CHƯƠNG 1: THÂN PHẬN THAY ĐỔI


Năm 1054, năm Long Thụy Thái Bình thứ nhất, phủ Tín Nghĩa Hầu.

"Bẩm lão phu nhân, nô tỳ có chuyện quan trọng cần bẩm báo!"

Âm thanh của của cô gái từ ngoài cửa, phá vỡ không khí ngưng trọng trong phòng. Lão phu nhân Lý thị mở mắt, tay dừng lần tràng hạt, liếc nhìn nha hoàn Xuân Yến đang hầu bên cạnh. Xuân Yến đang cúi đầu đứng bên giường tháp của lão phu nhân, thấy được liền nhận lệnh bước ra ngoài mở cửa.

Bên ngoài Trường An viện, trời tối đen như kịt, mưa rơi lất phất, mấy hôm nay trời oi bức, ban ngày nóng không chịu nổi, không ngờ tới tối lại thay đổi, bắt đầu đổ mưa lất phất, mưa ít nhưng gió lại thổi rào rạc, hàng cây đung đưa như hồn ma bóng quế khiến lòng người bất an. Bình thường giờ này lão phu nhân đã lên giường nghỉ ngơi, bà đối với nếp sống thích tuân theo thói dưỡng sinh, ăn ít ngủ sớm dậy sớm, các nha hoàn hầu hạ bên cạnh cũng được nghỉ ngơi sớm theo bà. Nhưng hôm nay trong phủ Tín Nghĩa Hầu xảy ra chuyện lớn động trời, lão Hầu gia Đào Cam Mộc lại không có ở nhà, Đại gia Đào Xử Trung đang nhậm chức Thái bảo bận công vụ trong cung, nên lão phu nhân phải ra mặt xử lý đến giờ vẫn chưa xong.

Xuân Yến vén rèm mở cửa bước ra ngoài, liền nhìn thấy Thu Phong đang đứng trên hành lang, sau lưng nàng là một bà già đang run rẩy quỳ dưới đất. Xuân Yến không hiểu hỏi:

"Chị Thu Phong, chẳng phải chị và bà Lê đang theo dõi việc thẩm vấn Trần thị sao? Chẳng lẽ Trần thị đã nhận tội rồi à?

Vừa dứt lời, Xuân Yến mới phát hiện Thu Phong cũng đang run rẩy không kém bà già kia. Xuân Yến và Thu Phong là hai đại nha hoàn thân cận hầu hạ lão phu nhân, cả hai đều là trẻ mồ côi được bán vào phủ cùng năm, nghe tên hai người là rõ, một chim yến mùa xuân, một làn gió mùa thu, đều là tên được lão phu nhân ban cho, coi như là quen biết nhau rất lâu. So với Xuân Yến lanh lợi, thì Thu Phong trầm tính thận trọng hơn nhiều, rất được lão phu nhân yêu thích, trọng dụng, nên việc hôm nay lão phu nhân mới giao cho bà Lê là cung nữ theo hầu bà từ trong cung đến lúc già và Thu Phong tra xét. Theo hầu lão phu nhân lâu, trải qua nhiều việc, mấy năm nay Thu Phong rất ít khi thay đổi sắc mặt rõ ràng đến như thế này, còn run rẩy tựa như đang hoảng sợ.

"Việc rất cấp bách, quan trọng, Xuân Yến em mau để chị vào." Thu Phong nặng nề nói.

Xuân Yến nghe vậy liền tránh khỏi cửa nhường lối cho nàng ta vào. Thu Phong liền nhanh chân bước vào trong phòng. Nàng quên mất trầm ổn bình thường, bước vội tới chỗ lão phu nhân Lý thị cúi đầu. Lão phu nhân nhìn thấy dáng vẻ hấp tấp của nàng ta, biết là có chuyện lớn, liền hỏi:

"Có chuyện gì?"

Thu Phong liền ghé vào tai lão phu nhân nói thầm vài câu. Bỗng nhiên, tràng hạt trong tay lão phu nhân rơi xuống đất, vang một tiếng giòn tan. Bà mở to mắt, hỏi:

"Chuyện này có thật hay không, có phải là nàng ta biết mình phạm tội lớn, nên bịa chuyện hòng gây sóng gió trong phủ?"

"Bẩm lão phu nhân, chuyện này không phải do Trần thị nói, mà do một bà già hầu hạ trà nước trong viện Trần thị khai ra. Nô tỳ đã đưa bà già kia tới đây, đang quỳ ngoài cửa chờ gọi." Thu Phong trầm giọng nói.

"Mau gọi bà ta vào!"

Thu Phong nghe lệnh liền vội ra ngoài.

Hai người ở trên nói chuyện, Nhị phu nhân Đỗ Thị Thanh Dung và Nhị gia Đào Mạnh Đức nhìn thấy lão phu nhân thay đối sắc mặt, cả tràng hạt cũng rơi xuống đất, thì liền biết có chuyện lớn xảy ra. Sau khi Thu Phong ra ngoài, Nhị phu nhân liền đứng lên bước tới nhặt tràng hạt đặt lại trong tay lão phu nhân, bình thường chuyện nhặt đồ vật này không đến lượt chủ nhân như Nhị phu nhân phải làm, nhưng hôm nay xảy ra chuyện lớn, tôi tớ trong phủ đều bị đuổi ra khỏi phòng, ngay cả nha hoàn thân cận của Nhị phu nhân cũng vậy, chỉ để Thu Phong ở lại hầu hạ trà nước. Nhị phu nhân nhẹ giọng hỏi:

"Mẹ, có chuyện gì vậy ạ?

"Sao mẹ lại lo lắng như vậy?" Nhị gia cũng thắc mắc.

Lão phu nhân thở dài: "Chuyện này đợi tra hỏi rõ ràng cái đã."

Không bao lâu, Thu Phong dẫn một bà già bước vào. Bà ta quỳ xuống, run rẩy nói:

"Bà già này vái lạy lão phu nhân, Nhị gia, Nhị phu nhân."

