Chương 4

Cô Diễm từ cái đêm sang nhà cậu Mẫn về thì tươi tỉnh hơn hẳn. Cô cũng chịu ăn chịu uống rồi. Con Cam cứ trêu cô hoài, có tình có khác. Cô bảo nó cô phải ăn thì mới có sức mà đấu tranh, chứ nằm quặt quẹo ra đấy thì cũng phải gả qua nhà cậu Phú thôi. Hôm nay cậu Tuân về. Cậu Tuân mấy bữa nay đi học tận trên kinh chẳng mấy khi về nhà, ông bà quan có nhớ cũng đành chịu, nay nhờ hay tin cô Diễm nên mới thu xếp về một bữa. Cậu Tuân thương cô Diễm lắm. Nhà quan huyện có mỗi hai anh em lại chả thương nhau. Cậu nghe nói bà huyện đồng ý gả cô Diễm cho cậu Phú thì cậu giận lắm, quyết về nói phải trái một phen. Bà huyện lần này một mình một chiến tuyến, cũng lại biết là mình sai nên không hó hé gì. Nhưng giờ bà hối hận thì cũng có đâu thay đổi được. Tiền bà nhận của người ta bà vẫn để đó chứ đã tiêu đồng nào đâu, nhưng giờ trả lại thì người ta không chịu, người ta bảo bà đồng ý gả cô cho người ta rồi thì không được nuốt lời. Nếu nhà khác thì còn đỡ, chứ nhà ông Quý thì bà không đắc tội được. Lần này cậu Tuân về là phụ nghĩ cách giúp cô Diễm thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Cả nhà quan huyện cứ phải gọi là ngồi trên đống lửa.

- Đem cái Cẩm gả thay em Diễm đi! Dù sao nhà cậu Phú chỉ bảo lấy con gái nhà mình chứ có chỉ đích danh ai đâu!

Cả nhà giật mình nhìn cậu Tuân, cái người vừa nêu ý kiến. Nếu cậu Tuân không nhắc thì e chả ai nhớ đến cô Cẩm nữa. Cô Cẩm là cô ba nhà quan huyện, nhưng gọi là cô ba thế thôi chứ cũng chả khác gì dân thường. Cô Cẩm đúng là con quan thật đấy, nhưng là con của bà hai. Mười mấy năm trước quan đi công cán sang tỉnh Hải Lâm, bị mấy ông bạn đồng môn rủ đi vào chỗ trăng hoa mới gặp bà hai ở đó, vui chơi có một đêm mà để lại hậu quả. Quan thấy dù gì cũng là lỗi do mình nên đem tiền chuộc bà hai về, mua cho một căn nhà gần đó, hàng tháng cũng chu cấp tiền đầy đủ. Nhưng bà cả là ai chứ? Bà ngày xưa cũng là con quan, tính tình kiêu căng chẳng kém, quan đi ra ngoài rước gái về làm sao bà chịu nổi. Lần đó bà làm dữ lắm. Bà bảo nếu quan dám đem bà hai về nhà thì bà chết chứ không sống nổi. Quan yêu bà cả lắm, với cả thầy bà cả cũng có ơn với quan, làm sao quan để cho bà chịu thiệt thòi đây. Quan phải thề là cả đời này không gặp mặt bà hai nữa thì bà cả mới xuôi cho. Bà cả có máu ghen, hành bà hai đủ kiểu. Tiền chu cấp hàng tháng cũng càng ngày càng bớt xén đi, nhưng vì bà hai thân phận thấp kém nên chẳng dám hé răng nửa lời. Quan lâu lâu nhớ đến thì lén lút cho người mang tiền tới mới đỡ đần bà hai được chút ít. Bà hai sinh ra cô Cẩm. Cô Cẩm tính tình hiền lành, lại nhát gan, thấy mẹ con nhà bà cả thì sợ như sợ cọp. Mang tiếng là con quan mà chỉ mặc áo quần vải nâu sòng, chẳng có nổi một cái áo dài. Mà có cũng chẳng để làm gì, suốt ngày làm lụng có cần bận áo dài đâu. Cuộc sống có khi còn chẳng bằng con Cam theo hầu cô Diễm. Cô Diễm đối với cô Cẩm cũng chẳng mặn mà gì, nhưng máu mủ thì vẫn là máu mủ, không chối được. Lễ Tết vẫn gửi tiền gửi quà sang biếu, thỉnh thoảng cũng mua cái này cái kia cho cô Cẩm. Cô Cẩm vì thế cũng mến cô Diễm hơn bà cả hay cậu Tuân, với người chị gái chẳng mấy khi thấy mặt này như vậy đã là tốt lắm rồi. Cô Diễm tính tình vốn lương thiện, nghe cậu Tuân nói thế cũng có lí nhưng lại hơi chần chừ, cô ghét cậu Phú như thế có lẽ nào cô Cẩm lại ưng đâu. Cô nói ra thì cậu Tuân tặc lưỡi.

