*
Tác giả: Hovodanh
Bà ngoại tôi là một người không bình thường, mẹ tôi thường bảo thế, tôi cũng không hiểu vì sao nữa. Có lẽ vì bà rất hay kể chuyện cổ tích và bà rất tin vào chuyện cổ tích. Mẹ tôi không thích bà kể chuyện cổ tích chút nào vì với mẹ tôi đó là những điều viển vông hết sức.Nhưng với thế giới tuổi thơ của tôi những nhân vật cổ tích của bà chiếm phần lớn hơn là những lời răn đe của mẹ.Chính vì vậy tôi quý bà hơn mẹ. Có lần bà bảo tôi: " mẹ cháu bước vào đời quá chật vật, nên chỉ quan tâm đến những cái thực dụng hàng ngày ..." rồi bà thở dài " mẹ cháu không biết mơ ước mà chi biết than thở... lỗi tại bà "
Tôi vẫn thường tự hỏi: bà sinh ra mẹ, mẹ sinh ra tôi,mà sao mẹ lại trái ngược với bà còn tôi lại giống bà đến thế. Có lần tôi đem câu hỏi này hỏi bố,bố cười xoa đầu tôi rồi bố lại phì phèo thuốc lá. Im lặng. Cuộc sống gia đình tôi cũng thầm lặng như sự im lặng của bố, chỉ có những nhân vật cổ tích của tôi là sống động là nhộn nhạo. Có lắm khi tôi ngồi một mình nói chuyện với nhân vật cổ tích, tôi tưởng như tôi đang sống trong thế giới cổ tích, xung quanh tôi là những vị thần, những cô bé lọ lem, những ông bụt bà tiên. Mẹ cho rằng tôi điên và càng không muốn cho tôi gần gũi bà hơn. Từ đó tôi dần xa cổ tích, xa bà. Nhưng những câu chuyện bà kể cho tôi thì tôi vẫn nhớ như in, đôi khi tôi còn ngồi kể lại cho lũ bạn nghe. Lắm đêm tôi ngồi khóc tức tưởi vì sự vô lý của mẹ. Đã hơn một năm tôi không gặp bà, không được nghe bà kể chuyện, tôi nhớ bà, nhớ cổ tích đến phát điên. Nhưng mẹ tôi... được thôi, dầu sao thì tôi cũng đâu phải là một đứa con biết vâng lời, tôi quyết định sẽ về thăm bà cho dù không được mẹ cho phép. (hihi, nghĩ đến đây thật thích quá đi ). Rồi cơ hội của tôi cũng đã đến. Bố mẹ tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát ba ngày. Với vẻ mặt vô cùng đau khổ khi không thể đi cùng vì trùng lịch học hè môn bắt buộc , tôi hí hửng mong chờ cái ngày vàng ngọc ấy đến thật nhanh. Sáng hôm ấy bố mẹ tôi đi từ 5 h30' ra xe cơ quan, hoàn toàn hài lòng về một đứa con ngoan đầy tinh thần trách nhiệm với tương lai tuổi già của các cụ, thì 7 h30' tôi đã ung dung ngồi trên tầu gật gù khoái trá cười hí hí.
Quá trưa tôi về đến nơi. Thật là dễ chịu khi nhìn thấy cánh cổng quen thuộc, cánh cổng bằng gỗ lâu năm đã cũ mòn và hơi xộc xệch. Hàng rào râm bụt được bà cắt tỉa sơ sài thi thoảng lại có cành mập mạp cong vút vươn ra thật là oai hùng. Phía trong cổng là giàn thiên lý che phủ một khoảng sân gạch ,với cái giếng nước trong lành mát rượi mà thủa bé tôi vẫn thường rất thích thú được uống vào bụng để cảm nhận vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Căn nhà ba gian kiểu cũ vẫn được bà chăm sóc tốt kể từ khi ông ngoại tôi mất đi. Có lẽ tình yêu bà dành cho ngôi nhà này cũng giống như tình yêu bà dành cho ông vậy. Ân cần và hoài cổ. Chẳng thế mà khi cậu và mẹ tôi muốn xây lại nhà, bà đã kiên quyết từ chối. Cậu và mẹ tôi đương nhiên là không hài lòng vì mỗi lần về quê lại không thoải mái vì đã quá quen với tiện nghi ở trên thành phố. " Chẳng giống ai cả" đó là lời chốt lại của họ khi cuộc tranh cãi nảy lửa với đấng sinh thành không có kết quả. Rằng bà không hiểu rằng bà cứ bảo thủ như vậy là bà bôi nhọ lên thanh danh của con cái. Người ta sẽ nghĩ thế nào khi đem ngôi nhà cũ kỹ bệ rạc này để liên tưởng đến sự thành đạt giầu có của con cái nơi phố thị. Thì hẳn nhiên, tôi biết cái phong trào con cái về xây nhà lầu cho các cụ già cao tuổi với các công trình phụ hiện đại bóng loáng đến mức các cụ còn chẳng dám in dấu vân tay