Hồi 5: Lưu Bị

Lưu Bị (Giản thể: 刘备, Phồn thể: 劉備; 161 – 10 tháng 6, 223) hay còn gọi là Hán Chiêu Liệt Đế (漢昭烈帝), là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dù còn có ý kiến nghi ngờ, Lưu Bị được sử sách xác nhận là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán. Xuất thân nhà nghèo, ông phải tự lao động kiếm sống thời trẻ. Sự nghiệp của Lưu Bị khởi đầu bằng việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình, nhưng đường hoạn lộ của ông ban đầu không được suôn sẻ. Gặp lúc nhà Hán suy yếu và nổ ra chiến tranh quân phiệt, Lưu Bị cùng hai người huynh đệ kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi dần dần tự gây dựng lực lượng và tham gia vào cuộc chiến này. Tuy nhiên, cuộc tranh hùng của Lưu Bị không thuận lợi, ông nhiều lần thất bại và phải đi nương nhờ dưới trướng nhiều chư hầu đương thời như Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu.

Trong thời gian nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh châu, Lưu Bị được Gia Cát Lượng theo phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ. Theo đường lối này, ông liên kết với quân phiệt Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống Tào Tháo ở phía bắc, chiếm được một phần Kinh châu và gần trọn Ích châu làm đất dựng nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược Long Trung đối sách có nguy cơ đổ vỡ vì liên minh với Tôn Quyền rạn nứt, họ Tôn đánh chiếm phần Kinh châu của ông và giết Quan Vũ, khiến Lưu Bị cất quân đánh báo thù và định giành lại đất, sau khi chính thức xưng hoàng đế để kế tục nhà Hán vừa bị họ Tào đoạt ngôi. Thất bại ở Di Lăng khiến Lưu Bị suy sụp, lâm bệnh rồi qua đời. Cơ nghiệp ông gây dựng được truyền lại cho người con cả Lưu Thiện và giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng phò tá.

Lưu Bị là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, thương dân như con của một vị vua hiền (Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh). Vì vậy, tiểu thuyết hư cấu khá nhiều tình tiết về ông so với ngoài đời thật, và một số hành động thể hiện tính quyết đoán và chiến tích quân sự của ông được gán cho nhân vật khác trong truyện. Do ảnh hưởng quá lớn từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nên nhiều người cho rằng Lưu Bị là một người nhu nhược, không có tài năng gì, nhờ may mắn có các cận thần tài giỏi mà ông mới dựng được cơ nghiệp. Trên thực tế, ghi chép của bộ chính sử Tam quốc chí cho thấy Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình, cả Tào Tháo cũng đánh giá rất cao tài năng của ông.

Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam quốc, do vậy Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ)

5.1 Thân thế

Lưu Bị có tên tự là Huyền Đức (玄德), người huyện Trác, quận Trác thuộc U châu. Ông là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng – người con thứ của Hán Cảnh Đế. Ông nội Lưu Bị là Lưu Hùng, được cử làm Hiếu liêm, làm huyện lệnh huyện Phạm thuộc Đông quận. Cha Lưu Bị là Lưu Hoằng mất sớm.

Tuy là người dòng dõi nhà Hán, nhưng do từ thời Hán Vũ Đế ban hành "thôi ân lệnh" nên đất phong của các quận vương ngày càng bị phân chia. Đến đời Lưu Bị, những người chi thứ của hoàng tộc ngày càng được hưởng ít tước lộc, gia đình ông chỉ là bần nông, chỉ còn lại danh nghĩa là con cháu hoàng thất.

Sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang viết vào thời Bắc Tống nêu ý kiến nghi ngờ về thân thế này của Lưu Bị: Nhà Hán của Chiêu Liệt Đế (ý chỉ Lưu Bị), tuy nói là con cháu của Trung Sơn Tĩnh Vương, nhưng quan hệ quá xa, không thể ghi rõ thân thế danh vị, giống như Tống Vũ Đế xưng là con cháu của Sở Nguyên Vương, Nam Đường Liệt Tổ xưng là con cháu của Ngô Vương Khác, thật giả khó phân, nên không dám sánh với Quang Vũ Đế và Tấn Nguyên Đế, khiến cho nhà Hán này bị cho là di thống (không phải chính thống).

5.2 Gian nan lưu lạc

Hai lần bỏ chức quan huyện

Năm 184, quân khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác cầm đầu nổi dậy chống triều đình, thế lực nhanh chóng lan đi các nơi. Lưu Bị khởi binh giúp nhà Hán chống Khăn Vàng ở Trác quận. Ông mang Quan Vũ, Trương Phi cùng đội quân bản bộ gia nhập vào quân triều đình dưới quyền Hiệu úy Trâu Tĩnh.

Lưu Bị tác chiến mấy trận đều thắng lợi, góp công dẹp Khăn Vàng và được phong làm Huyện úy An Hỉ (thuộc nước Trung Sơn). Được một thời gian, triều đình nhà Hán có chiếu thư xuống các châu quận thông báo rằng những người có quân công được làm trưởng lại, đều bị sa thải. Lưu Bị nghi ngờ mình cũng trong số đó. Có viên Đốc bưu của triều đình đến hạch sách. Lưu Bị đến xin vào gặp nhưng viên đốc bưu cáo bệnh không tiếp. Lưu Bị giận dữ, liền quay về sở quan, dẫn thuộc hạ đi thẳng đến quán dịch, xông vào tận cửa, nói rằng được lệnh của quan phủ, rồi xông vào giường trói đốc bưu lại, lôi ra ngoài đánh 200 roi, rồi bỏ chức Huyện úy.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng người đánh viên Đốc bưu là Trương Phi nóng giận, nhưng thực ra chính Lưu Bị làm việc này rồi bỏ ấn từ quan.

Ít lâu sau, ngoại thích Đại tướng quân Hà Tiến sai Vô Khâu Nghị đến mộ binh ở Đan Dương. Lưu Bị đến xin theo Vô Khâu Nghị để lập công chuộc tội. Khi đi qua Hạ Bì có quân cướp, Lưu Bị giúp Vô Khâu Nghị dẹp yên. Vì vậy ông được Vô Khâu Nghị tiến cử với triều đình. Triều đình xá tội đánh đốc bưu cho Lưu Bị, cho ông khôi phục làm quan, lĩnh chức Huyện thừa (dưới quyền huyện trưởng, lo mặt trị an) ở huyện Hạ Mật, sau đó chuyển sang làm huyện úy Cao Đường rồi thăng lên làm Huyện lệnh Cao Đường.

Năm 188, anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi giao tranh với quân cướp địa phương bị bại trận, bèn bỏ huyện Cao Đường đến nương nhờ người bạn học cũ là Công Tôn Toản ở U châu. Khi đó Công Tôn Toản vừa được phong làm Trung lang tướng do dẹp được Trương Thuần và chiêu hàng được Tham chí vương của Ô Hoàn, liền tiến cử Lưu Bị làm Biệt bộ tư mã.

Trợ giúp các quân phiệt

Năm 189, Hán Linh Đế mất, Hán Thiếu Đế lên thay. Biến loạn trong triều xảy ra, Đại tướng quân Hà Tiến bị hoạn quan giết hại. Thái thú Hà Đông là Đổng Trác vào kinh thành Lạc Dương phế Thiếu Đế lập Hán Hiến Đế và thao túng triều đình. Năm 190, các chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu nổi dậy chống Đổng Trác.

Tam quốc diễn nghĩa mô tả anh em Lưu Bị theo Công Tôn Toản đi hội binh với Viên Thiệu trong số 18 lộ chư hầu rồi 3 anh em đại chiến với Lã Bố (tam anh chiến Lã Bố) ở cửa Hổ Lao. Thực ra chỉ có 11 chư hầu chống Đổng Trác, trong đó không có Công Tôn Toản và anh em Lưu Bị.

Đổng Trác thua trận, mang vua Hiến Đế bỏ Lạc Dương chạy về Trường An. Ít lâu sau, liên minh chống Đổng Trác tan rã, các chư hầu quay sang đánh lẫn nhau. Viên Thiệu chiếm được Ký châu của Hàn Phức, lại xung đột cùng Công Tôn Toản. Hai bên tranh giành Hà Bắc. Công Tôn Toản phong thuộc hạ là Điền Khải làm Thứ sử Thanh châu, sai Lưu Bị mang quân đi giúp Điền Khải. Lưu Bị giúp Điền Khải nhanh chóng chiếm được Thanh châu. Sau đó Viên Thiệu cũng phong con trưởng là Viên Đàm làm thứ sử Thanh châu. Viên Đàm và Điền Khải đánh nhau nhiều tranh giành Thanh châu không phân thắng bại. Lưu Bị cùng Điền Khải đóng quân ở phía đông nước Tề (quận quốc thuộc Thanh châu).

