Chương 51: Ngoại truyện 1: Tâm sự của Tú Bình
Tôi vừa cất tiếng khóc chào đời đã không có cơ hội được gặp mẹ. Thứ duy nhất mẹ để lại cho tôi, chính là cái tên: Trần Tú Bình. Cha tôi không giỏi chữ nghĩa, ông bảo, tên này do mẹ chọn, mong muốn tôi lớn lên xinh đẹp, bình yên...
Nhà tôi không có phụ nữ, cha gửi tôi cho bác cả chăm sóc. Tôi cứ thế lớn lên trong sự cưng chiều của hai bác, trong lòng tôi, họ không phải là bác nữa, mà là cha mẹ thứ hai của mình. Tôi sống nơi đây không khác gì con gái thật sự, cha mẹ thương yêu, anh Tự Khải dạy chữ, ngoài ra còn có một em họ tên Trần Chân.
Trần Chân kém tôi hai tuổi, tính tình lại hoàn toàn trái ngược tôi. Tôi rất thẳng tính và bốc đồng, trong khi em Chân lại hiền lành và nhẫn nhịn. Trong nhà, mỗi người mỗi tính, chỉ có em ấy là hay cố gắng làm vừa lòng tất cả. Tôi đã từng nghĩ, sau này, ai cưới được Trần Chân, hẳn sẽ là một người hạnh phúc.
Đêm nguyên tiêu năm ấy, tôi biết Trần Chân có ý đồ, nhưng vẫn nghe theo em ấy ra bến thuyền. Thật ra lúc đó tôi hơi ngạc nhiên khi người chờ nơi ấy chính là Mai Xuân Phong. Mấy hôm trước anh ấy vừa cứu Chân. Anh ta đẹp trai, có chữ nghĩa lại giỏi võ... tính ra cũng là một mẫu mà tôi cảm thấy rất vừa lòng.
Chúng tôi chèo thuyền trên sông Bùng, vừa ngắm trăng, vừa nghe cô đào trên thuyền ngân nga điệu nhạc tâm tình thiếu nữ. Tôi biết Trần Chân vẫn theo dõi chúng tôi nãy giờ, con bé này quả thật nhiều chuyện, khi về nhà, tôi nhất định giở chiêu giận dỗi cho nó sợ.
Nhưng đêm đó tôi không có thời gian để giận dỗi. Sau khi từ giã Mai Xuân Phong, tôi có cảm giác giữa chúng tôi có điều gì đó không hợp nhau. Tôi không hiểu tại sao mình có cảm giác đó, nên tốt nhất để gặp thêm một vài lần nữa mới có thể xác nhận lại tình cảm của chính mình.
Vậy mà, ngày hôm sau tôi có việc phải quay về Diễn Hoa, đành ghi vội thư tay nhờ Chân chuyển đến cho Phong. Không ngờ lần tiếp theo gặp lại, Mai Xuân Phong lại trở thành chồng của em họ tôi. Cảm giác tôi lúc đó, không định hình được là gì. Nói tức giận cũng không hẳn, nói thông cảm cũng không thể. Cuối cùng lại chẳng biết trách ai. Nếu mọi người rõ ràng ngay từ đầu, kết quả cũng sẽ không trở nên như thế này.
Mai Xuân Phong – lúc này đã là Huỳnh Cát, vẫn còn vương vấn đoạn tình cảm trước kia nên luôn dành ánh mắt dạt dào tình ý cho tôi. Tôi tế nhị từ chối, nhưng anh ta càng tiến đến. Đêm đó tôi bực mình hẹn anh ra bờ sông năm xưa, một lời nói rõ, đoạn tuyệt mảnh tình năm nào.
Anh ta vẫn liên tục gửi thư cho tôi. Tôi không đọc một lần, tất cả gửi ngược lại cho anh ta. Không phải tôi vô tình đến mức tàn nhẫn. Mà là tôi không muốn Trần Chân chịu khổ, gả cho một người đàn ông chẳng thương yêu mình.
Một đêm, tôi đang lang thang trên đường lại gặp chuyện bất bình. Cô ả là đào nương nổi tiếng nhất xứ tôi. Ả tuy là đào nương nhưng bao năm qua chỉ bán nghệ, quyết không bán thân. Tên kia là cậu ấm nhà nào, lợi dụng quyền cao chức trọng chèn ép người cô thế. Đang lúc tôi định ra tay thì một người đàn ông đã đứng ra, không cần biết gã cậu ấm kia thân thế nhường nào, ra tay trừng trị kẻ sở khanh.
Nhìn người ấy tung từng thế võ, không hiểu sao tôi lại thấy đẹp vô cùng.
Đào nương kia có lẽ say mê ân nhân, nguyện ý đi theo hầu hạ. Nếu là tôi, với nhan sắc kia, dễ mấy ai không xiêu lòng. Ấy vậy mà người ấy thẳng thừng từ chối, một mình độc bước về nơi nào.