già nua của mình vào vì sợ hư... đã có từ lâu. Đôi khi chỉ là để khách khứa từ trên thành phố về phải gật gù, còn hàng xóm thì thầm thì thán phục, không tiếc lời khen ngợi những đứa con xa hiếu đức vẹn toàn. Rồi xuýt rồi xoa, rồi xoa rồi xuýt. Rồi các cụ còn được trang bị điện thoại cả có dây và không dây. Trưa đang say giấc bỗng tiếng còi chói tai hú lên, các cụ suýt hồn lìa khỏi xác sợ hãi giật bắn lên không trung nửa mét rồi hạ cánh xuống cái giường nệm lò xo tưng tưng. Chưa kịp hoàn hồn thì các cụ tá hỏa khi nghe tin cả tập đoàn con cháu về thăm. Trong niềm hạnh phúc lâng lâng các cụ dùng chút hơi tàn lê chân lên mấy tầng lầu quét phăng bụi bặm đã xếp tầng xếp lớp lâu ngày vì không ai đặt chân tới. Có khi tôi còn thấy có cụ đi chơi còn cặp nách cả cái điện thoại để bàn không dây đi theo vì:" các cháu nó quan tâm, gọi điện liên tục hỏi thăm, không nghe là nó mắng nhưng chẳng nhẽ lại cứ ngồi ru rú ở nhà, cầm theo cho nó tiện, hờ hờ." cụ cười khoe cả hai hàm răng trắng nõn được các nhi tử cắm cho để cố vớt vát lại chút ít nhan sắc đã được liệt vào hàng di tích trong viện bảo tàng có tên là hoài niệm.
Tôi biết nếu cái nhà này không phải vẫn thuộc tài sản của bà trên cả tình cảm và pháp luật thì hẳn nhiên sẽ bị đè nghiến ra mà tháo dỡ xây sửa mặc cho bà có thật sự muốn hay không. Và tôi mừng vì điều đó. Không phải tôi không nhận ra rằng ngôi nhà của bà quá lạc lõng trong cái thế giới mà những ông thầu xây dựng không bao giờ thất nghiệp, với những cột sắt, những bê tông... Nhưng không hiểu sao khi nghĩ về nó tôi lại có một liên tưởng thú vị. Tôi tưởng tượng như những khối sắt đá,lạnh lùng kia, cái thế giới vật chất to lớn đáng sợ kia là một cánh diều, mà sự đồng cảm, yêu thương, tính nhân văn ( mà tôi đọc được trong sách vở ) chính là dây diều. Còn cái vật để gắn dây diều với mặt đất lại chính là ngôi nhà nhỏ bé của bà tôi...
Tôi nhìn quanh, rồi chạy ra vườn vải ở phía sau nhà, tôi nghe thấy tiếng bà ở đó. Vẫn như ngày xưa, mỗi khi tôi chạy lăng xăng đi tìm bà để lại đòi bà kể chuyện.
- bà bà ơi !
Bà đang trồng rau sau nhà, nghe tiếng gọi bà chống tay lên đầu gối đứng dậy hướng đôi mắt già nua ngạc nhiên rồi mừng rỡ
- cha bố mày, đứa nào đây, đã lớn từng này rồi cơ à. Đi tầu về à con, cả bố mẹ về à.
Bà vồ vập nắm lấy tay tôi rồi hướng mắt ra phía ngoài
- cháu về một mình mà. Bố mẹ cháu đi biển cùng cơ quan rồi...- tôi lúng búng - chợt chạnh lòng khi thấy hơn một năm mà bà già đi nhanh quá.
- sao mày không đi...mà con mẹ mày có cho mày về đây không vậy. Mấy lần bà nhắc nó bảo mày bận học mà.
- bà... sao chưa chi bà đã nạt cháu rồi. Cháu còn chưa vào nhà mà.
- trốn chứ gì... mẹ mày mà biết thì...- bà im lặng quay đi - thôi vào rửa mặt mũi tay chân đi.
Tôi tung tăng chạy lại giếng múc nước từ cái chum to ra rửa mặt. Cảm giác so với nước máy thật là khác biệt.
Tôi đến hai bà cháu nằm trên chiếc trõng tre ngoài hiên. Gió từ rừng bạch đàn thổi về mát rượi. Thật là bình yên thanh thản xiết bao. Bà hỏi tôi bao nhiêu là thứ chuyện, tôi trả lời mãi cũng không dứt. Cứ như thể bà muốn biết từng ngày của tôi trong ngần ấy thời gian trôi qua ra sao vậy.
- bà ơi, bà kể chuyện cổ tích đi
Tôi nhõng nhẽo ngắt lời bà, rồi lăn đầu vào lòng bà mà ngắm nghía bầu trời đêm.
- lớn từng này rồi vẫn thích truyện cổ tích à
- cháu thích mà, bà kể đi
Bà cười thật hiền, rồi bà nhìn về phía bóng cây sấu già nơi góc vườn, thở dài
- ừ, bà sẽ kể...biết đâu lần sau lại không có cơ hội nữa ... thôi không phải dỗi thế đâu, bà kể mà.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top