- Con Cẩm sống cực khổ thế, được gả qua nhà cậu Phú là phúc của nó, lại được làm bà cả, có thiệt thòi gì đâu!

Cô Diễm nghe cậu Tuân nói thế thì cũng xuôi xuôi. Bà huyện nghe nhắc đến cô Cẩm thì lý nào lại không liên tưởng đến bà hai. Bà lườm quan một cái rõ sắc, giọng đầy mùi chanh chua.

- Cậu Tuân nói có lý, ông còn chần chừ gì nữa? Hay ông xót con Cẩm, ông xót bà hai của ông? Hử?

Quan nghe giọng bà thì toát cả mồ hôi. Chuyện này rõ ràng là do bà tự nhận, giờ sao lại thành lỗi của quan rồi. Nhưng mà co Cẩm cũng là con quan, nói không xót là nói dối. Quan cười lấy lòng.

- Để tôi hỏi ý bà hai với cái Cẩm xem sao!

- Lại còn hỏi? Chuyện nhà này còn đến lượt mẹ con nhà nó lên tiếng sao?

- Được rồi được rồi mà...

Quan thở dài, chỉ trách số quan xui xẻo. Cô Diễm thấy chuyện này được giải quyết thì vừa vui là vừa áy náy. Nhỡ cái Cẩm nó không chịu thì sao? Chả nhẽ lại ép nó? Như thế thì có tội lắm. Nghĩ thế nào, cô kêu con Cam đi theo cô đến nhà bà hai, để cô thuyết phục bà hai xem sao, chứ để mẹ cô đi thì cô sợ hai bà lại choảng nhau mất, lúc đó e rằng bà hai chả chịu để cái Cẩm gả đi thay mình. Nhà bà hai ở cũng cách nhà quan không xa lắm, nhà cũng không đến nỗi lụp xụp, chỉ là nhỏ hơn nhà quan rất nhiều. Con Cam nhanh nhảu gọi.

- Bà hai có nhà không? Cô Cẩm có nhà không?

Một người phụ nữ tuổi khoảng trên dưới 30, khuôn mặt vẫn có những nét xinh đẹp nhưng vì vất vả nên đã sớm có nếp nhăn. Bà thấy cô Diễm đến thì vừa sửng sốt lại vừa hơi nghi ngờ, quanh năm suốt tháng có đời nào thấy cô Diễm tới chơi đâu. Có việc gì cũng là nhắn người hầu qua, đưa gì cũng là người hầu đưa qua chứ cô đời nào chịu tới. Nghĩ thì nghĩ thế nhưng bà vẫn lên tiếng chào hỏi.

- Cô Diễm sang chơi đấy à! Cô vào nhà ngồi kẻo nắng!

Cô Diễm vừa đi vào vừa hỏi chuyện.

- Vâng! Em Cẩm có nhà không ạ?

Bà hai vội rót nước cho cô, nhìn trời rồi đáp lời.

