Phần 29:"Mày có biết bố mẹ làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới được vài đồng không?!"
Tôi phải thừa nhận rằng, tôi yêu bố hơn bất kì ai và đương nhiên là hơn mẹ. Mẹ ăn nói cọc cằn, thô lỗ, thực dụng, quá đáng và đôi khi là bạo lực ngôn ngữ. Tôi luôn gặp mặt bố nhiều hơn mẹ, có cơ hội trò chuyện và tâm sự với bố nhiều hơn, và bố là người thầy đầu tiên - tôi cũng nghĩ là người thầy duy nhất tuyệt vời thực sự.
Bà nội kể lại, những ngày mới chào đời, tôi khóc nổi tiếng cả làng. Khóc nhiều đến nỗi tưởng như ngạt thở, ốm sốt liên miên lại lười uống sữa. Lúc ấy tuy con mọn mà mẹ phải làm cả ca đêm lẫn ca ngày, tôi khóc đòi mẹ, có những đêm bố thức trắng dỗ tôi ăn, dỗ tôi ngủ. Mấy tối khóc đòi mẹ không ai dỗ nổi, bố phải đi sang nhà họ hàng mượn xe máy lên công ty đón mẹ về, mặc dầu lúc mượn xe người ta nói chẳng dễ nghe là mấy.
Rồi lớn thêm vài tuổi, vì quấn quýt với bố nhiều, lại chỉ gặp mẹ sáng sớm và tối muộn đều trong bộ dạng mệt mỏi cáu gắt hoặc quý giá lắm mới có cái chủ nhật tươi tỉnh hơn, cho nên tôi yêu bố và hiểu bố hơn. Từ khi có kí ức, tôi chưa từng quên 1 chi tiết nào về nỗi khổ của bố. Bố trong kí ức của tôi là 1 người đàn ông trầm tĩnh, từng trải nhiều nghề, 3 năm sống khắc khổ bên Malaysia để phụ mẹ kiếm tiền làm nhà. Bởi lẽ cái nhà hồi xưa bé bằng cái bếp bây giờ, nấu nướng ăn ngủ sinh hoạt tất cả chỉ trong căn nhà lợp mái bờ lô hè nóng đông lạnh. Hồi ở Malay, 1 mớ rau chia nhỏ ăn cả tuần, dư giả vài đồng mới ăn cơm, còn không đều ăn mì, thắt bụng lại để dành tiền gửi về cho mẹ. Ngày nghỉ, bạn cùng phòng trọ bố rủ nhau lên tháp đôi đi chơi, bố tôi - người đàn ông có dáng người đen sạm và khắc khổ, đi nhặt lon chai bán lấy tiền. 3 năm đi như thế, chỉ có 2 lần về. Đón bố về và tiễn bố lên xe đều trong nước mắt, cho dù năm ấy tôi chỉ tròn 5 tuổi. À đâu, từ lúc biết thương nhớ bố, đêm đi ngủ nằm cạnh bà, thỉnh thoảng tôi lại thút thít.
Năm cuối bố về, cái năm mà mẹ viết thư gửi sang dặn bố cẩn thận, vì mẹ đi xem bói thấy bố có hạn, tôi cầm hoa chờ bố ở sân bay. Tôi nhớ từng nếp nhăn của bố ngày về ấy và nhớ như in cái áo len màu lông chuột đã cũ, cho dù còn quên cả trời hôm ấy mưa hay nắng, hoa là hoa ly hay hoa hồng, tôi chỉ nhớ, 4 ngón tay bố đều không còn nguyên vẹn nữa. Về đến nhà, bố kể bố bị tai nạn lao động, 1 bàn máy dập thẳng vào bàn tay, chảy máu ròng ròng từ chỗ làm đến bệnh viện cách đó mấy cây số. Rồi bố khâu ra làm sao, nối xương ra làm sao, trong những tháng nằm viện rồi về nhà ăn uống rửa bát đều tự vượt qua như thế nào, mấy lời kể qua loa vì sợ người nhà đau lòng, tất cả ù đi bên tai tôi. Tối hôm ấy trời nổi trận lôi đình, tôi 6 tuổi, chỉ biết xoa xoa 4 đầu ngón tay đã không còn linh hoạt của bố khóc thiếp đi trong lòng ông ấy.
