Cỗ máy thời gian

1. Thư

Trong hộc tủ bàn tôi, có một bức thư lẳng lặng nằm yên.

Ngoài phong bì nâu nâu có một dòng viết tên tôi, thư không dán tem cũng không đề địa chỉ, hiển nhiên là khi viết xong đã được bỏ thẳng vào hộc bàn tôi. Tôi cầm nó trong tay, nhìn đi nhìn lại mấy lần mới vững bụng rằng đó đích thực là tên mình.

Nhưng mà, ai lại viết thư cho mình cơ chứ?

Giờ đang là tiết học buổi sáng, mọi người đang dõng dạc đọc to bài Anh ngữ theo sự dẫn dắt của một bạn đại diện. Chẳng ai chú ý đến tôi, cái đứa ngồi lọt thỏm ở một góc phòng. Tôi nắm chặt phong thư ấy giữa lòng bàn tay rịn đầy mồ hôi. Liệu đây có phải trò nghịch ác của đứa nào đó không?

Chuông đổi tiết vang lên réo rắt, bà cô có khuôn mặt cú mèo bước lên bục giảng, mọi người lấy sách đại số ra chuẩn bị vào tiết. Tôi cũng líu quýu tay chân giở sách ra, len lén đút thư vào cặp.

Tôi đã trải qua ngày hôm ấy trong tâm trạng bồn chồn khó tả, cả trong giờ trắc nghiệm, tâm trí tôi vẫn đặt hết nơi lá thư ấy. Là ai viết cho tôi? Nhìn nét chữ không giống của con gái, nên chắc hẳn không phải thư tình, thế nhưng có thằng con trai nào lại viết thư gửi con trai? Nét chữ cứng cáp, không giống của tụi học trò mười lăm, mười sáu tuổi đầu viết ra, chẳng lẽ có ông thầy nào viết cho tôi?

Càng nghĩ càng thấy lạ lùng, tôi bắt đầu hoài nghi sự tồn lại của lá thư này, liệu nó có thực không nhỉ? Lặng lẽ mò tay vào cặp, nhanh sao, tôi chạm tới bì thư màu nâu đã thấm ướt nhèm mồ hôi nơi lòng bàn tay tôi.

Cả ngày hôm ấy, tôi thường bất giác sờ vào phong thư trong cặp.

Khó khăn lắm mới chờ được đến giờ tan trường, ăn trưa xong cha mẹ liền đuổi tôi đi ôn bài vở ngay. Lần đầu tiên trong đời, tôi chẳng hề nấn ná mà chạy tót lên lầu, không nán lại bên cái tivi lấy một giây.

Tôi nghe thấy cha khó hiểu nói, “Cái thằng này, bữa nay nó bị làm sao thế không biết?”

Song tôi cũng chẳng quan tâm chi lắm. Đóng cửa phòng, tôi lấy phong thư trong cặp ra, quan sát kỹ tên mình trên bì thư. Nó được viết từ một chiếc bút máy, mực đen, chữ rất đẹp, có nét khoáng đạt của người trưởng thành, nhưng không hiểu vì lẽ gì mà cuối mỗi nét bút đều có chút xiên xẹo, như thể cứ thoáng chút là người viết lại bất chợt rùng mình.

Tôi nín thở, cẩn thận rọc bì thư ra. Bên trong chỉ có một mảnh giấy viết thư mỏng tang. Trang giấy mang một mùi hương thật đặc biệt, rất đỗi quen thuộc, mà chẳng hiểu sao, lại khiến người ta khó chịu. Nhưng chịu, tôi không nhớ nổi đã ngửi thấy mùi hương ấy ở đâu.

Nét chữ trong thư cũng giống với ngoài phong bì, chỉ viết đúng một câu bằng thứ mực đen ấy: “Vĩnh viễn đừng bao giờ tới Bỉ Ngạn.”

Tôi lật lá thư lại xem, mặt sau trắng trơn. Tôi cẩn thận kiểm tra lại bì thư, nhưng bên trong chẳng thấy thứ gì khác.

Chỉ có độc nhất một câu: Vĩnh viễn đừng bao giờ tới Bỉ Ngạn.

Nhưng mà, thế là có ý gì đây?

Tôi gấp thư lại, cất cẩn thận vào ngăn kéo, rồi bắt đầu ôn bài. Dẫu vậy, vẫn quá khó để tập trung tinh lực vào trang sách giáo khoa, khi mà đầu óc tôi cứ xoay quanh ý nghĩa của câu nói đó. Mà hơn thế nữa, ai là người viết cho tôi lá thư này?

Tối đó, tôi thao thức không yên, cứ nghĩ ngược nghĩ xuôi chuyện lá thư ấy. Hôm sau, khi đến lớp, tôi bỗng nhiên phát hiện ra mình đã không còn như trước nữa.

Ngày trước, tôi chỉ ngồi nép mình một góc, nhìn thấy người khác nói cười rồi cảm thấy vừa hâm mộ vừa ganh tị. Còn hôm nay, nhờ lá thư tôi đã có một bí mật chẳng ai biết. Tuy vẫn đang ngồi cùng cả đám bạn nhao nhao trong cái phòng học chật chội, nhưng nhờ có nó tôi có cả một khu vườn bí mật u tĩnh.

Song giờ không phải lúc thả tâm hồn treo ngược cành cây, kì thi chuyển cấp đã ở ngay sát nút, bài vở mỗi ngày đều dồn dập đến nỗi người ta thở không ra hơi, mà thành tích của tôi vẫn chưa đủ tốt, ít nhất thì phải cật sức lắm mới đủ đậu một trường trung học trọng điểm. Mỗi ngày tôi đều đọc sách suốt sáng lẫn tối, giờ ăn trưa cũng ngồi lại lớp giải quyết bằng hai chiếc bánh bao, vừa xơi bánh bao vừa vẽ đường phụ trợ cho môn hình.

Rất nhanh, tôi quên phắt câu chuyện về lá thư.

Tháng sáu rồi cũng đến, thời cấp hai của tôi đã chính thức khép lại. Thành tích thi chuyển cấp của tôi không được tốt lắm, chỉ đủ vào hệ bán công một trường chuyên, cha mẹ mắng tôi một trận té tát, nguôi giận rồi mới dẫn đi đóng học phí bán công. Không có bạn bè nào, tôi ro ró trong nhà một mình, đợi cho qua đi một mùa hè đằng đẵng.

Những năm tháng cấp ba của tôi đã bắt đầu một cách nhanh chóng. Tôi vẫn y hệt hồi cấp hai, vụng ăn vụng nói, khù khờ hướng nội, và đương nhiên, cũng chẳng quen đứa bạn mới nào. Được cái, chuyển cấp rồi thành tích của tôi cuối cùng cũng đã khởi sắc. Mặc cho những kẻ khác ở sau lưng gọi mình là “Đồ mọt sách” hay “Thằng đần”, tôi cũng chẳng để ý chi lắm. Bởi vì thành tích tốt, luôn có người đến hỏi tôi chuyện bài vở, nếu là con gái thì tôi sẽ kiên nhẫn giảng giải, nhưng nhỡ mà gặp phải con trai, tôi thường kết thúc nhanh gọn.