"Bà mau kể lại rõ ràng một lần chuyện hồi nãy bà vừa nói với tôi cho chủ nhân nghe." Thu Phong nói.

"Bẩm các vị chủ nhân, già là Nguyễn Đinh thị, người hầu phòng trà nước trong Ngọc viện của thiếp Trần thị, có tay nghề pha trà ngon nên khá được thiếp Trần thị yêu thích, cho phép ở phòng nhỏ bên cạnh chủ viện để tiện hầu hạ. Vào một buổi tối nửa đêm cách đây khoảng 2 năm, già này bị đau bụng nên nhà xí, vì hôm đó trăng sáng nên già cũng không cầm theo đèn, lúc đi ngang qua chủ viện thì nghe thấy bên trong có tiếng quăng vỡ đồ. Sau đó là tiếng của Nhị Cúc nha hoàn thân cận của bà hai Trần: "Bà hai Trần đừng tức giận kẻo ảnh hưởng thân thể."

Sau đó già nghe được giọng tức giận của bà hai Trần: "Đáng lẽ năm đó lúc nàng ta sinh non đứa con gái nhỏ kia ta nên dùng gối đè chết nó luôn, để nàng ta chịu cảnh đau khổ mất con, chứ không phải không đành lòng nên đổi hai đứa nhỏ với nhau. Tuy giờ nàng ta nuôi con của người khác, yêu thương như châu báu, còn con gái ruột thì lưu lạc bên ngoài nhưng đứa trẻ kia e rằng vẫn còn sống. Bây giờ đứa con gái ti tiện Lan Nương kia vẫn mang danh con vợ cả, đè ép Minh Nương của ta một đầu, thật là đáng hận, Đại gia không thích ta đến Minh Nương cũng không được yêu thương bằng một phần con bé Lan Nương kia. Hôm nay Minh Nương chỉ lỡ miệng nói một câu tiện nhân nhỏ kia bị hủy dung, mà Đại gia đã phạt con bé tiền tiêu vặt một tháng, chép 10 lần kinh Phật, còn phải tới Quân Lan viện của con bé kia vái tạ lỗi, ta thật muốn giết chết hai mẹ con nhà đó."

Tiếp đó là tiếng Nhị Cúc hốt hoảng: "Bà hai Trần cẩn thận, kẻo tai vách mạch rừng, chuyện này mà lộ ra là cả bà hai và Thất tiểu thư đều không có đường sống." Sau đó già không nghe thấy hai người nói gì nữa. Tuy già tuổi lớn, nhưng mắt vẫn tinh tai còn tốt mấy lời đó bà hai Trần nói lúc tức giận nên lớn tiếng, già nghe thấy được rõ ràng. Già nghe xong liền bụng cũng không dám đau, sợ hãi lén chạy về phòng, có lẽ do già không cầm theo đèn nên không bị chủ tớ hai người phát hiện."

"Cái gì?" Nhị gia và Nhị phu nhân sửng sốt đồng thanh kêu lên. Hai vợ chồng nhìn nhau đều thấy trong mắt đối phương sự kinh ngạc không thể tin.

Tính tình Nhị phu nhân hấp tấp liền hỏi: "Nếu là chuyện của hai năm trước sao lúc đó bà không bẩm báo với chủ nhân, lại giấu tới bây giờ mới nói?"

"Bẩm Nhị phu nhân, Bà hai Trần tuy bề ngoài tỏ vẻ hiền lành, nhưng những người hầu hạ bên cạnh đều biết tính nàng ta độc ác, thích hành hạ người khác. Một nhà già này đều ở trong viện nàng ta làm việc, việc này già lại không có chứng cứ, chỉ là lời nói nghe lén được, thật sự không có gì để chứng minh. Bà hai Trần tuy không được Đại gia yêu thương, nhưng vẫn mang danh nửa chủ nhân, bình thường đối với bên ngoài cũng có tiếng hiền lành, thật sự già không dám nói ra , sợ cả nhà gặp phải độc thủ của nàng ta, chỉ dám giấu trong bụng. Hôm nay nàng ta phạm tội lớn bị phát giác, già này mới dám bẩm chuyện này lên. Xin các vị chủ nhân tha tội." Bà lão dập đầu khóc nói.

Ba vị chủ nhân trong phòng sững sờ. Nhị gia hoàn hồn lại trước tiên, đập bàn quát:

"Chuyện trọng đại liên quan tới huyết thống của phủ Tín Nghĩa hầu, mà bà dám giấu không báo, tội thật không nhẹ."

"Xin Nhị gia tha mạng, xin Nhị gia tha mạng!" Bà già dập đầu liên tục cầu xin.

"Nhị lang, chàng hãy bớt giận, chịu cấp bách hiện giờ là điều tra rõ chuyện này có thật hay không? Mẹ thân là An Quốc trưởng công chúa, cha lại là Tín Nghĩa Hầu khai quốc công thần, con cháu nhà họ Đào có mang một phần huyết mạch của hoàng tộc, không thể lẫn lộn." Nhị phu nhân Đỗ Thị Thanh Dung nhẹ giọng an ủi, khéo léo nâng ly trà tới cho chồng.

"Đúng vậy. Chuyện này liên quan tới vợ chồng Đại lang. Nay Đại lang theo lệnh bệ hạ ở trong cung tham dự xét duyệt tổng tuyển cử năm nay, mặc dù Tĩnh Nương đang bệnh, thì vẫn phải gọi nó tới, để nghe rõ chuyện này. Thu Phong, mi bảo Xuân Yến đến Tĩnh cư mời Đại phu nhân đến đây." Lão phu nhân phân phó.

"Dạ." Thu Phong nghe lời lui ra ngoài.

"Người đàn bà độc ác Trần thị này, hôm nay hạ độc chị dâu cả không thành, cứ tưởng rằng nàng ta giận quá nên làm chuyện ngu xuẩn, ai ngờ hóa ra nàng ta ác từ lâu. Quả thật là khó lường." Đào Mạnh Đức than thở.