Rồi cũng xây được nhà. Lo lắng, trăn trở, bố hút nhiều thuốc hơn, lúc nào mắt cũng nhìn về 1 phía xa lắm. Tôi chẳng biết đấy là đâu, chỉ thấy nhà ngày 1 hoàn thiện nhưng gia đình nhỏ chẳng còn cùng 1 giường vui vẻ ấm áp như trước, bố mẹ đều áp lực, đêm đêm đều thở dài bàn chuyện tiền nong gạch ngói. Một tay bố mẹ xây lên căn nhà 2 tầng này, dần dà sắm sửa cho khang trang đầy đủ. Đến giờ, tôi có bình nước nóng, tấm pin năng lượng mặt trời, tắm vòi hoa sen, có điều hòa, kệ sách, máy giặt, ti vi màn hình lớn, xe đạp điện,... tất cả tất cả đều được mua bởi mồ hôi nước mắt của bố mẹ.
Những năm đầu lên nhà mới, tôi cứ ôm ảnh bố khóc. Có phải chết chóc đâu, chỉ là tôi cứ nhớ bố. Trước khi xuất khẩu lao động ấy, bố đã cực rồi. Chữa đài sớm tối cặm cụi đến cận thị, rồi chữa loa đài ít khách, thu nhập lại bèo bọt, bố bỏ để đi vác muối, giữa trưa hè vẫn phải đi giày, mặc đồ bảo hộ, vác bao muối nặng hàng chục cân đi qua đi lại giữa nền sân bê tông không 1 bóng cây, ngày vất vả hơn còn phải bê lên cao vì trong kho có nhiều tầng, mồ hôi chảy thành sông. Được vài năm, công ty muối đóng cửa, bố lại đi làm ở công ty thuốc trừ sâu, ngày ngày tiếp xúc với bao nhiêu hóa chất độc hại. Lấy mẹ, đi Malay về, bố làm bảo vệ để trả nốt nợ xây nhà. Từ đấy đến nay chẳng nhớ nổi đã nhảy bao nhiêu công ty rồi, chỉ biết chủ bố đi theo ca 8 tiếng (8 tiếng làm sẽ có 8 tiếng về nhà, rồi lại đi 8 tiếng). Trực đêm là chuyện thường phố huyện, tối nhà vắng bố, tôi vừa nhớ vừa thương, lại lôi ảnh ra nhìn khóc nức nở, khóc đến ngủ thiếp đi. Sáng sớm dậy, thấy bố về là mừng lắm, vì bố không ốm, vì bố không bị bọn đầu đường xó chợ nào đấy gây sự, cho dù mắt ông ấy đỏ hoe và trũng sâu, tóc tai rối rối và quần áo đều bám bụi bẩn rồi, chân tay lại đầy vết muỗi đốt. Bảo vệ chán, giờ bố lái xe cho công ty môi trường, vẫn vất vả nắng nôi chân tay đen đi nhiều, nhưng tối đến được ăn uống ngủ nghỉ ở nhà thoải mái lắm. Thế là tôi hài lòng.
Ấy, vậy mà lắm lúc tôi bực mình với sự nghiêm khắc của bố. Tôi khó chịu với những quan điểm ngông nghênh của bố. Cho dù tôi yêu bố nhiều, cảm thông sẻ chia nhiều chứ, nhưng vẫn có những giận hờn, những bất đồng giữa 2 thế hệ. Và giờ tôi hiểu, ông ấy có quyền như thế, và tôi thật ngớ ngẩn khi chọn cách tranh cãi thay vì lắng nghe và tự chọn lọc.
Trong kí ức của tôi, bố rõ ràng hùng dũng bao nhiêu, mẹ lại giống phù thủy bấy nhiêu. Mẹ đánh mắng tôi đôi khi rất vô lí, xích mích với nhà bà nội, cãi nhau tưởng như sắp li dị với bố vì tiền nong, và thường xuyên khiến tôi ức chế đến nỗi có thể viết hẳn 1 thư tuyệt mệnh kèm 1 con dao ở đầu giường - tuy lúc ấy chẳng dám làm gì, chỉ khóc đến mệt thiếp đi. Trong nhật kí đến tận cấp 2 chỉ toàn là nỗi uất ức và ghét mẹ. Tất nhiên, đôi khi cảm nhận được mẹ mệt thật sự, tôi vẫn thương bà ấy. Bà ấy đúng, tôi luôn đứng ra bênh. Bà ấy sai, tôi không ngại cãi lại. Chỉ là vì không hợp nhau quá nhiều, nên sự chán ghét vẫn nhiều đến nỗi có thể đánh tan lòng cảm thông trong tích tắc.
