Hồi 9: Tống Thái Tổ - Triệu Khuông Dận
Tống Thái Tổ (chữ Hán: 宋太祖, 21 tháng 3, 927 - 14 tháng 11, 976), tên thật là Triệu Khuông Dận (趙匡胤, đôi khi viết là Triệu Khuông Dẫn), tự Nguyên Lãng (元朗), là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại Nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc, ở ngôi từ năm 960 đến năm 976.
Tiểu sử của ông được ghi tại Tống sử, quyển 1-3 "Thái Tổ bản kỷ". Năm 960 vạch ra kế hoạch Binh biến Trần Kiều đoạt được chính quyền nhà Hậu Chu, lấy đất Tống Châu nơi Triệu Khuông Dẫn được phong làm Quy Đức quân Tiết độ sứ để làm quốc hiệu, lập nên Vương triều Tống. Ông là hoàng đế Nhà Tống duy nhất có xuất thân võ tướng, tất cả các hoàng đế sau của Nhà Tống đều là thư sinh.
Tống Thái Tổ trong lịch sử thường được đánh giá ngang với các bậc đại đế như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông. Ông sáng lập ra vương triều Tống, gần như thống nhất đất nước đến khi mất. Trong thời gian trị vì Thái Tổ đã tiêu diệt và sáp nhập Nam Đường, Hậu Thục, Nam Hán và Kinh Nam vào bản đồ Nhà Tống, chỉ còn lại Bắc Hán, chấm dứt thời loạn lạc cát cứ Ngũ Đại Thập Quốc của các tiết độ sứ suốt mấy chục năm từ cuối thời Đường. Ông còn thực hiện cải cách hành chính tập trung binh quyền, giảm sưu thuế, trả lại đất đai cho dân nghèo, mở khoa cử tuyển nhân tài từ những người đọc sách tầng lớp dưới. Những việc làm trên đã giúp Nhà Tống mới thành lập được ổn định và trở thành vương triều thống trị Trung Quốc hơn 300 năm. Ông còn là hoàng đế nhân từ nổi tiếng trong lịch sử, không sát hại các công thần như các hoàng đế khác ví dụ như Lưu Bang hay Chu Nguyên Chương.
Năm 976, Tống Thái Tổ bất ngờ qua đời, sử sách ghi lại nói rằng ông bị bệnh, ngôi vua được truyền lại cho người em là Triệu Quang Nghĩa, tức là Tống Thái Tông. Tuy nhiên việc này đã bị người đương thời cũng như hậu thế nghi ngờ về tính chân thật, nhiều người cho rằng chính em trai đã sát hại ông để đoạt ngôi báu và các con ông cũng bị ám hại sau đó. Nghi án này mãi đến nay vẫn là một bí ẩn.
9.1 Thân thế
Triệu Khuông Dận xuất thân từ một gia đình dòng dõi quan lại. Ông tổ Triệu Thiệu làm Huyện lệnh đời Đường; ông cố Triệu Đình Lịch làm quan phiên trấn, thăng dần đến Ngự sử Trung thừa: ông nội Triệu Kính lần lượt làm Thứ sử Doanh Châu, Tô Châu và Trác Châu. Cha Triệu Khuông Dận là Triệu Hoằng Ân, một quan võ có tài cưỡi ngựa bắn cung, làm Chỉ huy sứ Đệ nhất quân thiết kỵ của nhà Hậu Chu, sau làm Hữu Sương Đô Chỉ huy sứ, lĩnh chức Phòng ngự sứ Nhạc Châu, theo Chu Thế Tông đánh Hoài, có công lần lượt lại được phong Kiểm hiệu Tư đồ, tước Thiên Thủy Huyện Nam. Năm 927, Triệu Khuông Dẫn được sinh ra ở Lạc Dương.
Cha con Triệu Khuông Dận đều là quan Cấm binh đời Hậu Chu, vinh quang một thời. Triệu Khuông Dận không những có tài võ nghệ siêu quần mà còn rất hiếu học, hiểu được đường lối trị quốc bình thiên hạ. Bất kể trên lưng ngựa hay ở nhà, lúc nào trên tay ông cũng có một quyển sách, không bao giờ ngưng học tập. Từ trong sách vở ông đã tăng thêm nhiều kiến thức, lĩnh hội được vô số tinh hoa, thu lượm được nhiều điều bổ ích.
