Gia đình thân yêu của tôi
1. Hai điện tích điểm trái dấu
Tần nữ sĩ và lão Hồ là hai loại điện tích trái dấu, và như định luật Culomb đã nêu mà chúng ta học ra rã ở những tiết Vật lý, họ "hút nhau".
Bố mẹ tôi sở hữu tính cách khác biệt hoàn toàn, từ lúc mới yêu đương cho đến khi có tôi, họ có thể đếm ra mấy trăm vạn điều không hài lòng ở đối phương, nào là quá cách điệu, quá đơn giản, nào là em đừng đòi hỏi nhiều thế, anh cũng hãy biết phấn đấu hơn, nào là con gái phải nỗ lực học tập, con gái còn nhỏ hãy để nó chơi thêm ít bữa. Kết quả của việc này là họ đã thắng cả định luật tự nhiên, hôn nhân của bố mẹ tôi tan rã vào năm tôi tròn chín tuổi.
Tần nữ sĩ quyết tâm dắt đứa con gái duy nhất, rời khỏi người chồng cũ mà bà cho là thiếu ý chí, mua nhà riêng, tập trung cho công việc kinh doanh. Ba năm sau, bà dắt theo tôi, đi trên thảm đỏ, tiến đến người đàn ông thứ hai của đời bà. Một năm sau nữa, bà mang về cho tôi một đứa bé đỏ hỏn, bảo tôi gọi nó là "em trai".
Cuộc đời của mẹ tôi dường như luôn được sắp xếp gọn gàng, mọi việc đều nhanh chóng, quyết liệt, suông sẻ xảy đến. Điều bà không hài lòng, bà nhất định sẽ sửa, sửa không được, bà sẽ chấp nhận hoặc từ bỏ. Em trai tôi là trường hợp bà đành chấp nhận. Còn bố tôi, người yêu đầu và người chồng đầu, là người bà từ bỏ.
Một người như thế nào mới coi là trái ngược với Tần nữ sĩ? Tôi cá với bạn từ dì cho đến bà ngoại tôi đều sẽ trả lời: "Lão Hồ!".
Bố tôi là giáo sư tại viện kinh tế của đại học Nam Thành, ông là người đam mê nghiên cứu hơn thực hành, tôi từng thấy bố ngồi lỳ trong thư phòng một ngày một đêm để đọc cái gì đó. Ông sẽ là người dắt tôi trốn tiết học đàn nhàm chán để đi công viên giải trí. Ông sẽ là người nhẹ nhàng dỗ dành tôi sau khi bị mẹ mắng. Bố nắm lấy tay tôi mỗi khi lạc lối. Bố tôi là người bố rất tốt, với tôi luôn là thế!
Nhưng với mẹ, bố là người chồng tồi.
Lão Hồ, khi con gái lên Tiểu học, ông đã được chuyển lên giáo sư chính thức cho khoa Kinh tế, và sau đó...không có sau đó. Ông tiếp tục chăm chỉ làm công việc giảng dạy của mình. Như đã nói, lão Hồ là một người rất trầm ổn, ông yêu thích nghiên cứu hơn là lao mình vào những cuộc họp thường niên, ông thích đọc luận văn của sinh viên hơn phải chăm chăm nhìn sổ tiết kiệm. Lão Hồ không phải kiểu người tham vọng, ông an phận và hài lòng. Có lẽ, chính thái độ an phận đó vào lúc gia đình đang phải chen chúc ở chung với nhà nội, hơn bảy người (bao gồm chúng tôi), đã khiến mẹ thất vọng.
Họ cãi nhau đến hai giờ sáng khi tưởng tôi đã ngủ, những trận cãi vã kéo dài từ khi tôi học lớp Ba đến tận khi họ ly hôn.
Tôi không rõ hai người đã bắt đầu tình yêu thế nào. Mẹ tôi rất ít khi nhắc lại chuyện cũ, bố tôi quá trầm tính để tâm sự những việc này. Tôi tin là họ đã thật lòng yêu nhau, nhưng con người không chỉ sống với tình yêu cả đời, hôn nhân của họ đã bị chí hướng khác nhau bào mòn.
Tần nữ sĩ tái hôn và hạnh phúc với gia đình mới, bà cười nhiều hơn, đó là chứng minh rõ ràng nhất. Lão Hồ đến giờ vẫn là giáo sư Hồ đáng kính, tôi có vài bạn học cao trung đã là học trò của bố khi lên đại học, họ nói lão Hồ là một giáo viên tốt, rất vui tính.