Thế là bắt đầu có lời ong tiếng ve nói tôi làm cao, nói tôi háo sắc. Thế nhưng chỉ có tôi mới biết một điều, mình đang tránh tiếp xúc với người cùng giới. Khi tuổi càng lớn, tôi càng phát hiện ra chỗ khác biệt giữa tôi và bọn họ – va chạm thân thể với người cùng giới tôi sẽ cảm thấy hưng phấn, mà đối với con gái thì tôi chẳng có tí ti dục vọng. Tôi tra cứu rất nhiều sách, cũng ướm hỏi gần xa một vài người, cuối cùng thì tôi vỡ ra: Mình là đồng tính luyến ái.

Tôi cố hết sức che giấu chuyện này, mãi cho đến khi đỗ vào một trường đại học danh tiếng và rời gia đình cũng vẫn thế. Ở trường đại học, tôi vẫn tiếp tục nép mình an phận, thành tích nổi trội, tuân thủ kỷ luật, song mọi người đều cảm thấy tôi là một kẻ sống nội tâm nhạt nhẽo.

Bọn con trai cùng phòng đều thấy tôi quái đản, bọn họ có thế giới riêng của họ, còn tôi thì vẫn độc lai độc vãng. Như thế cũng chẳng có gì tệ hại, khi mà bạn đã quen bầu bạn với sự cô độc thì việc góp mặt của ai khác lại hoá ra một điều không tưởng. Một mình tôi tới nhà ăn, mình tôi đến thư viện, mình tôi tự học, cho dù trở về ký túc xá cũng vẫn chỉ có mình tôi.

Mỗi ký túc xá đều sẽ có những buổi tối lê thê ‘nằm tám’, ký túc xá chỗ tôi cũng không ngoại lệ. Chưa bao giờ tôi dự vào những cuộc buôn chuyện mỗi tối của họ. Nhưng đêm đó, khi họ bàn tán về một quán bar mới mở cạnh trường, tôi đã nhịn không được hỏi một câu:

“Ở đâu thế?”

Cả bọn hết hồn, như thể một hồn ma lấp ló trong đêm đen bất ngờ bật ra nói chuyện với họ. Một cậu người đông bắc nằm giường dưới tôi nhanh nhảu nói: “Sát bên cổng Nam chứ đâu, lần sau cùng đi chung hén?”

Biết cậu ấy nói thế là xuất phát từ thiện chí, nhưng tôi vẫn từ chối. Tôi chẳng tưởng tượng nổi cảnh cùng họ cười nói rộn rã, ngay việc nhìn thẳng vào mắt họ thôi tôi cũng thấy bối rối, căng thẳng rồi.

Tối hôm sau, cũng như mọi ngày tôi đeo cặp bước ra ký túc xá, nhưng lại không đến phòng tự học. Tôi xuôi theo hướng ngược lại đi thẳng một lèo ra cổng Nam. Suốt quãng đường ấy, tôi cứ hồi hộp lo sợ, sợ nhỡ đâu gặp phải bạn cùng lớp thì sao. Kỳ thật đi bar đâu có gì quá kì quái, nhưng tôi đi bar thì biết đâu chừng họ sẽ thấy kì quái. Một kẻ bình thường chẳng quan tâm đến gì ngoài sách vở sao lại nổi hứng đi bar cơ chứ?

Tôi cũng chẳng biết. Những tụ điểm như quán bar, tôi cũng chỉ nhìn thấy trong sách báo và nghe nói đến qua tivi. Có lẽ cái tôi khao khát chính là bầu không khí mung lung mờ ảo của nó, để có thể giải thoát được chút nào đó – dù chỉ chút nào đó thôi – con người bị chôn giấu của mình.

Thế là đủ.

Quán bar đó rất bắt mắt, trên nền bảng hiệu gỗ là dàn đèn nê-ông nổi bật sắc lam, ghép thành hai chữ lớn: Bỉ Ngạn.

2. Gặp gỡ

Đột nhiên tôi có cảm giác cái tên này sao mà quen tai đến lạ, nhất định tôi đã nghe thấy nó ở đâu đó rồi. Tôi đứng trước cửa quán ngẩn ngơ suy nghĩ mấy phút liền, mãi đến khi ở đằng sau có người sốt ruột hỏi tôi có muốn vào hay không, bởi vì tôi đang choán lối người khác.

Tôi đỏ mặt tới tận mang tai, ấp úng nói tiếng xin lỗi, rồi đẩy cửa bước vào quán. Quán bày trí đơn giản hơn hẳn trong tưởng tượng của tôi, mà cũng thanh nhã hơn rất nhiều, quả rất giống quán bar mở cạnh một trường đại học. Hôm nay là cuối tuần, tuy rằng thời gian hãy còn sớm, nhưng trong quán đã có không ít người. Loay hoay nửa ngày trời tôi vẫn không tìm được bàn trống, chỉ có thể lại quầy bar ngồi.

Quầy bar không lớn, chỉ có mỗi tôi ngồi, một bartender mặc áo phông trắng bước tới, hỏi tôi muốn gọi gì.

Tôi bối rối hẳn ra, chỉ biết nhìn anh ta trân trối. Một chuỗi dài từng tên rượu như dòng thác tuôn ào khỏi miệng anh ta, nhưng một loại trong số đấy thôi tôi cũng chưa từng nghe tới. Cuối cùng, tôi ngờ nghệch nói: “Cho tôi một ly chanh thôi.”

Bartender cười, nhanh nhẹn rót cho tôi một ly nước chanh, mặt mũi anh ta sáng sủa thanh thoát, mỉm cười vô cùng dịu dàng.

Quán bar mở nhạc, một ban nhạc mà tôi không biết, nhưng tiếng hát người ca sĩ thì bay bổng du dương. Tất cả mọi người đều đắm chìm trong thế giới riêng của mình, dần dần tôi cũng dịu nỗi căng thẳng và uống sạch veo ly nước chanh trước mặt.

Anh chàng bartender đó lại đến, “Uống chanh ngon không?”

“Ngon.”

“Thật ra nó chỉ là loại nước chanh rẻ bèo, hai đồng một bình ngoài siêu thị đó. Vào đây chỉ được mỗi cái giá là đôn lên gấp năm thôi, chứ chẳng đáng đồng tiền bát gạo đâu. Muốn thử chút cốc-tai ở đây không? Hết ý hơn ở trung tâm thành phố nữa đấy.”

Tôi thành thật nói: “Tôi không sành lắm.”