Triệu Khuông Dận là người dũng cảm. Có lần ông bị thách thuần phục một con ngựa hoang mà không dùng yên cương. Ông nhảy lên ngựa, chẳng ngờ tính nó dữ quá, hất ông ra. Đầu ông đập ngay vào cửa thành. Ông bật dậy được ngay, túm lấy bờm nó mà ghì xuống, qua hồi lâu cuối cùng con ngựa cũng chịu phục. Bản thân ông thì không bị thương.
Sau nhiều năm phiêu bạt, vào năm 949, Triệu Khuông Dẫn tòng quân cho nhà Hậu Hán vào dưới trướng của đại tướng Hậu Hán lúc đó là Quách Uy.
9.2 Vì sao Đinh Tiên Hoàng coi Hoàng đế Triệu Khuông Dận như bậc con cháu?
Trong các văn bản quan hệ ngoại giao với nhà Tống thì Đinh Tiên Hoàng lại cho con trai là Đinh Liễn đứng tên, tức là ông cho con ông ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống. Kiểu đó thực không khác gì coi Triệu Khuông Dẫn như bậc con cháu cả.
Trong lịch sử Việt Nam, triều Đinh tồn tại trong một thời gian không dài, chỉ 12 năm từ 968 đến 980 và cũng chỉ có duy nhất một đời vua thực sự nắm quyền là Đinh Tiên Hoàng (Đinh Phế Đế là vua thứ 2 chỉ ở ngôi được 1 năm khi còn quá nhỏ rồi bị truất). Tuy nhiên, những dấu ấn của triều Đinh thì không phai mờ trong lịch sử dân tộc. Triều Đinh mà cụ thể là vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt nền móng ngoại giao ngang bằng và vững chắc của dân tộc ta trước các triều đại Trung Quốc.
Dấu ấn thể hiện sự ngang bằng của Đinh Tiên Hoàng ở việc ông đặt tên nước (quốc hiệu) là Đại Cồ Việt. Đại là từ Hán-Việt và có nghĩa "vĩ đại"; Cồ là một chữ Việt cũng có nghĩa "to lớn, vĩ đại". Cần nhớ trước đó và sau này các triều đại ở Trung Quốc chỉ xưng quốc hiệu là Đại Tần, Đại Tấn, Đại Đường, Đại Tống... thì cũng chỉ có một chữ đại. Riêng Đinh Tiên Hoàng lại dùng đến hai chữ Đại và Cồ ở trước tên nước thì có lẽ nhà vua không chỉ muốn nước ta sánh ngang với phương Bắc mà còn kỳ vọng to lớn hơn, vĩ đại hơn.
Ngoài ra, vua còn tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Trước đó trong lịch sử thì cũng có hai vua nước ta xưng đế chính là Lý Bí (Lý Nam Đế) và Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế). Còn các vua khác chỉ xưng Vương như Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương), Phùng Hưng (được con tôn là Bố Cái đại vương)... Đến ngay như Ngô Quyền sau khi đánh tan quân Nam Hán mở ra thời kỳ độc lập lâu dài thì cũng mới chỉ xưng là Ngô Vương (Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục). Còn nhà họ Khúc hay Dương Đình Nghệ tuy đã mở thời kỳ người Việt làm chủ đất Việt nhưng chỉ xưng là Tiết độ sứ để khỏi phát sinh lôi thôi với chính sách bành trướng của triều đình phương Bắc. Theo quan điểm của phương Bắc thời đó thì chỉ có vua của họ mới được xưng là Đế còn các nước xung quanh chỉ được xưng là Vương, tức dưới Đế một bậc.