"Ai bảo là không phải đâu. Bình thường thiếp không tiếp xúc nhiều với nàng ta, nhưng thấy nàng ta cũng hiền lành nhỏ nhẹ, thật không thể tin được. Nếu chuyện này là thật, thì e rằng chị dâu cả và anh cả sẽ chịu không nổi, bình thường Lan Nương là viên ngọc quý trên tay họ." Nhị phu nhân đang ở một bên xoa bóp thái dương cho Lão phu nhân nghe chồng nói vậy liền phụ họa theo.

"Chuyện chưa rõ ràng, không cần nói nhiều, đặc biệt không thể để Lan Nương biết, kẻo con bé đau lòng." Lão phu nhân nhắc nhở.

Nhị phu nhân vâng dạ, cũng biết rằng Lan Nương là đứa cháu gái con vợ cả nhỏ nhất của lão phu nhân, từ nhỏ được lão phu nhân yêu thương vô cùng.

Nhị phu nhân yên lặng xoa bóp cho lão phu nhân, còn bà thì nhắm mắt dưỡng thần, Nhị gia ngồi một bên uống trà, nhất thời trong phòng yên tĩnh, thoang thoảng mùi đàn hương, nghe rõ tiếng mưa gió ở bên ngoài.

--------

Tĩnh Cư.

Trên giường lớn gỗ hoa lê điêu khắc là một vị phu nhân đang nằm. Rèm giường được vén lên, bát thuốc trên bàn nhỏ bên cạnh vẫn còn bốc khói. Vị phu nhân mặt mày như tranh vẽ, khoảng 40 tuổi nhưng dáng vẻ vẫn rất xinh đẹp chỉ như 30, chỉ có điều sắc mặt trắng bệch trông không được khỏe lắm. Ngồi bên giường là một cô bé tầm 9-10 tuổi, mặc váy dài màu xanh lục đậm, áo khoác dài màu hồng cánh sen, tóc búi thành hai búi nhỏ hai bên đầu, cột bằng dây buộc màu hồng, treo hai lục lạc nhỏ bằng bạc tinh xảo, tai đeo hoa tai mã não màu thạch lựu, mặt trứng ngỗng, hai má tròn còn mang vẻ ngây thơ, nhưng đôi mắt phượng đen tròn cực kỳ sáng, nhìn bé thông minh lại xinh đẹp, cũng là một tiểu mỹ nhân. Khuôn mặt như đóa sen mới nở, dáng vẻ ngồi lại nghiêm túc thẳng tắp như nhành lan quân tử. Đây là Ngũ tiểu thư phủ Tín Nghĩa Hầu, Đào Lan Chi.

Đào Lan Chi gọi nha hoàn bưng chén thuốc tới, từng muỗng từng muỗng thổi nguội, đút cho người nằm trên giường. Dáng vẻ đút thuốc cực kỳ dịu dàng, nhưng lại bình thản nói ra lời cứng rắn:

"Mẹ mau uống thuốc rồi nghỉ ngơi, hôm nay mẹ làm cho con sợ hãi một trận, anh cả, anh hai đang nhậm chức ở địa phương, còn anh ba, anh tư đều đi học ở trường cả, con cũng không sai người báo cho hai anh. Nhưng nếu mẹ còn sợ đắng không uống thuốc, ngày mai vẫn còn chưa khỏe hơn, thì con đành phải sai người gọi hai anh trai về để tận hiếu với mẹ."

"Được được, mẹ uống thuốc, Lan Nương đừng tức giận, chẳng phải mẹ không có việc gì sao?"

"Phu nhân là người tốt có phúc báo, bình thường làm nhiều việc thiện tích đức nên mới được trời cao bảo vệ khỏi âm mưu thâm độc của người đàn bà độc ác kia. Nhưng hôm nay nếu không phải Ngũ tiểu thư có mặt, chúng nô tỳ cũng không phát hiện ra, e rằng đã để mụ đàn bà kia thực hiện được âm mưu. Đên bây giờ nô tỳ nghĩ lại vẫn còn sợ hãi." Nha hoàn Tâm Liên ở một bên không nhin được xen vào nói.

"Đúng vậy, đúng vậy, vẫn là nhờ phu nhân nhiều phước, và ngũ tiểu thư nhà chúng ta thông tuệ." Đại nha hoàn còn lại là Hồng Liên phụ họa.

"Hai người bọn mi ngày thường được ta chiều chuộng quen thói, nay còn dám hùa theo với Lan Nương." Đại phu nhân Triệu Lâm Tĩnh cười nói.

"Chúng nô tỳ nào dám." Cả hai nha hoàn đồng thanh hô to.

Cả phòng vang lên tiếng cười, xua đi một phần không khí u tối trước đó.

Đại phu nhân Triệu Lâm Tĩnh là vợ cả của Đại gia Đào Trưởng Xử, con gái cả của Lang trung Hộ bộ Triệu Thích, xinh đẹp hiền huệ, cùng với Đại gia là yêu thương lẫn nhau, năm đó được Đại gia cầu cưới cũng tạo nên một giai thoại trai tài gái sắc. Hai người sinh được bốn người con trai Đại thiếu gia Đào Đình Thuận, Tam thiếu gia Đào Đình Quế, Tứ thiếu gia Đào Đình Tiêu và Lục thiếu gia Đào Đình Vinh. Ngũ tiểu thư là con gái nhỏ nhất được phu nhân sinh ra lúc hơn 35 tuổi, nên rất được cả nhà yêu thương. Từ nhỏ Đào Lan Chi đã rất thông tuệ, được chính tay Lão phu nhân là An Bình trưởng công chúa và Đại gia dạy dỗ không thua kém gì các anh trai.

