Cổ đông thiểu số
TÌM HIỂU VỀ CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ
1. Khái niệm
Dựa vào tiêu chí tỷ lệ cổ phần mà cổ đông sở hữu để phân loại cổ đông, thì cổ đông sẽ được chia thành cổ đông sở hữu nhiều vốn hay còn gọi là cổ đông lớn và cổ đông ít vốn hay còn gọi là cổ đông thiểu số. Nhưng trong nhiều năm qua, bắt đầu từ khi Luật Công ty 1990 ra đời, mặc dù đã cố gắng xây dựng một chế định pháp lý hoàn chỉnh nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số nhưng cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có được một định nghĩa chung, thống nhất về cổ đông thiểu số. Nhưng dựa trên nhiều đặc trưng riêng có của cổ đông thiểu số có thể hiểu cổ đông thiểu số là cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong công ty cổ phần và không có khả năng chi phối, kiểm soát hoạt động của công ty một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Đặc điểm
Cổ đông thiểu số là những cổ đông sỡ hữu ít vốn, một tỷ lệ cổ phần nhỏ có quyền biểu quyết trong công ty cổ phần.
Cổ đông thiểu số không chi phối đến công ty, không có khả năng áp đặt đường lối sách lược của mình cho công ty, không thể quyết định được việc lựa chọn đa số thành viên trong Hội Đồng Quản Trị hay Ban Kiểm Soát, không có khả năng ảnh hưởng trong việc quản lý và điều hành công ty.
3. Vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số
Vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam đã được đặt ra trong một thời gian dài trước đây, tuy nhiên chưa bao giờ vấn đề này lại trở nên cần thiết như bây giờ. Điều đó xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu là: (i) mối quan hệ bất bình đẳng giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số đã dẫn đến thực trạng quyền lợi của các cổ đông thiểu số bị xâm phạm; và (ii) với địa vị của mình, các cổ đông thiểu số không thể tự bảo vệ được quyền lợi của mình hoặc họ chưa ý thức được sự cần thiết phải tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Khi mà ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình của các cổ đông thiểu số còn hạn chế và bản thân họ không có khả năng giải quyết thực trạng quyền lợi của mình đang bị xâm phạm, thì nhà nước cần phải bằng pháp luật đặt ra các nguyên tắc, xây dựng nên các công cụ pháp lý tạo điều kiện cho các cổ đông thiểu số thực hiện hiệu quả các quyền cổ đông, tạo cho họ vị trí và tiếng nói trong công ty cổ phần.
Tuy vậy, bên cạnh việc tạo cơ sở pháp lý cho các cổ đông có điều kiện và cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty, thì LDN năm 2005 cũng bảo vệ mạnh hơn quyền và lợi ích của cổ đông thiểu số như:
3.1 Quyền yêu cầu triệu tập, tham gia và đưa nội dung vào chương trình nghị sự tại cuộc họp Đại hội đông cổ đông
Hiện nay pháp luật vẩn không phân định rõ ràng đâu là quyền của cổ đông lớn, đâu là quyền của cổ đông thiểu số. Do đó, với tư cách là cổ đông, cổ đông thiểu số cũng có đầy đủ các quyền cổ đông như những cổ đông lớn, như quyền yêu cầu triệu tập, tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, quyền kiểm soát các giao dịch tư lợi, quyền tiếp cận thông tin, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài huỷ quyết định của Đại hội đồng cổ đông… Những quyền năng này đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra sự bình đẳng giữa các cổ đông trong công ty cổ phần nhưng trên thực tế, việc các cổ đông thiểu số thực hiện được những quyền này còn rất khó khăn.
Hiện nay nhóm cổ đông thiểu số có thể tự mình đứng ra triệu tập Đại hội đồng cổ đông khi các chủ thể được yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông, bao gồm Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát không đáp ứng yêu cầu của họ theo quy định tại khoản 6, Điều 97 LDN 2005. Đây thực sự là một tiến bộ mãnh mẽ của LDN 2005 so với các quy định của pháp luật Việt Nam trước đó trong việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.
Ngoài ra để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thiểu số, pháp luật quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục sáu (06) tháng có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông (khoản 2, Điều 99, LDN 2005). Đây là một quy định nhằm mục đích bảo vệ cổ đông thiểu số, giúp họ có tiếng nói của mình trong cuộc họp quan trọng nhất trong công ty cổ phần. Bằng quy định này, cổ đông thiểu số có thể đưa những nội dung, vấn đề họ quan tâm hoặc có sự ảnh hưởng đến quyền lợi của họ vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để bàn bạc, thống nhất và thông qua đó, cổ đông thiểu số có thể bảo vệ được quyền lợi của mình trong một giới hạn chừng mực, nhất định.