Các vua nước ta là Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế tự xưng Đế là để khẳng định ta không phụ thuộc gì với triều đại bên Trung Quốc nhưng Đinh Tiên Hoàng lại còn tiến xa hơn một bước khi xưng là Hoàng Đế. Danh Hoàng Đế là do Tần Thủy Hoàng nghĩ ra, chữ Hoàng có nghĩa là người thống trị bậc cao nhất, chữ Đế trước đó chỉ dùng để gọi Trời mà không dùng để gọi Vua. Tần Thủy Hoàng muốn khẳng định mình có uy quyền thống trị toàn bộ thế gian vì đã thôn tính được 6 nước khác thống nhất Trung Hoa qua việc đổi xưng Hoàng đế. Do vậy có thể thấy Đinh Tiên Hoàng khi xưng Hoàng đế cũng muốn khẳng định ông có uy quyền thống trị không kém gì các vua ở phương Bắc.
Hai năm sau khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi thì Tống Thái Tổ (tức Triệu Khuông Dận) bắt đầu xua quân xuống phía nam đánh Nam Hán. Năm 971, Nam Hán bị diệt và biên giới Tống sát với nước ta. Ngay từ đó, hai bên Việt - Tống đã có ngoại giao qua lại. Cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước của Nguyễn Lương Bích ghi nhận: "Điều đặc biệt trong đường lối, phong cách ngoại giao của Đinh Tiên Hoàng là ông vẫn làm vua, vẫn cầm quyền trị nước, nhưng trong các văn bản quan hệ ngoại giao thì ông lại cho con trai là Đinh Liễn đứng tên, tức là ông cho con ông ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống". Kiểu đó thực không khác gì coi Triệu Khuông Dẫn như bậc con cháu cả. Trên thực tế, Đinh Tiên Hoàng sinh năm 924 thì cũng chỉ hơn Triệu Khuông Dẫn 3 tuổi. Thái độ đó của Đinh Tiên Hoàng, có thể triều Tống không bằng lòng, nhưng nhà Tống chưa làm gì được vì khi đó phải bận dẹp nội chiến.
Về sau, nhà Nguyên bên Trung Quốc cũng cay cú với việc nhà Trần chỉ cho vua con ra tiếp thư, nhận chiếu của họ chứ vua cha tức Thái Thượng hoàng thì không thèm tiếp. Thật ra, nhà Trần có truyền thống nhường ngôi cho con sớm để con lo việc điều hành nước nhưng quyền lực tối cao vẫn trong tay Thái thượng hoàng. Chỉ có điều theo chính danh, vua con là người đứng đầu triều đình thì chịu trách nhiệm làm việc với triều đình phương Bắc là điều đương nhiên. Nhưng phương Bắc lại cho rằng bị người nước ta chơi xỏ nên suốt một thời gian trong các văn thư qua lại, họ không chịu thừa nhận vua nước ta là vua mà chỉ coi là thái tử, và coi thái thượng hoàng mới là vua.
9.3 Nhờ cao tăng chỉ điểm, Hoàng đế Triệu Khuông Dận đã làm thành đại sự
Triệu Khuông Dận, là Hoàng đế khai quốc của nhà Tống, dù trong sử sách hay trong bình luận của hậu nhân thì địa vị của ông đều rất cao quý. Vì đâu ông có được những thành tựu ấy? Trong dân gian lưu truyền rằng, ông đã được một vị cao tăng chỉ điểm
Do chiến loạn Ngũ Đại kéo dài, các triều đại liên tiếp thay thế nhau, Triệu gia cũng vì thế mà trở nên khốn đốn. Triệu Khuông Dận khi đến tuổi thanh niên đã phải xa nhà kiếm sống, bắt đầu 3 năm sống lưu lạc.
Trong những năm hành tẩu khắp nơi, ông đã chứng khiến cảnh lòng người dễ thay đổi. Khi Triệu Khuông Dận đến viếng thăm những người bạn tốt của cha mình, không ngờ nhận lại được chỉ là sự đối xử lạnh nhạt, có người không thèm tiếp, người tốt hơn một chút thì cho ông vài quan tiền rồi đuổi khéo.
Triệu Khuông Dận rất xấu hổ vì trong túi chẳng có đồng nào ngoài mấy quan tiền bố thí, liền nghĩ chi bằng dùng số tiền này đánh bạc một phen, nhưng lại bị thua sạch. Sau đó ông lâm cảnh đói khát tuyệt vọng, không còn cách nào khác đành phải đến một ngôi chùa ở Tương Dương.
Vừa đến chùa, nhìn thấy củ cái trắng ở trong vườn, vì quá đói ông đã nhổ lên ăn. Lão cao tăng ở trong chùa nhìn thấy vậy, không những không tức giận mà còn nở nụ cười hòa ái nói chuyện với ông.
Sau khi biết được thân thế của Triệu Khuông Dận, cao tăng liền nói: "Ta thấy ngươi mặt tím má đầy, đầu báo mắt khuyên, mặc dù áo rách lam lũ, nhưng không che được khí khái anh kiệt. Hiện tại là thời loạn thế xuất anh hùng, phương Bắc chiến loạn liên miên, còn phương Nam tương đối ổn định, anh hùng không có đất dụng võ, vì thế ngươi nên đến phương Bắc, không nên ở phương Nam".
Triệu Khuông Dận sau khi nghe xong, giật mình tỉnh ngộ, biết mình đã đi sai phương hướng. Nhưng Triệu Khuông Dận vẫn không biết làm sao vì trên người không có đồng nào. Lão tăng mỉm cười nói: "Ta có một số tiền tích trữ, hôm nay đưa hết cho ngươi làm lộ phí, trong chùa còn có con lừa, ta tặng cho ngươi luôn để cưỡi đi đường".
Triệu Khuông Dận sau khi cảm tạ, liền bắt đầu cuộc hành trình tiến về phương Bắc. Ông đi từ Tương Dương – Hồ Bắc đến Thương Khâu – Hà Nam rồi lại đến Sơn Đông, cuối cùng đến Nghiệp Đô – Hà Bắc đầu quân cho mật sử Quách Uy thời Đông Hán, vì được Quách Uy trọng dụng, nên thăng chức rất nhanh.
Hoàng đế Triệu Khuông Dận: "Thành tín" là biện pháp mưu quyền tốt nhất. Quách Uy sau đó đã phát động binh biến, thành lập nhà Hậu Chu, Triệu Khuông Dận sau đó nam chinh bắc chiến lập được rất nhiều chiến tích, trong tay thống lĩnh rất nhiều quân binh. Và sau "Binh biến Trần Kiều" ông đã lật đổ nhà Hậu Chu, thành lập nên nhà Tống.
Giai đoạn lịch sử này của Tống Thái Tổ – Triệu Khuông Dận thật không khỏi khiến người ta cảm khái. Vị lão tăng kia trong loạn thế chắc hẳn đã chứng kiến rất nhiều người chán nản nhụt chí, vậy tại sao ông chỉ đưa hết tài sản của mình cho Triệu Khuông Dân, một người đang rơi vào cảnh tuyệt vọng khốn khổ?
Kỳ thực đứng từ góc độ tu hành mà nhìn nhận thì rất đơn giản: Vị lão tăng kia là người tu luyện, ông có công năng, pháp thuật siêu thường, ông đã biết trước được sứ mạng lịch sử của Triệu Khuông Dận, nên mới đem toàn lực của mình trợ giúp Triệu Khuông Dận. Mà Triệu Khuông Dận vì nghe theo lời khuyên của lão tăng, nên mới có thể thay đổi vận mệnh của mình, làm lên đại sự, sáng lập ra vương triều Đại Tống.
9.4 Triệu Khuông Dẫn và chiêu "đòi tiền", "đòi quyền" khiến hậu thế bái phục
Cho tới ngày nay, hậu thế vẫn không khỏi nể phục Tống Thái Tổ nhờ kế sách "đòi tiền", "đòi quyền" độc nhất vô nhị.
Một chén rượu làm khuynh đảo binh quyền
Khi Đại Tống mới thành lập, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận cũng gặp vấn đề giống với Hán Cao Tổ Lưu Bang năm xưa: làm thế nào để các đại công thần không cậy uy mà làm ảnh hưởng đến hoàng quyền.
