàn ông đó che đi nguồn sáng duy nhất. Quang không nhìn rõ đó là ai. Trong thoáng chốc, anh nghĩ đó có thể là đang trong ca trực của một bác sĩ nào đó đang đi kiểm tra tình hình của bệnh nhân, hoặc cũng có thể là bảo vệ bệnh viện đi kiểm tra tình hình an ninh...

Nhưng kỳ lạ thật, người đàn ông đó cứ đứng ở cửa nhìn vào trong phòng. Hay đây là người nhà của bệnh nhân nào đó muốn nhờ vả gì, thấy phòng tối nên họ ngại vào nhỉ... ý nghĩ đó lại hiện lên trong đầu Quang.

Bỗng... cửa chầm chậm rung lên... Một bàn tay lách qua khe cửa, vẫy vẫy. Những tia sáng yếu ớt theo đó mà xiên vào phòng, hiện rõ nét nhăn nheo trên mu bàn tay. Chắc chắn đây là người nhà của bệnh nhân nào đó rồi... Quang nghĩ vậy và anh không lên tiếng, khẽ khàng bò ra khỏi giường tiến về phía cửa. Anh sợ mọi người thức giấc nên đi nhẹ lắm và thẽ thọt:

- Có chuyện gì vậy ông? Cháu...

Chưa nói dứt câu, họng Quang như bị chặn lại, hai mắt Quang trợn tròn, mồm há hốc ra lắp bắp:

- Ông... Ông Tẩn, sao...sao ông lại ở đây... ơ ..ơ... ông làm sao thế này?

Trước mặt Quang là ông Tẩn – người đã bán thanh kiếm cổ cho Quang. Toàn thân ông bê bết máu, quần áo rách như bươm như vừa thể bị cào cắn. Khắp mặt ông Tẩn đầy vết xước sát, và đặc biệt, ở cổ in hằn một vệt cắn sâu hoắm của răng loài thú sắc nhọn, đang không ngừng tuôn máu.

Quang lúc này như hóa đá, anh muốn mở tung cửa để xem tình hình của ông Tẩn thế nào, mà không sao nhúc nhích nổi. Một luồng gió lạnh thổi vút một cái qua khe cửa, Quang nghe loáng thoáng lời ông Tẩn thảng thốt trong tiếng gió:

- Trả đi, trả đây... cầm tiền về đi...

Tiếng nói của ông Tẩn như mũi kiếm xoáy thẳng vào đầu Quang khiến anh buốt tận óc.

Quang vùng vẫy gào lớn, rồi ngất lịm...

Trong cơn mộng mị, Quang thấy ông Tẩn cầm bọc tiền bê bết máu, bò lăn bò toài phía sau anh, để xin chuộc lại thanh kiếm.

Anh thấy cả ông nội, cầm chiếc ba toong quất vào đít anh như thời niên thiếu, ông liên tục la mắng: Sao mày không nghe lời tao...

...

Tiếng người nói chuyện lao xao...

Tiếng dụng cụ y tế làm bằng inox va vào nhau, loẳng xoẳng...

Cả mùi clo sát trùng bốc lên nồng nặc...

Những tia nắng đã lên cao, xiên cả vào phòng bệnh, khiến Quang tỉnh giấc. Anh nheo nheo mắt vì chói. Vừa đúng lúc đó, Hạnh mang cặp lồng cháo vào, cô hồ hởi:

- Anh thấy trong người thế nào rồi? Qua mơ gì mà cứ ú ớ cả đêm vậy?

Thì ra tất cả chỉ là giấc mơ. Quang không trả lời Hạnh. Anh ngồi dậy, nhìn quanh quất phòng rồi ngơ ngác hỏi:

- Thằng Huy đâu rồi?

Hạnh đưa cặp lồng cháo cho Quang, rồi đáp:

- Người nhà nó đưa về từ sớm rồi. Nay bác sĩ cho xuất viện mà. Em cứ để cho anh ngủ thoải mái, rồi vợ chồng mình thư thả về.