Mấy hôm nay trời oi nóng, đai phu nhân thích uống chè đậu xanh, lúc trưa sau khi gọi ngũ tiểu thư tới dùng cơm, thì sai người bưng chè đậu xanh ướp lạnh lên ăn. Ở Đại Việt không có đá lạnh, là mùa đông năm ngoái Đại gia sai người mua về từ nước phương Bắc, ủ vận chuyển về Kinh thành, cũng chỉ được vài tảng, một phần dâng lên cho Trường An viện, một phần để lại cho phu nhân và tiểu thư dùng, phu nhân sai người đưa một phần sang cho viện Nhị gia, Tam gia, Tứ gia. Bởi vậy mới quý.

Khi hai chén chè được mang lên, lúc Tâm Liên đặt chén chè lên bàn chỗ Đào Lan Chi, nàng ngửi được một mùi hạnh nhân rất lạ, tưởng mình ngửi nhầm, nhưng khi bưng chén chè lên lại càng ngửi rõ hơn.Từ nhỏ mũi nàng đã rất thính. Nàng nghi ngờ, thấy mẹ sắp ăn muỗng đầu tiên liền nhắc người ngừng lại, sau đó bảo Đông Thiền xuống bếp sai người bắt hai con chuột mang ra đình viện, đút cho chúng hai bát chè, xem rốt cuộc có gì lạ không. Ai ngờ một lát sau, Đông Thiền mặt tái mét quay lại bẩm rằng hai con chuột đã chết. Đại phu nhân Triệu Lâm Tĩnh hoảng sợ, phân phó người lập tức đóng cửa tất cả các phòng các viện ở bên khu này để tra xét.

Cuối cùng lại tra xét được manh mối từ nha hoàn Nhị Cúc của thiếp Trần thị, do tìm thấy một bộ cối chày đá dưới giường nàng ta, trên đó vẫn còn ít loại bột khả nghi. Đào Lan Chi cho mời thầy thuốc Lương Đống đang làm việc tại phủ Tín Nghĩa Hầu xem thử loại bột này là gì, có chứa trong hai bát chè không. Thầy thuốc Lương Đống sau một hồi kiểm tra thì nói rằng loại bột này là bột giã nát từ hạt lê, có chứa chất độc lợi hại mùi hạnh nhân, may là hung thủ cho quá nhiều bột vào chén chè, cộng thêm Đào Lan Chi mũi thính nên mới phát giác được, nếu không hai mẹ con nàng giờ này chắc đã nguy hiểm tính mạng.

Sự việc quá nghiêm trọng, Đại phu nhân liền dẫn người bắt Trần thị và Nhị Cúc tới chỗ lão phu nhân, còn tất cả tôi tớ của Ngọc viện đều bị nhốt lại chờ tra hỏi. Lão phu nhân thấy Đại phu nhân tuy không hề gì nhưng lại bị hoảng sợ không nhẹ, liền bảo nàng trở về nghỉ ngơi, việc này bà sẽ sai bà Lê tra xét. Đại phu nhân liền yên tâm, nhưng chắc nàng không ngờ điều tra một hồi lại lộ ra chuyện càng động trời hơn.

Hết chương 1.

Lời tác giả: Đào hố mới, lúc viết mình có tra một số thông tin làm nền tảng.

Mấy bạn ghé qua facebook chơi với mình nha: https://www.facebook.com/kimchingocdiep1993/posts/pfbid0gXpn3fHFn8bxzUaupwc8ZvNPdtxw5cyeRb8kMA4cA4YDaPLQMcHesGPm4JSBmqkrl

Hạt quả lê còn có khả năng tạo ra hydrogen cyanide cực độc khi bị nghiền nát. Chất này có thể gây ngộ độc với triệu chứng như buồn nôn, choáng váng ở liều thấp và đau đầu, hôn mê, nguy hiểm tính mạng ở liều cao.

1.Đầu tiên là cái tên Ỷ Lan của Nguyên phi, ban đầu mình nghĩ là dựa vào thân cây Lan, Lan trong hoa phong lan rừng, nên có hỏi ba là có Lan rừng nào mà thân to cho người có thể dựa vào không. Ba bảo là có lẽ là lan bám trên cây rừng cổ thụ. Sau đó mình tra thêm đọc được đoạn này: Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:

... "Tục truyền rằng vua (Lý Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan Phu nhân"...[4]

Nên mình cho rằng Lan trong phong hiệu của bà là một loại cỏ lan. Tra thêm thì được loại cỏ Lan Chi này. Cây lan chi được gọi với nhiều tên khác nhau như cỏ lan chi, cây dây nhện, cây lan móc,... thuộchọ Asphodelaceae với tên khoa học là Chlorophytum Bichetii. Loài cây này có nguồn gốc ở Châu Phi sau đó được nhân giống ở nhiều nơi có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Thái Lan,... Đây là loại cây thân thảo, có đặc điểm là mọc thành bụi nhỏ với chiều cao từ 40 - 50cm. Cây lan chi chỉ có 1 thân rễ ngắn phát triển thành củ thịt phình to có thể tách ra khỏi thân. Cây lan chi có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh chóng. Hoa lan chi mọc thành cụm và thường nhỏ. Hoa lan chi có màu tím nhạt, 6 cánh, có loại có hoa màu trắng. Đây là loại cây ưa bóng mát. Nếu ở nơi có nhiều ánh sáng, nhiệt độ quá cao thì lá sẽ bị héo, khô và mất màu xanh tươi mà thường chuyển sang vàng.

Ý nghĩa phong thuỷ cây lan chi

Theo ông bà xưa quan niệm, cây lan chi là biểu tượng cho sự bền bỉ, kiên cường. Sự mạnh mẽ, dẻo dai, không bị khuất phục bởi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Cây lan chi có ý nghĩa to lớn trong phong thủy, có thể giúp gia chủ xua đuổi tà ma, vận xấu. Cây lan chi được xem là tấm bùa hộ mệnh thần kỳ, không chỉ mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho gia đình mà còn đem đến nhiều may mắn, tài lộc trong sự nghiệp cho gia chủ.

ð Vậy nên mình lấy tên cho nữ chính là Lan Chi.