Tôi đã nghĩ chúng tôi không còn cơ hội gặp lại, nào ngờ ông trời lại định phần tái ngộ. Tình thế của chúng tôi cũng chẳng ra làm sao. Tôi sắp sửa đính ước với Bát vương gia, anh ta lại là phản tặc bị vương gia truy đuổi. Nhìn những vết thương trên người anh ấy, tôi chợt đau lòng.
Huỳnh Cát vẫn chẳng chịu bỏ qua cho tôi. Nhiều lần tôi muốn nói cho Chân biết để em ấy xa rời người đàn ông đó, nhưng lại không đành lòng. Tôi biết con bé vốn nhân từ, lại mang nặng nhiều thứ, đâu thể nói buông là buông.
Còn tôi, trái tim tôi cũng gửi cho người ấy, không thể cùng Bát vương gia nên nghĩa vợ chồng.
Lúc quyết định đi tìm Nùng Trí Cao, tôi đã biết trước con đường mình đi không hề bằng phẳng nữa. Đi ngang châu Lạng, tôi tìm gặp Chân, xem như là vĩnh biệt.
Chỉ có điều, không như tôi định liệu, người rời xa trần thế trước, không phải tôi, mà lại là em ấy.
Ngày nhận được tin cả nhà Chân bị chém đầu, tôi đau đớn đến mức sinh non.
Tôi về Diễn Châu, ôm con thẩn thờ đứng trước mộ của nhà Chân. Cha mẹ tôi cả đời nồng hậu, chưa ở ác với ai. Tự Khải trước nay chỉ đam mê công danh chứ không bao giờ đam mê tửu sắc, vậy mà có kẻ nào cố tình hãm hại anh ấy, để kết quả mọi người đều khó tránh khỏi tai ương. Chẳng những vậy, tôi còn nghe được Huỳnh Cát vì sợ tai họa mà từ hôn em Chân, trong lòng tôi trào lên một nỗi căm hờn.
Con trai tôi tên Nùng Kế Phong. Tôi lén giao con cho anh Tự Mai chăm sóc. Còn tôi đi tìm Huỳnh Cát... lúc đó, trong lòng tôi đã muốn giết chết người đàn ông này.
Chỉ là... mọi chuyện không theo ý người. Ông trời quả thật trêu ngươi!
Lúc nhìn Huỳnh Cát chẳng khác nào kẻ điên dại, ngồi bất động trên một cỗ xe, tôi lại chùng lòng.
Tôi biết được Huỳnh Cát từng muốn dẫn Chân bỏ trốn, nhưng lại bị gia đình bắt về, nhân lúc hôn mê in dấu tay thôi vợ. Sau khi tỉnh lại anh ta tìm mọi cách để cứu Chân, nhưng cuối cùng vẫn là không thể. Cho đến lúc Chân bị chém đầu, anh ta cũng không được phép nhận xác vợ mình. Ngày Chân lìa khỏi cõi đời, cũng là lúc anh ấy thổ huyết, nằm liệt giường. Sau ba tháng, đến khi tỉnh lại thì thành ra một người ngây dại, không còn ý thức gì nữa rồi.
Tôi nhìn người đàn ông đó, chẳng còn oán trách. Trong lòng bỗng dấy lên bao nỗi cảm thông!
Nhân sinh – mang nợ nhau cũng bởi chữ tình.
Tôi vốn chưa bao giờ ủng hộ Trí Cao làm phản. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu nỗi đau của anh khi cha mẹ anh em đều chết bởi triều đình. Người thân tôi yêu thương cũng chết bởi triều đình. Tôi quyết giả nam, cùng anh chinh chiến.
Một lần duy nhất tôi gặp hoàng đế chỉ huy quân lực phía triều đình. Hắn ta giáp sắt oai vệ, ngồi trên lưng ngựa từ xa nhưng sao tôi thấy quen quen. Rõ ràng tôi chưa bao giờ diện kiến hoàng đế, vậy mà vẫn có cảm giác dường như đã gặp qua đâu đó, vào một thời điểm nào đó rồi.
Lần này Đại Việt có sự trợ giúp binh lực từ Đại Tống, Trí Cao của tôi không chống chọi nổi. Trí Cao chết, nhưng trong mắt tôi, anh ấy mãi mãi là một người hùng.
Tôi nhớ đến phong thái Trí Cao khi anh giúp ả đào nương trong cơn nguy kịch. Anh lúc đó thật đẹp, đẹp đến mức cuộc đời này tôi cảm thấy may mắn vì đã được ở bên anh.
Lấy chồng theo chồng. Tôi ôm xác Trí Cao, vĩnh biệt cõi đời này...(*)
__________
(*) Nùng Trí Cao cùng vợ và con Nùng Kế Phong (hai tuổi) bị xử tử năm 1055.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top