“Cậu mới đến lần đầu à?”

“Ừ.”

“Thế thì để tôi giới thiệu cậu nhé. Thử Memory quán tôi hén, món tủ của tôi đó.”

“Cũng… được.”

Thoáng cái, một ly rượu đã được đưa tới trước mặt tôi. Chiếc ly xinh xắn bày ra bốn năm thứ màu sắc khác nhau. Tôi dè dặt nhấp một ngụm nhỏ, vị ngọt lịm, chẳng hề giống rượu.

“Thế nào?” Anh ta hưng phấn quan sát nét mặt tôi.

“Ngon tuyệt.”

“Cậu uống tiếp xem.”

Khi tầng thứ nhất bị uống cạn, vị chua đột nhiên dâng lên miệng, mỗi lúc một gắt, sau rốt là chuyển sang vừa chát vừa đắng. Nhìn vẻ mặt xấu hổ của tôi, anh bartender phì cười, đẩy một ly nước lọc ra trước mặt tôi, tôi bắt lấy ực cạn một hơi.

“Rượu – “

“Rượu này tên là Memory, nên nó cũng tựa như hồi ức vậy. Cậu hồi tưởng về quá khứ, thoạt tiên rất ngọt ngào, nhưng mỗi lúc thì lại càng chua xót, sau cùng sẽ rất thống khổ, thống khổ đến mức cậu quên mất mình đang nhớ lại những chuyện vui vẻ. Bởi vì mọi cái đều đã là quá khứ.”

Tôi nửa hiểu nửa không nhìn anh ta, anh khoát tay cười: “Bỏ đi. Dù gì thì chắc cậu cũng chẳng thích uống rượu. Cậu là sinh viên trường này à?”

Tôi đáp phải, thế là anh và tôi luyên thuyên đủ thứ chuyện liên quan đến trường lớp, rồi dần dà, đề tài quay sang bản thân tôi, bọn tôi bắt đầu chuyện phiếm về mình.

Tôi chưa từng nghĩ rằng mình có thể trò chuyện với người khác trôi chảy đến vậy, có thể là nhờ tác dụng của cồn, cũng có thể do bartender trước mặt có một khí chất dễ xoa dịu lòng người, lần đầu tiên tôi chẳng chút băn khoăn bộc lộ hết con người mình. Ban đầu chỉ có anh nói, tôi thỉnh thoảng góp vào một đôi câu. Dần dần, tôi càng nói càng hăng, càng lúc càng thao thao bất tuyệt. Người đối diện chỉ cười, chốc chốc lại ừ lên một hai tiếng cho tôi biết anh đang nghe.

Tôi kể hết mọi thứ về mình cho anh nghe, nỗi ham muốn được giãi tỏ ém sâu đã mười mấy năm vào buổi tối hôm ấy đã bùng phát điên cuồng. Tôi kể về tuổi thơ tôi, cha mẹ tôi, cuộc sống im lìm đơn điệu hết từ cấp hai qua cấp ba của tôi, về biết bao năm tôi khép mình và trầm mặc ít lời… Cuối cùng, đến cả bí mật đã hành tội tôi nhiều năm tôi cũng kể ra mồm. Tôi nói cho anh biết tôi là đồng tính luyến ái.

Anh cũng không tỏ vẻ kinh ngạc chi hết, tựa hồ như anh đang đợi tôi nói tiếp, nhưng tôi thì nôn nóng muốn nghe anh đánh giá – tôi đã luôn muốn nghe lời mọi người đánh giá về mình, cho dẫu lúc nào tôi cũng làm ra vẻ thờ ơ không quan tâm.

Anh nói, “Chuyện đấy thật ra bình thường mà, rất nhiều người cũng là đồng tính, không phải chuyện gì ghê gớm lắm đâu.”

“Tôi không rành mấy, nhưng có rất nhiều người như thế sao?” Cái mà tôi biết là chỉ có mỗi mình tôi, một kẻ đồng tính luyến ái đơn độc bị vây giữa những người dị tính.

“Có chứ, như tôi chẳng hạn,” Giọng anh nhẹ tênh tênh, “Tôi cũng thế.”

Tôi há hốc mồm nhìn anh vài giây, thái độ bình thản như không của anh làm tôi thấy chấn động, nhưng cũng trong khoảnh khắc anh nói ra những lời ấy, tôi đột nhiên có cảm giác được giải thoát – trên thế giới này, không phải chỉ có mình tôi là kẻ lạc loài, mà đồng tính luyến ái cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm lắm – ít nhất thì theo cách nhìn của con người này, nó chẳng hề là chuyện gì ghê gớm lắm.

“Được rồi,” Anh vỗ nhẹ vai tôi, “Sống thoải mái xíu đi, cậu là người rất được mà.”

Tôi cũng không biết tại sao tôi khóc, có lẽ là bởi vì cuối cùng đã tìm được người ‘giống như mình’, hoặc có lẽ vì trút bớt được mặc cảm tội lỗi nặng nề quằn lấy tôi, cũng có khi chỉ vì có người nói cho tôi biết rằng, tôi là một ‘người rất được’.

Nước mắt tôi tí tách rơi xuống quầy bar, mũi cũng phát ra tiếng sụt sịt rõ to. Có người tò mò nhìn sang, tôi rất muốn ghìm xuống, nhưng lại không kiềm chế nổi. Không dằn được, tôi oà khóc như nước vỡ bờ, hẳn nhiên đã làm chàng trai trước mặt sợ. Anh thử khuyên tôi vài câu, tôi lại càng khóc dữ hơn.

Cuối cùng, người nhìn tôi càng lúc càng nhiều, bartender ấy đành phải tới cạnh tôi, kéo tôi đứng dậy, tôi nửa tựa vào anh, lóng ngóng theo anh vào phòng nghỉ sau lưng quầy bar.

Tôi khóc mãi tới khi quán xuống đèn mới từ từ nguôi nước mắt, suốt thời gian đó anh vẫn một mực im lặng, chỉ thỉnh thoảng đưa cho tôi mẩu khăn giấy. Đóng cửa quán, anh đưa tôi ra ngoài, tôi xấu hổ không dám nhìn anh, chỉ nói, “Xin lỗi anh nha.”

“Có gì đâu mà lỗi phải.” Anh cào cào những gợn tóc bồng bềnh. Dưới ánh đèn, tóc anh óng ánh một màu vàng nhìn thật thích mắt.

“Có điều lúc mới nhìn thấy cậu, thực tình tôi cũng chẳng ngờ cậu là người khóc được như thế.”

“Thật ra từ cấp hai trở đi tôi đã không còn khóc nữa… Cũng gần mười năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi khóc.” Tôi càng thêm xấu hổ, cúi gầm mặt.

“Khóc ra được thì tốt rồi, chuyện đáng sợ nhất chính là đè nén mãi trong lòng. Bây giờ khá lên rồi chứ?”