Đúng, hai loại điện tích trái dấu thì hút nhau, nhưng bố mẹ tôi không phải nam châm, họ gặp gỡ giữa thế gian xa lạ, ở bên nhau và rồi chia xa. Điều mà chả ai (và sẽ không ai) nêu định luật được.
2. Lựa chọn đầu tiên
Cả thế giới đều biết, trà và cà phê là hai thức uống phổ biến nhất trừ nước lọc. Cá nhân tôi, yêu thích cả hai loại.
Giống như việc tôi thương cả bố lẫn mẹ!
Bạn có bao giờ bị người lớn hỏi: "Con yêu bố hay mẹ hơn?", một câu hỏi kỳ lạ, làm sao ta có thể chọn trong khi hai người này đều quan trọng nhất cuộc đời bạn.
Vậy mà, năm chín tuổi, cô bé Hồ Hàm đã phải đưa ra lựa chọn ấy.
"Con muốn sống cùng ai?" Chúng ta vẫn ở chung chứ? Tại sao lại hỏi con như vậy?
Từ khi còn là đứa trẻ, tôi đã phải đưa ra một quyết định quan trọng trong đời. Hai con người tôi tin tưởng, bây giờ, lại ép tôi làm điều mình không thích nhất. Hai người từng nắm hai bên tay tôi ở công viên giải trí, lại nhìn chằm chằm vào gương mặt ngây dại, đợi chờ tôi nói gì đó. Tôi cảm thấy mình bị phản bội.
Tôi rất sợ.
Thời điểm ấy, người duy nhất tôi biết có ba mẹ ly hôn là bạn học Lý cùng lớp. Cô bạn đã từng bị ba đến 'bắt' tại trường vì ba mẹ đang tranh giành quyền nuôi con. Dĩ nhiên, họ đã không bàn bạc ổn thỏa. Chiều hôm đấy, bạn học Lý được cô giáo dắt trốn ở phòng giáo vụ tránh để ba tìm thấy. Ba Lý nhào vào lớp học chúng tôi, tức giận đập lên bảng vài phát thì bị bảo vệ đến mời đi.
Hiểu biết chả mấy tốt đẹp gì về hai chữ "ly hôn" khiến tôi xấu hổ, buồn tủi, thậm chí, trách giận bố mẹ mình.
Tôi bắt đầu nháo khóc mỗi khi nghe mẹ hỏi đến ý định ở với ai. Làm vài lần, tôi thành công đình trệ quá trình ly hôn trước tòa của họ hơn một tháng.
Một ngày nào đó, tôi không còn rõ nó ra sao, chỉ nhớ, bố dắt tôi đến công viên giải trí cả nhà hay đi.
Ông nắm tay tôi rất chặt, mua cho tôi kẹo bông, tôi muốn chơi trò gì ông đều chiều theo cả.
Thỏa thích chơi ba lần xe điện đụng, tôi vã mồ hôi chạy đến bên bố, ông đưa tôi ly nước màu đỏ vị dâu tây uống dở. Hình như, đó là lần cuối bố con tôi đến công viên cùng nhau.
Đến khi ra về, bố đã quỳ xuống ngang với chiều cao tôi, ông nhìn thẳng vào đôi mắt ngờ vực của con gái, "Hàm Hàm à, lần sau khi mẹ hỏi con muốn sống cùng bố hay mẹ, con hãy trả lời là 'Mẹ' nha... Có thể con sợ mẹ hay la mắng, nhưng mẹ con nấu ăn ngon nhất trên đời đó. Nếu mẹ cứ ép con đi học bài, hãy nói với mẹ, 'Cho con chơi thêm 10 phút thôi ạ'..."
Thế là, tháng Bảy năm ấy, tôi đã chuyển đến nhà mới, giấc mơ bấy lâu của cả gia đình. Chỉ là, bố không đi cùng.
Cuộc sống tôi bắt đầu thay đổi, tôi đã không thể quay trở lại làm đứa trẻ khóc nháo như ngày xưa, tôi biết từ bây giờ, mình sẽ không gặp bố mẹ dễ dàng như những bạn khác. Bố mẹ tôi, ly hôn rồi!
