Hồi 6: Tôn Quyền

Tôn Quyền (giản thể: 孙权; phồn thể: 孫權; 5 tháng 7 năm 182 – 21 tháng 5, 252), tự là Trọng Mưu (仲谋), thụy hiệu Ngô Đại Đế (吴大帝, tức là "Hoàng đế lớn của Ngô"), là người sáng lập của chính quyền Đông Ngô dưới thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông thừa hưởng quyền kiểm soát đất Giang Đông từ tay huynh trưởng, Tôn Sách, năm 200.

Ông tuyên bố độc lập và cai trị Giang Đông từ năm 222 đến 229 với tước hiệu Ngô vương và từ 229 đến 252 với tước hiệu hoàng đế Ngô. Không như các đối thủ Tào Tháo và Lưu Bị, Tôn Quyền thường đóng vai trò trung lập trong các cuộc xung đột của Thục và Ngụy, và chỉ đứng về một trong phía hai bên còn lại nếu điều đó có lợi cho nước Ngô; cũng không bao giờ cố gắng để thống nhất ba nước, mặc dù nhiều sử gia cho rằng là do không đủ thực lực để làm điều đó.

6.1 Thân thế

Tôn Quyền chào đời khi phụ nhân ông là Tôn Kiên còn làm huyện thừa ở Hạ Bì[3]. Sau cái chết của Tôn Kiên vào đầu năm 190, ông và gia đình di chuyển qua nhiều nơi ở phía nam Trường Giang, cho đến khi trưởng huynh Tôn Sách chiếm cứ được giang Đông, với sự giúp đỡ của những người bạn thân thiết và các lãnh chúa địa phương. Sau khi Tôn Sách bị Hứa Cống ám sát vào năm 200, Tôn Quyền mới 18 tuổi lên kế nhiệm làm thủ lĩnh miền đông nam Trung Quốc. Chính quyền của ông được cho là tương đối ổn định trong những năm đầu nhờ vào sự tận tâm phò tá của các thủ hạ của Tôn Kiên và Tôn Sách như Chu Du, Trương Chiêu, Trương Hoành, và Trình Phổ. Vì thế suốt những năm 200, Tôn Quyền, với sự giúp sức của các cộng sự đắc lực, tiếp tục củng cố sức mạnh tại lãnh địa. Đầu năm 207, quân của ông giành chiến thắng hoàn toàn trước Hoàng Tổ, một tướng lĩnh dưới quyền Lưu Biểu, lãnh chúa nắm quyền ở Kinh Châu.

Mùa đông cùng năm, lãnh chúa đã thống nhất toàn miền bắc là Tào Tháo đem 800,000 quân chinh phạt miền nam mong hoàn thành bá nghiệp thống nhất Trung Quốc. Hai phe phái chủ chiến và chủ hòa nổi lên tranh cãi với nhau trong triều đình Đông Ngô. Một phe, đứng đầu là Trương Chiêu, chủ trương đầu hàng, phe còn lại của Chu Du và Lỗ Túc, phản đối hàng Tào. Cuối cùng, Tôn Quyền quyết định giao chiến với Tào Tháo ở lưu vực sông Trường Giang. Liên minh với Lưu Bị và sử dụng các tướng linh Chu Du và Hoàng Cái, quân Ngô đã đại phá Tào Tháo ở trận Xích Bích.

Năm 220, Tào Phi, con trai và người kế vị của Tào Tháo, soán ngôi Nhà Hán và xưng là Ngụy hoàng đế. Ban đầu Tôn Quyền chủ trương xưng thần với Ngụy và nhận phong là Ngô vương, nhưng sau khi Tào Phi cho đòi trưởng tử của Tôn Quyền là Tôn Đăng đến triều đình Lạc Dương làm con tin thì Quyền từ chối, và năm 222, ông li khai khỏi Ngụy và đổi niên hiệu. Nhưng đến năm 229 mới chính thức xưng là hoàng đế. Vì sự khéo léo và ưa chuộng nhân tài mà Tôn Quyền thu hút được rất nhiều văn thần võ tướng có thực lực làm việc cho mình.

