Hồi 8: Võ Tắc Thiên
Võ Tắc Thiên (chữ Hán: 武則天, 17 tháng 2, 624 - 16 tháng 12, 705), cũng được đọc là Vũ Tắc Thiên, thường gọi Võ hậu (武后) hoặc Thiên Hậu (天后), là một Hậu cung phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau này trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Cùng với tôn hiệu Thiên hậu của bà và tôn hiệu Thiên Hoàng (天皇) của Đường Cao Tông, 2 người đã đồng trị vì nhà Đường trong một thời gian dài và cùng được gọi là Nhị Thánh (二聖).
Sau khi Đường Cao Tông qua đời, Thiên Hậu trải qua các đời Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán với tư cách Hoàng thái hậu, và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690 - 705), trở thành Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Trong 15 năm cai trị với tôn hiệu Thánh Thần hoàng đế (聖神皇帝), Võ Tắc Thiên mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn sang Trung Á, hoàn thành cuộc chinh phục bán đảo Triều Tiên. Nội địa khuyến khích phát triển Phật giáo, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định trong nước. Tuy nhiên, do tư tưởng nam tôn nữ ti đã ăn sâu trong lòng xã hội phong kiến, lại thêm tính cách độc ác, hà khắc trong việc cai trị khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục. Cuối đời, bà có hai nam sủng là anh em họ Trương, dâm loạn trong cung, dung túng cho 2 anh em họ Trương chuyên quyền, khiến nhiều quần thần bất bình.
Năm 705, ngày 22 tháng 2, tể tướng Trương Giản Chi cùng các đại thần phát động binh biến, ép Võ hậu thoái ngôi và đưa Đường Trung Tông lên ngôi lần thứ hai. Bà bị giam lỏng ở biệt cung cho đến khi qua đời không lâu sau đó khi 82 tuổi, trở thành 1 trong 3 vị Hoàng đế Trung Hoa có tuổi thọ cao nhất (trên 80 tuổi), bên cạnh Lương Vũ Đế Tiêu Diễn (87 tuổi) và Thanh Cao Tông Càn Long hoàng đế (89 tuổi).
Việc bà nổi lên nắm quyền cai trị bị các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích mạnh mẽ, thường so sánh bà với Lã hậu nhà Hán bởi sự chuyên quyền và tàn độc. Trong dân gian và đại chúng khi đánh giá khái quát lịch sử Trung Hoa, Võ Tắc Thiên cùng Lã hậu, và vị "Nữ hoàng không miện" Từ Hi Thái hậu là 3 người phụ nữ nắm quyền lực tối cao nhất từng xuất hiện trong triều đình Trung Hoa. Tuy nhiên, các nhà sử học từ sau những năm 1950 đã đánh giá bà đã có một số thành công trong việc cai trị.
8.1 Thân thế
Tên thật của Võ Tắc Thiên không được ghi lại, sở dĩ cái tên Võ Chiếu (武曌) là sau khi lên ngôi, bà tự ví mình như mặt trời, mặt trăng trên không trung. Năm sinh của bà, căn cứ theo các cuốn Cựu Đường thư, Tân Đường thư lẫn Tư trị thông giám đều có mâu thuẫn. Trong Cựu Đường thư, Võ thị được ghi qua đời khi năm 83 tuổi, suy ra bà ra đời ở năm Vũ Đức thứ 7 (624), tuy nhiên Tân Đường thư lại ghi nhận Võ thị qua đời khi năm 81 tuổi, còn Tư trị thông giám là khi năm 82 tuổi, đảo suy ra là sinh hạ vào năm Vũ Đức thứ 8 (625). Tuy nhiên, bản thân Tư trị thông giám vào năm Trinh Quán thứ 11 (637), Võ thị 14 tuổi nhập cung là hoàn toàn mâu thuẫn. Một số đưa ra rằng Võ thị sinh ra năm Trinh Quán thứ 2 (628), đến cuối cùng nhiều nhận định vẫn lấy năm Vũ Đức thứ 7 (624) làm năm sinh của bà.
Bà xuất thân từ gia tộc họ Võ có nguồn gốc từ vùng Văn Thủy, Tinh Châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc). Cha bà là Võ Sĩ Hoạch, xuất thân trong một gia đình quý tộc danh tiếng ở Sơn Tây, ông nội Võ Hoa, từng nhậm Quận thừa Lạc Dương giàu có. Mẹ bà là Kế thất phu nhân Dương thị, xuất thân từ gia đình quý tộc hoàng gia nhà Tuỳ, là con gái của tông thất Dương Đạt (楊達) - em trai của Kiến Đức vương Dương Hùng (杨雄), con trai của Dương Thiệu (杨绍), tộc huynh của Tùy Văn Đế Dương Kiên của nhà Tùy. Trong nhà bà có 2 anh trai là Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyên Sảng là con của chính thất Lý thị đã qua đời; 1 người chị cùng mẹ là Võ Thuận và 1 em gái là phu nhân của Quách Hiếu Thuận (郭孝慎).
Ban đầu, Võ Sĩ Hoạch làm nghề buôn bán gỗ, cuộc sống gia đình tương đối khá giả, được triều Tùy ban chức "Ưng Dương phủ đội chính". Những năm Đại Nghiệp thời Tùy Dượng Đế, Đường Cao Tổ Lý Uyên khi ấy giữ tước Đường quốc công, từng nhiều lần đến vùng Phần, Tấn và thăm nhà họ Võ, hai bên có quan hệ thân thiết với nhau. Khi nhà Đường thành lập, nhà họ Võ được Đường Cao Tổ hậu đãi, ban cho bổng lộc, đất đai và trang sức rất nhiều. Về sau, Võ Sĩ Hoạch được ban nhiều chức vị quan trọng, làm đến chức Đô đốc Kinh châu, Thượng thư bộ Công, tước Ứng quốc công (應國公).
Do được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, từ nhỏ Võ thị không cần làm nhiều công việc, bản thân bà cũng không thích may vá, thêu thùa và làm việc nhà, thay vào đó bà rất quan tâm đến việc đọc sách. Cha bà Võ Sĩ Hoạch lại khuyến khích bà học chữ và đọc nhiều sách, trái ngược với tư tưởng thời bấy giờ là phụ nữ không cần phải học hành mà phải tập làm công việc nhà. Do đọc nhiều sách, bà có kiến thức uyên bác hơn nhiều phụ nữ đương thời, tinh thông về chính trị, văn học, nghi lễ và âm nhạc.
Năm Trinh Quán thứ 9 (635), Võ Sĩ Hoạch qua đời; đường huynh Võ Duy Lương, Võ Hoài Vận cùng anh cả Võ Nguyên Sảng đối xử với mẹ bà là Dương phu nhân rất vô lễ.
8.2 Muốn chồng chết nhanh
Tháng 9 năm 674, Cao Tông truy miếu hiệu và thụy hiệu cho tổ tiên của mình, sau đó đổi xưng là Thiên Hoàng (天皇), lập Võ hoàng hậu làm Thiên Hậu (天后). Bấy giờ, mỗi khi Cao Tông Thiên Hoàng lên triều nghe chính, Võ Thiên hậu đều đứng sau rèm để cùng nghe việc, và hầu hết việc trong triều đều do Hậu quyết đoán, thiên hạ xưng là Nhị Thánh (二聖)
Cũng trong thời gian đó, Thiên Hoàng bị bệnh đau đầu rất nặng do uống phải nhiều tiên đơn pha sẵn độc dược mà Thiên Hậu dâng lên. Do ông không thể quản lý triều chính, quyền hành trong triều lọt vào tay Thiên hậu. Các đại thần Hác Xử Tuấn (郝處俊) và Lý Nghĩa Diễm (李義琰) can ngăn, thế nhưng Thiên Hoàng không nghe.
