C14. Gió đông
Tiếng đàn vẫn vương vấn níu giữ một hoài niệm, xa dần, xa dần rồi đứt đoạn tựa như khép lại quá khứ, người xưa cô độc đứng ngoài thế sự nhìn bức hoạ bằng vài nét mực đậm nhạt đan xen.
"Thời gian chảy trôi như nước, thúc giục mái đầu bạc trắng, trăm việc không thành, ai người biết tỉnh ngộ?"
Tiếng quạt giấy nhè nhẹ hoà với giọng thơ điềm nhiên ngâm lên tán dương tiếng đàn đã dứt. Trần Tranh ngoảnh lại nhìn, người ở bàn khuất góc kia từ từ đứng lên tiến về phía nàng.
Trong giây lát nàng nhận ra người này là ai, cũng cảm thấy hơi bất ngờ khi anh ta lại đến đây hôm nay.
"Thiên Thành trưởng công chúa."
Trần Tranh đáp lời: "Phùng Tá Kiên. Lâu rồi không gặp anh nhỉ."
Thiếu niên ngời ngời xán lạn ấy nở nụ cười như gió xuân: "Cũng không lâu lắm, lễ thành niên mấy tháng trước công chúa có về đây mà. Lần này công chúa đi một mình sao?"
Trần Tranh thoáng hồi tưởng lại, thì ra lễ thành niên cũng chỉ mấy tháng trước, vậy mà những chuyện xảy ra sau đó khiến nàng cảm giác như trải qua mấy thu rồi vậy. Tranh điềm nhiên giải thích: "À, là vì quán mới mở nên ta về xem chút. Hôm nay anh là khách quý, để ta mời anh bữa này đi."
Vốn dĩ Phùng Tá Kiên cũng không cần giả vờ khách sáo, thoải mái ngồi phía đối diện nàng. Thần sắc anh ta tươi sáng, âm giọng phóng khoáng lưu chuyển xoá tan đi không khí trầm mặc ban nãy.
"Không biết mấy ngày này công chúa có rảnh hôm nào ghé phủ ta chơi, cha mẹ ta cũng rất mong ngóng người."
Trần Tranh suy nghĩ: "Ừm... có lẽ là ngày mai đi."
Rượu hoa cúc trong tay nàng nhạt nhẽo vô vị, nhưng Phùng Tá Kiên ngược lại có nhã hứng vừa thưởng thức rượu, vừa hoà nhã trò chuyện: "Ta đến Hương quán mấy lần, tối nay mới có dịp gặp công chúa. Bình thường ở đây chỉ thấy người làm, không biết công chúa ở nơi xa còn phải lo lắng cho quán có phải có chút bất lợi?"
Trần Tranh tỏ ý cười, nửa đùa nửa thật: "Không lẽ anh định thay ta tính toán sao?"
"Là ta ngỏ lời muốn được góp phần công sức đỡ công chúa vất vả ấy. Ta chẳng nghi ngờ năng lực của Thiên Thành, chỉ là ta ở nơi đây thuận tiện để ý mọi sự thôi, công chúa cũng biết mà. Người xưa vẫn nói 'ba cây chụm lại nên hòn núi cao' đấy thôi."
Thật ra quen biết lâu rồi, Trần Tranh không phải nghi kỵ mà đơn giản nàng hiểu, về mặt lợi ích Phùng Tá Kiên là người sòng phẳng, anh ta muốn giúp ắt hẳn cũng vì muốn nhờ.
Có điều Trần Tranh không quá đắn đo về chuyện ấy, dù gì anh ta cũng chính là người nàng nghĩ đến khi về Hương quán, trùng hợp sao Phùng Tá Kiên lại tìm đến nàng trước. Tranh thẳng thắn mở lời: "Được. Ta đồng ý. Ta cũng tin tưởng năng lực của anh." Sau đó liền nở nụ cười: "Có điều tiền vốn và thời gian bỏ ra cũng chẳng ít đâu, anh không thể coi nhẹ như một trò tiêu khiển được, sợ thì rút lui bây giờ còn kịp."
Phùng Tá Kiên bật cười, nhưng ánh mắt chứa đầy kiêu hãnh cùng sự kiên quyết: "Đâm lao theo lao, nào có chuyện nửa chừng quay về."
Lúc này, từ trên lầu cao, Phạm Hàn từ từ bước xuống tìm Tranh. Dáng vẻ nàng ấy thanh tao tựa sương sớm, cảm giác mỗi bước nàng ấy đi đều là hoa rơi man mác.