Cho đến ngày hôm nay - năm tôi 16, đã trải nghiệm thử công việc của mẹ được 2 ngày, tôi mới hiểu, tôi thật trẻ con.
Mẹ tôi làm may từ năm bà ấy xấp xỉ tuổi tôi bây giờ, nay đã làm tổ trưởng, lương tháng cao đồng nghĩa với áp lực lớn. Tôi nghe loáng thoáng người ta bảo mẹ cực lắm, cũng thường thấy mẹ về nhà mệt mỏi và cáu gắt, thường nghe mẹ than mấy câu chuyện ức chế ở công ty cả tối, nhưng chả hiểu sao, tôi không thực sự thương mẹ mãnh liệt như bố. Tôi vẫn cãi mẹ, dậm dật, sưng xỉa, khó chịu ra mặt với mẹ. Lớn hơn, tôi cứng đầu và liệt mẹ vào danh sách đen- danh sách chủ yêu dành cho những thứ tôi cho là không đúng- chắc chắn tôi không để vào đầu. Không thể phủ nhận, những điểm xấu xa của mẹ đã rèn cho tôi cứng cáp và mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Mà thế mới có chuyện, có chuyện rằng hôm nay có 1 cô bé thực sự chứng kiến mẹ áp lực, và trải nghiệm công việc ở xưởng của mẹ - tuy chỉ phụ những việc nhỏ bé dễ dàng nhất mã hàng. Mẹ bảo theo mẹ đi trải nghiệm để hiểu, để bênh mẹ nếu có ai nói: "Mẹ mày cứ chửi người là có tiền, chỉ giỏi kêu khổ thôi." Mà thật ra tôi cũng không đồng tình với động cơ của mẹ lắm, vì mẹ kêu nhiều thật - mẹ nhiều bệnh và nhiều áp lực - theo lời bà ấy. Tôi đi chỉ vì cái lí do rất tùy hứng là ở nhà nghỉ hè thì nhàn cư vi bất thiện, vả lại tôi thấy mấy người quen biết cũng đi làm may hộ mẹ họ, nên cũng muốn trải nghiệm thử.
Sau 2 ngày: trưa ăn giỏi lắm được 2 miếng cơm vì cơm khô như rơm, xưởng may nóng như lò bát quái, bụi chỉ bụi lông dính vào mô hôi "đổ tự do" trên người, đứng liên tục 2 tiếng để nhặt chỉ, ngồi liền vài tiếng để quay nắp túi - tất cả đều phải tốc độ và chuẩn xác, vì sai 1 li đi 1 dặm.
Tôi thấy gì ngoài đau toàn thân và mệt không nói nổi? Tôi thấy những xấp hàng chuyền từ cuối chuyền lên đầu chuyền liên tục và cao như núi, thấy những công nhân làm việc không ngẩng cổ lên, thấy những khách hàng và ban quản lí đi kiểm tra thường xuyên và chuyện phê bình khó nghe như cơm bữa, thấy một công ty cơm khó nuốt như vậy mà họ ăn được 2 bát trong vòng 15 phút để dành 30 phút hiếm hoi nghỉ trưa, ăn xong về xưởng ăn vặt giải lao cũng phải thấp thỏm lo bảo vệ kiểm tra, chợp mắt được 15 phút cũng không yên vì quạt ít người đông lại phải nằm trên ghế cứng. Và đặc biệt hơn, tôi có dịp quan sát mẹ làm, dù là tôi cũng có ối việc phải giúp mẹ.