Lưu Bị giúp Điền Khải chống Viên Đàm, được phong làm tướng quốc nước Bình Nguyên. Trong vùng có viên hào phú địa phương là Lưu Bình không ưa Lưu Bị, bèn sai thích khách đến sát hại ông. Nhưng người thích khách đến nơi, thấy Lưu Bị đón tiếp long trọng, kính cẩn, rất cảm phục Lưu Bị, không ra tay giết ông, lại cùng ông trò chuyện rồi nói rõ cho ông biết âm mưu của Lưu Bình rồi ra đi.

Cùng ở Thanh châu, ngoài nước Bình Nguyên còn có 4 nước chư hầu khác là Bắc Hải, Tề, Tế Nam và Lạc An, cùng quận Đông Lai. Tướng quốc Bắc Hải là Khổng Dung rất khâm phục Lưu Bị, tới kết giao với ông. Khổng Dung bị quân tàn dư Khăn Vàng tới đánh, chống cự không nổi, bèn sai Thái Sử Từ đến Bình Nguyên cầu cứu Lưu Bị. Lưu Bị bèn điều quân đến đánh tan quân Khăn Vàng, cứu được Khổng Dung.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Lưu Bị đích thân cùng Quan Vũ và Trương Phi đi cứu Khổng Dung.

Năm 193, Viên Thiệu mang quân đến đánh Công Tôn Toản. Điền Khải và Lưu Bị mang quân tới cứu, đóng quân ở Tề quận. Cùng lúc, quân phiệt Duyện châu là Tào Tháo mang quân đánh Từ châu để báo thù cho cha là Tào Tung vì cho rằng Châu mục Từ châu là Đào Khiêm chủ mưu giết Tào Tung. Đào Khiêm chống đỡ không nổi quân Tào đông và mạnh, bị mất hơn nửa địa bàn Từ châu, phải cầu cứu thứ sử Thanh châu là Điền Khải. Điền Khải báo lại cho Công Tôn Toản. Công Tôn Toản bận đối phó với Viên Thiệu, bèn sai bộ tướng Triệu Vân đi cùng Lưu Bị đến cứu Từ châu. Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân có hơn 1000 quân cùng các lính ô hợp người Ô Hoàn ở U châu, thu dụng thêm vài ngàn người đói kém đi kiếm ăn nhập vào đội ngũ. Ông được Đào Khiêm cấp thêm vài ngàn quân. Ông giúp viên tướng duy nhất của Đào Khiêm là Tào Báo cố thủ ở Viêm Thành.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Điền Khải cũng mang quân đi cứu Từ châu với Lưu Bị.

Dưới sự chỉ huy của Lưu Bị, quân Từ châu giữ vừng thành, quân Tào tấn công nhiều trận nhưng không thể hạ được. Không lâu sau, thủ hạ của Tào Tháo là Trần Cung hợp tác với Trương Mạo tôn Lã Bố làm chủ, đánh chiếm Duyện châu của Tào Tháo. Tào Tháo buộc phải giải vây Từ châu, mang quân trở về cứu.

Nhận Từ châu

Qua trận binh hoả, Đào Khiêm rất cảm tạ Lưu Bị đã cứu giúp. Ông bỏ Điền Khải ở lại Từ châu với Đào Khiêm. Năm 194, không lâu sau khi Từ châu được giải vây, Đào Khiêm ốm nặng, quyết định tiến cử Lưu Bị làm Từ châu mục thay mình, nèn dâng biểu lên Hán Hiến Đế. Lưu Bị khiêm nhường, sợ mình sức yếu không giữ được nên từ tạ. Vì vậy Đào Khiêm dâng biểu tiến cử Lưu Bị làm thứ sử Dự châu, đóng quân ở Tiểu Bái gần Hạ Bì (trị sở Từ châu).

Không lâu sau Đào Khiêm ốm nặng, trước khi mất dặn các thủ hạ Mi Chúc, Trần Đăng đón Lưu Bị về Từ châu, hết sức giúp Lưu Bị rồi qua đời. My Trúc và Trần Đăng làm theo, nhưng Lưu Bị vẫn từ chối, đề nghị trao Từ châu cho Viên Thuật là người có danh vọng cao hơn, lúc đó đang xưng là Từ châu bá. Khổng Dung cũng tham gia thuyết phục Lưu Bị, cho rằng Viên Thuật không hề có thực lực, không lâu sẽ diệt vong.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Tào Tháo nhận xét Viên Thuật là "xương khô trong mả" lúc uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị ở Hứa Xương. Thực tế là người nhận xét Viên Thuật là Khổng Dung khi nhận xét ai là người xứng đáng lĩnh Từ châu.

Cuối cùng Lưu Bị nhận lời tiếp quản Từ châu, nhận chức Từ châu mục.

Có tài liệu cho rằng Lưu Bị nhận lời lĩnh Từ châu ngay khi Đào Khiêm còn sống. Khi Lưu Bị từ chối và tiến cử Viên Thuật, Khổng Dung cũng có mặt và cho rằng Thuật là "xương khô trong mả". Cuối cùng Lưu Bị nhận lời.

Giao tranh với Lã Bố và Viên Thuật

Năm 195, Lã Bố thất bại trong cuộc giao tranh với Tào Tháo ở Duyện châu, đến nương nhờ Lưu Bị. Lưu Bị cho Lã Bố đóng quân ở Tiểu Bái – một quận thuộc về Dự châu nhưng nằm gần Hạ Bì - trung tâm Từ châu và nằm trong tay người cai quản Từ châu từ thời Đào Khiêm.

Năm 196, Tào Tháo đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương, bắt đầu thao túng triều đình nhà Hán. Để chia rẽ các chư hầu phía đông, Tào Tháo tìm cách lôi kéo Lưu Bị, nhân danh Hán Hiến Đế phong ông làm Nghi Thành đình hầu, Trấn đông tướng quân.

Quân phiệt Viên Thuật ở Thọ Xuân tấn công Lưu Bị để tranh đoạt Từ châu. Lưu Bị và Quan Vũ mang quân đi Vu Thai kháng cự Viên Thuật, sai Trương Phi giữ thành Hạ Bì (thủ phủ Từ châu). Trương Phi bất hòa với viên tướng cũ của Đào Khiêm là Tào Báo, bèn giết chết Tào Báo.

Viên Thuật viết thư cho Lã Bố đề nghị đánh úp Từ châu, đổi lại Thuật sẽ giúp lương. Lã Bố thấy Lưu Bị kết giao với Tào Tháo là kẻ thù của mình nên vốn đã lo ngại, do đó quyết định nhận lời Viên Thuật. Nhân lúc Hạ Bì hỗn loạn do cái chết của Tào Báo, Lã Bố bèn mang quân đến đánh úp Hạ Bì. Viên Trung lang tướng Hứa Đam trong thành Hạ Bì phản lại Trương Phi, mở cửa đón Lã Bố. Trương Phi không chống nổi quân Lã Bố, mang thủ hạ bỏ chạy, không kịp mang theo gia quyến Lưu Bị.

Trương Phi chạy đến chỗ Lưu Bị ở Hoài Âm. Lưu Bị phải lui về Quảng Lăng cầm cự với Viên Thuật. Do tình thế bức bách, lực lượng yếu không kháng cự được Viên Thuật và Lã Bố, ba anh em Lưu Bị phải quay về Từ châu hàng Lã Bố. Lã Bố tự xưng làm Thứ sử Từ châu, tiến cử Lưu Bị làm Dự châu mục, sang đóng ở thành Tiểu Bái gần đó.[16] Dự châu vốn có 6 quận nhưng trên thực tế Lưu Bị chỉ có một quận Tiểu Bái đóng quân.

Viên Thuật xin kết thông gia với Lã Bố. Lã Bố nhận lời gả con gái cho con trai Viên Thuật. Viên Thuật thấy Lã Bố ngả theo mình lại sai Kỷ Linh mang 3 vạn quân tấn công Tiểu Bái để diệt Lưu Bị. Lưu Bị thế yếu, phải cầu cứu Lã Bố. Lã Bố mang 1000 quân bộ và 200 quân kỵ tới Tiểu Bái, bắt hai bên phải hòa giải. Lã Bố sai cắm kích từ xa và giao hẹn sẽ bắn tên, nếu trúng vào ngạnh kích thì hai bên phải giảng hòa. Sau đó Lã Bố giương cung bắn trúng ngay ngạnh kích. Lưu Bị và Kỷ Linh theo lời Lã Bố mang quân về.

