Cơ quan giám sát tài chính: vai trò còn mờ nhạt

Cơ quan giám sát tài chính: vai trò còn mờ nhạt

Hệ thống giám sát tài chính của VN hiện nay còn thiếu sự liên thông nên chưa phát huy được vai trò của mình. Trong ảnh, khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) - Những nguyên nhân căn bản của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã dần lộ rõ, trong đó nổi lên một số vấn đề hệ trọng về mặt quản lý, điều hành các định chế tài chính, công cụ tài chính... 

Cụ thể như mở rộng lĩnh vực hoạt động của các định chế tài chính một cách thái quá; thiếu kiểm soát sự hình thành và phát triển của các công cụ tài chính (điển hình là công cụ bảo hiểm, chứng khoán hóa các khoản nợ dưới chuẩn); bật đèn xanh cho các hoạt động đầu cơ thuần túy, duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ thị trường chứng khoán, dung túng cho các hoạt động bảo hiểm niềm tin...

Câu hỏi đặt ra là: vậy hệ thống tài chính của Việt Nam được giám sát như thế nào?

Giám sát tài chính Việt Nam: chưa có sự liên thông

Định chế tài chính trung gian là các tổ chức thực hiện chức năng dẫn vốn từ người có vốn tới người cần vốn. Các định chế tài chính trung gian có thể là các ngân hàng, các công ty chứng khoán, các hiệp hội cho vay, các liên hiệp tín dụng (quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô), các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính (gọi tắt là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm).

<a href='http://ads.thesaigontimes.vn/www/delivery/ck.php?n=a43763e8&amp;cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE' target='_blank'><img src='http://ads.thesaigontimes.vn/www/delivery/avw.php?zoneid=12&amp;cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE&amp;n=a43763e8' border='0' alt='' /></a>

Như vậy, hệ thống tài chính của Việt Nam có sự hiện diện của hầu hết các loại hình định chế tài chính trung gian, do đó, hoạt động giám sát tài chính quốc gia bao trùm lên tất cả các định chế này.

Hiện tại (*), việc kiểm tra, giám sát các định chế tài chính này đang được phân chia cho các cơ quan khác nhau. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm thanh tra, quản lý và giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung.

Bên cạnh đó, hoạt động của các công ty bảo hiểm được giám sát bởi Bộ Tài chính.

Thêm một điểm đáng lưu ý trong mô hình hiện tại là việc các cơ quan này vừa thực hiện chức năng cấp phép, ban hành cơ chế chính sách vừa thực hiện chức năng hướng dẫn, triển khai thực hiện và kiêm luôn vai trò kiểm tra, thanh tra và giám sát (theo sự phân cấp trên).

Mô hình này dẫn tới sự thiếu liên thông trong vấn đề thực hiện giám sát cả hệ thống tài chính. Gần như các cơ quan chức năng chưa phát hiện được bất cứ mối liên hệ, hay nói thẳng ra là các giao dịch bất minh giữa ba nhóm đối tượng này, điển hình như giao dịch mua bán cổ phiếu quỹ giữa ngân hàng với công ty con là công ty chứng khoán. Trong khi, có thể dễ nhận thấy, hoạt động này hoàn toàn có khả năng tạo ra những bản báo cáo tài chính “rất đẹp”!

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: cần khẩn trương hơn!

Ngay từ tháng 3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) với nhiều chức năng và nhiệm vụ quan trọng như: điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia, kiến nghị cơ chế giám sát, giám sát chuyên ngành; giám sát chung thị trường tài chính, giám sát điều kiện được cấp phép; phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống và nguy cơ rủi ro đối với thị trường tài chính quốc gia...

Với chừng đó chức năng, nhiệm vụ, NFSC như đã được trao vương trượng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hoạt động của cơ quan này vẫn chưa thực sự khởi sắc, ngoài việc tổ chức một số hội thảo và đối thoại giữa chính phủ, các cơ quan chức năng và các trí thức, học giả.

Báo cáo thảo luận chính sách số 3 của nhóm giáo sư Harvard cũng đã đưa ra khuyến nghị về việc tăng cường năng lực của tổ chức này và khuyến nghị Chính phủ cần cung cấp đủ nguồn lực để cho cơ quan này có thể hoàn thành trách nhiệm của mình.

Trước hết, với nhiệm vụ được giao, NFSC có thể khẩn trương triển khai một số công việc cụ thể: (i) rà soát hệ thống tài chính, đưa ra khuyến nghị chính sách về việc thành lập thêm các định chế tài chính mới, đặc biệt là ngân hàng và công ty chứng khoán; (ii) kiểm tra, phân tích và đánh giá các sản phẩm dịch vụ đang được cung cấp hiện nay để nhận diện rủi ro, đặc biệt là việc triển khai cung ứng các công cụ tài chính của các định chế tài chính (như repo, tiết kiệm linh hoạt, tiết kiệm bảo đảm...); (iii) xem xét và đánh giá khách quan về việc thực hiện phân loại nợ và trích lập đủ dự phòng đối với các tổ chức tín dụng (hoạt động chiếm tới trên 50% tổng tài sản và hàm chứa rất nhiều rủi ro); (iv) kiểm tra khoản mục đầu tư giấy tờ có giá, chú trọng phân tích giao dịch giữa ngân hàng và công ty chứng khoán, đặc biệt là công ty chứng khoán có vốn của ngân hàng và ngược lại.

Trên cơ sở một số nhiệm vụ cụ thể này, NFSC sẽ dần trưởng thành và hoàn thiện vai trò, vị trí và chức năng cũng như hoàn thiện hệ chỉ tiêu, phương pháp giám sát của mình. Có như vậy NFSC mới có thể phát huy được vai trò của cơ quan giám sát tài chính quốc gia, tiến tới thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia, giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường này như ý tưởng khi quyết định thành lập.

LÊ TRẦN

_____________________________________

(*) Ở đây, chúng tôi chưa đề cập đến sự ra đời của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia mặc dù cơ quan này đã được Thủ tướng ký Quyết định thành lập số 34/2008/QĐ-TTg ngày 3-3-2008.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: