co gai thong minh
Cô gái thông minh
Ngày xưa có hai anh em, một người thì nghèo, một người thì giàu. Người em nghèo đến cả cái bát ăn cơm, cái vá múc canh, cái chén uống nước cũng chẳng có. Một lần, người anh giàu có đột nhiên đến nhà người em nghèo khổ, đưa cho em một con bò sữa và nói:
- Chú hãy làm việc cho tôi ít nhiều, con bò sữa này sẽ là của chú!
Vì thế, người em nghèo đến làm việc cho người anh. Một thời gian sau, người anh đòi lại con bò:
- Đưa con bò lại cho tôi!
Người em không đồng ý:
- Anh ơi, vì con bò này, em đã làm việc cho anh mà!
- Chú làm cho tôi những gì ? Thật không đáng kể ra ! Thế mà chú hãy xem, đây là con bò như thế nào? Hãy trả lại bò cho tôi ! Hãy trả lại cho tôi!
Người em nghĩ: Không thể mất toi công sức được. Nói gì mình cũng không bằng lòng giao trả con bò. Thế là họ đến gặp một cụ già nhờ phân xử. Nhưng cụ già thì sao ? Cụ cũng không biết phải phân xử ra sao, cuối cùng cụ bèn nói với hai anh em:
- Ai trả lời đúng câu đố của ta thì con bò sẽ thuộc về người đó.
- Xin cụ hãy đưa ra câu đố, thưa cụ !
- Hãy nghe nhé: trên thế giới cái gì béo nhất, cái gì nhanh nhất, và cái gì đáng yêu nhất ? Ngày mai hãy cho ta nghe câu trả lời.
Hai anh em đi về. Trên đường về nhà, người anh giàu có nghĩ: Thực là lời mê sảng hoang đường, đây, thử đoán xem ông cụ đố gì ? Có gì có thể béo hơn con lợn của ông cụ ? Có gì có thể nhanh hơn con chó săn của ông cụ ? Có gì có thể đáng yêu hơn tiền bạc ? Con bò là của ta rồi!
Người em nghèo trở về nhà, nghĩ mãi mà vẫn không đoán ra. Anh có một người con gái tên là Masa, thấy cha mình về nhà với dáng nghĩ ngợi, cô hỏi cha:
- Bố ơi, bố có gì buồn bã thế? Ông cụ đã nói những gì ạ?
- Ông cụ đưa ra những câu đố như thế thật là bảo người ta vắt óc ra suy nghĩ.
- Câu đố gì hả bố?
- Trên thế giới cái gì béo nhất ? Cái gì nhanh nhất ? cái gì đáng yêu nhất?
- Chà, bố ơi ! các câu này dễ thôi mà ! bố cứ yên tâm nói giống lời của con là được.
Ngày hôm sau hai anh em lại đến chỗ ông cụ. Ông cụ hỏi:
- Thế nào, các anh đã đoán ra chưa?
- Chúng tôi đã đoán ra rồi, thưa cụ.
Người anh chạy đến trước, bật ra câu trả lời.
- Thưa cụ, béo nhất là con lợn nhà cụ, nhanh nhất là con chó săn của cụ, đáng yêu nhất là tiền bạc.
- Ấy, ấy, ấy ! nói bậy nào ! Nói bậy nào ! - cụ già kêu lên. - Ôi, đáp án của anh không đúng!
Lúc này người em mới lên tiếng:
- Cụ ơi, là như thế này, không có gì có thể béo hơn mẹ Đất, Người nuôi dưỡng vạn vật trên thế gian, lại đem vạn vật làm thức ăn cho con người.
- Đúng, đúng ! - ông cụ nói. - Thế cái gì nhanh nhất nào?
- Nhanh nhất là ý nghĩ của con người, ý nghĩ của con người có thể theo gió đến bất cứ nơi đâu.
- Đúng là như vậy. Còn cái gì đáng yêu nhất?
- Đáng yêu nhất là giất ngủ say. Bất cứ ai, một khi đã ngủ say đều có thể giũ bỏ tất cả.
- Hoàn toàn đúng! - Cụ già nói. - Con bò là của anh rồi ! Nhưng anh phải nói cho ta biết anh tự mình nghĩ ra hay đã có ai giúp đỡ anh?
- Thưa cụ. - Người em nghèo khổ nói. - Tôi có một đứa con gái tên Masa, chính nó đã bảo cho tôi điều đó.
- Có việc này ư? Ta thông minh như thế, còn cô ta chỉ là cô gái bình thường, thế mà lại đoán được câu đố của ta.
Cụ suy nghĩ và quyết định thử tài cô gái này. Cụ nói với người em:
- Đây là mười quả trứng gà chín, hãy đưa cho con gái anh, bảo cô ấy đem gà mẹ ấp qua một đêm phải nở ra những con gà. Sau đó đem những con gà đó nuôi lớn, rồi con gái anh hãy giết ba con quay chín mang đến cho ta ăn sáng. Sáng mai, trước khi ta ngủ dây, anh hãy mang đến đây. Ta sẽ đợi. Nếu như không làm được thì anh và con gái anh sẽ gặp rắc rối đấy!
Người em trở về nhà và ân hận vô cùng khi đã đến nhờ ông cụ phân xử dùm. Nghĩ tới sáng mai, anh bật khóc. Người con gái thấy, chạy ra hỏi:
- Bố ơi, sao bố lại khóc ? Lời giải đáp của con đã sai sao?
- Không phải. Chúng ta gặp rắc rối rồi con ơi ! Ông cụ đưa cho con mười quả trứng gà chín, con cần phải đem trứng cho gà mẹ ấp ra gà con, yêu cầu sau một đêm gà phải nở, lại phải nuôi lớn rồi giết ba con quay lên làm bữa sáng cho ông cụ.
Cô gái sau một hồi suy nghĩ rồi đem ra một chậu cháo nói:
- Bố ơi, bố hãy đem chậu cháo đến đưa cho ông cụ, bảo với ông cụ rằng ông cụ hãy đào một cái hố, đem chậu cháo trồng xuống đó, cây mạ mọc lên, khi lúa chín rồi hãy gặt lúa về, xát thành hạt gạo, nghiền vỡ ra rồi đem đến cho những con gà nở từ những quả trứng chín này ăn.
Người em nghèo mang chậu cháo chín đưa cho ông cụ già và đem những lời con gái nói với ông cụ.
Ông cụ nhìn đi nhìn lại chậu cháo, rồi đem chậu cháo ra cho con chó nhà mình ăn. Sau đó, ông cụ tìm một rễ cây gai đưa cho người em nghèo và nói:
- Hãy cầm rễ cây gai này đưa cho con gái anh, bảo nó ngâm thật kỹ rồi phơi nắng, đập tơi, đem dệt thành một trăm tấm vải, nếu như không làm được thì lời nói kia khó mà chấp nhận được.
Người em nghèo chạy về nhà, lại khóc. Con gái anh hỏi:
- Chuyện gì nữa vậy bố?
- Con nhìn đây, ông cụ đưa cho con một rễ cây gai, yêu cầu con ngâm vào nước rồi phơi nắng, đập kỹ và phải dệt ra một trăm tấm vải.
Masa suy nghĩ rồi lấy con dao chặt một cành cây nhỏ đưa cho bố nói:
- Bố ơi, hãy đem cành cây này đưa cho ông cụ, xin ông cụ hãy làm khung cửi dùng để dệt rễ gai này.
Người em nghèo cầm cành cây đến gặp ông cụ, đem những lời con gái nói lại với ông cụ. Ông cụ nhìn đi nhìn lại cành cây nhỏ, rồi ném nó đi, trong lòng thầm nghĩ: "Xem ra đây đúng là một cô gái thông minh". Ông cụ rất muốn gặp mặt cô gái, nhưng lại nói với người em nghèo:
- Anh hãy quay trở về nói với con gái anh, bảo cô ấy đến làm khách nhà tôi sáng mai, nhưng phải nhớ là không được đi bộ cũng không đi xe, không đi chân không cũng không đi giày, không cần đem theo lễ vật nhưng không thể thiếu lễ vật. Nếu con gái anh không đến, chắc anh biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Người em nghèo lại trở về nhà trong tâm trạng buồn rầu. Đến nhà, anh đem lời nói của ông cụ nói với con. Nghe xong, sau một hồi suy nghĩ, Masa nói với cha:
- Bố ơi ! chớ có buồn, tất cả đều tốt. Xin bố đem về cho con một con thỏ sống.
Người em nghèo ra đi, đem về một con thỏ sống.
Sáng sớm hôm sau, Masa xỏ một chân vào đôi giầy rách, còn một chân đi không. Sau đó cô lại đem theo một con chim sẻ, tìm một cái xe trượt tuyết buộc vào con dê. Cô giấu con thỏ trong nách áo, con sẻ cầm trên tay, một chân để dưới đất, một chân đặt trên xe trượt tuyết - rõ ràng con dê đi bộ thay cô. Rồi cứ như thế, cô đi đến sân nhà ông già.
Từ xa, ông cụ đã nhìn thấy một cô gái đi đến bèn gọi người hầu bảo:
- Hãy thả hai con chó săn ra.
Hai con chó săn của ông cụ chạy tới chổ cô gái, cô nhanh nhẹn thả con thỏ ra, con chó thấy con thỏ liền bỏ cô gái chạy đuổi theo con thỏ. Lúc này cô gái đã đến trước mặt cụ già, cung kính vái chào ông cụ và nói:
- Thưa cụ, đây là lễ vật cháu biếy cụ. - Nói rồi cô đưa con chim sẻ cho ông cụ.
Ông cụ vừa đưa tay đón lấy thì cô gái buông tay, con chim sẻ lập tức bay vọt từ cửa sổ ra ngoài.
Ngay lúc ấy có hai người nông dân đến kiện nhau. Ông cụ hỏi họ:
- Các anh có việc gì thế?
Một người nói:
- Sự việc là như thế này cụ ạ. Hai chúng tôi cùng ở ngoài đồng qua đêm, sáng sớm thấy con ngựa cái của tôi đã đẻ ra một con ngựa con.
Người kia nói:
- Không đúng, đó là do con ngựa của tôi đã đẻ. Xin cụ hãy sáng suốt phân xử.
Nhớ tới cô gái đang đứng đó, ông cụ bèn bảo cô gái hãy thử phân xử việc này. Đứng nghe hai người nông dân nói này giờ, cô gái cũng đã nghĩ ra một cách nên liền nói:
- Hãy buộc con ngựa con lại, đưa con ngựa mẹ từ trên xe xuống, thả ngựa mẹ ra. Con ngựa mẹ nào chạy về với con ngựa con thì đó chính là con ngựa đã sinh ra con ngựa con.
Ông cụ nghe phải bèn làm theo lời cô gái. Kết quả là có một con ngựa mẹ chạy đến với con ngựa con, còn con ngựa kia thì đứng yên không động đậy.
Ông cụ thấy cô gái thật túc trí đa mưu nên rất nể phục, tiếp đãi rất chu đáo và khi ra về đã thưởng cho cha con cô thật hậu hĩnh.
truyen hay k,yeu nu cua tui?
Vợ chồng người đánh cá
Ngày xưa có hai vợ chồng người đánh cá ở một túp lều cũ kỹ sát ven biển. Hôm nào người chồng cũng đi câu cá suốt ngày. Một hôm bác buông câu ngồi hết giờ này đến giờ khác, nhìn mặt nước trong veo mà chẳng được con cá nào. Thình lình lưỡi câu chìm sâu xuống tận đáy biển. Người ấy giật lên thì được một con cá đìa to. Cá nói:
- Ông đánh cá ơi, tôi van ông, xin ông để tôi sống, tôi không phải là cá đâu, mà là Hoàng tử bị phù phép đấy. Thịt tôi ăn cũng chẳng ngon lành gì. Xin ông thả tôi xuống nước cho tôi bơi đi.
Người câu cá đáp:
- Chú không cần phải nói nhiều. Cá biết nói thì ta sẵn lòng thả cho đi ngay.
Bác thả cá xuống nước, cá lặn xuống tận đáy bể, để lại sau một vệt máu dài. Người câu cá trở về túp lều cũ kỹ. Vợ hỏi:
- Thầy nó ơi, hôm nay không câu được gì ư?
- Không, tôi bắt được một con cá đìa, nhưng nó nói rằng nó là một Hoàng tử bị người ta phù phép nên tôi lại thả nó xuống.
- Thế thầy nó không xin gì ư?
- Không biết xin cái gì!
- Hừ! Cứ ở mãi một túp lều cũ tồi tàn, hôi hám thì khổ quá. Lẽ ra thầy nó xin nó một chiếc nhà gianh nhỏ mới phải. Thầy nó hãy chạy ngay đi gọi cá mà xin lấy một chiếc nhà gianh nhỏ, chắc thế nào cũng được.
- Chà! Quay lại làm quái gì?
- Úi chà! Bắt được nó mà thả nó ra, thì nhất định nó phải cho. Thầy nó cứ đi ngay đi.
Người đánh cá ngần ngại nhưng lại chẳng muốn trái ý vợ. Lúc bác tới bể thì thấy nước đục, vừa xanh, vừa vàng. Bác lại gần mặt nước, gọi:
- Cá đìa yêu quý của tôi ơi, Indêbin vợ tôi nó mong ước một điều.
Cá bơi lên ngay hỏi:
- Điều ước gì đó?
- À, lúc nãy tôi bắt được chú, vợ tôi nó trách tôi sao không xin gì chú. Nay nó không muốn ở túp lều cũ kỹ nữa, nó muốn có nhà gianh.
- Ông cứ về đi, vợ ông có nhà gianh rồi đấy.
Người đánh cá về thì không thấy vợ ở túp lều nữa mà đang ngồi ở ghế dài trước cửa một ngôi nhà gianh xinh xinh. Vợ nắm lấy tay chồng nói:
- Mình vào mà xem, bây giờ hơn trước nhiều rồi đấy chứ!
Hai vợ chồng cùng vào trong nhà thì thấy có phòng đợi, phòng khách, buồng ngủ kê hai giường cho hai vợ chồng. Lại có buồng ăn và nhà bếp đầy đủ nồi niêu xanh chảo bằng đồng bằng thiếc, sáng choang. Sau nhà có một cái sân con, gà vịt chạy tung tăng và một mảnh vườn nhỏ trồng rau và cây ăn quả. Vợ nói:
- Mình xem, thích đấy nhỉ?
- Ừ thích thật đấy, chúng ta ở đây sung sướng lắm rồi.
- Để xem sao đã.
Hai vợ chồng ăn xong đi ngủ. Ở nhà gianh được mươi mười lăm ngày, người vợ nói:
- Này mình ơi, thật ra thì nhà, sân và vườn hẹp quá! Cá có thể cho ta nhà rộng hơn. Tôi thích lâu đài to xây bằng đá kia. Mình đi xin cá nhé.
Chồng nói:
- Chà! Nhà ở thế này là vừa lắm rồi, cần quái gì ở lâu đài.
- Thì mình cứ xin đi, thế nào cá cũng cho.
- Thôi, mình ạ, cá vừa mới cho nhà này, tôi chẳng đi nữa sợ quấy rầy cá.
- Thì cứ đi đi nào, chắc cá sẽ vui lòng cho.
Người đánh cá thấy phiền quá không muốn xin, nghĩ bụng: "Thật quả không biết điều chút nào". Nhưng rồi bác vẫn cứ đi.
Khi đến bờ biển, bác thấy nước màu tím, xanh thẫm, xám, gợn sóng, nước không xanh và vàng như lần trước, nhưng cũng chưa đến nỗi động bể. Bác gọi cá và bảo:
- Cá ơi cá, Indebin vợ tôi nó ước mong một điều.
Cá hiện lên hỏi:
- Điều gì thế bác?
Người đánh cá nói, có ý hơi ngượng:
- Nhà tôi muốn có lâu đài bằng đá.
- Bác cứ về đi, bác gái đang đợi bác ở cửa đấy.
Người đánh cá trở về, tưởng lại thấy nhà gianh như cũ. Nhưng không, nhà gianh đã biến thành một tòa lâu đài bằng đá. Vợ bác đang đứng trên bậc thềm cao, sắp sửa quay gót đi vào. Vợ nắm tay chồng, nói:
- Mình vào với tôi.
Hai vợ chồng cùng vào. Trong lâu đài có phòng đợi rộng thênh thang lát bằng đá cẩm thạch, gia nhân đi lại mở cửa nhộn nhịp. Tường treo rèm rực rỡ. Phòng nào cũng bày bàn ghế bằng vàng, trần có treo đèn pha lê, nền giải thảm. Bàn nào cũng bày la liệt những món ăn ngon cùng rượu quý. Đằng sau lâu đài có sân rộng, chuồng ngựa, chuồng bò và những cỗ xe lộng lẫy, còn có cả một khu vườn lớn trồng đủ thứ hoa thơm cỏ lạ và cây ăn quả. Thêm vào đó
lại có một cánh rừng nhỏ dài nửa dặm, đủ các loài vật như hươu nai, thỏ.
Người vợ hỏi:
- Thế nào, thầy nó, đẹp quá nhỉ!
Chồng nói:
- Đẹp lắm! Giá cứ được như thế này mãi! Bây giờ được ở lâu đài thì mãn nguyện rồi chứ.
Vợ nói:
- Để rồi xem sao. Ta hãy đi ngủ cái đã.
Rồi hai vợ chồng bèn đi ngủ. Hôm sau, vợ tỉnh giấc trước. Trời đã sáng bạch. Nằm trên
giường, bác nhìn thấy phong cảnh ruộng đồng đẹp vô cùng. Chồng vươn vai tỉnh dậy. Vợ lấy khuỷu tay hích chồng bảo:
- Mình ơi, dậy ra cửa sổ mà trông. Ước gì ta được làm vua cả miền này! Mình hãy đi tìm cá, xin cá cho làm vua đi.
- Làm vua làm gì, tôi không thích đâu.
- Nếu thầy nó chẳng muốn làm vua thì mặc thầy nó, tôi làm nữ vương vậy. Thầy nó cứ đi tìm cá xin cho tôi làm nữ vương đi.
- Úi chà! Sao nhà nó lại muốn làm nữ vương? Tôi chẳng dám xin đâu.
- Sao lại không! Thầy nó đi ngay đi, tôi muốn làm nữ vương cơ.
Người chồng thấy vợ muốn làm nữ vương buồn lắm, tự nghĩ: "Như thế thật quả là không được đúng". Bác trù tính không muốn đi, nhưng rồi nể vợ lại đi. Ra đến biển, bác thấy nước xám đen, sôi sục và thối hoăng. Bác gọi cá bảo:
- Cá ơi cá, Indêben vợ tôi nó ước mong một điều.
- Điều gì?
- Trời ơi! Nó muốn làm nữ vương!
- Bác cứ về đi, bác gái thành nữ vương rồi.
Về đến nhà, bác thấy lâu đài đồ sộ, trang hoàng rực rỡ, có lính gác cổng, có quân đánh trống thổi kèn. Vào trong nhà thấy tuyền là đá cẩm thạch và vàng, thảm nhung, rương vàng. Cửa điện rộng mở, tất cả triều đình đều có mặt. Vợ bác ngồi trên ngai vàng, đầu đội mũ miện vàng, tay cầm hốt vàng dát ngọc, mỗi bên có sáu cung nữ sắp hàng đứng hầu, người nọ thấy hơn người kia một đầu. Bác lại gần nói:
- Ai chà! Nhà đã thành nữ vương rồi đó à?
- Phải, bây giờ tôi đã là nữ vương.
Bác đứng ngắm vợ hồi lâu rồi bảo:
- Này, nhà làm nữ vương thì thỏa thích lắm rồi. Bây giờ hẳn chẳng còn gì mong ước nữa nhỉ.
Vợ bứt rứt trả lời:
- Không phải thế đâu, tôi chán ngấy rồi. Thầy nó hãy đi tìm cá, xin cho tôi làm nữ hoàng.
- Chà chà! Sao nhà nó lại muốn làm nữ hoàng?
- Thầy nó cứ nói với cá cho tôi làm nữ hoàng đi.
- Nhà này, tôi không dám xin thế, cá chẳng cho đâu. Làm nữ hoàng trị vì cả một nước lớn. Cá không thể cho nhà làm nữ hoàng được đâu, chắc chắn là không được đâu.
- Hừ! Tôi làm nữ vương, thầy nó chẳng qua chỉ là anh chồng tôi thôi. Nhà có đi ngay không? Nhà đi ngay đi! Cá đã có thể làm cho nữ vương thì cá có thể cho làm nữ hoàng được. Tôi muốn làm nữ hoàng cơ mà. Thầy nó phải đi ngay.