Tuy nhiên việc bảo vệ cổ đông thiểu số trong trường hợp này chỉ dừng lại ở thẩm quyền yêu cầu triệu tập hoặc triệu tập Đại hội đồng cổ đông và đưa nội dung vào các chương trình nghị sự trước ngày khai mạc Đại hội đồng cổ đông, còn trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thì tiếng nói của cổ đông thiểu số có mức ảnh hưởng đến đâu còn là một câu chuyện phải bàn, bởi với số vốn ít ỏi đi liền với sự hạn chế trong khả năng chi phối công ty, cổ đông thiểu số vẫn khó có thể bảo vệ được quyền lợi của mình. Hơn nữa, cổ đông thiểu số không thể tự mình thực hiện được các quyền này mà họ phải liên kết lại với nhau tạo thành nhóm với tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% trở lên kèm theo điều kiện số cổ phần mà cổ đông thiểu số sở hữu phải từ sáu tháng trở lên. Trên thực tế việc bảo vệ cổ đông thiểu số thông qua nhóm cổ đông là không mang nhiều tính khả thi bởi sự thiếu gắn kết giữa các cổ đông thiểu số như hiện nay, đặc biệt là đối với các công ty cổ phần có nhiều cổ đông, thì việc lập nhóm cổ đông là rất khó thực hiện. Mặc dù LDN 2005 quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cho cổ đông thiểu số, khi cổ đông thiểu số đã yêu cầu hợp lệ theo quy định của pháp luật mà những người này cố tình vi phạm. Tuy nhiên việc xác định mức độ trách nhiệm để bồi thường như thế nào thì pháp luật lại không quy định. Tác giả cho rằng để đảm bảo quyền lợi của cổ đông thiểu số trong việc yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông, pháp luật nên quy định những cổ đông thiểu số có quyền yêu cầu những người có thẩm quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông hoặc công ty mua lại cổ phần của họ khi họ đã yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông hợp lệ mà những người có thẩm quyền cố tình vi phạm. Quy định như vậy sẽ giúp các cổ đông thiểu số có thể bảo vệ được quyền lợi của mình khi họ không thể thực thi được quyền cổ đông một cách gián tiếp thông qua nhóm cổ đông. Bởi lẽ trong trường hợp này, tiếng nói của cổ đông thiểu số đã không còn được các cổ đông lớn tôn trọng và điều đó cũng tạo ra tâm lý chán nản cho cổ đông thiểu số đối với công ty.
3.2 Quyền kiểm soát các giao dịch tư lợi
Ngoài ra để phòng ngừanhững bất lợi cho cổ đông thiểu số phát sinh từ giao dịch tư lợi của người quản lý, pháp luật đã đặt ra một số công cụ pháp lý nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực của người quản lý để thực hiện các giao dịch tư lợi. Theo đó, LDN 2005 quy định cụ thể các hợp đồng, giao dịch có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua, còn đối với các giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50% sẽ thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Đồng thời, theo quy định tại các Điều 118 và Điều 120 LDN 2005, thì các hoạt động, giao dịch giữa công ty với cổ đông, người đại diện uỷ quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; giữa công ty với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; giữa công ty với các doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác của công ty có sở hữu cổ phần; doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc và người quản lý khác trong công ty cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp trên 35% vốn điều lệ; giữa công ty với những người liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận. Các giao dịch, hợp đồng giữa các đối tượng trên chỉ được thực hiện khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của các cổ đông (trừ những cổ đông có liên quan không được quyền biểu quyết).
3.3 Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần
Theo quy định của LDN 2005, cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty thì có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình (khoản 1, Điều 90 LDN 2005). Tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Vì vậy, mặc dù đây là quyền cơ bản của bất kỳ cổ đông nào trong công ty cổ phần nhưng thực chất quy định này là nhằm mục đích bảo vệ cổ đông thiểu số. Bởi lẽ, dù dưới góc độ lý luận hay thực tiễn, trong trường hợp này đối tượng cần được bảo vệ luôn là cổ đông thiểu số, còn cổ đông lớn thường là những người chi phối tới các quyết định của công ty và đôi khi chính họ lại là những người tạo ra các quyết định bất lợi cho cổ đông thiểu số, khiến cổ đông thiểu số phải biểu quyết phản đối các quyết định này.
3.4 Quyền tiếp cận, kiểm soát thông tin của công ty
Về mặt nguyên tắc, với tư cách là người đồng sở hữu công ty, cổ đông thiểu số có quyền tiếp cận với toàn bộ các thông tin về công ty để đảm bảo cao nhất quyền sở hữu tối thượng của họ. Tuy nhiên, với mong muốn thâu tóm công ty, những cổ đông lớn luôn tìm cách bưng bít thông tin, để sử dụng cho mục đích tư lợi riêng mà bỏ mặc quyền lợi của cổ đông thiểu số. Xuất phát từ thực tế đáng buồn đó, pháp luật đã đặt ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của cổ đông thiểu số, bao gồm các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin trong công ty cổ phần và quyền được trích lục văn bản, tài liệu của công ty cổ phần. Tuy nhiên trên thực tế, cổ đông thiểu số gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực thi quyền năng này. Công ty cổ phần và cổ đông lớn vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu (06) tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định của Điều lệ công ty có quyền được xem xét và trích lục hai loại văn bản là (i) số biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, và (ii) báo cáo tài chính giữa năm, hàng năm và báo cáo của Ban kiểm soát. Đồng thời, pháp luật cũng quy định, nếu cổ đông thiểu số không thể tự mình xem xét sổ sách được, thì họ có quyền yêu cầu Ban kiểm soát thực hiện (Khoản 2 Điều 79 và khoản 4 Điều 123 LDN 2005).
