C12. Chia cách
Nguyễn Hiền chợt ngây ngốc trước câu hỏi của nàng, ánh nhìn thoáng dao động. Cậu ấy ngoảnh mặt về hướng trăng khuyết và khẽ nói: "Tình cảm con người như nước sông chảy qua đất liền chỗ sâu chỗ cạn, thuận theo tự nhiên. Không cưỡng cầu thì sẽ không vướng bận đau khổ."
Trần Tranh nhìn rượu hoa cúc nhạt màu, tự hỏi: "Vậy nên tình cảm của ta quá vị kỷ?"
Trần Tranh nửa muốn phủ định lời Nguyễn Hiền, nửa lại muốn trở nên thấu hiểu và chấp thuận như cậu ấy nói.
Nhưng con người có ai thay đổi trong một sớm một chiều.
Trần Tranh lạnh lùng: "Ngươi bớt nói mấy lời nhàm chán ấy đi. Điều mà Thiên Thành trưởng công chúa ta muốn nhất định phải giành được!"
Nàng đặt vò rượu trên bàn rồi trở về Thuận Ninh cung. Đêm lạnh, nàng cuộn mình trong chăn bông ấm tới tận canh khuya vẫn khó chìm vào giấc ngủ... có phải do rượu hoa cúc đắng cay quá rồi chăng.
---
Ngày xuất quân, tiếng trống hào hùng vang dội từng đợt, quốc kỳ phấp phới tung bay đón nắng lên.
Phàm trống chiêng là để làm uy cho tai, cờ xí là để làm uy cho mắt, cấm lệnh hình phạt là để làm uy cho lòng. Tai sợ uy tiếng, tiếng không thể không trong; mắt sợ uy sắc, sắc không thể không sáng; lòng sợ uy hình, hình không thể không nghiêm. Cho nên nói rằng: Tướng phất cờ thì không ai là không theo, tướng chỉ cờ thì không ai là không liều chết. (Binh thư yếu lược)
Trần Tranh đứng tại lầu Trường Minh dõi theo đoàn quân mặc chiến bào bước đều quả quyết, đầu không ngoảnh lại.
Ánh mắt người trên lầu cao trông theo dáng lưng kiên định của chàng thiếu niên xa dần, chỉ cần nhìn thêm một lần cũng khiến tâm can bị thiêu đốt dưới ánh mặt trời xán lạn, vậy mà lòng không chịu buông, chân không thể bước tới gần, là biệt ly mà chưa từng khởi đầu.
Quân vừa rời kinh thành, Trần Tranh liền từ biệt Quan gia để đi về làng Tức Mặc (phủ Thiên Trường).
Quan gia không cản được Tranh, chuyện này nàng đã xin phép từ lâu rồi. Quan gia chỉ quay sang than trách với lão thái giám: "Con bé vẫn giận ta, ngươi trông gương mặt lạnh lùng của nó đi, tạm biệt cha mà cứ như trút bỏ phiền hà vậy. Thằng bé kia vừa đi nó đã muốn rời khỏi đây rồi. Nó chưa hiểu đâu, người làm cha là phải tính chuyện lâu dài cho con, không chiều theo cảm xúc nhất thời được. Ngươi ở bên cạnh nhất định phải khuyên gián ta không được mềm lòng."
Lão thái giám khéo an ủi: "Lão nô xin vâng lệnh. Quan gia yên tâm, công chúa chỉ về quê tổ dạo chơi ít ngày thôi mà, người ở phủ Thiên Trường sẽ truyền tin đều đặn, lúc đó lão nô lập tức bẩm báo với Quan gia."
---
Từ kinh thành Thăng Long đến phủ Thiên Trường dài hơn 60 dặm. Xe ngựa đi hết một ngày thì gần tới nơi, lúc này trời đã tối, Trần Tranh không muốn đi đêm nguy hiểm nên dừng lại tại một quán trọ.