Quang ăn ngấu nghiến vì cũng đói lắm rồi. Hạnh ngồi cạnh than thở:

- Nhà cửa mấy hôm nay không biết thế nào, em cứ khóa cửa để đấy, con gửi sang ngoại. Đồ của anh em gom cả vào để ở góc nhà ấy.

Ăn uống thu dọn xong xuôi, hai vợ chồng Quang nhanh chóng làm các thủ tục xuất viện. Nhà Quang cách viện khoảng chục cây số, chỉ một loáng hai vợ chồng đã dắt díu nhau về đến nơi. Vừa mở cửa nhà, hai vợ chồng đã nhăn nhó vì mùi hôi thối xộc ra. Quang nhăn mặt:

- Mẹ kiếp, khéo chuột chết trong nhà rồi, kinh quá.

Hạnh cũng khụt khịt, rồi lên tiếng trấn an:

- Thì vắng nhà đến mấy ngày cơ mà, anh vào nghỉ đi, để em thu dọn dần, rồi còn đón con về nữa chứ.

Việc đầu tiên là Quang lao đến góc nhà, nơi Hạnh đã cất đồ cho anh. Hạnh thì đang lúi húi ở ngoài, soi các ngóc ngách xem có xác con chuột nào không, cô giật mình khi nghe tiếng chồng nói lớn:

- Em cất đồ của anh kiểu gì mà bung bét hết ra thế này?

Những đồ đạc trên xe ô tô của anh còn nguyên vẹn, mà chiếc hòm gỗ bung cả nắp, thanh kiếm thì lăn lóc dưới đất. Tấm vải đỏ cũng rách bươm rách nát. Quang cúi xuống cầm chiếc hòm lên.

Mắt anh sáng rực.

Lúc này Quang mới nhìn thấy vẻ đẹp của chiếc hòm gỗ cũ mèn mà dưới ánh lửa bập bùng trong căn nhà gỗ của ông Tẩn anh chưa kịp nhìn rõ. Nó được điêu khắc họa tiết tinh xảo như trên những chiếc áo thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Đặc biệt, chiếc hộp còn tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng. Đây chắc chắn là gỗ quý rồi. Phen này quang vớ được một lúc hai bảo vật, lời to rồi.

Quang rón rén nhặt thanh kiếm lên rồi cho lại vào hộp. Đoạn, anh vớ lấy cái điện thoại đã hết sạch pin, cắm sạc, khởi động nguồn rồi vứt trên mặt bàn.

Bỗng, Quang khịt khịt mũi... Hình như mùi hôi thối tỏa từ tầng trên xuống thì phải... Quang bước lên cầu thang, vừa đi vừa đánh hơi. Thứ mùi đó phát ra từ tầng 4, nơi nhà anh đặt phòng thờ.

Vừa bước chân vào phòng thờ, Quang sững sờ. Ba bát hương mà gia đình vẫn hương khói đã vỡ tan tành dưới đất tự lúc nào, đồ khí tự vương vãi khắp phòng. Thật kỳ lạ, những đồ gốm sứ cổ vật mà anh để trên giá xung quanh phòng thờ lại không mảy may hề hấn gì... Quang tiến lại gần bàn thờ bằng gỗ để xem xét, thấy toàn những vết móng cào cấu xước hết mặt bàn gỗ. Và đây, thứ tỏa ra mùi hôi thối kia là một đống bầy nhầy như rãi rớt của con vật gì đó còn vương lại loang lổ trên mặt bàn, và cả dưới chân anh.

Quang chợt nổi tóc gáy... Chuyện gì đang xảy ra thế này? Nó chưa buông tha anh sao? Và cả giấc mơ đêm qua nữa. Nghĩ đến đây, Quang không giữ được bình tĩnh mà vùng chạy xuống nhà. Quang nói trong hơi thở gấp gáp:

- Em ở nguyên đó. Đừng làm gì nữa cả.

Thấy chồng nói mà mặt trắng bệch như không còn một giọt máu, người thì run lẩy bẩy, cô cảm thấy điều bất an đang bao trùm lấy ngôi nhà mình. Hạnh nói trong run rẩy:

- Có chuyện gì thế anh... Nhà mình...