Thế là chồng đành phải đi. Bác vừa đi vừa lo ngay ngáy, nghĩ bụng: "Thật quả là không biết điều. Thật là quá đáng. Cá cũng đến phát chán".
Khi đến bờ biển, bác thấy nước đen ngòm, nổi bọt lên sùng sục, sóng gió ầm ầm. Bác rét run, gọi cá đến bảo:
- Cá ơi cá, Indêben vợ tôi nó ước mong một điều.
- Lại điều gì nữa?
- Trời ơi, nó muốn làm nữ hoàng.
- Bác cứ về đi, bác gái thành nữ hoàng rồi đấy.
Người đánh cá quay gót trở về. Khi tới nhà thì thấy toàn bộ lâu đài làm bằng đá cẩm thạch bóng lộn, lại có cả tượng bằng đá trắng, đồ trang trí bằng vàng. Trước cổng có lính thổi kèn đáng trống. Các bậc công hầu đứng chầu nhộn nhịp bên trong. Họ mở cổng cho bác vào, cửa bằng vàng nguyên chất. Bác thấy vợ ngự trên ngai đúc bằng vàng cao hai thước, đầu đội mũ miện vàng cao hơn ba tấc, nạm ngọc và kim cương, một tay cầm quả cầu tượng trưng ngôi nữ
hoàng. Hai lính ngự lâm sắp thành hai hàng, từ người khổng lồ cao hai trượng đến người lùn xíu vừa bằng ngón tay út. Trước mặt vợ bác, một đám đông vua chúa đứng hầu. Bác tiến vào giữa đám người đó và bảo vợ:
- Này nhà, bây giờ nhà đã là nữ hoàng rồi nhỉ?
- Phải tôi là nữ hoàng rồi.
Bác đứng ngắm vợ hồi lâu rồi nói:
- Này nhà làm nữ hoàng thích lắm nhỉ.
Vợ nói:
- Thầy nó làm gì mà cứ đứng đực ra đấy? Nay tôi đã được làm nữ hoàng rồi, nhưng tôi lại muốn làm Giáo hoàng kia. Thầy nó đi tìm cá đi.
- Chết rồi, nhà đòi thế không được đâu. Khắp thế giới công giáo chỉ có một vị giáo hoàng thôi, cá không làm được việc ấy đâu.
- Tôi muốn làm Giáo hoàng, thầy nó đi ngay đi. Tôi muốn là Giáo Hoàng ngay ngày hôm nay.
- Nhà ạ, tôi chẳng dám xin đâu, không thể được đâu! Như thế quá đáng, cá không thể cho nhà làm Giáo Hoàng đâu.
- Gớm, nói lôi thôi mãi. Cá cho tôi làm nữ hoàng được thì cũng cho tôi làm Giáo Hoàng được chứ! Thầy nó đi ngay đi. Tôi là nữ hoàng còn thầy nó là chồng tôi thôi. Thầy nó có chịu đi hay không thì bảo?
Bác trai sợ phải ra đi, bụng phân vân, người run cầm cập, chân đi lẩy bẩy. Gió thổi ào ào, mây đen phủ kín khiến bầu trời tối xám. Lá cây rào rào, sóng vỗ vào bờ ầm ầm. Đằng xa, những con tàu bị sóng đánh ngả nghiêng phải bắn súng báo động. Giữa trời còn có một điểm xanh. Nhưng chung quanh mây đã kéo kín đặc, báo hiệu một trận bão to. Bác lại gần mặt nước, khiếp sợ nói:
- Cá ơi! Tôi đã hết sức can ngăn mà Indêben vợ tôi nó vẫn ước mong một điều.
- Điều gì thế bác?
- Trời ơi, nó muốn làm Giáo hoàng.
- Bác cứ về đi, bác gái làm Giáo hoàng rồi đấy.
Bác về tới nhà thì thấy một nhà thờ rộng mông mênh, chung quanh san sát những lâu đài. Bác phải rẽ đám đông mới vào được. Ở trong thắp hàng trăm nghìn đèn nến sáng trưng. Vợ bác phủ vàng từ đầu đến chân, ngự trên ngai vàng cao hơn ngai vàng trước nhiều, đầu đội ba cái mũ miện bằng vàng, chung quanh có đông đảo giáo sĩ. Hai bên có hai hàng nến, cây lớn nhất to và cao như ngọn tháp lớn, cây bé nhất chỉ bằng cây đền nhà bếp, các vua chúa thì quỳ xuống hôn giầy bác gái. Bác ngắm vợ rồi nói:
- Thế là nhà trở thành Giáo hoàng rồi nhỉ?
- Phải tôi đã là Giáo Hoàng rồi.
Bác đứng ngẩn ra ngắm vợ y như nhìn mặt trời. Một lát sau bác nói:
- Nhà là Giáo hoàng thì thích lắm nhỉ!
Vợ ngồi im như khúc gỗ, chẳng đáp. Bác lại nói tiếp:
- Nhà này, bây giờ đã được làm Giáo hoàng thì chắc mãn nguyện rồi, không còn gì hơn nữa mà mong.
- Để xem sao đã.
Rồi vợ chồng đi ngủ. Nhưng vợ không sao ngủ được vì lòng tham chưa thỏa cứ nghĩ mãi xem có làm gì hơn được nữa không. Chồng đi cả ngày mệt, ngủ một mạch đến sáng. Còn vợ thì suốt đêm trằn trọc không sao ngủ nhắm mắt, tưởng đến cách làm to hơn nữa mà nghĩ không ra. Trời rạng đông, bác ngồi nhổm dậy trông ra ngoài. Thấy ánh nắng chiếu qua cửa sổ, bác nghĩ " Ước gì mình sai khiến được mặt trời, mặt trăng mọc". Bác bèn lấy khuỷu tay hích vào chồng mà nói:
- Thầy nó ơi, dậy đi tìm cá, bảo cá tôi muốn được y như chúa trời.
Chồng còn đang ngái ngủ nghe vợ nói, giật mình ngã xuống đất. Bác ngỡ là nghe lầm, dụi mắt, hỏi:
- Nhà vừa nói gì thế?
- Thầy nó ạ, nếu tôi không sai được mặt trời mặt trăng mọc, và nếu tôi thấy mặt trời mặt trăng mọc mà không theo lệnh tôi thì tôi không chịu được đâu. Nếu chính tôi không làm cho mặt trời mặt trăng mọc thì tôi sẽ không lúc nào yên đâu.
Vợ nhìn chồng với một con mắt dữ tợn, khiến chồng lạnh toát xương sống và nói:
- Thầy nó đi ngay đi, tôi muốn làm Chúa trời.
Chồng quỳ trước mặt vợ, can:
- Nhà ạ, cá không thể làm việc đó đâu. Cá có thể làm cho nhà làm nữ hoàng, làm Giáo hoàng là cùng. Tôi van nhà, nhà nên biết điều, cứ làm Giáo hoàng thôi.
