Có hai ngày quan trọng nhất trong đời bạn
“Có hai ngày quan trọng nhất trong đời bạn. Một là khi bạn được sinh ra. Hai là khi bạn biết được tại sao.”
- Mark Twain
Có bao giờ, bạn chạy xe trên đường, và cảm thấy cuộc đời mình, thật trống rỗng!
Toàn bộ cuộc đời là chuỗi ngày dài của những sự lặp đi, lặp lại, lặp đi, lặp lại, đơn điệu đến phát sợ. Làm, ăn, ngủ, chơi, rồi làm, ăn, ngủ, chơi. Quay vòng. Quay vòng. Quay vòng. Ăn, rồi để làm gì? Học, rồi để làm gì? Làm, rồi để làm gì? Chơi, rồi để làm gì? Háo hức đó, tò mò đó, hí hửng đó, thất vọng đó, hận đó, yêu đó, rồi cuối cùng cũng là nhắm mắt xuôi tay, là nắm xương tàn tan dần trong đất. Mọi thứ là vô nghĩa!
Nhưng, tại sao mẹ tôi, cậu tôi, mợ tôi, anh chị tôi, và tất cả những người tôi quen, lại có thể quay cuồng, quay cuồng, quay cuồng trong một vòng tròn tưởng chừng như không hề dứt, một vòng tròn làm tôi cảm thấy tăm tối và bế tắc.
Bởi vì, lúc đó, tôi chưa được sinh ra. Lần thứ hai.
Lần đầu tiên sinh ra, mẹ cho tôi đôi mắt, cho tôi cái miệng, cho tôi đôi tay, cho tôi cái chân. Mẹ cho tôi chạm vào thế giới.
Lần thứ hai sinh ra, cuộc sống cho tôi suy nghĩ, cho tôi trăn trở, cho tôi trách nhiệm. Cuộc sống cho tôi đứng vào thế giới.
Lần đầu tiên sinh ra, mẹ lo cho tôi tất cả. Lần thứ hai sinh ra, tôi tự lo cho mình tất cả.
Lần đầu tiên sinh ra, tôi vui cái niềm vui thơ dại. Dù cũng vui, no cũng vui, ấm cũng vui.
Lần thứ hai sinh ra, tôi vui cái niềm kì lạ. Mệt mỏi cũng vui, thất vọng cũng vui, đau đớn cũng vui.
Bởi, lần thứ hai sinh ra, tôi biết mình là cái gì trong cái thế giới to lớn này.
Tôi biết con đường này sẽ sạch hơn mỗi khi tôi quét qua. Tôi biết những người công nhân sẽ no bụng bởi những dĩa cơm tôi nấu. Tôi biết hàng chục cậu bé, cô bé đang đợi tôi trên bục giảng. Tôi biết hàng triệu người đang cần lời ca, tiếng hát của tôi. Tôi biết rằng những đứa trẻ đang đợi bữa cơm chiều của cha mẹ nó.
Lần thứ hai sinh ra, tôi biết cuộc đời này cần mình.
Đó là khi cuộc đời này không còn vô nghĩa nữa.
Có bao giờ, bạn cảm thấy, con người ta thật dở hơi
Cha mẹ sinh ra tôi để làm gì? Để khoe với mọi người? Để có thêm chân lao động? Để đợi tôi chăm lo tuổi già? Tất nhiên là không. Vậy mà. Cha mẹ tốn chín tháng mười ngày mang nặng đẻ tôi ra. Cha mẹ tốn hai mươi năm trời cơm áo gạo tiền nuôi ta lớn, cho tôi ăn học. Cha mẹ tốn cả đời lo lắng cho tôi. Để rồi. Tôi đi yêu, tôi đi lo lắng cho một con người khác. Để rồi. Tôi đi vun vén, xây đấp cho cái gia đình bé nhỏ của ta. Để rồi. Tôi tạt qua cha mẹ chỉ vào những ngày lễ, vào những khi trái gió trở trời mà cha mẹ không thể tự lo được.
Chị mang trong mình mầm bệnh ung thư giai đoạn cuối. Vậy mà, hàng ngày, sáu giờ sáng, chị vẫn đánh mình thức dậy, vẫn đôn đáo chăm lo cho www.bcnv.org.vn, vẫn tuyên truyền cho những người mình gặp về căn bệnh chị đang mắc phải.
“Chúng ta không thể ngồi phàn nàn về hệ thống y tế, tâm tài của bác sĩ, mức độ giàu nghèo của bản thân – những thứ đó khó thay đổi và để thay đổi được phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy vậy, BCNV sẽ cung cấp cho người bệnh thông tin, kiến thức để họ có thể tự giúp mình, cứu lấy mình trước khi hệ thống y tế phải can thiệp.”
- Thương Sobey
Chị làm thế để làm gì? Chị sắp ra đi rồi mà!
Cha mẹ tôi thật dở hơi!
Chị thật thật dở hơi!
Tôi thật dở hơi!
Quá nhiều người dở hơi.