Tan học, tôi đứng đợi mẹ đón, dạo này bà rất bận nên hay đến trễ. Bạn học Lý cũng đang ngồi một chỗ, táy máy cái kẹp tóc. "Tiểu Linh", có người gọi tên bạn Lý, bạn ấy cầm chắc kẹp tóc, chạy ngay ra cổng trường.
Tôi nhìn theo...hình như là ba Lý.
Có lẽ, họ đã dàn xếp xong quyền nuôi con, mẹ Tiểu Linh sẽ nuôi bé và ba Lý có trách nhiệm chu cấp cũng như được thăm bé mỗi tuần.
Bạn học Lý hình như vẫn vui vẻ. Tôi nghĩ, mình cũng rất vui, cuối tuần này tôi sẽ đi gặp bố.
Bố con tôi không cùng đi chơi công viên giải trí nữa vì tôi bắt đầu có sở thích mới, người lớn hơn, đọc truyện tranh. Bố sẽ dắt tôi đến tiệm sách, tôi có thể ngồi lì trong tiệm đọc ké, còn bố sẽ đi dạo xung quanh, lựa mua một quyển sách hàn lâm nào đó.
Càng lớn, tôi lại càng không thích ra ngoài chơi, hoạt động chủ yếu bố con tôi làm cùng nhau sẽ là đọc sách, không thì cùng dọn dẹp nhà cửa, đôi khi đi câu cá cùng ông.
Tôi thích uống cả trà và cà phê, cà phê buổi sáng, trà trước khi ngủ.
Như cách tôi yêu bố mẹ mình, với mẹ là đứa con mẫu mực, với bố là người bạn tâm giao.
Khi trưởng thành, ta mới nhận ra có vô vàn lựa chọn buộc phải đưa ra, nó thường là kiểu 'một mất một còn'. Bạn muốn mua căn hộ này thì phải nhịn mua túi hàng hiệu. Bạn muốn tập trung cho sự nghiệp vậy thì bớt thời gian đi chơi lại. Bạn muốn cái này vậy bỏ bớt cái kia đi!
Năm chín tuổi kia, tôi đã học được cách đưa ra quyết định quan trọng trong đời, chỉ có điều, lựa chọn ấy tôi không mất ai cả.
3. "Mau ăn xong đi!"
Chúng tôi hẹn đi ăn cùng bố mẹ.
Lão Viên quay về Nam Thành để kiểm tra hoạt động kinh doanh của nhà hàng, tôi lẽo đẽo đi theo để chơi, dẫu sao văn phòng chúng tôi vừa xong dự án lớn, nhân viên có thể nghỉ ngơi vài ngày.
Lúc chuẩn bị rời khách sạn đến nhà hàng, lão Viên, tay đang giúp tôi xách túi, đột nhiên khều vai: "Để xem hôm nay Tần nữ sĩ PK lão Hồ, ai thắng nhé? Anh đặt 50 tệ vào mẹ vợ." Nói xong, anh tự cười hô hô.
Lão Viên nói thế vì mỗi lần bố mẹ tôi gặp mặt, sau khi ly hôn, thì vẫn luôn xuất hiện những làn đạn trong cuộc nói chuyện của họ. Đặc biệt từ mẹ tôi, lời nói của bà chứa toàn đạn M43, một tiễn xuyên tim.
Lão Hồ và Tần nữ sĩ tuyệt đối không to tiếng với nhau nhưng họ rất giỏi móc khóe, chọc tức đối phương.
Hệt như lúc này, tôi đang ngồi cạnh mẹ, lão Viên và bố ngồi đối diện. Tôi cố ý xếp Tần nữ sĩ đối mặt với lão Viên, tôi sẽ đối mặt với bố, nhằm giảm giao tranh. Tuy nhiên, nào dễ dàng thế, Tần nữ sĩ xuất chiêu đầu tiên, "Lão Hồ nhanh lẹ lên, chọn món xong để nhân viên chuẩn bị nữa, phục vụ đợi ông nãy giờ."
Lão Hồ, quên mang mắt kính ra đường, nheo mắt đọc thực đơn, bỏ ngoài tai lời phàn nàn của Tần nữ sĩ.
Viên X, ánh mắt ngập ý cười nhìn tôi, xung phong làm nguội không khí, nói với nhân viên: "Bạn cứ chuẩn bị những gì đã gọi trước nha. Chúng tôi sẽ gọi thêm sau. Cảm ơn."