3.5 Quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài huỷ quyết định của Đại hội đồng cổ đông
LDN 2005 đã trao cho cổ đông quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp trình tự, thủ tục triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty (Điều 107 LDN 2005). Với quyền năng này, cổ đông mà đặc biệt là cổ đông thiểu số có thể chủ động lên tiếng, yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này cũng hạn chế được sự thụ động trong việc cổ đông chỉ biết trông chờ vào sự giám sát của cơ quan nhà nước, bởi vì quyết định của Đại hội đồng cổ đông là những vấn đề mang tính nội bộ của doanh nghiệp, hơn ai hết cổ đông sẽ là người tiếp cận và bị tác động nhanh nhất, do đó trao quyền năng này cho cổ đông để tự họ chủ động bảo vệ mình là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, với vị trí và tính cách thụ động của mình, cổ đông thiểu số rất ít khi sử dụng quyền năng này. Hơn nữa, việc đưa yêu cầu tới Trọng tài và Toà án lại gặp phải khó khăn từ nhiều phía, bởi để được đưa yêu cầu giải quyết đến trọng tài, đòi hỏi Điều lệ công ty phải quy định nội dung này hoặc phải có sự thoả thuận với Hội đồng quản trị về việc này. Trong khi đó, nếu đưa yêu cầu tới Toà án, cổ đông thiểu số cũng sẽ rất khó khăn để được Toà án thụ lý do các vướng mắc từ cơ quan tài phán trong việc xác định loại vụ việc dân sự để phân công thụ lý và giải quyết.
3.6 Áp dụng điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và tỉ lệ biểu quyết thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan làm việc theo nguyên tắc tập thể, mỗi năm họp thường niên ít nhất một lần và có thể họp bất thường với số lần không hạn chế, để thông qua các vấn đề quan trọng nhất của công ty. Do đó, nếu không đặt ra các điều kiện để tiến hành một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hợp lệ thì chắc chắn các cổ đông lớn sẽ bằng nhiều thủ đoạn bỏ qua quyền lợi của cổ đông thiểu số. Chính vì vậy, LDN 2005 đã đặt ra điều kiện để tiến hành một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là khi số lượng cổ đông đến dự họp đạt tỷ lệ đại diện cho ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (khoản 1, Điều 102 LDN 2005). Với quy định này, các cổ đông lớn không thể tuỳ tiện tổ chức các cuộc hợp Đại hội đồng cổ đông mà bỏ mặc cổ đông thiểu số, họ muốn tiến hành được cuộc họp bắt buộc phải có sự tham gia của cổ đông thiểu số trong giới hạn chừng mực nhất định. Hay nói cách khác, thông qua quy định này, cổ đông thiểu số sẽ được các cổ đông lớn tôn trọng hơn.
4. Kết luận
Nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, pháp luật cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế pháp lý đã có, cùng với việc xây dựng các giải pháp mới nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm của cổ đông lớn, nhằm bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của cổ đông thiểu số ngay cả trên lý luận lẫn thực thi trong thực tiễn. Trong đó, cần thiết phải chú trọng xây dựng cơ chế về kiểm soát thông tin của cổ đông lớn trên Thị trường chứng khoán, cơ chế thực thi các quy định xử lý vi phạm lý vi phạm và giải quyết tranh chấp các vấn đề liên quan đến quyền lợi của cổ đông. Đặc biệt chúng ta cần quan tâm nghiên cứu xây dựng các cơ chế về thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát độc lập để tăng cao hiệu quả trong việc quản trị doanh nghiệp và mở rộng thẩm quyền khởi kiện của cổ đông thiểu số trong những trường hợp quyền lợi của công ty và của cổ đông bị xâm hại bởi cổ đông lớn hoặc cơ quan quản lý, điều hành công ty.
Bên cạnh đó, các cổ đông thiểu số không nên trông chờ một cách thụ động vào sự bảo vệ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, mà họ phải ý thức được sự cần thiết của việc họ phải bảo vệ quyền lợi của mình, để có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự nỗ lực và chủ động từ chính bản thân cổ đông trong việc tìm hiểu, trau dồi các quy định pháp luật. Đồng thời, thúc đẩy sự hình thành và phát huy hơn nữa vai trò của các câu lạc bộ nhà đầu tư, để các thành viên có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau góp tiếng nói chung, nâng cao sức mạnh của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top