Lưu Bị thoát khỏi nguy hiểm, ra sức phát triển thế lực. Sau hơn 1 năm, ông có hơn 1 vạn quân. Tuy lực lượng có mạnh thêm nhưng ông vẫn trong tình trạng bị cô lập: với các chư hầu liền kề như Tào Tháo, Lã Bố và Viên Thuật đều từng kết oán; chỉ có Lã Bố tuy vừa giúp đỡ ông nhưng hay trở mặt. Công Tôn Toản tuy có thiện chí với ông nhưng ở xa tận Hà Bắc và đang giành giật với Viên Thiệu. Để khắc phục tình trạng bị cô lập, Lưu Bị chủ động nối lại hòa khí với Viên Thiệu, ông tiến cử Viên Đàm con cả Viên Thiệu làm Mậu tài.

Năm 197, Viên Thuật xưng đế ở Thọ Xuân, ra sức kết thân với Lã Bố để cô lập tiến đến diệt Lưu Bị. Năm 198, sự phát triển thế lực của anh em Lưu Bị ở Tiểu Bái khiến Lã Bố lo ngại, liền mang quân tới đánh. Anh em Lưu Bị thua chạy đến Khai Phong, trong tình thế bức bách buộc phải cầu cứu Tào Tháo. Tào Tháo bèn sai Hạ Hầu Đôn mang quân tới cứu Lưu Bị. Quân Tào và quân Lã Bố đụng độ ở Từ châu. Lã Bố cầm quân ra đối địch đánh bại Hạ Hầu Đôn và bắn tên trúng vào mắt Đôn.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng người bắn chột mắt Hạ Hầu Đôn là Tào Tính - bộ tướng của Lã Bố. Nghe tin Hạ Hầu Đôn bại trận bị chột mắt, tháng 10 năm 198, Tào Tháo khởi đại quân đi đánh Từ châu. Quân Lã Bố liên tiếp bại trận, cuối cùng bị Tào Tháo bắt. Lã Bố muốn xin Tào Tháo cho mình đầu hàng, lại nhờ Lưu Bị nói giúp. Nhưng Lưu Bị khuyên Tào Tháo nên giết Lã Bố vì Lã Bố là người hay trở mặt. Tào Tháo nghe theo ông, bèn sai chặt đầu Lã Bố.

Ở Hứa Xương

Tào Tháo cùng Lưu Bị thu quân về Hứa Xương. Tào Tháo không trả lại Từ châu vốn của Lưu Bị được Đào Khiêm giao cho mà sai thủ hạ là Xa Trụ trấn thủ. Lưu Bị bị giữ lại Hứa Xương để kiềm chế. Bề ngoài, Tào Tháo đối xử với ông rất thân tình, có lễ nghĩa, "ngồi cùng chiếu, ra cùng xe", lại nhân danh Hán Hiến Đế phong ông làm Tả tướng quân thay cho chức của Lã Bố vừa bị giết, tức là về danh nghĩa, quân hàm này còn cao hơn chức "Hành Xa kỵ tướng quân" của chính Tào Tháo.

Là tông thất nhà Hán, Lưu Bị bất bình trước việc thao túng triều đình của Tào Tháo và âm thầm có ý chống Tào. Sách Thục ký chép rằng: Có lần Lưu Bị cùng đi săn với Tào Tháo, Quan Vũ lén khuyên Lưu Bị nên nhân lúc mọi người hỗn loạn mà giết Tào Tháo nhưng Lưu Bị không nghe theo vì tình thế không cho phép manh động.

Sau đó ông bí mật cùng một số tướng lĩnh trung thành với nhà Hán như Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Chung Tập, Ngô Thạc mưu giết Tào Tháo để cứu Hán Hiến Đế, nhưng chưa có cơ hội.

Phó tử chép: Khi Lưu Bị đến hàng, Tào Tháo dùng lễ khách đối đãi. Mưu sĩ Quách Gia khuyên Tào Tháo rằng nên đề phòng Lưu Bị: Bị có hùng tài mà rất được lòng người. Trương Phi, Quan Vũ đều có sức địch muôn người, sẵn lòng chết vì Bị. Gia xét thấy, Bị rốt cuộc không chịu ở dưới người, mưu tính của hắn chưa thể lường được vậy. Cổ nhân có nói "Một ngày thả địch, hậu hoạn nhiều đời". Nên sớm liệu đi.

Thoát ly chống Tào

Năm 199, Viên Thiệu diệt Công Tôn Toản, làm chủ hoàn toàn Hà Bắc; Tào Tháo cũng đánh bại Viên Thuật. Viên Thuật thế cùng sức kiệt, muốn chạy lên Hà Bắc theo Viên Thiệu. Lưu Bị không muốn bị kìm chân mãi ở Hứa Xương, bèn xin Tào Tháo đi chặn đánh Viên Thuật. Tào Tháo phê chuẩn, cấp cho ông 1000 quân. Lưu Bị cùng Quan Vũ và Trương Phi mang quân ra đón đánh Viên Thuật ở đường lớn Từ châu. Viên Thuật thực lực rất yếu, bị Lưu Bị đánh bại, phải quay về rồi ốm chết.

Hành động tiếp theo của Lưu Bị được sử sách ghi chép khác nhau. Các sử gia cho rằng cách chép của sách Tam quốc chí, phần Thục chí chính xác hơn Ngụy chí. Theo đó, đầu năm 200, Tào Tháo phát giác ra việc Đổng Thừa cầm đầu nhóm các tướng mưu giúp Hán Hiến Đế giết mình, nên đồng loạt xử tử Đổng Thừa và những người đồng mưu. Lưu Bị nghe tin Đổng Thừa bị giết, mưu sự đã lộ, trước sau cũng bị Tào Tháo đánh, bèn dẫn quân về đánh chiếm lại Từ châu.

Được sự phò trợ của Quan Vũ và Trương Phi, Lưu Bị giết chết thứ sử Từ châu là Xa Trụ do Tào Tháo bổ nhiệm, sai Quan Vũ giữ thủ phủ Hạ Bì, để gia quyến ở lại đây, tự mình mang quân ra giữ Tiểu Bái làm ỷ dốc, ra sức chiêu binh mãi mã để chuẩn bị đối phó với quân Tào.

Phần Ngụy chí trong Tam quốc chí chép đảo ngược 2 sự kiện: Lưu Bị chiếm Từ châu giết Xa Trụ trước khi Đổng Thừa bị giết ở Hứa Xương, được các sử gia cho là không hợp lý.

Tào Tháo sai Vương Trung và Lưu Đại mang quân đánh Lưu Bị. Lưu Bị đánh bại hai viên tướng này và thách Tào Tháo mang đại quân tới.

Vương Trung và Lưu Đại chạy đến Quan Độ báo cho Tào Tháo biết. Tào Tháo đoán định Viên Thiệu tuy mạnh nhưng thiếu can đảm, chính Lưu Bị quân lực mỏng hơn nhưng lại quyết đoán nên phải đánh trước. Vì vậy Tào Tháo đích thân mang đại quân từ phía đông Quan Độ đến Tiểu Bái. Lưu Bị lúc đó có vài vạn quân, cùng Trương Phi chia đường ra chống lại, nhưng vẫn không phải là địch thủ của Tào Tháo. Ông bị thua một trận lớn, vội vã bỏ thành Tiểu Bái, bỏ luôn thành Hạ Bì trung tâm Từ châu mà Quan Vũ đang trấn thủ, chạy lên Hà Bắc nương nhờ họ Viên.

Cánh quân của Trương Phi bị Tào Tháo đánh bại cũng mất liên lạc với Lưu Bị, Trương Phi chạy tới tận Cổ Thành thuộc huyện Chân Dương, quận Nhữ Nam.[d] Quan Vũ trấn thủ Hạ Bì không chống nổi quân Tào, phải hàng Tào Tháo.

Nương nhờ Viên Thiệu

Trên danh nghĩa, Lưu Bị và họ Viên là kẻ thù. Ông từng giúp Công Tôn Toản và thủ hạ của Toản là Điền Khải chống lại Viên Đàm – Viên Thiệu ở Thanh châu khoảng năm 194. Nhưng sau đó chính Lưu Bị cũng có giao tình với Viên Đàm khi làm Thứ sử Dự châu không còn dưới trướng Công Tôn Toản, tức là khi không còn trực tiếp giao tranh với họ Viên, ông đã tiến cử Viên Đàm làm Mậu tài năm 197.