Chưa dứt câu thì cả hai vợ chồng giật nảy mình, bởi tiếng chuông từ chiếc điện thoại của Quang đang sạc dở cất lên. Như để vợ khỏi phân vân về thái độ kỳ lạ của mình, Quang cố ý lao nhanh vồ lấy chiếc điện thoại, ra hiệu vợ đứng yên. Thì ra là cuộc gọi đến từ Tân trố.

- Alo... Anh Quang à, làm gì mà từ hôm anh về, em không liên lạc được với anh vậy? Tân hấp tấp nói như sợ ai cướp mất lời mình.

Quang đảo mắt nhìn cô vợ đang ngơ ngác, rồi cố tỏ ý bình thản nói:

- Mày đang ở đâu? Tao cũng có việc muốn gặp mày đây?

Tân đáp lời:

- Đêm đấy, anh về một cái, là sáng hôm sau em đưa ông Tẩn xuống Ngân hàng nông nghiệp dưới thị trấn, gửi tiền cho con ông ấy. số tiền còn lại em bảo ông ấy làm cái sổ tiết kiệm. Xong em cũng về Hà Nội luôn.Mà có chuyện không ổn anh ạ.

Quang hỏi dồn:

- Có chuyện gì hả? Tao cũng đang vô cùng bất ổn đây?

Tân vội đáp:

- Em về được hai hôm, thì người trên bản gọi điện báo ông Tẩn bị thú rừng cắn, mà không biết là con gì anh ạ. Xong còn lên cơn dại mấy hôm nay rồi, không khéo chết mất. May lúc em về, ông ấy còn khỏe mạnh, không cũng bị liên lụy.

Tân bần thần không nói lên lời. Một lần nữa đầu anh vang lên câu hỏi: Chuyện quái gì đang diễn ra thế này. Tất cả những sự việc xảy ra mấy hôm nay, nguyên nhân hình như bắt nguồn từ thanh kiếm...

- Alo...alo, anh còn nghe máy không vậy? Giọng Tân hoảng hốt.

Quang cúp máy cái rụp, rồi anh bấm điện thoại, gửi cho Tân một dòng tin nhắn: "Hai tiếng nữa có mặt ở nhà tao nhé. Có việc gấp". Rồi Tân nhanh chóng giục vợ lấy hết quần áo và một số đồ dùng cần thiết để sang nhà ngoại ở mấy hôm. Mặc cho Hạnh còn ngơ ngác, xen chút hoảng sợ, Tân khẩn trương hết sức. Hắn hứa với vợ, chỉ một hai ngày sau, khi giải quyết xong, sẽ cho vợ biết tất cả mọi việc.

Tiễn vợ lên taxi xong, Quang mở toang cửa tầng 1 và ngồi chờ. Chỉ một lúc sau Tân trố đã tới... Quang kể cho Tân nghe về những sự việc mà anh đã gặp phải trong mấy ngày qua, từ vụ tai nạn xe do con chó ma, đến hình ảnh ông Tân hiện về, rồi cả chuyện bàn thờ nhà hắn... Tân trố nghe xong liền hoảng hốt:

- Đối với người Dao, chó là thần đấy anh ạ. Chó thần đòi lại kiếm, phen này anh em mình nguy to rồi.

Trong lúc chờ đợi Tân, Quang đã suy tính rất nhiều. Anh hiểu câu chuyện mà Tân nói. Vốn dĩ người dân tộc Dao có tục thờ chó, bởi họ quan niệm rằng, tổ tiên của họ tên là Bàn Vương – vốn là loài long khuyển dũng mãnh. Trong cuộc thiên di đầy bi tráng qua biển Đông để đến với đất Việt, cũng chính loại chó đã cứu họ khỏi nạn đắm thuyền. Hàng năm, người Dao còn tổ chức lễ cúng Bàn Vương để tưởng nhớ đến tổ tiên của mình. Thanh kiếm mà Quang đang sở hữu, chính là vật phẩm biểu trưng cho sức mạnh của Bàn Vương, bảo vệ dân tộc Dao khỏi sự đe dọa của ma quỷ, tà ác nơi thâm sơn cùng cốc...