Bác gái khùng lên, xõa tóc tung ra, xé áo, đạp chồng thét lên:
- Tôi không chịu nổi nữa, thầy nó phải đi ngay đi!
Chồng vội mặc quần áo, chạy ra đi, như người mất trí. Bão ầm ầm, bác đi không vững bước. Nhà cửa cây cối rung động, núi chuyển đá lăn xuống bể. Trời đen tối như mực, sấm vang chớp nhoáng, bể nổi sóng đen kịt và cao như gác chuông nhà thờ, như núi, trắng xóa bọt bể. Bác kêu lên mà cũng không thể nghe thấy tiếng gọi của mình.
- Cá ơi cá, tôi đã ngăn mãi mà Indêben vợ tôi nói cứ ước mong một điều.
- Điều gì?
- Nó muốn làm Chúa trời.
- Bác về đi sẽ thấy bác gái lại ở túp lều như xưa.
Thế là từ đó hai vợ chồng lại cứ túp lều cũ mãi cho đến ngày nay.
Chú bé nghèo dưới nấm mồ
Xưa có một chú bé chăn dê nghèo, bố mẹ đều chết cả, quan trên đưa chú cho một nhà giàu nuôi dạy. Song vợ chồng nhà này rất cay nghiệt. Của cải đã có thừa mà họ vẫn tham lam bủn xỉn. Hễ có ai ăn mất của họ một tí bánh mì là họ đã tức giận rồi. Chú bé phải làm cật lực mà được ăn rất ít mà thường là ăn đòn nhiều hơn.
Một hôm, chủ giao cho chú trông con gà mái và một đàn gà con. Gà mẹ đuổi con lạc qua một bụi tầm xuân. Bỗng một con diều hâu từ trên cao bổ xuống, quặp lấy gà mẹ bay đi mất. Chú bé lấy hết hơi sức gào: "Kẻ cắp! kẻ cắp! Bắt lấy quân kẻ cắp!". Nhưng nào có ích gì. Diều hâu đâu có chịu tha mồi về trả. Chủ nghe tiếng kêu vội chạy ra. Lúc biết là mất gà, hắn ta giận điên lên đánh chú bé tới tấp, đến nỗi mấy ngày sau chú vẫn không nhúc nhích được.
Giờ chú phải trông đàn gà vắng mẹ. Khó khăn càng nhiều hơn vì lũ gà cứ bỏ chạy lung tung. Chú bèn nghĩ ra một cách, chú lấy dây buộc chằng lũ gà lại với nhau. Chú tưởng thế là diều hâu không thể bắt được một con gà nào nữa. Nhưng chú đã lầm to, mấy hôm sau, chú vừa ngủ thiếp đi vì mệt và đói thì con chim độc ác kia lại đến, sà xuống bắt một con gà con. Vì con nọ đã buộc chằng vào con kia nên diều hâu vớ được trọn cả một đàn. Nó tha tít lên ngọn cây
nuốt hết sạch. Vừa khi ấy tên nhà giàu cũng về tới nhà. Thấy tai họa xảy ra, hắn phát khùng, lại đánh chú bé một trận không tiếc tay, đến nỗi chú phải nằm liệt giường mấy ngày liền.
Khi chú đã đi lại được, hắn bảo: "Mày đần độn quá không thể nào trông coi cái gì hết, thôi để sai vặt vậy".
Hắn giao cho chú một làn nho đến biếu viên thẩm phán, kèm theo một bức thư. Giữa đường, vừa đói vừa khát, chịu chẳng nổi, chú bé đánh liều ăn mất hai chùm nho. Lúc chú đem nho đến nhà tên thẩm phán, viên quan này bóc thư ra xem, rồi lại thấy thiếu mất hai chùm nho liền bảo:
- Thiếu mất hai chùm.
Chú bé thật thà thú nhận là giữa đường đói và khát quá chú đã trót ăn mất số nho đó rồi. Viên thẩm phán viết thư cho người nông dân đòi phải nộp đủ số nho như đã viết trong thư.
Lần này chú bé lại phải đem nho với một lá thư khác đi. Và dọc đường, đói khát quá, cực chẳng đã, cũng như lần trước, chú lại ăn mất hai chùm. Song lần này, để giấu bức thư khỏi lộ, chú đã lục làn lấy thư ra, chặn dưới một hòn đá rồi ngồi đè lên trên. Thế mà viên thẩm phán vẫn cứ hỏi chú về số nho bị thiếu. Chú kêu lên: "Trời ơi, sao mà ông biết được! Đến bức thư cũng không thể biết chuyện ấy cơ mà, vì tôi đã chặn một hòn đá lên rồi".
Viên thẩm phán phì cười về sự ngây ngô của chú. Ông ta biên thư cho tên nhà giàu khuyên hắn nên đối xử tốt hơn với chú bé nghèo, phải cho chú ăn uống đầy đủ và dạy cho chú biết phân biệt phải trái. Con người nhẫn tâm nói: "Rồi ta sẽ dậy cho mày phân biệt. Nếu mày muốn ăn thì mày cũng phải chịu làm. Mày làm sai trái, ta sẽ dạy mày bằng roi vọt".
Hôm sau hắn giao cho chú bé một việc khó. Chú phải băm mấy bó rơm làm thức ăn cho ngựa. Hắn đe chú: "Trong năm tiếng nữa, ta trở về, nếu mày vẫn chưa băm xong chỗ rơm này thì ta sẽ đánh cho mày một trận bò lê bò la". Hắn cùng vợ, đầy tớ trai, đầy tớ gái đi phiên chợ hàng năm và chỉ để lại cho chú bé có một mẩu bánh mì con.
Chú bé ngồi trên đống rơm ra sức băm. Được một lúc thấy nóng, chú cởi áo ngoài ra quẳng lên đống rơm. Trong bụng chỉ lo làm không kịp, chú ra sức băm. Giữa lúc hăng hái, chú quên khuấy băm nát cả tấm áo của chú lẫn trong rơm. Đến lúc nhớ ra thì đã muộn rồi, không còn làm thế nào được nữa. Chú kêu lên: "Trời ơi, chết tôi rồi. Con người cay nghiệt kia có bao giờ dọa suông đâu! Hắn về mà thấy mình làm thế này thì hắn sẽ đánh mình chết mất. Thà tự tử trước còn hơn".
Đã có một lần chú bé nghe thấy mụ chủ bảo: "Ở dưới gầm giường có niêu thuốc độc". Sự thật mụ ta chỉ nói để dọa những kẻ tham ăn vì niêu đó đựng mật ong. Chú mới bò vào gầm giường lôi cái niêu ra đánh hết nhẵn. Chú tự bảo: "Không hiểu sao người ta vẫn bảo cái chết là cay
đắng mà mình ăn lại chỉ thấy ngọt. Trách nào mụ chủ cứ muốn được chết".