- Cô Cẩm chắc cũng sắp về rồi!

Cô Diễm tính nói rồi lại thôi, cô cũng ngại lắm chứ. Từ trước đến nay cô chẳng quan tâm gì đến cô Cẩm, giờ đùng một cái lại bắt cô Cẩm gả đi thay mình thì thực áy náy quá. Thấy cô cứ ngập ngừng bồn chồn mãi, bà hai đỡ lời.

- Cô Diễm có gì thì cứ nói thẳng, không phải ngại tôi đâu!

Cô Diễm vặn vẹo tay, bứt rứt mãi mới lên tiếng.

- Chẳng hay...dì hai kiếm được đám nào cho em Cẩm chưa?

Bà hai giật mình, không hiểu sao tự nhiên cô Diễm lại đề cập đến hôn sự của cô Cẩm nhà bà. Bà cười, giọng nói lại có phần mỉa mai.

- Cũng có một vài đám hỏi thăm! Cô Cẩm đâu được phúc như cô, toàn trai làng cả, cưới về lại đi làm đồng thôi!

Cô Diễm nghe bà hai nói thế sao lại không hiểu cho được, mẹ cô chèn ép bà hai như thế nào sao cô không biết, chỉ là biết rồi để đó đấy thôi, trong thâm tâm cô cũng có chút oán giận bà hai vì đã quyến rũ thầy cô. Nhưng áy náy thì áy náy, đã đến đây rồi chả nhẽ cứ ngồi uống chè suông rồi về.

- Mấy hôm trước cậu Phú có qua nhà mình hỏi...

Bà hai ngắt lời, không tránh khỏi có chút ghen tị.

- Tôi biết! Cậu Phú qua hỏi cô Diễm, cả cái huyện này có ai là không hay đâu!

Cô Diễm dở khóc dở cười, bà hai cũng đanh đá quá chứ đâu vừa, nhưng vì thân phận thấp hèn nên đấu không lại mẹ cô thôi.

- Mẹ con muốn cho em Cẩm thay con gả sang nhà cậu Phú, ý dì hai thế nào?

Bà hai sửng sốt. Ai chẳng biết nhà ông bá hộ Quý giàu nhất cái vùng này, lại có mỗi cậu Phú là con trai độc đinh, với tính tình của bà cả đâu có lý nào lại nhường đàm tốt thế này cho con gái bà? Bao nhiêu của ngon vật lạ đều dành cho cô Diễm cậu Tuân hết, cô Cẩm nhà bà làm gì đến lượt. Thấy bà hai không tin, cô Diễm đành nói thật, cô cầm tay bà hai mà kể.

- Con thương anh Mẫn dì hai à. Con mà gả sang nhà cậu Phú thì con chết mất thôi! Nếu dì muốn em Cẩm sống khá hơn thì dì đồng ý đi, tiền lại mặt là một nghìn quan, chỉ cần dì gật đầu một cái là con đem sang ngay. Em Cẩm lấy cậu Phú thì cũng là bà bá hộ rồi, dì với em cũng đỡ cực!

Bà hai suy nghĩ lung lắm. Cô Diễm với bà cả nhường đám này cho cô Cẩm cũng là do mục đích riêng cả, nhưng mục đích gì thì mục đích, bà với cô Cẩm cũng đâu thiệt thòi gì. Nếu không có vụ này, chỉ e cả đời con gái bà cũng không ngẩng mặt lên nổi. Bây giờ có cơ hội làm dâu nhà giàu, có ngu mới từ chối. Thế là bà đồng ý. Cô Diễm mừng quýnh, cứ cầm tay bà mà cảm ơn suốt, còn bảo lúc về sẽ cho người đưa tiền sang, còn bảo sẽ may cho cô Cẩm mấy bộ áo dài thật đẹp. Bà mặc dù cũng chẳng vui vẻ gù với mẹ con nhà bà cả, nhưng cũng nhờ cô Diễm thì con bà mới được làm sang nên bà cũng cảm kích lắm. Bà biết tính cô Cẩm, chắc cũng chẳng phản đối đâu. Cô Diễm vui vẻ ra về, không về thẳng nhà mà ghé qua nhà cậu Mẫn, dọc đường còn nổi hứng mua cho bà Hào bộ áo dài vải nhung. Cô phải báo ngay tin mừng cho cậu Mẫn, còn hối cậu sang nhà cầu hôn chứ.

Cuối cùng thì cũng đến ngày cậu Phú qua đón dâu. Vì áy náy nên quan tổ chức lễ vu quy cho cô Cẩm cũng linh đình lắm, cũng có cả bà hai nữa, nhưng vì bà huyện cứ lườm hoài nên quan chẳng dám hỏi chuyện bà hai nhiều. Cậu Phú mặc bộ đồ lụa màu đỏ rực, lúc nào cũng trưng ra nụ cười hề hề tỏ rõ sự vui vẻ. Cậu ngồi trên con ngựa cao ngất, chăm chăm nhìn cô dâu được bà mai dẫn ra. Cô Cẩm trang điểm xinh đẹp, tuy không sắc sảo bằng cô Diễm nhưng lại hiền hòa hơn, nhìn cũng dễ chịu hơn. Cậu Phú thấy cô dâu không phải là cô Diễm thì trợn trắng mắt, ú ú ớ ớ nói không ra hơi. Thằng Quýt nhanh nhảu xuýt xoa với cậu.

- Cậu Phú à, may mà cậu cưới cô Cẩm đấy, chứ cô Diễm dữ lắm, sẽ đánh cậu, mắng cậu, còn không cho cậu ăn cơm nữa. Chứ cô Cẩm ấy à, vừa hiền vừa ngoan, còn biết nấu ặ cho cậu ăn nữa, cậu Phú sướng nhất rồi nhé!

Cậu Phú dù sao cũng chỉ là đứa trẻ, dỗ một tí liền lừa được ngay. Rước cô Cẩm về thì ông bà bá hộ Quý giận lắm, nhưng cậu Phú tin lời thằng Quýt nên dãy nảy lên, bảo cưới cô Cẩm chứ chả thèm cưới cô Diễm đâu. Ông bà Quý giận cũng đành nuốt trong lòng chứ dâu rước về rồi, đâu có làm gì được, với cả mình chủ bảo là qua cầu hôn con gái quan, chứ có bảo cầu hôn cô Diễm đâu, âu cũng là cái số cả. Đám cưới diễn ra trót lọt khiến ai cũng mừng. Bà hai bây giờ có thể nở mày nở mặt với mọi người được rồi, bà cả lại được tiếng thơm, con riêng của chồng mà cũng tìm được đám tử tế quá, nên bà cả nhìn bà hai cũng thuận mắt hơn một chút. Lễ vu quy của cô Cẩm, cậu Mẫn cũng đến. Bà cả tuy không đon đả nhưng cũng chẳng ghét bỏ nữa. Quan huyện thì cậu Tuân có vẻ hài lòng, cậu Tuân còn ngỏ ý xin quan cho cậu Mẫn lên kinh học với mình nữa, quan thấy có lý lắm. Cậu Mẫn nghe vậy thì lắc đầu nguầy nguậy, quan chịu gả cô Diễm cho cậu là tốt lắm rồi, còn cho cậu đi học nữa, cậu không dám nhận. Nhưng quan bảo:

- Phải học chứ! Con đi học với cậu Tuân, sau này đi thi đỗ đạt làm quan còn lo được cho co Diễm, chứ thầy có sống đời được đâu! Chẳng nhẽ con muốn cô Diễm vì con mà cực khổ à, con mà như vậy thì sao ta dám gả con gái cho con?

Cậu Mẫn nghe cũng xuôi tai, còn cậu Tuân thì vui lắm, có bạn cùng đi cùng về cũng đỡ buồn chán hơn. Sau này cậu thành danh rồi, chắc chắn sẽ không quên ơn quan. Cậu sẽ đối xử với cô Diễm thật tốt, cưới một mình cô, chẳng có bà hai bà ba nào cả. Cậu gật đầu thưa vâng. Nhưng cô Diễm thì ngúng nguẩy bảo không chịu, cô ôm cánh tay quan nũng nịu.

- Không được đâu! Anh Mẫn lên tỉnh với anh Tuân thì con nhớ chết mất!

- Con bé này! Không biết xấu hổ là gì!

Bà huyện quát, cô Diễm bĩu môi. Cậu Mẫn nhìn cô cười, cô dễ thương quá, cậu cũng không nỡ xa cô chút nào, cũng không nỡ xa thầy mẹ, nhưng quan nói đúng, nếu cậu không chăm chỉ học thì sau này lấy gì nuôi vợ nuôi con, lấy gì báo đáp thầy mẹ. Cậu nói với cô Diễm.

- Anh đi rồi anh về mà. Diễm đợi anh nhé!

Mặt cô Diễm đỏ ửng, cô theo đuổi cậu bao lâu nay, chưa bao giờ lại ngượng như lúc này. Cô gật gật đầu, vẫn không dám ngẩn mặt lên nhìn cậu. Quan thấy dáng vẻ của con gái thì thở dài, quan yêu chiều cô mười mấy năm nay thì cũng đành giao cô cho người khác thôi. Quan vỗ vai cậu Mẫn.

- Con về nói với thầy mẹ một tiếng, ba hôm nữa theo cậu Tuân lên trường. Ta cũng sẽ giúp con nhắn người tìm cậu Lân!

Nhắc đến cậu Lân, cậu Mẫn cuống quýt hẳn. Tuy vì cậu Lân mà nhà cậu ra nông nỗi này, nhưng dù gì cũng là người thân, đâu thể nói bỏ là bỏ được. Cậu nhìn quan đầy cảm kích, chắc thầy mẹ cậu nghe tin cũng mừng lắm. Có quan giúp. Chắc chẳng mấy chốc mà tìm được cậu Lân thôi.

Hôm nay cậu Mẫn khăn gói theo cậu Tuân lên tỉnh. Cậu từ biệt cha mẹ, ông bà Hào rơm rớm nước mắt, nắn nắn tay cậu. Bà Hào không nỡ buông tay con trai, từ bé đến giờ cậu đã xa thầy mẹ lần nào đâu, giòe cậu đi thì chắc cũng phải sang năm mới về. Ông Hào gắt.

- Còn không mau để cho cậu đi!

Ông xua xua con nhưng khuôn mặt nhăn nheo lại rung lên từng đợt.

- Đi đi! Đừng để cậu Tuân đợi! Nhớ học hành chăm chỉ, đừng phụ lòng quan, đừng phụ lòng cô Diễm, cũng đừng phụ lòng...thầy mẹ...

Nói đến đây thì ông Hào cũng nghèn nghẹn. Cậu Mẫn gật đầu, nói đoạn cậu quay sang nắm tay cô Diễm.

- Diễm ở nhà giữ gìn sức khỏe nhé, đừng ra chợ ăn chè nữa, ăn cơm ý chứ Diễm gầy quá! Diễm chăm sóc thầy mẹ giúp anh nhé!

Cô Diễm gật đầu lia lịa, siết chặt lấy tay cậu Mẫn không chịu buông, khóc thảm thiết đến mức chả nói được câu nào, mà cậu Mẫn cũng không nỡ gỡ tay cô ra. Cậu Tuân thấy lâu mới chạy lại gỡ dùm, ngọt nhạt mãi cô mới để cậu Mẫn đi. Cậu Mẫn lên cái xe ngựa ngồi chung với cậu Tuân, ngoài tiếng bánh xe lọc cọc còn có tiếng hét với theo của cô Diễm.

- Anh Mẫn đi mạnh giỏi, em đợi anh về!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #đại