“Tốt hơn nhiều rồi.” Tôi gật đầu, “Cảm ơn anh, quen biết anh… thật là vui.”

“Tôi cũng vậy.”

“Anh không hiểu đâu.” Tôi ngẩng đầu nhìn anh, anh quả là một người rất điển trai, “Quen được anh, tôi thật sự rất vui.”

Đấy là lần đầu tiên tôi có thể trải lòng với một ai đó, cũng là lần đầu tiên tôi nhận được sự đồng cảm, tôi được thừa nhận. Tôi như một kẻ bị đắm tàu, đang vùng vẫy giữa đại dương, qua làn sương mù dày nghịt đột nhiên nhìn thấy bãi bờ – bất kể là đất liền hay chỉ là đảo nhỏ, nó cũng đủ mang đến cho người sắp chết đuối một tia hy vọng.

“Tôi hiểu chứ.” Anh nhìn tôi, nở một nụ cười ấm áp, “Thật sự thì tôi cũng vui như cậu mà.”

Mở đầu bằng 1 ly Memory có phải là một loại điềm báo không?

3. Chạy trốn

Chúng tôi không nói gì thêm, chỉ im lặng đi về phía trước, khi sắp đến cổng Nam anh bỗng dưng hỏi tôi: “Giờ này chắc ký túc xá đã đóng cửa rồi nhỉ?”

“Ờ phải…” Nếu giờ mà về, e rằng tối nay tôi phải còng lưng ngồi thâu đêm trong phòng học mất.

“Vậy làm cách nào cậu về được?”

Tôi vừa định trả lời anh mình sẽ qua đêm ở phòng học, nhưng anh lại hỏi, “Đến chỗ tôi ở tạm một đêm nhé?”

Nét mặt và giọng anh đều rất chân thành, tôi không thể từ chối anh. Tôi lờ mờ hiểu được chuyện gì sẽ xảy đến nếu mình về cùng anh, nhưng tôi vẫn không thể từ chối. Tôi khát vọng được cùng người ta tiếp xúc – loại tiếp xúc nào cũng đều khả dĩ.

Tôi còn tưởng nhà của anh thể nào cũng ở khu tập thể giáo viên cho thuê gần trường học, nhưng anh lại lái một chiếc xe màu bạc sáng bóng từ bãi đỗ của trường ra, bên trong xe thanh nhã mà thoải mái, tôi ngồi khép nép, sợ đụng vào những thứ dễ hỏng.

“Chiếc xe này thế nào?” Anh điều khiển chiếc xe một cách điệu nghệ, nghiêng đầu sang hỏi tôi.

“Rất đẹp.”

“Thật ra nó không phải xe đâu,” Anh ghé lại, thần bí nói khẽ vào tai tôi, “Nó là một cỗ máy thời gian.”

Tôi kinh ngạc nhìn anh, rồi chóng hiểu ra, anh đang nói đùa. Khi anh nói chuyện, một luồng khí phà vào tai tôi, khiến mặt tôi bừng lên một trận nóng ran.

“Cậu xem cái này đi,” Anh chỉ vào cái nút bạc nhỏ xíu cạnh tay lái, “Chỉ cần ấn cái nút này là có thể quay ngược trở về năm 1997.”

“Tại sao lại là năm 1997?”

« Tôi cũng không rõ nữa, » Anh lấy tay sang số, chiếc xe phóng vút trên con đường quốc lộ, « Người bán xe cho tôi đã nói thế đấy. »

« Vậy anh có thử qua chưa ? » Nếu anh coi đó là thật, tôi cũng nên phối hợp, « Anh đã về quá khứ rồi chứ ? »

« Vẫn chưa. »

« Tại sao vậy ? »

« Bởi vì người đó có nói, cái xe này chỉ có thể du hành quá khứ một lần, hơn nữa chỉ có thể ghé lại đúng một giờ đồng hồ thôi. Tôi nghĩ thôi thì cứ giữ đấy, chờ đến lúc có nhu cầu hẵng đi. »

Tôi vừa định đáp lại thì xe đã dừng trước cổng một khu dân cư. Anh bảo tôi đứng đấy chờ một lát, còn anh đưa xe vào ga ra.

Tôi hồi hộp không yên đứng trong bóng tối, nghĩ về chuyện sắp sửa diễn ra. Sẽ có gì phát sinh giữa anh và tôi sao ? Sẽ làm tình sao ? Rồi sau đó thì thế nào ? Sẽ quen nhau ư ?

Cái khả năng đó khiến tim tôi đột ngột thắt lại, nó đem lại cho tôi không phải niềm vui, mà là nỗi sợ, cái sợ của người khốn quẫn cùng cực bỗng nhiên vớ được kho báu khổng lồ.

Tôi mau chóng nhắc nhở bản thân, biết đâu chừng đây chỉ là chuyện tình một đêm bình thường thôi, và ngày mai thôi anh sẽ làm như không biết tôi, chúng tôi sẽ lại là những con người xa lạ.

Tuy nhiên… tôi biết anh ở đâu, chỉ cần tôi đặt chân vào quán bar kia, thì sẽ tìm thấy anh.

Thế nhưng, tôi sẽ đi tìm anh sao ?

Bar Bỉ Ngạn, Bar Bỉ Ngạn, miệng tôi lẩm nhẩm, càng lúc càng thấy mê hoặc. Cái tên này thật sự rất quen tai, tôi nhất định đã nghe qua rồi, nhưng là ở đâu cơ chứ ? Cũng có thể tôi quá đa nghi, từ Bỉ Ngạn ấy đã được dùng tràn lan, tôi có nghe rồi cũng chẳng lạ.

Đêm đã về khuya, phố nhỏ gần như vắng bặt bóng người, một cái hòm thư lẻ loi đứng cùng tôi giữa đêm đen, tôi tựa vào nó, cái hòm thư xanh trống không, lạnh lẽo.

Thời nay, hầu như chẳng còn mấy ai gửi thư nữa. Sao còn phải dựng một cái hòm thư ở đây nhỉ ? Nói ra mới nhớ, hình như nào giờ tôi chưa từng nhận được thư từ chi cả, trừ cái lần –

Rốt cuộc tôi cũng nhớ ra mình đã nghe thấy cái tên Bỉ Ngạn này ở đâu rồi ! Từ chỗ lá thư đó.

Lá thư nói với tôi : Vĩnh viễn đừng bao giờ tới Bỉ Ngạn.

Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi, như thể gió đêm đang thổi theo những ngọn dao băng, trán tôi túa mồ hôi lạnh.

Tôi đã quên hẳn chuyện này từ lâu lắm rồi.