Chú ngồi lên cái ghế, bình tĩnh đợi chết. Nhưng chú không thấy mình lả đi, trái lại nhờ món ăn rất bổ kia, chú lại cảm thấy mình khỏe ra. Chú tự bảo: "Chắc không phải là thuốc độc. Song mình còn nhớ có lần lão chủ bảo: Trong hòm quần áo có chai thuốc diệt ruồi. Nhất định nó là thuốc độc thật và phải uống thứ thuốc đó mới chết được". Song đó cũng không phải là thuốc diệt ruồi thật mà chính là rượu nho.
Chú lôi cái chai ra tu sạch. Chú bảo: "Thứ thuốc độc này cũng ngọt". Nhưng chỉ một lúc sau rượu bắt đầu ngấm. Chú thấy người ngây ngất lại nghĩ bụng: chắc chết đến nơi rồi. Chú tự nhủ: "Có lẽ mình sắp chết, phải đi ngay ra nghĩa địa tìm sẵn lấy một cái huyệt mới được". Chú bước đi lảo đảo, đến nghĩa địa nằm trong một cái huyệt mới đào. Mỗi lúc, chú thấy mình càng thêm choáng váng.
Gần đó có một quán ăn, trong quán đang có đám cưới. Nghe tiếng nhạc, chú bé cứ ngỡ mình đã lên tới thiên đàng. Sau đó chú lịm đi hoàn toàn. Chú bé không bao giờ tỉnh lại nữa, hơi rượu nóng và sương đêm giá buốt làm chú chết thật. Chú mãi mãi ở lại nơi chú đã nằm xuống.
Tên nhà giàu nghe tin chú bé chết sợ lắm, hắn chỉ lo bị tòa án xét xử. Hắn lo sợ quá ngã xuống đất ngất đi. Mụ vợ khi ấy đang rang lúa mạch dưới bếp vội chạy lên tìm cách chạy chữa cho chồng. Nào ngờ ngọn lửa bốc vào lòng chảo, rồi cháy lan ra khắp nhà. Vài giờ sau chỉ còn lại một đống tro tàn. Những năm cuối cùng của đời họ, cả hai người đều bị lương tâm cắn rứt và sống rất nghèo nàn cực khổ.
Mười hai người thợ săn
Ngày xưa có một vị Hoàng tử yêu vợ chưa cưới tha thiết. Một hôm, chàng đang ngồi bên nàng rất đỗi sung sướng thì nhận được tin cha ốm sắp chết muốn gặp mặt chàng trước khi nhắm mắt. Chàng liền bảo người yêu:
- Anh phải từ biệt em đi ngay. Anh tặng em chiếc nhẫn này làm kỷ niệm. Mai sau anh lên ngôi vua rồi, anh sẽ trở lại đón em.
Chàng lên ngựa ra đi. Khi chàng về gặp vua cha thì vua ốm thập tử nhất sinh sắp chết đến nơi. Vua cha phán:
- Con yêu dấu ạ. Cha muốn nhìn mặt con một lần cuối cùng trước khi chết. Con phải hứa với cha là sau khi cha chết đi, con sẽ lấy vợ theo ý muốn của cha.
Rồi vua cho chàng biết tên một nàng công chúa mà chàng phải lấy làm vợ. Trong lúc choáng váng cả người, Hoàng tử không suy nghĩ gì, chỉ thưa:
- Thưa cha, con sẽ làm theo như ý cha.
Nhà vua, nhắm mắt từ trần. Hoàng tử lên ngôi vua. Hết thời gian tang lễ chàng phải giữ lời
hứa với cha cho đi hỏi nàng công chúa ấy và được nàng nhận lời. Người vợ chưa cưới đầu tiên của chàng được tin đó buồn bao vì bị phụ tình ốm suýt chết. Cha nàng liền hỏi nàng:
- Con yêu dấu, làm sao con buồn rầu thế? Con ước muốn gì, cha cũng cho.
Nàng nghĩ một lúc rồi nói:
- Thưa cha, con mong ước có mười một thiếu nữ từ mặt mũi, hình dáng, vóc người đều giống con y hệt.
Vua cha nói:
- Nếu là điều có thể làm được thì điều ước của con nhất định sẽ thành sự thật.
Vua sai người đi tìm trong khắp nước kỳ cho đến khi được đủ mười một thiếu nữ giống con gái mình y hệt, từ mặt mũi hình dáng, đến khổ người. Khi các thiếu nữ có đến trước công chúa, nàng cho may mười hai bộ quần áo đi săn y hệt nhau, cho mười một cô mặc vào, chính nàng cũng mặc một bộ. Sau đó, nàng từ biệt vua cha, cùng họ lên ngựa đi đến triều đình của người chồng chưa cưới cũ mà nàng đã yêu tha thiết. Nàng đến hỏi xem nhà vua có cần thợ săn và có muốn mượn cả mười hai người không? Vua nhìn nàng nhưng không nhận ra được. Vua thấy họ đẹp quá nên đồng ý mượn cả. Thế là họ thành mười hai người thợ săn của nhà vua.
Nhà vua vốn có một con sư tử. Đó là con vật kỳ lạ biết hết mọi điều bí ẩn. Một buổi tối nó nói với nhà vua:
- Bệ hạ đinh ninh là có mười hai người thợ săn phải không?
Vua bảo:
- Đúng, đó là mười hai người thợ săn.
Sư tử lại nói tiếp:
- Bệ hạ lầm rồi, đó là mười hai thiếu nữ đấy.
Vua đáp:
- Nhất định không đúng. Người làm thế nào chứng minh được việc ấy!
Sư tử đáp:
- Ồ dễ thôi, bệ hạ chỉ việc rải đỗ vào phòng thì biết ngay. Đàn ông bước mạnh nên khi giẫm lên đỗ thì không hạt nào động đậy, nhưng phụ nữ bước thì thoăn thoắt lại hay xoay chân, hạt đỗ sẽ lăn đi.
Vua khen là kế hay, cho rắc hạt đỗ. Nhưng có người hầu nhà vua có lòng tốt đối với những người thợ săn, nghe thấy nói nhà vua nhất định thử họ, liều đi kể cho biết hết và bảo:
- Sư tử nó muốn mách nhà vua rằng các người là gái cả đấy.
Công chúa cảm ơn bác ta rồi bảo các cô thiếu nữ:
- Các em cố sức giẫm mạnh lên các hạt đỗ nhé.
Sáng hôm sau nhà vua truyền mười hai người thợ săn đến phòng có rải hạt đỗ. Các cô thiếu nữ cố giẫm thật mạnh, bước đi của họ khỏe và chắc đến nỗi không một hạt đỗ nào lăn hoặc chuyển động, sau khi họ đi khỏi, nhà vua bảo sư tử:
- Mày đánh lừa tao rồi, chúng đi chắc bước, đó là đàn ông.
Sư tử đáp:
- Vì biết là bị thử thách nên họ đã gắng đi cho chắc bước. Bệ hạ cứ để mười hai chiếc guồng kéo kéo sợi vào phòng, họ sẽ mừng rỡ và xán lại ngay, đàn ông thì không bao giờ thế.