Những người chơi, hay tay buôn đồ cổ như Quang, hiếm khi quan tâm đến chuyện tâm linh của món đồ cổ. Kỳ thực, những đồ họ mua, nếu không xuất phát từ chùa chiền miếu mạo, bàn thờ tư gia, thì cũng là đào lên từ mộ cổ. Vạn vật hữu linh, phàm đồ vật vô tri nhưng càng lâu đời, càng có thần khí. Nhưng nếu cứ quan tâm đến xuất xứ của món đồ ở đâu, hay như thế nào, thì có lẽ Quang đã chẳng theo được nghề này.

- Giờ anh tính sao đây anh Quang?

Tiếng Tân trố cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của Quang. Quang đã có cách, bởi trong lúc chờ Tân đến, anh đã suy nghĩ nát óc.

- Mày thuê một cái xe ô tô, chở tao và thanh kiếm lên bản, trả lại cho người ta.

Tân run rẩy:

- Thế còn tiền thì sao anh? Anh đòi lại ư?

Quang gằn giọng đáp:

- Không, tao có cách rồi...

...

Mấy hôm nay, cả bản Qua như náo loạn vì chuyện của ông Tẩn. Số là khi thằng Tân trố vừa về xuôi được hai hôm, thì dân bản phát hiện ông Tẩn nằm gục trong nhà, trên cổ có vết thương do bị con gì đó cắn. Sau đó ông như lên cơn động kinh, bò bằng bốn chân chạy quanh bản, mồm miệng sùi bọt mép trắng xóa.

Thanh niên trong bản xúm vào giữ ông mà không sao giữ nổi. Được nửa buổi, ông Tẩn cứ tự cào cấu khắp thân thể đến be bét cả máu, rồi bất tỉnh. Dân bản cho ông lên xe bò, xuống bệnh viện dưới trung tâm huyện. Nằm viện được một hôm, ông tắc thở.

Dân bản lại chở xác ông về trên chiếc xe bò về mai táng. Thế quái nào mà vừa bê ông vào nhà, đám thanh niên tuột tay đánh rơi cái xác phịch một cái xuống đất, miệng ông Tẩn trào ra một ngụm máu tươi, rồi lại thoi thóp thở. Nghĩ ông Tẩn cũng chẳng còn sống được bao lâu, nhưng còn nước thì còn tát, họ hàng và dân bản Qua mời thầy cúng về làm lễ chữa bệnh cho ông.

Trời tối mịt, Tân và Quang mới lên tới bản Qua.

Tân bước vào căn nhà gỗ của ông Tẩn trước. Quang ôm thanh kiếm được bọc lại trong vải đỏ lúi húi bên ngoài một lúc lâu rồi mới theo vào sau. Vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, Quang đã rùng mình bởi một mùi tanh hôi, giống hệt thứ mùi phát ra từ phòng thờ nhà Quang, xộc thẳng vào mũi.

Một khung cảnh mộng mị hiện ra trước mắt Quang.

Dưới ánh lửa bập bùng, thầy mo mặc trang phục đỏ rực rỡ đang nhảy múa những vũ điệu thật kỳ lạ. Tay ông ta cầm một chiếc chuông rung qua rung lại, miệng lẩm nhẩm đọc liên hồi những câu thần chú trầm bổng bằng tiếng dân tộc. Xung quanh là mấy người họ hàng nhà ông Tẩn. Người thì đang bỏ những vỏ cây rừng vào chiếc bát men trắng có than hồng, tạo khói nghi ngút, người thì cắt tiết con gà trống, hòa vào bát rượu, rồi ngậm vào miệng mà phun khắp nhà.

Khung cảnh liêu trai đó được hòa trộn bằng tiếng kèn "pí lè" rền rĩ. Theo quan niệm của đồng bào người Dao, lễ cúng này là để thầy mo làm lễ đón mời ma nhà, mời Bàn Vương về để đuổi con ma bệnh ra khỏi người ông Tẩn.