Sau cái chết của hoàng thái tử, Tôn Đăng, triều đình Đông Ngô xuất hiện rạn nứt về vấn đề người kế vị. Khi hoàng tử Tôn Hòa được tấn phong làm Tân trữ quân, được nhận sự ủng hộ từ Lục Tốn và Gia Cát Khác, trong khi đối thủ của thái tử là Tôn Bá được Toàn Tông và Bộ Chất làm vi cánh. Vì cuộc đấu tranh nội bộ kéo dài, nhiều đại thần bị chết, và cuối cùng Tôn Quyền giải quyết sự việc bằng cách lưu đày Tôn Hòa và buộc Tôn Bá phải tự sát. Tôn Quyền qua đời ở tuổi khoảng 70, năm 252. Ông là người cai trị lâu dài nhất trong các vua chúa thời Tam Quốc và người kế vị ông là ấu tử, Tôn Lượng.

6.2 Điều gì làm Tôn Quyền trở thành Hoàng đế "khủng" nhất lịch sử TQ?

So với Tào Tháo và Lưu Bị, Tôn Quyền được đánh giá là nhà quân phiệt thành công và nắm giữ nhiều "kỷ lục" nhất.

Trong 3 nhà quân phiệt kiệt xuất nhất thời đại Tam Quốc - Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, thì Quyền là nhân vật sở hữu nhiều "kỷ lục" nhất.

Tôn Trọng Mưu sống thọ nhất so với Tào Tháo, Lưu Bị, ông mất năm 71 tuổi; có thời gian cầm quyền Đông Ngô dài nhất, tới 52 năm và là ông vua duy nhất trong hơn 300 vị quân vương của lịch sử Trung Quốc được gọi là "thiên cổ đại đế".

Sở dĩ có danh xưng như vậy, bởi sau khi qua đời năm 252, Tôn Quyền được truy phong thụy hiệu Ngô thái tổ Đại hoàng đế. Ông là "Đại hoàng đế" duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tôn Quyền kế thừa cơ nghiệp của cha và anh, trấn thủ Giang Nam. Ông là người giỏi mưu lược, biết thay đổi theo thời cuộc, nhờ vậy mà thành bá chủ một phương.

Sử gia Trần Thọ - tác giả "Tam Quốc Chí" đánh giá về ông - "Mưu lược, tài năng như Câu Tiễn, là người kiệt xuất".

Tôn Quyền là nhà chiến lược tài ba, có năng lực vượt trội được thể hiện ở nhiều lĩnh vực: nắm đại quyền chính trị, quân sự, bành trướng lãnh thổ, phát triển kinh tế.

Năm 213, Tào Tháo xua quân Nam hạ đánh Ngô. "Tam Quốc Chí - Thục thư" và "Ngô lịch" đều chép - "(Tào Tháo) nhìn quân đội của Quyền, thầm than mà rút lui". Đó chính là chiến dịch Nhu Tu Khẩu mà Tôn Quyền buộc Tào Tháo lui quân "không kèn không trống".

Một đối thủ lớn khác của Tôn Quyền là Gia Cát Lượng cũng đề cao ông trong "Long Trung đối sách" - "Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông đã qua 3 đời. Dân giàu nước mạnh, hiền tài vô số".

Chính quyền Tôn Ngô dưới sự thống trị của Tôn Quyền có khả năng hùng cứ Giang Đông, đỉnh lập cùng Ngụy, Thục, bên cạnh yếu tố "địa lợi" - Bắc có sông lớn, Tây có núi hiểm, thì quan trọng nhất là "nhân hòa".

Tôn gia từ thời khởi nghiệp đã quán triệt chính sách lôi kéo hiền tài. Tôn Sách lúc lâm chung từng nói với Tôn Quyền - "Việc điều binh khiển tướng, tranh đoạt thiên hạ thì khanh không bằng ta. Nhưng trọng dụng hiền tài, thu phục nhân tâm, bảo vệ Giang Đông thì ta không bằng khanh".

Vũ khí chiến lược

Các học giả hiện đại thừa nhận, tài dụng nhân chính là vũ khí "tất thắng" của Tôn Quyền.

Danh tướng Lữ Mông vốn dĩ chỉ là một "sĩ quan quèn". Một lần Tôn Quyền duyệt binh, trông thấy Lữ Mông chỉ huy một nhóm lính "bộ pháp chỉnh tề, tinh thần phấn chấn". Quyền rất hài lòng, bèn phá cách đề bạt Lữ Mông.

Về sau, Lữ Mông trở thành đại tướng anh dũng thiện chiến, vang danh thiên hạ với chiến dịch tập kích "bạch y độ giang" đánh bại Quan Vũ, đoạt lại Kinh Châu về cho Đông Ngô.

Năm 221, khi Lưu Bị huy động lực lượng toàn quốc tấn công Đông Ngô, Tôn Quyền phái Gia Cát Cẩn sang Thục cầu hòa.