Khi thua trận ở Tiểu Bái trước Tào Tháo, Lưu Bị quyết định chạy sang Thanh châu theo Viên Đàm. Nhớ tới hậu ý trước đây của ông, Viên Đàm khi đó là Thứ sử Thanh châu (Điền Khải đã bị diệt) thân chinh mang một toán quân mã ra ngoài thành nghênh đón. Sau đó Viên Đàm tiến cử ông tới chỗ Viên Thiệu ở Ký châu. Viên Thiệu phái đại tướng mang quân mã tới đón ông lên Nghiệp Thành – trung tâm Ký châu. Khi Lưu Bị tới nơi, Viên Thiệu đích thân ra ngoài 200 dặm đón khá cung kính.

Các sử gia cho rằng sở dĩ cả Tào Tháo và Viên Thiệu đều tỏ ra khá lễ nghi với Lưu Bị vì ông có uy tín khá cao với mọi người, việc thu phục được ông có thể là bàn đạp để thu phục nhân tâm thiên hạ theo về. Triệu Vân, thủ hạ cũ của Công Tôn Toản, nghe tin Lưu Bị ở Ký châu bèn tìm đến theo ông. Hai người ăn ở cùng nhau tại Nghiệp Thành. Lưu Bị lệnh cho Triệu Vân ngầm chiêu tập binh mã được vài trăm người, Viên Thiệu không hay biết.

Viên Thiệu ra quân đánh Tào Tháo, tấn công thành Bạch Mã và Diên Tân. Tháng 5 năm 200), Tào Tháo dẫn Trương Liêu và Quan Vũ đi cứu Bạch Mã. Quan Vũ ra trận giết chết mãnh tướng Nhan Lương của Viên Thiệu, giải vây thành Bạch Mã. Sang tháng 6), Tào Tháo cùng Quan Vũ và Trương Liêu đi men theo sông Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Lưu Bị cùng Văn Xú theo Viên Thiệu mang quân đuổi theo, nhưng lại bị Tào Tháo đánh bại một trận nữa tại đây, Văn Xú tử trận. Vì lực lượng ít hơn nên sau đó Tào Tháo phải lui quân về phía nam Tế Thủy, tức là bến Quan Độ đóng đồn, còn Viên Thiệu đóng lại ở Diên Tân.

Viên Thiệu và Tào Tháo chống nhau ở Quan Độ. Lưu Bị hiến kế với Viên Thiệu và tự mình xin đi thi hành, sang quận Nhữ Nam liên kết với các tướng Khăn Vàng là Lưu Tiết và Lưu Thiệu để tập kích Hứa Đô của Tào Tháo. Viên Thiệu bằng lòng, giao cho Lưu Bị một toán quân. Lưu Bị lập tức khởi hành lên đường.

Hai lần chinh chiến ở Nhữ Nam

Lưu Bị, Triệu Vân đến Nhữ Nam liên kết với Lưu Tiết và Lưu Thiệu, đánh chiếm được Ẩn Cường thuộc Dự châu. Nhân dân các huyện kế cận nghe tin Lưu Bị tới đều hưởng ứng.

Tào Tháo đang chống giữ với Viên Thiệu ở Quan Độ nghe tin Lưu Bị chiếm Ẩn Cường rất lo lắng, sai Tào Nhân mang quân từ Hứa Đô tới đánh. Tào Nhân ra quân đánh bại Lưu Bị ở Ẩn Cường. Lưu Bị phải bỏ Dự châu trở về phía bắc, trở về chỗ Viên Thiệu ở Quan Độ phục mệnh.

Chiến sự giữa Viên Thiệu và Tào Tháo vẫn giằng co bất phân thắng bại. Lưu Bị ở Ký châu với Viên Thiệu trong thời gian vài tháng. Ông biết tin Quan Vũ đang ở bên Tào Tháo; đồng thời nhận thấy Viên Thiệu có binh lực mạnh mẽ nhưng thiếu quả quyết, đoán biết Viên Thiệu không thể làm nên việc lớn, ông quyết định tìm cách thoát đi để tự xây dựng lực lượng.

Ông xin với Viên Thiệu đi về nam một lần nữa, làm sứ giả tới Kinh châu giục Lưu Biểu giáp công đánh Tào Tháo từ phía sau. Viên Thiệu không tin Lưu Biểu đủ nhiệt tình và can đảm ra quân nên chưa thuận theo. Vừa lúc đó lại có tướng Khăn Vàng khác là Cung Đô từ Nhữ Nam sai người tới liên lạc với Viên Thiệu, đề nghị liên minh cùng chống Tào. Viên Thiệu bèn sai Lưu Bị và Triệu Vân lại cùng đi Nhữ Nam.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Lưu Bị chỉ đi Nhữ Nam một lần, gặp cả hai tướng Khăn Vàng là Lưu Tiết và Cung Đô một lúc.

Lưu Bị cùng Triệu Vân đến Nhữ Nam, tập hợp cùng Cung Đô được vài ngàn quân.[36] Quan Vũ nghe tin Lưu Bị rời khỏi chỗ Viên Thiệu, cũng rời khỏi quân ngũ Tào Tháo ở Quan Độ chạy về phía nam tìm đến chỗ ông. Trương Phi từ Cổ Thành cũng mang quân tới hội.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng anh em Lưu Bị tái ngộ tại Cổ Thành – nơi Trương Phi đóng quân khi lạc nhau.

Khi quân hai bên tập hợp xong thì Viên Thiệu đã bị Tào Tháo đại phá ở Quan Độ, bị thiệt hại nặng, phải rút về Hà Bắc. Tào Tháo đắc thắng, coi thường Lưu Bị, sai Sái Dương đi đánh Nhữ Nam. Lưu Bị mang quân ra địch, đánh tan quân Tào, Quan Vũ giết chết Sái Dương.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Quan Vũ giết chết Sái Dương trên đường đi tìm Lưu Bị. Tào Tháo vẫn lo lắng thế lực hùng mạnh của họ Viên ở Hà Bắc hơn, nên đầu năm 201 tiếp tục khởi đại quân đuổi theo đánh Viên Thiệu. Tháng 6 năm 201), Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận lớn nữa ở Thương Đình. Sau 2 thất bại nặng nề, Viên Thiệu không còn đủ sức tấn công Tào Tháo. Tào Tháo yên tâm trở lại đối phó với Lưu Bị. Tháng 8 năm đó), Tào Tháo từ Hứa Xương mang quân đi đánh Nhữ Nam.

Quân Cung Đô vốn ô hợp, nghe tin đại quân Tào Tháo kéo đến vội vã bỏ chạy tan tác. Lưu Bị biết mình không thể đối địch được với Tào Tháo, bèn bỏ luôn Nhữ Nam chạy về phía nam, đến Kinh châu xin nương nhờ Lưu Biểu.

Nương nhờ Lưu Biểu

a. Trận Bác Vọng

Lưu Biểu cũng tỏ ra trọng thị Lưu Bị, ra ngoài thành Tương Dương đón tiếp ông. Ban đầu, Lưu Biểu đối đãi với ông rất hậu, nhưng sau đó Lưu Biểu nhận ra chí lớn của Lưu Bị nên tỏ ra ngờ vực, cảnh giác với ông, nên không lưu ông lại ở thủ phủ Tương Dương mà cấp cho ông quân đội, điều ông ra đóng quân ở huyện Tân Dã thuộc quận Nam Dương, là cửa ngõ Kinh châu với phía bắc, gần Hứa Xương nhất.

Trong lúc Tào Tháo và anh em họ Viên giao tranh ở phía bắc, khoảng năm 204 Lưu Biểu theo đề nghị của Lưu Bị, sai ông mang quân từ Tân Dã tiến đánh Tào Tháo.

Lưu Bị cùng Triệu Vân đi qua Nam Dương và Bác Vọng, Trường Sơn (tức núi Phương Thành), sau đó đến huyện Diệp ở phía tây nam Hứa Xương. Tướng Tào trấn thủ huyện Diệp là Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm và Lý Điển. Lưu Bị đánh huyện Diệp không nổi phải rút lui.

