Chương 3 : Cuộc chiến Baguette

  Điện thoại réo vang. Tôi mắt nhắm mắt mở quờ quạng tìm cái di động.
- A – lô?
- Ôi cha, sao giọng ngái ngủ thế? Ba giờ rồi mà còn ngủ trưa? Ê, ra ngoài đi dạo một vòng đi. Đi ăn kem. – Giọng cô bạn Hoa – lắm - lời í éo đầu bên kia.
- Không. Hôm nay tớ quyết không ra ngoài nữa đâu.
- Sao vậy?
- Hôm nay bị ám rồi. Ra ngoài có khi lại bị xe tông ngã chỏng ra đó.
- Ha ha. Vi An lạc quan của tớ trở nên mê tín từ khi nào vậy?
- Từ khi gặp cái gã tóc xoăn hàng xóm.
- Thế à? Hàng xóm của cậu? Đẹp trai không? Có gia đình chưa?
Thôi rồi, tôi vớ phải bà tám hạng nặng.
- Này! – Hoa cảnh cáo – Khoan cúp máy. Dậy ngay nhé. Khi tớ đến là phải sửa soạn xong xuôi rồi đấy! Dậy đi.
Con bạn quý hóa cứ eo éo lên như thế thì tôi còn ngủ làm sao được nữa.
- Điếc tai quá, được rồi!
Thì tôi đã dậy rồi đấy thôi. Chết tiệt, tôi đã ngủ thiếp đi khá lâu trong khi đang đọc một cuốn sách. Tôi chui vào nhà tắm vã nước lên mặt cho tỉnh táo.
Hoa nhấn chuông gọi tôi vào lúc ba giờ hai mươi lăm phút. Như vậy là cô nhỏ đã phi thân tới đây trong một thời gian nhanh kỷ lục, so với tính lề mề cố hữu. Đúng là ở đâu có chuyện cần tám, ở đó có Lại Thị Thu Hoa.
Hai đứa chúng tôi lạch cạch khóa cửa. Đi ngang qua căn hộ bên cạnh, tôi chỉ cho Hoa thấy nhà của gã tóc xoăn. Cánh cửa nặng nề đóng im ỉm, kiểu cửa cuốn phẳng lì như của mấy garage ô tô. Một cái khóa to tổ chảng nằm ở phía dưới.
- Con trai để tóc xoăn á? Đang à-la-mốt đấy!