Có người cho rằng Gia Cát Cẩn - anh trai Gia Cát Lượng - chắc chắn sẽ "một đi không trở lại", chỉ có Tôn Quyền nói - "Ta và Tử Du (Gia Cát Cẩn) có lời thề sinh tử. Tử Du không phụ ta, ta cũng không phụ Tử Du".

Quả nhiên, Gia Cát Cẩn là người công tư phân minh, sau khi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao đã trở về phụng mệnh.

Danh tướng Lục Tốn của Ngô ban đầu cũng chỉ là một thư sinh, không có công tích gì. Sau khi đại quân Thục - Ngô khai chiến, được Lữ Mông tiến cử, Tôn Quyền lập tức giao đại quyền vào tay Tốn.

Không phụ sự kỳ vọng của Quyền, Lục Tốn đã đánh tan quân Lưu Bị trong trận Di Lăng.

Cũng nhờ sự phá cách trong phương pháp dùng người của Tôn Quyền, mà thời kỳ cai trị của ông được đánh giá là "nhân tài như mây", không rơi vào tình trạng người tài không có đất dụng võ như Thục Hán giai đoạn suy vong.

Đặc biệt, Tôn Quyền được đánh giá là biết cách thể hiện sự tín nhiệm đối với các thống soái của mình, điển hình là việc trao toàn quyền vào tay Chu Du trong đại chiến Xích Bích, hay Lữ Mông trong chiến dịch Kinh Châu và Lục Tốn ở trận Di Lăng. Trong những trận này, Tôn Quyền đều không cần đích thân thống lĩnh đại quân ra trận.

Sách lược khôn ngoan hoàn thành đế nghiệp

Tôn Quyền chắc chắn là nhân vật có hùng tâm tráng chí, và ông đã từng bước thực hiện "mộng đế vương" của mình một cách khôn ngoan.

Ban đầu, khi quần thần khuyên Tôn Quyền xưng đế ở Giang Đông, ông đã nhiều lần thoái thác.

Nguyên nhân bởi đương thời Tào Tháo sở hữu lực lượng quân đội với quân số hàng triệu người, giương cao khẩu hiệu "phò tá Thiên tử hiệu lệnh chư hầu".

Trong khi đó, Lưu Bị cũng dựa vào danh nghĩa "Hoàng thúc" để dựng cờ "quang phục Hán thất". Cả Tào Tháo và Lưu Bị khi đó đều sở hữu ưu thế chính trị lớn hơn Tôn Quyền.

Quyền tự biết bản thân không "danh chính ngôn thuận", cho nên đã hết sức ẩn nhẫn, không hề lộ ra ý đồ chính trị của mình.

Mãi tới năm 229, khi cả Tào Tháo và Lưu Bị đã qua đời, cục diện chính trị tại Đông Ngô ổn định, Tôn Quyền có được "điều kiện vẹn toàn", ông mới đăng cơ xưng đế.

Thời đại cai trị của Tôn Quyền được đánh giá là "thành công", khi ông phát triển mạnh mẽ kinh tế Đông Ngô và mở rộng quan hệ ngoại giao với khu vực xung quanh.

Các đội thuyền của Ngô từng tới Philippines, Ấn Độ, Ả Rập... mở rộng phạm vi giao thương, giúp Ngô duy trì vị thế "đỉnh lập" khi thường xuyên phải đối đầu quân sự với Thục và Ngụy.

Đáng tiếc, khi về già, Tôn Quyền bị mất đi sự "hùng tài vĩ lược" của mình. Ông trở nên đa nghi, thất chí, khiến mâu thuẫn nội bộ triều Ngô diễn biến phức tạp. Sau khi Tôn Quyền mất, Đông Ngô rơi vào thời kỳ đen tối bởi những cuộc thanh trừng triều đình đẫm máu, kết cục khiến nước này không thoát khỏi họa diệt vong.

6.3 Vì sao Tào Tháo, Lưu Bị qua đời, Tôn Quyền vẫn không thể thống nhất Trung Hoa?

Tôn Quyền đã có nhiều cơ hội để xây dựng lực lượng, chờ thời cơ nắm lấy thiên hạ, tiếc rằng khi về già, hoàng đế Đông Ngô đã mắc phải những sai lầm liên tiếp và không thể sửa sai.

So với những anh hùng thời Tam quốc như Tào Tháo, Lưu Bị, Tư Mã Ý hay Gia Cát Lượng, Tôn Quyền là người qua đời cuối cùng.