Nhà vua cho là kế hay, bèn sai để guồng kéo sợi vào phòng. Nhưng người hầu vốn thật thà với những người thợ săn, đến nói lộ cho họ biết hết mưu kế. Công chúa bảo riêng mười một thiếu
nữ: "Các em cố nhịn đừng có ngó tới guồng kéo sợi nhé".
Sáng hôm sau vua cho triệu mười hai người thợ săn đến, họ vào phòng không chú ý gì đến guồng sợi. Vua lại bảo sư tử:
- Mày đánh lừa tao. Đúng là đàn ông rồi, vì chúng không nhìn gì đến guồng kéo sợi.
Sư tử đáp:
- Họ biết là bị thử thách nên cố nhịn đấy.
Nhưng vua nhất định không tin sư tử nữa. Ngày nào mười hai người thợ săn cũng theo vua đi săn, càng ngày vua càng yêu quí họ. Một hôm trong khi họ đi săn, thì được tin vợ chưa cưới của nhà vua sắp tới. Người vợ chưa cưới chính thức nghe vậy đau khổ quá. Tim bị nhói lên ngã lăn xuống đất bất tỉnh nhân sự. Vua tưởng là người thợ săn yêu quí của mình bị làm sao vội
chạy lại cứu. Vua lại tháo bao tay ấy thì thấy chiếc nhẫn mình đã tặng cho người vợ chưa cưới thứ nhất. Vua nhìn mặt nhận ra nàng. Lòng vua hồi hộp, vua hôn nàng lúc nàng mở mắt, vua bảo:
- Em là của anh, anh là của em. Thiên hạ không ai thay đổi được điều ấy.
Vua phái sứ giả đến gặp người vợ chưa cưới kia xin nàng quay về nước vì vua đã có vợ rồi. Ai đã tìm thấy chiếc chìa khóa cũ thì không cần đến chiếc mới nữa. Sau đó hôn lễ được cử hành. Sư tử được tha tội, vì quả là nó nói đúng sự thật.
Câu truyện ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người con gái và tình yêu bất diệt. Với tình yêu chân chính, con người luôn tìm được hạnh phúc dài lâu.
Con quỷ nhốt trong lọ
Ngày xưa có một bác tiều phu nghèo khổ. Bác luôn luôn phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Mãi rồi bác cũng dành dụm được ít tiền. Bác bảo con trai: "Con ơi, con là con một, bố muốn dành tiền này để con học hành, bố đã kiếm số tiền này bằng mồ hôi nước mắt. Con hãy học lấy một nghề lương thiện để sau này nuôi dưỡng bố khi bố già yếu, chân tay cứng đờ, không làm ăn gì được nữa, phải ngồi ở xó nhà".
Chàng thanh niên bèn xin vào một trường cấp cao và học hành rất siêng năng. Các thầy dạy khen ngợi hết lời, và anh ta học ở đó một thời gian dài. Sau đó, anh ta đã học qua nhiều trường khác. Nhưng chưa học được hết thì số tiền ít ỏi mà bố dành dụm được đã tiêu tán hết. Anh ta phải trở về nhà.
"Chà! - Ông bố nói - Bố không còn gì để cho con nữa. Ngày nay, đời sống đắt đỏ, bố không thể kiếm thêm được đồng nào ngoài tiền mua bánh mì hàng ngày."
"Thưa bố," người con trả lời, "bố đừng bận tâm đến điều đó làm gì. Con sẽ tự lo lấy."
Khi người bố vào rừng để chặt gỗ kiếm ít tiền, thì con bảo:
- Bố cho con đi cùng, con sẽ giúp bố.
- Đối với con, công việc này quá vất vả quá - bố trả lời - con chưa quen loại công việc nặng nhọc này. Con không đảm đương nổi đâu. Vả lại, bố chỉ có một cái rìu, không có tiền mua cái thứ hai
- Thì bố hãy sang nhà bác hàng xóm, - người con ngắt lời cha - bác sẽ cho bố mượn một cái rìu, cho đến khi nào con kiếm được đủ tiền mua cái mới.
Người bố sang hàng xóm mượn một cái rìu. Sớm tờ mờ hôm sau, hai bố con cùng vào rừng. Anh thanh niên làm việc giúp bố. Anh ta cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái. Khi mặt trời mọc tới đỉnh đầu, người bố bảo:
- Chúng ta hãy nghỉ trưa và ăn một chút. Sau làm sẽ khỏe hơn.
Người con cầm lấy phần bánh và trả lời:
- Bố hãy nghỉ ngơi đi. Còn con, con chưa mệt. Con đi dạo trong rừng một chốc để tìm tổ chim.
- Thằng bé huênh hoang, - người bố càu nhàu - sao mày lại đi dạo, mày sẽ mệt và không giơ nổi cánh tay lên đâu. Hãy nghỉ ngơi ở đây, ngồi đây với tao.
Mặc dầu người bố nói thế, người con vẫn đi vào rừng sâu. Anh ta ăn bánh, tâm hồn vui vẻ, anh nhìn lên các cánh cây để tìm kiếm một cây sồi to lớn, chắc sống đã mấy trăm năm, năm người nắm tay nhau vây vòng quanh thân cây vẫn chưa kín. Anh ta dừng chân, nhìn cây sồi khổng lồ và nghĩ: chắc chắn là có nhiều chim làm tổ ở đây. Bất thình lình, anh nghe phảng phất có tiếng nói khẽ. Anh lắng tai nghe thấy "Cho tôi ra khỏi đây! Cho tôi ra khỏi đây!" Anh nhìn quanh, nhưng không thấy ai cả. Hình như tiếng nói ở dưới đất đưa lên. Anh kêu lên:
- Anh ở đâu?
Tiếng nói trả lời:
- Tôi ở đây, ở dưới này, gần rễ cây sồi. Cho tôi ra với! Cho tôi ra với!
Anh học trò sục sạo mặt đất, quanh gốc cây sồi, tìm kiếm ở các rễ cây. Bất chợt anh nhìn thấy một cái lọ thủy tinh nằm sâu trong một cái hốc nhỏ. Anh cầm lọ soi lên ánh sáng mặt trời. Anh nhìn thấy một vật giống như con nhái, nhảy nhót trong lọ. "Cho tôi ra với! Cho tôi ra với!" con vật không ngừng kêu. Không nghĩ gì đến nguy hiểm, anh học trò mở nút lọ. Lập tức con quỉ chui ra khỏi cái lọ và lớn dần, lớn dần, nhanh đến nỗi một thoáng đã trở thành một người khổng lồ kinh khủng to, bằng nửa cái cây, đứng trước mặt anh.
- Mày có biết mày sẽ được trả công cứu tao thế nào không? -Con quỉ hỏi anh với một giọng dễ sợ.
- Không - anh học trò trả lời và không cảm thấy sợ tý nào.
Con quỉ gầm lên:
- Tao sẽ đập bể đầu mày ra!