Quán trọ này không quá xa hoa, chỉ gọi là đáp ứng những vật chất cần thiết. Chiếc giường tre đủ hai người nằm, nhưng ngặt nỗi căn phòng của nàng ở cuối hành lang nên chịu gió thổi mạnh hơn chút, Trần Tranh phải thuê thêm một chiếc chăn bông, cẩn thận trải lên giường cho đỡ lạnh.
Xong Tranh lại thấy Phạm Hàn loay hoay trải chiếu xuống đất, liền hỏi: "Sao phải làm vậy?"
Phạm Hàn ngại ngùng nói: "Về đêm ta thường hay mất ngủ, sợ làm phiền công chúa. Ta chỉ cần có người ngủ cùng trong phòng thôi, còn ta nằm đâu cũng được."
Trần Tranh ngạc nhiên nói: "Nghĩ linh tinh gì vậy! Mau lên giường nằm đi."
Trần Tranh kéo chăn trùm kín tận cổ, Phạm Hàn nằm xuống bên cạnh nàng, ánh nến bập bùng phản chiếu làm tóc mai sáng nhẹ tô thêm vẻ dịu dàng.
Phạm Hàn quay về phía Tranh, khẽ nói: "Cảm ơn công chúa...vì mọi thứ."
Trần Tranh nhìn nàng ấy với ánh mắt chân thành: "Có phải mỗi đêm nàng đều suy nghĩ nhiều lắm không?"
Vết thương là vết thương, không nhắc đến không có nghĩa là đã lành.
Phạm Hàn nghiêng người nắm chặt tay Tranh, ánh mắt tối đi: "Thiên Thành à, ta phải chạy bao xa để thoát khỏi tình cảm với hắn? Ta không chịu được cảm xúc của chính mình, nó ngớ ngẩn tầm thường đến nỗi chỉ muốn vò nát rồi bỏ đi. Vậy mà mọi thứ cứ luẩn quẩn hiện về ám ảnh như bóng ma."
Trần Tranh ôm nhẹ cánh tay nàng ấy.
Có phải trong lòng mỗi người đều sẽ có một đoạn tình cảm khắc cốt, như cây cổ thụ bám rễ thật sâu, dù có sinh trưởng trên đất cằn rất lâu không nhận được một giọt nước nào thì sức sống của nó vẫn phi thường hoàn mỹ. Trần Tranh chẳng biết phải là nỗi tuyệt vọng đến mức nào mới có thể phá hủy chấp niệm của một tình yêu không có được.
Phạm Hàn vùi mặt vào chăn, tiếng nói nhỏ dần: "Người ngủ đi, Thiên Thành, mặc kệ ta."
Trần Tranh ôm chặt lấy nàng ấy.
Đêm tối, ngoài trời gió thét gào. Tiếng khóc ấm ức chưa thôi, Phạm Hàn hỏi: "Có phải ta nên chết đi trong cô độc?"
Trần Tranh đáp: "Ta vẫn ở bên cạnh nàng mà."
Phạm Hàn nói: "Đó là chuyện khác. Thiên Thành à, nếu người là con trai thì tốt."
Trần Tranh ngây người, ánh mắt thoáng ưu tư. Cũng có lúc nàng nghĩ như vậy, vì mẹ của nàng.
Trần Tranh đăm chiêu: "Chuyện của nàng khó mà hoá giải trong ngày một ngày hai được. Nếu thật sự bị số phận đánh gục, nàng đã chọn cái chết ngay lúc đó rồi. Nhưng nàng vẫn theo ta, vậy nên qua thời gian dài nàng sẽ tìm được con đường của riêng mình không bị quá khứ ghì chặt nữa."
Tranh ngần ngại nói tiếp: "Còn chuyện tình yêu thì ta không giúp được nàng. Ta chỉ muốn nói rằng, nếu không được yêu, ta cũng không chọn cái chết."
Phạm Hàn hỏi Tranh: "Nếu công chúa phải gả cho người mình không yêu thì sao?"
"Có lẽ ta sẽ ở Hương quán làm việc suốt để tránh bị phân tâm nghĩ mấy điều tiêu cực."
Nói qua nói lại một hồi, nước mắt Phạm Hàn đã nguôi.