- Hứ, cái tổ quạ đó kinh dị lắm. Loăn xoăn bù xù, giống như gã đội một bát mì vậy. Mặt thì đen sì.
- Ơ thế hàng xóm của cậu người Châu Phi còn gì? – Hoa phì cười.
- Thôi bỏ qua tên dở ấy đi.
- Thế còn buổi phỏng vấn?
- Ăn kem sẽ kể sau. – Tôi giục Hoa. Chúng tôi nhanh chóng đi xuống dưới. Tôi ngồi sau chiếc Vespa màu đỏ dán chi chít thứ hoa văn vuông tròn một cách đồng bóng của Hoa, vừa ôm eo cô nàng chặt cứng, vừa la oai oái trong khi nhỏ tài xế rú ga hết tốc lực.
- Chậm thôi! Khiếp quá! Á á á... Có người sắp lao vào mình kìa.
- Ngồi cho yên! – Hoa quát to! – Đồ nhát gan!
Cuối cùng khi được thả xuống trước cửa siêu thị, mặt tôi tái mét, còn chân thì ríu hết cả lại. Tôi tựa tay vào một cái cột thở dốc. Trên cột dán chi chít các loại quảng cáo giấy, từ cho thuê phòng, cần người ở ghép... đến cắt bê tông, hút hầm cầu... Tờ mới chồng lên tờ cũ. Ở trên cùng cái đám hỗn loạn ấy là một tấm poster quảng cáo in màu. Khuôn mặt của nam diễn viên choán gần hết diện tích tấm poster khổ A3. Anh ta đang cười rạng rỡ với người qua đường. Nhưng lúc này, nụ cười ấy giống như là dành để nhạo báng chứng "sợ giao thông" của tôi thì phải.
- Dám cười ta này! – Tôi độc ác lấy tay gỡ một góc tấm poster rồi không tiếc thương xé roạt một cái; lòng nhủ thầm rằng tôi đã làm một việc tốt là trả lại vẻ thẩm mĩ cho phố xá.
Cùng lúc, đâu đó tại một phim trường, có một người tự nhiên mắt trái bị nháy liên tục.
***
Hoa nhìn tôi đang bặm môi xé tờ poster, lắc đầu ra chiều thương cảm.
- Cậu đang có một triệu chứng của Sốc Văn Hóa Ngược.
- Hử? – Mắt tôi âm u nhìn lên. – Có Sốc Văn Hóa Ngược nữa hử?
- Sao không? Khi cậu ra nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa bản địa hoàn toàn xa lạ, với một ngôn ngữ hoàn toàn khác ngôn ngữ mẹ đẻ và nhiều thứ lạ lẫm khác, cậu sẽ phải đối mặt với các cú sốc văn hóa. Này, nhiều người sốc đến nỗi ốm không gượng dậy được ấy chứ. Nhưng khi sống lâu ở nước ngoài, như cậu là hai năm chẳng hạn, thích nghi với lối sinh hoạt ở "bển", đến lúc về nước lại không quen. Tớ gọi đó là sốc văn hóa ngược.
- Chà, lý luận của cậu hay nhỉ.
- Có bằng chứng hẳn hoi chứ đùa à. Chả phải ngày trước cậu phóng xe bạt mạng, giờ về lại cứ nhìn thấy xe máy là sợ? Còn ông bạn trai của chị tớ, du học năm năm về, quen thói ngủ là không mặc đồ. Tới nhà tớ chơi, ngủ chung giường với bố tớ, sáng dậy, bố tớ phát hiện ra tình trạng khỏa thân của chàng rể tương lai. Chà, lần đấy phải giải thích mãi ông mới nguôi.
- Đâu có! – Tôi cãi lại. – Tớ đâu có sợ xe máy. Chỉ sợ bị xe tông thôi. Mà này, chuyện khỏa thân là có thật à?
- Thật!
Vào bên trong siêu thị, chúng tôi đi window-shopping (chỉ ngắm hàng chứ không mua) hết quầy này đến quầy khác. Đến khi mỏi chân thì ra khu ẩm thực, mua hai cây kem tươi ốc quế vị sầu riêng. Tôi nhanh chân chiếm được hai chiếc ghế, ngồi phịch xuống, cầm cây kem mút lấy mút để.
- Cuộc phỏng vấn của cậu thế nào? Tốt chứ?
Tôi nhún vai, vừa mút kem vừa thuật lại cho Hoa nghe. Cô bạn chần chừ nhìn cục kem mịn màu vàng nhạt trên tay. Săm soi cây kem một hồi, chợt cô ngước lên nhìn tôi:
- Không ổn, Vi An. Điềm xấu rồi!
- Cái gì xấu? – Tôi vẫn hồn nhiên mút cây kem của mình.
- Buổi phỏng vấn của cậu! Bà giám đốc nhân sự đó toàn khen cậu, đúng không? Đấy, điềm xấu đấy!
- Ý cậu là vì không muốn nhận mình, nên người ta mới khen?
- Chính xác. Giống như đi mua đồ vậy. Người nào chê mới là người mua hàng. Chê càng nhiều, xác suất mua hàng của người đó càng cao. Còn người khen, thì thường là khen xong rồi cắp mông bỏ đi. Cái này nó thuộc về tâm lí giao tiếp, chỉ cần để ý một tí là thấy...
Khi Hoa đang huyên thuyên về mớ lý thuyết tâm lý học, mặc cho cây kem chảy nước nhỏ tong tong xuống nền gạch hoa, thì điện thoại của tôi réo vang.
- Số của khách sạn New World! – Tôi kêu lên. Cái loa phát thanh bên cạnh lập tức nín re. Tôi mở máy ngay tắp lự:
- Vi An nghe!
- Chào Vi An. Tôi gọi từ bộ phận nhân sự của New World. Chúng tôi vừa mới gửi cho bạn một email. Tôi gọi để chắc rằng bạn sẽ mở nó vào ngày hôm nay.
Giữa khu vực mua sắm ồn ào, tiếng nói bên tai tôi như vọng đến từ một thế giới khác.
- Chị có thể nói sơ qua cho em nội dung không ạ? Em đang ở bên ngoài. Email thông báo kết quả buổi phỏng vấn phải không?
Hoa nghe đến chữ "kết quả buổi phỏng vấn", lập tức ghé cái đầu cô sát vào tôi, khiến tôi phải dùng cánh tay còn lại đẩy ra.
- Cũng có thể gọi nó là một dạng email thông báo. Tốt nhất là bạn nên tự đọc để nắm rõ thông tin hơn.
- Vậy đúng là tin xấu rồi! Nên họ mới không muốn báo trực tiếp với cậu– Nhà "tâm lý học – giao tiếp học" ngồi bên cạnh tôi hớt leo. Tôi những muốn cầm cây kem nhét cả vào miệng cô bạn để nó không thể tiếp tục bình luận.
- Có một việc này tối quan trọng. Hãy xác nhận với tôi là bạn sẽ đọc nó trước 12 giờ tối nay, bằng bất cứ giá nào. – Giọng đầu bên kia thúc giục. Tôi chẳng thể nói gì khác ngoài tiếng: "Vâng!", mặc dù tôi không tin việc tôi đọc một cái email vào buổi tối hôm nay hay sẽ đọc nó vào buổi sáng ngày hôm sau sẽ có ý nghĩa với một ai đó.
- Chắc chắn chứ?
- Chắc chắn.
- Rồi, xin cám ơn bạn. Chào!
Sau đó là tiếng ống nghe cúp trên giá. Tôi gập điện thoại, nhét vào lại trong ví.

Một mình tôi ngồi trong căn phòng khách hẹp, trước mặt là chiếc laptop và hộp mail mở sẵn. Hoa đã chở tôi về trên đường phố Sài Gòn với tốc độ của tên lửa lao lên giải ngân hà. Sau đó nằng nặc định kéo tôi chạy lên phòng, bằng vẻ sốt sắng tột độ, giống như cái email của New World sẽ quyết định công việc của cô ấy, chứ không phải của chính tôi vậy. May cho tôi là cô có một cú điện thoại khẩn yêu cầu phải đi gấp. Vì thế tôi mới có thể ngồi trong phòng khách yên ổn một mình thế này. Tôi, dù hơi hồi hộp khi thấy email gửi từ phòng nhân sự của New World đang nằm chễm chệ trong mailbox, nhưng vẫn không khỏi cười thầm khi nhớ lại khuôn mặt đang hồ hởi tự nhiên xìu xuống như bánh bao chiều nhúng nước của con bạn thân.

- Xem New World gửi gì cho ta nào! – Tôi xoa xoa hai bàn tay vào nhau, rồi nhấp chuột vào tiêu đề: "Thông Báo Từ Phòng Nhân Sự New World".

( Còn Tiếp )

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top