Ông Tẩn đang nằm thoi thóp trên giường được kê sát bàn thờ, mình mẩy đầy vết xây xát, cắp môi tím tái. Tân trố rơm rớm nước mắt ngồi cạnh, nắm lấy bàn tay ông Tẩn. Một người phụ nữ, áng chừng là họ hàng nhà ông, cũng có quen biết với Tân mới than thở:

- Khổ lắm ố, không gọi được thằng con trai về chú Tân ạ.

Nghe đến đây, Tân không trả lời, hắn bắt đầu sụt sùi. Người phụ nữ kia mới nói tiếp:

- Phải chi tìm được thanh kiếm, thì mới đuổi được con ma bệnh đi...

Bỗng tiếng kèn dừng bặt, ông thầy mo ngồi phịch xuống đất rồi than lên rằng:

- Phải rồi, không tìm được kiếm là không thành đâu...

Tân đánh mắt sang nhìn Quang ái ngại, không thể để cho mọi người biết ông Tẩn đã bán thanh kiếm, và hiện giờ thanh kiếm đang ở trong tay một người lạ như Quang. Nếu không, cả Quang và Tân sẽ khó lòng mà nguyên vẹn về được dưới xuôi. Tân mới nói to với mọi người, nhằm lấp đi sự bối rối của mình:

- Thế kiếm để đâu mà không tìm ra?

- Không biết nó giấu ở đâu đấy, tìm cả chiều rồi lố. Người phụ nữ lắc đầu ngao ngán.

Quang khẽ gật đầu với Tân rồi đáp lời luôn:

- Vậy mọi người đốt đuốc, tìm lại một lần nữa xem sao, còn nước còn tát.

Trong lúc mọi người đang lúi húi tìm, Quang cố tình nói lớn:

- Đã tìm trên nóc nhà chưa? Ông ấy giấu trên đấy thì sao?

Tân trố chợt bừng tỉnh. Quang quả không hổ danh là một tay buôn đồ cổ lão luyện. Quang đã tính trước chuyện này. Thì ra, trong lúc Tân vào trước, Quang đã lúi húi đưa thanh kiếm được bọc vải đỏ lên nóc nhà ông Tẩn. Nhà gỗ của đồng bào thì thấp lè tè. Quang đứng trên nóc ô tô là để lên đó được...

Thanh kiếm nhanh chóng được đưa xuống. Trời đã tang tảng sáng, ông thầy cúng run rẩy cầm thanh kiếm báu rê nhẹ quanh giường nơi ông Tẩn nằm. Tiếng những đồng xu ở chuôi kiếm va vào nhau leng keng, như tiếng gọi thức tỉnh linh hồn, đuổi mọi tà ác.

- Gâu ... Gâu ... Gâu

Tiếng chó sủa một hồi từ trên tận nơi cao nhất của bản bỗng vọng xuống, làm tất thảy đều giật mình... Thấy vậy, thầy mo kính cẩn đặt thanh kiếm lên bàn thờ, thở phào nhẹ nhõm nói:

- Nó sẽ sống. Tổ tiên cứu nó rồi...

Đúng như vậy, chỉ một lát sau, ông Tẩn đã tỉnh táo và húp hết sạch một bát cháo. Quả là thần nào đất ấy. Dù khoa học kỹ thuật đã phát triển vô cùng, nhưng trong thế gian vẫn có những điều chưa thể lý giải, nhất là ở những nơi thâm sơn cùng cốc...

...

Vài ngày sau

Quang vừa bán chiếc hòm gỗ đã từng đựng thanh kiếm cho một nhà sưu tập người Đài Loan với giá gần tỷ đồng. Chiếc hòm được làm bằng gỗ trầm hương, thứ mà người Tàu rất thích và không tiếc khi xuống tiền, nhất là nó lại là đồ cổ.

Quang đã giữ đúng lời hứa khi không lấy lại của ông Tẩn một xu nào cả, và số tiền thừa anh sửa xe, bồi dưỡng một chút cho tài xế Huy và Tân trố.

Thanh kiếm của người Dao – đó có lẽ cũng là cổ vật, cũng như kỷ niệm cuối cùng để Quang gác lại sự nghiệp đồ cổ lẫy lừng của mình.

Hoàng Tuấn Dương

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top