Hạ Hầu Đôn mang quân truy kích, Lưu Bị đặt phục binh ở gò Bác Vọng. Quân Kinh châu đánh bại Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm, bắt sống bộ tướng của Hạ Hầu Đôn là Hạ Hầu Lan. Hạ Hầu Đôn phải lui binh, còn Lưu Bị cũng không truy kích tiếp, rút về Tân Dã.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng trận Bác Vọng diễn ra năm 208 khi Tào Tháo nam chinh hạ Kinh châu, và đây chính là trận đầu tiên Gia Cát Lượng tham gia với tư cách quân sư trong quân Lưu Bị. Kỳ thực, lúc xảy ra trận Bác Vọng, Gia Cát Lượng chưa đến với Lưu Bị, mưu kế ở Bác Vọng do Lưu Bị tự làm.

Do Hạ Hầu Lan vốn là người cùng làng với Triệu Vân, vì vậy Triệu Vân xin với Lưu Bị tha chết cho Lan. Lưu Bị đồng ý.

Theo sách Hán Tấn xuân thu, năm 206 lúc Tào Tháo mới mang quân đi xa lên đánh Liễu Thành, Lưu Bị khuyên Lưu Biểu đánh úp Hứa Xương nhưng Lưu Biểu không theo. Sau này Tào Tháo thắng trận trở về, Lưu Biểu ân hận vì không nghe theo lời ông

b. Được Gia Cát Lượng phò tá

Lưu Bị ra sức thu nạp nhân tài để phát triển thế lực. Năm 207, ông được Từ Thứ theo giúp. Từ Thứ tiến cử một người bạn là Gia Cát Lượng cho ông. Lúc đó Gia Cát Lượng đang ở ẩn.

Trước Từ Thứ, danh sĩ Tư Mã Huy đã ca ngợi tài năng của Gia Cát Lượng. Vì vậy Lưu Bị rất mến mộ Gia Cát và mong được sự phò tá của Gia Cát. Việc ông và Gia Cát Lượng gặp gỡ và bắt đầu cộng tác được sử sách mô tả khác nhau. Sách Ngụy lược và Cửu châu xuân thu chép rằng chính Gia Cát Lượng tìm đến gặp Lưu Bị năm 207 và tự tiến cử mình với ông.[44][45] Tam quốc chí chép rằng theo sự tiến cử của Tư Mã Huy và Từ Thứ, ông tìm đến lều tranh nhà Gia Cát để cầu Gia Cát ra giúp. Sau 3 lần tới lều tranh, Lưu Bị mới gặp được Khổng Minh và được Khổng Minh nhận lời phò tá. Ngay lần gặp gỡ đó, Gia Cát Lượng đã vạch kế chia ba thiên hạ cho ông.

Các sử gia xem xét sự trái ngược của hai cách nói trong sử sách và kết luận rằng: cả hai sự kiện đều có thể là đúng, với trình tự là Gia Cát sớm tự tiến cử trước, nhưng chưa thực sự được Lưu Bị coi trọng và trở về. Sau đó Lưu Bị nhận ra tài năng thực thụ của Khổng Minh, hạ mình 3 lần tới lều tranh tìm gặp.

Giới nghiên cứu chỉ ra rằng sự gặp gỡ giữa 2 người không phải không có những trắc trở. Lưu Bị ở Kinh châu tới 7 năm, đã thu nạp nhiều hào kiệt và cũng đã từng nghe tiếng Gia Cát Lượng. Nhưng lúc đó không dễ để một người từng trải đã ngoài 40 tuổi như Lưu Bị ngay lập tức coi trọng một người thanh niên mới ngoài 20 tuổi như Gia Cát Lượng. Bản thân Gia Cát Lượng có quan hệ họ hàng với Lưu Biểu (Biểu là chú dượng bên vợ Gia Cát Lượng) nhưng cũng chưa từng được Lưu Biểu coi trọng, do đó Lưu Bị càng chưa dễ coi trọng Khổng Minh khi Khổng Minh tìm đến. Chỉ đến khi có sự tiến cử của Tư Mã Huy và Từ Thứ vốn là những người Lưu Bị rất kính trọng và tin tưởng, ông mới thực sự nhận ra giá trị của Khổng Minh và gác thân thế hoàng tộc cũng như vai "tiền bối" để lặn lội tới lều tranh 3 lần.

Sử gia Doãn Vận còn căn cứ theo Xuất sư biểu mà sau này Gia Cát Lượng viết (dâng Hậu chủ Lưu Thiện khi chuẩn bị Bắc phạt) "Tiên đế ... 3 lần tới lều tranh tìm thần, cùng thần bàn bạc" để khẳng định rằng Lưu Bị đã gặp Khổng Minh trong cả ba lần đến thăm và trò chuyện, chứ không phải 3 lần đến mới gặp nhau như Tam quốc diễn nghĩa mô tả. Qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, hai người mới thực sự hiểu thành ý của nhau và Gia Cát Lượng quyết ý xuống núi phó tá Lưu Bị.

Gia Cát Lượng vạch ra Long Trung đối sách làm kế lập nghiệp cho Lưu Bị, theo đó ông không thể tranh giành ngay trung nguyên với Tào Tháo và không thể chiếm Giang Đông của Tôn Quyền, đề nghị ông theo đuổi chiến lược chiếm Kinh châu rồi Ích châu làm căn bản, liên kết với Tôn Quyền cùng chống Tào Tháo, sau đó từ 2 đường tiến ra trung nguyên chinh phục thiên hạ, khôi phục nhà Hán.

Kế sách của Khổng Minh từ đó được ông theo đuổi và từng bước thực thi đều có nhiều trở ngại do những biến cố phức tạp ở trung nguyên.

Người đời sau có thơ khen việc Lưu Bị 3 lần hạ mình tới cầu kiến người hiền tài để dựng nên cơ nghiệp nhà Thục Hán:

" Giặc Hán rành chia bận cõi lòng

Đường đường Hoàng thúc tới lều tranh

Ai hay một chốc lời tâm sự

Năm chục năm tròn giữ giang sơn "

c. Quan hệ với Lưu Biểu

Ban đầu, Lưu Biểu trọng đãi Lưu Bị, nhưng sau đó tỏ ra đề phòng. Có ý kiến cho rằng, Lưu Bị có hùng tâm, thường chiêu tập nhiều hào kiệt ở Tân Dã khiến Lưu Biểu nghi ngờ, lo ngại Lưu Bị sẽ chiếm cơ nghiệp của mình, nên muốn sát hại Lưu Bị. Lưu Biểu mở tiệc mời Lưu Bị tới, sai Khoái Việt và Sái Mạo chuẩn bị ra tay, nhưng Lưu Bị cảm thấy bất an, bèn lấy cớ đứng dậy ra nhà tiêu và lên ngựa đích lư chạy trốn. Quân Sái Mạo đuổi theo, Lưu Bị chạy tới suối Đàn Khê rất rộng khó vượt qua. Nhưng đúng lúc đó ngựa đích lư bất thần tung vó nhảy qua được suối lớn cứu ông thoát nạn, khiến quân Sái Mạo không thể bắt được ông.

Tuy nhiên có ý kiến khác phản bác, cho rằng vụ nhảy ngựa Đàn Khê là không có thật, vì Lưu Bị đang ở nhờ Lưu Biểu, lực lượng rất ít ỏi; nếu Lưu Biểu thực sự có ý định hại chết Lưu Bị, thì không thể để Lưu Bị yên thân suốt 2 năm sau đó ở Tân Dã. Các sử gia đi đến kết luận rằng: Lưu Biểu cảnh giác một con người có hùng tâm như Lưu Bị nhưng không định làm hại mà chỉ hậu đãi bên ngoài, bên trong không thật tin dùng.

Năm 208, Tào Tháo đã diệt xong anh em họ Viên, hoàn toàn làm chủ miền bắc và khởi đại quân đi đánh Kinh châu. Đúng lúc đó Lưu Biểu tuổi cao lâm bệnh nặng. Trong Tam quốc chí, Tiên chủ truyện cho rằng lúc đó Lưu Biểu gọi Lưu Bị đến muốn ông tiếp quản Kinh châu, nhưng ông từ chối vì không muốn làm điều bất nghĩa. Sử gia Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam quốc chí và các sử gia sau này thống nhất cho rằng điều này không hợp lý vì những lý do sau:

1. Lưu Biểu vốn luôn nghi ngại Lưu Bị, khi

còn sống đã không thân tình, chỉ đối xử tốt bề ngoài

2. Cả hai vợ chồng Lưu Biểu và Sái phu

nhân đều đã cùng nhau thống nhất chọn con thứ Lưu Tông kế vị ở Tương Dương

3. Theo Hậu Hán thư, Lưu Biểu truyện, khi

Lưu Biểu bệnh nặng, con lớn Lưu Kỳ từ Giang Hạ về Tương Dương thăm cha bị phe Sái Mạo ngăn trở đuổi đi. Điều đó cho thấy khi Lưu Biểu bị bệnh nặng đã hoàn toàn bị phe họ Sái khống chế bao bọc, ngay cả Lưu Kỳ cũng không thể tiếp cận Lưu Biểu, Lưu Bị lại càng không thể gặp Lưu Biểu trong lúc đó.