Tôi thấy mẹ đi không nghỉ, một xưởng dài như thế, một công ty to như thế, đi suốt, mồ hôi bết cả tóc. Ôm hàng, giục hàng, nói người này làm cái gì, chỉ người kia phải làm cái kia. Mồm miệng không ngớt. Mà đâu chỉ có chỉ đạo, mẹ phải hỗ trợ. Người nào gặp khó khăn, khâu nào thiếu người làm, mẹ làm hết. Gì cũng làm được, cứ thiếu người là nhảy vào hỗ trợ. Bà ấy còn không cả biết trời tắt nắng và tối om từ khi nào. Vì sáng dậy từ 6h kém, bắt đầu làm từ 7h kém đến tận 7h tối cho kịp định mức. Tôi thấy mẹ chạy từng cái từng cái hàng cho đủ, lúc công nhân về gần hết, mẹ vẫn ở lại viết báo cáo. Làm xong thì nhà để xe chỉ còn vài cái, trời bão bùng cũng không về sớm.
Thế là tôi đã thấy mẹ: 1 mẹ giỏi thực sự, 1 mẹ trách nghiệm, 1 mẹ với lượng công việc cao vút và áp lực, 1 mẹ khác. Không phải mẹ dành tất cả thời gian làu bàu tôi, không phải mẹ mắng mỏ quát tháo, không phải mẹ thích nghi ngờ tôi yêu đương nhăng nhít.
Vâng, hoàn toàn có thể thấu hiểu được. Một môi trường làm việc với những công nhân thân quen ít va chạm xã hội - nơi hiện đại ngày một rộng mở. Những nụ cười chân chất giữa xấp hàng cao ngập mặt, những cuộc trò chuyện chúng ta coi là nhảm nhí và lạc hậu, những món ăn mà có khi pet còn không ngon miệng. Không, tất cả chúng tạo nên mẹ tôi, và bà ấy có tỉ thứ phi thường, không phải chỉ đáng ghét đến tiêu cực.
Tôi không phủ nhận bà ấy có nhiều điều sai và tôi có quyền giận, nhưng tôi cũng thừa nhận, tôi sung sướng quá nên đôi khi ích kỉ. Tôi tưởng mình thấu hiểu hơn bạn bè, nhưng đến mẹ tôi tôi còn chưa hiểu hết. Bà ấy yêu tôi sai cách, nhưng cái cách tiêu cực ấy có lẽ vĩ đại hơn nhiều bà mẹ.
Tôi biết, sau những dòng này, rồi đến 1 ngày sự ngang bướng của tôi lại trỗi dậy, lại mặc kệ mẹ vất vả thế nào để tranh cãi và chán ghét bà ấy. Nhưng tôi chỉ muốn ghi lại cảm nhận này, thứ khiến tôi nghĩ suốt mấy ngày nay, thứ mà 1 con bé chỉ sau 2 ngày đi giúp mẹ cũng gầy đi nửa cân, thứ mà 1 con bé chưa bao giờ tượng tượng ra, thứ mà 1 con bé từng từ chối nhìn nhận, thứ công việc mà 1 con bé chỉ thử 2 ngày đã chán ngán và kiệt sức, thứ khiến 1 con bé mệt mỏi mỗi khi nhắc về mẹ: công việc của mẹ.
Thật may mắn, họ không tâm lí, giàu có và cao siêu đức độ như thần phật, nhưng họ đã tạo nên những gì quý giá nhất của tôi. Tôi có thể trực diện thừa nhận: có tôi ngày hôm nay- cả tâm hồn lẫn thể xác - phần lớn là nhờ vào 2 con người to lớn ấy: bố mẹ.
(6.7.2019)
Tôi từng thầm nghĩ thật tự ti vì tôi không được ăn uống đầy đủ hay được chăm sóc kĩ càng. Tôi từng thầm hờn dỗi trong lòng vì bố mẹ hiếm khi thưởng cho tôi cái gì, cho dù từ nhỏ tới lớn thành tích tôi đạt được là khá tốt từ ở trường lớp đến thành phố. Tôi từng oán trách bố mẹ chẳng bao giờ cho tôi một chuyến du lịch cho dù là ở nơi gần thôi. Tôi từng so sánh việc học của tôi và công việc của bố mẹ ai vất vả hơn. Tôi từng buồn bã vì bố mẹ chẳng thấu hiểu gì mình, chỉ biết trút áp lực lên đầu thôi. Tôi từng trẻ con thề rằng sẽ không coi mẹ là mẹ nữa, sẽ không bao giờ kể gì cho bố nghe nữa.
Vâng,
Không sai đâu, câu nói của bố mẹ ấy: "Mày có biết bố mẹ làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới được vài đồng không?"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top