Tôi lớn lên với khung cảnh này từ bé, nên cứ thản nhiên gắp thức ăn vào chén. Bố mẹ tôi, rõ ràng chia tay trong hòa bình, nhưng vẫn không từ bỏ được thói quen bắt bẻ nhau. Tôi nghĩ, chỉ có lão Viên thấy mới lạ, thích thú với điều này thôi.
Nhà chúng tôi tiếp tục ăn, trò chuyện về cuộc sống gần đây, chia sẻ công việc, chủ yếu đều liên quan đến hai vợ chồng tôi. Lão Hồ và Tần nữ sĩ không bao giờ nói quá nhiều về chuyện riêng tư khi ở chung.
Tần nữ sĩ sẽ không kể về gia đình hiện tại của mình, lão Hồ cũng sẽ không chia sẻ cuộc sống giáo sư già ở trường đại học. Đó dường như là giao kèo của hai người, họ xuất hiện chung vì con gái Hồ Hàm nhưng không liên quan gì đến nhau.
Khi cả bàn gần ăn xong, tôi thấy vị cá hấp đã ngập đến tận cổ, ghét bỏ miếng cá cuối cùng nằm trong dĩa, định sẽ gắp cho lão Viên ăn, dù nhìn mặt anh, tôi biết chắc anh cũng ngán ngẩm lắm rồi. Lúc này, Tần nữ sĩ đưa đũa về miếng cá, nhanh tay gắp lấy, đưa vào chén của lão Hồ, "Mau ăn xong đi!".
Hồi còn bé, khi bố mẹ chưa ly dị, ba người chúng tôi vẫn sống trong căn nhà của ông bà nội, mỗi bữa cơm đều sẽ ăn chung một đại gia đình, bảy tám người xung quanh cái bàn tròn. Tôi ngày đó mắc chứng kén ăn, luôn không chịu ăn cơm đàng hoàng, bố mẹ lúc nào cũng phải mớm cho.
Bố luôn chăm chút tôi nên nhiều khi ông quên ăn cả cơm, mẹ tôi, trong lúc mọi người bận rộn gắp các món trên bàn, bà sẽ gắp thức ăn vào chén bố, bảo "Mau ăn xong đi!".
Tôi không rõ thói quen này hình thành từ lúc nào, nhưng đến bây giờ mẹ vẫn giữ nó, vẫn sẽ gắp đồ ăn vào chén bố, vẫn nói "Mau ăn xong đi!". Dường như, đây là cách bà quan tâm ông, vì một hành động rất nhỏ này mà tôi tin rằng dẫu bố mẹ hay cạnh khóe nhau mỗi khi nói chuyện, họ sẽ ổn thôi.
Lão Hồ nhìn miếng cá Tần nữ sĩ gắp cho mình, lặng lẽ bỏ vào miệng.
Lão Viên gọi người thanh toán, chúng tôi cùng nhau ra về. Mẹ ôm tôi nói lời tạm biệt, dặn dò giữ sức khỏe vì ngày mai vợ chồng tôi sẽ trở về Đông Thượng.
Bố, vốn ít nói, chỉ khuyên hai con đừng làm việc quá sức, còn bắt tay vài cái với Viên X.
Song, ông quay sang nói với mẹ: "Bà định đi taxi về à? Hay để tôi chở cho?"
Mẹ tôi mỉm cười, gật đầu "Ừ".
Lão Hồ và Tần nữ sĩ vẫy tay chào chúng tôi, thành phố buổi tối đã lên đèn, dòng người qua lại đông đúc, nhưng hình bóng bố mẹ khiến tôi không khỏi rời mắt, tôi nắm chặt tay lão Viên, đợi nhìn họ đi khuất mới xoay đầu cùng anh đón xe về.
Năm tôi chín tuổi, bố mẹ cãi nhau hay chiến tranh lạnh thường xuyên, tôi sợ việc họ ly hôn vì nghĩ rằng hai người sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Đến khi điều đó xảy ra, tôi mới hiểu, bố mẹ vẫn gặp nhau, thậm chí còn hòa thuận hơn trước.
Lão Hồ và Tần nữ sĩ, không cần biết năm tháng tuổi trẻ họ phải lòng nhau vì điều gì, vì sao sinh ra tôi, nhưng tôi biết họ từng yêu nhau và họ rất yêu tôi. Mẹ tôi vẫn sẽ gắp thức ăn cho bố, bố sẽ không ngại chở mẹ về nhà an toàn.
Dù cho họ không còn là vợ chồng, chúng tôi vẫn là một gia đình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top