Thiên Hoàng hoang dâm quá độ đến nỗi mắt cũng bị mờ, Thiên Hậu nhân một hôm bệnh tình trở nặng, mới cho gọi thái y là Tần Minh Hạc vào xem bệnh, Minh Hạc xin chích huyết. Thiên Hậu tức quá quát lên: "Dám nghĩ tới cả chuyện chích đầu Thiên tử, thật là đáng tội chết". Thiên Hoàng không nghe, vẫn chịu cho chích huyết, một lát sau thì mắt sáng lại. Thiên Hậu thất kinh, tự vả vào miệng mình rồi sai lấy vàng, lụa thưởng cho thái y. Sau vụ này, Thiên Hậu vẫn chưa vừa ý, còn giả vờ chiều chuộng, dẫn Thiên Hoàng hoang lạc ngày đêm không dứt, do đó bệnh càng trở nặng hơn.
8.3 Giết con
Dân gian và các nhà chép sử cho rằng Võ hậu là thủ phạm trong cái chết của 3 người con ruột của bà.
Truyền thuyết cho rằng, khi sinh đứa con thứ 2 là con gái, Võ Chiêu nghi rất không vui, dù Đường Cao Tông thì rất yêu quý. Một ngày khi Vương hoàng hậu (không có con) vì muốn làm lành và cũng yêu trẻ nhỏ đến thăm đứa bé. Khi hoàng hậu ra về, Võ Chiêu nghi đã bóp mũi chết đứa con của mình. Khi Đường Cao Tông vào thăm công chúa nhỏ, thấy cô bé đã chết, vô cùng giận dữ tra hỏi cung nữ, thì thấy bảo chỉ có mỗi Hoàng hậu là người vào thăm. Do đó Cao Tông cho rằng hoàng hậu giết con mình vì ganh ghét.
Võ hậu cũng bị kết tội đã đầu độc chết con trai cả là Thái tử Lý Hoằng vào năm 675 vì Thái tử tỏ ý chống lại việc mình can dự vào triều chính (dù có giả thuyết khác là Thái tử đã qua đời tự nhiên vì lao phổi)
8.4 Vì sao Võ Tắc Thiên sợ mèo?
Khi lên được ngôi hoàng hậu rồi, Võ hậu trả thù Vương hoàng hậu và Tiêu thục phi bằng cách sai chặt hết chân tay họ rồi bỏ vào chum rượu ngâm để họ không chết ngay. Tại đây Võ hậu đã tiết lộ với Vương hoàng hậu là chính mình đã giết con gái để đổ tội. Vương hoàng hậu đã kêu rằng: "Tại sao kẻ ác như ngươi mà sinh được con, còn ta thì không thể?", còn Tiêu thục phi thì nguyền rằng sẽ biến thành mèo để đêm vào xé xác Võ hậu.
Võ hậu sợ mèo vì đã giết chết con mèo mà bà từng yêu quý nhất. Nhưng nó đã phản bội bà đi theo Vương hoàng hậu khi bà bị bắt vào lãnh cung. Do đó, bà thẳng tay giết nó và luôn luôn bị ám ảnh bởi tiếng mèo kêu, đêm đêm thấy hình ảnh con mèo hiện về trong giấc ngủ.
8.5 Vết sẹo của Thượng Quan Uyển Nhi
Thượng Quan Uyển Nhi là cháu của Thượng Quan Nghi, Võ Tắc Thiên dùng làm nữ quan lo tất cả các việc văn thư trong hoàng cung và ngoài triều đình.
Trương Xương Tông tuy hầu hạ Võ Tắc Thiên nhưng lại có tư tình với Uyển Nhi, một lần hai người lén lút gặp nhau thì Võ Tắc Thiên bắt gặp. Tức giận, Võ Tắc Thiên đã ném cái bát vào giữa trán Uyển Nhi (một thuyết khác là Võ Tắc Thiên sai người dùng dao rạch), tạo thành một cái sẹo lớn chính giữa trán. Tuy nhiên vết sẹo lại làm cho Thượng Quan Uyển Nhi trông xinh đẹp hơn. Thế là từ đó lan truyền ra, các tiểu thư, mệnh phụ đều bắt chước vẽ chấm đỏ hoặc hình hoa mai vào giữa trán, trở thành một kiểu trang điểm rất được ưa chuộng dưới triều nhà Đường.