Kỳ thực, Triệu Khuông Dận không có đầu óc đa mưu túc trí như Lưu Bang. Vị Hoàng đế khai quốc của Tống triều này lúc đầu vẫn giao binh quyền cho các võ tướng, tin tưởng vào thứ gọi là tình nghĩa huynh đệ vào sinh ra tử.
Kế sách "dùng rượu tước binh quyền" được khởi xướng từ Triệu Phổ. Vị quân sư "đọc nửa bộ Luận ngữ có thể cai trị thiên hạ" này đã không ít lần nhắc nhở Tống Thái Tổ đề phòng những vị tướng quân có địa vị cao, lại nắm trong tay nhiều binh quyền.
"Đoạt lại quyền lực, áp chế bằng lương bổng, thu hồi binh quyền" – đây chính là một trong 12 đạo trị quân mà Triệu Phổ dâng lên Hoàng đế.
Những điều này cũng không phải là dự kiến riêng của Triệu Phổ. Trên thực tế, việc quân phiệt nổi dậy cướp ngôi Hoàng đế đã là "chuyện cơm bữa" từ thời Ngũ Đại. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Triệu Khuông Dâận đau đầu lo lắng.
Một minh chứng đáng sợ hơn nữa được Tống Thái Tổ nghiệm ra chính từ bản thân mình: năm xưa ông có được hoàng quyền cũng nhờ soán ngôi của tiểu Hoàng đế Hậu Chu khi đó mới 7, 8 tuổi – Sài Tông Huấn.
Ngươi đã cướp đoạt thiên hạ của người khác, sao dám chắc chắn người khác sẽ không đoạt lại thiên hạ từ tay ngươi? Đạo lý đơn giản này, Triệu Khuông Dận thấu hiểu hơn ai hết.
Dựa theo tình hình thực tế lúc bấy giờ, mối đe dọa chủ yếu đến từ hai nhóm người trong triều.
Một là Tiết độ sứ – những kẻ có thế lực, lại nắm trong tay quyền tự quyết.
Hai là những người nắm trong tay quyền thống lĩnh binh lực, cũng là các bằng hữu đã từng vào sinh ra tử cùng Triệu Khuông Dận – Điện tiền đô điểm kiểm. Điện tiền đô điểm kiểm là chức danh có từ thời Hoàng đế Hậu Chu – Sài Vinh.
Xưa nay, thân quân, cấm vệ là những lực lượng tồn tại trong các triều đại, phụ trách phòng thủ cho kinh sư, bảo vệ cung đình, đương nhiên mục đích cuối cùng chính là "hộ mạng" cho Thiên tử.
Tuy nhiên Chu Thế Tông khi đó cảm thấy đội quân này chưa đủ sức mạnh để đảm bảo triều đình không bị xâm phạm, liền tiến hành chiêu mộ thêm binh sĩ để xây dựng một đội quân đặc thù.
Có người nói rằng, tiêu chuẩn chiêu mộ của Hoàng đế khi ấy chỉ dành cho những "kẻ cướp" (nghĩa là chỉ cần có thân thủ lợi hại, bất chấp thân phận trước đó là sơn tặc hay thổ phỉ).
Lực lượng này trải qua huấn luyện khắc nghiệt, sau lại tuyển chọn ra những thành phần tinh anh, đảm nhiệm chức vụ "điện tiền thị vệ". Thủ lĩnh của đội quân này chính là "Điện tiền đô điểm kiểm".
Đội quân vũ trang đặc thù này được trang bị đầy đủ, lại có địa vị cao hơn cả đội thân quân cấm vệ, nên quyền lực của người chỉ huy đương nhiên vô cùng lớn.
Trước cuộc binh biến Trần Kiều, Triệu Khuông Dẫn cũng nhờ đảm nhiệm chức vị này mới có thể khởi binh đoạt quyền từ tay nhà Hậu Chu.
Khác với "Điện tiền đô điểm kiểm", Tiết độ sứ lại là chức quan không còn xa lạ. Chức vị này có từ thời nhà Đường, vốn là những người thay Thiên tử đóng giữ ở các phiên trấn.