Người đời sau không khỏi thắc mắc, vậy quãng thời gian đó Tôn Quyền đã làm gì và vì sao lãnh thổ Đông Ngô không một lần nào mở rộng về phía Thục Hán hay Tào Ngụy, để Tôn Quyền thống nhất Trung Hoa.

Những sai lầm chồng chất

Năm 241, Tôn Quyền năm đó 61 tuổi, được tin Ngụy đế Tào Duệ qua đời, thái tử Tào Phương còn nhỏ, nội bộ Tào Ngụy bất đồng, liền phát động chiến dịch đánh Ngụy, theo Tam quốc chí của Trần Thọ - sử gia nhà Tây Tấn. Ông là tác giả bộ chính sử về thời Tam quốc.

Tuy nhiên ông không nghe theo lời viên quan Ân Trát, liên minh với Thục để giáp công Ngụy từ bốn mặt, nên kết quả là chiến dịch thất bại nhanh chóng.

Năm 241, thái tử Tôn Đăng qua đời ở tuổi 33. Trước khi chết, thái tử có làm một tờ di biểu bày tỏ nỗi lòng và khuyên ngăn Tôn Quyền về những việc làm sai trái. Ngôi vị thái tử để trống khiến những tranh cãi trong triều không ngừng nổi lên. Tôn Quyền khi đó ngày càng chán nản và suy kiệt.

Năm 242, ông lập con trai thứ ba là Tôn Hòa, làm thái tử. Tuy nhiên, ông cũng yêu thương một người con trai khác là Tôn Bá, cho phép Tôn Bá được hưởng đãi ngộ ngang với thái tử.

Điều này dẫn đến cuộc đấu đá, cạnh tranh quyền lực ngầm giữa hai anh em họ Tôn. Tôn Bá bắt đầu có những hành động mưu đoạt quyền của Tôn Hòa.

Tôn Quyền ban đầu ngăn cản cả Tôn Hòa và Tôn Bá xây dựng quyền lực, nhưng không thể ngăn được tham vọng của Tôn Bá. Khi Lục Tốn cố gắng để bảo vệ Tôn Hòa, Tôn Bá bèn vu cáo bằng những tội lỗi không có thật, khiến Tôn Quyền hết sức giận gữ Lục Tốn, cuối cùng công thần này đau buồn mà chết.

Năm 250, vì chán nản việc Tôn Bá luôn tìm cớ hãm hại Tôn Hòa, Tôn Quyền đã có một hành động hết sức khó hiểu. Ông buộc Tôn Bá phải tự sát và phế truất luôn Tôn Hòa dù Tôn Hòa luôn khẳng định mình không có lỗi gì.

Tôn Quyền sau đó bèn lập ấu tử mới 8 tuổi - Tôn Lượng, làm thái tử. Bất cứ ai phản đối quyết định này đều phải chết, dù đó là hoàng thân quốc thích.

Tam quốc chí của Trần Thọ chép, năm 251, Tôn Quyền khi đó 69 tuổi, ở thời điểm gần đất xa trời, ông lại muốn hạ chiếu lập hoàng hậu. Người được chọn là mẫu thân của Tôn Lượng, phu nhân Phan Thục.

Tôn Quyền trước đây có nhiều vợ nhưng chỉ truy phong hoàng hậu một lần duy nhất khi phu nhân qua đời. Tôn Quyền sau đó lại muốn gọi con trai Tôn Hòa trở về nhưng lại bị phe phái ủng hộ Tôn Lượng can ngăn nên đành thôi.

Cùng năm đó, khi Tôn Quyền lâm bệnh hấp hối, Phan hoàng hậu bị nô tì hại chết. Nhiều sử gia Trung Hoa sau này tin rằng, vụ giết hại này do thế lực triều thần ở Đông Ngô gây ra, vì họ sợ Phan hoàng hậu sẽ nắm lấy quyền lực khi Tôn Quyền qua đời, dưới danh nghĩa thái tử còn nhỏ tuổi.

Ngày 21.5.252, Tôn Quyền qua đời, thọ 71 tuổi. Thái tử Tôn Lượng nối ngôi. Thời kỳ Đông Ngô suy tàn cuối cùng cũng chính thức bắt đầu từ đây.

Lý do Tôn Quyền không thể thống nhất thiên hạ

Theo các sử gia Trung Hoa hiện đại, việc Tôn Quyền không thể hoàn thành đại nghiệp, không chỉ là do Tào Tháo hay Lưu Bị, mà còn có những nguyên nhân chủ quan khác.