Một dị bản khác kể rằng trong một lần ngồi ăn sáng với Võ hậu, Thượng quan Uyển Nhi và Trương Xương Tông bất chấp Võ hậu, liên tục liếc mắt đưa tình với nhau.
Võ Tắc Thiên nổi giận quơ dao kề lên trán Thượng Quan Uyển Nhi, khiến Uyển Nhi khiếp hãi vội quỳ xuống cầu xin Võ Tắc Thiên thương xót. Võ Hậu ra lệnh giam Thượng Quan Uyển Nhi và phạt bằng cách khắc dấu lên trán Uyển Nhi nhằm hủy hoại nhan sắc nàng cho nàng sợ mà không dám tái phạm.
Tuy nhiên, sau khi khắc xong, trên trán Uyển Nhi lại là hình một bông hoa chứ không phải vết sẹo xấu xí và bông hoa này càng khiến Uyển Nhi trở nên quyến rũ hơn. Đến cả Võ Hậu sau khi gặp lại Uyển Nhi cũng phải thốt lên rằng: "Uyển Nhi, trông ngươi không giống bị khắc dấu chút nào mà ngược lại càng xinh đẹp hơn! Xem ra ông trời đã bảo vệ cho ngươi!".
Sự thật trong những câu chuyện này đến đâu hậu thế khó lòng định đoán nhưng đã phần nào làm chứng minh cho những ghi chép từ xưa về một Võ Tắc Thiên có tính cách mạnh mẽ đến khắc nghiệt, chuyên quyền độc đoán, đầy mưu mô thâm độc và nhất là luôn lạnh lùng, tàn nhẫn mỗi khi ra tay thanh toán địch thủ.
8.6 Đày hoa Mẫu Đơn
Khi lên ngôi, quyền uy tột đỉnh, một ngày cuối đông ra vườn ngự uyển thấy cỏ cây xác xơ trơ trọi, liễu đào ủ rũ điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài tứ tuyệt khắc ngay cửa vườn:
Lai triều du thượng uyển
Hỏa tốc báo xuân trị
Bách hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong xuỵ
Dịch:
Bãi triều du thượng uyển
Gấp gấp báo xuân haỵ
Hoa nở hết đêm nay
Đừng chờ môn gió sớm.
Kỳ lạ thay, trăm hoa phụng mệnh, chỉ trong một đêm bừng nở khắp vườn, mùi thơm sực nức nhân gian. Võ Tắc Thiên lấy làm tự mãn cho rằng mình quyền uy tột đỉnh, sai khiến được cả tạo hóa. Bỗng dưng Võ Tắc Thiên nhìn một cây mẫu đơn cứng đầu cứng cổ bất tuân thượng mệnh, thân cây khẳng khiu cứng cỏi, không hoa không lá. Máu giận sôi lên, Võ Tắc Thiên ra lệnh đày loài mẫu đơn ngoan cố xuống tận Giang Nam. Lạ kỳ thay, vừa xuống phía Nam, mẫu đơn đâm chồi nảy lộc, bung mình thành những cánh hoa đỏ thắm.
Từ đó, ở vùng Giang Bắc vắng hẳn loài hoa vương giả, biểu trưng cho quốc sắc thiên hương thường được ví với những trang tuyệt sắc giai nhân. Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ để ca tụng, tôn thờ khí khái của loài hoa bé nhỏ này, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc chứ không khuất phục giam cầm nơi cung vua phủ chúa. Mẫu đơn cứ thế ban phát hương sắc cho người đời để ai cũng hưởng phúc phần cao quý. Giai thoại này còn được hiểu một cách khác là Võ Tắc Thiên luôn ghen ghét với những giai nhân tuyệt sắc khác, thường kiếm cớ giết hại hoặc hủy hoại nhan sắc của họ để bảo vệ vị trí của mình trong lòng quân vương. Câu chuyện đày hoa mẫu đơn này cũng thường được liên tưởng đến mỗi khi nhắc lại câu chuyện Võ hậu trả thù tình địch và đóng dấu lên trán Thượng Quan Uyển Nhi xinh đẹp.