Tam quốc chí, Tiên chủ truyện còn dẫn một tình tiết khác: Lưu Bị sau này đã nói với mọi người: "Lúc lâm chung Lưu Kinh châu đã gửi con cho ta" khi ông "mượn" Kinh châu của Đông Ngô làm địa bàn phát triển thế lực. Nhưng các sử gia cho rằng lời nói này của Lưu Bị có 2 khả năng:

1. Đây chỉ là lời nói dối, tuyên bố mang mục

đích chính trị cho việc hợp pháp hóa nắm giữ Kinh châu trong cuộc chiến chống Tào - Tôn

2. Dù Lưu Bị có thể gặp Lưu Biểu trong lúc

lâm chung, thì với sự lo ngại vốn có, Lưu Biểu đề nghị ông tiếp quản Kinh châu chỉ là lời thăm dò, không thực lòng. Ngược lại, chính Lưu Bị cảm nhận sự không thực lòng của Lưu Biểu, mặt khác xung quanh Lưu Biểu khi đó là thế lực của họ Sái, do đó Lưu Bị dày dặn kinh nghiệm biết mình không thể mạo hiểm nhận ấn Kinh châu mục và tìm cách từ chối. Lời từ chối đó cũng không phải thực lòng không muốn nhận (vì trước đó Gia Cát Lượng đã cực lực đề nghị ông phải lấy Kinh châu làm căn cứ và ông nhận thức rõ đề nghị này là đúng đắn), thực chất cả người nhường và người từ chối đều không nói thực bụng.

5.3 Xưng Vương

Sau khi chiếm được Hán Trung và các quận kế cận, thanh thế của Lưu Bị rất lớn. Tháng 8) năm 219, một trăm hai mươi người dưới quyền đứng đầu là Mã Siêu, Hứa Tĩnh, Bàng Hi, Xạ Viện (Tạ Viện), Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Lại Cung, Pháp Chính, Lý Nghiêm... cùng nhau đứng tên làm tờ biểu dâng lên Hán Hiến Đế, đề nghị phong Lưu Bị làm Hán Trung vương, chức Đại tư mã. Về hình thức, Lưu Bị cũng đứng tên làm tờ biểu tâu lên Hán Hiến Đế, nói rằng vì bị quần thần ép xưng vương nên phải thuận theo ý mọi người để cứu nước, thảo phạt Tào Tháo. Các sử gia cho rằng việc Lưu Bị xưng vương có nhiều khả năng tham mưu từ Pháp Chính.

Do Hán Hiến Đế đang ở trong tay Tào Tháo, Lưu Bị và các tướng không chờ công văn phê chuẩn của Hiến Đế, mà trong tháng 8 năm đó tổ chức lễ xưng vương tại Miện Dương. Các tướng đứng hai bên đàn, tôn Lưu Bị đứng lên trên, để một viên quan tuyên đọc bản tấu lên Hán Hiến Đế, chính thức đội mũ miện cho ông và đúc ấn "Hán Trung vương". Các sử gia giải thích rằng sở dĩ Lưu Bị không tổ chức lễ tại Thành Đô mà tới Miện Dương vì nơi này nằm trong quận Hán Trung, cũng là nơi Hán Cao Tổ Lưu Bang khởi nghiệp chống Hạng Vũ, nhằm biểu dương việc nối hương hỏa nhà Hán.

Sau khi xưng vương, Lưu Bị phong Hứa Tĩnh làm Thái phó, Pháp Chính làm Thượng thư lệnh Hộ quân tướng quân, Liêu Lập làm Thị trung, Quan Vũ là Tiền tướng quân, Trương Phi là Hữu tướng quân, Mã Siêu là Tả tướng quân và Hoàng Trung là Hậu tướng quân. Các chức vị của các nhân vật quan trọng khác như Gia Cát Lượng, Triệu Vân không được sử sách nhắc đến.

Sau đó, Lưu Bị và các tướng trở về trung tâm Ích châu là Thành Đô. Ông phong Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung, chức Trấn viễn tướng quân. Quyết định này khiến mọi người kinh ngạc, vì ai cũng nghĩ rằng Hán Trung có vị trí quan trọng như Kinh châu đang do Quan Vũ trấn thủ, Lưu Bị sẽ giao nơi này cho Trương Phi. Các sử gia đánh giá rất cao quyết định dùng Ngụy Diên – một người chưa có danh vọng và địa vị - của Lưu Bị là mạnh dạn, đúng người, và có nguyên nhân sâu xa. Mã Siêu từng là chủ một phương, nếu sai giữ trọng trấn phải đề phòng nổi loạn; Hoàng Trung đã cao tuổi. Sau khi Lỗ Túc mất (217), quan hệ giữa Lưu Bị với Tôn Quyền về vấn đề Kinh châu ngày càng căng thẳng, do đó phải để Trương Phi, Triệu Vân vào việc phía đông, vì vậy đề bạt Ngụy Diên là người thích hợp nhất.

Có ý kiến cho rằng Lưu Bị xưng vương hơi sớm. Lẽ ra ông nên chờ tới khi đánh thắng được Tào Tháo, chiếm được trung nguyên để trung hưng nhà Hán mới thực hiện việc này; việc ông sớm xưng vương khi vừa khuếch trương thế lực và không hề có thỏa hiệp gì thêm với Tôn Quyền khiến Tôn Quyền muốn tiếp tục lôi kéo ông để chống Tào Tháo mà không thể thực hiện được, vì địa vị hai người không còn ngang nhau như trước; Tôn Quyền không còn cảm thấy an toàn với Lưu Bị và quyết định phải có sách lược mới, trở mặt với Lưu Bị.

5.4 Xưng Đế

Mất Kinh châu và Quan Vũ khiến Lưu Bị nóng lòng muốn báo thù Đông Ngô. Tuy nhiên lúc đó lại xảy ra nhiều biến cố. Sau việc mất Mạnh Đạt và Lưu Phong cùng mấy quận phía đông, khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 12[34]) năm 220, Tào Phi phế truất Hán Hiến Đế cướp ngôi, lập ra nhà Ngụy, tức là Tào Ngụy Văn Đế. Hán Hiến Đế bị giáng làm Sơn Dương công, điều đi quận Sơn Dương.

Khoảng đầu tháng 5 đến đầu tháng 6[34]) năm 221, Lưu Bị và Gia Cát Lượng ở Thành Đô nghe lời đồn đại rằng Hiến Đế đã bị Tào Phi giết hại, bèn phát tang ở Ích châu, truy tôn vua Hán là Hiếu Mẫn hoàng đế. Quần thần đề nghị ông lên ngôi hoàng đế để kế nghiệp nhà Hán. Thái phó Hứa Tĩnh, An Hán tướng quân Mi Trúc, quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Thái thường Lại Cung, Quang lộc huân Hoàng Quyền, Thiếu phủ Vương Mưu dâng tấu rằng:

Tào Phi thí chúa soán ngôi, chôn vùi ngôi Hán thất, cướp lấy thần khí, bức hiếp kẻ trung lương, tàn ác vô đạo. Quỷ thần căm giận, đều nghĩ đến họ Lưu. Nay ở trên không có thiên tử, hải nội bàng hoàng, không có chỗ ngóng trông. Quần hạ trước sau dâng sớ hơn tám trăm người, đều nói rõ có điềm lành, và những lời đồ sấm làm chứng cớ rõ ràng... Nay trời cao báo điềm lành, quần nho anh tuấn, đều dẫn sách Hà Đồ-Lạc Thư, cùng lời sấm ký của Khổng Tử, hết thảy đều đủ cả. Chúng thần quỳ xuống kính cẩn suy ngẫm rằng Đại vương là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương Hiếu Cảnh Hoàng Đế, dòng chính dòng phụ trăm đời, thiên địa giáng phúc, đại vương tư thái thần thánh kì vĩ, uy vũ như thiên thần, nhân đức chồng chất trùm đời, ưu ái dân chúng tôn kính kẻ sĩ, vì thế bốn phương dốc lòng theo về... Vậy nên đại vương sớm lên ngôi đế, để tế lễ nhị tổ, nối nghiệp tổ tiên, thì thiên hạ may lắm.