2. Về dòng họ Đào

Theo một số tài liệu thì họ Đào được phát tích từ thời Hùng vương thứ 6, hiện nay thần phả, thần tích cũng như bia đá tại đền Thượng khu di tích đền Hùng vẫn còn ghi công tổ tiên họ Đào đã từng là Đại tướng quân đánh giặc Ân, Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang - Đào Xuân Trường, Đào Thạch Khanh thời Hùng Vương, Thời Hai Bà Trưng có Bắc Bình Vương Đào Kỳ, nhà Ngô có Đào Nhuận cắm cọc dẫn quân đánh giặc trên sông Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938, triều Lý có Thái Sư, Á Vương Đào Cam Mộc.... Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dòng họ Đào sinh ra những danh nhân, tướng sĩ có nhiều công lớn và được người dân tôn thờ là Thành hoàng trong các làng quê Việt Nam.

Các bạn có thể xem thêm tại link: https://daotoc.com/ho-dao-viet-nam/

Đào Cam Mộc (: 陶甘沐; ? – ) là quan viên nhà và đại thần trong , được vua Lý phong đến tước Tín Nghĩa , tước cao nhất cho các quan lại khai triều không thuộc dòng dõi hoàng tộc thời nhà Lý. Năm 1005, giết vua anh là để lên ngôi. Năm 1009, vua băng hà, con trưởng Lê Cao Sạ vẫn còn ít tuổi, các hoàng thân lại có mưu đồ riêng. Đào Cam Mộc đang giữ chức là một chức quan nhỏ, bèn ngầm liên kết với và mấy đại thần khác chờ cơ hội tôn quan Thân vệ lên thay. Lý Thái Tổ lên làm vua, khai sáng nên cơ nghiệp nhà Lý, đã phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả con gái là An Quốc công chúa. Theo Thần phả làng Vũ Bị (viết vào thế kỷ XVI) thì Đào Cam Mộc tham gia khảo sát việc dời đô, đi qua Vũ Bị (xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), thấy đây là đất lành. Sau khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, Đào Cam Mộc đón công chúa về Vũ Bị mở trang viên.

Tháng Giêng năm Ất Mão (1015), Đào Cam Mộc mất, Lý Thái Tổ truy tặng ông là Thái sư, tước Á vương.[3]

è Nhân vật lấy được lấy làm hình mẫu cho ông nội nữ 9. Bởi vì nhân vật này trong lịch sử mất vào năm 1015, lại không biết năm sinh. Lý Thái Tổ lên ngôi 1009 tới lúc Lý Thánh Tông lên ngôi là năm 1054 là 45 năm, lúc làm quan thời Tiền Lê ông vẫn là chức quan nhỏ nên mình viết nhân vật Đào Cam Mộc trong truyện lúc Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1009 là tầm 25-28 tuổi, nên được gả công chúa cho. Đến năm 1054 là tầm 70-73 tuổi, có thể xem như đúng độ tuổi ông nội nữ chính.

è An Quốc công chúa là vợ Đào Cam Mộc, là con gái Lý Thái Tổ, nên lúc Lý Thánh Tông trị vị bà có lẽ là Trưởng công chúa. Hình mẫu bà nội nữ chính, họ Lý.

Đào Xử Trung (: 陶處中), không rõ quê quán, là một đại thần trong .

Năm 1028, vua Lý Thái Tông lên ngôi, dẹp loạn ba vương, phong thưởng quần thần. Đào Xử Trung được phong chức Thái bảo, chỉ đứng sau .

ð Nhân vật được lấy làm hình mẫu cha nữ chính, thông tin về ông không có nhiều.

Các nhân vật còn lại đều là hư cấu.

Vì Nguyên phi Ỷ Lan trong lịch sử hai lần nhiếp chính thay vua, cho nên mình muốn tạo nền tảng cho nhân vật để hợp lý hóa cốt truyện sau này, vì vậy cho nữ chính xuất thân từ danh gia vọng tộc.

3. Hệ thống quan lại thời Lý:

- Cứ theo Việt sử lược, ta có đại khái quan chế:

Ban văn: Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo); Tướng công (相公); Trung thư thị lang (中書侍郎); Tham tri chính sự (参知政事); Gián nghị đại phu (諫議大夫); Thượng thư Lục bộ; Tả Hửu Tư lang trung (司郎中); Lang trung Lục bộ; Viên ngoại lang; Thư gia (书家).

Ban võ: Khu mật sứ (樞密使); Thái úy (Kiểm hiệu Thái úy, Phụ quốc Thái úy); Đô thống Đại nguyên soái (都統大元帥); Đô thống nguyên soái (都統元帥); Nguyên soái; Điện tiền chỉ huy sứ (殿前指揮使); Tả kim ngô (左金吾); Hữu vũ vệ (右武衛); Tả vũ vệ (左武衛); Tả uy vệ (左威衛); Hữu uy vệ (右威衛); Tả kiêu vệ tướng quân (左驍衛將軍); Định thắng tướng (定勝將); Lang tướng (郎將); Cụ Thánh đô Hỏa đầu (具聖都火頭); Ngọc Giai đô Hỏa đầu (玉堦都火頭); Quan chức đô Hỏa đầu; Thị vệ đô Hỏa đầu.

Mặt khác còn có gần hầu quan: Thượng phẩm Phụng ngự (上品奉禦); Chi hậu Phụng ngự (祗侯奉禦); Nội thị Phán thủ (內侍判首); Nội nhân Hỏa đầu (內人火頭); Nội thường thị (內常侍).

Địa phương trưởng quan có: Châu mục (州牧); Tri châu quân sự (知州軍事);

Chú thích: đơn vị Đô () của Cấm quân là đơn vị thuộc Điện tiền chỉ huy sứ, trưởng quan gọi Hỏa đầu (火頭). Đây là dựa vào cấm quân thời Bắc Tống, cũng thiết mỗi Đô, nhưng trưởng quan ở Bắc Tống là Đô đầu (). Việt sử lươc ghi các tên đô có: Phụng Vệ đô, Tả hữu quan chức đô, Thị vệ đô, Tả hữu Hưng Thịnh Quảng Vũ đô, Cụ Thánh đô, Ngọc Giai đô, Củng Thánh đô.