Tuy nhiên sau đó, những kẻ này lại coi đây là đất của mình, thấy bản thân được hành sự tùy ý, liền nuôi mộng làm Hoàng đế.
9.5 Qua đời
Sử sách chép lại rằng tháng 11 năm 976, Tống Thái Tổ qua đời, thọ 50 tuổi. Vì con ông còn nhỏ nên em ông là Triệu Quang Nghĩa lên thay, tức là Tống Thái Tông.
Theo một số tư liệu, người góp công lớn nhất vào việc lên ngôi của Thái Tông là Đỗ Thái hậu. Gia đình Tống Thái Tổ đời đời làm võ tướng, chỉ có Triệu Quang Nghĩa là người đọc sách nên được Thái hậu yêu lắm. Một năm sau khi lên ngôi, Thái Tổ được mẹ là Đỗ Thái hậu triệu tới trước giường. Thái hậu hỏi vua về việc lập người kế vị, vua cho rằng mình còn trẻ, nói việc này hãy còn sớm. Thái hậu bảo rằng: "Hoàng thượng biết vì sao Hậu Chu mất không? Là vì họ đưa một đứa trẻ 7 tuổi lên làm vua", lại thúc giục vua nên lập em trai để kế vị, tránh vào vết xe đổ của Hậu Chu. Thái Tổ bất đắc dĩ phải hứa với Thái hậu cho Triệu Quang Nghĩa kế vị. Tuy nhiên về sau, các con ông bắt đầu trưởng thành, thêm vào một số thân tín cho rằng ngôi vua trước nay chỉ có cha truyền con nối, chẳng mấy ai truyền ngôi cho em, nên Thái Tổ đã có ý muốn truyền lại ngôi cho con nhưng ông đã mất trước khi kịp thực hiện việc lập Thái tử. Thái Tổ qua đời, tôn thất hùng mạnh nhất là Triệu Quang Nghĩa nắm quyền hết phủ Khai Phong, lại vin vào lời hứa của Thái Tổ trước kia nên dễ dàng lên ngôi.
Một số nhà nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ về cái chết của Tống Thái Tổ và cho rằng ông bị chính người em Quang Nghĩa hãm hại để giành ngôi báu khi ông ốm trên giường bệnh. Câu chuyện này trở thành một nghi án nổi tiếng đời Tống với tên gọi Phủ thanh chúc ảnh.
Tương truyền, vào đêm hôm trước khi Thái Tổ mất, ông đã cho truyền em trai là Tấn Vương Triệu Quang Nghĩa vào cung uống rượu. Thái giám cung nữ đều bị đuổi ra ngoài, trong phòng chỉ còn 2 anh em ông. Bọn người hầu ở ngoài đến nửa đêm thì nhìn vào trong phòng thấy xuất hiện bóng của 1 người thứ ba, lúc đó cũng nghe thấy tiếng rìu và tiếng la của Thái Tổ, nhưng đã được dặn trước nên không ai dám vào xem. Sáng hôm sau, Triệu Quang Nghĩa bước ra ngoài, tuyên bố là hoàng đế đã băng hà và truyền lại ngôi báu cho mình.
Về sau, Tống Thái Tông truyền ngôi cho con cháu mình, không trả lại ngôi cho con của Thái Tổ. Bản thân con Thái Tổ (Triệu Đức Chiêu) sau đó cũng bị chết một cách không rõ ràng.
Sau khi qua đời, miếu hiệu của ông là Thái Tổ (太祖), thụy hiệu là Khải Vận Lập Cực Anh Vũ Duệ Văn Thần Đức Thánh Công Chí Minh Đại Hiếu Hoàng đế (啓運立極英武睿文神德聖功至明大孝皇帝). Ông được an táng ở Vĩnh Xương lăng (永昌陵).
Trong thời gian ở ngôi, ông đặt 3 niên hiệu:
Kiến Long (建隆) 2/ 960 – 11/ 963
Càn Đức (乾德) 11/ 963 – 11/ 968
Khai Bảo (開寶) 11/ 968 – 11/ 976
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top