Thứ nhất, Tào Ngụy và Thục Hán sau thời Tào Tháo-Lưu Bị vẫn là một thế lực đáng gờm. Tôn Quyền đã không nhìn xa trông rộng để chuẩn bị binh lực từ trước, nên khi thấy Tào Ngụy gặp biến động, Tôn Quyền xua binh tấn công nhưng cũng thất bại trở về.

Thứ hai, so với Tào Ngụy, sức mạnh của Đông Ngô có phần yếu thế hơn. Khi Tôn Quyền xưng đế, những công thần Chu Du, Lữ Mông, Trình Phổ đều lần lượt qua đời.

Hơn nữa, sự kiềm chế của các thế lực ở Giang Đông cũng khiến Đông Ngô miễn cưỡng thủ thế tự vệ, thiếu chí tiến thủ.

Ở thời Tam Quốc, trung tâm chính trị của Trung Hoa vẫn ở Lạc Dương, còn khu lưu vực Trường Giang của Đông Ngô chưa có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Những mặt hạn chế này khiến thực lực của Đông Ngô ngày càng suy giảm, cuối cùng mất hoàn toàn khả năng tranh đoạt thiên hạ.

Thứ ba, Tôn Quyền đã chứng minh năng lực của mình suốt một giai đoạn dài ở thời Tam quốc. Nhưng càng về sau, Tôn Quyền càng để lộ ra những nhược điểm khi phải tự mình xuất quân ra trận.

Quân đội Đông Ngô sau này vì lệ cha truyền con nối mà binh mã không có chí hướng chung, quyền lực chia về các gia tộc. Đó là lý do những lần chinh phạt của Tôn Quyền sau này đều thất bại bởi tay Tư Mã Ý.

Thứ tư, nhiều công thần như Lỗ Túc khi còn sống đã nhắc đi nhắc lại chuyện phải liên minh với Thục để làm nghiệp lớn, nhưng Tôn Quyền không bao giờ yên lòng.

Ông nửa muốn liên minh, nửa muốn đánh Thục dẫn đến hai thế lực dù liên minh vẫn không khỏi đề phòng lẫn nhau. Điều này giúp cả Tào Ngụy và Thục Hán một mặt vừa tìm cách ổn định nội bộ, mặt khác lại chưa bao giờ lơi lỏng cảnh giác với Đông Ngô.

Đó là lý do Tôn Quyền không có cách nào định đoạt thiên hạ, dù là người sống thọ nhất thời Tam quốc (qua đời sau Tư Mã Ý).

6.4 Qua đời

Cuối năm 241, thái tử Tôn Đăng chết ở tuổi 33. Trước khi chết, Đăng có làm một tờ di biểu bày tỏ nỗi lòng và khuyên ngăn Tôn Quyền về những việc tương lai, Tôn Quyền xem xong thì sa nước mắt. Ngôi trữ quân bỏ trống khiến những tranh cãi trong triều nổi lên và việc này dần khiến Tôn Quyền chán nản và suy kiệt.

Năm 242, ông lập con trai thứ ba là Tôn Hòa, do Vương thị sanh ra, làm hoàng thái tử. Tuy nhiên, ông cũng yêu thương một người con trai khác do Vương phu nhân sinh ra, Tôn Bá, và cho phép Tôn Bá có những đãi ngộ ngang với thái tử — hành động này khiến nhiều quan chức ngả theo phe Tôn Bá vì nghĩ ông này sẽ sớm lật đổ Tôn Hòa, nhưng Tôn Quyền không biết gì về những chuyện này.

Sau năm 245, khi Tôn Hòa và Tôn Bá bắt đầu mở phủ đệ riêng, quan hệ của họ trở nên tồi tệ, và Tôn Bá bắt đồng có những hành động mưu đoạt quyền của Tôn Hòa. Bởi nghe lời gièm pha của con gái là Tôn Lỗ Ban, Tôn Quyền trách cứ mẫu thân của Tôn Hòa là Vương phu nhân vì việc này — khiến bà ta âu buồn mà chết. Ông cũng ngăn cản các quan chức gặp Tôn Hòa và Tôn Bá với ý đồ khiến họ không thể tạo lập vây cánh lớn mạnh trong tương lai, nhưng không thể ngăn chặn tham vọng của Tôn Bá. Thật vậy, khi Lục Tốn cố gắng để bảo vệ Tôn Hòa, Tôn Bá bèn vu cáo ông ta bằng những tội lỗi không có thật, khiến Tôn Quyền giận dữ và đay nghiến Lục Tốn, cuối cùng ông ta lo buồn mà chết.