Nhà Lý phỏng theo chế độ nhà Tống;

- Căn cứ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, quan chế nhà Lý có vài cái bất đồng với Việt sử lược, cụ thể:

Triều đình trọng chức: Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo), Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo); Thái úy; Thiếu úy; Nội ngoại hành điện đô tri sự (内外行殿都知事); Kiểm hiệu Bình chương sự (检校平章事).

Văn ban nội chức: Lục bộ Thượng thư; Tả Hữu Tham tri chính sự; Tả Hữu Gián nghị đại phu; Trung thư thị lang; Lục bộ Thị lang; Tả Hữu Tư lang trung; Thượng thư tỉnh Viên ngoại lang; Đông-Tây Các Môn sử (阁门使); tả Hữu Phúc tâm (腹心); Nội thường thị; Phủ sĩ sư (府士); Điện học sĩ (殿学士); Hàn lâm học sĩ (翰林学士); Vệ đại phu (卫大夫); Chư hỏa thư gia (诸火书家); Thừa trực lang (承直郎); Thừa tín lang (承信郎).

Văn ban ngoại chức: Tri phủ; Phán phủ; Tri châu[6].

Võ ban nội chức: Đô thống; Nguyên soái; Tổng quản; Khu mật sứ; Khu mật Tả hữu sứ (枢密左右使); Tả hữu Kim ngô Thượng tướng (金吾上将); Đại tướng; Đô tướng; Chư vệ Tướng quân; Chỉ huy sứ; Vũ vệ Hỏa đầu; Võ tiệp; Võ lâm chư Binh tào.

Võ ban ngoại chức: Chư lộ trấn trại, quan binh trấn thủ.

- Để có đội ngũ quan lại phục vụ trong bộ máy chính quyền, nhà Lý đã áp dụng nhiều phương thức. Trong thời gian đầu, triều đình chỉ áp dụng chế độ tuyển cử, nhiệm tử và nộp tiền[11]:

+Tuyển cử là phương thức bổ dụng quan lại khá phổ biến trong các đời vua đầu tiên. Những người được tuyển cử đều thuộc tầng lớp trên, trong hoàng tộc hoặc thân thích của người có công. Con cháu của thợ thuyền, con hát, nô tỳ đều không nằm trong những đối tượng được cử tuyển

+Nhiệm tử là bổ nhiệm con cháu của những người có công theo hình thức tập ấm, tuy nhiên ít được áp dụng như thời Đinh và Tiền Lê; càng về sau hình thức này càng ít áp dụng

+Nộp tiền để làm quan là hình thức có từ thời nhà Lý, tuy chưa thật thịnh hành và chưa có điển chế rõ ràng

Từ thời Lý Nhân Tông bắt đầu áp dụng chế độ khoa cử, cho thi tuyển chọn lấy người tài làm quan.

Từ thời Lý Anh Tông, vua áp dụng chế độ sát hạch lại (khảo khóa) đối với những người đương chức, thành lệ 9 năm 1 lần.

Năm 1179 thời Lý Cao Tông, triều đình thực hiện khảo xét công trạng các quan, người giữ chức siêng năng tài cán nhưng không thông chữ nghĩa làm một loại, người có chữ nghĩa tài cán làm một loại, người tuổi cao hạnh thuần, biết rõ việc xưa nay làm một loại, cứ theo thứ tự mà trao cho chức vụ trị dân coi quân, khiến cho quan chức không lạm quyền tham nhũng[8].

Nhìn chung, đội ngũ quan lại triều Lý được tuyển chọn tương đối kỹ càng, nên cơ bản xứng với thực tài và chức vụ.

Các bạn có thể đọc thêm tại bài nghiên cứu này : https://js.vnu.edu.vn/SSH/article/view/4407/4109

ð Theo đó mình viết các chức quan và công việc của các nhân vật nam (ví dụ cha nữ chính nhậm chức Thái bảo, đang chủ trì Tổng tuyển cử hàng năm), có lẽ còn nhiều sai sót, mong thông cảm.

ð Bởi vì Văn miếu Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070, nên lúc này năm 1954, hai anh trai nữ chính sẽ học trường cho con em quý tộc quan lại, không phải Văn miếu.

3. Về xưng hô của các nhân vật

Mình tra xét cũng kỹ về vấn đề này. Tài liệu chính thống khá ít.

3.1.Học giả An Chi: Xin thú thật với bạn là chúng tôi chưa có điều kiện thu thập đủ tư liệu để thuật lại một cách đầy đủ về cách xưng hô của ông cha ta ngày xưa. Vậy xin chỉ trao đổi với bạn trong phạm vi những điều kiện hiện có mà thôi.

Bạn cho rằng, "thời đó (đầu đời Lý) chúng ta hoàn toàn dùng chữ Hán". Thực ra thì không phải như thế vì, nói chung, trong suốt thời kỳ phong kiến tự chủ, ta chỉ sử dụng chữ Hán làm quốc gia văn tự, nói rõ ra là chỉ dùng nó trên văn kiện và trong sách vở mà thôi. Dân ta vẫn nói tiếng Việt với nhau; mà vua quan trong triều đình cũng thế. Nhưng do ảnh hưởng của nhiều thế kỷ bị người Tàu cai trị nên từ vựng của tiếng Việt đã chứa đựng nhiều yếu tố gốc Hán, trong đó có gần như hầu hết những từ chỉ quan hệ thân tộc, như chúng tôi đã chứng minh trong bài "Từ nguyên của những từ chỉ quan hệ thân tộc", trên Năng lượng Mới số 70 (11/11/2011)

.... "anh" và "em"; thế thôi. Khách sáo và dè dặt hơn một tí thì "mình" với "ta": Trang trọng và thơ mộng hơn thì "chàng" và "nàng", "thiếp":

(Đọc thêm tại link: )

ð Mình sẽ cố gắng sử dụng Tiếng Việt hết mức, cho nên trong gia đình quan lại và hoàng tộc thì mình sẽ cho xưng hô "ta" gọi tôi tớ là "mi" "bây". Tôi tớ xưng "nô tỳ" "già này". Xưng hô với nhau sẽ xưng "anh, chị, em", vợ chồng gọi nhau là "chàng, nàng, thiếp". Bình dân vợ chồng gọi nhau là "anh, em, mình, ta" tùy trường hợp. Người bình thường nói chuyện sẽ xưng "tôi".