Ngoài trời đã lất phất mưa, không đi sớm thì sợ cơn sẽ nặng hạt. Phùng Tá Kiên cũng đứng dậy chuẩn bị ra về, đến cửa còn không quên ngoảnh lại, tươi cười dặn: "Thiên Thành, hẹn ngày mai nhé."
Người đến người đi như một cơn gió, lại là cơn gió đầu mùa mang theo sự thay đổi của vận khí đất trời.
Phạm Hàn bước tới, nhẹ kéo tay áo Tranh, hỏi: "Thiên Thành, người vừa nãy là ai vậy?"
Trần Tranh đưa ly rượu cho Phạm Hàn, thong thả nói:
"Anh ta tên là Phùng Tá Kiên. Ở đất Thiên Trường, họ Phùng là dòng họ vẻ vang ai cũng từng nghe danh. Việc này phải kể từ vị trọng thần Phùng Tá Chu - một "khai quốc công thần" của triều Trần. Ông ấy được điều về đây từ năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 (1239), coi quản việc xây dựng hành cung Tức Mặc tại đất tổ của họ Trần, được phong đến tước Hưng Nhân đại vương, trở thành một trong số ít thân vương khác họ của triều Trần. Nghe danh năm đó quyền thế của ông ấy chỉ dưới Thái thượng hoàng Trần Thừa và Thái sư Trần Thủ Độ."
"Phùng Tá Kiên là cháu nội của vị trọng thần ấy, đã từng theo cha vào cung nhiều dịp lễ tiết. Vả lại mỗi lần phụ hoàng về làng Tức Mặc thì cũng cho gọi người nhà họ đến hỏi thăm, vậy nên ta và Phùng Tá Kiên quen nhau từ nhỏ. Ngày mai chúng ta sẽ ghé thăm phủ nhà họ."
—-
Cổ nguyệt chiếu phi quan viễn cận,
Thiên phong xuy bất giản cao đê.
Thu quang hắc bạch tuỳ duyên sắc,
Liên nhị hồng hương bất trước nê.
_Thị chúng (II) • Tuệ Trung thượng sĩ_
(Mặt trăng xưa soi nào kể gì xa hay gần,
Gió trời thổi nào chọn nơi cao hay thấp.
Ánh sáng mùa thu đen trắng tuỳ theo duyên sắc,
Nhị sen đỏ thơm, chẳng nhuốm bùn.)
Sáng nay trời quang mây tạnh, không khí lan đầy mùi cỏ thơm, dậy hơi đất ẩm sau mưa.
Phủ nhà họ Phùng kiến trúc độc đáo lại vô cùng tao nhã. Từ ao cá, cổ thụ đến những cột gỗ lớn nhỏ, gạch nung hay đá khảm đều được bài trí tinh tế. Bước chân vào phủ liền thấy an yên tĩnh tại, càng nhìn sâu mới càng cảm rõ khí thế cường thịnh và dụng ý của người thiết kế.
Vốn biết Phùng Tá Chu không chỉ lỗi lạc trong việc triều chính mà còn nổi danh về kiến trúc. Ngoài hành cung Thiên Trường, ông ấy cũng là người coi quản việc xây dựng cung Trùng Hoa và nhiều đền chùa khác. Tiếc là đến Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 10 (1241), Phùng Tá Chu qua đời khi sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao rực rỡ và những ý tưởng lớn vẫn còn đang dang dở. Ngày ông ấy mất, Quan gia còn đích thân đến viếng và liệt ông vào hàng "Đệ nhất công thần".
Trần Tranh không có ký ức về vị trọng thần này, mặc dù người nhà họ Phùng vẫn luôn nói rằng ông ấy rất quý Thiên Thành công chúa.
Hôm nay cũng y vậy, cha của Phùng Tá Kiên lại kể chuyện xưa với giọng đầy tâm tình: "Nhớ khi Thiên Thành công chúa lần đầu về làng Tức Mặc mới chỉ hai tuổi, cha ta có vinh hạnh bế bồng công chúa mà xúc động bật khóc, còn đích thân lên chùa xin vòng ngọc cầu may dâng tặng công chúa. Tiếc là cha ta chỉ có thể gặp công chúa một lần duy nhất ấy."