Năm 248, ở Giao Chỉ có người đàn bà là Triệu Thị Trinh nổi dậy chống lại Ngô, Tôn Quyền sai Lục Dận là cháu của Lục Tốn đem quân thảo phạt, tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân.

Năm 250, vì chán nản với việc Tôn Bá luôn tìm cớ hãm hại Tôn Hòa, Tôn Quyền đã có một hành động hết sức bất ngờ, ông buộc Tôn Bá phải tự tử, cùng lúc phế truất Tôn Hòa (người vốn không có lỗi gì), và sau đó lập ấu tử mới 8 tuổi, Tôn Lượng, làm thái tử thế cho Tôn Hòa. Việc này gặp phải sự phản đối của phò mã Thừa tướng Chu Cứ (chồng của con gái Tôn Quyền là Tôn Lỗ Dục), nhưng sự can ngăn của Chu Cứ không những chẳng giúp gì được cho Tôn Hòa, mà trái lại còn dẫn đến họa sát thân, vì Tôn Quyền đã buộc Chu Cứ phải tự sát sau đó. Nhiều quan chức phản đối việc phế trữ quân, cũng như bọn người theo phe Tôn Bá, đã bị hành quyết.

Trong thời gian này, Tôn Quyền sai các tướng cứ định kỳ lại đến phá các con đê ở gần biên giới với Ngụy, mục đích là khiến vùng đất này bị ngập lụt, từ đó khiến nước Ngụy không có thời gian rảnh mà tấn công xuống phía nam.

Năm 251, Tôn Quyền hạ chiếu lập hậu — người được chọn là mẫu thân của Tôn Lượng, phu nhân Phan Thục. (Trước đây, ông có rất nhiều vợ, nhưng chưa bao giờ phong một ai lên ngôi Chánh cung, chỉ có một ngoại lệ là Bộ phu nhân, người thị thiếp được sủng ái nhất, nhưng chỉ là truy phong sau khi bà qua đời năm 238.)

Cuối năm đó, tuy nhiên, thấy rằng Tôn Hòa không có lỗi nên Tôn Quyền muốn gọi Hòa trở về, nhưng cuối cùng do sự can thiệp của con gái ông là Tôn Lỗ Ban cùng tôn thất Tôn Tuấn, những người ủng hộ thái tử Tôn Lượng. Khi này ông đã rất già yếu (69 tuổi vào năm đó) và, theo kiến nghị của Tôn Tuấn, bổ nhiệm con trai của Gia Cát Cẩn là Gia Cát Khác làm nhiếp chính trong tương lai cho Tôn Lượng, mặc dù ông cũng có đánh giá rằng Gia Cát Khác là kẻ kiêu ngạo và hay có những ý kiến trái ngược với mọi người. Vào thời điểm đó ở khắp nước Ngô, người ta vẫn ấn tượng với những thành tích gần đây của Khác, đều tin rằng Khác là lựa chọn thích hợp nhất cho địa vị nhiếp chính vương.

Năm 252, Tôn Quyền lập phế thái tử Tôn Hòa làm Nam Dương vương, con thứ 5 Tôn Phấn làm Tề vương, con thứ 6 Tôn Hưu làm Lang Nha vương. Cùng năm đó, khi Tôn Quyền bệnh trọng đang hấp hối, Phan hoàng hậu bị cung nhân ám sát, nhưng sự việc cụ thể diễn ra như thế nào vẫn là một bí ẩn. Các quan chức của Ngô tuyên bố rằng do hoàng hậu tính tình độc ác và khắc nghiệt, khiến cung nhân căm ghét, nên họ nhân khi bà đang ngủ đã xông vào cung bóp cổ tới chết, trong khi nhiều sử gia, bao gồm Hồ Tam Tỉnh, người viết bài bình cho Tư trị thông giám cho Tư Mã Quang, tin rằng việc này là do thế lực triều thần ở Ngô làm ra, vì họ sợ Phan thị sẽ chiếm lấy quyền lực khi trở thành hoàng thái hậu lúc Tôn Quyền không còn. Ngày 21 tháng 5 năm 252, Tôn Quyền tồ ở tuổi 70 (theo cách tính tuổi truyền thống của phương Đông), và Tôn Lượng lên kế ngôi. Tôn Quyền được an táng vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 252 tại một lăng mộ đặt tại Tử Kim Sơn ngày nay là Nam Kinh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lichsu