ð Để dễ bề phân biệt, mình vẫn gọi là Đại gia, Nhị gia, lão gia, lão phu nhân khi nhân vật có địa vị cao.

ð Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" của Trương Thị Trong thời Chúa Trịnh, thì bà có tên là Lê Khiết Nương (黎潔娘).[1] Tuy nhiên, cứ theo việc mẹ bà được gọi là Tĩnh Nương (靜娘), ở một thời kỳ xưa từng rất phổ biến dùng từ đệm nương sau tên thật của người phụ nữ, thì có lẽ tên thực của bà (theo truyện thơ) là Khiết. Cũng có nguồn cho rằng, bà có tên là Lê Yến (嬿).[2]. -> bởi vậy nhân vật nữ mình sẽ gọi là "ABC Nương"

ð Đại từ tân ngữ: Nhị lang (二郎), Nhữ (), Thúc ()

Xét trong số các con của Thái Tông với Thuận Thiên Hoàng hậu, Trần Quốc Khang là con trai sinh đầu (mặc dù trên thực tế ông là con của An Sinh vương Liễu), còn vua Thánh Tông là con trai thứ hai, vậy nên trong giao tiếp, Tĩnh Quốc Đại vương đã gọi vua là "nhị lang" (二郎) (Nguyên văn: 今至尊賜臣微物而二郎欲奪之乎).

Đại từ "nhữ" () (đại từ tân ngữ ngôi thứ 2 số ít, dùng tương đương với "nhĩ" , đều là cách xưng hô không câu nệ lễ tiết), là cách gọi của vua hoặc Thái Thượng hoàng với các con, ví dụ như Thượng hoàng Nhân Tông chất vấn Trần Anh Tông (Nguyên văn: 誰為汝撰表), hay Thượng hoàng Thái Tông nói với Tĩnh Quốc Đại vương (Nguyên văn: 汝視帝位與賤服不相) đều dùng "nhữ".

Đại từ "thúc" (- có nghĩa là "chú") cũng được Toàn thư ghi nhận trong các cuộc hội thoại trong hoàng thất triều Trần, ví dụ, vua Nhân Tông đã gọi Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật là "Chiêu Văn thúc" (Nguyên văn: 昭文叔盖蕃落人後身故善為諸國語).

Lưu ý: Cách xưng hô Nhị lang (二郎), Nhữ (), Thúc () trích lục từ tài liệu văn bản, đây có phải xưng hô trên thực tế hay không cần nghiên cứu đối chiếu thêm.

(Nguồn: https://www.facebook.com/photo/?fbid=355810475988335&set=a.337588661143850)

Vì vậy, nên mình sẽ để người lớn gọi các nam nhân vật nhỏ tuổi hơn là Đại lang, Nhị lang, "ABC lang" cho dễ gọi nhé.

3.2.Ở nước ta, đời vua Lê Thánh Tông, mùa xuân năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), nhà vua có ban chiếu quy định các danh từ để xưng hô như sau: "Thân vương xưng hô là điện hạ; tự thân vương xưng là phủ hạ; tước công, tước hầu, tước bá, phò mã và viên quan hàm nhất phẩm xưng là các hạ; viên quan hàm nhị tam phẩm xưng là môn hạ; viên quan hàm tứ, ngũ và lục phẩm xưng là đại phu; viên quan hàm thất, bát và cửu phẩm xưng là quan trưởng. Nếu người nào dám xưng hô tiếm lạm càn rỡ cùng người nhận lời xưng hô không chính đáng đều sẽ phải phạt 50 roi và 10 quan tiền".

Tuy nhiên, ở nước ta, không phải triều đại nào cũng gọi vua là "bệ hạ". Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" thì vào năm Thiên Thành thứ 7 (1034), đời Lý Thái Tông, nhà vua xuống chiếu cho các quan khi có việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "triều đình".

Sử thần Lê Văn Hưu bình luận rằng: "Bề tôi gọi vua là bệ hạ, chỉ chỗ thiên tử ở là triều đình, chỉ chỗ chính lệnh ban ra là triều sảnh, từ xưa không thay đổi xưng hô. Nay Lý Thái Tông lại bảo các quan gọi mình là triều đình, sau Lý Thánh Tông lại tự xưng là vạn thặng, Lý Cao Tông bảo mọi người gọi mình là Phật, đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang".

Sử cũ chép rằng, khi xưng hô với Thượng hoàng nhà Trần, triều thần vẫn gọi là "bệ hạ", như khi Hưng Đạo vương được Thượng hoàng sai tạm nhận chức Tư đồ để tiếp sứ Trung Quốc, vương đã trả lời rằng: "Dự tiếp sứ giả, thần không dám chối. Còn như thăng chức Tư đồ, thần không dám vâng mệnh, vì Quan gia đi đánh giặc phương xa, Quang Khải đi theo hộ giá mà bệ hạ tự làm việc phong chức, e lòng người trên dưới sợ có chỗ không yên và cũng không vừa ý Quan gia và Quang Khải. Đợi xa giá trở về, việc phong chức cũng chưa muộn". Như vậy, khi xưng hô với Thượng hoàng, Hưng Đạo vương gọi Thượng hoàng là Bệ hạ.

......Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ xưng với quần thần là "trẫm", quần thần gọi vua là "bệ hạ". "Trẫm" là đại từ xưng hô dành riêng cho nhà vua, cũng xuất phát từ thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc.

Nhà sử học Lê Văn Hưu từng viết: "Thiên tử tự xưng là trẫm là dư nhất nhân". Khi Hồ Quý Ly chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần, đã tự xưng là Quốc tổ Chương Hoàng, nhưng cũng chỉ tự xưng là 'dư' chứ chưa xưng là 'trẫm".

Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ phong cho con trai trưởng là Lê Tư Tề làm Quốc vương, hoàng tử Lê Nguyên Long (vua Lê Thái Tông sau này) làm Hoàng thái tử. Lê Thái Tổ ban lệnh chỉ quy định, nếu ai có việc đến Quốc vương và Hoàng thái tử thì dùng chữ "khải", chứ không được dùng chữ "tấu" và gọi là "Quốc vương điện hạ", "Thái tử điện hạ". Nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh gì thì dùng chữ "Quốc vương chỉ huy", không được dùng chữ "sắc".

Đến đời Lê Thánh Tông, tháng 12 năm Quang Thuận thứ 8 (1467), khi triều đình làm lễ tế hưởng về mùa đông, bắt đầu từ lễ này trong chúc từ, nhà vua xưng là "Hiếu tôn quốc hoàng". Trước đây, tế ở thái miếu, trong chúc từ vua Lê đều xưng là tự hoàng, đến năm này vua mới bắt đầu xưng danh hiệu "quốc hoàng". Đọc bộ sử "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" đến đoạn này, vua Tự Đức đã phê rằng: "Hai chữ 'quốc hoàng' rất trái nghĩa và quê mùa. Như thế, sao lại gọi (vua Lê Thánh Tông) là người sùng thượng văn học được?".Cũng từ cuối năm 1467, vua Lê Thánh Tông quy định các tờ chế, tờ cáo ban cấp bầy tôi đều xưng là "hoàng thượng chế cáo". Các tờ chế, tờ cáo xưng là "hoàng thượng" cũng bắt đầu từ đấy.

Thời Lê trung hưng, quyền hành trong nước vào cả trong tay các chúa Trịnh, các chúa đều được vua Lê phong tước vương. Các quan, nhân dân gọi các chúa Trịnh là "điện hạ", khi có việc trình lên chúa thì gọi là "khải" chứ không dùng chữ "tâu".

ð Cho dù sử ghi đời Lý Thánh Tông, vua được gọi là "Vạn thặng", nhưng từ "bệ hạ" tương đối thông dụng hơn qua các triều đại, và tới thời Lê mới tự xưng "trẫm". Vậy nên, mình để cho vua và hoàng tử xưng "ta", các quan lại gọi vua là "bệ hạ", gọi hoàng tử là "điện hạ".

3.3. Triều đại nhà Lý, Thái Tông ban chỉ dụ về thứ bậc chốn nội cung: "Hoàng hậu và phi tần mười ba người, Ngự nữ mười tám người, Nhạc kỹ hơn trăm người". Ghi chú của chính sử không phân định về tôn ty danh phận, nhưng dựa theo sử liệu qua các đời Thánh Tông, Thần Tông, Anh Tông, nội cung phi tần trừ Nguyên phi (元妃) kế dưới Hoàng hậu, có danh phận cao nhất, còn có các tước vị Thần phi (宸妃), Quý phi (貴妃), Đức phi (德妃), Thục phi (淑妃), Hiền phi (賢妃), Thứ phi (庶妃), Phu nhân (夫人). Bậc Phu nhân lệ được ban hai mỹ từ làm huy hiệu, như Thánh Tông có Ỷ Lan (倚蘭), Nhân Tông có Thần Anh (宸英), Thần Tông có Minh Bảo (明寶), Cảm Thánh (感聖), Phụng Thánh (奉聖), Huệ Tông có Thuận Trinh (順貞). Chế độ nội cung nhà Trần ban đầu xếp đặt thứ bậc theo cách gọi của nhà Lý. Thời Minh Tông có Sung viên (充媛) Lê thị, nhiều khả năng nhà Vua dựa theo lễ giáo cung đình phương Bắc mà dùng các tước vị trong Cửu tần (九嬪) ban phong cho nội cung.

=> Thông tin về vấn đề xưng hô hậu phi thời Lý –Trần khá ít so với thời Nguyễn, nên mình để phi tần xưng "ta", được gọi là "lệnh bà" hoặc gọi phong hiệu nhé.

4. Trang phục thời Lý, mình tham khảo tại link: https://yhonsacviet.wordpress.com/2019/05/09/dac-trung-trang-phuc-dan-gian-thoi-ly-tran/

5. Hệ thống nhân vật nhà họ Đào

Tín Nghĩa hầu Đào Cam Mộc.

Lão phu nhân Lý thị - An Quốc Trưởng công chúa – Trường An viện (tôi tớ: bà Lê, Thu Phong, Xuân Yến)

Đại gia Đào Xử Trung nhậm chức Thái bảo.

Đại phu nhân Triệu Lâm Tĩnh là vợ cả của Đại gia Đào Trưởng Xử, con gái cả của Lang trung Hộ bộ Triệu Thích – Tĩnh Cư (tôi tớ: bà Lâm, Tâm Liên, Hồng Liên)

Thiếp Trần thị - Ngọc viện (tôi tớ Nhị Cúc)

Các con: Đại thiếu gia Đào Đình Thuận, Tam thiếu gia Đào Đình Quế, Tứ thiếu gia Đào Đình Tiêu và Lục thiếu gia Đào Đình Vinh, Ngũ tiểu thư Đào Lan Chi năm người do Đại phu nhân sinh, Thất tiểu thư Đào Minh Chi do thiếp Trần thị sinh. (tôi tớ của Đào Lan Chi gồm bà Trịnh, Đông Thiền, Hạ Miên)

Nhị gia Đào Mạnh Đức

Nhị phu nhân Đỗ Thị Thanh Dung

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top