Cái hòm thư ấy vẫn dán chặt lưng tôi, vỏ thép lạnh băng như con quái thú đang phục sẵn phía sau tôi, tôi nhảy giật ra, loạng choạng lùi về sau mấy bước. Chuyện mới đây thôi còn làm tôi thấy hưng phấn bỗng chốc hoá thành một cái bẫy rập, một đầu thòng lọng. Màn đêm tựa con dã thú đang há căng cái mõm rộng hoác của nó, lẳng lặng phục kích, chờ tôi tự chui đầu vào rọ…

Trong ga ra vọng ra những tiếng bước chân. Tiếng vọng giữa thinh vắng làm phóng đại thêm hiệu quả quỷ dị, nỗi sợ hãi nơi đáy lòng hệt như một cơn hồng thuỷ nhận chìm tôi. Trước khi người kia ra khỏi ga ra, tôi xoay người, chạy chí chết trốn khỏi cổng khu dân cư đó.

Co ro ở công viên gần đấy chờ qua một đêm, ngay khi trời vừa hửng sáng tôi bắt vội chuyến xe buýt đầu ngày trở về trường học. Lần đầu tiên kể từ lúc vào đại học, tôi xin nghỉ bệnh nằm rúc trong phòng, thừ người nhìn trần phòng trắng toát.

Lá thư ấy… Tôi đã nhận lá thư ấy thật sao?

Lá thư được tôi đặt trong ngăn kéo bàn học, lúc chuyển nhà đã liệng đi cùng những thứ lặt vặt linh tinh khác. Ngoài ký ức ra, tôi không tìm ra được chứng cứ nào chứng minh mình đã từng nhận được một lá thư như thế.

Rốt cuộc thì ai đã bỏ lá thư này vào hộc tủ bàn tôi? Mà biết đâu tất cả chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi? Lá thư chỉ là trò nghịch ác của ai đấy thôi?

Tôi đang suy nghĩ miên man thì có người nhẹ nhàng gõ cửa phòng. Lắm lúc lại có những cậu cùng phòng trốn học quên mang theo chìa khoá đấy mà. Tôi tốc chăn, lảo đảo leo khỏi giường ra mở cửa.

4. Ám ảnh

Cửa mở, đứng trước mặt tôi không phải cậu bạn cùng phòng nào cả. Bartender tối hôm qua mỉm cười bước vào. Nụ cười ôn hoà, nhưng tôi chỉ cảm thấy kinh hoàng.

Bước chân tôi chệnh choạng, suýt chút nữa thì ngã, anh tiến lại đỡ tôi, điều đó chỉ khiến tôi càng thấy sợ.

“Sao cậu lại đi chân không vậy?” Anh đóng cửa lại, dìu tôi ngồi xuống ghế dựa, “Mang dép vào đi đã.”

Anh cầm dép xỏ vào chân tôi như thể đó là một điều rất đỗi tự nhiên, còn tôi thì co rụt chân lại theo mỗi động tác của anh. Khi đến, trong tay anh có xách theo một túi đồ, lúc này anh mới giở ra, bên trong đầy ắp hoa quả.

“Hôm qua đột nhiên không thấy cậu, tôi nghĩ không chừng cậu có chuyện gì rồi. Bữa nay nghe nói cậu bệnh, bởi vậy tôi tới thăm nè.” Anh lấy một quả quýt đưa tôi.

“Bây giờ cậu thấy thế nào?”

Tôi nhận quả quýt, vỏ quýt lạnh buốt làm tay tôi cũng lạnh theo, “Anh… Làm thế nào anh tìm được tôi?”

“Cậu quên rồi à? Chẳng phải hôm qua cậu có nói tên khoa và chuyên ngành của cậu còn gì. Tôi có bạn ở khoa cậu, hỏi thăm cái là ra ngay.”

Càng lúc tôi càng hối hận cho sự lỗ mãng và khinh suất ngày hôm qua, tôi có cảm giác mình đã làm một chuyện hết phương vãn hồi rồi.

Anh đột ngột đặt tay lên trán tôi, tôi giật mình, anh lập tức thu tay lại.

“Sốt nhẹ rồi nè, cậu nên lên giường nằm nghỉ đi.”

Đầu chếnh choáng, tôi trèo lên giường, suýt trượt chân té ngã, may mà anh tóm được tôi, đỡ hộ sau lưng đến khi tôi leo được vào giường.

Có thể là cơ thể tôi đang phát lạnh, cảm giác được tay anh chạm vào vô cùng ấm áp – thế nhưng, rõ ràng tôi đang sốt kia mà.

“Muốn ăn chút trái cây không?” Anh giơ quả táo lên hỏi tôi.

“Được.” Nếu như anh đến để thăm bệnh, thì tôi dùng xong quà của anh, anh tự khắc phải đi thôi.

“Dao gọt trái cây đâu rồi nhỉ?”

“Cứ rửa đại là được rồi.”

“Đâu thể thế được,” Anh tìm thấy con dao gọt trái cây trên giá sách bừa bộn của chúng tôi, “Vỏ trái cây có thuốc trừ sâu, người ốm không nên ăn.”

Anh kiên nhẫn gọt trái cây, khi cụp mắt xuống nét mặt anh nhìn thật dịu dàng. Tôi nằm trên giường nhìn anh, trong lòng từ từ dâng lên một cảm giác chua xót.

Táo gọt xong, anh định đưa cho tôi, nhưng bất chợt nhớ ra điều gì đấy.

“Cậu đã ăn trưa chưa?”

Tôi lắc đầu một cách vô thức. Đâu chỉ bữa trưa, ngay cả điểm tâm sáng tôi cũng chưa bỏ bụng.

“Đâu thể để bụng rỗng ăn trái cây được. Cậu chờ chút nhé, tôi đi mua tí gì cho cậu ăn.”

Anh giúp tôi ém chăn, khi ra ngoài cũng cẩn thận chèn cửa lại, để tôi sẽ không phải leo xuống mở hộ anh nữa. Một lúc sau, khi anh mang cháo và thức ăn về, tôi đang vùi mặt vào gối lặng lẽ rơi nước mắt.

Người này có một loại năng lực thật đáng sợ, có thể cùng một lúc khiến người ta vừa cảm thấy hạnh phúc, vừa nghẹn khóc.

 Anh kiên nhẫn chờ tôi thôi khóc, giữa lúc ấy vẫn dịu dàng áp tay lên trán tôi. Ngày hôm ấy, anh chờ đến khi bạn cùng phòng tôi trở về mới đi. Tôi đã biết tên anh. An Trạch.

Từ đấy về sau, chúng tôi thường xuyên gặp nhau.

Tôi không thể cự tuyệt anh, như người sắp chết khát không thể cự tuyệt suối mát, kẻ sắp chết đói không thể cự tuyệt cái ăn. Anh là người duy nhất dịu dàng với tôi, hay nói khác đi, là người duy nhất cho tôi cảm giác mình đang sống. Anh là thứ duy nhất kết nối tôi với thế giới này, nếu có một ngày tôi biến mất, cũng chỉ có mình anh sẽ nhớ, rằng có một kẻ là tôi từng tồn tại trên cõi đời này. Chính thế mà tôi không thể cự tuyệt anh.