Những cái dở hơi ấy làm cha mẹ tôi ngủ sớm hơn, chạy xe chậm lại, chăm chút hiếu thảo, lễ phép với ông bà. Những cái dở hơi ấy làm cho cha mẹ tôi sẵn sàng dấn thân hơn, sẵn sàng phấn đấu hơn, sẵn sàng trưởng thành hơn với công việc đầy khó khăn. Những cái dở hơi ấy làm nhiều lúc hai người chỉ muốn xông vào tẩn nhau thì chợt dừng lại, vì cái dở hơi bé nhỏ đang giương đôi mắt ngơ ngác nhìn cha mẹ chúng.
Những cái dở hơi ấy làm cho chị Thương “gương mặt rạng rỡ, đôi mắt biết cười, cách nói chuyện hài hước,” “làm việc không ngừng nghỉ, chẳng ai nghĩ chị đang mang căn bệnh ung thư đã di căn vào xương và hàng ngày phải chiến đấu với những cơn đau.” Những cái dở hơi ấy làm cho những ngày tháng cuối cùng của chị thật tuyệt đẹp. Những cái dở hơi ấy làm cho chồng chị càng thêm ôm chặt lấy người vợ bệnh tật của mình. Những cái dở hơi ấy làm cho anh trở thành dở hơi cưới một người sắp ra đi về làm vợ.
Và cũng nhờ những cái dở hơi ấy, mà tôi và các bạn có Triết Học Đường Phố, có những bài viết chúng ta đọc, có cái để chia sẻ, có cái để tâm tình, có cái để phét đùi hỉ hả.
Những cái dở hơi kì lạ.
Có bao giờ, bạn muốn sinh ra lần hai không?
Không nhất thiết phải sinh ra lần nữa tôi mới được gọi là sống. Nhưng nếu không được sinh ra lần nữa, thì đó là một cuộc sống không có mặt trời. Một cuộc sống mà tôi không thể hiểu và cảm được những điều kì diệu. Một cuộc sống mà tôi có chơi game hằng đêm, có thăm thú thật nhiều nơi, có ních thật đầy bụng, có sắm sửa đến tận răng, tôi cũng cảm thấy trống rỗng. Một cuộc sống mà tôi chỉ nhìn thấy ai cũng đang chờ chết, ai cũng đang quay vòng trong sự dở hơi ngớ ngẩn của cuộc đời.
Nhiều người bảo rằng, tôi không hoặc chưa có cơ hội sinh ra lần nữa. Tôi phải đợi ra trường, tôi phải đợi có tiền, tôi phải đợi người ta thừa nhận mình. Thật ra, sinh ra lần nữa chỉ là một cách nói bỏng bẩy. Không nhất thiết, tôi phải lấy vợ đẻ con. Không nhất thiết, tôi phải làm thiện nguyện. Cũng không nhất thiết, tôi phải có một năng khiếu gì đó hơn người. Đơn giản để được sinh ra lần nữa, là tôi có muốn hay không!
Khi tôi sinh ra lần nữa, tôi sẽ chẳng còn chăn ấm nệm êm. Tôi sẽ chẳng được bay bổng với những bộ phim mình xem. Tôi sẽ chẳng còn mấy thời gian để bù khú bè bạn. Tôi có thể bị sỉ nhục, bị nói xấu, bị ganh ghét. Tôi có thể phải buồn, phải khóc, phải đau, phải đớn. Chính cái thực tế ấy, dù hàng ngày, hàng giờ người ta có chỉ cho tôi thấy ngoài kia đẹp biết dường nào, tôi cũng sẽ thấy nó là địa ngục không tên.
Còn thật tâm đã quá chán với căn phòng tù túng của mình, nhưng không biết con đường nào là đúng, tôi sẽ lắng nghe cuộc sống của mình. Tôi sẽ bớt bù khú một chút, sẽ đọc thêm vài cuốn sách, sẽ quay lại nhìn cha mẹ tôi đang già đi từng ngày, sẽ bớt ham muốn sân si mình là cái rốn của vũ trụ, sẽ ngừng chạy theo những tình cảm phù du không có hồi kết. Tôi sẽ im lặng và tự hỏi, tôi là ai. Tôi sẽ nhận lấy một lời đề nghị bâng quơ, sẽ dở hơi bớt toan tính thiệt hơn đi một chút, sẽ vị tha hơn với những công kích, hãy làm chỉ với niềm vui. Có thể, mọi thứ sẽ như ngọn gió cuốn, nhưng cũng có thể sẽ như dòng thác đổ, và tôi sẽ òa ra con đường của mình.
Nếu chăng may, con đường mới ấy không thật sự thuộc về tôi. Thì có sao đâu nào! Ngay từ lần đầu tiên sinh ra, mẹ tôi cũng đã bị vài phen sinh hụt buồn cười. Và nếu, con đường thuộc về tôi quá cam go, quá khó khăn. Thì có sao đâu nào! Ngay từ lần đầu tiên sinh ra, tôi và mẹ tôi cũng đã trải qua những nỗi đau thấu trời xanh mà!
Vậy, liệu tôi đã sinh ra lần thứ hai chưa?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top