- Sao mày không bảo tao lúc nãy, - anh thanh niên nói - mày ở đâu tao sẽ để mày ở đó. Nhưng mày cũng không đập bể được đầu tao đâu. Không phải mày quyết định được một mình!
- Không quyết định được một mình! Không quyết định được một mình! - Con quỉ kêu lên - Mày tưởng thế thôi. Thế mày tưởng là vì tao tốt mà người ta nhốt tao lâu thế à, đồ ngu! Không đâu! Đấy là để trừng phạt tao! Tao là thần Macguya có uy lực. Tao phải bẻ gãy cổ kẻ nào thả tao ra.
- Này! - Anh học trò trả lời - đừng quá vội! Trước hết tao phải biết có phải đúng là mày đã ở trong cái lọ nhỏ kia không và có phải mày là con quỉ thật không. Mày lại chui được vào lọ thì tao mới tin. Sau đó thì mày tha hồ muốn làm gì tao thì làm.
Giọng đầy kiêu ngạo, con quỉ nói:
- Cái đó dễ thôi! - Nó thu nhỏ mình lại, nhỏ bé như lúc trước, nhỏ đến mức có thể lọt qua cái loa nhỏ của miệng lọ, nó lại chui vào lọ. Nó vừa chui vào thì anh học trò vội đậy nút lọ lại và vứt cái lọ xuống dưới rễ cây sồi, đúng chỗ đã tìm thấy nó. Thế là quỉ ta đã bị vào tròng. Anh con trai chuẩn bị đi về chỗ bố ngồi. Nhưng con quỉ kêu la, van nài anh: "Hãy cho tôi ra! Hãy cho tôi ra!"
- Không! - Anh học trò trả lời. - Không có một lần thứ hai đâu!
Khi cuộc sống của ta bị đe dọa, không khi nào ta lại thả kẻ thù ta ra một khi ta đã thoát nạn.
- Nếu anh cho tôi được tự do - con quỉ lại nói - tôi sẽ cho anh của cải để sống suốt đời.
- Không! - anh con trai lại nói - Mày lại đánh lừa tao như lần đầu thôi.
- Xin đừng bỏ lỡ dịp may, - con quỉ nói - tôi sẽ không hại anh đâu, tôi sẽ thưởng cho anh tiền của mà!
Anh học trò nghĩ: "Ta cứ thử xem sao. Có thể nó sẽ giữ lời hứa". Anh mở nút lọ, và cũng như lần trước, con quỉ ra khỏi cái lọ, lớn dần và trở thành khổng lồ.
- Tôi sẽ trả công anh - quỉ nói, nó đưa cho anh một cái khăn nhỏ giống như cuộn băng và nói - Nếu anh sát đầu này vào một vết thương thì vết thương sẽ lành. Nếu anh sát đầu kia vào thép hoặc sắt thì sắt thép sẽ biến thành bạc.
- Để ta thử đã, - anh học trò nói. Anh đến gần một cái cây, dùng rìu chém đứt vỏ cây ra rồi lấy một đầu khăn chà xát vào đó. Chỗ đứt liền ngay. "Đúng là thế!" anh bảo con quỉ "Giờ thì chúng ta có thể chia tay nhau". Con quỉ cảm ơn anh đã cứu thoát nó, anh học trò thì cảm ơn con quỉ về món quà và anh đi gặp bố.
- Mày đi đâu về thế? Người bố hỏi. - Tại sao mày quên cả công việc? Tao đã bảo mày không làm nên trò trống gì đâu
- Xin bố hãy bình tĩnh, con sẽ làm bù.
- Ôi, làm bù ư! - Người bố nổi giận - nói thế mà cũng nghe được!
- Bố hãy nhìn này, con sẽ chặt cây này thật mạnh cho nó đổ.
Anh lấy khăn lau lưỡi rìu và chém thật lực một nhát. Nhưng sắt đã biến thành bạc, lưỡi rìu bị mẻ. Bố nhìn này! Cái rìu bố đưa cho tồi quá, nó đã bị quằn rồi!
Người bố sợ hãi nói:
- Mày làm thế nào vậy! Sẽ phải đền cái rìu thôi. Lấy gì mà đền bây giờ? Đấy là kết quả công việc mày làm đấy!
- Xin bố đừng cáu giận, người con nói, con sẽ chi tiền cái rìu.
- Thằng này láo thật, - người bố kêu lên, - mày lấy gì mà chi nào? Ngoài số tiền tao cho ra, mày chẳng có gì cả. Mày chỉ có cái đầu ngu xuẩn của thằng học trò chẳng biết gì về công việc thợ rừng cả.
Một lúc sau, anh học trò nói:
- Bố ơi, con không làm được nữa. Bố con ta hãy nghỉ thôi!
- Sao lại thế, - người bố đáp. - Thế mày cho là tao mà lại chịu khoanh tay như mày à? Tao phải làm chứ. Còn mày thì có thể về được đấy.
- Thưa bố, con mới đến đây lần đầu tiên, con không tìm được đường về một mình. Bố hãy về với con.
Người bố lúc đó đã nguôi giận, cùng con ra về. Ông bảo con:
- Hãy bán cái rìu hỏng đi. Để xem mày bán được bao nhiêu. Còn thiếu bao nhiêu thì tao phải bù vào trả bác hàng xóm.
Người con mang lưỡi rìu đến cửa hàng vàng bạc ở đô thị. Ông chủ cân lưỡi rìu rồi nói:
- Lưỡi rìu này giá bốn trăm đồng. Nhưng tôi không có đủ tiền mặt.
- Có bao nhiêu thì ông đưa tôi, chỗ còn lại ông trả tôi sau. - Anh thanh niên trả lời. Ông chủ hiệu vàng bạc đưa trả anh ba trăm đồng và hẹn sẽ trả một trăm đồng nợ sau.
Anh học trò về nhà nói:
- Bố ơi, tiền đây. Bố hãy chạy sang bác hàng xóm hỏi xem bác bắt đền cái rìu bao nhiêu tiền.
- Tao biết rồi, - người bố nói: một đồng và sáu xu!
- Vậy thì bố hãy trả bác ấy hai đồng một hào hai. Trả gấp đôi thế là được quá rồi. Bố nhìn này, con có tiền thừa thãi. - Anh đưa cho bố một trăm đồng và nói: - Bố sẽ không bao giờ thiếu tiền nữa! Bố cứ sống thoải mái đi!
- Trời ơi! Người bố kêu lên: làm thế nào mà mày có nhiều tiền thế?
Anh học trò đã kể cho bố nghe sự việc đã xảy ra làm sao, nhờ gặp may mà anh được giàu có. Với số tiền còn lại, anh trở lại trường và tiếp tục học. Anh dùng cái khăn chữa được mọi vết thương, và trở thành thầy thuốc lừng danh thiên hạ.
Câu chuyện đã mượn thế lực quỷ thần để nói lên sự thông minh và nhanh trí của con người. Con người luôn luôn chiến thắng mọi thế lực cho dù đó là quỷ - một nhân vật huyền thoại có sức mạnh siêu nhiên.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top