An Trạch và tôi ở bên nhau, với tôi anh không giống một người yêu, mà giống một thế giới hơn. Chỉ khi đối diện với anh, tôi mới có thể lưu loát nói hết mọi ý nghĩ trong đầu mình, cũng chỉ khi đối diện với anh, tôi mới có thể tìm thấy bình yên và an ổn.

Những ngày kế tiếp, dùng hai chữ là đủ để khái quát: Hạnh phúc.

Có lúc chúng tôi cùng nhau đi ăn, cuối tuần cùng đi chơi xa, anh lái chiếc xe màu bạc chở tôi qua rất nhiều nơi. Chưa khi nào anh nói cho tôi biết chúng tôi sắp sửa đến những đâu, nếu tôi có hỏi, anh nhất định sẽ chỉ vào cái nút bạc, “Đến năm 1997.”

Thế là tôi lại nhớ ra mình đang ngồi trên một cỗ máy thời gian. Chính cỗ máy thời gian này đang đưa chúng tôi từ hạnh phúc bay thẳng đến tận cùng hạnh phúc.

Khi ở bên anh, tôi thích nói chuyện vô cùng, tựa như lúc ở trước mặt người khác, tôi thích trầm mặc vậy. Như thể tôi đã gom nhặt mỗi lời nói của cả đời mình lại chỉ để nói cho anh nghe. Đối với người khác, tôi không tồn tại, chỉ với An Trạch, tôi mới là tôi.

Bất kể tôi nói gì, bao giờ anh cũng im lặng lắng nghe, vẻ chuyên chú như thể anh sống là để nghe tôi nói.

Tuy rằng tôi có biết loáng thoáng, anh không chỉ dịu dàng như thế với mỗi mình tôi.

Khi ở bên nhau, chúng tôi đã làm rất nhiều thứ, chỉ thiếu mỗi chuyện làm tình. Lần đầu khi đến nhà anh tôi đã choáng choàng bỏ chạy, anh tưởng rằng tôi có mâu thuẫn với ***, nhưng anh chẳng hề biết, đó không phải là cái tôi sợ.

Tôi chưa từng kể với anh chuyện về lá thư, nhưng tôi cũng không đến Bỉ Ngạn nữa, chúng tôi luôn gặp nhau ở bên ngoài, khi anh bận việc thì tôi vào giảng đường tự học. Tôi luôn cố gắng quên chuyện lá thư đi. Bởi vậy mà có một lúc, tôi quả thật đã quên.

Anh đối với tôi vô cùng dịu dàng, tôi cũng vô cùng thoả mãn với tình trạng hiện tại, cũng không yêu cầu thứ gì lớn lao hơn. Nhưng có một ngày, anh dùng vẻ mặt nghiêm trang bảo có chuyện muốn nói với tôi, tôi ý thức được quan hệ giữa chúng tôi sắp nảy sinh biến chuyển.

Anh nói, “Anh không muốn lừa em nữa, trong thời gian này anh cũng có tới lui với những người khác, anh đã phát sinh quan hệ với rất nhiều người.”

Tôi nói mình đã biết.

“Nhưng sau này anh sẽ không thế nữa đâu,” Anh ngẩng đầu nhìn tôi, con ngươi ướt nhoè, “Sau này anh chỉ có mình em thôi.”

Anh xin tôi tha thứ cho anh, tôi cũng chỉ có thể tha thứ cho anh thôi, dù gì tôi cũng đâu thật sự trách anh.

Anh ôm ghì tôi, nói những câu lộn xộn rời rạc, chật vật khóc. Đó là lần đầu tiên từ lúc chúng tôi ở bên nhau, anh khóc.

Tôi tựa đầu vào vai anh, hiểu sâu sắc rằng bắt đầu từ giờ phút ấy, rời khỏi anh tôi sẽ chết.

***: Bản gốc nó thế, mọi người tự hiểu nha, tớ biết các bạn thông minh mà ^^

5. Vỡ

Hôm sau, chúng tôi cùng nhau đi picnic. Hai tên con trai cứ như học sinh tiểu học, ấu trĩ chạy loăng quăng khắp miền quê nhỏ, tối đến thì ngủ trên chiếc giường đất của một gia đình nông dân. Nửa đêm không ngủ được, tôi thức dậy ngắm sao, chốc lát sau, anh cũng theo ra, lấy một cái cốc vỗ nhẹ người tôi.

Đêm thu rét căm căm, chỉ ngồi một lúc anh đã lạnh run cả người, tôi mở chăn ra, đắp lên người anh, cả hai cùng thu mình trong cái chăn in hình hoa hồng sến rện, cùng nhau ngắm sao giữa cái lạnh tím tái mặt mày, biết bao là chật vật.

Tuy vậy, bầu trời dát đầy ánh sao quả thực rất đẹp, vẻ đẹp vời vợi khôn cùng làm chúng tôi rung động. Chúng tôi chăm chú nhìn ngân hà lấp lánh, chẳng nói lấy một lời.

Dưới bầu trời sao đó, “Cỗ máy thời gian” màu bạc kia cũng lẳng lặng chớp sáng.

“Anh nói xem, nó có thể quay trở về quá khứ thật không?” Tôi khẽ hỏi.

“Anh không biết,” Anh cười, “Mà dù có thể đi nữa, anh cũng chẳng muốn trở về.”

“Tại sao?”

“Con người luôn muốn trở lại thời điểm họ hạnh phúc nhất.”

“Thời điểm anh hạnh phúc nhất là khi nào?”

An Trạch tựa đầu lên vai tôi, anh nói, “Bây giờ.”

Hôm sau chúng tôi về thành phố. An Trạch thì vô sự, còn tôi cảm nặng vì nhiễm lạnh. Hôm đó nhà trường vốn đang tổ chức cho chúng tôi hiến máu nhân đạo, vì bệnh mà tôi chỉ có thể hoãn lại đến đợt sau.

Để lỡ đợt hiến máu toàn trường đó, tôi sẽ phải chạy rất xa đến hiến máu ở một trạm tận trung tâm thành phố. An Trạch mỗi ngày đều dặn dò tôi uống thuốc đúng cử, sau khi tôi khỏi bệnh anh dùng “Cỗ máy thời gian” chở tôi đến trung tâm hiến máu.

Y tá ở trạm hiến máu hết sức nhiệt tình, An Trạch chẳng dây mơ rễ má gì cũng bị kéo đi đo huyết áp, thế là chúng tôi nằm cạnh bên nhau, khuỷu tay mỗi người đều gắn một mũi kim.