Ông còn do dự thì lại có tin Tôn Quyền đã dâng biểu xưng thần với Tào Phi và được phong làm Ngô vương. Lưu Bị rất tức giận, muốn lập tức khởi binh đánh Đông Ngô. Theo lời khuyên của Gia Cát Lượng, ông tạm gác việc đánh Ngô và làm lễ lên ngôi hoàng đế. Lễ được tiến hành ở phía nam núi Vũ Đương thuộc Thành Đô, lấy quốc hiệu là Hán để kế tục Lưu Hiệp, đặt niên hiệu là Chương Vũ. Từ đó nhà Thục Hán bắt đầu.

Lưu Bị lập Ngô phu nhân (em gái Ngô Ý) làm hoàng hậu, Lưu Thiện làm thái tử, lập con gái của Trương Phi (vợ Lưu Thiện) làm Thái tử phi, các con thứ Lưu Vĩnh làm Lỗ vương, Lưu Lý làm Lương vương. Phần các quan, lúc đó Pháp Chính đã mất, ông phong Gia Cát Lượng làm Thừa tướng, Hứa Tĩnh làm Tư đồ, Trương Phi làm Tư Lệ hiệu úy, Mã Siêu làm Lương châu mục,...

5.5 Vì sao Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng?

Cuối thời Đông Hán, chư hầu nổi dậy khắp nơi, không ít các thế lực đã xưng bá một phương. Bởi vì xuất thân bất đồng, nên thực lực của những chư hầu này cũng có sự chênh lệch rất rõ ràng.

Hai anh em Viên Thiệu – Viên Thuật xuất thân từ một gia tộc bốn đời tam công. Nhờ có bối cảnh danh gia vọng tộc, huynh đệ họ Viên đã chiếm cứ hai khu vực giàu có và phồn vinh là Hà Bắc cùng Hoài Nam, dưới trướng họ cũng không thiếu tinh binh, lương thực.

Nhóm người Lưu Biểu, Lưu Chương có dòng dõi nhà Hán, cố thủ ở lãnh thổ Kinh Châu, Ích Châu. Bởi vì xuất thân cao quý, hai nhân vật này đều có năng lực hiệu triệu rất lớn, binh cường mã tráng dưới tay không thiếu, văn thần võ tướng cũng rất mực đông đảo.

Tôn Quyền được thừa kế cơ nghiệp Giang Đông từ cha anh, lại có thêm nhiều thuộc hạ trung thành, kiêu dũng, từ đó càng có thực lực để tranh bá thiên hạ.

Nếu so sánh với những chư hầu này, Lưu Bị chỉ là một người sở hữu xuất thân thua kém, thực lực nhỏ yếu. Nửa đời trước của Lưu Huyền Đức về cơ bản phải đi nương nhờ vào các thế lực lớn, thậm chí đã có mấy lần đổi chủ.

Lưu Bị vốn Nhà nghèo và mồ côi cha sớm, Lưu Bị phải cùng mẹ làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống. Do danh tiếng là người trong hoàng tộc, ông vẫn kết giao được với những người có danh vọng như Công Tôn Toản, Lưu Đức Nhiên, cùng họ nhận Lư Thực làm thầy. Lư Thực là người có tài kiêm văn võ, Lưu Bị được truyền đạt học hỏi rất nhiều. Tiền học của Lưu Bị được cha của Lưu Đức Nhiên là Lưu Nguyên Khởi chu cấp cho. Ông học không giỏi mà thích nuôi chó ngựa, chú trọng đến ăn mặc Lưu Nguyên Khởi, một người cùng họ thường chu cấp cho Lưu Bị, vợ của Nguyên Khởi hỏi: "Mỗi nhà mỗi cảnh, sao ta có thể mãi chu cấp cho nó!" Khởi đáp: "Đứa trẻ ấy có cùng họ với ta, thật là người phi thường vậy".

Lưu Bị thích giao kết với kẻ hào kiệt, được nhiều người trẻ tuổi vây quanh. Lưu Bị đã gặp gỡ và kết giao với Quan Vũ và Trương Phi. Ba người rất thân thiết với nhau, coi nhau như anh em một nhà. Nhà Đông Hán ngày càng suy yếu, nhiều nơi tình hình địa phương không ổn định, Lưu Bị đã tập hợp thanh niên trong xóm đứng ra bảo vệ trật tự. Ông được mấy người phú thương làm nghề buôn ngựa ở nước Trung Sơn là Trương Thế Bình và Tô Song trợ giúp, vì thế Lưu Bị có thể duy trì trong tay một đội quân nhỏ trong vùng.

Đầu quân cho Trâu Tịnh

Tam quốc chí từng ghi chép về "mười lần đổi chủ" của Lưu Bị.

Theo đó, lúc đầu ông đi theo Hiệu úy Trâu Tịnh dẹp loạn Hoàng Cân, được phong làm Huyện úy An Hỷ (tương đương chức Phó Chủ tịch huyện ngày nay). Cũng từ đây, Lưu Bị chính thức bắt đầu sự nghiệp chinh chiến của mình.

Đi theo Tòng sự Thanh Châu

Dưới sự đề cử của Lưu Tử Bình, Lưu Bị đầu quân phái quan Tòng sự Thanh Châu. Về lần "đổi chủ" này, "Điển lược" Tam quốc chí có chép:

"Người ở Bình nguyên là Lưu Tử Bình biết Lưu Bị là người mạnh bạo lại có uy, bấy giờ Trương Thuần làm loạn, Thanh Châu bị giáng chiếu chỉ phái quan Tòng sự đưa binh đánh dẹp Thuần, khi đi qua Bình Nguyên, Tử Bình tiến cử Bị với quan Tòng sự, Tòng sự bèn cho đi theo...".

Về dưới quyền Khâu Nghị

Không lâu sau đó, Đại tướng quân Hà Tiến phái Đô úy Khâu Nghị đến Đan Dương mộ binh. Lưu Bị cũng đi cùng.

Đến Hạ Bì gặp giặc, ông gắng sức chiến đấu, nhờ có công lao nên được Khưu Nghị phong làm Hạ Mật thừa, sau lại được phong làm chức Úy ở huyện Cao Đường.

Việc Lưu Bị bỏ quan Tòng sự đi theo Khâu Nghị được Tam quốc chí ghi lại trong phần Tiên chủ truyện.

Nương nhờ Công Tôn Toản

Năm 188, anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi giao tranh với quân cướp địa phương bị bại trận, bèn bỏ huyện Cao Đường đến nương nhờ người bạn học cũ là Công Tôn Toản ở U châu. Khi đó Công Tôn Toản vừa được phong làm Trung lang tướng do dẹp được Trương Thuần và chiêu hàng được Tham chí vương của Ô Hoàn, liền tiến cử Lưu Bị làm Biệt bộ tư mã.

Chịu sự áp chế của Điền Khải

Nhưng sau đó không lâu, Công Tôn Toản để ông giúp Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải chống lại Viên Thiệu. Cũng từ đây, Lưu Bị đi theo Điền Khải, đóng quân ở phía đông nước Tề và chịu sự áp chế của họ Điền này.

Nhờ lập được nhiều chiến công, Lưu Bị được phong làm Bình Nguyên tướng.

Phụ giúp Đào Khiêm

Năm 193, Viên Thiệu mang quân đánh Công Tôn Toản. Cũng vào lúc này, Đào Khiêm ở Từ Châu thành nghi phạm giết cha của Tào Tháo và bị quân Tào báo thù.

Đào Khiêm vội cầu cứu Điền Khải và Công Tôn Toản. Toản liền cử Lưu Bị đến Từ Châu ứng cứu.

Bấy giờ, quân số của Lưu Bị có hơn 1000 quân cùng với đám kị binh tạp nham người Ô Hoàn ở U Châu, rồi lại được Đào Khiêm cấp cho 4.000 quân nữa nên ông bỏ Điền Khải theo về với Đào Khiêm.

Lưu Bị cùng Đào Khiêm tử thủ ở Đan Dương, giúp họ Đào này thoát khỏi kiếp nạn mất mạng dưới tay quân Tào.

Do Lưu Bị khước từ việc nhậm chức Từ Mục châu thay mình, Đào Khiêm đề nghị Lưu Bị đem quân đóng ở Tiểu Bái để bảo vệ Từ Châu và được ông nhận lời.

Năm 194 thời Hán hiến Đế, Đào Khiêm qua đời. Nhiều người đề cử Lưu Bị nhậm chức Từ Châu mục để tiếp quản Từ Châu, Lưu Bị hồi lâu mới đồng ý. Kể từ đó, Từ Châu trở thành căn cứ đầu tiên của ông.