8.7 Qua đời
Mùa đông năm 704, Thái hậu lâm bệnh. Các đại thần đều không được gặp mặt, chỉ có anh em họ Trương được vào hầu mà thôi. Nhiều đại thần e ngại bọn họ Trương sẽ tìm cách chiếm ngôi vua, nên lũ lượt dâng sớ tố cáo chúng về tội phản quốc. Sau khi bệnh tình của bà có thuyên giảm, Tể tướng Thôi Huyền Vĩ đề nghị chỉ nên cho Thái tử Võ Hiển và Tương vương Lý Đán được vào hầu mà thôi, nhưng bà không theo. Về sau còn có Hoàn Ngạn Phạm và Tống Cảnh dâng sớ cáo buộc, bà cho Tống Cảnh điều tra việc đó, nhưng không được bao lâu lại hạ lệnh xá miễn cho bọn họ Trương.
Mùa xuân năm 705, bà lại lâm bệnh. Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông lộng hành trong cung, trông giữ mọi việc. Các Tể tướng Trương Giản Chi, Thôi Huyền Vĩ, Hoàn Ngạn Phạm, Viên Thứ Kỷ, Lý Đa Tộ, Lý Trạm, Kính Huy... muốn diệt trừ hai tên gian thần này, khôi phục lại nhà Đường.
Ngày 20 tháng 2, Trương Giản Chi, Hoàng Ngạn Phạm cùng Tiết Tư Hành dẫn quân tiến vào Huyền Võ Môn, sai Lý Đa Tộ và Đồng Hiệu Nghệ đến Đông cung nghênh đón Hoàng thái tử Võ Hiển. Võ Hiển đồng tình, theo bọn họ vào cung. Bọn Giản Chi tiến vào trong cung, giết chết anh em Dịch Chi, Xương Tông rồi kéo nhau vào cung Thượng Dương nơi ở của Võ hoàng. Bà thất kinh, hỏi Giản Chi. Giản Chi nói có mật lệnh có Thái tử, giết bọn gian thần đi. Võ hoàng thấy Trung Tông thì biết trong cung có biến loạn, bảo: "Tiểu tử đã giết được rồi, mau về đông cung đi". Ngạn Phạm không đồng ý, bảo rằng thiên hạ chưa quên công đức của Lý thị, ép Võ hoàng nhường ngôi cho Trung Tông, còn bà xưng làm Thái thượng hoàng.
Ngày 23 tháng 2, Đường Trung Tông chính thức lên ngôi lần thứ hai, đổi tôn vị của bà thành Hoàng thái hậu ở Thượng Dương cung, nhưng bị kiểm soát bởi các vệ sĩ. Ngày 3 tháng 3, Nhà Đường chính thức được khôi phục, nhà Võ Chu chấm dứt. Tổng cộng Võ Tắc Thiên chính thức tiếm ngôi 15 năm, nếu tính từ lúc lâm triều xưng chế là 21 năm, tính từ sự kiện Nhị thánh lâm triều năm 660 là được tổng cộng 45 năm.
Ngày 16 tháng 12 năm 705, Võ thái hậu băng hà. Theo di mệnh của bà, lễ tang tiến hành theo nghi thức Hoàng hậu, hợp táng với Đường Cao Tông ở Càn lăng. Các hoàng đế nhà Đường đời sau truy tôn thụy hiệu Tắc Thiên Thuận Thánh hoàng hậu (則天順聖皇後). Người đời sau sử dụng 2 chữ Tắc Thiên trong thụy hiệu ghép với họ Võ của bà thành tên gọi Võ Tắc Thiên (武則天).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top