Tôi nhìn huyết dịch của anh từ từ chảy ra, hệt như một dòng sông đỏ, cùng lúc đó, máu tôi tuôn khỏi huyết quản, hai đầu ống dài, nối liền nhịp đập nơi tim chúng tôi.

Tôi bỗng có một loại ảo giác, tựa như sinh mệnh của chúng tôi đã quyện thành một thể, không thể nào tách rời được nữa.

Tôi lại cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết, rời khỏi anh tôi sẽ chết.

Song kết quả cuối cùng không phải thế, anh đi rồi tôi vẫn sống.

Chúng tôi chia tay rất bình lặng. Tôi khác với tất cả những người anh đã từng tiếp xúc qua, nhưng chờ cảm giác thoả mãn như vị chúa cứu thế tôi mang đến cho anh phai nhạt đi, anh liền nhận rõ tôi cũng chỉ là một con người bình thường, yếu đuối, tầm thường.

Anh xin tôi tha thứ, tôi cũng tha thứ cho anh. Tôi có thể trách bất cứ chuyện gì anh đã làm, nhưng không thể trách sao anh không còn yêu tôi nữa.

Con người vĩnh viễn không thể kiểm soát được tình cảm của mình, như tôi dẫu đã tha thứ cho anh nhưng vẫn hận anh mãnh liệt. Anh thôi việc ở quán bar Bỉ Ngạn, tôi thành khách quen ở nơi ấy, thường trừng cặp mắt đỏ ngầu sang chỗ quầy bar, đoạn nốc say như ma men.

Tôi chẳng còn nói chuyện nữa.

Bất kể là ai cũng chẳng thể cạy tôi nói được một chữ, tôi trầm mặc với cả thế giới. Thế giới đối với tôi mà nói, chẳng còn con đường nào để gắn kết nữa, tôi đánh mất ham muốn giao lưu với tất cả mọi thứ. Tôi kiên quyết ngậm miệng, thậm chí từ chối nghe, từ chối nhìn… Tôi bắt đầu bỏ học, cũng không muốn tiếp xúc bất kì ai, tôi ngồi ở quầy bar quán Bỉ Ngạn, tất cả mọi người đều thận trọng giữ khoảng cách với tôi.

Họ cho rằng tôi là một thằng điên, nhưng tôi rõ hơn ai hết, tôi tỉnh táo.

Chẳng qua tôi đã mất hết hứng thú với thế giới này.

Chỉ thế thôi.

Nhà trường đưa tôi đến một phòng mạch tâm lý, bác sĩ chuẩn đoán tôi mắc chứng trầm cảm, có khuynh hướng tự kỉ nghiêm trọng, đề nghị tôi tạm nghỉ học điều trị.

Gia đình giúp tôi làm đơn xin nghỉ học tạm thời, ngày ngày đưa tôi đến khám bác sĩ tâm lý, nhưng tôi cương quyết không hé ra một chữ, kiên định chống lại việc điều trị.

Chẳng qua tôi không muốn nói chuyện, vì trên đời này chẳng còn gì đáng để tôi mở miệng, thế cũng đâu có gì đáng ngạc nhiên, chẳng qua tôi đã mất đi ý nghĩa sống thôi.

Nhưng tôi cũng không cách nào tìm cái chết được, cha mẹ trông nom tôi một bước không rời, tôi chẳng có bất cứ cơ hội nào để chết. Mà thật ra, tôi cũng không định chết, ngay cả chết tôi cũng chẳng có hứng.

Mẹ khóc trước mặt tôi, bà chẳng thể lý giải được chuyện gì đang vận vào tôi.

Họ vĩnh viễn chẳng thể lý giải được.

Cho dù có hiểu ngọn ngành câu chuyện, họ cũng sẽ cho rằng tôi quá lắm là bị thất tình thôi. Nhưng bản thân tôi rõ nhất, chẳng phải tôi mất đi chỉ một người yêu, mà là cầu nối giữa tôi và thế giới này.

Tôi có một loại ỷ lại biến thái vào An Trạch, cũng chỉ có anh mới hiểu được – mà đến anh cũng chỉ hiểu một cách mù mờ rằng, với tôi mà nói anh có ý nghĩa như thế nào.

Vào khoảng thời gian lúc ban đầu, tôi cảm thấy rất thống khổ, thống khổ như bị cắt phăng đầu lưỡi, móc loà cặp mắt, chọc thủng đôi tai. Nhưng rồi sau đó, ngay đến thống khổ cũng chẳng còn, cái gì cũng chẳng còn – chỉ còn một khoảng trống hoác.

Với tôi, thế giới đã thành một cõi minh mông hoang phế, tôi là khối hồn vất vưởng giữa cõi hoang phế đó, không nơi phiêu đãng.

Cha mẹ trông mong tôi khỏi bệnh, song tôi biết, tôi vĩnh viễn không khỏi được.

Để họ bớt đau khổ, tôi bắt đầu thử sinh hoạt như người bình thường, bắt đầu nói chuyện, cha mẹ mừng rỡ như điên, quy ngay đấy là công lao của bác sĩ tâm lý, tôi cũng không phản bác.

Chẳng có điều gì đáng cho tôi phản bác cả, bởi lẽ mọi thứ đều đã cháy rụi thành cát bụi.

6. Ngược dòng

Hai năm sau tôi trở lại trường học, một khoá nhảy thẳng hai lớp, nhờ vậy mà chỉ tốt nghiệp chậm lại một năm. Đúng vào ngày lễ tốt nghiệp, có một cậu đàn em khoa Y tới tìm tôi, nói có người bệnh muốn được gặp mặt tôi một lần.

Trên thế giới này, ngoài cha mẹ ra, chỉ còn một người duy nhất liên quan tới tôi. Thế là tôi lại đến gặp An Trạch, dù tôi suýt nữa chẳng nhận ra anh.

Khắp người anh ghim đầy ống dẫn, làn da chi chít vết lở loét, toàn là lỗ nhỏ rưng rỉ những mủ. Khuôn mặt anh như của một xác chết đã mục rữa, hốc mắt trũng sâu, trên môi đầy những nốt sùi nâu xỉn.

Anh không có tóc, thể trọng chỉ còn chưa đầy bốn mươi ký.

Mặc dù vậy, anh vẫn còn thần trí.

Tôi ngồi túc trực trong phòng bệnh của anh suốt ba ngày liền, anh tỉnh lại hơn mươi lần, lần nào cũng vừa hé miệng ra là lại hôn mê ngay. Lần cuối cùng, ngón tay anh chỉ vào ngăn kéo đầu giường, thế rồi anh không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Anh lại nằm rũ xác bốn ngày nữa mới chết hẳn. Bệnh nhân AIDS thời kì cuối đều khó tránh được màn tra tấn thảm khốc này. Anh không có thân nhân, tôi đem thi thể anh đến nhà hoả táng, rồi lại đem tro cốt rắc xuống cống thoát nước của một sở vệ sinh nào đấy.