Đầu hàng Lã Bố

Lã Bố thừa cơ dịp Trương Phi bất hòa với Tào Tháo, liền đem quân tập kích Hạ Bì và toàn thắng. Do chiếm lại Hạ Bì không thành, lại bị Viên Thuật truy kích, Lưu Bị đành phải trở về Từ Châu đầu hàng Lã Bố.

Theo Ngụy thư: các tướng dưới quyền Lã Bố cho Lưu Bị là kẻ phản phúc khó dung nên khuyên Lã Bố sớm trừ đi nhưng Lã Bố không nghe.

Lã Bố đem ý định trừ khử của quần thần kể cho Lưu Bị. Biết được điều này, Lưu Bị vô cùng sợ hãi, vội phái người đến xin Lã Bố đóng quân ở Tiểu Bái và được chấp thuận.

Cầu cứu Tào Tháo

Năm 198, lực lượng của Lưu Bị ở Tiểu Bái ngày càng lớn mạnh. Lã Bố lo sợ nên giảng hòa với Viên Thuật để liên thủ đánh Lưu Bị.

Lưu Bị chống trả không nổi, buộc phải bỏ thành, đem theo gia quyến chạy về phía Tây rồi sai người cầu cứu Tào Tháo.

Tào Tháo cử tướng Hạ Hầu Đôn mang quân cứu họ Lưu. Quân hai bên đụng độ ở Từ Châu. Lã Bố dẫn quân ra đối địch, đánh bại tướng Hạ Hầu Đôn.

Tào Tháo và Lưu Bị thu quân về Hứa Xương. Ông không trả lại Từ Châu cho Lưu Bị mà cử Xa Trụ trấn giữ. Tào Tháo phong Lưu Bị làm Tả tướng quân và giữ ông ở lại Hứa Xương để kiềm chế.

Nương nhờ Viên Thiệu

Năm 200, sau chiến công đánh thắng Viên Thuật, lại thêm vụ trọng án Đổng Thừa, Lưu Bị quyết tâm ra đi và chính thức ly khai Tào Tháo rồi bất ngờ mang quân đánh chiếm Từ Châu, giết Xa Trụ.

Ông bổ nhiệm Quan Vũ làm Thái thú Hạ Bì, Tào Tháo tức giận mang quân đánh gấp Từ Châu.

Lưu Bị không chống trả nổi nên bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu. Theo Ngụy thư, Lưu Bị về với Viên Thiệu được cha con Viên Thiệu hết lòng cung kính, trọng vọng.

Trương Phi trốn về Nhữ Nam còn Quan Vũ không có đường chạy nên đầu hàng Tào Tháo. Gia quyến của Lưu Bị đều rơi vào tay quân Tào. Từ đây, Lưu Bị chính thức gia nhập tập đoàn chính trị hùng mạnh của Viên Thiệu để chống lại Tào Tháo.

Về phe Lưu Biểu

Sau trận Diên Tân, Tào Tháo và Viên Thiệu tạm hưu chiến. Nhận thấy Viên Thiệu không đủ khả năng để chống lại quân Tào, Lưu Bị liền xin được điều quân sang Nhữ Nam nhằm đánh du kích sau lưng quân địch và được Viên Thiệu chấp thuận.

Bấy giờ, Quan Vũ sau khi đã lập công trả ơn cho Tào Tháo liền tìm cách trốn đi để tái ngộ cùng Lưu Bị và Trương Phi ở đất Nhữ Nam.

Tại đây, Lưu Bị liên thủ với một tướng trong khởi nghĩa Hoàng Cân là Cung Đô. Tuy nhiên sau này, họ Cung bị Tào Tháo giết chết tại Nhữ Nam.

Bản thân Lưu bị cũng chống trả không nổi, buộc phải bỏ chạy về Kinh Châu theo Lưu Biểu. Ông được Lưu Biểu cho trấn giữ Tân Dã - một huyện tiền đồn chống quân Tào ở phương Bắc...

Có thể thấy, nửa đời trước của Lưu Bị từng lang bạt khắp nơi, thậm chí còn mấy lần đổi chủ, mỗi lúc lại nương nhờ một thế lực.

Chỉ đến khi đến được Kinh Châu và mời được Gia Cát Lương phò tá, Lưu Bị mới chính thức chấm dứt giai đoạn nay đây mai đó suốt gần nửa đời người của mình. Sau này nhờ kế sách chia ba thiên hạ của Gia Cát Lượng, Lưu Bị mới lập nên được nhà Thục Hán.

Tuy vậy, có không ít người hoài nghi ngờ về năng lực của ông và đặt ra câu hỏi: Liệu Lưu Bị là một "đại anh hùng" biết nhìn thời thế, hay chỉ là một "tắc kè hoa" đổi chủ như thay áo. Chính vì lý do này mà có nhiều ý kiến cho rằng Lưu Bị không đáng mặt anh hùng.

5.6 Qua đời

Khoảng cuối tháng 3 đến cuối tháng 4) năm 223, Gia Cát Lượng tới thành Bạch Đế, ra sức tham mưu việc nội trị và sắp đặt nhân sự mới sau khi hàng loạt tướng lĩnh và quan lại khai nghiệp đã qua đời; đồng thời chuẩn bị kế hoạch để củng cố nước Thục sau này.

Khoảng cuối tháng 5 đến cuối tháng 6) năm 223, bệnh tình của Lưu Bị càng nguy kịch. Ông bèn viết chiếu cho thái tử Lưu Thiện ở Thành Đô, có đưa trước cho Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm xem, với nội dung như sau: " Trẫm mắc bệnh nan y, xem tình hình bệnh không khỏi. Người ta 50 tuổi đã không gọi là chết yểu, nay ta đã hơn 60, chẳng có gì ân hận, bởi thế chẳng lo lắng cho mình, chỉ nghĩ đến tương lai của anh em các ngươi.

Nghe thừa tướng Gia Cát Lượng nói, ngươi có khí chất lớn, tiến bộ rất nhanh, vượt quá mong mỏi của ông cha, nếu như thực sự như thế ta còn phải lo gì, hy vọng ngươi cũng phải nỗ lực, chớ làm một điều ác nhỏ, cũng chớ không làm một điều thiện nhỏ.

Tất cả phải lấy cầu hiền, cầu đức làm trọng, khiến cho thần dân có thể đối với ngươi tâm phục hoàn toàn. Phụ thân của ngươi vẫn bạc đức, không nên học theo.

Hy vọng rằng ngươi chăm đọc nhiều sách, đặc biệt là Hán thư và Lễ ký nhất định phải đọc kỹ, lúc thư thả cần nghiên cứu thêm Lục Thao và Thương Quân Thư, có thể rèn luyện thêm về trí tuệ và chí khí.

Nghe nói thừa tướng Gia Cát Lượng có chỉnh lý các thiên Thân Bất Hại, Hàn Phi Tử, Quản Tử, Lục Thao, rất nên thỉnh giáo ông ta nhiều "

Sau đó ông lại dặn dò Gia Cát Lượng, gửi gắm thái tử còn ít tuổi cho thừa tướng nhờ giúp đỡ. Ông nói với Gia Cát Lượng: Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!

Gia Cát Lượng khóc và một mực từ chối, thề sẽ trung thành tận tâm với Lưu Thiện đến cùng.

Ông gọi Lỗ vương Lưu Vĩnh đến dặn dò các anh em: Sau khi ta qua đời, anh em các ngươi phải coi thừa tướng như cha, ngươi phải cố sức cộng sự với ông ta.

Ông gọi Lý Nghiêm đến, dặn giúp Gia Cát Lượng phò ấu chúa. Cùng ngày, Lưu Bị gọi các cận thần lại, tuyên bố việc gửi ấu chúa Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm làm phó cùng phụ chính.

Giữa tháng 6 (sử ghingày 24 tháng 4 âm lịch)) năm 223, Lưu Bị qua đời tại cung Vĩnh An, thọ 63 tuổi.Ông được truy tôn là Chiêu Liệt hoàng đế. Lưu Thiện lên kế vị, tức là Hán HoàiĐế. Khoảng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10) năm đó, linh cứu của ông được antáng tại Huệ lăng. cùng lúc đó linh cữu Cam phu nhân (Lưu Thiện truy tôn làChiêu Liệt hoàng hậu) vợ ông được đưa từ Nam quận về Thành Đô, hợp táng với ôngtại Huệ Lăng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lichsu