Trong không gian tĩnh lặng, Phạm Hàn lại nhìn Tranh với vẻ tò mò: "Nhắc đến Hương quán...trước đây ta còn tưởng công chúa luôn được Quan gia chống đỡ nên ai cũng phải nể mặt, không ngờ có lần gặp chuyện tranh chấp mà công chúa vẫn phải nhường một phần."
Trần Tranh thản nhiên nói:
"Đấy mới là người thương lượng lợi ích trực tiếp thôi, cả ta và đối phương đều đạt được mục đích mà không làm phật lòng nhau thì mới tồn tại lâu dài được. Còn có những đối thủ đấu đá ngầm tranh giành khách hàng mà đều là các ông chủ lâu năm trên đất kinh thành cơ, họ chẳng gọi là nể nang gì ta đâu."
Phạm Hàn hỏi: "Tại sao lại như vậy?"
Tranh trả lời:
"Khi ta bắt đầu làm ăn thì vẫn còn nhỏ nên mọi chuyện chỉ có thể đứng sau để dì Hạ ra mặt. Một số bên hợp tác lúc đầu là vì muốn ta nói lời tốt về họ trước mặt phụ hoàng. Sau đó quán chúng ta đã rất cố gắng để giữ những mối làm ăn trung thành, chứ nếu ngu ngốc khiến họ rót tiền một hai lần đều thất thoát rút lui thì có trăm mối hàng cũng chẳng đủ."
"Phụ hoàng lại không muốn động tay chuyện này, chỉ mặc ta muốn làm gì cứ làm, nghĩ là chiều chuộng con gái ham vui thôi. Trước đó phụ hoàng tin rằng chẳng bao lâu ta sẽ đóng cửa, ta biết người đã tính đường rào trước cho một vài thương nhân lớn mua lại quán của ta nếu nó sập. Ta còn lâu mới để ngày ấy xảy ra."
Phạm Hàn mỉm cười, nói: "Ta cảm thấy người rất phi thường. Không giống bất cứ ai ta từng gặp."
Tranh đáp: "Nàng cũng là duy nhất mà."
Phạm Hàn hỏi: "Người đã bao giờ nghe ta hát chưa Thiên Thành?"
Tranh lắc đầu, ánh mắt trông đợi. Tiếng hát thanh tao phảng phất nỗi ưu tư khẽ ngân lên trong không gian dịu êm:
"Tình cảm như mưa phùn trút xuống mặt hồ, mãnh liệt dào dạt lại dễ tan dễ mất.
Không chỉ có nắng rực rỡ, mưa trầm ngâm cũng là tuổi trẻ nhiệt thành."
***
Theo quân do thám tình báo về, giặc đang tiến sát ải Lê Hoa. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh Đại Việt hành quân theo sự tiết chế của Lê Tần dọc bờ sông Thao tiến đến vùng biên ải, còn thủy binh và thuyền chở lương đi trên sông theo sự chỉ huy của Trần Tử Đức dàn trận phòng thủ rút lui.
Trấn Đà Giang gồm hai châu là Gia Hưng và Quy Hóa. Khi tối trời, quân mới đi tới châu Gia Hưng, nghỉ lại dựng dinh trại gần nơi nguồn nước dồi dào tiện việc nuôi quân.
Trấn Đà Giang có vị thế hiểm, nằm trong vùng tả hữu sông Đà và một phần của sông Thao. Núi non hùng vĩ phủ một màu xanh thẫm bao trùm tầm mắt, sông trắng xóa nước chảy xiết uốn quanh, trấn thủ biên quan như thế giậu phên giữ vững thượng lưu. Nơi đây vốn là điểm giao thương trù phú, đậu, ngô chất đống; dâu, gai bát ngát thành hàng; xương, ngà, lông, da tràn miền lân cận; vàng, bạc, châu, báu nhiều không đếm xuể, chính bởi vậy nên càng trở thành tâm điểm nổi binh tranh chấp.
