Chương 1 trang 2
Bác Dương, người từng là một bác sĩ danh tiếng tại bệnh viện lớn, giờ đây đã lui về sống an nhàn sau những tháng năm cống hiến. Nhưng dường như ngọn lửa đam mê với nghề y vẫn cháy trong lòng ông. Hay có lẽ là do bà con quanh khu xóm tôi, mỗi lần đau ốm, lại tìm đến bác với niềm tin vững chắc, rằng chỉ cần có bác thì mọi bệnh tật đều được xoa dịu.
Ông là một con người hiền lành, giàu lòng trắc ẩn. Với tấm lòng thương người nghèo, bác chưa từng từ chối bất kỳ ai tìm đến nhờ vả. Vì thế, người trong xóm không ngần ngại bày tỏ sự kính mến, xem bác như chỗ dựa không chỉ về sức khỏe mà cả về tinh thần. Người ta đồn vui rằng:
"Cần gì phải đi bệnh viện lớn,
Ở đây đã có bác Dương,
Mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái."
Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi không chắc mình có kể đúng không, vì dù sao thì tất cả đã là chuyện của ngày xưa. Nhưng cái hôm ấy, khi tôi bước vào phòng khám của bác Dương, tất cả vẫn như hiện lên trong đầu, rõ ràng đến lạ.
Tôi ngồi co ro trên ghế, vừa bối rối, vừa ngượng nghịu, nhìn bác Dương chăm chú xem xét cái chân của mình. Bác chau mày, thở hắt ra một hơi như thể tôi vừa phạm phải một lỗi gì ghê gớm lắm.
- Khổ thân con gái! Cái chân thế này, sau này sẹo thì làm sao đây?
Rồi bác quay sang mẹ tôi, giọng đầy trách nhiệm:
- Tạm thời chị lấy cho cháu cái này. Nó chỉ là một cục xà phòng thôi, dùng rửa mỗi ngày sẽ đỡ. Nhưng quan trọng nhất là đừng có gãi nữa! Càng gãi, nó càng lan, không đùa được đâu.
Tôi cúi đầu, nghe mà chỉ biết vâng dạ. Ngày trước, những chỗ ngứa đó chỉ quanh quẩn ở Phù Khích, Ủy Trung. Vậy mà giờ nó lan rộng, đỏ ửng cả một vùng Ủy Dương, Hợp Dương. Chỗ nào cũng ngứa, rát, rồi tróc cả da khi tôi lỡ tay gãi. Cái đau ấy khó chịu vô cùng, nhưng còn khó chịu hơn là ánh mắt của mọi người khi nhìn thấy tôi.
Một cục xà phòng bé tẹo ấy mà mẹ tôi phải trả ba trăm ngàn. Tôi ngậm ngùi nhìn mẹ lấy ví trả tiền, lòng chùng xuống như có cục đá đè. Thế nhưng, thời gian không cho phép tôi sầu muộn lâu. Buổi tối hôm đó, tôi lại tất bật ngồi soạn bài cho ngày mai.
Ở lớp, tôi thường mặc quần dài, phần nào che được những vết sưng đỏ, phồng rộp trên chân. Nhưng lớp quần không giấu được cái cảm giác ngứa ran âm ỉ, cứ như một trận mưa phùn dai dẳng, nhỏ bé nhưng đủ khiến người ta bứt rứt. Lâu lâu, tôi lại lén đưa tay xuống gãi. Tiếng móng tay cào cào vào da vang lên khe khẽ, đủ để những đứa ngồi gần nghe thấy và liếc nhìn. Tôi ngượng lắm, nhưng chẳng cách nào ngăn được.
Chỉ đến khi tay tôi mỏi nhừ, tôi mới chịu dừng lại, cố gắng giữ lấy chút thể diện của một đứa con gái. Nhưng bên trong, tôi biết mình đang giống như một con mèo bị thương, vừa yếu ớt vừa bất lực, không ngừng cào cấu nỗi đau của chính mình.
Có những thứ trên đời, người ta muốn giấu nhưng giấu không nổi. Vết thương chẳng phải hoa hồng, nó không có hương thơm để người ta ủ kín trong lòng, cũng chẳng phải bóng tối để mãi mãi nằm dưới lớp quần dài. Có những ngày tôi nghĩ mình giấu giỏi lắm, giấu trong lớp học, giấu dưới bàn tay xếp chặt, giấu cả dưới những chiếc quần dài nóng bức.
Tôi ngồi im, giữ dáng vẻ bình thản, như thể mọi chuyện đều nằm ngoài tầm mắt. Nhưng có hai điều trên đời tôi không thể giấu: đôi mắt tinh tường của mẹ và cái nắng oi bức đến rát mặt của xóm chòi Phan Thiết.
- Thời tiết này nóng như đổ lửa, không phải đi học thì con mặc quần đùi cho mát. Mặc quần dài làm gì, vừa bí bách vừa ngứa,mẹ bảo, giọng dứt khoát mà chẳng chờ tôi phản đối. Lời của bà không chỉ là một khuyến nghị, mà là một mệnh lệnh ẩn giấu sự quan tâm.
Thế là, chẳng biết từ lúc nào, những chiếc quần dài của tôi biến mất tăm. Tôi không hỏi, cũng chẳng cần biết lý do. Có lẽ chúng bị đẩy sâu vào góc tủ, cũng có thể mẹ tôi đã đem chúng đi cho ai đó cần hơn.
Phải nói, những gì tôi mặc thường là đồ của mẹ. Không phải nhà tôi thiếu tiền mua đồ, cũng chẳng phải mẹ keo kiệt. Mẹ tôi, nếu có một thứ gì đó dồi dào hơn tình thương, thì đó chính là sự rộng rãi. Nhưng cái rộng rãi ấy không dành cho bản thân mẹ, mà dành hết cho tôi. Mẹ tôi yêu thương tôi vô bờ. Chính vì tình thương ấy, mẹ chấp nhận ánh nhìn kỳ lạ từ những người xung quanh, chỉ để chiều theo sở thích của tôi: được mặc đồ của mẹ.
Với mẹ, chỉ cần tôi vui là được. Với tôi, tủ đồ của mẹ là cả một thế giới diệu kỳ, một shop thời trang độc nhất vô nhị. Nhưng thời gian trôi qua, thị hiếu thay đổi. Những cô gái quanh tôi bắt đầu chạy theo trào lưu mới. Họ đua nhau mua những chiếc áo rộng gấp đôi thân người, thứ mà các bà các mẹ gọi là "lùm xùm" và gán cho chúng tôi cái biệt danh "bà chàm."
Ban đầu, tôi cũng bị cuốn vào cơn sóng ấy. Tôi dành dụm tiền, đặt mua một chiếc áo qua mạng. Nhưng khi nhận hàng, trước mắt tôi là một mảnh vải nhăn nhúm, chẳng khác gì một nùi giẻ. Thất vọng, tôi không nói nên lời, chỉ biết nuốt cay đắng vào lòng. Mẹ nhìn chiếc áo ấy, rồi thở dài:
- Con bé này, đồ gì mà như giẻ lau thế kia?
Tôi cố cười, nhưng lòng như đang co lại. Cảm giác tiếc tiền làm tôi bối rối, nhưng tôi vẫn gắng cải cùn: - Đây là mốt, mẹ ơi! Giới trẻ bây giờ ai cũng mặc thế!"
Mẹ không nói gì, chỉ lắc đầu. Tôi biết mẹ không trách tôi, nhưng ánh mắt ấy cứ khiến tôi thấy tội lỗi. Thế là, sau lần ấy, tôi bỏ luôn ý định đuổi theo mốt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top