Bữa cơm này khiến Tranh cảm giác thân thuộc như hồi còn nhỏ hay về đây chơi vậy. Mẹ Phùng Tá Kiên hiếu khách lắm, chốc chốc lại gắp thức ăn cho nàng, đoạn thở dài nói: "Ông trời gieo gió gieo mưa, dạo gần đây rau củ khó trồng, chỉ có rau ngót này là lên được. May mà giờ vẫn có tôm cá đãi công chúa. Tình hình bão sắp về rồi, lúc ấy thức ăn cái gì cũng đắt đỏ khó mua."
Cha Phùng Tá Kiên đồng tình: "Mấy hôm nay thời tiết xấu, lại đúng lúc tình hình chiến sự căng thẳng. Các châu đều huy động quân lương gửi lên Tây Bắc, không biết đã đến nơi chưa. Thật là lo lắng không yên được."
Nghe nhắc đến việc này, Trần Tranh vô thức nắm chặt tay, ánh nhìn đăm đăm, hỏi lại: "An phủ sứ, ngài có nghe tin gì về chiến sự nữa không?"
Cha Phùng Tá Kiên đáp: "Tin cụ thể thì không có, chúng ta ở nhà chỉ biết đóng góp theo nghĩa vụ thôi. Mấy bữa nay ta cũng sốt hết cả ruột vì trời mưa, quân di chuyển cả trú ẩn trong rừng núi ắt là khó khăn gian khổ."
Nói rồi ngài ấy lại quay sang Tranh, ôn hoà bảo nàng: "Thiên Thành công chúa đã về đây rồi thì xin hãy nể mặt ta, ở lại phủ để gia đình ta tiện chăm sóc. Mưa gió bão bùng này công chúa ở quán lỡ có đổ bệnh thì Quan gia trách tội ta cũng khó mà ăn nói."
Mẹ của Phùng Tá Kiên vội tiếp lời: "Phải phải phải. Ta đã sắp xếp gian nghỉ ngơi của công chúa chu toàn cả rồi."
Thấy Trần Tranh yên lặng có vẻ không còn chú tâm vào cuộc trò chuyện mà đang suy tư về điều gì đó, Phùng Tá Kiên gọi nàng: "Thiên Thành. Chuyện kia chúng ta cứ từ từ bàn bạc. Đừng lo nghĩ nhiều quá."
Tranh thu lại ánh nhìn vô định, mỉm cười bảo An phủ sứ và phu nhân rằng nàng cũng muốn ở lại phủ chơi, không vội đi. Có điều lúc này Tranh tò mò hỏi Phùng Tá Kiên: "Lần trước lễ thành hôn của anh, ta cũng có dự, nhưng vẫn chưa được cơ duyên gặp mặt vợ mới cưới của anh. Sao hôm nay chị ấy lại không ăn cơm cùng gia đình vậy?"
"Chuyện này..."_ Cả hai vợ chồng An phủ họ Phùng nhìn nhau e ngại.
Sắc mặt Phùng Tá Kiên trở nên tối sầm như mây mù trước cơn giông, bầu không khí trầm uất nặng nề này là sao đây...
***
Ánh sáng nơi núi rừng lại gắt gao lôi kéo con người dậy tiếp tục tranh đấu. Họ đều biết trận chiến vừa rồi chỉ là mở màn, toàn bộ xốc lại tinh thần trong nửa ngày trị thương điểm quân rồi tiếp tục hành quân tới biên ải châu Quy Hoá. Mất thêm một ngày thì tới nơi, không ngờ toà thành đơn độc vẫn không đủ sức chống chịu, cuối cùng thất thủ sớm hơn dự kiến.
Nghe tin lão trại chủ Hà chiến đấu đến giây phút cuối cùng và hy sinh, gia đình ông ấy bị địch bắt giữ để uy hiếp người dân trong thành, chỉ có người cháu trai Hà Khuất sớm đã chạy thoát. Quân địch chiếm thành, đắp thêm luỹ rào, ắt hẳn đang chờ tiếp viện.
Nhìn từ ngoài vào toà thành toả ra không khí u uất như bóp nghẹt những tính mệnh nhỏ bé giữa núi rừng hoang sơ. Ánh mắt Hà Khuất hằn từng tia máu, trong phút giây nhận tin báo tử, anh ta vô thức lao lên như con thú dữ trong rừng muốn cắn xé con mồi. Trần Quốc Tuấn đứng bên cạnh giữ cánh tay anh ta thật chặt, nhìn vẻ mặt Hà Khuất tràn đầy bi thương.
Thành liền không nên đánh, đánh thành là điều nhà binh rất kiêng. Vì ở thành là nơi chứa lương cỏ khí giới, quân tướng đóng giữ ở đó. Thành ở kề sông lớn, lâu dài bền chắc, chớ có khinh thường. Vả địch dựa vào mặt thành mà đấu, ta ngửa lên mà đánh thì có khác gì đem quân sĩ mà gieo vào đống lửa? Không bằng hãy bao vây mà giữ. (Binh thư yếu lược)
Lê Tần cho rằng đánh thành bây giờ là tối sách, không thể vì mới thắng mà kiêu, quyết định lập dinh trại bao vây, một mặt tiếp tục lên kế hoạch toàn diện, một mặt huy động binh ở châu lân cận, vẫn phải chời thời cơ chín muồi.
Thêm một ngày án binh bất động. Cho đến khi thiếu niên tình báo trở về, Lê Tần gấp rút đón cậu ấy vào trong dinh bàn chuyện chính.
Ánh nến sáng tỏ soi tấm bản đồ rộng lớn vẽ địa hình vùng Tây Bắc và biên cương rõ từng nét mực, giọng nói của thiếu niên thanh, sắc, tốc độ nhanh như để bắt kịp với tư duy của cậu ấy, đúng là tuổi trẻ đầy can đảm và lanh lợi, có thể thu hoạch được nhiều thông tin như vậy từ phía địch. Điều quan trọng nhất đó là việc cậu ấy xác định tuyến đường tiếp viện được canh phòng nghiêm ngặt khi chỉ vào bản đồ với từng vị trí mai phục bẫy.
Sau đó cậu ấy nói: "Có thể còn một số vị trí bẫy chưa tìm ra trong thời gian gấp rút, nhưng vùng này là đường tiếp viện chính của địch, quân ta bố trí tấn công ắt phải cẩn trọng."
Lê Tần vỗ vai hài lòng với chàng thiếu niên trẻ ấy, khen ngợi công trạng, sau đó thầy quay sang hỏi Trần Vô: "Vậy còn quân viện trợ của chúng ta đã tập hợp đủ chưa?"
Trần Vô đáp lời: "Từ khi chúng ta khởi hành thì An phủ sứ châu lân cận đã tập hợp binh lính địa phương chuẩn bị sẵn sàng, xác nhận đang hành quân đến Quy Hoá, trong vòng ngày mai sẽ tập kết đủ tại đây." Trần Vô lại ngước lên nhìn thầy, nói: "Trừ trường hợp thầy muốn họ thay đổi hướng di chuyển."
Lê Tần chống cằm suy nghĩ, không biểu lộ cảm xúc trên gương mặt. Sau đó thầy điềm tĩnh bảo: "Không cần đâu. Chúng ta sẽ chia ra hành động."
Thầy dõng dạc chỉ vào từng khu vực trên bản đồ, ra lệnh:
"Trần Quốc Tuấn liên lạc với Trần Tử Đức phối hợp ngăn chặn quân chi viện đường thuỷ. Trong khi đó, Hà Khuất, anh hiểu rõ toà thành này nhất, chúng ta cần làm cho quân địch rối loạn, vậy nên anh sẽ bố trí đào đường dẫn bí mật vào thành. Cho đến khi cả hai việc hoàn thành thì hãy ra tín hiệu, lúc đó Trần Vô cầm quân chủ lực cùng với viện binh công thành."
Ngừng một chút, Trần Vô đăm chiêu: "Có một vấn đề là chưa biết chặn được quân chi viện không, nhưng lương thực dự trữ trong thành vẫn đủ trong một tháng như lão trại chủ Hà đã nói."
Lê Tần cũng từng suy nghĩ về việc này.
Trần Quốc Tuấn cất lời: "Cho dù họ có đủ lương thực thì nước uống vẫn sẽ phải lấy liên tục, nhất là trong mùa mưa này khi nước dự trữ dễ bị tù đọng."
Nghe vậy, Hà Khuất hiểu ý liền nói: "Trong thành không có giếng nước ngầm, chỉ có một nhánh sông duy nhất cấp nước rẽ từ sông Thao, đồng thời cũng là đường địch đợi quân chi viện."
Ánh mắt Trần Quốc Tuấn phản chiếu lòng kiên quyết: "Được. Cho dù tuyến đường thuỷ ấy quân địch bố trí dày đặc ta cũng phải bằng mọi giá chặn hết nguồn lực của chúng."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top