Hạ trại lập dinh bán nguyệt, mặt trông ra nơi bằng, lưng và hai bên sườn quay ra chỗ hiểm; có đồn canh để phòng kẻ gian tế, hễ thấy quân phi lâu đánh mõ ứng tiếng, thì quân la khiêu cầm một mồi lửa giơ lên làm hiệu.
Lúc này bầu trời vắng sao sương mờ, trong đại dinh sáng đèn người đang bàn việc quân đứng quanh tấm bản đồ khu vực biên ải.
Lê Tần nói: "Quân Đại Lý đánh như tằm ăn rỗi, mục đích chiếm cứ lấy phần đất biên giới. Đối với thế giặc như vậy phải dùng mưu để đánh bại chúng."
Trần Quốc Tuấn trầm mặc nhìn vào thư cứu viện, nói: "Trại chủ Hà đang cố thủ với giặc. Lương thực trong thành vẫn đủ cho cả tháng, nhưng quân binh chỉ có lực lượng mỏng, nếu 3 ngày sau không có viện binh e là sẽ bị địch phá trận."
Trần Vô gật đầu, đáp: "Mỗi ngày quân đi được 60 dặm, nếu đúng theo tiến độ chúng ta có thể đến vừa kịp lúc. Tuy vậy vẫn có rủi ro địch sẽ chia quân lẻn vào đất rừng núi đánh chặn."
Ba người chuyên tâm suy nghĩ và thảo luận kế tiến công, phòng thủ, ước tính những nơi hiểm yếu và cách bày binh bố trận. Đang dở việc, bỗng một đội trưởng vội vã xin bẩm báo, trong dinh trại có người phát bệnh sốt rét, hiện khó thở và bị co giật.
Lê Tần nói rằng: "Ngươi cắt cử một người thân thiết ở cùng hàng ngũ đưa quân sĩ bị bệnh đến thầy thuốc trong châu để chữa trị, nhớ là người này chỉ đưa đi rồi lập tức quay trở về."
Ánh mắt Trần Vô có phần nghi ngờ: "Ngày mai quân xuất phát, bệnh này không chỉ chữa trong một đêm được. Nếu lưu lại địa phương, sợ là sẽ làm nhụt lòng binh sĩ khi kẻ ở người đi."
Trần Quốc Tuấn bình đạm nói: "Chỉ cần truyền lệnh hễ khỏi bệnh phải lập tức trở về bản dinh, nhập vào quân phòng thủ đang chờ, chậm trễ thì lấy luật hậu kỳ (trễ kỳ hạn) mà xử cả bệnh quân và thầy thuốc lưu chứa. Thiết lập kỷ cương đồng thời tránh hành động quân phiệt khiến lòng quân oán hận."
Trần Vô cười nhạt: "Đây là quân đội, nào phải nơi trông trẻ mà dám trách tướng không chiều ý mình. Binh lính trên đường hành quân, dù hy sinh vì bất cứ lý do gì, ít nhất cũng hơn là trốn vào nhà dân không ra trận."
Trần Quốc Tuấn nhíu mày: "Bệnh này để trong quân truyền bệnh cho nhau thêm chứ ích lợi gì. Hôm nay nếu người rơi vào hoàn cảnh đó là cậu thì ta cũng đưa ý kiến như vậy."
Lê Tần viết tín phiếu đưa cho Trần Quốc Tuấn đến kiểm tra và điều lệnh, đốc thúc lòng quân. Nhìn bóng lưng chàng thiếu niên rời đi, Lê Tần khẽ thở dài, không biết thầy nghĩ điều gì.
Trần Vô biểu đạt tâm tình như người đứng xem múa rối, không phải chuyện liên quan đến bản thân nhưng lại thấy đôi chút thú vị: "Tại sao Quan gia vẫn đưa cậu ta ra trận ngay sau khi cha cậu ta vừa mất? Ai cũng biết chuyện của vương phủ, quân thần đề phòng chưa kịp mà Quan gia lại ném hòn than nóng này cho thầy."
Lê Tần điềm tĩnh nói: "Quan gia tự có suy tính riêng. Hiểu tâm ý người thường đã khó, nói chi ai đoán được lòng vua."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top