Anh không cần núi cao sông rộng, tôi cũng chẳng cần. Chết rồi chẳng phải anh chỉ còn là cát bụi đó thôi, giống như toàn bộ thế giới này, đều tan ra thành cát bụi.

Trong tủ đồ đầu giường anh, tôi chỉ tìm thấy ba món đồ: Một chiếc chìa khoá, một lá thư, một tờ giấy.

Trên lá thư viết tên tôi, nét chữ và cảm xúc trên thư đó đều cho tôi một cảm giác như đã từng quen thuộc. Tôi giở thư ra, trên trang giấy mỏng tang chỉ viết mỗi một câu: “Vĩnh viễn đừng bao giờ đến Bỉ Ngạn.”

Trên tờ giấy cũng chỉ vỏn vẹn, “Cỗ máy thời gian để trong nhà để xe dưới lầu nhà anh, nếu thật sự có thể quay trở về, hãy đưa lá thư này cho em ở quá khứ đi.”

Chiếc xe màu bạc quả thật đang nằm trong ga ra tù mù dưới lòng đất, tôi ngồi vào xe, khởi động máy, cái nút màu bạc nhỏ xíu nằm ngay cạnh góc phải tay lái.

Anh không bảo tôi gửi thư về quá khứ cho anh, là bởi vì đã không còn kịp nữa rồi. Thời điểm năm 1997, anh 20 tuổi, từ trước đó một năm, anh đã bắt đầu hít ma tuý, quan hệ bừa bãi, cho đến lúc anh gặp tôi.

Lần đi hiến máu đó đã khiến anh hiểu rõ mình phải trả một giá quá đắt cho những rồ dại thời quá vãng, anh chia tay tôi vì hy vọng có thể mãi mãi lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tôi.

Nhưng đến lúc thân thể hoàn toàn hư thối, anh vẫn không thể không tìm tôi, nhờ tôi giúp anh làm chuyện này, bởi vì khắp thế giới này ngoài tôi ra, chẳng ai lại tin lời anh.

Tôi nắm chặt lá thư, ấn mạnh cái nút màu bạc kia.

Ga ra biến mất.

Tôi mở cửa xe ra, gió đêm lạnh như cắt lùa qua thân thể tôi, cảnh vật hiện ra chung quanh tôi quá đỗi quen thuộc, cũng khiến tôi cảm thấy xa lạ biết mấy.

Cánh cổng sắt và tường rào không đến nỗi cao lắm, nhưng quá lâu không vận động, tôi phải tốn chút sức lực mới leo vào được. Trường cấp hai này cũng y như hồi tám năm trước, vẫn vắng vẻ hoang tàn thế – mà không, đây chính là tám năm về trước.

Tôi trèo thang cứu hoả đi vào nhà vệ sinh ở lầu hai, lần mò trong bóng tối tìm lại gian phòng học xưa. Vẫn như trong ký ức, ổ khoá cửa sau bị hỏng, chỉ cần đẩy mạnh cửa liền mở ra.

Trong bóng tối, các dãy bàn ghế được xếp dọc ngay ngắn như cừu non đang chờ hiến tế, tôi lập tức đi đến góc bàn cuối dãy, ngồi vào chiếc ghế hơi có vẻ nhỏ bé.

Sớm mai đây, tôi tuổi mười lăm sẽ bước vào lớp học, ngồi vào đúng vị trí này. Đến chừng đó, nó sẽ phát hiện ra trong hộc bàn có một phong thư, mặt trên có viết, “Vĩnh viễn đừng bao giờ tới Bỉ Ngạn.”

Song rất nhanh thôi, nó sẽ quên đi lời này, vào đại học vẫn sẽ đến quán bar có cái tên Bỉ Ngạn, gặp gỡ An Trạch, rồi lại một lần nữa chứng kiến anh ra đi.

An Trạch sẽ bỏ lại nó, cũng vì thế nó sẽ tắt hết mọi ham muốn với thế giới này. Nó thống hận An Trạch, nhưng hoàn toàn không thể ngờ được đến phút cuối An Trạch vẫn luôn yêu nó, vì yêu nó, anh thà để nó chẳng bao giờ gặp anh.

Tôi để lá thư vào ngăn tủ, dán mặt lên mặt bàn. Tôi thời quá khứ vẫn thường làm như thế, ảo tưởng đấy là bàn tay của ai đó đang áp lên mặt tôi.

Thư An Trạch viết chẳng có tí ti nghĩa lý gì, tôi phải sửa lại ngay thôi. Tôi hẳn nên báo cho thằng tôi trong quá khứ biết, không nên đăng ký vào cái trường đại học nơi tôi đã học, không nên đến cái thành phố nơi tôi đã đến, như thế thì tôi vĩnh viễn sẽ chẳng có khả năng gặp An Trạch.

Tôi hẳn nên trịnh trọng cảnh báo cho cái thằng tôi ngày đó, để nó chắc chắn phải đăng ký vào một thành phố khác. Thế là tôi sẽ đến một địa phương khác, học đại học, tốt nghiệp, đi làm, kết hôn – không, sẽ không kết hôn.

Tôi không cách nào yêu con gái, điều này thì có thế nào đi nữa cũng chẳng thay đổi được. Nhưng biết đâu tôi sẽ gặp được một người con trai khác, một người không bị nhiễm HIV?

Người kia sẽ nghe tôi nói tất cả mọi thứ trên đời, người kia sẽ là lẽ sống của tôi, tôi sẽ sống vì anh, anh sẽ sống vì tôi. Tôi, sẽ gặp được một người như thế chăng?

Không, không đâu.

Trừ An Trạch ra, không còn ai khác có thể làm được tất cả những điều đó.

Không còn ai nữa.

Thời gian chậm chạp trôi qua.

Tôi biết, sắp đến lúc phải đi rồi.

Mặt tôi vẫn dán trên mặt bàn. Hồi đó, cái bàn học này đã là khu vườn bí mật của tôi, những lời tôi không thể cất ra khỏi miệng đều được bút chì ghi lại trên ấy, ngay cạnh lá thư này đây, tôi viết: Tôi không muốn cô đơn nữa.

Tôi chậm rãi ngồi xuống, rút mẩu giấy viết thư kia ra, lục trong hộc tủ ra một chiếc bút, xoá sạch câu An Trạch đã viết.

Mượn ánh sáng heo hắt từ ngọn đèn đường ngoài cửa sổ rọi vào, tôi nắn nót từng nét bút một lên trang giấy mỏng manh kia.

Tôi viết rằng: Tương lai cậu sẽ gặp được một người, người ấy yêu cậu lắm, tương lai của cậu rất tươi đẹp, rất hạnh phúc.

────────── Hết ──────────

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: